Văn học dân gian

CHÂN DUNG CHÚA LIỄU TỪ HUYỀN TÍCH DÂN GIAN ĐẾN CÁC VĂN BẢN HÁN NÔM


10-10-2020

Trong kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện còn hàng chục văn bản ghi chép về Chúa Liễu; tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi thì chỉ có hai văn bản có giá trị nhất đó là cuốn Vân Cát thần nữ lục trong tập Truyền kỳ tân phả của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748) - ký hiệu kho sách Hán Nôm A.48 và cuốn Nội đạo tràng do Nguyễn Tảo tự Pháp Ngôn biên soạn, khắc in năm Thành Thái Nhâm Dần (1902) - ký hiệu kho sách Hán Nôm A.2975.

Truyện tích dân gian về Chúa Liễu đã được Nguyễn Đổng Chi sưu tập trong cuốn Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, và đặc biệt là ở chùm truyện dân gian “Thiên Bản lục kỳ” lưu truyền từ xa xưa trong vùng đất Thiên Bản (tức huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định nay).

Theo nguồn kể dân gian huyện Vụ Bản, thì Công chúa Liễu Hạnh vốn là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì lỡ tay đánh vỡ chén ngọc và tính nết ương bướng, nên đã bị vua cha đày xuống hạ giới, làm con gái nhà dân thường. Chúa Liễu đã hiện thân thành cô gái bán hàng nước ở Phố Cát, Đền Sòng (xứ Thanh). Đây là một cô hàng nước xinh đẹp, rất đỗi hiền lành mà cũng rất đỗi chanh chua. Bởi vậy ca dao xưa còn có câu như lời châm chọc:

Ai lên Phố Cát, Đền Sòng

Hỏi cô hàng nước có chồng hay chưa

Có chồng năm ngoái năm xưa

Năm nay chồng vắng cũng như chưa chồng…

Dân gian truyền rằng, cô hàng nước Đền Sòng, Phố Cát từng nhiệt tình giúp đỡ khách bộ hành lỡ độ đường, nhưng cũng thẳng tay trừng trị những kẻ thích bờm xơm, trêu cợt xằng bậy. Chuyện còn kể rằng, có lần một vị hoàng tử nhà Lê cậy thế sàm sỡ với cô hàng nước này, chẳng những chàng hoàng tử bị cô cự tuyệt, mắng cho té tát mà còn làm cho ốm chết trên đường trở về cung…

Chúa Liễu tuy là tiên giáng trần, nhưng khi mãn hạn về trời, Chúa vẫn nặng lòng với cõi trần. Có lần Chúa đã giáng sinh xuống làng Sóc (xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), tại đây Chúa đã lấy Mai Sinh làm chồng, mà theo lời kể dân gian thì Mai Sinh cũng chính là hậu thân của Đào Lang, chồng cũ của Chúa Liễu (Chùm truyện Thiên Bản lục kỳ).

Cũng với motif “cô hàng nước trẻ đẹp”, bản kể trong Kho tàng cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi lại chép là: Sau khi xuống trần, Liễu Hạnh hóa thân làm một cô hàng nước xinh đẹp, dựng một cái quán ở chân Đèo Ngang. Đây là nơi rừng núi hoang vắng, nhưng là con đường thiên lý Bắc - Nam, nên hàng ngày không bao giờ ngớt khách bộ hành vãng lai, cần nghỉ chân và ghé vào quán nước có cô hàng nước tuyệt đẹp. Khách nào ăn bánh, uống nước rồi ra đi thì không sao, nhưng hễ ai giở trò trêu ghẹo cớt nhả thì đều bị trừng trị, không lăn ra chết thì cũng hóa điên hóa dại.

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, dư luận về cô chủ quán Đèo Ngang xinh đẹp mà đáo để đã vang dội tới tận kinh thành. Một hoàng tử con vua Lê đã giấu vua và hoàng hậu, cùng đoàn thị vệ cải trang vào Đèo Ngang. Chúa Liễu biết trước, đã hóa phép thành cây đào tiên mọc bên vệ đường. Khi đi ngang qua, hoàng tử thấy quả đào thơm ngon đã ngắt xuống toan ăn. Nhưng sắp bỏ vào miệng thì quả đào đã mềm nhũn ra và biến mất. Hoàng tử và cả đoàn tùy tùng đều hoảng hốt, nhưng vẫn tiếp tục lên đường, không nhận ra đó là một dấu hiệu cảnh báo của Chúa Liễu. Khi tới quán nước Đèo Ngang, đoàn người của hoàng tử ai nấy đều sửng sốt trước vẻ đẹp siêu phàm của cô chủ quán. Đêm đó, hoàng tử đã tìm cách ngủ lại quán, và có thái độ lả lơi, sàm sỡ với người đẹp. Nhưng Chúa Liễu đã nhanh trí bắt một con khỉ cái trên núi về, biến hình thành một cô gái đẹp để đánh lừa hoàng tử. Khi vào buồng ngủ, trong ánh đèn mờ ảo lại sẵn hơi men, hoàng tử ôm choàng lấy cô gái đẹp cứ ngỡ đó là cô chủ quán. Nhưng rồi hắn ta bỗng rú lên, vì đang ôm trong tay một con khỉ cái lông lá đầy mình. Đám thị vệ xông vào cứu chủ thì con khỉ lại biến thành con rắn hoa mai bay vụt lên xà nhà, miệng phun phì phì rồi biến mất vào rừng cây. Ngay đêm đó, hoàng tử được đưa về Kinh, trở thành điên điên dại dại. Hoàng hậu hết sức lo lắng, cho mời các ngự y giỏi chữa chạy cho hoàng tử song đều không khỏi. Sau phải sai người vào xứ Thanh xin bùa phép của Bát bộ Kim Cương để chữa trị cho hoàng tử, bệnh tình mới dần dần chữa khỏi. Bấy giờ nhà vua biết chuyện, vô cùng tức giận, vì trong bờ cõi của mình lại có một người con gái dám khinh nhờn phép nước. Tiếp đó, lại có sớ tâu của quan trấn thủ xứ Nghệ cho biết đó là một nữ yêu quái, nếu không có phép cả tài cao thì khó bề thu phục. Vua bèn lệnh cho các pháp sư phù thủy cao tay đi trừ nữ yêu. Lại mời cả Bát bộ Kim Cương phối hợp cùng vào Đèo Ngang bắt nữ quái. Nhưng rốt cuộc cũng không làm gì được Chúa Liễu. Sau Bát bộ Kim Cương phải cầu cứu Phật Bà mới trấn áp được Chúa Liễu đem về nộp cho triều đình.

Tại sân điện, khi vua Lê nghe Chúa Liễu nói là chỉ trừng trị bọn đàn ông tròng ghẹo phụ nữ chứ không phải là gây rối, lại biết Chúa Liễu là con gái Ngọc Hoàng Thượng Đế, nên nhà vua đã tha bổng và khuyên Chúa Liễu không được làm hại dân lành…

Chúng tôi đã trình bày nguồn truyện kể dân gian về Chúa Liễu, qua đó cho thấy cốt lõi của huyền tích là motif một nàng tiên trên thiên đình đánh vỡ chén ngọc, bị Ngọc Hoàng Thượng Đế đày xuống hạ giới, thác sinh vào một gia đình lương thiện, lấy chồng sinh con, rồi hết hạn về trời. Nhưng do nặng lòng trần tục, lại được giáng trần, rồi hiển linh trừ tai giáng phúc cho dân, được dân gian sùng bái thờ phụng…

Từ motif cơ bản này, sách Vân Cát thần nữ lục đã xây dựng thành một tích truyện với nhiều tình tiết hiện thực theo quy luật lịch sử hóa (historisé) truyện dân gian, có thể tóm tắt như sau:

Một người ở làng An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản (nay là Vụ Bản, Nam Định) tên gọi là Lê Thái Công, là người ăn ở phúc hậu. Năm Thiên Hựu, Đinh Tỵ (1557) đời Lê Anh Tông, bà vợ ông có mang đã quá kỳ sinh nở, ốm nặng, không ăn uống gì, chỉ thích hương hoa. Thái Công ngờ có yêu quái, mời thầy cúng không khỏi. Sau có một đạo sĩ phù thủy làm phép cho Thái công được nằm mộng lên thiên đình, được chứng kiến một công chúa phạm lỗi bị đày xuống trần gian… Vừa khi ông tỉnh giấc thì vợ đã sinh một con gái, bèn đặt tên là Giáng Tiên (ý chỉ nàng tiên giáng sinh như Thái Công đã thấy). Giáng Tiên càng lớn càng đẹp như tiên, được học hành đủ thơ văn ca nhạc, giỏi thổi tiêu, gẩy đàn, làm thơ. Năm 18 tuổi, nàng được gả cho Đào Lang, con nuôi của Trần Công. Hai vợ chồng Giáng Tiên sinh được một trai, một gái. Ba năm sau hết hạn đày, đúng ngày mồng 3 tháng 3, Giáng Tiên không bệnh mà mất (tức là nàng đã trở lại cõi tiên), lúc này nàng mới 21 tuổi. Sau khi về trời, trần duyên chưa dứt, Thượng Đế biết ý, lại cho nàng xuống trần và phong làm Liễu Hạnh công chúa. Thăm gia đình bố mẹ, chồng con ít lâu, rồi Liễu Hạnh lại về trời. Tung tích Liễu Hạnh thoắt ẩn thoắt hiện, lúc dưới trần lúc trên trời, không ở đâu nhất định. Rồi ít lâu sau, cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng và cả Đào Lang đều mất. Con cái cũng đã trưởng thành, từ đó Chúa Liễu (tức Công chúa Liễu Hạnh) không còn vướng bận gì nữa, nên đi chu du khắp nơi danh lam thắng cảnh. Ở Lạng Sơn, vào thăm chùa cổ, Chúa Liễu gặp Trạng Bùng nhờ tu sửa chùa. Khi du ngoạn Trường An (Kinh đô Thăng Long) lại gặp Trạng Bùng cùng hai bạn văn Ngô, Lý ở Hồ Tây, Chúa Liễu lại cùng họ xướng họa thơ từ. Sau đó, Chúa Liễu du ngoạn xứ Nghệ, tứi làng Sóc gặp một thư sinh (vốn là hậu thế của Đào Lang - bản kể dân gian trong chùm truyện Thiên Bản lục kỳ là làng Sóc, xứ Thanh, và chàng thư sinh là Mai Sinh), hai bên kết làm vợ chồng, sinh được một trai, rồi thư sinh thi đỗ làm quan. Một đêm nọ, Chúa Liễu nói thật với chồng minh là tiên nữ, đánh rơi chén ngọc bị đày xuống trần, nay duyên đã hết, liền đó nàng bay luôn lên trời. Nhưng rồi nhớ cõi trần, Chúa Liễu lại xin giáng trần lần nữa. Thượng Đế y lời và cho đem theo Quế nương, Thị nương đi cùng. Đến Phố Cát, Thanh Hóa, Chúa Liễu hiển linh trừ họa giúp dân, khiến dân chúng kính phục, cùng nhau lập đền thờ.

Bấy giờ là đời Cảnh Trị (1663-1671) Lê Huyền Tông, triều đình nghe đồn tưởng là yêu quái, bèn sai quân Vũ Lâm cùng các pháp sư đến trừ tai họa cho dân, khiến đền phủ của Chúa Liễu bị phá tan tành. Chúa tức giận, làm cho cả vùng bị dịch bệnh, nhân dân hoảng sợ lập đàn cầu cúng. Chúa hiện thân quát lớn, nói mình là tiên nữ giáng trần, nếu không xin triều đình làm lại đền thờ cho Chúa thì cả vùng không ai sống sót. Nhân dân vội kêu xin triều đình, nhà vua y lời cho xây lại đền Phố Cát, sắc phong Chúa Liễu làm Mã Vàng công chúa. Từ đấy nhân dân cầu gì được nấy. Sau vua đi tiễu trừ giặc, Chúa Liễu có công giúp sức, được gia phong Chế Thắng Hoa Diệu đại vương. Từ đó các nơi đều làm tượng dựng đền thờ Chúa Liễu, khói hương nghi ngút ngàn thu…

Như trên đã nói, một văn bản Hán Nôm thứ hai có liên quan đến Liễu Hạnh công chúa, đó là sách Nội đạo tràng.

Từ 1994, học giả Nguyễn Văn Huyên là người sớm nhất đã nói đến “Nội đạo tràng” với ý nghĩa là “Một trường Đạo sĩ Việt Nam” mà không phải nói về sách Nội đạo tràng một văn bản Hán Nôm. Ông kể về lai lịch của Trường nội đạo theo truyền thuyết dân gian của vùng Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa và hầu như chưa hề đọc chính văn sách Nội đạo tràng do Nguyễn Tảo biên soạn. Cũng có tác giả đã nói đến “Nội đạo tràng” do Phạm Đình Hổ lược thuật trong sách Tang thương ngẫu lục. Nhưng những điều Nguyễn Văn Huyên cũng như Phạm Đình Hổ kể về “Nội đạo tràng” đều không nói gì về Chúa Liễu. Riêng bài viết của Phạm Đình Hổ lại quá sơ sài.

Còn sách Nội đạo tràng chủ yếu nhằm ca ngợi nhóm đạo giao phù thủy có sự pha trộn với Phật giáo mật tông ở xứ Thanh, nhưng khi nói về Chúa Liễu như một đối tượng thù địch, thì vô hình trung lại phản ánh chân dung và vị thế cùng uy phong lẫy lừng của Chúa Liễu.

Chúng ta hãy xem một số đoạn ghi chép về Liễu Hạnh trong sách Nội đạo tràng theo lược thuật của chúng tôi:

Liễu Hạnh là con út Ngọc Hoàng Thượng Đế, lỡ tay đánh rơi chén ngọc, bị đày xuống nước Nam, ở Kẻ Giày, xứ Sơn Nam. Năm 21 tuổi, lấy chồng sinh 2 con. Sau mãn hạn qua đời, biến thành yêu tinh, ai trái ý là bị hại chết luôn. Dân sợ lập đền miếu thờ suốt dọc đường núi xứ Sơn Nam, qua Ninh Bình vào Thanh Hóa. Chúa Liễu thường hiện làm gái đẹp mở quán bán trà nước ven đường núi, kẻ nào dòm ngó đều chết, con số đã hơn 10 vạn người. Vua Lê nghe tâu, sai thầy phù thủy đi trừ, các quân sĩ kéo vào, nửa đường chết hết… Khi vua Lê chúa Trịnh về thăm quê tổ ở xứ Thanh, hoàng thân quốc thích cùng tùy tùng theo rất đông; lúc qua Sùng Sơn, Chúa Liễu sai ma vương, quỷ sứ bắt giữ đoàn xe không cho đi, ai không xuống ngựa bị chết ngay tại chỗ. Vua Chúa đều phải quay lại kinh thành, rất giận, sai bố cáo ai trừ được yêu nghiệt sẽ trọng thưởng. Nhưng ai dám chống lại Chúa Liễu đều bị chết. Sau Vua Chúa phải cầu đến Tiền quan của phái phù thủy Nội đạo cùng hơn ba vạn quân kéo thẳng vào núi Tam Điệp. Tại Sùng Sơn, khi Tiền quan gặp Chúa Liễu, hắn tỏ ra rất mềm mỏng, nói năng dịu dàng, rồi dùng mẹo lấy khăn đỏ thu hết 3000 bí pháp của Chúa Liễu. Nhờ vậy, qua ba ngày đại chiến ở Sùng Sơn, Chúa Liễu đã bị thua lớn, phải bỏ chạy, 200 tòa cung phủ của Chúa bị đốt sạch(1). Còn Chúa Liễu bị bắt giải về triều đình. Nhưng Phật Thế Tôn (Phật Thích Ca) thấy Chúa Liễu nguy khốn đã kịp xuống giải cứu. Tiền quan Tam Thánh vội quỳ lạy. Thế Tôn can rằng “Chúa Liễu là con gái út Ngọc Hoàng, đành là có lỗi nặng nhưng cũng nên tha thứ, để công chúa nhập cửa Thiền cải tà quy chính…”. Tiền quan bèn đưa Chúa Liễu một áo cà sa, một mũ hoa sen để Chúa tu Phật (nay các chua thờ Phật lại có tượng Chúa Liễu thờ ở nhà sau - tiền Phật hậu Thánh là do sự tích này).

Như vậy, chúng tôi đã trình bày hai văn bản Hán Nôm quan trọng nói về huyền tích Liễu Hạnh xảy ra và diễn biên trong thời Lê Trịnh (thế kỷ 16-17), được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ghi  lại vào thế kỷ 18. Tuy nhiên, như truyện kể dân gian mà chúng tôi đã dẫn, thì truyện truyền kỳ Vân Cát thần nữ chắc chắn là đã được biên soạn từ nguồn truyện kể dân gian có trước đó ở vùng Nam Định - Thanh Hóa. Dấu vết còn có thể kiểm chứng qua tình tiết bà vợ Lê Thái Công có mang quá kỳ sinh nở, bị ốm, chỉ thích hương hoa - đó chính là dấu hiệu của sinh đẻ thần kỳ trong folklore, hoặc tên các nhân vật đều là cây cối như kiểu Cô Mơ, Cô Mận trong dân gian. Liễu Hạnh (cây liễu đức hạnh), Đào Lang (chàng trai nhặt được dưới cây đào), các thị nữ như Quỳnh nương (cây hoa Quỳnh), Thị nương (cây Thị), v.v…

Xét về mặt tín ngưỡng dân gian, như tên truyện Vân Cát thần nữ, thì trước hết đây là tín ngưỡng thờ nữ thần. Bản thân Liễu Hạnh là tiên giáng trần, không phải nhân vật lịch sử. Chúa Liễu là tiên giỏi pháp thuật (có tới 3000 bí pháp), biến hóa khôn lường, thu phục được ma quỷ, có đặc điểm như một nữ vu (magicienne). Vì thế, Chúa Liễu là nhân vật thuộc Đạo giáo thần tiên, trong đó hỗn hợp cả Nho, Phật, Đạo.

Tuy nhiên, đó là xét về tục thờ nữ thần theo văn bản chữ Hán Vân Cát thần nữ. Nhưng trong cộng đồng nhân dân nhiều năm nay còn lưu truyền một tín ngưỡng coi Chúa Liễu như một Thánh Mẫu, do đó mà xuất hiện cách gọi “tín ngưỡng thờ Mẫu” trong giới khoa học. Nếu ngay từ những năm đầu công nguyên xứ Kinh Bắc đã có Phật Mẫu Man Nương, thì ngày nay xứ Nam có Thánh Mẫu (Mẫu) Liễu Hạnh cũng là điều hợp lý. Và về văn bản, thì trong tay chúng tôi cũng đang có một bản Nôm “Vân Hương Thánh Mẫu chân kinh”. Như vậy, tục thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian đã có ở nước ta từ lâu đời. Nhân đây, chúng tôi cũng không tán thành cách gọi quá cường điệu là “đạo Mẫu”, bởi theo chúng tôi , tục thờ Mẫu Liễu chưa phải là tôn giáo phổ quát (religions universelles), mà nó chỉ là thứ tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp.

Nói cho hết lẽ, gọi Chúa Liễu là Thánh Mẫu còn có nguyên nhân từ các bài văn chầu. Chúng tôi đã thấy trong kho văn chầu chữ Nôm có các bài về Chúa Liễu như:

  - Tam tòa Thánh Mẫu văn

  - Cửu Trùng Thánh Mẫu văn

  - Địa Tiên Thánh Mẫu văn…

Đã nói đến văn chầu (tức hát chầu văn) thì phải nói đến tục lên đồng - môi trường văn hóa - nghi lễ thực hành loại hình âm nhạc hát văn về Mẫu Liễu. Tra tìm Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn những năm đầu triều Nguyễn, phần tỉnh Nam Định có ghi rõ: Đền Liễu Hạnh - Vân Cát thần nữ ở hai xã An Thái và Vân Cát, huyện Thiên Bản, là tiên giáng thế rất linh hiển, các triều đại đều phong Thượng đẳng thần. Hằng năm, ngày mồng 7, 8, 9 tháng Ba, các xã mở hội tế lễ, có các cô đồng bốn phương đến hầu lễ(1).

Thế là rõ, tục hát văn hầu đồng Mẫu Liễu ít ra đã có từ đầu thời Nguyễn (thế kỷ 19).

Điểm cuối cùng liên quan đến chân dung Chúa Liễu, đó là Chúa Liễu có được xếp hạng vào ngôi vị “Tứ bất tử” hay chưa? Bỏ qua những tranh luận của giới khoa học, chúng tôi căn cứ vào Đại Nam nhất thống chí (Bản dịch đã dẫn) ở phần tỉnh Sơn Tây có ghi rõ: Nước Nam ta có bốn vị nhân thần bất tử là đức Thánh Tản, đức Đổng Thiên Vương, đức Chử Đồng Tử và đức Chúa Liễu Hạnh (thờ ở đền Sòng, Phố Cát, Thanh Hóa, và đền Phủ Giầy, Nam Định).

Như vậy, là vào đầu thời Nguyễn, Mẫu Liễu cũng đã được xếp vào danh mục vẻ vang “Tứ bất tử” trong thần điện nước Nam.

Tóm lại, với các cứ liệu đã dẫn, và với cái nhìn như một sự kiện tổng thể (un fait total) tín ngưỡng, lễ hội, di tích thờ phụng thực hành tín ngưỡng… Chúa Liễu đã hiện diện trước mắt xã hội đương đại như một chân dung đa diện: là Thần nữ, là Tiên, là Phật tử, là Thánh Mẫu, là nhân thần bất tử… Khó mà nói một cách rạch ròi Chúa Liễu là thần tiên hay là nhân thần, chỉ biết hiện vẫn đang tồn tại một tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu đã đi sâu vào cộng đồng xã hội, góp phần không nhỏ vào việc giáo dục hướng thiện, đề cao tư tưởng nhân văn và phát huy tính đa dạng của nền văn hóa dân tộc./.

K.T.H

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020