Văn học dân gian

GIÁO SƯ ĐẶNG THANH LÊ - MỘT NỮ TRÍ THỨC TIÊU BIỂU


09-10-2020

Bạn bè cùng khoá Dự bị Đại học - Sư phạm cao cấp năm 1952 - 1953 ra trường mỗi người một phương. Đến nay nhiều anh đã ra đi. Sớm nhất có lẽ là Trần Đình Hượu, Nguyễn Đức Đàn và gần đây anh Lại Đức Khái. Một vài anh còn sống nhưng đi lại khó khăn, nằm một chỗ, không còn trò chuyện được nữa. Riêng chị Đặng Thanh Lê, anh Nguyễn Xuân Nam và tôi là mấy người nhờ Trời còn khoẻ mạnh được cùng nhau công tác ở khoa Văn Sư phạm trong nhiều năm. Tình bạn, tình đồng môn, đồng chí, đồng nghiệp dài hơn nửa thế kỷ. Với chị Lê, tôi lại có những quan hệ thân thiết đặc biệt. Số là cha tôi là chỗ bạn bè với bác Mai. Hồi kháng chiến chống Pháp những năm 50, tôi thường được ba tôi bấy giờ phụ trách công an dặn mang đến cho Bác những sách báo vùng địch. Cho nên tôi hay qua lại. Nhà bác Mai có một nếp tiếp khách rất đặc biệt, rất “Mạnh Thường Quân”. Ai đến nhà, nhất là bọn học trò chúng tôi đúng bữa là ngồi vào bàn không phải mời mọc khách sáo gì cả. Tôi thường đi bộ từ nhà tôi ở Đức Thọ - Hà Tĩnh sang Phuống (Thanh Chương, Nghệ An) đến trường, đi qua Lương Điền một làng quê vùng sơn cước của huyện Thanh Chương nơi bác Mai ở. Lần nào tôi cũng ghé vào nhà. Đi lại lâu khá thân quen. Có hôm Võ Phi Hồng, Phan Sĩ Tấn và tôi được bác cho cùng đi thuyền từ Phuống lên Rạng. Thầy trò ăn cơm nắm cá kho do bác gái chuẩn bị cho. Tuy nhiên, bấy giờ cũng chưa quen biết chị Lê cho mãi khi vào trường Dự bị Đại học mới thành bạn bè. Tính kĩ thời gian từ khi vào học Dự bị Đại học ở Thanh Chương rồi ra Thanh Hoá học Sư phạm cao cấp rồi cuối cùng về khoa Văn công tác, cho đến nay đã tròn 60 năm.

60 năm cũng khá đủ để hiểu nhau. Biết nhau từ thuở mới đôi mươi bây giờ đã vào quá tuổi cổ lai hi. Bao nhiêu kỷ niệm khi còn là cô cậu sinh viên đến khi đã là Giáo sư ít nhiều tên tuổi… Những buổi học ban đêm ở Ngọc Lệ, ở Cầu Kè, những cuộc chạy máy bay địch, những bữa cơm đạm bạc, những đêm trăng đắp đê phòng lụt, những buổi chỉnh huấn, những ngày đêm cùng nhau đi bộ ngót tháng trời lên Việt Bắc nhận công tác, những buổi hội thảo, những đêm đi đấu tranh chính trị… thời sinh viên rồi… những ngày sơ tán ở Yên Mĩ, những cuộc hội thảo khoa học cởi mở, cả những buổi sinh hoạt tư tưởng căng thẳng... thời ở Khoa Văn… Ngồi vào bàn viết về một người bạn mà bỗng trào dâng trong ký ức bao nhiêu chuyện đáng nhớ. Như đang thức dậy bao kỷ niệm một thời trong trẻo của lớp sinh viên bạn bè và về những bậc sư biểu kính yêu, về đồng bào các miền quê Nghệ An - Thanh Hóa đã cưu mang lớp sinh viên nghèo, về cuộc sống đạm bạc mà trong lành của những ngày kháng chiến đã qua…

Như có lần tôi đã kể Lớp Dự bị Đại học chúng tôi là “lũ người tứ xứ”. Bạn Bình Trị Thiên mặc bà ba đen, bạn Khu V mặc xita màu tro. Các bạn khu IV mặc màu nâu màu xanh... Có anh chị từ vùng địch hậu ra. Có anh đã là huyện ủy viên. Có anh đã là thầy giáo cấp 2. Và một số học sinh chuyên khoa hay lớp 9 (tương đương lớp 12 bây giờ). Đặng Thanh Lê, Trọng Bằng, Nguyễn Phan Quang thuộc đám này. Song dưới con mắt bọn tôi hồi bấy giờ, Thanh Lê có gì đó xa cách. Xa cách vì không cùng đẳng cấp. Con gái Thầy Mai, con nhà “danh gia vọng tộc”. Con gái vị dân biểu cộng sản sáng danh trên chính trường thời Pháp thuộc và là một nhà văn hoá tên tuổi của đất nước kết tinh từ truyền thống Nho học và yêu nước của gia tộc và xứ sở. Thế nhưng càng tiếp xúc càng nhận ra ở người con gái “quí tộc” ấy không có gì kiêu sa. Có lẽ nếp sống gia đình nhân hậu đã hun đúc cho Đặng Thanh Lê một đức tính hoà nhập cùng bạn bè. Hồi đó, bọn tôi lớp sinh viên nghèo ăn uống kham khổ ốm đau chẳng có viên thuốc dự phòng. Nhưng may mắn hễ ai cảm mạo gì là chị Lê mang thuốc cho. Nhiều bạn dân Bình Trị Thiên,  Khu V ra học, xa gia đình thiếu thốn tình cảm rất cảm kích trước những cử chỉ chăm sóc của người bạn gái. Cái đức hạnh của người con gái bao giờ cũng là điều hấp dẫn hơn cả. Lê được nhiều bạn trai quý mến và đã tìm được hạnh phúc lứa đôi truớc ngày ra trường đi nhận công tác. Hôm tổ chức hôn lễ cho hai người vừa tốt nghiệp đại học xong, Thầy Trần Văn Giàu - người chủ hôn đám cưới nói vui: “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”.

Cùng ở khoa Văn hơn mấy chục năm, mỗi người một chuyên ngành song vẫn gần gũi trong sinh hoạt thường kỳ ở Khoa, ở Đảng bộ, nhất là qua những cuộc trò chuyện bạn bè vốn hiểu biết và quý trọng nhau. Đặng Thanh Lê là giảng viên nữ lâu năm của trường, của khoa đã sớm xây dựng được một vị thế đáng nể trọng về nhân cách và chuyên môn. Nhiều bạn sau này hay nói vui một cách kính trọng là “quốc mẫu”. Lãnh đạo Khoa và Trường hay tham khảo ý kiến của chị. Vì chị luôn quan tâm đến phong trào chung, là người có thâm niên cao, đáng tin cậy. Chị luôn có chính kiến riêng, vừa khách quan vô tư, không tư lợi. Chị từng là Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội.

Trong quan hệ xã hội, nhất là trong khoa học, điểm nổi bật đáng kính trọng là Đặng Thanh Lê không cơ hộị, không hữu khuynh. Chị là người luôn nhạy cảm và sắc bén trong việc nhìn nhận những biểu hiện quá đà trong nghiên cúu phê bình văn học. Về một số hiện tượng văn học sau Đổi mới, tuy không phải là chuyên gia văn học hiện đại nhưng chị luôn theo dõi và bày tỏ chính kiến của mình. Gần đây trong việc đánh giá triều Nguyễn… chị luôn có cách nhìn lịch sử khách quan và bày tỏ quan điểm của mình từ những tư liệu khoa học cụ thể.

Là chuyên gia về Lịch sử văn học trung đại và Truyện Kiều, chị đã có những công trình gây được sự chú ý của giới nghiên cứu. Về cuốn Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm in năm 1973, GS Nguyễn Khánh Toàn, GS Đinh Gia Khánh, nhà nghiên cúu phê bình Trương Chính đã có những đánh giá cao công trình đầu tay của Đặng Thanh Lê... Với phong cách làm việc cẩn trọng, khoa học, tác giả đã đề xuất được những kiến giải mới mẻ về thể loại truyện, một lĩnh vực bấy giờ hầu như chưa được mấy chú ý. Tiếp sau công trình nghiên cứu trên, Đặng Thanh Lê đã cho ra cuốn Giảng văn Truyện Kiều. Công trình này bộc lộ khá nổi bật tư duy lí luận và khả năng cảm xúc thẫm mĩ của người viết. Những trang bình giảng về Truyện Kiều vừa có độ sâu của những nhận định khái quát mới mẻ, vừa có được cái tinh tế trong cảm thụ văn chương. Đã có nhiều người luận bình về đoạn Tái hồi Kim - Kiều nhưng Đặng Thanh Lê có những suy cảm riêng… “Nếu như “Tiệc đoàn viên” đã hé mở khả năng tìm về hạnh phúc của Thúy Kiều thì với “Đêm tái hợp” cặp tài tử giai nhân tượng trưng cho tình yêu say đắm đó chỉ còn tìm kiếm được mối quan hệ bè bạn… Tình bè bạn đem đến ánh sáng của trí tuệ, sự đồng cảm của tâm hồn nhưng tình bè bạn không thể có ngọn lửa bừng cháy trái tim như trong tình yêu. Đúng như Kiều đã nói “Sự đời đã tắt lửa lòng…”. Vĩnh viễn hai người không thể tìm lại được cung đàn sôi nổi thiết tha trong đêm thề nguyền và tình tự của 15 năm trước…”

Non sáu mươi năm làm công tác giáo dục, trải qua nhiều cuơng vị khác nhau: Giáo sư chuyên gia về Truyện Kiều, Chủ nhiệm bộ môn Văn học trung đại, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phụ nữ, Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố,... Đặng Thanh Lê đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, tạo được một uy tín về nhân cách và về khoa học.

Nhưng có lẽ công việc điều hành Trung tâm nghiên cứu đào tạo và tư vấn Việt Nam học cho người nước ngoài trong 20 năm lại đây mới bộc lộ một cách đầy đủ năng lực toàn diện của chị về tầm nhìn văn hoá, về độ nhạy cảm chính trị, về khả năng tập hợp đội ngũ trí thức và khả năng điều hành một trung tâm văn hoá có quan hệ rộng rãi trong và ngoài nước. Cách đây hơn 20 năm, khi đất nước bắt đầu hội nhập, Đặng Thanh Lê đã đề xuất với trường việc thành lập trung tâm và đưa trung tâm vào hoạt động ngày càng có kết quả về nhiều mặt văn hoá, giáo dục, hữu nghị. Khoa Văn Sư phạm cũng như trường Đại học Sư phạm Hà Nội do quy chế và cơ cấu tổ chức vốn có hạn chế về khả năng và điều kiện giao lưu quốc tế so với các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Quốc gia và nhiều trường đại học khác. Cùng với một số trung tâm khác, Trung tâm Việt Nam học đã góp phần phát triển mối quan hệ đối ngoại với hiệu quả tốt đẹp. Trung tâm đã thu hút được học viên nhiều nước như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Đức, Italia, Mêxicô, Thái Lan… Trung tâm là một trong những đơn vị tạo nguồn và liên kết đào tạo Tiến sĩ cho nước ngoài (Hàn quốc và Trung Quốc), đã cấp chứng chỉ đào tạo tiếng Việt cho nhiều khóa học viên nước ngoài. Khoảng 15 anh chị em trong Khoa Văn đã được giới thiệu với Trường và Khoa đi giảng dạy tiếng Việt tại hai trường Đại học ở Hàn Quốc. Họ đã được giao lưu với giới khoa học nước ngoài và đã khẳng định được trình độ của đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội… Một phụ nữ sức khoẻ không tốt lắm, bận việc gia đình, vừa phải cáng đáng công việc chuyên môn và khoa học vừa tham gia công tác xã hội… thế nhưng đã điều hành được một trung tâm văn hóa - giáo dục có hiệu quả nhiều mặt như vậy trong suốt 20 năm qua, quả thật là một kì tích, riêng tôi rất nể trọng.

Tôi không làm công việc giới thiệu kĩ càng về khoa học về các công tác của Đặng Thanh Lê, chỉ xin ghi lại một vài cảm nhận chưa đầy đủ về người bạn thân thiết của tôi hơn 60 năm nay. Đặng Thanh Lê đã xứng đáng với truyền thống gia đình, với lòng quý mến của đồng nghiệp, của ngành, của xã hội và đáng vinh danh là một Phụ nữ trí thức tiêu biểu

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020