Bài giới thiệu "Hợp tuyển công trình nghiên cứu văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam"
Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết là mối quan hệ nền tảng trong quá trình phát triển của văn học dân tộc. Đây cũng là mối quan hệ nền tảng làm nên sự phát triển mạnh mẽ của Bộ môn văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam (có khi còn được gọi là Tổ Văn học Việt Nam I) ([1]). Đó là duyên may lớn và cũng là trọng trách lớn của Bộ môn trên hành trình 65 năm nghiên cứu và giảng dạy. Hợp nhất để tạo nên nền tảng, “chụm lại” để “nên hòn núi cao” nhưng phân ngành để làm nên mũi nhọn trong nghiên cứu khoa học, trong đào tạo. Việc biên soạn Hợp tuyển công trình nghiên cứu văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam cũng là một cách viết lịch sử Bộ môn, vừa khoa học, vừa nghĩa tình, vừa thiết thực.
1. Văn học dân gian là một mã ngành đào tạo độc lập ở khoa Ngữ văn - trường ĐHSP Hà Nội. Tuy nhiên từ ngày đầu thành lập, nhóm nghiên cứu giảng dạy Văn học dân gian (VHDG) được tổ chức biên chế chung với nhóm ngành Văn học trung đại Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề mang tính tổ chức, hành chính mà còn liên quan đến những quan niệm về nghiên cứu văn học một thời gian dài và trên thực tế, ở Bộ môn Văn học dân gian và trung đại Việt Nam có nhiều nhà giáo, nhà khoa học đồng thời nghiên cứu cả hai lĩnh vực này. Với riêng chuyên ngành văn học dân gian, ở Bộ môn hình thành các khuynh hướng nghiên cứu chính như sau:
1.1. Nghiên cứu những vấn đề chung về VHDG: Đặc trưng, bản chất, lịch sử - tiến trình văn học dân gian và mối quan hệ văn học dân gian với văn học dân tộc, mối quan hệ VHDG với văn hóa...
Trong bối cảnh nghiên cứu văn học những năm 1960-1970, cùng với truyền thống của folklore học Việt Nam,các nhà khoa học ở bộ môn VHVN1 đã đi sâu nghiên cứu văn học dân gian về phương diện nội dung xã hội và tư tưởng chính trị. Tiêu biểu cho khuynh hướng nghiên cứu này là GS Bùi Văn Nguyên, từ những bài viết sớm nhất cho đến những công trình cuối đời: Hình tượng anh hùng trong truyện dân gian các dân tộc thiểu số miền Bắc (1969), Tìm hiểu thêm ý nghĩa cảnh giác chống ngoại xâm trong truyện “Thánh Gióng” (1978); Việt Nam truyện cổ: Triết lí và tình thương (1991), Việt Nam: thần thoại và truyền thuyết (1993). Tư tưởng và phương pháp luận nghiên cứu đó được GS.TS Nguyễn Xuân Kính định danh là: “Bóc lớp, nhận diện những giá trị, những nhân vật lịch sử, văn hóa vốn có nguồn gốc Bách Việt đã bị đồng hóa hoặc bị xuyên tạc thành của văn hóa Hán, của người Hán” [“Sức sống của một tư tưởng, tinh thần khoa học của GS Bùi Văn Nguyên”]. Tư tưởng học thuật đó cũng đã ảnh hưởng nhất định đến các nhà nghiên cứu trong bộ môn như Nguyễn Nghĩa Dân, Trần Gia Linh, Nguyễn Ngọc Côn, những người mà sau này cũng công bố các bài viết nghiên cứu, đánh giá nội dung tư tưởng của từng nhóm truyện, nhóm tác phẩm, thể loại.
Việc nghiên cứu tiến trình phát triển của văn học dân gian Việt Nam là vấn đề hóc búa của ngành folklore học và trên thực tế đã được xúc tiến thông qua việc xây dựng những bộ giáo trình cũng như một số ít chuyên luận. Điều may mắn là cả hai thành tựu đó đều được ghi nhận ở Bộ môn, với hệ thống giáo trình qua nhiều thời kì và chuyên luận của PGS.Đỗ Bình Trị (1978) Nghiên cứu tiến trình của lịch sử văn học dân gian Việt Nam. Có thể nói, cùng với cuốn Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam của Cao Huy Đỉnh, chuyên luận của PGS Đỗ Bình Trị đã từ một hướng tiếp cận khác, phác thảo diện mạo, dựng lại tiến trình văn học dân gian Việt Nam.
Đồng thời và sau thời kì lấy việc nghiên cứu nội dung, tư tưởng tác phẩm VHDG làm chủ đạo, các nhà khoa học ở Bộ môn bắt đầu những bài viết nghiên cứu về cấu trúc hình thức, đặc trưng thể loại/tiểu loại/ cũng như các phương diện nghệ thuật của VHDG. Có những bài viết tuy ngắn nhưng thực sự là những dấu mốc quan trọng trong việc nghiên cứu đặc trưng, bản chất của quá trình sáng tạo VHDG: Đề tài hôn nhân trong truyện cổ tích thần kì Mường (Đặng Thái Thuyên), Về hiện tượng văn xuôi xen lẫn văn vần trong truyện kể dân gian (Lê Trường Phát), Những đặc trưng cơ bản của văn bản văn học dân gian (Trần Đức Ngôn).... Khuynh hướng nghiên cứu văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian, văn hóa tộc người được gợi mở từ giai đoạn đầu này càng về sau càng có những thành tựu to lớn, với sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới khoa học. Công trình Nghiên cứu văn học dân gian từ mã văn hóa dân gian (Nguyễn Thị Bích Hà, 2014) không chỉ có hàm lượng khoa học cao mà còn gắn với chuyên đề đào tạo sau đại học của bộ môn, có khả năng ứng dụng nghiên cứu trên phạm vi rộng. Trên cơ sở những thành tựu cơ bản của khoa học chuyên ngành và liên ngành, khoa học VHDG Việt Nam ngày càng có điều kiện và cơ hội hội nhập sâu rộng vào quỹ đạo folklore học khu vực và thế giới, cơ sở đào tạo chuyên gia sâu về lĩnh vực này thuộc Bộ môn đã xây dựng được một chương trình gồm 8 chuyên đề cao học Thạc sĩ và 4 chuyên đề NCS Tiến sĩ chuyên ngành VHDG do các GS, PGS của nhóm trực tiếp giảng dạy đã tạo được uy tín cao trong học giới cả nước. Năm 2012, Giáo trình văn học dân gian bộ mới của Khoa Ngữ Văn ĐHSP Hà Nội do GS.TS Vũ Anh Tuấn chủ biên với sự tham gia của tất cả các cán bộ giảng dạy đương nhiệm : PGS.TS Phạm Thu Yến, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng và TS Phạm Đặng Xuân Hương được xuất bản lần đầu, tái bản lần 1 năm 2014, tái bản lần 2 năm 2016. Lần đầu tiên, Những vấn đề chung về văn học dân gian từ lí luận đến thực tiễn đã được biên soạn thành một bộ phận cấu thành theo một kết cấu mới cập nhật hiện đại.
1.2. Nghiên cứu thi pháp văn học dân gian
Trong bối cảnh nghiên cứu thi pháp học phát triển ở khoa Ngữ văn, trường Đại học sư phạm Hà Nội với sự nỗ lực dịch thuật, nghiên cứu, công bố các công trình của GS.TS Trần Đình Sử, nhóm ngành VHDG cũng rất tích cực, hào hứng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên ngay cả trước khi có sự phổ biến của các công trình thi pháp học thì cuốn Thơ ca Việt Nam - hình thức và thể loại có thể coi là cuốn chuyên luận về thi pháp đầu tiên ở nước ta và đã từng được đánh giá cao. Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức (hai tác giả của công trình nghiên cứu) đã trình bày cụ thể và khá sâu sắc lịch sử phát triển của các hình thức thơ ca Việt Nam, trong đó có các thể thơ ca dân gian. Tiếp sau đó, các công trình nghiên cứu bài bản, thống nhất, từ cụ thể đến toàn diện về thi pháp thể loại VHDG ra đời: Thử tìm hiểu nét đặc sắc về thi pháp văn học dân gian Tày qua việc khảo sát một kiểu truyện cổ Tày dạng Tấm Cám (Vũ Anh Tuấn, 1981), Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học dân gian (Đỗ Bình Trị, 1999), Những thế giới nghệ thuật ca dao (Phạm Thu Yến, 1998), Thi pháp văn học dân gian (Lê Trường Phát, 2000), Đặc điểm thi pháp truyện thơ các dân tộc thiểu số (Lê Trường Phát, 1997), Truyện thơ Tày - Nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại (Vũ Anh Tuấn, 2004), Đặc điểm thể loại của sử thi Chương ở Việt Nam trường hợp Chương Han của người Thái - Tây Bắc, (Phạm Đặng Xuân Hương, 2013)...
Trong những thành tựu chung đó, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến những đóng góp của bộ môn trong việc nghiên cứu thi pháp các thể loại văn học dân gian các dân tộc thiểu số. Đây không chỉ là kết quả của quá trình công tác gắn bó trực tiếp với đồng bào miền núi mà còn thể hiện công sức lao động công phu, tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, những phán đoán và dự cảm khoa học nhạy bén để làm nên giá trị của các công trình nghiên cứu của các tác giả Đặng Thái Thuyên, Lê Trường Phát, Vũ Anh Tuấn.
1.3. Tiếp thu, phổ biến, ứng dụng những lí thuyết thành tựu folklore thế giới vào Việt Nam
Bên cạnh những cán bộ nỗ lực học tập trong nước, một số nhà giáo có cơ hội được học tập ở nước ngoài (Nguyễn Tấn Phát, Phạm Thu Yến, Trần Đức Ngôn...). Đây là điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học ở bộ môn có thể tiếp thu thành tựu khoa học tiên tiến, đặc biệt là việc phổ biến và ứng dụng các lí thuyết nghiên cứu folklore thế giới. Trong những năm 80 của thế kỉ XX, những phương pháp nghiên cứu văn học của trường phái Nga – Xô Viết đã ảnh hưởng tích cực đến giới khoa học trong nước. Một trong những lí thuyết quan trọng được giới thiệu ở Việt Nam là nghiên cứu truyện cổ tích theo lí thuyết hình thái học. Cuốn Truyện cổ tích thần kì Việt, đọc theo hình thái học của truyện cổ tích của V.Ja.Propp của PGS Đỗ Bình Trị in năm 2006 đã tổng kết quá trình cá nhân ông dịch, tổng thuật công trình Hình thái học truyện cổ tích; đồng thời tóm tắt, lược thuật những lĩnh vực, thành tựu hình thái học cổ tích có thể ứng dụng được. Trong công trình này, ông đã ứng dụng hình thái học vào việc đọc – hiểu truyện cổ tích thần kì Việt. Có thể nói nhà nghiên cứu Đỗ Bình Trị là người tích cực, nỗ lực dịch, phổ biến lí thuyết hình thái học và công trình Những căn rễ lịch sử của truyện cổ tích. Các công trình của ông vừa mở đầu vừa khép lại quá trình ứng dụng lí thuyết này, xen giữa đó là các công trình sau đại học của Trần Đức Ngôn, Nguyễn Thị Bích Hà và các luận văn, luận án của sinh viên, học viên được thực hiện ở Khoa Ngữ văn – ĐHSP Hà Nội.
Ứng dụng lí luận của trường phái địa lí – lịch sử Phần Lan, với các khái niệm công cụ típ và mô-tip, nhiều cán bộ của Bộ môn đã tiến hành các công trình nghiên cứu khám phá cấu trúc văn bản cũng như chiều sâu nội dung tư tưởng, bóc tách các lớp văn hóa ở các đơn vị truyện kể khác nhau: GS.TS Vũ Anh Tuấn là một trong những người kiên trì và ghi dấu ấn ở hướng nghiên cứu này với nhiều công trình: Suy nghĩ về một số biểu tượng đặc thù trong truyện cổ miền núi (1984), Khảo sát cấu trúc và ý nghĩa một số tyfe truyện kể Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam (1991), Tìm hiểu một cặp mẫu kể dân gian miền núi dưới góc độ loại hình (1992). Sau đó, các công trình nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau lần lượt được công bố. PGS.TS Nguyễn Bích Hà: Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á (1998 ), PGS.TS Nguyễn Việt Hùng : Sự tích Vọng phu và tín ngưỡng thờ đá ở Việt Nam (2011).
Nửa cuối thế kỉ XX, lí thuyết công thức truyền miệng (Oral –formulaic Theory) ra đời ở Mỹ, trở thành một trong những lí thuyết hiện đại và được ứng dụng phổ biến vào việc khám phá bản chất của thơ ca truyền miệng, nhất là sử thi, trong đó những khái niệm công cụ như “công thức truyền miệng – chủ đề - bối cảnh diễn xướng” trở thành phương tiện quan trọng để tìm hiểu bản chất các thể loại folklore. Tuy nhiên, lí thuyết này mới được giới thiệu ít ỏi qua một số bài dịch. Bằng việc công bố luận án Tiến sĩ ngữ văn “Công thức truyền miệng trong sử thi otndrong” (2011), cùng với những bài tổng thuật, nghiên cứu công bố trên tạp chí chuyên ngành, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng đã từng bước giới thiệu và ứng dụng lí thuyết này, mở ra một triển vọng về lí luận và phương pháp nghiên cứu folkore trong giai đoạn mới.
1.4. Gắn công việc giảng dạy với nghiên cứu khoa học, gắn giáo dục đại học với giáo dục phổ thông, gắn nghiên cứu với sưu tầm công bố di sản văn nghệ dân gian.
Nhóm ngành VHDG đóng góp tích cực vào việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình môn học, học phần văn học dân gian trong nhà trường đại học và phổ thông. Từ bộ sách “Lịch sử văn học Việt Nam” những năm 1960 đến hệ thống các giáo trình sau này của các chủ biên Đỗ Bình Trị (1991), Phạm Thu Yến (2000), Nguyễn Thị Bích Hà (2008), Vũ Anh Tuấn (2012)... đã cho thấy tính kế thừa và liên tục phát triển, hoàn thiện các bộ giáo trình đại học. Phần VHDG trong sách phổ thông trước cải cách cũng như sách giáo khoa hiện hành cũng đã được biên soạn bởi các nhà giáo ở Bộ môn. Mở đầu cho việc xác định lại vị trí và nâng cao vị thế VHDG trong nhà trường như hiện nay cũng là một nhà giáo ở bộ môn – một trong các chuyên gia hàng đầu về folklore học Việt Nam Đỗ Bình Trị. Ngay trong sự nghiệp CCGD toàn diện sau thời kỳ đổi mới năm 1987, PGS. Đỗ Bình Trị đã cho triển khai chuyên đề BDTX đối với toàn bộ hệ thống giáo viên ngữ văn PTCS và THPT chuyên đề “ Những vấn đề hiện nay về nghiên cứu và giảng dạy VHDG trong nhà trường”. Năm 1990, mã ngành đào tạo của chuyên ngành VHDG được xác lập và công nhận. Người chấp bút biên soạn SGK phổ thông lần đầu tiên theo định hướng mới đối với phần VHDG là GVC Trần Gia Linh. Năm 1993, sách Giảng văn văn học dân gian ( Vũ Anh Tuấn – Nguyễn Xuân Lạc) được xuất bản, tái bản 1995. Những bài giảng về VHDG từ đây đã được biên soạn lại trong sách Giảng văn văn học Việt Nam xuất bản năm 1997 (tái bản lần thứ 11 năm 2006) và sau đó trong nhiều năm đã trở thành sách công cụ hàng đầu của giáo viên các trường phổ thông trung học. Các công trình “Cẩm nang kiến thức văn học dân gian trong nhà trường” (Nguyễn Việt Hùng, Nxb Giáo dục, 2011), Bộ sách Bình giảng các thể loại VHDG của nhóm tác giả Nguyễn Việt Hùng, Phạm Đặng Xuân Hương đã thể hiện tinh thần ứng dụng khoa học cơ bản với khoa học giáo dục, ứng dụng thành tựu nghiên cứu trong công tác giảng dạy môn VHDG ở trường phổ thông.
Công việc giảng dạy ở trường đại học không cho các nhà giáo có nhiều thời gian để thực hiện nhiệm vụ sưu tầm tư liệu văn học dân gian. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực bền bỉ cũng như đáp ứng yêu cầu của công việc, nhiều cán bộ của bộ môn đã góp phần công bố các sưu tầm VHDG: Truyện cổ Ba Na (1965, Bùi Văn Nguyên), Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam tập I (1964, Bùi Văn Nguyên) và bộ Tư liệu tham khảo văn học dân gian gồm ba tập (1974-1975 Bùi Văn Nguyên chủ biên), Truyền thuyết ven Hồ Tây (1975 Bùi Văn Nguyên), Truyện cổ dân gian Đông Nam Á (1998, Lê Trường Phát), Truyện cổ Bắc Cạn (3 tập, 2000, Vũ Anh Tuấn), Tổng tập VHDG người Việt, tập 3 (2005, Trần Đức Ngôn), Truyện cổ tích về các loài vật (2007, Phạm Thu Yến), 501 câu đố dành cho học sinh tiểu học (2005, Phạm Thu Yến), Đồng dao Việt Nam (2004, Trần Gia Linh). Trong dự án “Sưu tầm, phiên dịch, bảo quản, xuất bản Kho tàng sử thi Tây Nguyên” của Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2001-2007), các cán bộ của bộ môn đã tham gia công tác sưu tầm, biên dịch, giới thiệu sử thi các dân tộc Tây Nguyên: Vũ Anh Tuấn (3 tác phẩm sử thi Raglai), Nguyễn Việt Hùng (6 tác phẩm sử thi Mơ Nông, Ba-Na, Raglai). Trên cơ sở công sức chính của thầy trò hai thế hệ của bộ môn, Tổng tập Khảo cứu Sử thi Ra Glai do GS.TS Vũ Anh Tuấn chủ biên gồm 4 tập đã được xuất bản lần đầu tiên năm 2015.
Nhìn chung, ở mỗi giai đoạn, với số lượng các nhà giáo, nhà khoa học không lớn nhưng chuyên ngành VHDG của bộ môn luôn đạt được những thành tựu nhất định, đóng góp không chỉ cho khoa học folklore mà kết quả nghiên cứu đó còn tác động, tạo hiệu quả trực tiếp đến các thế hệ sinh viên, học viên và giáo viên phổ thông cả nước. Trong một công trình hợp tuyển các bài viết và cả ở lời giới thiệu này, chúng tôi không thể phản ánh đầy đủ những thành tựu nghiên cứu khoa học, những đóng góp trên nhiều phương diện của các nhà khoa học của bộ môn. Tuy nhiên, chúng tôi hi vọng những bài viết này sẽ phác thảo diện mạo riêng, đóng góp riêng của từng nhà khoa học, nhà giáo trong hành trình tồn tại và phát triển của bộ môn, của khoa Ngữ văn trong 65 năm qua.
2. Hành trình 65 năm nghiên cứu và giảng dạy văn học trung đại Việt Nam ở khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm là hành trình tạo ra những hướng nghiên cứu, những phong cách nghiên cứu, là hành trình của sự kết hợp giữa khoa học cơ bản với đào tạo, giảng dạy. Tất cả đã làm nên một bản lĩnh, một bản sắc, một đặc thù của Bộ môn Văn học dân gian và văn học trung đại Việt nam.
2.1. Trước hết là sự hình thành các hướng nghiên cứu lớn
Sự hình thành các hướng nghiên cứu là xuất phát từ nhu cầu nghiên cứu và giảng dạy, là sự tự ý thức của tổ bộ môn, sự tự ý thức của mỗi cá nhân.
GS Lê Trí Viễn là một trong những người mở đường thành công cho hướng nghiên cứu đặc trưng văn học trung đại Việt Nam. Chuyên luận Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996) của giáo sư vừa đặt nền tảng lí thuyết (Khái niệm văn học trung đại, Cảm thức thế giới của con người thời trung đại, Đôi nét về thẩm mĩ Việt Nam) vừa làm sáng tỏ những đặc trưng cơ bản nhất của văn học Việt Nam thời trung đại cả trên bình diện nội dung cảm hứng và nghệ thuật biểu hiện (Tính cao nhã, Vô ngã và hữu ngã, Quy phạm và bất quy phạm). Không dừng lại ở văn học trung đại, chuyên đề cao học Những vấn đề cơ bản của lịch sử văn học Việt Nam của GS Nguyễn Đình Chú đã nghiên cứu một cách sâu rộng toàn bộ lịch sử văn học Việt Nam để chỉ ra những vấn đề cơ bản nhất của lịch sử văn học viết dân tộc. Tiếp nối, kế thừa GS Nguyễn Đình Chú, nhưng không dừng lại ở vấn đề lịch sử văn học, chuyên đề Những vấn đề cơ bản của văn học Việt Nam của GS.TS Lã Nhâm Thìn nghiên cứu một cách toàn diện sự vận động và phát triển của văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại trên những bình diện cơ bản nhất: quan điểm văn học; mối quan hệ văn học viết Việt Nam với văn học dân gian, văn học nước ngoài; phân kì lịch sử văn học; các khuynh hướng cảm hứng lớn; hệ thống ngôn ngữ; hệ thống thể loại. Đi sâu tìm hiểu đặc điểm văn học trung đại Việt Nam, GS.TS Lã Nhâm Thìn nghiên cứu hiện tượng song ngữ với bài viết “Nguyễn Du và hiện tượng song ngữ trong văn học trung đại Việt Nam” (Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du - 250 năm nhìn lại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội).
Nhận thức được tầm quan trọng của thể loại trong văn học trung đại nên hướng nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam theo thể loại trở thành hướng nghiên cứu lớn của tổ bộ môn và đã thu được được những thành tựu lớn. Một trong những người mở đường của hướng nghiên cứu này GS Đặng Thanh Lê với công trình Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm. Tiếp đến, các cán bộ trong tổ, mỗi người chuyên sâu vào một thể loại hoặc thể tài. Với PGS.TS Nguyễn Đăng Na là văn xuôi tự sự chữ Hán (công trình Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại gồm 3 tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, 2000, 2001), GS.TS Lã Nhâm Thìn là thơ Nôm Đường luật (chuyên luận Thơ Nôm Đường luật, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997), PGS.TS Đinh Thi Khang là ngâm khúc, PGS.TS Vũ Thanh là thể loại truyền kì, TS Nguyễn Thị Nương là truyện Nôm, TS Trần Thị Hoa Lê là thơ trào phúng v.v… GS.TS Lã Nhâm Thìn đi sâu tìm hiểu, phân tích một cách hệ thống và khá toàn diện thể loại văn hoc trung đại Việt Nam (Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009).
Bên cạnh hướng nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam theo thể loại là hướng đi sâu vào tác giả. Những tác giả văn học lớn vừa là đỉnh cao kết tinh thành tựu văn học giai đoạn trước, vừa là người mở đường hoặc góp phần mở đường cho sự phát triển của văn học giai đoạn sau. Trong nghiên cứu về tác giả, Bộ môn có chuyên gia số một về Nguyễn Trãi là GS Bùi Văn Nguyên (Văn chương Nguyễn Trãi, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1984), nhà Kiều học hàng đầu là GS Đặng Thanh Lê (Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm, Nxb Khoa học xã hội, 1979; Giảng văn Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1977). Để đảm nhận tốt nhất, cao nhất công tác nghiên cứu và đào tạo, các cán bộ giảng dạy trong tổ, mỗi người đi sâu vào một số tác giả: PGS Hoàng Hữu Yên với tác giả Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, PGS.TS Nguyễn Đăng Na với tác giả Nguyễn Du, Ngô gia văn phái, GS.TS Lã Nhâm Thìn với tác giả Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, PGS.TS Đinh Thị Khang, GVC Trần Quang Minh với các tác giả văn học Lí - Trần, các tác giả Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, PGS.TS Vũ Thanh với tác giả Nguyễn Dữ, Nguyễn Khuyến, TS Nguyễn Thị Nương với tác giả Nguyễn Du, TS Trần Thị Hoa Lê với tác giả Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tế Xương, TS Nguyễn Thanh Tùng với các tác giả Ngô gia văn phái, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ v.v… Hướng đi sâu nghiên cứu tác giả được thể hiện trong các giáo trình văn học trung đại Việt nam của Tổ bộ môn.
Tiếp cận những lí thuyết mới, những hướng nghiên cứu mới, hiện đại, Bộ môn đã hình thành những hướng nghiên cứu theo loại hình học văn học (GS Đặng Thanh Lê với công trình Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm), nghiên cứu liên ngành văn học và văn hóa (PGS.TS Nguyễn Đăng Na với cuốn sách Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam (biên soạn), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006). Vận dụng hướng nghiên cứu này vào giảng dạy là chuyên đề Những phạm trù văn hóa trung đại và sự vận dụng chúng vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam trung đại của PGS.TS Nguyễn Đăng Na, TS Nguyễn Thanh Tùng. Hướng nghiên cứu so sánh văn học của Tổ bộ môn vừa mở ra sự hội nhập giữa văn học Việt Nam với văn học khu vực, vừa làm nổi bật đặc điểm, vị trí của văn học trung đại Việt Nam. GS Đặng Thanh Lê nghiên cứu so sánh Truyện Kiều với Truyện Xuân Hương của Hàn Quốc (Truyện Kiều và Truyện Xuân Hương từ kiệt tác văn học đến sự kiện văn hóa trong đời sống hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc - Tạp chí Văn học, Số 10 năm 1995). PGS.TS Nguyễn Đăng Na, TS Nguyễn Thanh Tùng giảng chuyên đề cao học So sánh văn học và việc vận dụng phương pháp so sánh vào nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam. Vận dụng thi pháp học để nghiên cứu văn học có chuyên đề Thi pháp văn học trung đại Việt Nam của GS.TS Lã Nhâm Thìn v.v… Hướng nghiên cứu liên ngành văn hóa - văn học, nghiên cứu văn học từ góc độ nhân học, góc độ giới được triển khai trong cả các luận án tiến sĩ, luận văn cao học do cán bộ trong Tổ bộ môn hướng dẫn.
2.2. Hành trình 65 năm nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam ở khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm là hành trình hình thành các phong cách nghiên cứu.
Nhìn một cách khái quát, có hai phong cách nghiên cứu chính: nghiên cứu kết hợp với thẩm bình, cảm thụ văn học; nghiên cứu kết hợp với văn bản học. Thuộc nhóm phong cách nghiên cứu kết hợp với cảm thụ, thẩm bình văn học là GS Lê Trí Viễn, GS Đặng Thanh Lê, PGS Hoàng Hữu Yên, GS.TS Lã Nhâm Thìn, PGS.TS Đinh Thị Khang, TS Trần Thị Hoa Lê, TS Nguyễn Thị Nương… Phong cách nghiên cứu này vừa có tầm khái quát của lí thuyết, vừa có chiều sâu cảm xúc, tinh tế trong phân tích tác phẩm văn chương (các bài viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều, về thơ Hồ Xuân Hương của GS Lê Trí Viễn, GS Đặng Thanh Lê, các cuốn sách Đến với thơ hay (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997) của GS Lê Trí Viễn, Giảng văn Truyện Kiều của GS Đặng Thanh Lê, Bình giảng thơ Nôm Đường luật (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002), Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại của GS.TS Lã Nhâm Thìn v.v…). Thuộc nhóm phong cách nghiên cứu kết hợp với văn bản học là GS Bùi Văn Nguyên, PGS.TS Nguyễn Đăng Na, TS Nguyễn Thanh Tùng… Phong cách nghiên cứu này bên cạnh tầm lí luận là những phát hiện về văn bản, sự uyên bác về kiến thức Hán Nôm, về văn hóa trung đại (các công trình Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980), Văn chương Nguyễn Trãi của GS Bùi Văn Nguyên, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Bình Ngô đại cáo: một số vấn đề văn bản học (Tạp chí Hán Nôm số 4/2002), Bình Ngô đại cáo: vấn đề dịch giả và dịch bản (Tạp chí Hán Nôm số 5/2002), Bình Ngô đại cáo: một số vấn đề về chữ nghĩa (Tạp chí Hán Nôm số 2/2005) của PGS.TS Nguyễn Đăng Na, Tuyển tập thi luận Việt Nam thời trung đại (thế kỉ X – XIX) (Nxb Đại học Sư phạm, 2015, TS Nguyễn Thanh Tùng biên soạn) v.v…). Sự phân chia thành hai phong cách nghiên cứu chính như trên chỉ mang ý nghĩa tương đối. Bởi lẽ phong cách nghiên cứu kết hợp với cảm thụ, thẩm bình văn học cũng uyên bác về chữ nghĩa, về lịch sử, văn hóa, tư tưởng thời trung đại; phong cách nghiên cứu kết hợp với văn bản học cũng rất giàu chất nghệ sĩ.
2.3. Hành trình 65 năm nghiên cứu và giảng day văn học trung đại Việt Nam ở khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm là hành trình của sự kết hợp giữa khoa học cơ bản và khoa học sư phạm.
Sự kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy đã làm nên bản sắc riêng và tác dụng thực tiễn lớn của các công trình nghiên cứu, từ những công trình tập thể của Tổ bộ môn đến những công trình cá nhân của các tác giả. Có thể thấy điều này qua các bộ giáo trình, các sách chuyên luận, sách tham khảo, các bài báo, tạp chí, các báo cáo tại hội nghị khoa học. Về giáo trình, có các cuốn Văn học Việt Nam (từ thế kỉ X đến giữa thế kỉ XVIII) (Nxb Giáo dục, 1989) của các tác giả Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Sĩ Cẩn, Hoàng Ngọc Trì, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX (Nxb Giáo dục, 1990) của các tác giả Đặng Thanh Lê, Hoàng Hữu Yên, Phạm Luận, Văn học trung đại Việt Nam, Tập 1, Tập 2 (Nguyễn Đăng Na chủ biên) (Nxb Đại học Sư phạm, 2005, 2007), Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam, Tập 1 (Lã Nhâm Thìn chủ biên), Tập 2 (Lã Nhâm Thìn, Vũ Thanh đồng chủ biên) (Nxb Giáo dục Việt Nam, 2011, 2015). Về sách chuyên luận, sách tham khảo có Giảng văn văn học trung đại Việt Nam (Hoàng Hữu Yên chủ biên) (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994), Giảng văn Truyện Kiều của GS Đặng Thanh Lê, Chuyên đề Văn 9 (Nguyễn Đăng Na, Lã Nhâm Thìn…) (Nxb Giáo dục, 1996), Bình giảng thơ Nôm Đường luật, Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại của GS.TS Lã Nhâm Thìn v.v… Về bài báo, tạp chí, báo cáo khoa học: Bài kệ của Trưởng lão Mãn Giác (Tạp chí Hán Nôm số 4/2011), Bài Quốc tộ của Quốc sư Pháp Thuận (Hội thảo Phật giáo với văn hoá, Văn học, Hà Nội, 2011) của PGS.TS Nguyễn Đăng Na; "Lạ hóa" và "quen thuộc hóa" trong giảng dạy văn học trung đại Việt Nam (Kỉ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc: Đổi mới phương pháp dạy học văn và tiếng Việt ở trường trung học cơ sở, 1996), Tiếp cận và dạy - học văn học trung đại Việt Nam ở nhà trường phổ thông (Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam (Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức. Nxb Đại học Sư phạm, 2013) của GS.TS Lã Nhâm Thìn v.v…Do có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học cơ bản và khoa học sư phạm, các công trình nghiên cứu đã đáp ứng được nhu cầu của những nhà khoa học, những nhà giáo từ phổ thông đến đại học.
Với phương châm Đại học sư phạm phải đi cùng và đi trước phổ thông, nhiều cán bộ trong Tổ bộ môn (phần văn học trung đại Việt Nam) là chủ biên, là tác giả của Sách giáo khoa (SGK), Sách giáo viên (SGV) ở phổ thông: GS.TS Lã Nhâm Thìn là tác giả SGK, SGV Ngữ văn 8, Ngữ văn 9, là chủ biên và tác giả phần Văn học SGK, SGV Ngữ văn 10, Ngữ văn 11 (tập 1); PGS.TS Nguyễn Đăng Na là tác giả SGK, SGV Ngữ văn 10, Ngữ văn 11 (Nâng cao)…
Từ nghiên cứu đến giảng đường, từ giảng đường đến nhà trường phổ thông, đó là con đường để những công trình nghiên cứu về văn học trung đại Việt Nam ở khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội bớt đi “màu xám của lí thuyết”, hướng tới “cây đời mãi mãi xanh tươi”.
*
Hợp tuyển công trình nghiên cứu văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam chỉ là một phần, dù là phần tuyển chọn cũng không phản ánh hết được tầm cao và vóc lớn của Tổ bộ môn, của khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm trên hành trình 65 năm xây dựng và phát triển. Hợp tuyển công trình nghiên cứu này vừa ghi nhận thành tựu một chặng đường đã qua, vừa tạo động lực, kinh nghiệm cho những chặng đường kế tiếp. Điều quan trọng là Hợp tuyển công trình nghiên cứu văn học dân gian và văn học trung đại Việt Nam có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với các nhà khoa học, các thầy cô giáo trong nghiên cứu và giảng dạy.
Hà Nội, tháng 9 năm 2016