Văn học dân gian

Vi Hồng và hệ thống tác phẩm được dân gian hóa


09-10-2020

Trong đội ngũ nhà văn viết về miền núi, Vi Hồng là cây bút có hệ thống tác phẩm đồ sộ. Cho đến nay, về số đầu sách đặc biệt là tiểu thuyết, chư­a có nhà văn dân tộc thiểu số nào v­ượt qua đ­ược ông. Không chỉ ở số lư­ợng, văn xuôi Vi Hồng còn đáng chú ý ở cái nhìn và cách viết với những đặc điểm riêng. Nhận diện tổng quan, thế giới nghệ thuật của Vi Hồng là một thế giới nhuốm màu cổ tích, huyền thoại, đầy những chuyện trái ngang, đen tối như­ng vẫn bay bổng, trữ tình. Đó là một miền núi đ­ược dân gian hoá.

Có thể lí giải điều này bằng tiểu sử của nhà văn. Sinh thời, Vi Hồng làm nhà giáo suốt 28 năm, từng là chủ nhiệm bộ môn văn học dân gian ở trư­ờng Đại học Sư phạm tỉnh Thái Nguyên. Do nghề nghiệp và tình trạng sức khoẻ yếu, ông ít có điều kiện thâm nhập thực tế cuộc sống (đặc biệt những năm cuối đời) nên viết văn chủ yếu dựa trên t­ưởng t­ượng, hư­ cấu với một nghị lực và khả năng sáng tạo phi thường. Màu sắc dân gian, phong vị dân gian trong hệ thống tác phẩm của ông có ngọn nguồn từ đó. Nó vừa là cái riêng, vẻ đẹp, đồng thời cũng là hạn chế của văn xuôi Vi Hồng.

Đặc điểm nổi bật nhất trong hệ thống tác phẩm của Vi Hồng là cái nhìn hiện thực và con người miền núi luôn ở thế lưỡng cực với hai tuyến thiện, ác mang tính dân gian. Trên thực tế, câu chuyện về cái thiện và cái ác đã xuất hiện từ xa xưa trong văn học cổ và sẽ còn là chuyện của muôn đời. Trong kho tàng truyện cổ dân gian các dân tộc, người Kinh thường hình dung cái ác ở hình tượng mụ dì ghẻ, quỷ sứ, với người Tày là mụ Dạ Dìn và lũ ngù ngưởc chuyên ăn thịt người nhưng lại luôn hoá thành con trai, con gái xinh đẹp. Do ảnh hưởng của hai nguồn văn hoá dân gian Kinh - Tày cùng quan niệm rằng “Phận sự của nhà văn miền núi là làm sao giúp cho dân tộc mình canh chừng với kẻ ác, cái ác. Nó được ngụy trang dưới muôn hình vạn trạng. Người miền núi thật thà, ngây thơ dễ mắc lừa như họ đã từng bao lần chịu thảm hoạ trước cái ác” (1) mà trong thế giới nghệ thuật của mình, Vi Hồng nhìn đâu cũng thấy nổi cộm lên cái ác và cái thiện. Trong văn học hiện đại, không riêng Vi Hồng mà một số nhà văn như Ma Văn Kháng, Cao Duy Sơn cũng viết về cái ác, cái thiện, nhưng chưa ở đâu, trong tác phẩm nào, mật độ cái ác lại dày đặc và biểu hiện của nó lại ghê gớm như trong những truyện của Vi Hồng. Tư duy dân gian, quan niệm dân gian đã khiến Vi Hồng cường điệu, phóng đại quá mức cái xấu, cái ác trong tác phẩm của mình. Trong thực tế khó có thể tìm được một con người xấu xa như Ba trong Người trong ống, Đoác trong Vào hang. Ác đến mức không còn có thể ác hơn, tính cách của Ba được đẩy đến tận cùng của sự nham hiểm, đê hèn, vô ơn, bất hiếu. Sự tráo trở, xảo quyệt được y nâng lên thành nguyên lí sống: "Cái gì không có bắt nó phải có, cái sai bắt nó đúng và ngược lại. Cái phi lí bắt nó có lí và ngược lại. Cái không có tạo ra cái có và ngược lại" (Người trong ống). Cuộc đời của Đoác cũng là một chuỗi mắt xích những thủ đoạn như Ba, mất hết tính người, y còn ác hơn loại người ác trong các truyện cổ tích: tẩm thuốc độc vào gạo cho người tình ăn để rũ gánh nợ, gửi thịt độc và nấm độc cho vợ và con ăn để được rảnh thân một mình hưởng thụ, bố trí cho kẻ xấu cưỡng đoạt con gái mình... Điều đáng nói ở đây là tội ác không phải được sinh ra từ sự tối tăm, mông muội - Ba là một trí thức, cán bộ lớn của trường đại học, còn Đoác là bí thư đảng ủy xã. Nghĩa là, nguồn cội cái ác không liên quan gì đến môi trường, hoàn cảnh, mà “có những kẻ ác từ trong máu. Chất ác độc ở từng hạt hồng cầu” (Vào hang), đó là quan niệm mang màu sắc duy tâm về con người của Vi Hồng. Quan niệm dân gian được đưa vào thời hiện đại khiến nhiều lúc Vi Hồng có cái nhìn khá đen tối về xã hội. Trong Vào hang, thế giới miền núi ông miêu tả thuộc về “một thời đảo lộn”, "cuộc đời đầy rẫy những ô trọc, phản phúc điên đảo", không chút le lói về sự dân chủ, công bằng. Trong tiểu thuyết này và cả tiểu thuyết Chồng thật vợ giả, sống giữa thời cộng sản mà có những người phải đưa nhau lên hang trên núi ở, thậm chí ăn lá ngón tự sát để trốn tránh cái ác trong xã hội. Nếu như trong các tác phẩm Vãi ĐàngĐất bằngNúi cỏ yêu thương ra đời vào thập kỉ 80 của thế kỉ trước, bộ mặt của cái ác còn chưa thực sự gớm ghiếc, thì sang thập kỉ 90, cái ác đã đi đến tận cùng giới hạn của nó. Ngoài hai gương mặt quỷ là Ba và Đoác, còn có Hỷ trong Gã ngược đời, Sa và An trong Lòng dạ đàn bà, Ma Chàn trong Đi tìm giàu sang… Những con người thiện, phái thiện luôn có mặt trong cuộc chống chọi vĩnh cửu với cái ác, nhưng ở những tác phẩm ra đời trong thập kỉ 90 của Vi Hồng, do sự tập trung đặc tả cái ác, nhìn chung cái thiện được khắc hoạ mờ nhạt hơn. Có thể lí giải điều này bởi hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm, đó là những năm đầu thời kì đổi mới với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” được mở ra từ 1986. Luồng gió đổi mới vừa khơi dậy đã thổi bùng ở Vi Hồng cảm hứng vạch trần cái ác, nâng đỡ cho quan điểm mang tính tuyên ngôn nghệ thuật của ông: "Các trang viết của tôi là những lời tâm tình cùng các dân tộc miền núi, trước hết với người Tày rằng: hãy yêu thương và biết yêu thương những cái đẹp, nhất là những con người đẹp, cao cả, đồng thời đem hết sức mình ra trừ diệt cái ác, kẻ ác" (2). Trong cuộc đấu tranh, dù có lúc cái thiện trở nên yếu ớt bạc nhược trước cái ác, nhìn chung mọi tác phẩm (trừ tiểu thuyết Vào hang) đều kết thúc có hậu, nghĩa là thiện thắng ác, đẹp thắng xấu. Đây cũng là khát vọng dân gian, giấc mơ cổ tích muôn đời.

Một đặc điểm nữa làm nên nét riêng trong hệ thống tác phẩm của Vi Hồng là hiện tượng một số nhân vật được dân gian hoá cùng những môtíp, chi tiết mang nặng tính dân gian. Những yếu tố này đã mang lại ít nhiều một không khí huyền thoại xa xưa trong các tác phẩm. Ngay từ Vãi Đàng (ra đời năm 1980), lối kể chuyện đã mang hơi hướng huyền thoại với hình tượng cô Đàng dẫn cha mẹ bỏ mường ra đi trong đêm tối mịt mùng, tìm đường về phía mặt trời mọc, tìm nơi có "nước trong, đất phẳng, lòng người rộng". Mười năm sau, đến Người trong ống (1990), lối kể này được lặp lại với nhân vật Tú, con người giữa đêm tối mang gươm ra đi tìm chân trời mới. Ở những tiểu thuyết sau của Vi Hồng, sự cổ tích hoá nhân vật còn được đẩy cao hơn nữa. Nếu như trong truyện dân gian, Bụt và tiên xuất hiện để thử lòng, ban phép màu và giải cứu cho người tốt khi họ gặp bước nguy khốn, thì Lả trong Lòng dạ đàn bà và Nọi trong Đi tìm giàu sang là một biểu hiện phục cổ rõ rệt trong văn xuôi hiện đại. Họ tham gia vào tác phẩm với vai trò của những người tiên giáng thế, lại như những liệt nữ cải dạng để giúp đời trong các truyện xưa. Chi tiết phi lí được chấp nhận ở đây như một sự giả định mặc nhiên. Môtíp truyện dân gian còn tái hiện trong những cuộc đọ tài trí giữa Eng Háo và Ma Chàn xem ai xứng đáng là chồng Nhình Hỷ (Đi tìm giàu sang), đặc biệt sự xuất hiện của yếu tố thần kì, hoang đường như cái thác nước biết tuôn ra của cải cho người tốt, tuôn ra cỏ lá cho kẻ tham lam, hay cô Lả cao thượng đến nỗi cho bệnh viện khoét một mắt để hiến tặng con mắt đó cho người chồng mù từng phụ bạc mình (thời gian, bối cảnh của truyện được tác giả đặt vào những năm cuối thế kỉ XX) (Lòng dạ đàn bà)... khiến cho những tiểu thuyết này trở thành những truyện dân gian đích thực của thời hiện đại. Tính dân gian còn chi phối quan niệm đạo đức trong cách xây dựng nhân vật của tác giả. Trong Người trong ống, Tú được xem là nhân vật thiện, thậm chí còn là con người lí tưởng, một nhân cách không gì có thể khuất phục. Vì quyết theo đuổi hoài bão cao đẹp của đời mình mà con người này đã khước từ mọi cám dỗ, cự tuyệt tình yêu tha thiết của Ai Hoa - người con gái yêu kiều khuê các, bỏ mặc nàng chết thê thảm trên đồi. Trong cái nhìn nhân bản của thời hiện đại, ở khía cạnh nào đó có thể xem Tú là loại người ích kỉ, đạo đức giả, thậm chí một kẻ giết người. Cái gọi là thiện tính của anh ta có độ gián cách lớn với hiện thực sinh động của cõi nhân thế. Nó là sản phẩm của cổ tích, cũng như Tấm giết Cám một cách man rợ nhưng vẫn được coi là thiện, bởi đó là ước mơ công lí của nhân dân.

Con người trong truyện cổ dân gian thường là những con người không có đời sống nội tâm, và mọi hành động cũng như sự thành bại của họ thường không phải là hệ quả của sự vận động tự thân với tính cách, tâm lí, tư duy của chính họ, mà được quyết định gián tiếp bởi ước mơ, khát vọng của nhân dân thông qua sự can thiệp trực tiếp của thần, Phật. Nhiều nhân vật tiểu thuyết của Vi Hồng có đặc điểm gần như vậy - chúng là công cụ phục vụ cho ý đồ tư tưởng gắn với những quan niệm mang tính dân gian của tác giả, trở thành những con rối do tác giả giật dây hành động mà không có quy luật nội tại của bản thân. Cuộc đời của Ba, Đoác là phép cộng giản đơn của hàng loạt hành vi tội ác do tác giả thoả sức “lập trình” mà thiếu những căn nguyên sâu xa từ cả bên trong và bên ngoài nhân vật. Sự hi sinh đến độ phi lí của Lả, sự kiên định đến mức “không bình thường” của Tú cũng chỉ là sản phẩm duy ý chí của người viết. Cuối tiểu thuyết Đi tìm giàu sang, nhà văn còn điều khiển đám nhân vật thực hiện những hành động, quyết định hoàn toàn không tuân thủ lôgic tâm lí và lôgic hiện thực: vốn không hề yêu ké Háo lại đã từng yêu con trai ông ta nhưng Nhình Hỷ chủ động đến tỏ tình với ké Háo để ông ta đỡ lẻ loi; ké Háo vốn là kẻ không ra gì lại đang khát tình như khát nước nhưng bỗng trở nên cao cả đến mức từ chối Nhình Hỷ và bắt cô ta trở về với chồng cũ Ma Chàn; Ma Chàn từng đang tâm giết vợ bỗng đột ngột thành tâm hối hận, ăn năn. Sự sắp đặt chủ quan này chỉ là thao tác mô phỏng cho cái khát vọng muôn thuở của loài người là ở hiền phải gặp lành, con người phải hoàn lương hướng thiện, mọi việc phải kết thúc trong đoàn viên tốt đẹp. Điều đó cho thấy sự chi phối của văn học dân gian ngày càng nặng đối với tác phẩm Vi Hồng, ngay ở thời điểm văn học Việt Nam đã có những đổi mới mạnh mẽ về nhiều mặt. Về bản chất nghệ thuật, những tác phẩm như Lòng dạ đàn bà (1992), Đi tìm giàu sang (1995) rất xa với chủ nghĩa hiện thực theo quan niệm cổ điển, càng xa với hiện tượng “nhân vật nổi loạn” từng xuất hiện như là sự thành công trong các tác phẩm ưu tú thuộc phương pháp sáng tác này.

Nói như vậy không có nghĩa là mọi sáng tác của Vi Hồng ít có giá trị hiện thực. Nhìn vào toàn bộ tác phẩm của nhà văn dân tộc Tày này có thể thấy bên cạnh những tiểu thuyết nặng tính dân gian còn có những truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết tươi đậm những mảng chất liệu đời sống như Vãi ĐàngĐất bằngNúi cỏ yêu thươngĐuông ThangNgười làm mồi bẫy hổĐường về với mẹ chữ. Trong những tác phẩm này, phong tục tập quán, thực tiễn lao động, học tập, sinh hoạt và tình yêu của người Tày, cả thế giới muông thú nhiều bí ẩn… hiện lên sinh động và hấp dẫn. Dễ thấy rằng trên những trang viết ấy nhà văn sống với hiểu biết và sự trải nghiệm của mình nhiều hơn là tưởng tượng. Dấu ấn độc đáo của văn xuôi Vi Hồng là nét vẻ đằm thắm, trữ tình được gợi lên từ những kỉ niệm máu thịt đượm hồn dân tộc mà nhà văn đã trải qua, ở thiên nhiên ấm áp, bảng lảng hương vị miền núi với cơn mưa bột trong Đất bằng, tiếng chim sam péc, anh tài trong Núi cỏ yêu thương... Lẫn trong những hình nét hiện thực, thiên nhiên đôi khi cũng nhuốm màu huyền thoại: “Nước toé loe thành bông, thành nụ rồi rơi rào rào xuống vực tạo thành cơn mưa rào muôn thuở. Cứ sáng sáng mặt trời lên khỏi núi thác nước Nước Hang Rơi lại xuất hiện cầu vồng bảy sắc huyền ảo lung linh” (Lòng dạ đàn bà). Trong miêu tả thiên nhiên, màu vàng kim được Vi Hồng ưa dùng, đó là thứ màu cổ tích: “Một trời Nậm Đáo sóng sánh ánh trăng tưởng như bắt nắm được mà vắt mà nặn thành những lâu đài bằng vàng” (Núi cỏ yêu thương); “Nắng tháng giêng vàng xuộm, lát mỏng mảnh trên những cành cây. Khu rừng trở nên quang quẻ, óng ánh. (…) Thỉnh thoảng mới có vài giọt nắng in thành từng đồng xu vàng trên mặt đất ẩm ướt” (Đất bằng)… Sự giao thoa giữa hai sắc màu hiện thực và dân gian trong cả hình tượng con người và hình tượng thiên nhiên đã đem lại cho thế giới nghệ thuật Vi Hồng một không gian vừa thực vừa hư, vừa trần trụi nghiệt ngã vừa mơ màng, trong sáng, bay bổng. Không hẳn là một hiện thực như nó vốn có, cũng không trùng với dạng hiện thực huyền ảo xuất hiện khá nhiều trong văn học hiện nay, mà là cái nhìn thực tại bằng con mắt cổ tích của riêng Vi Hồng.

Trong cả đời viết, Vi Hồng luôn đi vào những khía cạnh thiết thực của hiện thực miền núi: chống phong kiến, định canh định cư, vai trò người trí thức dân tộc, sai lầm của kinh tế hợp tác xã một thời, quyền tự do luyến ái của thanh niên… Giá trị hiện thực càng được nâng cao khi qua một số tác phẩm từng gây xôn xao dư luận đầu thập kỉ 90, nhà văn đã đề xuất được những vấn đề có ý nghĩa xã hội và nhân sinh khá sâu sắc. Ông cũng để lại trong tác phẩm của mình không ít câu văn hiện đại cả về ngôn ngữ và tư duy, trong đó bộc lộ những suy nghĩ, cái nhìn rất thẳng thắn, mạnh bạo về tầng lớp lãnh đạo và cơ chế xã hội với sự thiển cận, ấu trĩ của nó. Mô hình kinh tế hợp tác xã, sự ngăn cấm làm giàu cá thể, quan niệm lệch lạc và ngu dốt về chủ nghĩa xã hội… được đề cập, phơi bày một cách khá sinh động và minh bạch. Đây là điều hiếm lạ ở một nhà văn dân tộc thiểu số, cho thấy tầm nhìn và sự bén nhạy với thời cuộc của một cây bút biết thừa hưởng thời cơ “cởi trói” cho văn nghệ đầu thời kì đổi mới. Tuy nhiên, yếu tố dân gian vẫn len lỏi thấm vào nhiều phương diện ở hầu khắp các tác phẩm của Vi Hồng, và càng về cuối lộ trình sáng tạo, xu hướng dân gian hoá càng rõ nét ít nhiều đã kéo con đường nghệ thuật Vi Hồng rời xa bến bờ của hiện đại, đồng nghĩa với việc hạn chế thiên chức và khả năng khám phá sự thật của văn chương. Đây là điều đáng tiếc cho văn nghiệp Vi Hồng.

Một nét đặc trưng làm nên cái riêng của văn xuôi Vi Hồng, là các nhân vật của ông thường đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ của thơ ca. Đó là hình thức “nói với nhau theo đường ong bay hoa nở”, “theo lối nói trai thanh gái nụ” (Lòng dạ đàn bà) mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Tày. Thực chất đây là sự tiếp thu hình thức lượn giao duyên (dân ca) và phuối pác (hay phuối rọi - một kiểu nói có vần dùng trong giao lưu nam nữ hàng ngày hoặc trong sinh hoạt lễ hội của người Tày). Lối nói này xuất hiện ở mọi ngữ cảnh, quan hệ giao tiếp trong tác phẩm, nhưng chủ yếu giữa các nam nữ thanh niên bởi Vi Hồng là cây bút có sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ này và luôn ưu ái cho vị trí của họ trên trang viết. Trong lời đối đáp của nhân vật, các hình ảnh "hoa", "quả", "ong" thường xuyên xuất hiện, trở thành phương tiện biểu đạt chính cho câu chuyện tình ái của con người (tương ứng với “mận”, “đào”, “thuyền”, “bến” trong ca dao của người Kinh). Ngay cả khi nhân vật là người nước ngoài (trong tiểu thuyết Người trong ống, Ai Hoa là người dân tộc Miao ở Trung Quốc), Vi Hồng cũng để nhân vật nói theo lối ấy: “Em thấy anh là con bướm lớn khoẻ đi ngang đồng, con ong cần mẫn đi ngang rừng. Hoa em muốn bướm anh đậu, nụ em muốn ong anh đỡ dậy sắc xuân, không biết anh nghĩ thế nào?”. Sự ứng đối nhịp nhàng như dân ca giao duyên thường được dùng khi trai gái nói những lời đưa đẩy, ướm lòng nhau: “Nhưng anh nghe bảo con chim hoạ mi đẹp nhất của mường Nặm Đút đã vương phải bẫy thòng lọng tơ mành xe bảy xe ba. Con cá lí ngư mường Nặm Đút đã cắn phải câu phao câu bật…” (lời chàng trai); “Chim hoạ mi đã nhìn thấy con mồi, nhưng hoạ mi chưa lao vào thách đố cho nên chưa vương phải thòng lọng tơ vàng bảy sắc. Lí ngư có thấy mồi kẻ câu cá nhưng lí ngư còn kén chọn cho nên lưỡi câu có oan nghiệt cũng chưa kịp móc vào số phận” (lời cô gái) (Lòng dạ đàn bà). Lối nói cường điệu, khoa trương cũng mang lại một nét thú vị cho ngôn ngữ giao tiếp của nhân vật: “Mường anh quả có nhiều cái lạ cái đẹp. Nước mường anh nước trong nước ngọt giặt quần áo không cần xà phòng vẫn trắng. (…) Cá mường anh không đánh cũng được ăn. Cá tự nhảy lên bờ lên bụi, có khi còn tự nhảy lên chảo vào nồi. (…) Mường anh lại có quả cam to bằng cái trống, năm người ăn không hết, mười người thì vừa đủ…” (Lòng dạ đàn bà). Không chỉ ngôn ngữ nhân vật mà ngôn ngữ trần thuật trong tác phẩm của Vi Hồng cũng thường mang tính khuôn sáo, ước lệ với cách gọi cách ví quen thuộc như "trai thanh gái nụ", "trai non gái trẻ", “tuổi hoa tuổi nụ” hay "sung sướng bằng ông trời", "đẹp như một nàng tiên"... Tục ngữ, thành ngữ tham gia khá phổ biến vào lời kể và lời thoại, như  “- Mẹ ơi, mẹ đừng để cái buồn về con đè nặng bốn chân tay mẹ. Mẹ đừng để hồn mẹ thắt gan chim sẻ, treo ngược chim ác là…” (Núi cỏ yêu thương) làm tăng dân tộc tính cho ngôn ngữ tác phẩm. Tất cả những cách nói bay bướm, hoa mĩ hình thành từ các phương thức so sánh, ẩn dụ, ngoa dụ, đối xứng… vốn là những yếu tố nghệ thuật dân gian lâu đời này xuất hiện với tần số cao khiến văn xuôi Vi Hồng có nồng độ chất thơ cao nhất trong sáng tác của mọi nhà văn dân tộc thiểu số. Nhìn theo hướng tích cực, có thể thấy "Ngôn ngữ anh dùng đẹp như thơ, vừa trau chuốt, vừa xiết bao gần gũi với lối nói của người Tày" (3) như có người đã nhận xét về Vi Hồng. Xét từ hoàn cảnh sáng tác, được nuôi dưỡng trong một cộng đồng mà từ lời ăn tiếng nói hàng ngày đã mang tính thơ, việc các tác giả văn thơ Tày chịu ảnh hưởng sâu sắc của diễn ngôn dân gian là điều tự nhiên, dễ hiểu. Tuy nhiên, cái gì thái quá cũng thành nhược điểm. Trên thực tế, không có nhà văn nào lạm dụng cách nói này như Vi Hồng. Đó là ngôn ngữ được (bị) dân gian hoá.

Nhìn lại toàn bộ quá trình sáng tác, có thể khẳng định phẩm chất hiện đại của văn xuôi Vi Hồng thể hiện qua những vấn đề gắn với hiện thực của dân tộc, đất nước mà nhà văn đề xuất. Nhưng về cơ bản, tư duy dân gian đã chi phối mọi phương diện trong tác phẩm của ông, từ kết cấu, cốt truyện, nhân vật đến ngôn ngữ, chi tiết. Nhà nghiên cứu Lâm Tiến cho rằng, “cách viết của Vi Hồng vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa dân gian vừa bác học, vừa truyền thống vừa hiện đại. Nhưng thường là cái lãng mạn lấn cái hiện thực, cái dân gian lấn cái bác học, và cái truyền thống lấn cái hiện đại” (4). Đây là một nhận định xác đáng. Chịu ảnh hưởng sâu sắc các nguồn folklore Tày, Kinh như dân ca, truyện cổ và các phương thức tu từ, văn xuôi Vi Hồng là biểu hiện tích cực nhất, triệt để nhất của sự kế thừa truyền thống, kế thừa di sản văn hoá, văn học dân gian trong văn xuôi dân tộc và miền núi.

                                                                                                                P.D.N

 

Tài liệu tham khảo:

(1) (2) Vi Hồng, Vi Hồng tuyển tập văn, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2005, tr.9, 8.

(3) Nhiều tác giả, Nhà văn các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb Văn hoá dân tộc,   Hà Nội, 1988, tr.151.

(4) Lâm Tiến, Cách viết tiểu thuyết của nhà văn Vi Hồng, Tạp chí Non nước Cao Bằng, số 3, 2006.

…………………………………………..

 

@ Nhà văn Phạm Duy Nghĩa

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

NCS Viện Văn học

Địa chỉ: Ban Lí luận phê bình - Tạp chí Văn nghệ Quân đội

ĐT: 0915.352.778

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020