Văn học dân gian

Nghiên cứu văn hóa bằng phương pháp luận nhân học biểu tượng


09-10-2020

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nghiên cứu văn hoá[i] là một loại hình công việc đặc thù chiếm một vị trí quan trọng trong khoa học xã hội ở Việt Nam: Với hai trường Đại học Văn hoá (ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh), hàng chục khoa/ngành văn hoá học ở các trường đại học khác và hàng chục viện, phân viện nghiên cứu văn hoá trên cả nước cùng các bộ, sở, ban, ngành… văn hoá từ trung ương đến địa phương có chức năng quản lý và nghiên cứu văn hoá. Điều đó cho thấy số lượng đông đảo những người làm công tác văn hoá, trong số đó, những người làm công việc chuyên về nghiên cứu văn hoá cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên có một nghịch lý hiện đang diễn ra nhưng dường như chưa được quan tâm một cách thoả đáng: Những người làm công tác văn hoá ở Việt Nam nói chung và các nhà nghiên cứu văn hoá nói riêng chưa được tiếp cận một cách đầy đủ các phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu khoa học, thậm chí có nhiều người làm văn hoá nhưng chưa hề biết đến phương pháp nghiên cứu văn hoá là gì(!). Câu hỏi chúng ta cần đặt ra ở đây là: Những người làm công tác văn hoá và những nhà nghiên cứu văn hoá sẽ làm gì và làm như thế nào với với một đối tượng hết sức đa dạng, trừu tượng và rộng lớn như văn hoá nếu không nắm được phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu văn hoá?

Trên thế giới “đã có nhiều ngành khoa học khác nhau nghiên cứu văn hoá như triết học văn hoá, xã hội học văn hoá, các ngành văn hoá nghệ thuật, đặc biệt là nhân học văn hoá. Trên thực tế lâu nay đã có một tổ hợp khoa học khác nhau được gọi là các khoa học về văn hoá (les sciences de la culture)”. [ii] Và ở Việt Nam, trong thế kỷ XX vừa qua, các nhà nghiên cứu văn hoá chủ yếu sử dụng các lý thuyết và phương pháp tiếp cận văn hoá dựa trên các trường phái lý thuyết của các ngành khác. Điều này cho thấy nghiên cứu văn hoá là một chuyên ngành chiếm vị trí quan trọng ở Việt Nam nhưng tại sao lại không/chưa có hệ thống phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu của riêng nó? Nội dung của chuyên luận này sẽ đề cập đến một phần câu hỏi nêu trên, tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn và rất quan trọng nên chắc chắn không thể giải quyết trong nội dung của một tham luận nhỏ này.

Như chúng ta đã biết, một ngành khoa học độc lập cần phải vận hành trên cơ sở đối tượng nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, phương pháp và phương pháp luận… của riêng nó. Nhưng nghiên cứu văn hoá hiện nay lại chủ yếu sử dụng các “công cụ khác ngành”, đặc biệt là phương pháp và phương pháp luận của nhân học và nhân học văn hoá.[iii] Tuy nhiên, với thực tế của Việt Nam, nhân học văn hoá (vốn bắt nguồn từ tây Âu và Mỹ) mới chỉ thực sự đến được với các nhà nghiên cứu một cách phổ biến vào đầu thế kỷ XXI và nó mới được chính thức công nhận là một chuyên ngành khoa học xã hội được cấp phép đào tạo với mã ngành 62 31 65 01 năm 2002[iv]. Điều đó cho thấy sự tiếp cận muộn màng của khoa học xã hội Việt Nam với một chuyên ngành khoa học quan trọng trong nghiên cứu văn hoá. Tuy nhiên, dù được tiếp cận một cách muộn màng nhưng lại có lợi thế của “người đi sau” nên các nhà nghiên cứu văn hoá ở Việt Nam có thể lựa chọn được những hướng đi thích hợp với đối tượng, phạm vi, mục đích và phương pháp nghiên cứu nghiên cứu của mình. Chúng tôi sẽ trở lại với nội dung này trong chuyên mục 1.2.

Trong nội dung của chuyên luận này, chúng tôi sẽ không trình bày những nội dung chi tiết của nhân học văn hoá và vai trò của nó với nghiên cứu văn hoá ở Việt Nam mà sẽ chỉ lược qua một số vấn đề cơ bản của chuyên ngành này để tiếp cận với một đối tượng cụ thể hơn đó là các biểu tượng văn hoá. Nghiên cứu các biểu tượng văn hoá đã được nhiều ngành khoa học đề cập đến từ lâu (như triết học, ngôn ngữ học, nghệ thuật học, ký hiệu học...) trong hệ thống lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của từng ngành. Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu các biểu tượng dưới góc nhìn nhân học văn hoá thì nhân học biểu tượng chính là một phân ngành có hệ thống phương pháp luận và lý thuyết cụ thể nhất. Mục đích của chúng tôi ở đây là tìm kiếm trong vô vàn cách thức và phương pháp tiếp cận nghiên cứu văn hoá một phương pháp luận cụ thể để nghiên cứu một đối tượng cụ thể, đó là các biểu tượng văn hoá. Thông qua đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh tới vấn đề phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu văn hoá để các nhà nghiên cứu và sinh viên của khối ngành này chú trọng hơn tới vấn đề mang tính nền tảng này. Nói cách khác, tham luận này sẽ đề cập (và cả đề cao) cách sử dụng thành thạo “một loại công cụ” nghiên cứu trước khi chúng ta có thể sử dụng thuần thục nhiều loại công cụ khác trong vô số loại công cụ để thực hiện công việc chính của mình, đó là nghiên cứu văn hoá.

 

I. CÁC LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN VĂN HOÁ

Trên thực tế, nghiên cứu văn hoá là công việc chung của nhiều ngành khoa học khác nhau (như văn học, xã hội học, triết học, tâm lý học, ngôn ngữ học, nhân học,v.v…) nhưng có cùng một đối tượng nghiên cứu, đó là văn hoá. Sự khác nhau giữa các ngành khoa học này chính là ở phương pháp tiếp cận  tiếp cận phương phápVới một đối tượng nghiên cứu vô cùng rộng lớn như văn hoá thì khó có thể tồn tại một lý thuyết hay một phương pháp luận duy nhất để giải quyết mọi vấn đề có liên quan. Do vậy, nghiên cứu văn hoá cần một hệ thống phương pháp nghiên cứu khoa học có tính liên ngành và đa ngành. Theo đó, các nhà nghiên cứu văn hoá sử dụng cơ sở lý thuyết trong ngành khoa học chuyên sâu của mình (chẳng hạn như dân tộc học, xã hội học, triết học, tâm lý học, ngôn ngữ học, nhân học,v.v…) làm phương pháp tiếp cận nhưng họ có thể sử dụng một hoặc nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau để tiếp cận đối tượng nghiên cứu, đó chính là cách tiếp cận phương pháp. Nắm vững những vấn đề này sẽ giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận đối tượng nghiên cứu của mình một cách độc lập hơn và dễ dàng hơn.

 

1.1. Một số phương pháp tiếp cận truyền thống trong nghiên cứu văn hoá ở Việt Nam

Ở Việt Nam, nghiên cứu văn hoá là một thuật ngữ hàn lâm mới chỉ được nhắc tới trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nhưng sự thực là công việc này đã được thực hiện từ nhiều thế kỷ trước bởi quan lại của các triều đình phong kiến như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Dương Văn An… và các danh sĩ như Đoàn Triển, Nguyễn Tông Quai, Phạm Đình Hổ, Phan Kế Bính... Tuy nhiên đó mới chỉ là những ghi chép, khảo tả về các thành tố lịch sử, địa lý, văn hoá mà chưa có hệ thống phương pháp hay phương pháp luận cụ thể mang tính hàn lâm như cách thức nghiên cứu của phương Tây cùng thời[v]. Chỉ đến khi người Pháp đến cai trị và thiết lập nên các thiết chế khoa học hàn lâm theo mô hình phương Tây như Viện Viễn Đông Bác cổ, Viện nghiên cứu Con người Đông Dương, Đại học Đông Dương, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương… thì một nền khoa học hàn lâm của “xứ Đông Dương thuộc địa” mới thực sự bắt đầu. Viện Viễn Đông Bác cổ chính là viện nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam có chức năng nghiên cứu văn hoá theo hướng hàn lâm. Kể từ đây, Việt Nam mới chính thức có một cơ quan hàn lâm chuyên nghiên cứu về các vấn đề văn hoá, nghệ thuật, chính trị, xã hội, tôn giáo…

Sau khi giành được độc lập năm 1945, thừa hưởng những thành quả khoa học mà người Pháp để lại, Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia có nền khoa học và giáo dục hàng đầu trong khu vực. Có thể nói đây là một giai đoạn “thịnh vượng” trong quá trình phát triển của khoa học xã hội[vi] ở Việt Nam với những tên tuổi lớn như Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố, Tạ Quang Bửu, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh… Nhưng rồi cuộc chiến tranh với người Mỹ đã khiến cho nền khoa học có tầm cao và chiều sâu nhưng lại quá non trẻ của Việt Nam gặp khủng hoảng - khủng hoảng ý thức hệ. Nền khoa học Việt Nam kể từ đây đi theo hai khuynh hướng khác nhau:

- Miền bắc chịu ảnh hưởng từ Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa;

- Miền nam chịu ảnh hưởng tây Âu và Mỹ.

Quá trình này kéo dài suốt mấy thập niên khoảng từ giai đoạn bắt đầu chiến tranh chống Mỹ (1954) cho đến giai đoạn “đổi mới” (1986). Thậm chí sau giai đoạn đổi mới - mở cửa - hội nhập tới 20 năm thì nhiều bộ môn khoa học xã hội và nhân văn đương đại của thế giới vẫn chưa được chúng ta tiếp nhận một cách chính thức vì sự khác biệt về ý thức hệ. Những bộ môn cơ bản của khoa học xã hội và nhân văn chuyên nghiên cứu văn hoá mới được “cấp phép đào tạo” gần đây nhất ở Việt Nam như nhân học văn hoá (mã ngành 62 31 65 01) và nhân học xã hội (mã ngành 62 31 62 01) được coi như bước “đột phá” mới của khoa học xã hội ở Việt Nam trong việc tiếp cận nền khoa học xã hội và nhân văn của thế giới đương đại mặc dù nó đã ra đời cách nay hàng thế kỷ(!).[vii]

Dựa vào các khuynh hướng trên chúng ta có thể có một cái nhìn khái quát về nghiên cứu văn hoá giai đoạn này với hai xu hướng như sau:

1-     Xu hướng chịu ảnh hưởng từ Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa (tạm thời xin được gọi chung là xu hướng đông Âu);

2-     Xu hướng chịu ảnh hưởng từ tây Âu và Mỹ (tạm thời xin được gọi là xu hướng phương Tây).

Có thể nói mỗi xu hướng này đều có những mặt mạnh và mặt yếu của riêng chúng nhưng điều cần thiết là dù đi theo khuynh hướng nào cũng cần phải hướng tới cái đích cuối cùng là chân lý khoa học, mà chân lý khoa học thì không có sự phân biệt là đông hay tây. Hiện nay hai xu hướng này vẫn song hành tồn tại ở Việt Nam và đã có những sự kết hợp hài hoà giữa hai xu hướng trên nhưng bên cạnh đó cũng luôn tiềm ẩn những xung đột nội tại. Theo chúng tôi, sự tồn tại của những xung đột này chính là ở vấn đề phương pháp tiếp cận và  tiếp cận phương pháp.[viii] Để giải quyết những xung đột đó không thể thông qua “tự tranh luận” mà điều cần thiết là chúng ta cần phải sử dụng các hướng tiếp cận khoa học đương đại của thế giới.[ix]

 

1.2. Các hướng tiếp cận đương đại trên thế giới đối với nghiên cứu văn hoá

Nhìn chung, các khuynh hướng khoa học có cùng mục tiêu luôn có xu thế ngày càng thống nhất với nhau. Điều này không chỉ đúng với khoa học tự nhiên mà còn cả trong khoa học xã hội. Vì vậy những sự phân loại đối với các khuynh hướng nghiên cứu văn hoá mà chúng tôi nêu ra dưới đây cũng chỉ mang tính tương đối. Đặc biệt trong một thế giới toàn cầu hoá như hiện nay thì những ranh giới đó càng trở nên mờ nhạt.[x] Trong các hướng tiếp cận đương đại trên thế giới hiện nay đối với nghiên cứu văn hoá thì hệ thống lý thuyết nghiên cứu của xã hội học và nhân học hiện đang được sử dụng nhiều nhất[xi]. Trong bản tham luận này chúng tôi chỉ mong muốn đưa đến cho độc giả những thông tin mang tính khái quát bằng các mô hình. Ở đây chúng tôi chọn mô hình của Alan Barnard (H1) vì tính đơn giản và dễ nhận biết của nó. Nhưng trên thực tế thì những thông tin được Alan Barnard đưa ra ở đây cũng không thể được coi là đầy đủ. Vì vậy mà chúng tôi bổ sung thêm một mô hình khác trong Bách Khoa thư tiếng Anh (Britannica) (H2). Kết hợp hai mô hình này chúng ta có được một cái nhìn tổng thể về những trường phái lý thuyết cơ bản nhất và cũng là quan trọng nhất mà chúng tôi muốn giới thiệu trong tham luận này.

  

 

 

Một số trường phái lý thuyết đương đại

Trường phái Xã hội học Pháp. Trên thực tế, trường phái xã hội học Pháp (xem nhánh 1 trong sơ đồ của Alan Barnard) là một trường phái lý thuyết nghiên cứu đã được hình thành lâu đời ở Pháp với hệ tư tưởng xã hội của Baron de Montesquieu (1689-1755). Các nhà khoa học sau Montesquieu như Auguste Comte, Emile Durkheim, Marcel Mauss, Claude Levi-Strauss… tuy là những nhà xã hội học nhưng những lý thuyết nền tảng của họ lại là tiền đề của nhân học hiện đại sau này. Chẳng hạn nhà xã hội học người Pháp Marcel Mauss được gọi là “cha đẻ của dân tộc học Pháp” (theo George Condominas) còn một nhà xã hội học người Pháp khác Claude Levi-Strauss lại chính là “cha đẻ” của nhân học hiện đại trên thế giới(!).

- Trường phái Nhân học văn hoá Anh - Mỹ. Như đã đề cập ở trên, việc phân chia các trường phái lý thuyết của chúng tôi không nhằm mục đích xác định những thuộc tính cá biệt của các đối tượng được chia, mà mục đích chính là để có được một cái nhìn toàn cảnh về nhân học văn hoá nói riêng và nghiên cứu văn hoá nói chung. Có thể nhận thấy nhân học văn hoá phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn mà nền học thuật của Anh và Mỹ đã gần như hoà vào nhau làm một.[xii] Vì vậy, sự kết hợp/đan xen của hai trường phái này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng có những khác biệt có thể nhận thấy của hai trường phái nhân học Anh và Mỹ như: nhân học Anh bắt nguồn từ nền tảng của các nhà sưu tầm dân tộc học (từ John Mc Lenan đến Bronilav Malinowski), còn nhân học Mỹ là sự tổng hợp các trường phái học thuật để hình thành nên hệ thống lý thuyết của nhân học hiện đại từ các nhà tư tưởng mà trong số đó có những gương mặt nổi bật của các nhà khoa học gốc Đức như Fran Boas, Alfred Kroeber...

 

- Nghiên cứu văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá. Hiện nay trên thế giới đang diễn ra một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử văn minh của nhân loại, đó là quá trình toàn cầu hoá. Xuất phát từ những bước tiến vượt bậc của khoa học công nghệ, quá trình toàn cầu hoá đã tác động đến mọi mặt đời sống của con người như kinh tế, chính trị, xã hội, nghệ thuật… đặc biệt là văn hoá. Hiện tượng này vừa mang tính tự nhiên lại vừa mang tính xã hội, nó chi phối hầu như tất cả mọi hoạt động của con người và quốc gia chấp nhận tham gia tiến trình đó.[xiii] Toàn cầu hoá văn hoá là một hiện tượng mang tính hai mặt hết sức đặc thù, nó vừa mang lại những lợi ích to lớn cho con người và văn hoá nhưng lại chính là tác nhân có thể huỷ hoại các thành tố văn hoá có giá trị cao được tích tụ từ ngàn đời một cách nhanh chóng. Cho đến nay chưa có một chuyên ngành khoa học nào có thể đưa ra được một giải pháp thoả đáng hay một hệ thống lý thuyết và phương pháp luận tối ưu để giải quyết vấn đề này. Phải chăng đây chính là lúc các nhà nghiên cứu văn hoá có thể xác lập được một lãnh địa riêng về vấn đề phương pháp luận để có thể xây dựng một ngành khoa học chuyên biệt có tên gọi văn hoá họcCâu hỏi ngỏ này xin được đưa ra đây để các nhà khoa học cùng bàn luận.

Một số lý thuyết quan trọng trong nghiên cứu văn hoá

- Thuyết duy vật (Materialism) là một quan niệm triết học và xã hội học, về căn bản, thuyết duy vật coi mọi sự vật đều có cấu tạo từ vật chất và mọi hiện tượng đều là kết quả của sự tương tác vật chất. Thuyết duy vật được Karl Marx và Friedrich Engels hoàn thiện và phổ biến thành một trong những học thuyết vĩ đại nhất trong kinh tế, chính trị, xã hội… của các quốc gia đi theo hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Trên cơ sở thuyết duy vật của Marx và Engels, Marvin Harris (1927-2001) đã xây dựng nên một học thuyết mới, sử dụng trong khoa học xã hội và nhân văn có ảnh hưởng khá mạnh trong thế kỷ XX. Trên nền tảng triết học của Marx và Engels, Marrvin Harris đã sử dụng các nghiên cứu nhân học văn hoá của Herbert SpencerEdward TylorLewis Henry MorganLeslie White và Julian Steward cùng với các học thuyết về tiến hoá văn hoá (cultural evolution) và sinh thái văn hoá (cultural ecology) để tạo dựng  nên một  học thuyết  mới với tên gọi Thuyết duy vật văn hoá. Điều này đánh dấu sự trở lại của thuyết tiến hoá luận và đã tạo nên một trào lưu khá mạnh đối với nghiên cứu văn hoá bằng quan điểm duy vật.

- Thuyết đặc thù văn hoá (Cultural Particularism) là một trong những hệ lý thuyết nhân học hiện đại đầu tiên được Fran Boas và một số học trò của ông như Alfred KroeberRuth BenedictMargaret Mead… tạo dựng. Về cơ bản, học thuyết này nhấn mạnh đến tính đặc thù của mỗi nền văn hoá không phân biệt giữa phương đông và phương tây, giữa hiện đại và bản địa… Học thuyết này giúp các nhà khoa học xã hội và nhân văn tránh được những định kiến về sự “chậm tiến” của các bộ tộc/bộ lạc lạc hậu bởi nó đề cao tới vấn đề bản sắc văn hoá (cultural in itself)[xiv] của mỗi nền văn hoá. Đây cũng chính là cách mà Fran Boas và những người theo trường phái của ông phản ứng lại thuyết tiến hoá văn hoá vốn ảnh hưởng đến hầu khắp giới khoa học xã hội và nhân văn trước đó. Theo thuyết đặc thù văn hoá, bản sắc văn hoá của mỗi tộc người hay mỗi nền văn hoá có giá trị “tự thân” của nó nên không thể áp đặt bằng một khung văn hoá của bất cứ một xã hội nào khác cho dù “cái khung” đó được coi là văn minh hay tiến bộ hơn. Và như vậy, quá trình phát triển văn hoá (chứ không phải là tiến hoá văn hoá-ĐHH) của các nền văn hoá với nền tảng xã hội khác nhau sẽ đi lên bằng những cách thức khác nhau chứ không thể là những bước tiến hoá chung giống như sự phát triển của sinh vật trong thế giới tự nhiên.

- Thuyết chức năng (Functionalism) là một trong những lý thuyết khoa học ra đời từ rất sớm được ứng dụng trong triết học, xã hội học trước khi đến với nhân học hiện đại. Người được coi như cha đẻ của học thuyết này là Emile Durkheim nhưng trước đó Herbert Spencer (1820-1903) đã sử dụng nó trong các nghiên cứu của ông về khoa học xã hội. “Có thể tóm tắt tư tưởng cơ bản của chức năng luận như sau. Bất kỳ một hệ thống ổn định nào cũng bao gồm những bộ phận khác nhau nhưng liên hệ với nhau, chúng cùng nhau vận hành để tạo nên cái toàn bộ, tạo nên sự ổn định hệ thống. Có thể xem là hiểu được một bộ phận trong hệ thống khi hiểu được cái cách mà nó đóng góp vào sự vận hành của hệ thống. Sự đóng góp vào việc vận hành ổn định của hệ thống được gọi là chức năng. Các bộ phận có tầm quan trọng chức năng khác nhau đối với hệ thống”.[xv] Các lý thuyết về chức năng luận của Durkheim được tiếp nối bởi Alfred R. Radcliffe-Brown (1881-1955) và Bronislaw Malinowski (1884-1942), Robert K. Merton (1910-2003) và Talcott Parsons (1902-1979). Trong đó, Parsons được xem là người đã có công tìm tòi và kết hợp chức năng luận với cấu trúc luận để tạo nên một hệ thống lý thuyết quan trọng được sử dụng rộng rãi trong khoa học xã hội.

- Thuyết cấu trúc (Structuralism) là một trong những lý thuyết có ảnh hưởng lớn, được xem như một cuộc cách mạng về phương pháp luận trong khoa học xã hội và nhân văn thế kỷ XX. Trong nội dung này chúng tôi sẽ đề cập đến những ảnh hưởng của thuyết cấu trúc đối với ngôn ngữ ký hiệu biểu tượng và ảnh hưởng của nó đối với nhân học nói chung và nhân học biểu tượng nói riêng. Liên quan tới cấu trúc luận, Ferdinand de Saussure (1857-1913) đã chủ trương một phương pháp luận tập trung vào tính hệ thống của ngôn ngữ được biểu thị bằng những ký hiệu gồm cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified). Phương pháp này đã được ông sử dụng trong nghiên cứu ngôn ngữ biểu tượng bằng một ngành khoa học chuyên biệt đó là Kí hiệu học (chúng tôi sẽ đề cập trong chuyên mục sau). Chịu ảnh hưởng bởi cấu trúc luận dưới góc nhìn này là Roman Jakobson và Rolan Barthes. Với quan điểm: “văn hoá, trong mọi khía cạnh, là một ngôn ngữ[xvi] thông qua phương pháp tiếp cận kí hiệu học chúng ta có thể đi đến một định nghĩa cô đọng nhất về văn hoá như sau: Văn hoá là tập hợp của một hệ thống kí hiệu mang tính biểu tượng. Nói cách khác biểu tượng là đơn vị cơ bản của văn hoá,  hay biểu tượng là tế bào của văn hoá (xem mục III). Đây chính là cách mà chúng tôi muốn tiếp cận văn hoá thông qua các biểu tượng văn hoá.  

Cùng với phương pháp tiếp cận đối với ngôn ngữ kí hiệu biểu tượng nói trên, thuyết cấu trúc còn có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đối với nhân học đương đại. Người đã để lại dấu ấn đậm nét đối với nhân học bằng thuyết cấu trúc chính là Levi-Strauss. Dựa vào cấu trúc luận ông đã tìm ra được tương quan giữa các thành tố văn hoá khác nhau thông qua cấu trúc của chúng. Theo đó, cấu trúc luận không chỉ có thể giải quyết các vấn đề trong nghiên cứu ngôn ngữ mà còn cả trong nhiều lĩnh vực khác trong đời sống văn hoá và xã hội của loài người. Theo ông những hình mẫu phổ quát của văn hoá là những sản phẩm của những cấu trúc không đổi trong ý nghĩ của con người. Chẳng  hạn  như “trong các tác phẩm thơ ca, nhà ngôn ngữ học nhận ra các cấu trúc rất giống với các cấu trúc trong các huyền thoại mà các nhà dân tộc học đã từng bắt gặp trong quá trình phân tích của họ.”[xvii] Với phương pháp này phương pháp của ông còn có thể đi xa hơn trong việc giải thích các quan điểm mỹ học vốn hết sức trừu tượng và phức tạp của Hegel. Có thể nói, cấu trúc luận chính là một công cụ quan trọng để chúng ta tiếp cận thế giới biểu tượng của văn hoá.  

- Thuyết tương đối văn hoá (Cultural relativism)[xviii] là một học thuyết ra đời tại Mỹ với quan điểm cho rằng không có những nền văn hoá bậc cao và nền văn hoá hạ đẳng, mọi nền văn hoá đều bình đẳng trong môi trường của chúng. Mọi thành tố của văn hoá có mối quan hệ chặt chẽ với chính bản chất đặc trưng của văn hoá. Giữa hai cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ I và lần thứ II, thuyết tương đối văn hoá đã trở thành công cụ quan trọng để các nhà nhân học Mỹ khước từ một sự “thống nhất văn hoá” và cải biến các nền văn hoá phi phương Tây. Đây có thể coi là một trong những đóng góp lớn lao nhất của Fran Boas và các nhà khoa học có cùng chí hướng với ông trong việc chuyển đổi từ nhận thức luận trở thành phương pháp luận. Sự chuyển đổi này của thuyết tương đối văn hoá là một công cụ phục vụ đắc lực cho sự ra đời của Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc ngày 10/12/1948. Có thể nói, thuyết tương đối văn hoá cùng với thuyết đặc thù văn hoá của Fran Boas đã ghi một dấu ấn hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa vị chủng (racism) và chủ nghĩa phát xít (facism) đem lại quyền tự do, bình đẳng của con người không phân biệt đẳng cấp, chủng tộc, màu da... Sự tồn tại của nền tảng xã hội Mỹ và các quốc gia văn minh có được ngày hôm nay có một phần đóng góp không nhỏ của những học thuyết này.

 

II. KHÁI QUÁT VỀ NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VÀ NHÂN HỌC BIỂU TƯỢNG

2.1. Khái quát về nghiên cứu biểu tượng

Trên thực tế, nghiên cứu biểu tượng là một công việc đã được các nhà khoa học trên thế giới đề cập đến từ lâu thông qua các chuyên ngành khoa học đã ra đời từ trước Công Nguyên như toán học (với hệ thống biểu tượng toán học của La Mã, Ả Rập… cổ đại mà chúng ta đang sử dụng), triết học (Aristote: 384-322 TrCN) cùng với lịch sử, xã hội học, nghệ thuật học... Đặc biệt là công việc nghiên cứu chữ tượng hình (hieroglyph) của người Ai Cập và người Trung Hoa cổ đại được thực hiện bởi bộ môn cổ tự học (paleography). Mặc dù các chuyên ngành khoa học nêu trên ít nhiều đều đề cập đến biểu tượng như một đối tượng nghiên cứu của chúng nhưng chưa có một chuyên ngành nào thực sự là một chuyên ngành khoa học độc lập nghiên cứu các biểu tượng. Vì vậy, nghiên cứu biểu tượng (symbol study hoặc symbology) trong các bộ từ điển lớn trên thế giới đều chỉ có hai nghĩa chính là việc nghiên cứu hoặc sử dụng các biểu tượng  tập hợp các biểu tượng (1: the study or use of symbols2: symbols collectively) mà chưa hề được xuất hiện như một thuật ngữ của một ngành học thuật cụ thể.  

Chuyên ngành đầu tiên đề cập đến các biểu tượng như một chuyên ngành khoa học độc lập là ký hiệu học (semiotics hoặc semiology) vào nửa cuối thế kỷ XIX[xix]. Ký hiệu học là bộ môn nghiên cứu ý nghĩa của các ký hiệu, tín hiệu, biểu tượng, hiện tượng văn hoá… và hành vi sử dụng chúng. Ký hiệu học giải nghĩa các thành tố văn hoá do con người tạo ra trong quá trình phát triển của văn hoá như ngôn ngữ, biểu tượng, hoạt động, hành vi sống,… của con người. Nó được sáng lập bởi nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ Ferdinand de Saussure. Mặc dù từ dùng kí hiệu học (semiotics) được sử dụng trong ngôn ngữ Anh từ thế kỷ XVII bởi nhà triết học người Anh John Locke, nhưng ý tưởng sử dụng kí hiệu học như là một phương pháp tiếp cận độc lập đối với các biểu tượng văn hoá chỉ thực sự được sử dụng trong nửa cuối thế kỷ XIX với công đóng góp rất lớn của Ferdinand de Saussure và một nhà triết học người Mỹ là Charles Sanders Peirce[xx].

Từ những định hướng nghiên cứu của hai nhà khoa học trên, các nhà kí hiệu học hiện đại đã áp dụng lý thuyết của Peirce và Saussure để áp dụng cho nhiều lĩnh vực như mỹ học, nhân học, tâm lý, truyền thông, ngôn ngữ... Chẳng hạn như Claude Lévi-Strauss, Jacques Lacan, Michel Foucault, Jacques Derrida, Roland Barthes, Julia Kristeva...[xxi] Sự góp mặt của các hệ thống biểu tượng đối với đời sống của con người có một tầm ảnh hưởng vô cùng rộng lớn: Từ dấu hiệu, tín hiệu, kí hiệu… đến các biểu tượng của cộng đồng, quốc gia và cao hơn là các biểu tượng mang tính toàn cầu. Những tác động của chúng đối với đời sống văn hoá không chỉ diễn ra theo chiều đồng đại mà còn có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài theo chiều lịch đại.

Các biểu tượng có có một tính chất đặc thù là luôn biến đổi theo thời gian và không gian (trừ một số trường hợp đặc biệt chúng tôi sẽ đề cập riêng). Hai trong số những đặc tính căn bản nhất của biểu tượng là tính thông tin (informatic) và tính giao tiếp (communicate). Chính nhờ những đặc tính này mà con người ngay từ thời tiền sử đã biết sử dụng các biểu tượng như một loại ngôn ngữ để giao tiếp khi hệ thống ngôn ngữ nói và hệ thống chữ viết chưa hoàn thiện[xxii]. Cho đến thế kỷ XXI, con người vẫn tiếp tục sử dụng loại ngôn ngữ này trong hầu hết mọi thành tố văn hoá xã hội. Thậm chí, đã có rất nhiều loại biểu tượng và ngôn ngữ biểu tượng đã trở thành những ngôn ngữ giao tiếp toàn cầu.[xxiii] Do những tính chất đặc thù nêu trên nên chúng tôi coi việc sử dụng các biểu tượng trong đời sống của con người như một loại ngôn ngữ đặc thù của văn hoá. Vì vậy, nghiên cứu ngôn ngữ biểu tượng của một tộc người hay một cộng đồng có tính liên kết cao trong xã hội (chẳng hạn một tôn giáo) cũng chính là nghiên cứu văn hoá của tộc người hay cộng đồng người đó. Vấn đề này sẽ được chúng tôi làm rõ trong chuyên mục 2.2. Các định nghĩa về nhân học biểu tượng.

Về mặt thuật ngữ: biểu tượng (symbol trong tiếng Anh) là một từ bắt nguồn từ ngôn ngữ cổ ở châu Âu (symbolus trong tiếng La Mã và symbolon trong tiếng Hy Lạp). Theo Từ điển biểu tượng (Dictionary of Symbols) của C. G. Liungman thì “những gì được gọi là biểu tượng khi nó được một nhóm người đồng ý rằng nó có nhiều hơn một ý nghĩa là đại diện cho chính bản thân nó”. Biểu tượng có tính đa nghĩa nhưng chúng ta có thể chia làm hai nghĩa chính là biểu hình (visible sign) và biểu ý (idea). Ở giai đoạn ban đầu có lẽ ngôn ngữ biểu tượng thường mang tính đơn giản và ước lệ. Về sau, do sự phát triển của xã hội loài người, ngôn ngữ biểu tượng ngày càng được mở rộng đến mọi thành tố văn hoá và mọi mặt đời sống của con người.[xxiv] Bên cạnh đó, ý nghĩa của các biểu tượng cũng ngày càng rộng lớn hơn, trừu tượng hơn và tính chất biểu đạt cũng không còn ranh giới giữa biểu hình và biểu ý như giai đoạn đầu mà thường là sự kết hợp của cả hai.

Trong tiếng Việt, biểu tượng là một từ gốc Hán được dùng với ý nghĩa khá trừu tượng và rất nhiều bộ từ điển ở Việt Nam có những cách giải thích tương đối phức tạp về biểu tượng. Trong chuyên luận này chúng tôi sẽ sử dụng cách giải thích đơn giản và dễ hiểu nhất trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản do GS. Hoàng Phê chủ biên[xxv]biểu tượng có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là: “hình ảnh tượng trưng”, nghĩa thứ hai là: “hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt.”[xxvi] Trong phần tiếp theo của chuyên luận này chúng tôi sẽ tập trung vào các định nghĩa và lý thuyết về nhân học biểu tượng để phục vụ cho nghiên cứu văn hoá. Việc tiếp cận với các thuật ngữ chung trong nghiên cứu biểu tượng cần được đề cập đến trong một chuyên khảo riêng. Hy vọng chúng tôi sẽ có dịp trở lại với vấn đề này trong tương lai.

 

2.2. Các định nghĩa nhân học biểu tượng

               Theo Jonathan Spencer trong Encyclopedia of Social and Cultural Anthropology (Bách khoa thư nhân học văn hoá và xã hội) thì: “Nhân học biểu tượng đề cập đến văn hoá như một thực thể có tính độc lập tương đối, là một hệ thống ý nghĩa mà qua đó các nhà nhân học muốn tạo ra để làm giải mã và diễn dịch các biểu tượng và các nghi lễ trọng tâm”. [xxvii] Trong Encyclopedia of Cultural anthropology (Bách khoa thư nhân học văn hoá), Mary Des Chene định nghĩa rằng: “Nhân học biểu tượng là khoa học nghiên cứu ý nghĩa trong đời sống xã hội loài người, bằng cách nào chúng ta tri nhận và diễn giải những gì diễn ra xung quanh và bằng cách nào chúng ta sáng tạo và sẽ chia với thế giới hoặc hệ thống ý nghĩa văn hoá. Nhân học biểu tượng tiếp cận với một góc nhìn rộng lớn về các biểu tượng, biểu tượng hoá, sự vật và ý nghĩa mà con người đặt cho với ý nghĩa, sự nhận biết, quá trình giao tiếp...”[xxviii] Trong Folklore: An encyclopedia of beliefs, customs, tales, music, and art (Văn hoá dân gian: Bách khoa thư về các tín ngưỡng, phong tục, chuyện kể, âm nhạc và nghệ thuật) Edith Turner đã định nghĩa như sau: “Nhân học biểu tượng là khoa học nghiên cứu về các biểu hiện tự nhiên của các biểu tượng được sử dụng ở các nền văn hoá khác nhau, các nghi lễ, trình diễn, và trong đời sống hàng ngày nơi mà ý nghĩa đầy đủ có nhiều hơn các biểu hiện thành văn. Mỗi biểu tượng có hai thành phần - là những thực thể nhìn thấy và phần còn lại là ý nghĩa biểu hiện của nó. Nhân học biểu tượng diễn giải các biểu tượng trong ngữ cảnh của tiến trình xã hội và đời sống văn hoá.” [xxix]

Trên đây là những định nghĩa phổ biến nhất về nhân học biểu tượng trong nhân học đương đại được chúng tôi chọn lọc từ những bộ Bách khoa thư (Encyclopedia) được nhiều người sử dụng trên thế giới. Qua các định nghĩa trên chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đối tượng được nhắc đi nhắc lại trong các định nghĩa này là văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó. Như vậy, đối tượng nghiên cứu của nhân học biểu tượng chính là văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó, trong khi văn hoá  hệ thống ý nghĩa của nó lại là đối tượng mà kí hiệu học đã đề cập đến trước khi nhân học biểu tượng ra đời tới hơn nửa thế kỷ(!). Điều đó cho thấy kí hiệu học và nhân học biểu tượng tuy là những chuyên ngành nghiên cứu khác nhau nhưng đều hướng đến một mục tiêu chung là nghiên cứu văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó. Đây là những phương pháp tiếp cận khác nhau (giữa kí hiệu học và nhân học biểu tượng) với những cách tiếp cận phương pháp khác nhau nhưng vẫn chỉ để giải quyết một vấn đề chung đó là nghiên cứu ý nghĩa của các biểu tượng văn hoá.

Như chúng tôi đã trình bày trong phần đầu của chuyên luận này, văn hoá là một đối tượng nghiên cứu vô cùng rộng lớn nên để tiếp cận đối tượng này chúng ta cần phải có công cụ sử dụng và ít nhất phải sử dụng thuần thục một loại công cụ. Nói một cách ví von, việc sử dụng kí hiệu học hay nhân học biểu tượng để nghiên cứu các biểu tượng văn hoá hiện nay của chúng ta cũng giống như tổ tiên chúng ta sử dụng đồ đồng hay đồ sắt trong canh tác nông nghiệp thuở xưa mà thôi. Điều quan trọng là công cụ mà chúng ta sử dụng (ở đây là phương pháp tiếp cận) cần phải phù hợp với lý thuyết và phương pháp luận của nó[xxx]. Vì những lý do đó chúng tôi chọn nhân học biểu tượng như một loại công cụ hữu hiệu nhưng lại tương đối dễ sử dụng để tiếp cận các biểu tượng văn hoá. Phương pháp tiếp cận bằng phương pháp kí hiệu học sẽ được chúng tôi tiếp tục giới thiệu trong tương lai, tuy nhiên mục tiêu đó không nằm trong nội dung của chuyên khảo này. Việc sử dụng các công cụ nghiên cứu khác nhau để tiếp cận một đối tượng rộng lớn như văn hoá hay các biểu tượng văn hoá cần được bàn kỹ hơn trong một chuyên khảo về thao tác luận[xxxi]Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết những vấn đề có liên quan này trong các nghiên cứu tiếp theo.

 

2.3.  Cơ sở lý thuyết nhân học biểu tượng

Nhân học biểu tượng còn được biết đến với một cái tên khác là nhân học diễn giải (interpretive anthropology) một bộ môn khoa học nơi các nhà khoa học ủng hộ việc giải thích văn hoá thông qua ý nghĩa của các biểu tượng. Quan niệm của các nhà nhân học theo trường phái này là tiếp cận các “quan điểm tự nhiên” (native point of view) để tìm hiểu tính chất trừu tượng và đa nghĩa của các biểu tượng. Tại đây các biểu tượng được sáng tạo và sử dụng trong cộng đồng và trong quá trình giao tiếp của xã hội loài người. Mỗi biểu tượng đặc trưng thường đại diện cho một ý nghĩa văn hoá riêng nhưng sự cộng hưởng của chúng lại chính là sự định dạng của đời sống văn hoá thông qua tính “động” đặc thù của văn hoá. Dưới đây chúng tôi xin lược qua một số quan điểm chính của các nhà lý thuyết nhân học biểu tượng tiêu biểu: Clifford Geertz, Victor Turner và David Schneider[xxxii].

Quan điểm của Clifford Geertz về nhân học biểu tượng nghiêng về hướng tiếp cận bằng các ký hiệu vốn ảnh hưởng từ Max Weber và Talcott Parson[xxxiii]. Ông coi biểu tượng như một loại phương tiện của văn hoá, tại đây các biểu tượng chuyển tải ý nghĩa và thông tin mà con người nhìn thấy, nhận thức và suy nghĩ về thế giới của họ. Theo ông, văn hoá không đóng khung trong tiềm thức của từng cá nhân đơn lẻ mà bao gồm một tập hợp hệ thống các biểu tượng thể hiện thế giới quan về nhận thức, đặc tính, giá trị...[xxxiv] Trong khi Victor Turner lại không coi các biểu tượng như những khuôn mẫu có chứa những đặc tính và nhận thức xã hội mà là một cách điều khiển tiến trình xã hội. Turner căn cứ vào đó để trả lời các câu hỏi bản chất thực tế của các biểu tượng là gì? chúng ảnh hưởng tới tiến trình xã hội ra sao?... Là một nhà nhân học theo trường phái Manchester và là người chịu ảnh hưởng tư tưởng của Max Gluckman[xxxv], Turner có xu hướng tập trung vào những vấn đề mâu thuẫn và xung đột nội tại của xã hội. Ông coi các biểu tượng và hành động biểu tượng có ý nghĩa quan trọng là duy trì và thống nhất xã hội. Nói một cách ví von, các biểu tượng có khả năng cố kết các “nghệ sĩ” từ những “sân khấu” khác nhau, giải quyết các vấn đề mâu thuẫn và thiết lập nên các chuẩn mực xã hội.[xxxvi]

Tiếp cận cùng một đối tượng nhưng không hoàn toàn nghiêng theo quan điểm của Turner hay Geertz, Schneider lại tiếp cận nhân học biểu tượng bằng một cách nhìn khái quát và mang tính “động” đối với diện mạo của văn hoá. Ông cho rằng nhiều nhà nhân học thường “lấn sân” của xã hội học và đánh mất đi sự tiếp xúc với các quan niệm văn hoá. Theo ông hệ thống văn hoá được xác định bởi tính logic nội tại của hệ thống biểu tượng và ý nghĩa của nó, điều mà ông gọi là hệ thống các biểu tượng (system of symbols), thông qua các biểu tượng trọng tâm (core symbols). Hệ thống này có tác dụng thông tin và đưa ra những hình mẫu, quy tắc căn bản của hành vi ứng xử. Schneider cho rằng văn hoá là một hệ thống riêng khác với các lĩnh vực xã hội học, kinh tế học, chính trị học...

            Qua cách nhìn của Geertz, Turner và Schneider chúng ta có thể nhận thấy một đặc điểm chung xuyên suốt trong lý thuyết của họ là sự diễn giải những đặc tính của văn hoá thông qua các biểu tượng văn hoá được hình thành trong xã hội loài người. Nói cách khác, hệ thống lý thuyết nhân học biểu tượng nói trên hướng tới một mục tiêu chung đó là nghiên cứu văn hoá bằng các công cụ của nhân học mà cụ thể ở đây là nhân học biểu tượng. Tổng hợp các lý thuyết nhân học biểu tượng của các nhà khoa học trên chúng ta có thể tóm tắt lại trong nội dung sau: Biểu tượng là một loại phương tiện của văn hoá có khả năng điều khiển tiến trình xã hội bên cạnh khả năng duy trì và thống nhất xã hội mà trong đó văn hoá được xác định bởi hệ thống các biểu tượng thông qua các biểu tượng trọng tâm. Có thể thấy rằng, nghiên cứu các biểu tượng văn hoá không chỉ giúp chúng ta tiếp cận được với những thành tố cụ thể của văn hoá và ý nghĩa biểu đạt của chúng mà còn có thể tiếp cận được với quá trình tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Qua đây chúng ta cũng có thể xác định được những bộ phận cấu thành của nhân học biểu tượng dựa trên 3 đối tượng chính là con người, xã hội  văn hoá. Đây cũng chính là những trọng tâm mà những người làm công tác nghiên cứu văn hoá thường xuyên phải đối mặt. Vì vậy, có thể nói rằng lý thuyết nhân học biểu tượng cũng chính là một phần quan trọng của các lý thuyết nghiên cứu văn hoá.

      

III. NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VÀ TIẾP CẬN NHÂN HỌC BIỂU TƯỢNG TRONG NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ Ở VIỆT NAM

3.1. Nghiên cứu biểu tượng ở Việt Nam

Trên thực tế thì các biểu tượng đã tồn tại từ lâu đời trong đời sống của con người ở mọi nền văn minh. Các nghi lễ cộng đồng, các nghi thức cầu cúng, hiến sinh, các biểu tượng của gia tộc, các biểu tượng quốc gia,... đều đã tồn tại trong văn hoá các tộc người từ hàng nghìn, hàng vạn năm trước. Theo tiến trình phát triển của văn hoá, các biểu tượng ngày càng mở rộng thêm về số lượng cũng như ý nghĩa, đồng thời, quá trình giao thoa văn hoá cũng đã tiếp nhận thêm ngày càng nhiều các biểu tượng mới từ các nền văn hoá bản địa lân cận và du nhập ngày càng nhiều các biểu tượng văn hoá của các nền văn minh lớn... Đối với Việt Nam, tính chất phức tạp của các biểu tượng cộng thêm sự đa dạng của văn hoá bản địa và sự giao thoa với các yếu tố văn hoá du nhập đã khiến cho ý nghĩa của các biểu tượng càng trở nên phức tạp. Đây là một trong những nguyên nhân tạo nên sức hấp dẫn của văn hoá Việt Nam nhưng cũng khiến cho văn hoá Việt Nam trở nên một trong những nền văn hoá đa dạng và phức tạp. Có lẽ chính điều này đã khiến cho các nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam và các nhà Việt Nam học nước ngoài phải tốn rất nhiều giấy mực để đi tìm cái gọi là những nét đặc trưng của nền văn hóa này.

Trong nghiên cứu văn hoá ở Việt Nam, hầu hết các nhà khoa học đều tiếp cận nghiên cứu biểu tượng một cách “bán chính thức” thông qua phương pháp luận của các chuyên ngành khoa học khác như văn học, nghệ thuật học, dân tộc học, xã hội học… Một chuyên ngành độc lập về nghiên cứu biểu tượng là kí hiệu học tuy đã được hình thành trên thế giới hàng trăm năm qua nhưng ở Việt Nam nó gần như không được biết tới. Gần đây, TS. Nguyễn Đức Hậu[xxxvii] đã sử dụng hệ thống lý thuyết kí hiệu học của Ferdinand De Saussure, Charles Sanders Peirce, William Morris, G.Mounin, R.Barthes, Louis Trolle Hjelmslev... để tiếp cận các biểu tượng văn hoá, coi biểu tượng là đơn vị cơ bản của văn hoá (hay biểu tượng là tế bào của văn hoá) với mô hình hệ thống ký hiệu học hàm nghĩa của R.Barthes đã chuyển đổi như sau:

 

Ông đã vận dụng mô hình siêu ký hiệu của R.Barthes "giải mã" hệ thống ngôn ngữ biểu tượng bằng hướng tiếp cận ký hiệu học nghiên cứu biểu tượng cùng sự phân tích hệ thống siêu ký hiệu của R.Barthes. Qua đó cho thấy “biểu tượng bao giờ cũng là những ký hiệu hai mặt: cái biểu đạt là những hình thức tồn tại dưới dạng các sự vật, hiện tượng trong thế giới thực tại; cái được biểu đạt là phần nội dung với những giá trị, chuẩn mực xã hội. Chúng tạo nên thế giới ý nghĩa, được "tượng trưng hoá" trở thành hệ thống ngôn ngữ biểu tượng. Hệ thống ký hiệu học biểu thị (A)và hệ thống ký hiệu học hàm nghĩa (B) tạo nên hệ thống "kép", tức là "hệ thống trong hệ thống" - hệ thống ngôn ngữ biểu tượng.”[xxxviii]

Ở Việt Nam, chuyên ngành kí hiệu học cho tới nay vẫn chưa được thành lập nhưng một phân ngành của kí hiệu học là Kí hiệu học văn hoá được cấp phép đào tạo từ năm 2009 với sự đóng góp rất lớn của Nguyễn Đức Hậu trên cơ sở kế thừa những thành tựu của các nhà khoa học Việt Nam thế hệ trước như Hồ Tôn Trinh, Đoàn Văn Chúc... Đây là một thông tin quan trọng cho những người làm công tác văn hoá nói chung và các nhà nghiên cứu biểu tượng nói riêng vì kí hiệu học là một chuyên ngành đặc thù và độc lập trong nghiên cứu ngôn ngữ biểu tượng. Tuy nhiên, đây là một môn học rất khó đối với sinh viên và các nhà nghiên cứu hiện nay, vì để có thể tiếp cận và sử dụng được phương pháp luận nghiên cứu của ký hiệu học cần có một nền tảng lý thuyết liên ngành tốt thì mới có thể giải mã được những ý nghĩa hết sức trừu tượng và vô cùng phức tạp của các biểu tượng văn hoá. Đây cũng chính là lý do tại sao chúng tôi chưa sử dụng phương pháp luận của kí hiệu học mà sử dụng phương pháp luận của nhân học biểu tượng để nghiên cứu các biểu tượng trong văn hoá Việt Nam trong bối cảnh của khoa học Việt Nam hiện nay.

3.2. Tiếp cận nhân học biểu tượng trong nghiên cứu văn hoá ở Việt Nam
             Từ sau giai đoạn hội nhập với văn hoá phương Tây, khoa học nói chung và ngành khoa học xã hội ở Việt Nam nói riêng đã có những thay đổi đáng kể. Nhiều trào lưu khoa học của thế giới đã được tiếp nhận, nhiều hệ thống lý thuyết và phương pháp nghiên cứu được du nhập… Nhờ đó mà cách tiếp cận đối với các vấn đề khoa học hoặc các đối tượng nghiên cứu đã được mở rộng hơn rất nhiều. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến việc sử dụng hệ thống lý thuyết nhân học biểu tượng để tiếp cận ý nghĩa của các biểu tượng với các đặc tính đa nghĩa và trừu tượng trong việc giải nghĩa các biểu tượng. Trên thực tế, nhân học biểu tượng là một hướng tiếp cận mới (trong bối cảnh của Việt Nam) nên còn ít được quan tâm, vì vậy mà các công trình nghiên cứu chuyên biệt về nhân học biểu tượng với tính chất là một chuyên ngành (hay phân ngành) khoa học độc lập cũng hầu như không có. Tuy nhiên, một số nghiên cứu về các biểu tượng văn hoá thông qua dân tộc học, nghệ thuật học… đã được một số nhà khoa học Việt nam áp dụng với một kết quả tương đối khả quan[xxxix]. Nổi bật trong số các nhà khoa học này là Nguyễn Đức Từ Chi (ông thường lấy bút danh: Từ Chi, Trần Từ) với các công trình nghiên cứu về hoa văn cạp váy của người Mường. Thông qua các hoa văn được thể hiện trên hoa văn cạp váy của người Mường, Từ Chi đã tìm được những mối quan hệ cội nguồn giữa Người Việt với người Mường trong không gian văn hoá Đông Sơn[xl]. Gần đây, một công trình nghiên cứu về ngôn ngữ và biểu tượng của Tạ Đức xuất bản năm 1999 đã tập hợp một cách khá đầy đủ các dữ liệu về hệ biểu tượng kiến trúc và ngôn ngữ Đông Sơn. Từ đó tác giả đã cho thấy mối quan hệ giữa các tộc người thông qua các biểu tượng trong ngôn ngữ và kiến trúc.[xli] Ngoài ra còn có khá nhiều những cuốn sách và bài viết đề cập đến các biểu tượng theo cảm nhận riêng của từng ngành, từng người.

Có thể nói, nghiên cứu văn hoá bằng phương pháp luận nhân học biểu tượng là một phương pháp tiếp cận hết sức quan trọng đối với khoa học nghiên cứu về con người và văn hoá. Nghiên cứu biểu tượng (mà ở đây là nghiên cứu các biểu tượng bằng phương pháp luận nhân học biểu tượng) cho phép chúng ta tiếp cận một cách vừa bao quát lại vừa cụ thể đối với đối tượng nghiên cứu là các biểu tượng văn hoá. Do đây chỉ là một chuyên khảo nghiên cứu mang tính “dẫn nhập” cho nên chúng tôi muốn đưa ra một số ý kiến gợi mở để có thể thảo luận cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau cùng có chung mục đích. Hy vọng rằng những nội dung mà chúng tôi đặt ra ở đây sẽ có tác dụng đối với các nhà nghiên cứu nói chung và các nhà nghiên cứu biểu tượng nói riêng. Xa hơn, chúng tôi cũng muốn học hỏi thêm kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực có liên quan để củng cố thêm cho hướng tiếp cận này đối với nghiên cứu  văn hoá.  Đó cũng là mong muốn và là mục đích của chúng tôi khi thực hiện chuyên khảo này.

 

THAY LỜI K ẾT 

Nghiên cứu các biểu tượng là một công việc vô cùng khó khăn và phức tạp, nó đòi hỏi người nghiên cứu phải có cách tiếp cận vừa cụ thể lại vừa bao quát theo cả hai chiều đồng đại và lịch đại. Nghiên cứu các biểu tượng có thể được coi là một trong những cách tiếp cận cụ thể nhất đối với văn hóa vì biểu tượng chính là sự kết tinh các giá trị văn hóa được con người tạo nên. Ở một phương diện khác, văn hoá lại chính là tập hợp của một hệ thống các biểu tượng do con người tạo ra, hay nói cách khác biểu tượng là tế bào của văn hoá. Và như vậy, biểu tượng chính là công cụ để con người biểu hiện văn hoá của họ thông qua nhân sinh quan và thế giới quan của họ. Việc tiếp cận các biểu tượng không chỉ giúp cho nhà nghiên cứu hiểu biết về những gì đã và đang diễn ra trong đời sống của con người trong quá khứ và hiện tại mà xa hơn nó còn giúp cho con người trong thế giới hiện đại có thể sử dụng các ngôn ngữ biểu tượng để giao tiếp với nhau thông qua các dấu hiệu, tín hiệu, ký hiệu, biểu tượng... mà con người sáng tạo nên trong một thế giới toàn cầu hoá.

Biểu tượng là một sản phẩm văn hóa được hình thành một cách tự nhiên trong “hành trình văn hóa” cuả loài người. Tuy nhiên, khi nền văn minh của nhân loại càng phát triển cao thêm thì những thành tố văn hóa đó càng trở nên phức tạp. Vì vậy, khoa học hiện đại đã phân chia các cách tiếp cận đối với biểu tượng thành những ngành hoặc nhóm ngành nghiên cứu khác nhau. Với tốc độ phát triển của khoa học hiện nay thì sẽ ngày càng có thêm nhiều ngành khoa học mới ra đời để đáp ứng và thích nghi với nhu cầu ngày càng cao của con người. Mặc dù vậy, sự phân chia của các ngành hay nhóm ngành khoa học cũng chỉ là tương đối vì trên thực tế tất cả những sản phẩm văn hóa-văn minh đã, đang và sẽ sáng tạo nên đều có liên quan đến con người và văn hóa. Do đó, chúng ta không thể tách biệt hoàn toàn các ngành khoa học độc lập với nhau. Trái lại nghiên cứu biểu tượng trong khoa học hiện đại rất cần đến sự phối hợp một cách nhuần nhuyễn giữa các ngành khoa học khác nhau để chúng ta có thể đến được gần hơn đến với chân lý khoa học. Vì vậy, việc nghiên cứu các biểu tượng rất cần có một cái nhìn tổng thể không chỉ với các đối tượng nghiên cứu mà còn phải bao quát tới các ngành khoa học có liên quan. Chính vì lý do đó mà chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu trong quá trình nghiên cứu các biểu tượng nói riêng và nghiên cứu văn hoá nói chung. 

Trong quá trình tiếp cận ý nghĩa của các biểu tượng các nhà khoa học đã gặp phải những khó khăn rất lớn khi những giải thích đưa ra không giống nhau, thậm chí là trái ngược nhau. Những tranh luận về ý nghĩa của các biểu tượng văn hoá đôi khi đã làm nổ ra những tranh luận gay gắt xung quanh việc xác định một đối tượng nghiên cứu bằng nhiều hướng tiếp cận khác nhau như chúng tôi đã đề cập đến ở phần đầu chuyên khảo này. Vì vậy, mục đích của chúng tôi khi thực hiện nghiên cứu này cũng nhằm làm sáng tỏ hơn vấn đề tiếp cận ý nghĩa của các biểu tượng. Nói một cách cụ thể hơn, thông qua chuyên khảo này chúng tôi muốn tìm cho mình một hướng tiếp cận tốt nhất đối với việc tìm hiểu ý nghĩa của các biểu tượng bằng phương pháp luận nhân học biểu tượng. Theo quan điểm riêng tôi, nhân học biểu tượng là một trong những phương pháp tiếp cận phù hợp nhất (trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay) để nghiên cứu các biểu tượng bằng góc nhìn của nhân học hiện đại.[xlii]

Đề cập đến nhân học biểu tượng trong chương trình giảng dạy tại Khoa Nhân học, Học viện công nghệ Massachusetts (Massachusettes Institute of Technology-MIT), James Howe đã mô tả: “Sự kiến tạo nên các biểu tượng của con người cũng giống như việc sử dụng công cụ của loài vật. Công việc tìm hiểu thế giới và bảo vệ cuộc sống của chúng ta phần lớn thể hiện các ý nghĩa đối với đồ vật, sự vật, hiện tượng và con người bằng sự kết nối chúng với nhau thông qua hình mẫu của các biểu tượng và bằng sự sáng tạo nên  các dạng thức phức tạp của những hành động biểu tượng và sự diễn giải. Ở đây chúng ta tìm hiểu các biểu tượng đã được sáng tạo và cấu trúc như thế nào? Chúng biểu hiện ra sao và có ý nghĩa thế nào đối với các phần còn lại của thế giới? Chúng đan dệt nên đời sống chính trị, gia đình, vòng đời người... Làm cách nào để diễn giải được chúng?.[xliii]

Qua đó có thể thấy nghiên cứu văn hoá bằng phương pháp luận nhân học biểu tượng cho phép chúng ta tiếp cận một cách cụ thể hơn ý nghĩa biểu tượng của văn hoá nói chung và văn hoá các tộc người nói riêng. Đây cũng là những nền tảng cơ sở của các nghiên cứu nhân học biểu tượng đang được sử dụng phổ biến trong nhân học đương đại trên thế giới. Tuy nhiên, việc tiếp cận nhân học biểu tượng trong bối cảnh của các trào lưu nhân học thế giới chỉ trong vài chục trang viết là một công việc khó đến mức vượt quá khả năng thực hiện của người viết. Vì vậy mà chúng tôi chỉ coi đây là những kiến thức tối thiểu, hay nói một cách chính xác là “công cụ cần phải có” để thực hiện các nghiên cứu theo hướng tiếp cận này. Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau xoay quanh phương pháp tiếp cận của các nhà nhân học biểu tượng như Victor Turner, Clifford Geertz, David Schneider,... nhưng những thành quả khoa học mà họ đã đạt được trong nửa cuối thế kỷ XX là không thể phủ nhận. Rất có thể các nhà khoa học trong tương lai sẽ có nhiều hơn những phương pháp tiếp cận mới (thậm chí là những ngành khoa học mới) để nghiên cứu các biểu tượng, nhưng những nghiên cứu về nhân học biểu tượng trong thời điểm hiện tại là rất cần thiết đối với nhân học nói riêng và nghiên cứu văn hoá nói chung./.

Hà Nội tháng 9/2010

 Đinh Hồng Hải

 

 


1 Trong bản tham luận này cũng như trong các nghiên cứu khác cùng đối tượng, chúng tôi chỉ sử dụng thuật ngữ nghiên cứu văn hoá (cultural studies) để xác định nghiên cứu văn hoá như một loại hình công việc đặc thù thay vì sử dụng thuật ngữ văn hoá học (cuturology) một đề xuất của nhà nhân học người Mỹ Leslie A. White (1900-1975) chưa được sử dụng rộng rãi trong giới khoa học xã hội trên thế giới.

 

2 Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp, Khoa Nhân học, ĐH KHXH&NV Tp HCM, trong Báo cáo tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo bậc sau đại học chuyên ngành văn hóa học” do Bộ môn Văn hóa học (nay là Khoa Văn hoá học) tổ chức tháng 1-2006.

 

3 Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp cho rằng: “nhân học là một trong những ngành học tiên phong trong việc xây dựng những nền tảng cơ bản về lý thuyết và phương pháp tiếp cận nghiên cứu văn hoá. Các trường phái, các khuynh hướng lý thuyết nghiên cứu về văn hoá đều do các nhà nhân học văn hoá tạo dựng nên như: trường phái tiến hoá luận cổ điển mà sau này được bổ sung bằng tân tiến hoá, cấu trúc luận, chức năng luận, đặc thù luận lịch sử, sinh thái văn hoá, nhân học nhận thức, tâm lý nhân cách… cũng như những nhà nhân học văn hoá tiêu biểu của các trường phái, khuynh hướng nêu trên mà trong nhiều trường hợp các nhà nghiên cứu văn hoá học đều thừa nhận họ như những nhà văn hoá học tiền bối. Các trường phái lý thuyết trong nhân học văn hoá cũng như các đại biểu xuất sắc của chúng được các nhà văn hoá học coi chúng như những nền tảng lý thuyết cơ bản của mình và những nhà nhân học văn hoá tên tuổi nghiễm nhiên trở thành những nhà văn hoá học.”Xem: Nguyễn Văn Tiệp, Bài đã dẫn tr. 5.

 

4 Theo quyết định số 44/2002/ QĐ-BGD& ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 24 tháng 10 năm 2002.

5 Cần lưu ý rằng công việc nghiên cứu ở châu Âu đã được thực hiện một cách chuyên nghiệp từ hơn 2000 năm trước với các nhà lý thuyết phương pháp nổi tiếng mà tên tuổi của họ vẫn còn ảnh hưởng đến ngày hôm nay như Aristotle, Socrates, Plato, Xenophon…

 

6 Khoa hoc tự nhiên ở Việt Nam có con đường đi riêng và những thành tựu của khoa học tự nhiên được gặt hái ở nhiều giai đoạn khác nhau. Ở đây chúng tôi xin được bỏ qua những thành tựu của khoa học tự nhiên để tập trung vào khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là văn hoá.

 

7 Ngoài ra còn phải kể đến một số bộ môn quan trọng khác như nhân học nữ quyền (feminist anthropology), nhân học chính trị (political anthropology), nhân học kinh tế (economics anthropology)… chưa có tên trong danh mục mã ngành. Trong khi nhân chủng học (mã ngành 62 42 01 01) lại được xếp vào nhóm ngành Khoa học sự sống – Sinh học, cùng với động vật học (mã ngành 62 42 10 01) và thực vật học (mã ngành 62 42 20 01).

 

8 Với các phương pháp tiếp cận khác nhau nhà nghiên cứu sẽ sử dụng các cách tiếp cận phương pháp khác nhau và có được những kết quả nghiên cứu khác nhau. Ví dụ chỉ với thuật ngữ dân tộc thì thuật ngữ của ngành thống kê nhằm chỉ 54 dân tộc ở Việt Nam (54 ethnic groups) khác với thuật ngữ dân tộc trong ngành lịch sử khi nói về lịch sử dân tộc Việt Nam (national history). Trong khi các tính từ quốc gia và tộc người có 02 nghĩa hoàn toàn khác nhau là national và ethnic trong tiếng Anh.

 

9 Đây cũng là cách mà các nước thuộc khối XHCN trước đây như Nga, Trung Quốc và các quốc gia độc lập đông Âu đã thay đổi từ hơn 20 năm trở lại đây. Vấn đề này đã được đề cập trong bài của Nguyễn Văn Chính (2007): Một thế kỷ dân tộc học Việt Nam và những thách thức trên con đường đổi mới và hội nhập. Tạp chí Văn hoá Dân gian, số 5, 2007.

 

10 Các trường phái lý thuyết nghiên cứu văn hoá ra đời ở Anh, Pháp hay Mỹ trong những thế kỷ vừa qua được mang cái tên nơi nó ra đời nhưng trên thực tế “cha đẻ” của những học thuyết đó lại mang dòng máu hoặc quốc tịch khác. Chẳng hạn, Claude Levi-Strauss được coi như cha đẻ của nhân học hiện đại là một người Pháp, sinh tại Bỉ, lớn lên tại Paris, học tại Đại học Sorbonne, thành danh tại Mỹ, còn Fran Boas, cha đẻ của nhân học Mỹ với thuyết tương đối và thuyết đặc thù văn hoá nổi tiếng lại là một người Đức, được đào tạo tại Đức, giảng dạy tại Mỹ… nhưng trong người họ lại mang dòng máu Do Thái.

 

11 Còn hướng tiếp cận văn hoá học cho đến nay vẫn chưa có hệ thống phương pháp và phương pháp luận như đã đề cập ở phần mở đầu.

 

12 Chẳng hạn những nghiên cứu mới đều được công bố đồng thời ở cả châu Âu (nước Anh) và ở Mỹ, hoặc những xuất bản phẩm quan trọng đều được xuất bản ở các nhà xuất bản cả hai nơi trên.

 

13 Thực tế là quá trình này diễn ra một cách không bắt buộc nhưng rất khó để mỗi con người, mỗi quốc gia hay nền văn hoá có thể cưỡng lại. Bhutan là quốc gia cuối cùng trên thế giới tham gia vào quá trình này với việc tiếp nhận truyền hình và tham gia vào mạng lưới internet toàn cầu vào đêm trước của thế kỷ XXI. Xem bài: Khai sáng ở Bhutan, Tạp chí Tia sáng online 19/8/2010.

 

14 Thuật ngữ bản sắc văn hoá trong tiếng Việt thường được dịch sang tiếng Anh là cultural identity theo chúng tôi là không phù hợp vì identity có nghĩa chính là đồng nhất trong tiếng Việt trong khi văn hoá có đặc tính là đa dạng chứ không thể là đồng nhất. Một số nhà khoa học ở Việt Nam thường xuyên sử dụng cụm từ thống nhất trong đa dạng chính là nhằm làm rõ đặc tính quan trọng này.

 

15 Bùi Thế Cường, trong Đề tài KX.02.10 “Các vấn đề xã hội và môi trư­ờng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (2001-2005). Xem: http://phucdinhhong.wordpress.com

 

16 Theo Ann Jefferson và David Robey (eds) (1982), Modern Literay Theory: A Comparative Introduction, London: Batsford, tr. 93.

 

17 Theo Karl Beckson và Arthur Ganz (1990), Literary Terms, a Dictionary, London: André Deutsch Limited, tr. 268.

 

18 Xét về mặt từ nguyên relativism gần với nghĩa của từ tương đương trong tiếng Việt hơn là tương đối. Trong học thuyết Cultural relativism ý nghĩa thuật ngữ của Boas cũng như vậy (tính cân bằng – tưong đương, không nên có sự phân biệt đối xử với các nền văn hoá). Ở Việt Nam thuật ngữ này được sử dụng phổ biến là Thuyết tương đối văn hoá. Vì vậy, trong nội dung bài này chúng tôi sử dụng cách gọi phổ biến trên.

19 Có nhiều người có công đóng góp vào sự hình thành của ký hiệu học nhưng Ferdinand de Sourcer được cho là cha đẻ của bộ môn ký hiệu học.

 

20 Mặc dù kí hiệu học là một trong những chuyên ngành có hệ thống phương pháp luận nghiên cứu rất phù hợp để nghiên cứu các biểu tượng, không hiểu sao nó không/chưa được du nhập vào Việt Nam mặc dù đã ra đời từ hàng trăm năm qua. Xem chuyên mục 3.1. Nghiên cứu biểu tượng ở Việt Nam trong chuyên luận này.

 

21 Xem thêm Bách khoa thư tiếng Anh: http://www.britannica.com/EBchecked/topic/534099/semiotics?source=googleSL

 

22 Chẳng hạn như các dấu hiệu của những người đi săn hay các quy ước về giới hạn (như cành cây, hòn đá.v.v…)

 

23 Chẳng hạn các biểu tượng tôn giáo hay các biểu tượng dùng trong máy tính.

 

24 Chúng ta có thể so sánh sự phát triển này qua một dạng biểu tượng đặc biệt thường dùng cho các chiến binh: Trong một xã hội còn mang tính bộ lạc như của người Iban ở Indonesia những người có nhiều công trạng (như săn được nhiều đầu người-biểu hiện bằng những mảnh sọ người treo trong nhà) sẽ được ngồi ở một vị trí cao hơn và được cộng đồng tôn trọng hơn. Trong xã hội hiện đại, chiến công của các chiến binh được cụ thể hoá bằng cấp bậc và chức vụ, những ngôi sao trên quân hàm chính là một dạng phát triển cao hơn của ngôn ngữ biểu tượng.

 

25 Có khá nhiều từ điển tiếng Việt dùng để tham khảo nhưng chúng tôi chọn cuốn từ điển này của Viện ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Đà Nẵng-Trung tâm từ điển học Hà Nội ấn hành năm 1998. Cuốn từ điển này được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao về độ chính xác và cũng  đã được tái bản nhiều lần.

26 Cũng theo từ điển này thì hình tượng là “sự phản ánh hiện thực một cách khái quát bằng nghệ thuật dưới hình thức những hiện tượng cụ thể, sinh động, điển hình, nhận thức trực tiếp bằng cảm tính.” Còn theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam thì “biểu tượng” có hai nghĩa như sau: 1. (triết, giáo dục), hình ảnh của sự vật lưu lại trong óc khi sự vật không còn tác động đến các giác quan nữa; hình thức cao nhất của sự phản ánh trực quan - cảm tính xuất hiện trên cơ sở tri giác. Khác với tri giác, biểu tượng không còn phản ánh rời rạc các thuộc tính của sự vật: sự vật được phản ánh dưới hình thức biểu tượng có tính chỉnh thể. biểu tượng là hình ảnh về vật trong đầu óc, ý thức, tư duy con người. Những biểu tượng của con người, khác với ở động vật, thường được bọc bằng một lớp vỏ ngôn ngữ và chứa nhiều yếu tố của sự phản ánh khái quát. biểu tượng là khâu trung gian giữa giai đoạn nhận thức cảm tính và giai đoạn nhận thức lí tính. 2. (mĩ thuật, sân khấu), phương tiện sáng tạo nghệ thuật mang ý nghĩa trừu tượng, khái quát. biểu tượng tác động chủ yếu đến cảm xúc của người xem. biểu tượng còn được coi như là một thủ pháp sáng tạo nghệ thuật. Trực giác của người nghệ sĩ có vai trò rất quan trọng trong quá trình nhận thức một biểu tượng. Tuỳ thuộc những nhận thức khác nhau về biểu tượng, người ta có những cảm xúc khác nhau. Cuối thế kỉ XIX, ở Châu Âu có trào lưu biểu tượng chủ nghĩa trong văn học và nghệ thuật tạo hình."

27 Alan Barnard và Jonathan Spencer biên soạn, Encyclopedia of Social and Cultural Anthropology, tr. 535-539. London and New York: Routledge,1996.

 

28 David Levinton & Melvin Ember biên soạn, Encyclopedia of Cultural anthropology, Volum 4, tr 1274 – 1278.

 

29 Thomas A. Green, Folklore: An encyclopedia of beliefs, customs, tales, music, and art, ABC Clio 1997, trang  25 – 29.

 

30 Chẳng hạn các nghiên cứu của Levi-Strauss trong kí hiệu học được ông sử dụng các lý thuyết về kí hiệu biểu tượng nhưng trong nhân học ông lại sử dụng các lý thuyết về nhân học biểu tượng. Đây là một vấn đề khá phức tạp cần có một chuyên khảo riêng đề cập đến vấn đề thao tác luận.

  

31 Operationalism - một thuật ngữ khá phổ biến trong triết học đề cập đến cách thức sử dụng các phương pháp nghiên cứu.

32 Clifford Geertz sinh năm 1923, là một trong những nhà nhân học thuộc thế hệ mở đầu của các trường phái nhân học Mỹ được đào tạo tại Đại học Harvard. Ông hiện là giáo sư của Đại học Princeton, New Jersey. Phần tổng hợp nói trên được lấy từ một trong những cuốn sách nổi tiếng của Geertz: The Interpretation of Cultures. New York: Basic Books, Inc, 1973.

Victor W. Turner sinh năm 1920 tại Glasgow. Học tại London, ông thuộc thế hệ các nhà  lý thuyết nhân học đầu tiên ảnh hưởng tư tưởng của Max Gluckman tại Đại học Manchester, nơi ông nhận bằng tiến sĩ nhân học vào năm 1955 và cũng là nơi hình thành trường phái Manchester về nhân học. Turner sau đó giảng dạy tại đại học Stanford, Cornell, Chicago và Virginia tại Mỹ, ông mất năm 1983.

 

Davis Schneider (1918 – 1995) với trường phái Chicago về nhân học biểu tượng (David Schneider cũng là một nhà nhân học lấy bằng tiến sĩ tại đại học Harvard năm 1949). Ông cho rằng văn hoá là “một chuỗi các biểu tượng” (a series of symbols) trong đó mỗi biểu tượng là “đại diện cho một đại diện khác” (something which stands for something else). Schneider, David. American Kinship: A Cultural Account. 2nd edition. Chicago and London: University of Chicago Press, 1980.

33 Xem thêm: Max WeberTalcott ParsonsThe Theory of Social and Economic Organization. Simon & Schuster Adult Publishing Group 1997

34 Tổng hợp từ phần giới thiệu trong: Geertz, C. The Interpretation of Cultures. New York: Basic Books, Inc, 1973.

35 Manchester là một trường phái nhân học của nước Anh với những nhà nhân học có tên tuổi như  Bronilav Malinowski, Evan-Prichard, Radcliffe-Brown, Max Gluckman...

 

36 Xem: Turner's V., The Forest of Symbols: Aspects of Ndembu Ritual. Ithaca and London: Cornell University Press, 1967

 

37 Tiến sĩ, giảng viên trường Đại học văn hoá Hà Nội.

 

38 Nguyễn Đức Hậu, Biểu tượng như  là đơn vị cơ bản của văn hoáwww.vanhoahoc.edu.vn 19/6/2009

39 Chẳng hạn như Nguyễn Đức Hậu về kí hiệu học văn hoá, Lê Văn Hảo nghiên cứu về biểu tượng đình làng, Từ Chi với hoa văn cạp váy Mường, Hoàng Lương với mặt phà Thái, Tạ Đức với kiến trúc biểu tượng và ngôn ngữ  Đông Sơn,v.v...

 

40 Từ Chi (1974), Hoa văn cạp váy, Hoa văn hình học, Nghiên cứu Văn hoá nghệ thuật số 3, số 4

41 Tạ Đức (2001), Nguồn gốc và sự phát triển kiến trúc - Biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn, Hội Dân tộc học xuất bản, Hà Nội.

 

42 Nói như vậy không có nghĩa là kí hiệu học không phù hợp với nghiên cứu biểu tượng trong bối cảnh của nước ta mà là nó “chưa” phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Hy vọng trong tương lai đây sẽ là một chuyên ngành khoa học được các nhà nghiên cứu trẻ, đặc biệt là các nhà nghiên cứu văn hoá, chú ý.

 

43 Trích trong tài liệu giảng dạy của Khoa nhân học, Học viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology - MIT). Mã môn học: 21A.212 Myth, Ritual, and Symbolism, Introduction to the anthropology study of symbolism.

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020