Văn học dân gian

Một số vấn đề lý thuyết về thần thoại (từ trường hợp thần thoại của thổ dân Đài Loan và thần thoại cổ đại của Trung Quốc đại lục)


09-10-2020

I. RANH GIỚI GIỮA THẦN THOẠI VÀ CÁC THỂ LOẠI VĂN HỌC DÂN GIAN KHÁC

1. Thần thoại

Thần thoại là gì, đặc điểm của nó ra sao? Vì sao tôi lại vẫn muốn bàn về điều đó? Nguyên nhân là vì tôi đã tra cứu rất nhiều chuyên luận cũng như rất nhiều các sách công cụ (bách khoa toàn thư, từ điển chuyên ngành), trong đó đều có những giải thích về thần thoại nhưng không nói được gì nhiều về đặc trưng của nó. Một lý do khác đó là, ở Đài Loan và Trung Quốc đại lục, có ý kiến cho rằng, người Hán của Trung Quốc không có thần thoại, hoặc lại có người đưa những tác phẩm không phải là thần thoại nhưng có nhân tố kỳ ảo (fantastic) ví dụ: truyền thuyết Mạnh Khương hay truyền kỳ đời Đường vào trong hệ thống thần thoại. Do đó, tôi muốn một lần nữa bàn về thuật ngữ này.

Nhiều nước trên thế giới vốn dĩ không có thuật ngữ Thần thoại. Sau đó rất nhiều ngôn ngữ phương Tây đã vay mượn từ mithos trong tiếng Hy Lạp cổ, vì thế myth trong tiếng Anh, mithos trong tiếng Đức, миф trong tiếng Nga… đều là từ ngoại lai. Mithos trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là truyện kể và ngụ ngôn, sau đó vào khoảng thế kỷ IX từ này mới có nghĩa như ngày nay. Trên cơ sở đó, Nhật Bản đã vay mượn từ mithos để chỉ những truyện cổ của nước mình được ghi chép lại bằng chữ Hán, nhưng vì các truyện cổ của Nhật Bản hầu hết đều nói về hoạt động của đủ các loại thần cho nên Nhật Bản đã dịch từ “myth” thành “thần thoại” [truyện về các thần], mặc dù tiếng Hy Lạp cổ không hề có nghĩa này. Năm 1903, Tưởng Quan Vân (1866-1929) đã từ Nhật Bản trở về [Trung Quốc] và đăng một bài viết trên Tân dân tùng báo (số 36) mục Đàm tùng, nhan đề là: “Những nhân vật được nuôi dưỡng từ lịch sử và thần thoại”. Đây có lẽ là người đầu tiên sử dụng từ thần thoại tại Trung Quốc. Có học giả, như Giáo sư Đoàn Bảo Lâm của Đại học Bắc Kinh giải thích cho sinh viên như sau: “Thần thoại là gì? Thần thoại là những câu chuyện về thần”. Nếu như đó là để nói về thần thoại của Nhật Bản thì có lẽ đúng, nhưng nếu như để nói về thần thoại cổ đại của Trung Quốc hoặc thần thoại của thổ dân Đài Loan thì có lẽ không được chính xác lắm. Các nhà khoa học từ các chuyên ngành khác nhau như Tôn giáo, Dân tộc học, Triết học, Văn học, Ngôn ngữ học, Văn hóa học đều đã bàn đến thần thoại và có những quan điểm riêng. Tác giả là một nhà nghiên cứu văn học dân gian, vì vậy bài viết này sẽ bàn về những đặc điểm của thần thoại từ góc độ văn học dân gian và góc độ so sánh lịch sử.

Từ những nghiên cứu của các nhà lý luận văn học dân gian và nghiên cứu của cá nhân tác giả (sử dụng tài liệu trên toàn thế giới) thì thần thoại có các đặc điểm chủ yếu sau:

1. Thần thoại miêu tả một phạm vi thời gian đặc định, đó là thời được gọi là Khai thiên lập địa, Thời đại tiền sử. Một số dân tộc đã phân định rất rõ thời đại của thần thoại và thời đại của chúng ta hiện nay, ví dụ một số bộ lạc bản địa hết sức nguyên thủy của Australia gọi thời đại của thần thoại là “Thời đại mộng ảo”; người dân tộc Bunun Đài Loan thì gọi thời đại thần thoại là minpakalivan, tức là “Thời đại thần kỳ”, tức là ngày xửa ngày xưa, thời xa xưa nhất. Tóm lại, thời gian của thần thoại không phải là thời gian lịch sử. Có người cho rằng truyện về nàng Mạnh Khương là thần thoại, đó là hoàn toàn sai, bởi vì tình tiết truyện về nàng Mạnh Khương không thể tách rời với Vạn lý trường thành và thời đại Tần Thủy Hoàng, vì vậy nó chính là một truyền thuyết điển hình.

Giáo sư người Mĩ gốc Hoa Hà Đình Thụy trong nghiên cứu về thần thoại của thổ dân Đài Loan đã viết rất chính xác rằng: thời đại thần thoại của thổ dân Đài Loan được phân cắt rất rõ rệt với thời gian của lịch sử và thời gian của hiện tại. Trong thời đại của thần thoại, vũ trụ vẫn chưa có hình thức như hiện nay.

2. Thần thoại miêu tả nguồn gốc của loài người và những chế độ, thói quen, quy tắc đời sống mà chúng ta quen thuộc. Các yếu tố địa hình như sông núi, biển cả đã hình thành như thế nào? Hỗn độn (chaos) đã trở thành vũ trụ (cosmos) ra sao? Đó đều là những chủ đề của thần thoại.

3. Thần thoại có thể chia làm hai loại: thần thoại nguyên thủy và thần thoại của các dân tộc có nền văn minh cổ đại tương đối phát triển. Thần thoại nguyên thủy thường có nhân vật  là động vật, ví dụ nhân vật con quạ hoặc các vị tổ tiên trong thần thoại của các dân tộc Bắc Á và người Indian Bắc Mỹ, hoặc nhân vật anh hùng văn hóa  trong thần thoại các dân tộc bản địa của châu Đại Dương… Thần thoại của các dân tộc có nền văn minh cổ đại tương đối phát triển như thần thoại của Hy Lạp cổ, Ấn Độ cổ lại thường có nhân vật là các loại thần, thần thoại miêu tả các hành vi của họ. Những nghiên cứu về lịch sử phát triển của thần thoại đã cho thấy, thần thoại cổ xưa nhất có lẽ là những thần thoại có liên quan đến động vật, tức là giải thích đặc trưng của các loại động vật hoặc kể rằng những con người đầu tiên là động vật cũng như ngược lại, động vật vốn dĩ là con người (ví dụ thần thoại của dân tộc Ataya kể rằng vào thời tổ tiên của họ, diều hâu cũng là người Ataya). Đây có lẽ là một quan niệm rất nguyên thủy. Những vị tổ tiên nửa người nửa động vật (ví dụ nửa người nửa rắn như Phục Hi, Nữ Oa) cũng là một quan niệm rất nguyên thủy. Nguồn gốc của loài người, nguồn gốc của mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú cũng thuộc loại những thần thoại cổ xưa nhất. Tuy nhiên, thần thoại về nguồn gốc vũ trụ thì lại không còn ở dạng nguyên thủy nữa.

4. Thần thoại cũng có thể được chia thành hai loại lớn là: thần thoại vũ trụ (cosmogonic myth) và thần thoại về loài người (anthropogonic myth). Loại thứ nhất miêu tả sự hình thành của vũ trụ, loại thứ hai miêu tả về nguồn gốc của loài người.

5. Thần thoại có mối quan hệ nhất định với sùng bái nguyên thủy, tế lễ và nghi thức nguyên thủy. Tất nhiên hiện nay mối quan hệ này đã không còn rõ rệt.

6. Thần thoại có đặc tính thần thánh (sacred), dành để dâng tặng cho thần linh. Khi chưa hình thành xã hội thần, thần thoại đương nhiên không có chức năng đó. Thần thoại không được kể một cách tùy tiện, cấm kỵ này có lẽ có liên quan đến những nghi lễ nguyên thủy của thần thoại.

7. Thần thoại có chức năng truy nguyên (etiology function) tức là giải thích nguồn gốc hoặc đặc điểm của vạn vật, nguồn gốc của loài người cùng các loại hình tế lễ, nghi thức… Đây cũng là chức năng và mục đích tự sự chủ yếu của thần thoại.

8. Thần thoại có những nhân vật anh hùng đặc thù là động vật hoặc người. Thần thoại của các xã hội phát triển thường có những nhân vật là thần hoặc bán thần hoặc các loại anh hùng văn hóa, những đấng sáng thế hoặc những người xây dựng nên những quy định về thế giới… Ngược lại, trong thần thoại của xã hội nguyên thủy, tạo ra quy luật thế giới thường không phải là người mà là động vật (như con quạ trong thần thoại của rất nhiều dân tộc khu vực Bắc Á).

9. Nhân vật điển hình của thần thoại là các anh hùng văn hóa, tức những người có đủ thứ “của cải” như lửa, thực vật, hoặc đưa ra các phát minh, như Phục Hi phát minh ra lưới đánh cá hay Thần Nông dạy loài người làm ruộng và các nghề khác.

10. Những việc mà các anh hùng trong thần thoại làm nhất định phải là vì toàn nhân loại (hoặc cả bộ lạc), ví dụ như Hậu Nghệ bắn mặt trời, đó là vì loài người không thể chịu nổi sức nóng của 10 mặt trời chứ không phải là vì Hằng Nga. Đại Vũ trị thủy cũng không phải vì gia đình ông ta mà là vì cả nhân loại, v.v...

11. Thần thoại nhất định phải có tình tiết, có nội dung để kể, nó được thể hiện dưới hình thức câu chuyện.

12. Thần thoại được triển khai bởi một kết cấu đặc thù với những tình tiết đặc thù. Ví dụ, 1) Kịch hóa câu chuyện. 2) Đan cài thêm motif, tức những motif tương tự hoặc đồng nghĩa, ví dụ: kể chuyện tạo ra một vật gì đó thì thường lại thêm vào mưu toan giành lấy vật đó hoặc một nhân vật mưu toan giành lấy rất nhiều thứ hay là một số nhân vật cùng mưu toan giành lấy một báu vật. 3) Đảo ngược mang tính tượng trưng (ví dụ sau khi kể việc lấy nước từ bụng con ếch ra lại thêm vào tình tiết mở đầu là con ếch đã hút hết toàn bộ nước như thế nào). 4) Miêu tả song song phản phủ định (ví dụ, một nhân vật làm được một việc tốt, một nhân vật khác bắt chước theo, nhưng kết quả lại tương phản; Trong thần thoại của Melanesia có hai anh em, một người tạo ra được những người con gái rất đẹp, người kia học theo nhưng lại tạo ra toàn những cô gái xấu xí). 5) “Bậc thang” tức là miêu tả nhân vật làm thế nào để có được công cụ, sau đó miêu tả chức năng quan trọng của công cụ đó. Ví dụ, trước tiên kể nhân vật tìm được bảo kiếm thế nào, sau đó anh ta dùng thanh bảo kiếm đó giết rồng ác ra sao. 6) Chuyển hóa các hoán dụ (metonymy) và ẩn dụ, ví dụ miêu tả nhân vật thần thoại bị đói (mã ăn uống), sau đó miêu tả hoạt động tính giao của anh ta (mã tính dục)(1)… Rất nhiều những cách triển khai tình tiết của thần thoại vẫn còn phát huy vai trò quan trọng trong các truyện kể dân gian sau này(2). Đó là một kết luận hoàn toàn chính xác mà các nhà lý luận có được dựa trên việc quan sát rộng rãi tài liệu thần thoại của các dân tộc và các khu vực trên thế giới. Có điều trong những thần thoại cổ xưa nhất, đơn giản nhất của thổ dân Đài Loan, chúng ta chỉ có thể tìm thấy một vài nét mà thôi.

Nói đến thần thoại cũng cần phải chú ý đến sự khác biệt giữa quan niệm thần thoại và truyện thần thoại (quan điểm này đã được Giáo sư người Nga Georgievskij nêu ra trong cuốn sách đầu tiên trên thế giới về thần thoại Trung Quốc xuất bản năm 1892). Quan niệm thần thoại khá gần với motif thần thoại, ví dụ như rất nhiều dân tộc đều có quan niệm rằng, thời xa xưa, bầu trời rất thấp, trời và đất tiếp giáp nhau. Nhưng thần thoại của mỗi dân tộc lại có cách giải thích khác nhau về nguyên nhân vì sao sau này trời lại cao lên như vậy. Quan niệm này có thể thấy ở hầu khắp các dân tộc trên thế giới, ví dụ người Romania; người Georgia, người Armenian thuộc khu vực Caucasus; người Komis, người Udmurts, người Mari, người Chuvash cư trú ở khu vực Sông Volga thuộc ngữ hệ Finno-Ugric; người Ashantis ở châu Phi cũng có. Điều đáng chú ý là tất cả các dân tộc này (trừ các dân tộc cư trú ở khu vực Sông Volga ra) đều chưa từng có mối quan hệ với nhau, không thể có chuyện quan niệm thần thoại của họ từ các thổ dân Đài Loan lan truyền sang châu Phi hay là từ Romania truyền sang Đài Loan. Cũng có một số những quan niệm lạ chưa được đưa vào trong Bảng chỉ dẫn motif văn học dân gian  của St. Thompson trừ motif 682.1 là Khoảng cách từ Đất lên Trời (câu đố: Trời và đất cách nhau bao xa?). Còn có rất nhiều ví dụ tương tự khác, nhiều khả năng chúng đều có mối liên hệ với tư duy nguyên thủy.

2. Truyền thuyết (legend)

Truyền thuyết hình thành muộn hơn thần thoại. Thần thoại, truyền thuyết và truyện kể dân gian có những đặc điểm khác biệt. Dưới đây là một số đặc điểm của thể loại này:

1. Thần thoại miêu tả thời kỳ sáng thế, tiền sử; truyền thuyết miêu tả các thời kỳ lịch sử, nhân vật cũng thường là những nhân vật lịch sử.

2. Thần thoại giải thích nguồn gốc của những khái niệm cơ bản nhất, như nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc của lửa, nguồn gốc của nhân loại, nguồn gốc của hồng thủy… còn truyền thuyết thì giải thích nguồn gốc của những thứ không quan trọng như vậy, ví dụ Lỗ Ban đã phát minh ra cái cưa như thế nào, hoặc nguồn gốc của một món ăn, một nhóm địa danh… Tuy nhiên chức năng giải thích trong truyền thuyết chắc chắn là được kế thừa từ thần thoại mà có.

3. Thần thoại nhìn chung có liên quan đến tín ngưỡng, nghi lễ, còn nền tảng của truyền thuyết lại là sự kiện lịch sử. Thời cổ người ta tin truyện thần thoại là có thật, thời kỳ sau người ta lại tin những câu chuyện mà truyền thuyết kể là có thật. Truyền thuyết thường lấy một sự tích nhất định để làm căn cứ cho nên có tính chân thực và đáng tin của nó. Truyền thuyết thường lấy nhân vật và sự kiện lịch sử để làm đối tượng miêu tả (đó chính là lý do vì sao ở Trung Quốc, truyền thuyết lịch sử lại chiếm tỉ lệ áp đảo), vì vậy truyền thuyết cũng có chức năng mang tính tưởng niệm.

4. Thần thoại kể chuyện của cả nhân loại, cả bộ lạc, cả dân tộc. Truyền thuyết kể chuyện về một nhân vật, chuyện xảy ra ở một địa phương nhỏ (thôn, trấn) hoặc chuyện của một thị tộc.

5. Truyền thuyết có tính địa phương rất rõ nét, những nhân vật và địa phương được miêu tả đều mang đậm tính địa phương (đặc biệt là truyền thuyết địa danh, truyền thuyết danh lam thắng cảnh và truyền thuyết sản vật…) trong khi đó thần thoại nhìn chung không mang đậm tính địa phương như vậy.

6. Bởi vì đại bộ phận truyền thuyết đều có tính địa phương nên khu vực lưu truyền của nó không phải là trên toàn quốc mà chỉ giới hạn trong những khu vực nhất định (ví dụ truyền thuyết của một thành phố: Truyền thuyết Tô Châu, truyền thuyết Bắc Kinh).

7. Truyền thuyết không giống với truyện dân gian, nhân vật của truyện dân gian không phải là nhân vật lịch sử, địa điểm được miêu tả cũng không phải địa điểm cố định. Truyền thuyết mặc dù có một vài nhân tố thần kỳ, nhưng sự việc được miêu tả lại xảy ra ở một nơi có thật, trong một thời đại lịch sử cụ thể, nhân vật cũng thường là những nhân vật có thật.

8. Truyền thuyết thường gắn với các loại ngành nghề, gần như mỗi một ngành nghề đều có truyền thuyết của riêng nó, như nghề mộc, nghề da, nghề đông y, nghề khai thác mỏ… Rất nhiều ngành nghề còn có truyền thuyết tổ sư của mình, ví dụ như nghề mộc có truyền thuyết Lỗ Ban, nghề làm đậu phụ thì có truyền thuyết về Lạc Nghị. Thần thoại và truyện dân gian thì không có liên quan đến các ngành nghề.

9. Truyền thuyết thường liên quan đến tôn giáo, có một loại chuyên biệt gọi là truyền thuyết tôn giáo. Phương Tây có lúc cũng gọi legend là truyền thuyết tôn giáo. Trung Quốc có rất nhiều truyền thuyết Phật giáo, Đạo giáo như truyền thuyết về Quan Âm hoặc truyền thuyết về các vị tiên (ví dụ truyền thuyết Bát tiên).

10. Truyền thuyết cũng thường vay mượn một số phương pháp biểu hiện hoặc chủ đề của truyện dân gian ví dụ một số motif của truyện dân gian, mô thức kết cấu của truyện dân gian như lặp lại ba lần, kết cấu xâu chuỗi… tuy nhiên rất nhiều kết cấu của truyền thuyết không giống truyện dân gian.

11. Trong truyền thuyết tôn giáo có một loại gọi là truyền thuyết đền miếu chùa quán. Trung Quốc có rất nhiều đền miếu chùa quán cho nên tiểu loại truyền thuyết này cũng khá phong phú.

3. Truyện dân gian

Truyện dân gian cũng không giống với thần thoại và truyền thuyết:

1. Truyện dân gian thường là tự sự văn xuôi truyền miệng, một số dân tộc có truyện thơ có thể ngâm xướng hoặc là trong những truyện kể văn xuôi, đối thoại của nhân vật sử dụng lối nói thơ, nhưng những ví dụ như thế không nhiều.

2. Thông thường, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, điểm khác nhau của truyện dân gian và thần thoại là ở chỗ truyện dân gian không có quan hệ trực tiếp với các hoạt động tín ngưỡng như nghi lễ, tế tự… còn thần thoại thì ngược lại. Chức năng chủ yếu của truyện dân gian không phải là giải thích nguồn gốc của vạn vật mà là nhằm giải trí giống như các sách báo tiêu khiển vậy.

3. Truyện dân gian không giống thần thoại ở chỗ, mục đích chủ yếu của thần thoại là giải thích trạng thái của vũ trụ, những thay đổi cũng như những quy định của vũ trụ khi nó được xác lập. Truyện dân gian không có tính giải thích, truyện dân gian chủ yếu miêu tả trạng thái của nhân vật và những thay đổi của các trạng thái đó hoặc cách mà nhân vật khắc phục các tai họa, hoặc miêu tả cuộc sống gia đình và những xung đột nội bộ của gia đình.

4. Nội dung của truyện dân gian là những sự kiện không bình thường (hoang tưởng, kì dị hoặc những sự kiện xảy ra trong cuộc sống). Đặc điểm này giống với tiểu thuyết giai đoạn đầu (như tiểu thuyết Lục triều, truyền kì Đường Tống, Minh; tiểu thuyết thoại bản Tống, Nguyên, Minh). Nhưng truyện dân gian vẫn có nét khác biệt, trước hết ở chỗ nó là truyện kể truyền miệng, ngoài ra, nó cũng có kết cấu và phương pháp biểu đạt đặc thù không giống với đoản thiên tiểu thuyết.

5. Sự việc mà truyện dân gian miêu tả mặc dù không phải xảy ra ở hiện tại nhưng cũng không giống với truyện thần thoại xảy ra trong thời kỳ tiền sử, thời kỳ sáng thế. Chỉ là “ngày xửa ngày xưa” mà thôi.

6. Truyện dân gian không giống thần thoại ở chỗ, nó không kể những chuyện của cả nhân loại, cả bộ lạc mà chỉ kể chuyện của một cá nhân, chuyện của một gia đình. Rất nhiều tác phẩm cho dù là truyện của Trung Quốc hay Nga, Đức, câu đầu tiên thường là “Thuở xưa có một gia đình nọ chỉ có hai vợ chồng già…”. Công thức này hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên.

7. Thần thoại thường dùng phương pháp tượng trưng để miêu tả thế giới hoặc mô hình thế giới, trong khi đó truyện dân gian cả từ đối tượng miêu tả, phương pháp miêu tả, kết cấu tình tiết đều không giống thần thoại. Tuy nhiên do truyện dân gian được sản sinh trên nền tảng thần thoại cho nên trong truyện dân gian có không ít các motif được vay mượn từ thần thoại sang. Chúng ta đã nói đến chức năng truy nguyên của thần thoại, một số truyện dân gian mặc dù vẫn bảo lưu được cái kết có ý nghĩa truy nguyên đó, nhưng đều nhằm giải thích những sự việc vụn vặt (như đuôi thỏ vì sao lại ngắn…) chứ không  phải những hiện tượng cơ bản của cuộc sống loài người (như nguồn gốc của lửa…).

8. Truyện dân gian có thể chia thành 3 loại là truyện động vật (animal tales), truyện thần tiên/hoang đường (fairy tales) và truyện sinh hoạt (novelle). Mỗi loại đều có kết cấu, tình tiết điển hình và phương pháp thể hiện nghệ thuật riêng.

9. Xét ở góc độ truyện dân gian trên toàn thế giới thì có thể chia nó thành hai loại lớn: 1) Truyện dân gian tương đối nguyên thủy, có người gọi là “truyện thần thoại” (mythological tales). 2) Truyện dân gian của các dân tộc văn minh. Thường thì các nhà nghiên cứu đều cho rằng, thần thoại có ý nghĩa thần thánh (thần bí), còn truyện dân gian chỉ có ý nghĩa giải trí. Nhưng đối với một xã hội tương đối nguyên thủy, một nền văn học dân gian tương đối nguyên thủy thì sự khác biệt này không chắc có thể phân cắt rạch ròi như vậy.

10. Nhìn chung thì hầu hết mọi người không tin nội dung của truyện dân gian là thật mà chỉ tin vào thần thoại và truyền thuyết mà thôi, nhưng thổ dân của những xã hội tương đối nguyên thủy thì lại không có quan niệm đó.

Vào đầu thế kỷ XX, người Trung Quốc đã gọi truyện dân gian là “đồng thoại”. Từ “đồng thoại” được vay mượn từ Nhật Bản. Theo lời của Chu Tác Nhân thì nó bắt đầu được sử dụng bởi tiểu thuyết gia Nhật Bản thế kỷ XVIII Santō Kyōden (山东京传) và được kế thừa bởi tiểu thuyết gia nổi tiếng thế kỷ XIX Kyokutei Bakin (曲亭马琴)(3). Có thể thấy thuật ngữ này được bắt nguồn từ tên của bộ truyện cổ dân gian Đức nổi tiếng thế giới của hai anh em nhà Grimm: Kinder und Haus Märchen, dịch thẳng là: Truyện dân gian viết cho thiếu nhi và gia đình. Từ Märchen của tiếng Đức có nghĩa là “truyện dân gian”, tên sách không có ý nghĩa “đồng thoại”. “Đồng thoại” là truyện dân gian mà các nhà văn viết lại cho nhi đồng, tác phẩm nổi tiếng của Andersen (Đan Mạch): Truyện kể cho thiếu nhi là một ví dụ điển hình nhất, có điều đây đích thực là một sáng tác văn học viết. Trong truyện dân gian cũng có một số tác phẩm lấy thiếu nhi làm đối tượng, hoặc truyện do trẻ em kể, nhưng nhìn chung rất khó tách chúng ra khỏi truyện dân gian. Triệu Cảnh Thâm từ năm 1924 đã chia đồng thoại ra làm 3 loại: Đồng thoại dân gian, đồng thoại giáo dục và đồng thoại văn học(4). Tác phẩm dân gian không giống với tác phẩm văn học viết, cho nên tốt nhất là chia truyện dân gian truyền miệng và đồng thoại do nhà văn sáng tác thành hai loại.

Trên đây là định nghĩa và đặc trưng của truyện dân gian. Mặc dù các dân tộc trên toàn thế giới đa phần đều có truyện dân gian nhưng có lẽ chỉ có một vài dân tộc có các tên gọi chuyên biệt ví dụ tiếng Đức gọi truyện dân gian là Märchen; tiếng Anh cũng dùng một từ ngoại lai vay mượn từ tiếng Đức là folktareMärchen chỉ có nghĩa là truyện dân gian, nhưng trong từ điển tiếng Anh do Đài Loan biên tập, ví dụ như trong bộ từ điển lớn nhất là Đại từ điển Anh Hán do Đông Hoa thư cục xuất bản (năm 1992) đã dịch từ Märchen thành: “truyện dân gian, thần thoại, đồng thoại”, tức là đem một danh từ vốn vô cùng chính xác dịch ra thành một khái niệm mơ hồ. Cũng có học giả Trung Quốc nói đến truyện dân gian theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả những tác phẩm văn học truyền miệng mang đậm tính tưởng tượng hoặc màu sắc kỳ ảo như truyền thuyết, thần thoại, đồng thoại, ngụ ngôn… Còn truyện dân gian theo nghĩa hẹp thì chủ yếu chỉ “truyện sáng tác truyền miệng” có tính hiện thực cao, ít thành phần tưởng tượng(5). Vậy thì truyện thần kì (hoang đường), loại truyện dân gian có nhiều nhất và điển hình nhất trên thế giới là gì? Chẳng lẽ không phải là truyện dân gian sao? Cách giải thích này xem ra rất khó chấp nhận.

Thổ dân Đài Loan không có danh từ riêng để gọi thần thoại, truyền thuyết và văn học dân gian. Dân tộc Bunun gọi chung tất cả những truyện dùng để kể là halihabasan, có ý nghĩa là “truyện cổ”. Dân tộc Atayal cũng không có khái niệm thần thoại, truyền thuyết và truyện dân gian, họ chỉ có khái niệm ywaw raran, tức là “truyện cổ” (ywaw là truyện, raran có nghĩa là “cổ”). Dân tộc Paiwan thì có nét không giống, họ dùng từ Mirimiringan (hoặc milimilingan), cũng có ý nghĩa là “truyện cổ”, “truyện thời cổ”, “lời của người già” (H. Egli dịch thành die alte Geschichte, theo cách giải thích của ông thì Mirimiringan là không đáng tin, nhưng vẫn có một số điều có thể tin). Ngoài ra người Paiwan còn có từ tia-u-tsikel (hoặc tjautsiker) “truyện mới”, tức là những truyện đáng tin. H. Egli giải thích rằng, nội dung của loại truyện này vẫn còn cần chứng thực(6).

Có thể thấy dân tộc Paiwan đã chia những truyện cổ xưa, không thật sự đáng tin và những truyện gần đây thành 2 loại khác nhau. Các dân tộc khác của thổ dân Đài Loan thường không phức tạp như vậy, họ dường như đều tin rằng những truyện kể đều là những truyện đáng tin, đều thuật lại những chuyện đã từng xảy ra trong quá khứ.

4. Các thể loại văn học dân gian khác

Ngoài 3 thể loại đã nêu trên (thần thoại, truyền thuyết, truyện dân gian), còn có một loại nữa là truyện quỷ, ở Trung Quốc đại lục có nhà nghiên cứu đã gọi là “quỷ thoại”. Những truyện này không giống với truyện dân gian, cũng không giống với thần thoại. Cuốn Bảng chỉ dẫn motif văn học dân gian của Aarne-Thompson chỉ đưa vào một số truyện ma quỷ ngu ngốc, vì vậy có học giả đã biên soạn riêng những cuốn hướng dẫn tra cứu loại hình truyện quỷ như cuốn Hướng dẫn tra cứu  type và motif truyện quỷ Phần Lan của giáo sư người Phần Lan L. Simonsuuri (bản tiếng Đức năm 1961) hay cuốn hướng dẫn tra cứu quỷ thoại Nga (dùng tiếng Nga và tiếng Đức) do giáo sư E.V. Pomerantseva cùng học trò của bà biên soạn(7). Bởi vì truyện quỷ không có thuật ngữ chuyên môn cho nên tác giả đã phải sử dụng thuật ngữ tiếng Đức là Mythischen Sagen, có thể dịch là “truyện thần thoại” nhưng không thích hợp lắm vì không biểu đạt được đặc trưng của chúng. Tiếng Đức hiện nay dùng Dämonologische Sagen với nghĩa là “truyện quỷ”. Quỷ thoại có quan hệ vô cùng mật thiết với mê tín dân gian, nó ra đời trên nền tảng của mê tín và tín ngưỡng nguyên thủy. Thông thường thì khi tín ngưỡng (hoặc mê tín) này không còn nữa, truyện quỷ cũng biến mất theo. Điều này là không giống với truyện dân gian. Kết cấu của truyện quỷ cũng không giống với truyện dân gian, chức năng xã hội của truyện quỷ càng không giống với truyện dân gian, mục đích của người kể truyện quỷ thường là biểu đạt niềm tin vào ma quỷ, nhắc nhở mọi người về sự nguy hiểm và đáng sợ của ma quỷ(8).

Ngoài truyện quỷ ra, cũng cần phải chú ý đến truyện về người khổng lồ. Truyện về người khổng lồ có lẽ cũng rất đặc biệt, không giống với thần thoại. Mặc dù trong truyện dân gian cũng có truyện liên quan đến người khổng lồ, trong Bảng tra type truyện của Aarne-Thompson cũng có một loại riêng gọi là “Truyện những người khổng lồ ngu ngốc”, nhưng nó khác xa truyện người khổng lồ nguyên thủy. Truyện người khổng lồ của thổ dân và truyện quỷ có vài điểm tương tự chứ cũng không hoàn toàn tương đồng.

Trong loại hình tự sự văn xuôi còn phải kể đến truyện cười dân gian. Bảng tra type truyện của Aarne-Thompson cũng dành cho truyện cười một mục riêng, tuy nhiên, tác giả nhận thấy một điều là, ở thổ dân Đài Loan hình như không có truyện cười, hỏi người Bunun thì họ nói: “Chuyện mà họ kể đều vô cùng chân thật, nghiêm chỉnh, người già từ trước đến giờ không bao giờ kể truyện cười cho thanh niên, chúng tôi chưa từng được nghe bao giờ. Có thể khi uống rượu say, người già có kể một vài truyện buồn cười, nhưng bây giờ chẳng ai còn ấn tượng nào về chúng nữa”. Đương nhiên khi tôi đi điền dã ở dân tộc Bunun cũng tìm được vài ba truyện, cứ nhìn ánh mắt của những người kể chuyện hiện nay thì xem ra cũng có vẻ buồn cười, ví dụ như truyện về cô gái giao hợp với giun, nhưng rất có khả năng đây là biến hình của một câu chuyện hoàn toàn nghiêm túc. Một nhà văn của dân tộc Atayal nói dân tộc ông có truyện cười, tôi xin ông cho một ví dụ, nhưng truyện mà ông kể chỉ là miêu tả một tình huống buồn cười, nó không có tình tiết, cũng không có kết cấu đặc thù của một truyện cười.

II. THẦN THOẠI NGUYÊN THỦY VÀ THẦN THOẠI “TIẾN BỘ”(9)

Trên kia trong phần các đặc điểm của thần thoại tôi đã nói đến hai loại thần thoại: thần thoại nguyên thủy và thần thoại của các dân tộc có nền văn minh cổ đại tương đối phát triển. Những thần thoại tiến bộ này ngoài các tác phẩm được ghi chép trong các thư tịch cổ ra còn có những tác phẩm mà chúng ta gọi là “thần thoại sống”, tức những thần thoại đã biến hình hiện đang lưu hành trong dân gian, ví dụ như tác phẩm được sưu tầm tại Đài Loan kể rằng: Nữ Oa để vá trời đã phải vận chuyển rất nhiều tảng đá lớn, và vì vậy đã phát minh ra tàu hỏa.

Dưới đây là một số đặc điểm của thần thoại nguyên thủy trong tương quan so sánh với thần thoại tiến bộ:

1. Thần thoại nguyên thủy có một mối quan hệ vô cùng mật thiết với tư duy nguyên thủy, ví dụ người nguyên thủy không tách biệt một cách rạch ròi giữa người và động vật. Dân tộc Saisiyat kể rằng, vào thời xa xưa thì khỉ cũng là người. Dân tộc Atayal thì lại kể rằng, diều hâu cũng là người. Và vì vậy, người có thể giao cấu với động vật (ví dụ trong thần thoại của người Bunun kể rằng, vợ của người thợ săn đã giao phối với lợn rừng, thần thoại của người Taroko lại kể về một người đàn bà đã giao cấu với chó, thần thoại của dân tộc Kebalan có chuyện người anh kết hôn với chó cái, v.v...); có thể đổi trao các bộ phận trên thân thể (ví dụ người đàn ông có thể đổi dương vật cho chó); người cũng có thể biến thành động vật và ngược lại. Trong các thần thoại nguyên thủy của thổ dân Australia, chúng ta thường rất khó phân biệt rõ, nhân vật ở đây là người hay động vật hay lưỡng tính.

2. Thần thoại nguyên thủy không miêu tả quá trình hình thành của vũ trụ, người nguyên thủy không đặt ra những câu hỏi như: mặt đất hay biển đã hình thành như thế nào? Họ chỉ có một số khái niệm về mặt trời và mặt trăng, mặt trời và mặt trăng có thể nhân được cách hóa, ví dụ như thần thoại của thổ dân Australia kể rằng, mặt trăng là đàn ông, anh ta lên trời và khi ăn no chuột possum [một dạng chuột túi, có tập tính giống kangguru] thì trở nên to lớn (tức trăng tròn), khi nào mệt thì biến thành kangguru màu xám, những chàng trai đã giết chết anh ta nhưng vẫn giữ lại một miếng xương, trăng non đã ra đời từ miếng xương này (cái răng của trăng). Thổ dân Australia tin rằng, mặt trời là một cô gái. Rất nhiều dân tộc có thần thoại về sự kết hôn của mặt trời và mặt trăng, ở thổ dân Đài Loan thì có dân tộc Amis. Trong thần thoại của thổ dân Đài Loan, mặt trời cũng được nhân cách hóa, tuy không nói rằng đó là một con người cụ thể, nhưng lại kể rằng, mặt trời khi bị bắn trúng thì chảy máu (ví dụ dân tộc Atayal). Đây là một lối hoán dụ (metonymy) điển hình, không miêu tả toàn thể mà chỉ dùng một bộ phận để miêu tả toàn thể, ví dụ như miêu tả mặt trời như có tay vậy, và điều đó cũng chứng tỏ là mặt trời đã được nhân cách hóa. Rất ít thần thoại của thổ dân Đài Loan kể về mặt trăng, chỉ kể rằng, mặt trời thứ hai bị bắn trúng đã biến thành mặt trăng.

Trong những thần thoại của các dân tộc văn minh, các vì sao trên bầu trời cũng có vai trò vô cùng quan trọng, ví dụ thần thoại của Hy Lạp hay thần thoại Trung Quốc cổ đại. Thần thoại Trung Quốc có nói đến Bắc Đẩu thất tinh hay Thọ tinh, v.v... Thế nhưng trong thần thoại của các dân tộc còn tương đối nguyên thủy thì vai trò của các vì sao không hề to lớn như vậy, thậm chí không có bất cứ một thần thoại nào kể về một vì sao cụ thể, chỉ nhắc đến những cô gái từ một ngôi sao giáng hạ xuống rồi lại quay về chốn cũ, nhưng cô ta có phải là một ngôi sao hay không thì chúng ta không thể lý giải rõ (thần thoại dân tộc Bunun). Người dân tộc Amis cũng có chuyện kể rằng, con người sau khi chết đi thì biến thành ngôi sao, nhưng không có chuyện về các ngôi sao. Ở các dân tộc bản địa Đài Loan, thần thoại về cầu vồng có vẻ phổ biến hơn (ví dụ dân tộc Bunun).

Trong thần thoại nguyên thủy, khái niệm về trời tương đối mờ nhạt. Không hề thấy nói trời đã hình thành như thế nào (thần thoại Bàn Cổ là một ngoại lệ), cũng không thấy nói trời và đất đã tách rời nhau như thế nào mà chỉ nói: xưa kia bầu trời rất thấp, con người chỉ cần trèo lên núi là đã có thể vô tình lạc lên trời. Nhưng không ít dân tộc lại có thần thoại giải thích vì sao mà trời lại cao lên như vậy. Trong thần thoại của các dân tộc phát triển thường có Thiên đế, Thượng đế, các vị thần…Các dân tộc tương đối nguyên thủy thì không có những vị thần được nhân cách hóa như vậy.

3. Trong thần thoại của các dân tộc phát triển thường những nhân vật anh hùng văn hóa, tức đã có những phát minh cho cả loài người, ví dụ Phục Hi phát minh ra lưới đánh cá, bát quái; Thần nông dạy dân cày ruộng, v.v... Trong các thần thoại nguyên thủy, ví dụ trong thần thoại của thổ dân Australia thì tổ tiên có vai trò của các anh hùng văn hóa. Trong thần thoại của thổ dân Đài Loan dường như không hề có khái niệm vật tổ (vấn đề này vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu), đồng thời cũng không có hình tượng anh hùng văn hóa. Hành vi của anh hùng văn hóa đại bộ phận là vô danh, ví dụ lấy lửa, lấy gạo, bắn những mặt trời dư thừa. Chỉ có dân tộc Tsou là có chuyện về một anh hùng cụ thể bắn rơi mặt trời (thần thoại của dân tộc Tsou cũng có những nét khác biệt với thần thoại của các dân tộc bản địa Đài Loan khác, điều này chắc hẳn có quan hệ với nguồn gốc đặc biệt của dân tộc này).

4. Trong thần thoại của các nền văn minh tương đối phát triển thì anh hùng văn hóa sẽ tự phát minh ra thứ gì đó, ví dụ Nữ Oa phát minh ra sênh (khèn), v.v...; nhưng trong các thần thoại muộn thì bà ta sẽ không tự mình làm những việc đó mà chỉ mệnh lệnh cho thủ hạ của mình chế tạo ra nhạc khí mà thôi (xem thêm Thế bản. Đế hệ thiên). Còn trong thần thoại nguyên thủy thì tất cả mọi thứ đều không phải là được làm ra mà là có được từ một thế giới khác. Nhân vật của thần thoại nguyên thủy thường là động vật hoặc là những totem có ngoại hình động vật. Nhân vật trong thần thoại “tiến bộ” thì được nhân cách hóa hoặc dần dần mất đi những đặc trưng động vật vốn có của nó. Ví dụ trong thần thoại cổ đại Trung Quốc thì Đại Vũ trị thủy là một con gấu được nhân cách hóa, nhưng trong thần thoại của người Bunun hay là người Tsou thì đó là con cua.

5. Người nguyên thủy không có quan niệm gì về nguồn gốc của vũ trụ mà chỉ có thần thoại về nguồn gốc của loài người. Thổ dân Đài Loan cũng không ngoại lệ. Thần thoại nguồn gốc loài người có hai loại: một là những con người đầu tiên được sinh ra từ tự nhiên, ví dụ người Atayal kể rằng, một hòn đá lớn nứt ra và con người xuất hiện, hay người Yami kể rằng, những con người đầu tiên được sinh ra từ đá và tre, người Bunun kể rằng những con người đầu tiên được sinh ra từ phân; hai là những anh hùng văn hóa hoặc đấng sáng tạo đã tạo ra con người, ví dụ như Nữ Oa dùng đất bùn để nặn ra con người. Thần thoại của các dân tộc văn minh thường có một nhân vật vĩ đại sáng tạo ra loài người (thần thoại Bàn Cổ là một ngoại lệ, đó là thần thoại của dân tộc miền Nam). Các dân tộc nguyên thủy thì lại khác, hầu như mỗi một bộ lạc đều có một quan niệm riêng của mình về nguồn gốc loài người, có thể giữa các bộ lạc khác nhau, thần thoại về nguồn gốc loài người cũng có những nét tương đồng, nhưng vẫn không hoàn toàn trùng khớp.

6. Thời đại của thần thoại là thời đại hoàng kim, thời đại lý tưởng. Thổ dân Đài Loan kể rằng, vào thời đó, một hạt gạo có thể nấu được một nồi cơm, không cần phải gánh nước mà nước tự về nhà, củi cũng vậy, v.v... Nhưng các câu chuyện thần thoại của họ cũng kể nguyên do vì sao mà thời đại đó kết thúc, trạng thái hiện nay đã bắt đầu như thế nào. Thời kỳ hoàng kim của Trung Quốc cổ đại được lịch sử hóa thành thời đại Nghiêu Thuấn, họ được hình dung là những nhà thống trị lý tưởng, đời sống khi ấy vô cùng tốt đẹp. Còn thần thoại của các dân tộc tương đối nguyên thủy thì lại có một đặc điểm, sự kết thúc của cuộc sống lý tưởng luôn gắn liền với phụ nữ và những việc làm sai trái của họ. Không chỉ thần thoại của thổ dân Đài Loan mà rất nhiều dân tộc khác đều có motif như vậy. Thời đại lý tưởng nguyên thủy của Trung Quốc cổ đại trong quá trình lịch sử hóa thần thoại đã được biến thành thời đại Nghiêu Thuấn. Nhưng những thần thoại sống của người Hán lưu hành trong dân gian lại vẫn còn những dấu vết của quan niệm nguyên thủy. Một số những vùng hẻo lánh vẫn bảo lưu được những thần thoại kiểu như vậy. Ví dụ trong truyện “Vì sao phụ nữ bó chân” sưu tầm được ở huyện Jimusaer của Tân Cương đã kể rằng: Vào thời khai thiên lập địa, lúa gạo chất thành đồi thành núi, dầu dấm chảy thành suối thành sông, người thời ấy chỉ ăn mà không động tay động chân làm một việc gì cả. Một hôm, một vị thần trên trời xuống trần để giám sát, gặp đúng lúc một người đàn bà đang nướng bánh, đứa bé trong lòng chị ta bỗng nhiên đái dầm, người đàn bà bèn tiện tay lấy một cái bánh lau đít cho nó. Thần thấy vậy thì vô cùng tức giận, bèn khiến cho loài người từ đó về sau phải tự làm lấy mà ăn. Thế là những sông suối dầu dấm bỗng chốc trở thành nước lã, những đồi núi lương thực cũng lập tức trở thành tuyết trắng bao phủ. Khi ấy loài người vẫn không hiểu có chuyện gì xảy ra. Họ cố đi tìm nguyên nhân, tìm mãi tìm mãi mới phát hiện ra tội lỗi mà người đàn bà nọ đã gây ra. Thế là họ bắt đàn bà phải bó chân, mãi mãi không được ra khỏi cửa, không được ra đồng làm việc, nếu không sẽ gây ra những chuyện chẳng lành.

Câu chuyện này có thể chia ra thành 3 motif: 1. Thời kỳ hoàng kim xa xưa cái gì cũng có, con người không cần phải lao động. 2. Vì một người đàn bà đã làm một việc sai trái cho nên thời hoàng kim đó đã kết thúc. 3. Đàn bà bị trừng phạt. Hai motif đầu chúng ta có thể thấy trong thần thoại của thổ dân Đài Loan. Và có thể suy đoán rằng, motif thứ nhất là một motif tương đối nguyên thủy, thần thoại của rất nhiều dân tộc đều có motif này, ví dụ như người thổ dân Udegei ở đảo Sakhalin (Nga) cũng kể rằng, vào thời kỳ hoàng kim, lương thực rơi từ trên trời xuống, khắp hồ ao sông suối đều là dầu ăn. Motif thứ hai là người đàn bà dùng bánh mì chùi đít cho đứa trẻ. Motif này có ở trong thần thoại của cả châu Âu (Pháp, Đức, Ukraine, Ba Lan, Bulgaria, người Komi, người Chuvashia ở Nga) và châu Á (người Altay, người Сахалар của Nga; người Kazak ở Tân Cương). Đại bộ phận những dân tộc phát triển này kể rằng, trước kia lúa mạch từ gốc đến ngọn đều là hạt, chỉ vì một người đàn bà đã dùng lúa hay là một miếng bánh mì chùi đít cho con cho nên thần đã trừng phạt cả loài người. Thần bèn tuốt hết cây lúa, chỉ để lại một bông như ngày nay mà thôi. Thần thoại của rất nhiều dân tộc phát triển vẫn còn bảo lưu được những khái niệm tương đối nguyên thủy, ví dụ việc trừng phạt đàn bà là do tự nhiên bị trừng phạt, hoặc không biết rõ ai là người trừng phạt loài người. Còn trong thần thoại của các dân tộc phát triển thì người trừng phạt loài người sẽ là Jesus hoặc chân chúa của đạo Hồi hoặc là một vị thần vô danh nào đó. Cũng cần chú ý rằng, chỉ có thần thoại của các dân tộc phát triển thì mới có chuyện về lúa mạch, bởi vì các dân tộc nguyên thủy còn chưa biết đến nông nghiệp, chưa trồng cấy lương thực, vì vậy không có chuyện kể về những bông lúa. Lại xét đến truyện được sưu tầm ở Tân Cương. Ở đây, kẻ trừng phạt loài người là một vị thần giám sát vô danh từ trên trời xuống. Trong truyền thuyết người Hán lại có chuyện Ngọc hoàng thượng đế phái thần xuống giám sát loài người (ví dụ truyền thuyết về sự ra đời của Quan Đế). Đây đương nhiên là đặc trưng của thần thoại tiến bộ. Hoặc như truyện sưu tầm được ở người Đungan ở nước cộng hòa Kyrgyz (hậu duệ của người dân tộc Hồi tỉnh Cam Túc) kể rằng, chân chúa muốn trừng phạt loài người bèn phái một vị thần xuống tuốt hết cây lúa chỉ để lại một bông. Các vị thần trong truyện của dân tộc Hán hầu hết đều là vô danh.

7. Tuy trong thần thoại nguyên thủy không có những truyện về sự hình thành vũ trụ nhưng lại có những thần thoại về sự điều chỉnh vũ trụ và con người. Phổ biến nhất là: bầu trời thấp đã được đẩy cao lên như thế nào, tức vũ trụ đã làm thế nào để có hình thức như hiện nay. Quan niệm thần thoại về bầu trời thấp là phổ biến trên toàn thế giới (motif A625.2 Chống trời). Có nhiều thuyết khác nhau về nguyên nhân khiến cho bầu trời cao lên. Hầu hết các dân tộc đều kể rằng có một người đàn bà giã một thứ gì đó, ví dụ như gạo (ở thổ dân Đài Loan, dân tộc Thái ở Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, dân tộc Va ở Vân Nam – Trung Quốc), hay giã kê (miền Đông châu Phi), giã củ từ [củ mài] (miền Tây châu Phi)… và đã thúc chầy vào bầu trời khiến nó bị đẩy lên cao; hay dùng sào đánh trời, trời bèn cao lên. Cũng có thần thoại của một số dân tộc kể rằng, người có hành động giã kia là đàn ông (ví dụ truyện ở Mã Lai), nhưng đó không phải là người đàn ông bình thường mà là Thần hoặc anh hùng văn hóa. Cũng có một số dân tộc kể rằng, người khổng lồ có sức khỏe phi thường đã chống trời lên, ví dụ như Bàn Cổ hay trong thần thoại của người Tsou ở Đài Loan là Thiên thần Hamo, hay trong thần thoại của dân tộc Selknam ở đảo Tierra del Fuego – Nam Mĩ là đấng sáng thế Kenys. Tuy nhiên, những ví dụ như vậy không nhiều.

Ngoài những thần thoại về sự sắp xếp vũ trụ ra còn có những thần thoại về sự tu bổ con người, tức sửa sang, điều chỉnh những con người vẫn chưa được hoàn thiện. Thần thoại của thổ dân Australia kể rằng, trước kia, con người còn dính vào nhau, hoặc chỉ là những sinh vật yếu đuối không biết làm gì vì không có mắt, tai, mồm, v.v..., sau đó một vị Thần (vật tổ) đã tách họ ra, mở mắt, mũi, mồm… cho loài người, và con người mới trở nên hoàn thiện như ngày nay. Trong thần thoại của thổ dân Đài Loan cũng có những dấu tích của một quan niệm như vậy. Ví dụ có thần thoại kể rằng, xưa kia có một bộ lạc đàn bà, người ở đó không có cửa trên và cửa dưới, tức không có miệng và hậu môn. Có truyện lại nói là không có âm hộ và hậu môn. Vì vậy, đàn bà xưa kia không ăn cơm, chỉ ngửi nước mà thôi. Bỗng một người đàn ông tình cờ đến bộ lạc đó, nhân lúc cả bộ lạc đang ngủ say, anh ta đã dùng một cái gậy sắt nung đỏ xuyên thủng mông họ, kết quả là khiến cho người ở đó đều chết hết. Ở bang Assam Đông Bắc Ấn Độ cũng có thần thoại tương tự. Bản thân tôi nhận thấy, thần thoại về Hỗn Độn trong Trang tử. Ứng đế vương chính là thuộc dạng này. Truyện kể rằng: Hai thần Thúc và Hốt thấy Hỗn Độn không có thất khiếu, bèn đục cho, Hỗn Độn chết(10). Trong những thần thoại nguyên thủy nhất, công việc đục thất khiếu này luôn thành công, còn trong các thần thoại của xã hội phát triển hoặc không còn nguyên thủy nữa thì công việc này luôn luôn thất bại.

8. Trong thần thoại nguyên thủy, những của cải tự nhiên hoặc là từ thế giới khác đến (ví dụ thần thoại của dân tộc Bunun kể rằng, từ trên trời rơi xuống một quả bầu, trong quả bầu có gạo; dân tộc Thái ở Việt Nam lại kể rằng, gạo tự bay về nhà); hoặc là lấy trộm từ thế giới khác (quan niệm này phổ biến hơn quan niệm trên), ví dụ thần thoại của người Bunun cũng kể rằng, xưa kia người Bunun không có gạo, chỉ có người Ikolon ở dưới địa phủ là có gạo, người khác đến xứ họ chỉ được họ cho ăn chứ không cho lấy mang về, vì vậy, các đấng tổ tiên đã nghĩ cách lấy trộm giống của người Ikolon để mang về nhà trồng, họ giấu trong móng tay cũng bị phát hiện, giấu trong dương vật cũng bị phát hiện. Sau có một người đàn bà giấu nó trong âm đạo, người Ikolon không lục soát, thế là không bị phát hiện.

Người Paiwan cũng có thần thoại về chuyện ăn cắp kê ở đảo Lan Dự (Orchid), điều đáng chú ý ở đây là, hải đảo trong văn học dân gian có thể tượng trưng cho một thế giới khác. Đôi khi, motif ăn trộm lương thực cũng xuất hiện trong các truyền thuyết muộn, ví dụ như truyền thuyết sưu tầm được ở vùng Ninh Ba – Triết Giang kể rằng, Đường Tăng và ba đồ đệ đến đất Phật Tây Thiên, lần đầu tiên mới nhìn thấy tỏi. Tôn Ngộ Không muốn lấy trộm đem về trồng, nhưng lúc cáo biệt, Phật Tổ đã lục soát khắp người Tôn Ngộ Không, phát hiện ra tỏi giấu trong mũ. Sau Tôn Ngộ Không lại giấu trong tai, rồi giấu trong móng tay, tất cả đều bị phát hiện. Phật Tổ chỉ không khám xét trong hậu môn mà thôi, thì ra Tôn Ngộ Không đã giấu tỏi vào trong đó, vì vậy ngày nay, tỏi mới có một mùi khó chịu như vậy. Một truyền thuyết khác lại nói rằng, Tôn Ngộ Không lấy cắp tỏi từ thế giới khác (từ Dao Trì của Tây Vương Mẫu). Tất nhiên đây đều là những truyền thuyết muộn, song đã sử dụng motif của thần thoại.

9. Một trong những đặc trưng logic của thần thoại là: dùng những chứng cứ phản diện để giải thích hiện trạng, tức trước kia, trong thời đại thần thoại, tất cả đều ngược lại, nhưng sau này vì một biến cố nào đó mà thành ra trạng thái “hiện nay” mà chúng ta quen thuộc. Ví dụ khi ấy, phụ nữ có râu, đàn ông không có, sau vì lũ trẻ bú sữa bất tiện cho nên đàn bà đã đổi râu cho đàn ông (thần thoại của người Tsou), hoặc kể rằng, trước kia đàn ông có kinh nguyệt, đàn bà không có, sau vì đi săn bất tiện cho nên đàn ông đã đổi cho đàn bà (thần thoại của người Bunun); hoặc xưa kia âm hộ của đàn bà mọc ngay trên trán, nhưng sau thấy bất tiện, bèn dời ra sau gáy, rồi chuyển xuống mắt cá chân, rồi gót chân, nhưng vẫn bất tiện, cuối cùng chuyển xuống giữa hai đùi (thần thoại dân tộc Rukai), hoặc xưa kia đàn ông sinh con từ trong bắp chân của mình, sau đàn bà thương người anh trai của mình, nói rằng hãy để đàn bà sinh con (thần thoại dân tộc Mangian của Philippines).

10. Trong thần thoại nguyên thủy có rất nhiều truyện kể về sinh thực khí. Chủ yếu là phóng đại về độ lớn của nó. Ví dụ người dân tộc Atayal kể rằng, có một người khổng lồ tên gọi Halus, dương vật của ông ta dài tới tám km. Thần thoại của dân tộc Bunun lại kể rằng, người khổng lồ Haraharae có một cái dương vật rất to, to đến nỗi mỗi khi đi lại ông phải vác nó trên lưng, hoặc có truyện lại nói, ông phải quấn nó vòng quanh cổ, có thể xâm phạm được đàn bà cách xa hai mươi, ba mươi thước. Thần thoại của thổ dân đảo Fiji phía Nam Thái Bình Dương lại tả về một người khổng lồ tên gọi Tuna-mbanga, dương vật to đến nỗi phải 100 cái lồng mới có thể nhốt được. Theo Bảng chỉ dẫn motif văn học dân gian (F547.3.1) của St. Thompson thì trong truyện cổ Ấn Độ cũng có nhân vật có dương vật vĩ đại kiểu như vậy. Trong các thần thoại tiến bộ chúng ta không thấy có những truyện nói về sinh thực khí, nhưng trước kia chắc hẳn là đã từng có. Ở Việt Nam có thần thoại về Nữ Oa, kể rằng, âm hộ của Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng (tức là ngót một hec ta), còn dương vật của ông Tứ Tượng – người muốn lấy bà làm chồng thì dài 14 cây sào(11). Trong các thư tịch cổ của Trung Quốc không thấy có ghi chép nào về âm hộ của bà Nữ Oa như vậy cả, chỉ có trong đồ chơi dân gian trẻ em của vùng Hoài Dương thì có búp bê Nữ Oa(12) cũng có âm hộ dài từ cổ họng đến giữa hai đùi. Những đồ chơi dân gian này đã bảo lưu được phong cách cổ xưa của nó, rất có thể đây chính là dấu vết về bộ sinh thực khí khác thường của bà Nữ Oa. Trường hợp quan niệm thần thoại này của Việt Nam khá đặc biệt, bởi vì chúng ta không tìm thấy motif Nữ Oa có âm hộ lớn trong Bảng chỉ dẫn motif văn học dân gian của St. Thompson, thế nhưng trong thần thoại của dân tộc Rukai Đài Loan lại có một trường hợp kể rằng, một người đàn bà nọ có âm hộ rất lớn, bà ta đựng nó vào trong một cái rương tre và cho vào túi vác trên lưng. Tuy rằng trong các thư tịch cổ của Trung Quốc không thấy có thần thoại ghi chép về chuyện người đàn ông có dương vật vĩ đại, song trong dân gian lại lưu truyền những câu chuyện tục tĩu ghi lại dấu vết của quan niệm nguyên thủy này. Ví dụ ở vùng Quan Trung tỉnh Thiểm Tây khá phổ biến một chuyện thô tục như sau: Ngày xửa ngày xưa, con người không phải như bây giờ, con giống của họ rất dài, có thể quấn ba vòng quanh người mà đằng sau vẫn còn dư trượng tám! Các địa phương khác ở Trung Quốc đại lục cũng có quan niệm tương tự, ví dụ như vùng Hồ Tây tỉnh Hồ Nam, hay vùng Gia Tưởng tỉnh Sơn Đông đều nói rằng, xưa kia, dương vật của đàn ông rất dài. Rất có thể đây chính là tàn dư của hình ảnh người khổng lồ thời thái cổ. Trong thần thoại nguyên thủy còn có quan niệm về sinh thực khí có thể rời khỏi thân thể, tự hành động một mình (ví dụ thần thoại của dân tộc Paiwan, thần thoại của dân tộc Puyuma).

Ngoài ra còn có các motif về sinh thực khí như trong âm hộ của đàn bà có răng (F547.1.1) khiến cho chú rể chết ngay trong đêm tân hôn hoặc mấy lần kết hôn đều khiến người chồng bị chết (T172.0.1). Các dân tộc Amis, Atayal, Paiwan, Rukai, Saisiyat của Đài Loan đều có motif này. Bảng chỉ dẫn motif văn học dân gian  của. St. Thompson chỉ nhắc đến 8 ví dụ nhưng theo Bảng chỉ dẫn motif mới hơn của Ju. Berezkin xuất bản tại Saint Petersburg thì trên thế giới có đến ngót một trăm dân tộc (trừ châu Phi và Australia) đều có motif này. Trong truyện dân gian của các dân tộc phát triển cũng có thể thấy dấu vết của motif này. Hầu hết đều kể rằng người đàn ông đã dùng đá để ghè nát những chiếc răng trong âm hộ. Còn trong thần thoại của các dân tộc bản địa Đài Loan lại kể rằng, người mẹ đã dùng đá để mài những chiếc răng đó hoặc là nhổ chúng đi. Đây là một chi tiết khá đặc biệt so với thần thoại của các nước khác. Nhà lý luận văn học dân gian nổi tiếng thế giới V.Ja. Propp trong Những căn rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kỳ đã cho rằng, âm hộ đàn bà có răng chính là tượng trưng cho uy lực của đàn bà đối với đàn ông(13). Nếu đúng là như vậy thì rất có thể đây chính là dấu vết của quyền lực phụ nữ trong buổi bình minh của nhân loại. Trong các truyện dân gian muộn (ví dụ truyện dân gian Nga) cũng còn bảo lưu những tình tiết như người chồng chết ngay trong đêm tân hôn mặc dù không nói rõ lý do vì sao chết. Đêm tân hôn là đêm nguy hiểm đối với người đàn ông, vậy nên trong rất nhiều truyện dân gian, đêm đầu tiên phá trinh không phải là bản thân chú rể mà là một trợ thủ có ma thuật của anh ta, người này thậm chí còn dùng cành cây hoặc roi sắt để đánh người phụ nữ. Sau khi người phụ nữ đã trở nên vô hại thì chú rể mới được đưa vào động phòng. Giáo sư Propp giả thiết rằng, người trợ thủ này đã thay thế cho vai trò của một thầy mo thay mặt cho thánh thần phá trinh cho người phụ nữ. Tôi không dám khẳng định giả thiết này có đúng hay không bởi vì thổ dân Đài Loan không có tư liệu về phương diện này. Bất luận thế nào đi nữa thì những truyện về sinh thực khí trong thần thoại của thổ dân Đài Loan cũng chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, trong khi đó, thần thoại tiến bộ lại không có những chi tiết tương tự hoặc những biến hình của nó.

11. Vì thần thoại trong xã hội nguyên thủy có chức năng thần thánh cho nên nó không được kể một cách tùy tiện, ví dụ không được kể cho phụ nữ hoặc trẻ em nghe. Người nguyên thủy tin rằng ngôn ngữ cũng có chức năng ma thuật, khi đi săn kể chuyện thần thoại có thể dẫn thú rừng đến. Người Papua cũng tin rằng vào đầu mùa mưa, kể chuyện thần thoại trong vườn sẽ giúp rau màu sinh trưởng(14). Thần thoại là “lịch sử” của bộ lạc, khi đứa bé trai đến tuổi trưởng thành, sắp được dự lễ thành niên mới được nghe thần thoại. Ở New Guinea (Tân Ghinê), người Papua ở vùng trung tâm (Center) phải kể chuyện thần thoại trong một căn phòng đặc biệt, người Papua ở các vùng khác kể thần thoại trong những ngôi nhà dành cho đàn ông (nơi mà phụ nữ không bao giờ được đặt chân đến). Người kể chuyện thần thoại bao giờ cũng phải là đàn ông. Thổ dân Đài Loan vẫn còn dấu vết của truyền thống xã hội nguyên thủy cổ xưa này, ví dụ khi tôi đi điều tra về truyện dân gian của dân tộc Bunun và dân tộc Ataya, có đến 95% người kể chuyện thần thoại là đàn ông, khi được hỏi, ai đã kể chuyện thần thoại cho anh nghe thì câu trả lời đều là bố hoặc chú bác. Chỉ có một người nói là do mẹ anh ta kể cho anh ta nghe, nhưng mẹ anh ta là thầy mo, đó là một trường hợp rất đặc thù. Nếu hỏi là anh ta đã nghe kể thần thoại từ khi nào thì câu trả lời thường là 10, 11 tuổi. Một nghệ nhân kể chuyện dân tộc Sediq nói, khi ông 18 tuổi bố ông mới bắt đầu kể chuyện thần thoại cho ông nghe. Truyền thống này hoàn toàn khác với tình hình ở các dân tộc văn minh và tiến bộ. Nhìn chung trong xã hội tiến bộ, trẻ con đều được mẹ hoặc bà (đôi khi là ông) kể cho nghe truyện thần thoại. Thổ dân kể chuyện thần thoại cho nam thanh niên trên mười tuổi là dấu tích của truyền thống phải qua lễ thành niên nhập nam thánh hội của xã hội nguyên thủy. Dân tộc Amis còn bảo lưu một truyền thống khá cổ xưa, đó là: truyền thuyết về nguồn gốc vũ trụ chỉ có chủ tế (sapalunau) hoặc đầu mục kế cận mới được kể, khi kể phải tuân thủ các loại cấm kỵ(15). Căn cứ vào điều tra của thập niên 80, người kể chuyện thần thoại của dân tộc Amis cũng là đàn ông nhưng những người già nói rằng, nếu bố mẹ họ không biết thần thoại, không thể kể cho họ nghe thì có thể đi hỏi chú bác hoặc họ hàng xa. Hiện nay, chỉ cần ai đó biết truyện thần thoại thì đều có thể kể cho những người khác nghe(16).

12. Thần thoại chiếm một vị trí quan trọng đối với các dân tộc nguyên thủy bởi vì khi ấy, truyện dân gian mới bắt dầu hình thành. Thổ dân Đài Loan chẳng hạn, truyện dân gian của họ chỉ có một số truyện động vật và truyện về đứa con côi. Các nghiên cứu về văn học dân gian đều cho rằng, truyện dân gian được bắt nguồn từ thần thoại, nhưng không đưa ra các ví dụ cụ thể. Trong truyện của dân tộc Bunun ở Đài Loan ta có thể thấy rất rõ thần thoại đã trở thành truyện dân gian như thế nào. Khác biệt chủ yếu giữa thần thoại và truyện dân gian là, thần thoại có tinh thần cộng đồng cố hữu, còn truyện dân gian lại chỉ kể về những chuyện trong gia đình, chuyện của cá nhân. Ví dụ ở người Bunun, ngoài thần thoại về một đoàn người đi bắn mặt trời ra thì còn một truyện khác kể rằng: xưa kia có một nhà nọ có hai vợ chồng và một đứa con nhỏ (đây là mở đầu rất điển hình của truyện dân gian mọi dân tộc), cả nhà bồng bế nhau ra đồng làm ruộng, người mẹ để đứa con dưới một gốc cây, đắp cho nó một tấm da dê. Lúc nghỉ tay, bà ta mới nhìn đến đứa bé thì phát hiện ra, nó đã bị mặt trời thiêu chết rồi. Bà ta bèn nói với chồng, người chồng vô cùng tức giận bèn đi bắn mặt trời để báo thù cho đứa con mình. Đây không phải là hành động vì toàn bộ nhân loại (hay cả bộ lạc) không thể chịu nổi sức nóng của hai mặt trời mà là vì báo thù cho sự bất hạnh của gia đình mình, có thể nói đây chính là một câu chuyện dân gian thoát thai từ thần thoại. Motif văn học dân gian cũng có thể có hình thức “nhược hóa”, ví dụ truyện của dân tộc Hồi ở Cam Túc kể rằng, mặt trời thiêu đốt người già, đứa cháu của ông ta đi đến chỗ mặt trời nhưng không phải là để bắn mặt trời mà là để nhờ mẹ của mặt trời khuyên bảo con mình.

Tác giả chưa thấy có chuyên gia nào bàn về sự khác biệt giữa thần thoại nguyên thủy và thần thoại của các dân tộc văn minh hơn, chỉ có đôi ba câu được nhắc qua trong các công trình nghiên cứu của những người đi trước, vì vậy dựa vào kinh nghiệm của mình để trình bày bài viết nhỏ này, rất mong được chỉ giáo.

BÙI THIÊN THAI trích dịch

từ bản tác giả gửi qua email tháng 8-2012

_________________

([1]) Ở đây Riftin muốn nói “ăn” đã chuyển thành một mã ẩn dụ nhằm biểu thị quan hệ tính giao, ví dụ chúng ta thường gặp motif người đàn bà ăn một vật tổ nào đó rồi mang thai hoặc trong Kinh thi cũng có rất nhiều bài nói đến chuyện “ăn” với hàm ý chỉ quan hệ tính giao. Không ăn thì sẽ đói, vì vậy, “đói” cũng có hàm ý chỉ “đói tình dục” (ND).

(2) Meletinskij E.M.: Vvedenie v istoričeskuû poétiku éposa i romana [Lời dẫn trong Thi pháp thơ tự sự và tiểu thuyết trường thiên], Moscow, 1986, Tr.47.

(3) Lưu Thủ Hoa: Khái luận đồng thoại dân gian Trung Quốc, Thành Đô, Nxb. Dân Tộc Tứ Xuyên, 1985, Tr.3.

(4) Như trên, Tr.5.

(5) Như trên, Tr.38. Cũng có thể tham khảo cuốn Từ điển văn học dân gian do Đoàn Ngọc Lâm, Kỳ Liên Hưu chủ biên, Nxb. Giáo dục Hà Bắc, 1988, Tr.365.

(6) Egli H.: Mirimiringan. Mythen und Märchen der Paiwan [Truyện cổ: Truyện dân gian và thần thoại người Paiwan], Zürich, Verlag Die Waage, 1989, Tr.191.

(7) Pomerantseva E.V.Mifologicheskie personazhi v russkom fol'klore [Nhân vật thần thoại trong văn học dân gian Nga], Moscow, 1975, Phần phụ lục, Tr.162~191.

(8) Propp V. Ja.: Russkaja skazka, [Nghiên cứu truyện dân gian Nga], Leningrad, 1984, Tr.48.

(9) Trong văn bản tiếng Trung, Riftin dùng từ 发达神话, có thể dịch là “thần thoại phát triển”. Đôi lúc ông cũng dùng từ 先进 [tiên tiến] để chỉ thần thoại của các dân tộc có nền văn minh cổ đại tương đối phát triển. Chúng tôi tạm dịch thành “tiến bộ” nhằm phân biệt rõ hơn với “nguyên thủy” (ND).

([1]0) Nguyễn Hiến Lê trong Trang Tử và Nam Hoa Kinh dịch Thúc là Mau Lẹ, Hốt là Thình Lình. Nguyên văn: Vua Nam Hải tên là Mau Lẹ; vua Bắc Hải tên là Thình Lình; vua Trung Ương tên là Hỗn Độn [tức không phân biệt]. Một hôm Mau Lẹ và Thình Lình gặp nhau ở xứ của Hỗn Độn, được Hỗn Độn tiếp đãi trọng hậu, muốn đáp lòng tốt đó, bàn với nhau: “Người ta ai cũng có bảy lỗ [Tức hai mắt, hai tai, miệng và hai lỗ mũi] để nghe, ăn và thở; mà anh Hỗn Độn không có một lỗ nào cả, tụi mình thử đục cho anh có đủ lỗ đi”. Thế là mỗi ngày họ đục một lỗ, tới ngày thứ bảy Hỗn Độn chết. (ND).

([1]1) Trong dân gian có câu:

 ... bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng,

... ông Tứ Tượng mười bốn con sào.

([1]2) Đồ chơi đất nặn, một loại đồ chơi dân gian khá độc đáo của Trung Quốc. Không chỉ là một loại đồ chơi trẻ em, những người phụ nữ hiếm muộn cũng thường hay mua chúng với mục đích cầu tự.

(13) Xem thêm: Chương IX: Cô vợ chưa cưới trong Những gốc rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kỳ - Nhiều tác giả dịch (2003): Tuyển tập V.Ia.Propp I, Nxb. Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, H.2003, Tr. 681. (ND).

(14) Putilov B. N.: Mif-obrjad-pesnja Novoj Gvinei [Thần thoại New Guinea, nghiên cứu dân ca và nghi lễ], Moscow, 1980, Tr.73~75.

(15) Ogawa Hisayoshi và Asai Erin (小川尚义,浅井惠伦): 原语による台湾高砂族传说集  [Truyền thuyết dân tộc Cao Sa – Đài Loan bằng bản ngữ], Đại học Đế quốc Đài Bắc, 1935, Tr.44.

(16) Benedek Dezsö: The song of the Ancestors: A Comparative Study of Bashiic Folklore, SMC Publishing INC, Taipei, 1991, Tr.145.

Nguồn: Nghiên cứu văn học, số 11/2012

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020