Văn học dân gian

Nhà nghiên cứu văn học dân gian Bùi Văn Nguyên


09-10-2020

 Tên tuổi Bùi Văn Nguyên xuất hiện trên diễn đàn khoa học xã hội từ những năm 50 của thế kỷ này. Ông là nhà nghiên cứu văn học nhưng đồng thời cũng là nhà folklore học được nhiều người biết đến. Ngoài tên thật thường ghi trên mặt báo, đôi khi ông còn ký dưới bút danh Vân Trình, Hùng Nam Yến, Khuê Văn Tử.

          Trong các giấy tờ chính thức, Bùi Văn Nguyên sinh ngày 13 tháng 4 năm 1923 tại xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Theo lời ông, đây là khai rút đi 5 tuổi, thuở nhỏ ông học chữ Hán, sau mới đi học chữ Pháp. Ông công tác trong ngành giáo dục từ năm 1947. Sau 20 năm dạy phổ thông, năm 1957, ông trở thành giảng viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhiều năm ông làm chủ nhiệm bộ môn Văn học dân gian và Văn học viết trung đại Việt Nam. Ngày 28/5/1984, ông được Nhà nước phong chức danh Giáo sư văn học. Năm 1989, ông nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 1990, ông về nghỉ hưu tại số nhà 31 phố Hàng Ngang, Hà Nội.

          Giáo sư Bùi Văn Nguyên là con người giàu nhiệt huyết, thẳng thắn và trung thực. Suốt đời mình, ông luôn đấu tranh vì sự công bằng xã hội, vì tương lai của ngành giáo dục Việt Nam.

          Riêng trong lĩnh vực sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian, Bùi Văn Nguyên đã đóng góp một phần đáng kể.

          Bài viết đầu tiên của ông xuất hiện trên báo Tiếng chuông (số 1) do Công đoàn Giáo dục Hà Tĩnh xuất bản năm 1951: “Tinh thần chống đối trong ca dao Việt Nam”. Từ đó đến nay, sau hơn 40 năm làm việc, ông đã đăng tải khá nhiều sách báo trên các lĩnh vực: sưu tầm, biên soạn, dịch thuật và nghiên cứu văn học dân gian.

          Từ khi nghỉ hưu, Bùi Văn Nguyên vẫn không ngừng nghiên cứu khoa học. Những cuốn sách ra đời gần đây nhất - Việt Nam truyện cổ triết lý và tình thương (1991); Việt Nam, thần thoại và truyền thuyết (1993) - là những công trình nghiên cứu cuối cùng.

          Cũng cần nói thêm rằng, sự nghiệp nghiên cứu của Giáo sư Bùi Văn Nguyên gắn liền với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Những tri thức của nhà khoa học đã được truyền cho nhiều thế hệ sinh viên. Đặc biệt, ông đã tham gia đào tạo mười khóa sau đại học (từ 1980 đến 1990). Nhiều học trò của ông đã trở thành cán bộ sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy văn học dân gian ở Hà Nội và các tỉnh.

1. BÙI VĂN NGUYÊN, NHÀ SƯU TẦM, BIÊN SOẠN VÀ DỊCH THUẬT VĂN HỌC DÂN GIAN

          Bùi Văn Nguyên yêu thích văn học dân gian từ thuở thiếu thời. Ông say mê ghi chép những bài dân ca, những câu chuyện cổ ở vùng Nghệ Tĩnh, nơi ông đã sinh ra, lớn lên và công tác nhiều năm. Tuy vậy, công trình sưu tầm được xuất bản đầu tiên lại mang ý nghĩa của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Trước thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Bùi Văn Nguyên đã cùng nhiều nhóm sinh viên đi tìm gặp các cán bộ miền Nam tập kết, nhất là các cán bộ từ vùng Tây Nguyên, để khai thác vốn cổ văn học dân gian. Công sức bỏ ra không uổng. Năm 1965, hai tập Truyện cổ Ba Na đã ra đời (Bùi Văn Nguyên là đồng chủ biên với Ngọc Anh). Trên đà thắng lợi, Bùi Văn Nguyên vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài Tây Nguyên và năm 1968 ông cho xuất bản cuốn Truyện cổ Ca tu.

          Bùi Văn Nguyên cũng có đóng góp không nhỏ trong bộ sưu tầm Truyền thuyết ven Hồ Tây (xuất bản 1975, cùng với Vũ Tuấn Sán). Cuốn sách đã làm rạng rỡ thêm cho Hà Nội cổ kính khi mở ra một kho tàng truyện cổ dân gian phong phú, giàu chất thơ.

          Những tài liệu do Bùi Văn Nguyên sưu tầm còn xuất hiện trong nhiều cuốn sách khác của ông hoặc trong những sách biên soạn chung với người khác. Có thể kể đến hai cuốn: Nguyễn Trãi, danh nhân truyện ký (1980) và Nguyễn Bỉnh Khiêm, danh nhân truyện ký (1986).

          Bùi Văn Nguyên đã sử dụng một số tư liệu văn học dân gian để dựng lại cuộc đời của hai nhà thơ lỗi lạc vừa nêu trên. Chẳng hạn, đoạn Nguyễn Trãi đi cầu mộng ở đầm Dạ Trạch, đoạn hiến tế bà thứ phi của Lê Lợi ở đền thờ thủy thần (xã Triều Khẩu, thuộc Hưng Nguyên, Nghệ An) trên bờ sông Lam, đoạn Trịnh Kiểm phái Phùng Khắc Khoan ra hỏi Trạng Trình v.v… Đó là những truyền thuyết sinh động và hấp dẫn.

          Bên cạnh việc sưu tầm, Bùi Văn Nguyên đã để công biên soạn nhiều sách giáo khoa, sách tham khảo cho sinh viên đại học và học sinh phổ thông. Ông đã đứng chủ biên cuốn Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam tập I (1964) và bộ Tư liệu tham khảo văn học dân gian gồm ba tập (1974-1975). Những cuốn sách giáo khoa nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mà phần văn học dân gian chiếm vị trí quan trọng, đều do ông chủ biên, đó là Trích giảng văn học lớp 8 (1960), Trích giảng văn học lớp 10 (1974). Bùi Văn Nguyên còn rất quan tâm đến lứa tuổi thiếu nhi. Ông đã biên soạn lại một số truyện dân gian để phục vụ đối tượng này như Truyện anh Khum Cọ (1978), tuyển tập truyện cười Con rắn vuông (cùng soạn với Đỗ Bình Trị, 1976).

          Phần dịch thuật văn học dân gian của Bùi Văn Nguyên không nhiều, song cuốn Truyện dân gian Trung Quốc (1963, dịch chung với Thái Hoàng) cũng là một đóng góp quý nhằm giới thiệu kho tàng folklore nước ngoài với công chúng Việt Nam.

2. BÙI VĂN NGUYÊN, NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC DÂN GIAN

          Sự nghiệp nghiên cứu của Bùi Văn Nguyên bao gồm cả hai lĩnh vực: văn học viết trung đại Việt Nam và văn học dân gian. Nhiều người cho rằng, ông chủ yếu là nhà nghiên cứu văn học, còn lĩnh vực folklore chỉ là sự quan tâm thứ hai.

          Quả thật, nhiều năm ở trường Đại học Sư phạm ông đặc trách phần văn học Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVII. Tuy vậy, trong quá trình nghiên cứu, khó có thể nói rằng, ông quan tâm đến văn học viết nhiều hơn. Với khối lượng các bài báo, tạp chí và sách đã xuất bản, Bùi Văn Nguyên xứng đáng được xếp vào hàng các tác gia nghiên cứu folklore Việt Nam.

          Giáo sư Bùi Văn Nguyên có những đóng góp tích cực theo nhiều hướng khác nhau của quá trình nghiên cứu. Điều đó chứng tỏ ông luôn luôn tìm tòi cái mới không chỉ trên những vấn đề cụ thể mà còn trên cả bình diện phương pháp luận.

2.1. Cùng với truyền thống của folklore học Việt Nam, Bùi Văn Nguyên đã đi sâu nghiên cứu văn học dân gian về phương diện nội dung xã hội và tư tưởng chính trị.

          Ngay từ những bài viết đầu tay, Bùi Văn Nguyên đã chú ý đến phương diện nội dung này. Tinh thần chống đối trong ca dao Việt Nam (1951), Tình đẹp trong ca dao (1954) là tiếng nói mới mẻ (hiểu theo quan điểm lịch sử) và phù hợp với nhu cầu thời đại. Lúc đó, không chỉ Bùi Văn Nguyên mà những nhà nghiên cứu cùng thời cũng say sưa với các đề tài mang tính chất xã hội học (như Người nông dân Việt Nam trong truyện cổ tích, 1955, của Vũ Ngọc Phan; Quan hệ giữa tư tưởng của giai cấp thống trị và nhân dân trong xã hội phong kiến qua một vài truyện cổ, 1962, của Cao Huy Đỉnh; v.v…). Bùi Văn Nguyên còn tiến xa hơn vào hệ thống đề tài này. Trong thời kỳ lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc, truyền thống anh hùng, truyền thống yêu nước phải được khơi dậy từ nhiều nguồn. Văn học dân gian là một nguồn vô tận có thể khai thác, sử dụng để phục vụ hiện tại. Vì thế, suốt một thời gian dài từ 1969 đến 1984, Bùi Văn Nguyên viết một loạt bài báo với khí thế hào hùng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa chống giặc ngoại xâm:

          - Hình tượng anh hùng trong truyện dân gian các dân tộc thiểu số miền Bắc (1969);

          - Việt Nam, nước của Thánh Gióng, truyền thống và hiện đại (1976);

          - Tìm hiểu thêm ý nghĩa cảnh giác chống ngoại xâm trong truyện “Thánh Gióng” (1978);

          - Tinh thần tự cường và bất khuất của dân tộc và ý nghĩa chân thực trong thư tịch cổ thời Hùng Vương (1983);

          - Vài nét về tinh thần chống phong kiến trong văn học Việt Nam (1984) v.v…

          Nhìn chung, những bài viết theo hướng này của Bùi Văn Nguyên có nhiều đóng góp cụ thể, bổ sung vào cách hiểu mang tính chất xã hội học đối với các tác phẩm văn học dân gian mà nhiều nhà nghiên cứu cùng thời đã gắng công đào xới. Khi các nhà nghiên cứu khác tìm hiểu hình tượng anh hùng trong truyện dân gian dân tộc Kinh thì Bùi Văn Nguyên bổ sung vào quá trình nghiên cứu chung của cả giới bằng hình tượng anh hùng trong truyện dân gian các dân tộc thiểu số. Khi tác giả những bài viết khác khẳng định tinh thần chống xâm lăng trong truyện “Thánh Gióng” thì ông lại có phát hiện mới về ý nghĩa cảnh giác từ một chi tiết vừa sưu tầm. Theo ông, truyện “Thánh Gióng” còn có phần đầu kể về hịch nữ (một phụ nữ tiên tri) báo trước ba năm về việc giặc Ân xâm lược. Tinh thần cảnh giác dân tộc cộng với tinh thần dũng cảm chống xâm lăng tạo cho câu chuyện một ý nghĩa toàn diện hơn [1]. Lăng kính xã hội học làm ông nhìn rõ đằng sau lực lượng thiên nhiên, chính là con người, “đằng sau những hình tượng về trời, về then” chính là “những lực lượng áp bức” [2, tr.86].

          Bùi Văn Nguyên thường đánh giá cao những hành động yêu nước, thương nòi, những hành động anh hùng, bất khuất của các nhân vật trong văn học dân gian, coi đó là sự thể hiện tư tưởng tiến bộ của tác giả dân gian (nhân dân lao động). Điều đó có ý nghĩa đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ trước và sau 1975.

Có thể nói, nghiên cứu văn học dân gian theo quan điểm xã hội học là việc đương nhiên và cần thiết. Ở Liên Xô trước đây, truyền thống này cũng khá rõ rệt. Tuy nhiên, đôi khi, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên  cũng đi vào suy diễn, gán cho hình tượng nghệ thuật trong văn học dân gian những ý nghĩa của thời hiện tại. Chẳng hạn, trong bài Việt Nam, một đài xuân sáng chói tự nghìn xưa, tác giả cho rằng: sở dĩ dân gian dùng từ nhiễu điều (“Nhiễu điều phủ lấy giá gương”) là vì từ xưa, tổ tiên ta đã biết màu đỏ là màu đương lên, màu chiến đấu [3]. Thực ra, hình ảnh “nhiễu điều” chỉ có ý nghĩa là đẹp, là quý. Giá gương được phủ nhiễu điều, càng tăng thêm vẻ đẹp hài hòa trang trọng. Còn vì sao không phải là nhiễu xanh hay nhiễu tím thì phải bàn tiếp, song chắc chắn việc lựa chọn màu sắc trong trường hợp này không bị chi phối bởi nhân sinh quan của người sáng tác ca dao.

          Thực ra, những trường hợp suy diễn như trên trong các bài viết của Bùi Văn Nguyên rất hãn hữu. Ông không sa vào những kết luận quan trọng mang tính chất xã hội học dung tục như một vài nhà nghiên cứu cùng thời.

          2.2. Bùi Văn Nguyên là một trong số những người hăng hái nhất trong việc sử dụng văn học dân gian để tìm hiểu lịch sử dân tộc.

          Ở châu Âu, thế kỷ XIX, đã hình thành trường phái lịch sử. Sự đồ chiếu văn học dân gian lên lịch sử đã giúp các nhà nghiên cứu tìm ra được những sự thật trong mớ hỗn độn các huyền thoại mà trước đây, họ chỉ cho là ảo ảnh hoang đường.

          Từ 1970, một vấn đề bức thiết được đặt ra ở nước ta: nghiên cứu thời đại Hùng Vương - An Dương Vương để trả lời câu hỏi: Đó là lịch sử hay huyền thoại? Các nhà khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học cùng xung trận, mở ra từ lòng đất, từ thư tịch… những chứng cứ về sự tồn tại của một thời. Giáo sư Bùi Văn Nguyên đã không chậm trễ. Ông “nhập cuộc” với một lòng tự tin và nhiệt tình hiếm có. Ông xông xáo khắp nơi, đi tìm văn bản cổ, sưu tầm thêm các chi tiết folklore, tìm hiểu thêm về địa lý, phong tục. Sau đó, một loạt bài viết của ông về thời kỳ Hùng Vương - An Dương Vương đã ra đời:

          - Tìm lại dấu vết thành của An Dương Vương ở Nghệ An (1971);

          - Mấy ý kiến về hướng tìm các di chỉ mới thời Hùng Vương (1972);

          - Tiến trình xây dựng địa bàn Tổ quốc từ xưa qua một số truyền thuyết thời Hùng Vương (1974).

          - Dã sử về An Dương Vương (1978) v.v…

          Phương pháp chủ yếu của ông qua những bài viết này là kết hợp truyện cổ dân gian và thư tịch, đối chiếu với địa danh và kết quả khảo sát địa lý để nêu ra những giả thuyết đáng chú ý về tiến trình lịch sử thời kỳ An Dương Vương.

          Bài Tìm lại dấu vết thành của An Dương Vương ở Nghệ An [4] (sau được in vào kỷ yếu Hùng Vương dựng nước tập IV do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành) đã gây xôn xao trong giới nghiên cứu và dư luận nói chung. Các nhà sử học và khảo cổ học tương đối thống nhất ý kiến cho rằng: An Dương Vương đóng đô ở Cổ Loa (ngoại thành Hà Nội ngày nay), chiến công chống Triệu Đà và tấn bi kịch mất nước cũng diễn ra trên mảnh đất này. Các cuộc khai quật di tích, truy tìm sử liệu đều hướng tới việc khẳng định điều đó và dường như các minh chứng có vẻ phù hợp với giả thiết đặt ra.

          Bùi Văn Nguyên tỏ ý nghi ngờ luận điểm trên. Ông cho rằng nếu thành  Cổ Loa nằm ở vị trí như hiện nay thì có một vài điểm khó có thể lý giải được:

          + Thư tịch cũ có ghi: An Dương Vương xây thành ở Việt Thường là đúng hay sai? (Nước Việt Thường khi đó thuộc miền Trung chứ không phải bộ Vũ Ninh thuộc ngoại thành Hà Nội).

          + Nhiều sách cổ chép việc An Dương Vương chết ở Nghệ An. Như vậy, cuộc chạy trốn của nhà vua từ Đông Anh (Hà Nội) đến Diễn Châu (Nghệ An) là không hợp lý vì quãng đường quá dài. “Nếu theo đường thẳng như quốc lộ rải nhựa ngày nay, thì cũng hàng 300km; còn đường quanh co, có nhiều rừng núi, đầm lầy như xưa, thì chưa biết là trên 300km bao nhiêu…” [5, tr.404].

          + Thành ở Cổ Loa có phải là kiểu thành do Mã Viện xây sau thời An Dương Vương không?

          Sự đối chiếu thư tịch cũ, địa danh trong truyền thuyết với tình hình thực tế khiến Bùi Văn Nguyên đi đến kết luận: Loa thành chính là Việt Vương thành ở Nghệ An, “còn cơ sở đền Cổ Loa vùng Đông Anh chỉ là nơi thờ vọng có tính chất tưởng niệm mà thôi” [5, tr.405].

          Tất nhiên, Bùi Văn Nguyên nhận được sự không đồng tình của các nhà sử học. Giáo sư Trần Quốc Vượng đã viết: “Nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương - An Dương Vương, tiếng nói quyết định thuộc về khảo cổ học, thuộc về những người đào lịch sử từ lòng đất. Nói cho cùng, chức năng chính của văn học dân gian không phải là tàng trữ tư liệu khoa học, mặc dù được xây dựng từ một số ký ức lịch sử nhất định và nhất là bi kịch lịch sử hóa cao độ - đó là số phận của mọi truyền thuyết. Truyện kể Cổ Loa chỉ đóng vai trò một thấu kính, nơi hội tụ các ứng xử tâm lý của nhân dân Cổ Loa trước lịch sử, chỉ là “cương lĩnh” cô đúc thái độ và yêu sách của nhân dân trước lịch sử chứ không phải là lịch sử đúng với tiêu chuẩn của khoa học hiện đại” (Cổ Loa: Truyền thuyết và lịch sử) [5, tr.410].

          Tuy vậy, nếu chúng ta coi ý kiến của Bùi Văn Nguyên như là một giả thuyết thì điều đó hoàn toàn có ý nghĩa tích cực trong việc thôi thúc các nhà sử học, khảo cổ học tìm hiểu thêm. Quả thực, việc phát hiện ra di chỉ Làng Vạc (thuộc Nghĩa Đàn, Nghệ An) năm 1972 khiến chúng ta phải suy nghĩ lại. Kết quả phân tích quang phổ các di vật đào được ở làng Vạc và Đông Sơn (Thanh Hóa) cho thấy “đây là những hiện vật đồng thau cùng thời, thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt ở nước ta, thiên niên kỷ thứ 1 trước Công Nguyên” [6, tr.76-80].

          Giáo sư Hà Văn Tấn cũng đã khẳng định: “di tích làng Vạc cho chúng ta hình dung được một điểm cư dân đông đúc, văn hóa phát triển trên đất Nghệ Tĩnh cách đây 20 thế kỷ” [7].

          Như vậy, niên đại của di chỉ Làng Vạc có một phần trùng với thời kỳ An Dương Vương. Nếu từ thời Hùng Vương, Nghệ An đã thuộc về cương vực nước Văn Lang, thì đến thời An Dương Vương, Nghệ An không thể ra ngoài phạm vi quốc gia Âu Lạc. Với trình độ văn minh mà di tích làng Vạc đã chỉ ra, việc xây thành, chế nỏ thời An Dương Vương đâu chỉ có ở Đông Anh (Hà Nội). Logic của vấn đề là như vậy. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của truyền thuyết dân gian trong việc định hướng thăm dò khảo cổ học. Câu chuyện thành Cổ Loa nhắc chúng ta nhớ lại việc khai quật thành Tơroa ở thế kỷ XIX. Hâylixi Sơliman (1822-1890), người Đức, đã quyết định dựa vào sử thi Iliát để đi tìm thành Tơroa, trong khi các nhà nghiên cứu đều cho rằng, những điều nói trong sử thi chỉ là tưởng tượng. Từ 1870, ông bắt đầu cuộc đào bới ở Hisaclếch (phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ) và cuối cùng những bức tường thành Tơroa đã lộ ra cùng với kho báu vật của Pliamôs.

          Nhưng, ở đây, vấn đề chúng ta quan tâm hơn là ở chỗ: Bùi Văn Nguyên đã có sự thay đổi về phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian. Ông đã nghiên cứu folklore không phải từ quan điểm xã hội học mà là từ quan điểm lịch sử - dân tộc học. Trên đà này, ông tiếp tục viết những bài nghiên cứu khác. Đáng chú ý là bài Dã sử nói về An Dương Vương (đăng trên tạp chí Khảo cổ học số 2, 1978).

          Vẫn theo cách suy nghĩ của mình, Bùi Văn Nguyên đã dựng lại lịch sử thời kỳ An Dương Vương với hai chặng chính: chiếm lĩnh bộ tộc Ai lao, lật đổ triều Hùng; và củng cố quốc gia Âu Lạc, chống Triệu Đà. Điều đáng chú ý trong bài viết này (ngoài việc xây Loa Thành ở Diễn Châu) là việc xác định tính chân thực lịch sử của các truyền thuyết Chử Đồng Tử, Thánh Tản Viên, Mỵ Châu - Trọng Thủy. Theo ông, những nhân vật như Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Ngọc Hoa, Mỵ Châu, Trọng Thủy đều có thể là nhân vật lịch sử có thật.

          Có thể, Bùi Văn Nguyên đã đồ chiếu lịch sử lên truyền thuyết và ngược lại, truyền thuyết lên lịch sử một cách vội vã chăng? Trường phái lịch sử ở châu Âu thế kỷ XIX đã mắc khuyết điểm này. Thực ra, Bùi Văn Nguyên vẫn tỏ ra thận trọng. Vì thế, ông cũng chỉ dừng lại ở giả thuyết mà thôi. Trong phần kết luận của bài viết, ông xác định: “xin được trình bày một số suy nghĩ góp bàn của một người làm công tác văn hóa dân gian về việc tìm hiểu các nơi cư trú tập trung cũng như các tục chính về giao thông của tổ tiên ta thời Hùng Vương để từ đó có thể xác định những di chỉ khai quật, các tầng lớp văn hóa thời này” [8].

          Như vậy khó có thể phê phán ông là một nhà folklore học ngộ nhận.

          Năm 1985, ông tiếp tục công bố trên Tạp chí Văn học bài viết “Tìm hiểu cội nguồn Việt cổ qua một số môtip tiêu biểu trong truyện cổ dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam”. Ông khẳng định các môtip sau có nguồn gốc Bách Việt: quả bầu (Dao), Ngu Cơ và Long Vương (Mường), ả Chức - chàng Ngưu (Kinh và các dân tộc dọc biên giới Việt - Trung), Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài (Nùng), con chị con em (Tày), chàng trai nghèo khổ (Cao Lan) v.v… Vì nền văn hóa Bách Việt bị mai một cho nên đọc một số truyện, nhiều người lầm tưởng là của Trung Quốc (nguồn gốc Hán) [9].

          Quả thực, nghiên cứu văn học dân gian theo  quan điểm lịch sử - dân tộc học đã mở ra những điều mới mẻ, có sức hấp dẫn hơn so với việc nghiên cứu theo quan điểm xã hội học mà qua nhiều năm, đã tạo thành những lối mòn. Đứng trên bình diện phương pháp luận để đánh giá thì Bùi Văn Nguyên là người có đóng góp cho quá trình phát triển của khoa nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam.

          2.3. Bùi Văn Nguyên còn là người có đóng góp sớm trong việc nghiên cứu thi pháp thể loại văn học dân gian.

          Ở Việt Nam, trước đây, những cuốn sách đề cập tương đối toàn diện đến vấn đề hình thức nghệ thuật của thể loại văn học dân gian là các giáo trình dùng cho sinh viên văn khoa hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm. Năm 1961, Bùi Văn Nguyên chủ biên cuốn Lịch sử văn học Việt Nam tập I (tủ sách Đại học Sư phạm do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành). Tập sách này dành riêng cho phần văn học dân gian, ra đời trước một năm so với giáo trình Đại học Tổng hợp. Bùi Văn Nguyên không chỉ đứng chủ biên mà còn trực tiếp viết các phần khái niệm văn học dân gian, tình hình nghiên cứu, nguồn gốc và đặc tính của văn học dân gian; các chương trường ca và chèo.

          Những vấn đề của hình thức nghệ thuật các thể loại văn học dân gian tuy được trình bày chưa thật sâu sắc và phong phú nhưng Bùi Văn Nguyên và tập thể tác giả đã vượt lên so với những công trình đi trước như Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Văn nghệ bình dân của Trương Tửu, Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam của Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan …

          Điều mà chúng ta có thể không tán thành về quan điểm của Bùi Văn Nguyên khi viết tập giáo trình này là ông đã đặt văn học giân gian trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam. Ông chưa thấy được sự đối lập của văn học dân gian với văn học viết như là hai loại khác nhau của nghệ thuật ngôn từ không phải chỉ về phương diện ý thức xã hội mà còn về phương diện thi pháp. Ở đây, chúng tôi không đi sâu phân tích vấn đề này. Tuy vậy, vài cuốn giáo trình của các tác giả khác ra đời sau 1970 đã có sự đổi mới so với quan niệm trên (ví dụ: phần dẫn luận của Chu Xuân Diên trong cuốn Văn học dân gian tập I, 1972).

          Nếu như Lịch sử văn học Việt Nam tập I là cuốn sách mới chỉ đề cập đến những đặc điểm phổ biến nhất của hình thức thể loại folklore thì Các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức thơ ca trong văn học Việt Nam (gọi tắt là Thơ ca Việt Nam - hình thức và thể loại) là cuốn chuyên luận về thi pháp đầu tiên ở nước ta và đã từng được đánh giá cao. Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức (hai tác giả của công trình nghiên cứu) đã trình bày cụ thể và khá sâu sắc lịch sử phát triển của các hình thức thơ ca Việt Nam, trong đó, điều chúng ta cần quan tâm là các thể thơ ca dân gian.

          Bùi Văn Nguyên đã tìm hiểu các thể thơ dân gian có đơn vị câu thơ từ bốn âm tiết đến nhiều âm tiết. Sau đó, ông còn nghiên cứu thể thơ trong các hình thức dân ca để thấy rõ sự chi phối của âm nhạc (làn điệu) đến cấu trúc ngôn từ. Sự hình thành và phát triển của các thể thơ dân gian cũng được chỉ ra trên những nét chính. Cuốn sách được coi như một công trình cơ sở, có ý nghĩa lý luận mà các nhà nghiên cứu có thể dựa vào để tìm hiểu sâu thêm về hình thức thơ ca Việt Nam.

          2.4. Bùi Văn Nguyên còn có những đóng góp trên các lĩnh vực khác của quá trình nghiên cứu văn học dân gian

          Như phần đầu chúng tôi đã nói, Bùi Văn Nguyên không chỉ là nhà folklore học mà còn là nhà nghiên cứu văn học. Vì vậy, ông không bỏ qua khu vực ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai loại hình sáng tác này, đặc biệt là sự ảnh hưởng của văn học dân gian đối với các tác giả văn học viết trung đại Việt Nam. Các bài viết của ông, có thể là sự tiếp nối công trình của người đi trước (Âm vang tục ngữ, ca dao trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, 1980.) hoặc tiếp tục phát triển những ý kiến mà Cao Huy Đỉnh đã đề xuất trong cuốn Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX; có thể là sự gợi mở đầu tiên (Bàn về yếu tố văn học dân gian trong “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, 1968) và cũng có thể là để hoàn thiện hệ thống kiến giải của chính bản thân mình (Âm vang tục ngữ ca dao trong “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, 1986).

          Phương pháp nghiên cứu trong những bài viết này của ông là đi tìm những dấu hiệu vật chất (những dấu hiệu tồn tại dưới hình thức ngôn ngữ) của văn học dân gian trong các tác phẩm văn học viết để từ đó khẳng định mức độ ảnh hưởng của văn học dân gian và khả năng tiếp thụ, đồng hóa của các tác gia trung thế kỷ. Ở đây, nhà nghiên cứu chưa chỉ ra được sự chuyển hóa “vô hình” từ lượng thành chất của văn học dân gian vào cá tính và tài năng nghệ sĩ. Bùi Văn Nguyên vẫn sử dụng phương pháp luận truyền thống để nghiên cứu mối quan hệ này.

          Một lĩnh vực khác mà Giáo sư Bùi Văn Nguyên đã quan tâm và ngày nay càng có nhiều người quan tâm hơn, đó chính là lĩnh vực văn hóa học. Nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã trở thành nhu cầu thực sự trong các trường đại học những năm gần đây. Từ 1974, Giáo sư Bùi Văn Nguyên đã viết bài Ý nghĩa về văn hóa qua truyền thuyết thời Hùng Vương và đến năm 1985, trong một cuộc hội thảo ở Giacácta (Inđônêxia), ông đọc bản tham luận với tiêu đề Truyền thuyết và truyện dân gian chúng tôi là cơ sở chính cho nền văn hóa và cho bản lĩnh dân tộc.      

          Ở đây chúng tôi nhận thấy có sự chuyển hướng trong tư duy nghiên cứu của Bùi Văn Nguyên. Ông muốn nhìn nhận vấn đề từ góc độ tổng thể (văn hóa học) chứ không phải từ góc độ phân giải của khoa học chuyên ngành. Tuy nhiên, sự chuyển hướng này chưa thật rõ rệt và chưa được định hình về mặt lý luận.

          Những năm cuối đời, Giáo sư Bùi Văn Nguyên còn có sự chuyển hướng nữa: nghiên cứu văn học dân gian trên cơ sở của triết học phương Đông. Thể hiện rõ quan điểm này là hai cuốn sách mới ra đời của ông: Việt Nam truyện cổ, triết lý và tình thương (1991), Việt Nam, thần thoại và truyền thuyết (1993). Để lý giải tình thương và tính ghen ghét, hận thù, Bùi Văn Nguyên đã viết: “Cái gọi là “đạo” là nguyên tố ban đầu của Mẹ Đất và Mẹ Người cội nguồn của Tình thương loài người. Oái ăm thay, trong quá trình sinh thành, có âm dương, như cả bốn chương tập chuyên luận này đã minh chứng, thì Tình thương mới chỉ là mặt thuận, chiều thuận, bên cạnh mặt nghịch, chiều nghịch của nó, là tính ghen ghét, tính hận thù… Bởi vì cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt: tương sinh và tương khắc” [10, tr.182].

          Luận về mười tám đời Hùng Vương (theo truyền thuyết), ông viết:

          “Từ Kinh Dương Vương đến Hùng Duệ Vương, vị vua đầu ngành thứ 18, ngành cuối cùng là nhà Hùng mất, chuyển sang nhà Thục, đúng 8 quẻ, cộng với 10 chi cây trời, thành 18 ngành (thập bát diệp) gồm 118 đời, viết tắt là “Nhất thập bát thể” theo đúng bản Ngọc phả của xã Hy Cương (Vĩnh Phú)” [11, tr.174].

          Quan điểm nghiên cứu mới của Bùi Văn Nguyên đã làm sáng tỏ thêm một số vấn đề mà trước đây, các nhà nghiên cứu ít hoặc không quan tâm. Sự thực, Bùi Văn Nguyên đã cố gắng tìm tòi trên bình diện phương pháp luận.

          Trên đây, chúng tôi điểm qua một số hướng đi trong cuộc đời nghiên cứu của Giáo sư Bùi Văn Nguyên. Tất cả những điều mà chúng tôi trình bày đã chứng tỏ rằng Giáo sư Bùi Văn Nguyên là nhà nghiên cứu văn học dân gian nhạy cảm, không chịu khuôn định trong một phương pháp luận cố hữu mà luôn luôn tìm tòi, luôn luôn sáng tạo. Mặc dù những vấn đề lý luận về phương pháp nghiên cứu chưa được phát biểu chính thức, nhưng với sự nhạy cảm của mình, Giáo sư Bùi Văn Nguyên đã tự khẳng định các hướng đi trong thực tiễn hoạt động khoa học.

 

Tài liệu tham khảo

1. Tạp chí Văn học, Hà Nội, 1978, số 5.

2. Tạp chí Văn học, Hà Nội, 1969, số 9.

3. Tạp chí Văn học, Hà Nội, 1976, số 1.

4. Khảo cổ học, Hà Nội, 1971, số 6

5. Hùng Vương dựng nước, tập IV, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974.

 6. Diệp Đình Hoa, Nguyễn Văn Bửu và Phạm Minh Huyền: Phân tích quang phổ di vật khảo cổ học Làng Vạc và Đông Sơn// Khảo cổ học, Hà Nội, 1976, số 17.

7. Hà Văn Tấn: Nghệ Tĩnh trong tiền sử và sơ sử Việt Nam// Khảo cổ học, Hà Nội, 1978, số 2.

8. Bùi Văn Nguyên: Dã sử nói về An Dương Vương// Khảo cổ học, Hà Nội, 1978, số 2.

9. Tạp chí Văn học, Hà Nội, 1985, số 4.

10. Bùi Văn Nguyên: Việt Nam truyện cổ, triết lý và tình thương, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.

11. Bùi Văn Nguyên: Việt Nam thần thoại và truyền thuyết, Nxb Khoa học xã hội và Nxb Mũi Cà Mau, Hà Nội, 1993.

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020