Các sách cổ Việt Nam như các bản Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái đều ghi về các vị thần này vào tự điển (sách tế tự) để triều đình cúng tế. Để hiểu rõ hơn các di tích này, chúng tôi đề cập đôi điều về ý nghĩa từ vựng trong tên gọi của nó.
TÊN HIỆU ĐỨC THÁNH CHÈM VÀ THÁNH GIÓNG
Nguyễn Hùng Vĩ
1.Về Đức Thánh Chèm
Việt điện u linh ghi Đức Thánh Chèm có tên là Lý Ông Trọng. Sách Lĩnh Nam chích quái ghi thêm tên thực của ngài là Lý Thân. Đã có nhiều người tìm cách giải thích cái tên này. Tra từ điển thì ta thấy, trong Hán việt từ điển trích dẫn chú thích rằng: “ (Danh từ) Ông trọng: Ông phỗng. Ngày xưa, tạc đá hoặc đúc đồng làm hình người đứng chầu trước lăng mộ gọi là ông trọng. Đời Ngụy Minh Đế (227-232), đúc 2 người bằng đá để ngoài cửa Tư mã gọi là ông trọng, vì thế, đời sau gọi các ông phỗng đá gọi là ông trọng”. Vậy hai chữ Ông Trọng đã là một danh từ phổ biến để chỉ một loại tượng đồng hoặc đá to lớn.
Câu chuyện sự tích mà các sách cổ ghi lại lại kể chuyện về đời Tần với quan hệ giữa An Dương Vương và Tần Thủy Hoàng và việc Tần Thủy Hoàng dựng tượng Ông Trọng ở Hàm Đan. Câu chuyện này chúng tôi thấy giống với câu chuyện về Lý Uông Vọng được ghi trong Sử ký của Tư Mã Thiên hàng ngàn năm trước. Có thể thấy rằng, các nhà ghi chép thế kỉ XIII, XIV đã dựa vào truyền thuyết trước đây để nhập vào vị thần được thờ tự phía tây bắc thành Đại La mà sau này sẽ là Thăng Long đời Lý. Khi dựng thành Đại La thành trung tâm, người ta đã thờ thần trấn ngự phía tây bắc, là vùng mà giặc Nam Chiếu từng từ hướng đó đem quân xâm phạm đất An Nam đương thời. Mô hình phương bắc đã du nhập cùng với sự đô hộ của các thái thú và cùng với nó là di tích và các truyền thuyết, tên gọi vẫn lưu lại với chúng ta.
Sách Lĩnh Nam chích quái gọi tên thật Đức Thánh Chèm là Lý Thân thì dễ hiểu. Về tự dạng, chữ “trọng” gồm chữ “nhân” đứng và chữ “trung” hợp thành, nếu chữ “trung” thêm nét ngang ở giữa thành chữ “thân” (nhân đứng + thân). Về nghĩa, chữ “thân” này có nghĩa là “co duỗi” gợi ý bức tượng đồng có thể co duỗi chân tay làm giặc tưởng tướng thật mà sợ hãi. Cách đặt tên này trong các thần tích ta rất thường gặp.
2.Về Đức Thánh Gióng.
Chúng tôi chú ý đến lần phong thứ nhất đời Lý Thái tổ cho vị thần này. Theo Việt điện u linh, thần vốn là thần thổ địa (cũng là xã thần) ở vùng đất mà hương hào họ Nguyễn (cũng tức là Lý) hiến cho sư Cảm Thành (? – 860) làm chùa giữa thế kỉ thứ IX. Đến đầu thế kỉ XI, khi lên ngôi, Lý Công Uẩn về đây thăm nhà sư Đa Bảo, sư mới gọi thần hiện ra trình diện tân thiên tử và thần đã xin được thờ tự. Lý Thái Tổ phong thần hiệu là Xung Thiên Thần Vương. Hai chữ Thần Vương là một khái niệm Phật giáo theo tinh thần nhà Lý và thực tế hoàn cảnh lúc đó. Từ điển nhà Phật chú rằng: “Thần vương hình: Hình tượng uy nghiêm của thần Hộ pháp, 1 trong các loại tượng đắp của Phật giáo. Thông thường, hình tượng này có đội mũ sắt, mặc áo giáp. Đối lại với hình tượng sống động có dáng vẻ phẫn nộ thì thần vương hình lại có dáng vẻ điềm tĩnh. Loại thần vương hình này có trong tranh vẽ Tứ thiên vương như Tì sa môn thiên và Đế thích thiên” (Phật quang đại từ điển).
Ở đây ta nhận ra, Hộ pháp thì bao giờ cũng to lớn, là nguyên mẫu của Dóng trong truyền ngôn dân gian, đội mũ sắt và mặc áo giáp thì chính đó là nguyên mẫu cho trang phục của Dóng khi đi đánh giắc Ân trong sáng tạo truyền miệng. Tì sa môn chính là Thiên vương trấn giữ phía bắc, còn gọi là Sóc thiên vương. Ở đây, sẽ mở đầu cho việc nhập nhòa giữa Dóng và Sóc thiên vương, cũng như là cơ sở cho thời Lê tôn xưng Dóng là Thiên vương. (Trên đỉnh Sóc Sơn, mới dựng pho tượng Thánh Dóng mà đề bên cạnh là “Phù Đổng Thiên vương hóa Thánh” chứng tỏ người đề không hiểu gì về Phật giáo cả, vì trong Phật giáo, Thánh ở thế giới thấp hơn Thiên vương, sự hóa này chỉ là nhầm lẫn dân gian mà thôi, công trình tượng đài chính quy không được nhầm).
Hai chữ “Xung thiên” thì chữ “xung” có một nghĩa đáng lưu tâm là “dựng đứng, hướng lên trời”. “Nộ phát xung quan” là giận đến mức tóc đẩy dựng cả mũ lên. Từ dựng lên, hướng lên mà tạo ra truyền ngôn xông lên trời hoặc bay về trời. Dân gian đã giải thích từ nguyên theo kiểu của mình là sáng tạo ra một câu chuyện để tụng ca hình tượng mình yêu mến.
Chuyện về Thánh Dóng còn nhiều điều phải tìm hiểu. Nhưng qua tên hiệu 2 vị thần/thánh (cũng đều là những khái niệm Phật giáo) này, ta thấy theo phương vị ngày xưa, lấy Đại La-Thăng Long làm trung tâm, một vị sẽ trấn giữ ở Tây-Bắc, một vị sẽ trấn giữ hướng chính Đông cho kinh phủ. Họ đều là những vị Hộ pháp. Từ hình tượng Hộ pháp đến truyền thuyết dân gian là một quá trình nghệ thuật hóa đầy mơ mộng. Lần theo các vị thần, thánh, khổng lồ được thờ tự quanh kinh thành sẽ cho ta những ý niệm của các triều đại định quốc, lập đô.