Văn học dân gian

Hội thảo Quốc gia Ngôn ngữ và văn học vùng Tây Bắc


09-10-2020

Thực hiện kế hoạch năm học 2013 – 2014, hướng tới Lễ kỉ niệm 55 năm thành lập Trường, Trường Đại học Tây Bắc tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề Ngôn ngữ và Văn học vùng Tây Bắc trong hai ngày 12 và 13 tháng 4 năm 2014.

Đến dự Hội thảo có nhiều nhà nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, văn học trên phạm vi toàn quốc, đại diện cho các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học: Viện Văn học (PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, PGS.TS Vũ Thanh, PGS.TS Nguyễn Thị Huế, TS Đỗ Thị Thu Huyền), Viện Ngôn ngữ (GS.TS Nguyễn Văn Khang, PGS.TS Hà Quang Năng), Viện Từ điển và bách khoa thư (PGS.TS Phạm Văn Tình,  PGS.TS Phạm Hùng Việt), Trường ĐHKHXH&NV (GS.TS Trần Trí Dõi), Trường viết văn Nguyễn Du (PGS.TS Ngô Văn Giá), Trường ĐHSP Hà Nội (GS,TS Vũ Anh Tuấn, PGS,TS Phạm Thu Yến, TS Nguyễn Việt Hùng…) và các đại biểu đến từ các trường Đại học, cao đẳng ở các địa phương vùng Tây Bắc (Lò Mai Cương, Sầm Văn Bình, Hoàng Kim Ngọc,…)

89 báo cáo khoa học đã nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện những vấn đề cơ bản của ngôn ngữ và văn học vùng Tây Bắc.  Như tên gọi của Hội thảo, các báo cáo tập trung vào hai lĩnh vực ngôn ngữ và văn học vùng Tây Bắc.

Ở lĩnh vực ngôn ngữ, nhiều báo cáo đề cập đến những vấn đề lí luận chung, mang tính khái quát về ngôn ngữ các tộc người, đặc điểm ngôn ngữ của một nhóm, một vùng (Một số vấn đề ngôn ngữ các dân tộc ít người ở vùng Tây Bắc – GS.TS Nguyễn Văn Khang; Một số đặc điểm của tiếng Khơ mú ở Tây Bắc Việt Nam – Tạ Quang Tùng, … Trong đó GS.TS Nguyễn Văn Khang đã trình bày ở phiên toàn thể bài viết của mình, ông đặt ra năm vấn đề quan trọng của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số như: vài trò của ngôn ngữ các dân tộc trong quan hệ các cộng đồng, quan hệ song ngữ; việc bảo tồn ngôn ngữ cộng đồng bằng phát sóng tiến dân tộc; duy trì ngôn ngữ bằng giáo dục; bảo tồn ngôn ngữ bằng chữ viết; bảo tồn và cứu vãn những ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong… Đi vào vấn đề cụ thể như chữ viết của từng tộc người cũng có nhiều nhà nghiên cứu cùng quan tâm (Những nguyên tắc đi tới cùng sử dụng một bộ chữ Thái – PGS.TS Vương Toàn, Chữ viết của dân tộc Thái ở Việt Nam – PGS.TS Tạ Văn Thông).

Bên cạnh đó, khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ dưới góc độ văn hóa giao tiếp, văn hóa cộng đồng, mối quan hệ ngôn ngữ và văn hóa, xã hội cũng được nhiều đại biểu bàn luận: Tìm hiểu một số cách xưng hô trong tiếng Thái, tiếng Mường -TS Vũ Tiến Dũng, Ngôn từ trong các nghi thức giao tiếp qua các bài dân ca dân tộc Thái – PGS.TS Phạm Văn Tình, ThS Dương Thị Dung, Đặc điểm và những ảnh hưởng ngữ âm tiếng Mường đến văn hóa ứng xử của người Mường Hòa Bình – Thái Nguyễn Đức Minh Quân,… Nhiều tác giả đã tìm hiểu những đặc trưng ngôn ngữ, giá trị nghệ thuật ngôn từ tộc người qua những sáng tác văn học (Đặc điểm ngôn ngữ Tày trong truyện thơ Khảm Hải – Dương Mĩ Dạ, Lời dẫn của thoại dẫn trực tiếp trong truyện ngắn của Tô Hoài – TS Mai Thị Hải Yến, ThS Nguyễn Thị Hoa…). Những vấn đề ngôn ngữ các tộc người trong quan hệ với tiếng Việt, hay vấn đề dạy học tiếng Việt cho các dân tộc thiểu số cũng được đặt ra. Điều này cho thấy Hội thảo đã gợi mở những vấn đề nghiên cứu và ứng dụng rất rộng.

Đồng thời, Hội thảo cũng mở ra cơ hội về sự hợp tác nhiều mặt trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và giao lưu học hỏi của Trường Đại học Tây Bắc với các đơn vị khác.   

          Ở tiểu ban văn học, GS.TS Vũ Anh Tuấn, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn , TS Đỗ Hồng Đức đã ngồi ban chủ tịch điều hành. GS.TS Vũ Anh Tuấn mở đầu bằng hai nội dung gắn với lịch sử - văn học vùng đất Sơn La: Nói chuyện về thơ ca cách mạng nhà tù Sơn La và Một số ý kiến về vấn đề nghiên cứu và giảng dạy văn học Sơn La từ văn học dân gian đến văn học viết. Bài nói chuyện mở đầu của GS đã gợi nhắc truyền thống hào hùng của nhân dân các tỉnh Tây bắc nói chung và Sơn La nói riêng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, đồng thời cũng là vùng đất giàu chất thơ, gợi cảm hứng cho văn học nghệ thuật hình thành và lưu giữ. Sức sống vừa mạnh mẽ, vừa giàu chất thơ đó tiếp nối từ truyền thống đến hiện đại, từ  văn học dân gian đến văn học viết.

Riêng phần văn học dân gian có 16 tham luận, đề cập đến các lĩnh vực từ khái quát đến cụ thể, từ thể loại đến tác phẩm, từ văn bản đến diễn xướng (Giữ gìn vốn văn học dân gian vùng Tây Bắc – ThS Nguyễn Thị Hoa, Đặc điểm thể loại văn học dân gian trong vùng văn hóa Tây Bắc – TS Nguyễn Việt Hùng, Giá trị nhận thức của căn học dân gian các dân tộc thiểu số Tây Bắc – Ths Hoàng Kim Ngọc, Nghiên cứu nhóm truyện kể về sự tích phong vật vùng văn hóa Tây Bắc – PGS,TS Phạm Thu Yến…). Tại Hội nghị, ngoài phần trình bày của PGS.TS Phạm Thu Yến, PGS.TS Nguyễn Thị Huế đã báo cáo kết quả nghiên cứu và điền dã về hát ru và những nghi lễ đầu đời cho trẻ nhỏ - nét đặc trưng văn hóa của người Thái ở Sốp Cộp, Sơn La.

Phần Văn học hiện đại có nhiều nghiên cứu đáng chú ý, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của các nhà văn, nhà thơ, trí thức người bản tộc với việc tiếp nối văn hóa truyền thống cộng đồng. PGS.TS Vũ Thanh trình bày tham luận về Nguyễn Quang Bích – nhà thơ lớn, người anh hùng của núi rừng Tây bắc qua Ngư Phong thi tập, trong đó nhấn mạnh đến giá trị văn học của tập thơ, khẳng định phẩm chất anh hùng trong con người thi sĩ Nguyễn Quang Bích. Các tác giả Đỗ Thị Thu Huyền, Lò Bình Minh, Mã A Lềnh đã đề cập đến thơ ca, văn học vùng Tây Bắc, văn học người Thái…

Ngoài hai báo cáo tổng quan trong phiên toàn thể, ở mỗi tiểu ban đều có 6 tham luận được trình bày và nhiều ý kiến tranh luận, trao đổi tại Hội thảo. Nhìn chung, các tác giả, các nhà nghiên cứu đều dành một tình cảm yêu mến đặc biệt với vùng đất, con người Tây Bắc; sự trân trọng ngưỡng mộ với thành tựu văn học dân gian, diễn xướng nghệ thuật dân gian vùng Tây Bắc; khẳng định giá trị văn học – văn hóa vùng Tây Bắc trong tổng thể văn học – văn hóa Việt Nam và những triển vọng nghiên cứu trong tương lai.

Bên lề của Hội thảo, lãnh đạo của các cơ quan Viện Văn học, Viện Ngôn Ngữ, Viện Hàn Lâm khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Từ điển và bách khoa thư đã trao đổi với TS Nguyễn Văn Bao (Hiệu trưởng Đại học Tây Bắc) và TS Bùi Thanh Hoa (Trưởng khoa Ngữ văn) về những cơ hội hợp tác trong nghiên cứu khoa học vùng và giảng dạy đại học và sau đại học.

Nằm trong chương trình Hội thảo, trường ĐH Tây Bắc tổ chức cho các đại biểu đi thăm Thủy điện Sơn La, lòng hồ Sông Đà, bản người Thái để trải nghiệm những nét đặc sắc về văn hóa và thành tựu phát triển của tỉnh Sơn La.

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020