Văn học dân gian

Sự đặt tên thế giới và con người: từ thần thoại đến sử thi thần thoại Mơ Nông


09-10-2020

Sử thi thần thoại Mơ Nông mở ra với câu chuyện về cha Rong, mẹ Bong đi khai hoang, mở đất. Đó là sự tiếp nối cặp đôi biểu tượng Cha – Mẹ xứ sở ở thần thoại cùng với nhiệm vụ chức năng sáng tạo sự sống.

Dẫn nhập

Về đại thể, sử thi là thể loại truyện kể ra đời khi thời đại thần thoại đã kết thúc, con người ngoài nhu cầu tiếp tục tìm hiểu giải thích về thế giới tự nhiên còn hướng tới những vấn đề cội nguồn dân tộc, lịch sử tộc người và quá trình tiến tới văn minh của cộng đồng. Chỉ có bước chuyển biến to lớn của thời đại, sự vận động mạnh mẽ của con người gắn với những giá trị vật chất, tinh thần to lớn mới tạo nên những tiền đề cho sự ra đời của một đại tự sự, tồn tại như những kho báu truyện kể truyền miệng. Thần thoại nhận thức thế giới thông qua các biểu tượng và nếu chúng ta xem thế giới là tập hợp các kí hiệu thì thế giới thần thoại là tập hợp của những nhân vật - biểu tượng. Sử thi phản ánh bước tiến của cộng đồng dân tộc thông qua nhân vật anh hùng, những nhân vật khai thiên lập địa, tổ chức lao động và chiến đấu mà mỗi tên gọi của họ gợi ra cả tiến trình lịch sử đó. Từ thần thoại đến sử thi, quan niệm về thế giới của người nguyên thủy được tiếp nối thông qua hệ biểu tượng – tên gọi của nhân vật mà trong đó mỗi cái tên hoặc được đồng nhất với khách thể mà nó phản ánh hoặc hàm chứa trong đó những nội hàm về trật tự, mô hình thế giới.

1. Thế giới thần thoại: Sự đặt tên các sự vật, hiện tượng

Ở thể loại thần thoại, nhân loại từ cái chưa có đi đến cái có, từ chỗ chưa bắt đầu đến bắt đầu, từ chỗ hỗn mang đến chỗ thiết lập những trật tự của thế giới với những mô hình nhất định. Những câu chuyện thần thoại tạo thành hệ thống văn bản nhiều chưa từng có, kể về quá trình hình thành, sáng tạo nên thế giới, một thứ chỉ tồn tại trong sự hình dung của nhân loại. Thần thoại chính là kết quả của sự tưởng tượng nguyên thủy, từ sự nhân hóa tự nhiên để hình dung ra các vị thần để rồi lại tưởng tượng chính các vị thần đã kiến tạo thế giới. Sự hình thành thế giới được hình dung với sự khởi đầu là việc đặt tên cho các sự vật, hiện tượng, giống như sự xuất hiện của một con người cũng được bắt đầu bằng việc đặt tên cho nó. Thế giới từ cõi hỗn mang, mông lung dần dần được gọi tên và những cái tên đầu tiên như những cột mốc để từ đó soi chiếu và sắp xếp các sự vật, hiện tượng khác. Vị thần đắp những cột chống trời, để tạo ra trời và đất được gọi là Thần Trụ Trời và những công cuộc kiến tạo vũ trụ, sáng tạo muôn vật khác cũng được hình tượng hóa, định danh bằng các tên gọi: Ông Đếm Cát, Ông Tát Bể, Ông Kể Sao, Ông Đào Cây, Ông Xây Rú… Người Kinh có Thần Trụ Trời, người Mường có bà Nhần và ông Chống trời, người Tày có Pựt Luông và Tài Ngào, người Thái có Then Luông, người Hmông có Dự Nhung, người Dao có Bàn Cổ, người Chăm có Tầm Thênh… Có thể thấy quá trình sáng tạo của thần thoại là việc đặt tên cho các hành động kiến tạo vũ trụ, tư duy dân gian đã định danh hóa các công việc xây dựng, sáng tạo vũ trụ. Vì thế, theo đúng nguyên tắc của thần thoại, mỗi tên gọi của tộc người đó không có sự khác biệt vì bản thân những tên gọi đó đều chỉ một khách thể, một nội hàm biểu tượng là sự sáng tạo thế giới. Thần thoại các tộc người đều đi từ chỗ Không đến Có, từ vô danh đến hữu danh “Ngày xưa sinh đời trước/Dưới đất chưa có đất/Trên trời chưa có trời/Trên trời chưa có ngôi sao đo đỏ/Dưới đất chưa có ngọn cỏ xanh xanh”. Từ sự khởi đầu đó, muôn vật nảy nở, mỗi thứ mang một tên gọi: Luồng/cau/củ mài/dây sắn/dây sọ/cơm/chim cu/bươm bướm/trâu/bò…

Trong Truyện cổ Mơ Nông, có thần thoại “Cội nguồn” đã giải thích nguồn gốc của đất trời cây cỏ, gắn liền với chiến công, sự sáng tạo của các vị thần khai thiên lập địa (Krak, Ntung, Bung... tạo ra các giống vật, Yang tạp ra sông núi, Thần Rừng tạo ra các sông suối…). Krak Lưn cũng như hệ thống các thần sáng tạo của tộc người khác tạo thành một hệ thống kí hiệu trên bình diện đồng đại, Krăk Lưn lại cùng với bà Ka Lôm (Sự tích cây lúa) [1/18], Bong, Rong (Sử thi thần thoại Mơ Nông)… tạo thành hệ thống kí hiệu, biểu tượng theo trục lịch đại để tái hiện mô hình thế giới của người Mơ Nông. Thần thoại tuy không phải là lịch sử nhưng nó đã lưu giữ những kí ức về lịch sử của nhân loại. Thần thoại phản ánh đời sống nguyên thủy của người Mơ Nông với tất cả những nỗi vất vả, cực nhọc để sinh tồn và sáng tạo các giá trị văn hóa, đạt được những thành quả lao động to lớn. Qua những câu chuyện này, người Mơ Nông như thấy được bóng dáng của tổ tiên, thấy được nguồn gốc và quá trình phát triển của mình.

Theo trường phái kí hiệu học mà tiêu biểu trong đó là quan điểm của I.U.Lotman thì ý thức huyền thoại gắn liền với quá trình hình thành kí hiệu học và cũng chính là sự hình thành các biểu tượng thần thoại mà trong đó mỗi tên riêng, mỗi biểu tượng đồng nhất với bản chất của sự việc, hiện tượng, mỗi tên riêng gắn với một quan niệm huyền thoại và kèm theo đó là một truyện kể. Từ đó Lotman nhấn mạnh đến “mối liên hệ giữa một số tình huống truyện kể tiêu biểu với đặc điểm gọi tên của thế giới huyền thoại. “Đặt tên” cho các sự vật chưa có tên được xem như là hành vi sáng tạo”. Tóm lại, huyền thoại và tên gọi, từ trong bản chất có quan hệ trực tiếp với nhau. Theo một ý nghĩa nào đó, chúng chế định lẫn nhau, cái này dẫn tới cái kia: huyền thoại bao giờ cũng có tính nhân hoá (gọi tên), tên gọi bao giờ cũng có tính huyền thoại. [2- I.U.Lotman, B.A.Uspenski: Huyền thoại – tên gọi – văn hóa, Lã Nguyên dịch]

Trường phái kí hiệu học cũng cho rằng, nhân vật huyền thoại gắn liền với những không gian nhất định và hoạt động trong phạm vi không gian mở rộng đó. Vì thế ông Đùng bà Đà xuất hiện ở lưu vực sông Đà, Sơn Tinh gắn với vùng đất cổ Ba Vì và Phú Thọ, ông Đổng ở núi Sóc… Hình tượng đôi vợ chồng Ải Lậc Cậc tạo ra bốn cánh đồng rộng lớn, ông bà đứng trên núi Mường Lò, cánh đồng Mường Thanh, tạo ra núi Pú Khẩu chí (núi xôi nướng), dòng sông Nậm Rốm tuy cũng mở rộng cả không gian theo chiều ngang nhưng rút cục vẫn hạn định trong một vùng Tây Bắc, nơi có dấu chân của tộc người Thái. Hai vợ chồng ông bà khổng lồ Pú Luông SLao Cải (Tày) khai hoang mở đất, tạo lập địa bàn cư trú trong những thung lũng giữa bảy con suối tạo nên những cánh đồng màu mỡ ở Thất Khê (Lạng Sơn), Hòa An (Cao Bằng)… cũng không nằm ngoại sự giới hạn, hạn định của không gian huyền thoại quy ước sự hoạt động các nhân vật thần thoại. Nhìn dưới góc độ thi pháp học thì đó là không gian điểm [3/tr88], một sản phẩm tất yếu của tư duy thần thoại, khi con người bị giới hạn bởi địa bàn hoạt động, cứ trú của mình.

2. Sử thi thần thoại: Sự tái cấu trúc mô hình thế giới qua việc đặt tên lại các sự vật hiện tượng

Sự chuyển biến từ thần thoại bước sang thời đại sử thi là bước ngoặt lớn của cả cộng đồng, với sự vận đồng mạnh mẽ để sáng tạo, thiết lập những giá trị mới. Sử thi thần thoại là sản phẩm của thời đại chuyển giao giữa xã hội công xã nguyên thủy (thần thoại) sang mô hình xã hội mới, do đó nhu cầu định nghĩa lại thế giới, tái lập mô hình thế giới là hết sức cần thiết. Vì thế, sử thi thần thoại đã đáp ứng nhu cầu thời đại đó qua hệ thống quan niệm về vũ trụ, cách đặt tên các sự vật, hiện tượng... Sự đặt tên lại các nhân vật, các hiện tượng là dấu hiệu của thời đại mới, khẳng định sự tồn tại và quyền lực của những nhân tố mới đương thời. Từ những vị thần tự nhiên với những thuộc tính, ý niệm thời đại thần thoại, bước sang giai đoạn truyền thuyết, tất cả đều được định danh lại (Thần Nông, Đế Lai, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Tản Viên Sơn Thánh…) với hàm nghĩa chỉ sự thay đổi chứ không phải cách lí giải đơn giản trước đây của chúng ta khi cho rằng đó là sự ảnh hưởng của yếu tố ngoại lai, sự Hán hóa về phương diện ngôn ngữ và tư duy. Chính vì thế những cuốn sách như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, những bản thần tích (sau đợt sưu tầm của Nguyễn Bính 1572 và những bản chép lại sau này) đều cho thấy sự sắc phong của nhà nước phong kiến mà trải qua mỗi triều đại thì tên gọi, danh xưng của các vị anh hùng, các thần linh, nhân thần đều thay đổi. Sự thay đổi tên gọi, danh xưng ở thời đại sau hầu như không làm mất đi ý nghĩa khách thể của đối tượng phản ánh mà chỉ thể hiện sự ra đời, xuất hiện của một thời đại mới, trong đó người đứng đầu (nhà vua) muốn khẳng định quyền uy của mình bằng một hệ thống những sự thay đổi (quốc hiệu, lịch đại, tiền tệ, địa danh hành chính…) thậm chí đổi tên hiệu của cả thế giới thần linh. Trong đó, sự khẳng định quyền uy, làm chủ bách thần có ý nghĩa vô cùng quan trọng với việc cai trị dân chúng.

Hệ thống ot ndrong, sử thi thần thoại của người Mơ Nông tập trung vào mấy đề tài chủ yếu: Sự ra đời (và cái chết) của các anh hùng (Đẻ Lêng, Kể gia phả ot ndrong, Tinh, Rung chết); đi lấy (đòi/đánh cướp, tìm) vật báu (Lêng đi giành lại nring, Cướp chăn Lêng của Jreng, Lêng con Ôt, Lấy hoa bạc hoa đồng, Lêng, Klong, Mbong lấy ché con voi trắng…); đánh cướp người đẹp (anh hùng), cứu người (Cướp Bung con Klêt, Tiăng cướp Djăn, Dje…); lao động sản xuất (Bắt con lươn ở suối Dak Huch, Thuốc cá ở hồ Bầu Trời, Mặt Trăng…). Tính chất thần thoại không chỉ thể hiện trong đề tài (những chiến công của anh hùng thần thoại, khai thiên lập địa, kiến tạo thế giới…) mà còn qua hệ thống nhân vật thần linh có tài phép, có quan hệ mật thiết với thế giới loài người và chi phối thế giới đó. Có thể nói ot ndrong là sự chắp nối chuỗi những mảnh thần thoại của các cộng đồng thị tộc, các gia tộc ở các vùng miền khác nhau của người Mơ Nông. Từ mối liên hệ giữa hai thể loại: thần thoại và sử thi thần thoại, chúng tôi xem xét sự thay đổi trong quan niệm về thế giới ở người Mơ Nông như thế nào, mặc dù thần thoại Mơ Nông không tạo thành hệ thống chỉnh thể liền mạch nhưng những tri thức nền tảng về thần thoại các tộc người có thể làm căn cứ, xuất phát điểm để so sánh với những quan niệm ở sử thi thần thoại.

Như đã đề cập ở phần về thần thoại, những nhân vật thần thoại bị hạn định trong một không gian nhất định. Xu hướng của nhân vật thần thoại là mở rộng không gian, chinh phục địa bàn cư trú nhưng cuối cùng vẫn trở về những địa bàn, không gian ban đầu: Lạc Long Quân về biển Đông, Âu Cơ về núi, Sơn Tinh về núi Ba Vì, Thánh Gióng về núi Sóc,… Không gian thần thoại không thể mở rộng nếu không có sự xuất hiện, sự sáng tạo thêm những nhân vật mới. Sự mở rộng không gian là sự mở rộng hệ thống tên gọi của nhân vật mà bản thân thể loại thần thoại với những biểu tượng – hình tượng cố định, giới hạn thì không phải lúc nào cũng có thể tạo ra những nhân vật mới. Chức năng đó sẽ được thực hiện ở thể loại truyện kể tiếp theo trong dòng tự sự dân gian, là sử thi.

Quan điểm của trường phái kí hiệu học đó cũng rất gần với quan niệm của thi pháp học. Thi pháp học cho rằng “không gian nghệ thuật (KGNT) là hình thức tồn tại của thế giới” [3/tr88] và “không có hình tượng nghệ thuật nào lại không có không gian, không có nhân vật nào không có một nền cảnh” [3/tr88]. Trong tác phẩm, ta bắt gặp sự miêu tả con đường, căn nhà, dòng sông… Nhưng bản thân các sự vật ấy chưa phải là các không gian nghệ thuật. Chúng được xem là không gian nghệ thuật trong chừng mực biểu hiện mô hình thế giới của con người [3/tr89]. Ứng với các kiểu không gian ấy (điểm, mặt phẳng, tuyến tính…- người viết chú thích) có những kiểu nhân vật khác nhau.

Sử thi thần thoại Mường bắt đầu từ chỗ tất cả chưa có, chưa dậy, chưa thành… đến chỗ có tất cả : Con người cũng chưa có. Cành chọc trời biến nên cật đứa cái/là ông Thu Tha bung xung biến nên cật đứa con mái là bà Thu Thiên. Ông Thu Tha, bà Thu Thiên ra truyền làm nên đôi nên lứa. Từ biểu tượng cây Si, chim Tùng - chim Tót, chim Ây- cái Ứa đến sử thi thần thoại, người Mường sáng tạo ra cặp đôi Ông Thu Tha, Bà Thu Thiên với ý nghĩa đại diện cho sự sáng tạo. Với những nhân vật sáng tạo như vậy ở thời đại mới, không gian sử thi Mường mở ra với con đường kéo chu, nhưng công cuộc kì vĩ đó chỉ có thể thực hiện khi xuất hiện nhân vật anh hùng, đại diện cho sức mạnh thời đại của cả cộng đồng.

  Sử thi thần thoại Mơ Nông mở ra với câu chuyện về cha Rong, mẹ Bong đi khai hoang, mở đất. Đó là sự tiếp nối cặp đôi biểu tượng Cha – Mẹ xứ sở ở thần thoại cùng với nhiệm vụ chức năng sáng tạo sự sống. Tuy nhiên, khác với thời đại thần thoại chỉ với các biểu tượng Krak Lưn, Ka Lôm, Bong, Rong… ở thời đại anh hùng, sử thi Mơ Nông xây dựng một bon làng anh hùng, mà trong đó hệ thống gia phả, hệ thông tên nhân vật được mở rộng không giới hạn. Sự thay đổi quan niệm về mô hình vũ trụ, trật tự thế giới ở sử thi thần thoại biểu hiện qua các phương diện sau:

Thứ nhất, sự thay đổi tên gọi các nhân vật gắn với việc xác lập quan niệm về người anh hùng của thời đại sử thi. Sử thi đã ca ngợi hình tượng Tiăng tiếp nối công việc sáng tạo thế giới, mở mang bờ cõi. Tiăng thoát thai từ người anh hùng sáng thế trong thần thoại. Trong sử thi, mỗi lần nhắc đến Tiăng, nghệ nhân lại dùng những hình ảnh có ý nghĩa biểu trưng liên quan đến nguồn gốc thần linh, sự vĩ đại của nhân vật thần thoại: Trời hai ngón Tiăng đã có/ Đất hai ngón Tiăng đã có (nghĩa là nhân vật sinh ra khi trời đất mới chỉ bằng hai ngón chân, nhân vật sinh ra từ thuở khai thiên lập địa); Ndu lâu đời nay đã đen sì/ Tiăng lâu đời nay đã đen sì…Trong sử thi của người Mơ Nông, Tiăng lần lượt đầu thai vào hơn 30 bà mẹ với tên gọi khác nhau, cái tên nào chàng cũng không bằng lòng mà chỉ đến tên Tiăng con Rong thì chàng mới chấp nhận. Việc nhân vật đầu thai từ kiếp này qua kiếp khác, luân hồi trong cõi đời cũng thường xuất hiện trong các tác phẩm văn học dân gian nhưng việc đầu thai liên tiếp qua mấy chục bà mẹ lại hết sức độc đáo. Chi tiết đó có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng hình tượng người anh hùng Tiăng. Tức là, chỉ đến khi đầu thai vào mẹ Rong và cha Bông (vốn là hai chị em nên Tiăng phải thổi ngải cho họ phạm tội loạn luân), Tiăng mới trở thành người anh hùng đích thực, tài trí hơn người [4/tr430]. Ở đây xuất hiện “mô-típ cái duy nhất” – người mẹ duy nhất, cái tên duy nhất tương xứng với người anh hùng. Hành động của Tiăng được lí giải dưới góc nhìn lịch sử văn hóa tộc người khi Tiăng không chỉ là người trưởng bon, nhân vật anh hùng trong chiến đấu, mà Tiăng còn là nhân vật văn hóa, thủ lĩnh tinh thần thể hiện sự trưởng thành về ý thức cộng đồng, dân tộc của người Mơ Nông. Tiăng là người đại diện cho cộng đồng, cho toàn thể đồng bào người Mơ Nông trên bước đường phát triển của mình. Nếu như những phản ứng trong việc đặt tên mang ý nghĩa cá nhân, thể hiện cá tính của người anh hùng thì việc Tiăng đi khắp mọi miền đất, đầu thai từ bà mẹ này qua bà mẹ khác lại có ý nghĩa to lớn, mang tính biểu trưng cho sự vận động, vận mệnh của cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc đầu thai của Tiăng còn có ý nghĩa xây dựng, củng cố mối quan hệ họ hàng (mpôl), sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng. Như chúng ta đã biết, xã hội Mơ Nông được xây dựng dựa trên mối quan hệ họ hàng, là xã hội thị tộc theo dòng họ mẹ cho nên để gắn kết cộng đồng không gì bằng tạo ra các mối quan hệ thân tộc. Trong "Kể gia phả sử thi ot nrông", Tiăng đầu thai vào 37 bà mẹ, chàng có khoảng hơn 200 anh em. Như vậy, khắp cả bon Tiăng, mọi người đều là anh em, họ hàng của Tiăng. Chính mối quan hệ họ hàng đó tạo nên tình cảm gắn bó, trách nhiệm của từng thành viên trong cộng đồng. Đó cũng chính là nguyên nhân tạo nên sức mạnh của bon Tiăng, để có thể chiến thắng mọi kẻ thù.

Một điều đáng chú ý trong tác phẩm là Tiăng đầu thai làm con bà mẹ nào Tiăng cũng chăm chỉ làm lụng, bộc lộ tài năng lao động. Cuộc hành trình của Tiăng qua các bà mẹ và các miền đất cũng là quá trình sáng tạo không ngừng các giá trị vật chất và tinh thần. Phương diện này góp phần khẳng định bản chất người anh hùng văn hoá của Tiăng.

Các nhân vật Tiăng được mô tả trong tác phẩm tuy mang một tên khác, nhưng về cơ bản chính là hiện thân của nhân vật trung tâm Tiăng. Sự thay đổi về tên gọi khác nhau đó đánh dấu những bước phát triển khác nhau ở từng thời kì của tộc người Mơ Nông, trong đó anh hùng Tiăng là người đại diện. Chức năng của Tiăng không thay đổi và vì thế mọi hành động của nhân vật đều có chung một mô hình, một dạng thức với cùng một nội hàm: Tiăng là nhân vật anh hùng, sáng tạo văn hóa.

 Ở với mỗi bà mẹ, Tiăng lại được tặng một vật quý, nhiều khi vật quý được dùng để cúng hồn Tiăng. Đó là các loại ché quý (ché con vượn tự chơi, ché con mèo trắng, ché con rùa…), nrut đánh lửa, khiên thần, gùi đan hoa, đàn nring, ống bạc tượng người, áo sắt áo đồng… Cách kể của gia phả như thế phần nào giới thiệu được thế giới muôn vật giàu có, phong phú của người Mơ Nông từ đồ dùng, vũ khí đến nhạc cụ, đồ trang sức. Mỗi một loại đều chứa đựng những tính năng kì diệu, thể hiện sự giàu có, sung túc của bon làng Mơ Nông. Phải chăng đó là hiện thực lao động sáng tạo của con người nhưng cũng là mơ ước, là lí tưởng mà họ muốn hướng tới? Nhưng là hiện thực hay ước mơ thì đó cũng là sự khẳng định, đề cao giá trị của lao động, sự sáng tạo và trí tuệ của con người. “Những tác phẩm phản ánh trực tiếp những thắng lợi của con người đối với thiên nhiên và sự tạo ra những công cụ và phương tiện sản xuất- những tác phẩm đó không chỉ là những truyền thuyết riêng lẻ, mà còn là những thiên trường ca có tính chất sử thi cỡ Kalêvala là thiên trường ca đã cho ta một khái niệm về thời kì đầu tiên của sự phát triển xã hội” [5/tr4].

Họ đặt tên con Tiăng con Rsang

 Con Tiăng nín không khóc thêm nữa  

Chi tiết này cho thấy những nét đẹp trong phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc đã được khúc xạ vào tác phẩm. Đó là phong tục đặt tên (moh săk) hết sức trang trọng trong nghi lễ vòng đời người của người Mơ Nông. “Trong nghi lễ này, người chủ nhà đặt nắm cơm lên tay đứa bé và gọi tên người về đầu thai (tên này do vợ chồng mơ thấy ai đó trong dòng họ mình). Nếu đứa bé im lặng tức là nó đồng ý. Nếu nó khóc hay giãy giụa tức là đặt tên không đúng, khi đó, bố mẹ phải nhờ thầy bói đến đoán xem linh hồn nào về đầu thai thì đặt tên na ná như vậy. Tiếp đó, họ mang con mình đến nhà con hoặc cháu người quá cố có linh hồn về đầu thai, xin đồ vật còn lại của người đã khuất cho đứa bé. Làm như vậy đứa bé mới sống được” [5/tr46]. Những nghi thức của lễ đặt tên gần như trùng khít với lời kể của sử thi, điều này cho thấy sức phản ánh hiện thực lịch sử mang tính rộng lớn và chân thực của loại hình nghệ thuật này. Đó cũng là đặc điểm khác biệt của sử thi so với thần thoại, đúng như Davlêtôp đã nhận định: “Sử thi có khuynh hướng phản ánh lịch sử một cách gần gũi và trực tiếp hơn [6/tr18]. Do đó, “hình tượng trong sử thi biểu thị chính bản thân mình” chứ không chỉ đơn thuần mang tính biểu tượng như trong thần thoại

 Thứ hai, sự mở rộng tên các nhân vật anh hùng gắn với sự mở rộng không gian nghệ thuật của sử thi. Bon Tiăng là bon của các anh hùng với quan niệm một bon anh hùng không phải là có các chiến công cụ thể hay đã đánh chiếm được bon khác mà theo định nghĩa đơn giản của tư duy huyền thoại còn đậm nét trong sử thi đó là tập hợp của các anh hùng. Thậm chí nhiều tên gọi anh hùng khác nhau nhưng thực chất chỉ là sự diễn giải, tiếp nối, liền mạch của một nhân vật trung tâm. Vì thế có tác phẩm miêu tả Tiăng đã già, không thể đi đánh trận, chỉ ngồi một chỗ chỉ huy nhưng hình bóng, chiến công của ông vẫn luôn hiển hiện qua hình tượng Lêng hay Mbong. Những phẩm chất đó cũng là phẩm chất chung của anh hùng bon Tiăng, được thể hiện trong sử thi - ot ndrong: Lêng, Ndu, Mbong… mà mỗi anh hùng đều có những đặc điểm riêng, nổi bật với chiến công kì vĩ. Lêng dẫu cho vào lửa, nấu trong lò cũng không thay đổi hình dạng và bản tính. Mbong, ngay từ bé đã thể hiện khí phách, bản lĩnh của mình. Trong cách miêu tả của sử thi - ot ndrong, mặc dù lấy bon Tiăng là trung tâm, điểm nhìn của nghệ nhân đặt ở nhân vật Tiăng nhưng tất cả các cộng đồng khác trong sử thi đều là anh hùng.

Bộ sử thi hoàng tráng của người Mơ Nông phản ánh lịch sử tộc người với chiều dài thời gian và chiều rộng không gian. Trong đó, không gian sử thi không phải được xác lập bởi vùng núi cao, đồi cỏ (Nâm Vang, Nâm Brah, Nâm Rla…) những dòng sông huyền thoại và thực tại Đắc Huých (nay thuộc xã Quảng Trực, Đắc Rlấp, Đắc Nông) mà được tạo nên bở hệ thống nhân vật anh hùng văn hóa, anh hùng chiến trận của bon Tiăng.

3. Kết luận

Nhân vật anh hùng cũng luôn bị hạn định trong không gian của mình, mỗi nhân vật có một “khung” hoạt động nhất định mà sự vận động của anh ta không thể vượt ra khỏi “khung của mình”. Tác phẩm văn học cũng có khung, giống như khung của bức tranh, pho tượng, hay sàn diễn của nhà hát. Đường viền của bức tranh là khung của tác phẩm hội hoạ. phông, màn, hàng đèn trước sân khấu ngăn khu vực biểu diễn của diễn viên tách biệt với khu vực của khán giả  là khung của sàn diễn nhà hát. Khung của một truyện kể đánh dấu bằng mở đầu và kết thúc của câu chuyện. Với sử thi thần thoại Mơ Nông, chúng tôi thấy rằng nghệ nhân dân gian dựa trên một cái “khung” rất cơ bản là sự vận động của cộng đồng với những giá trị văn hóa, lao động sản xuất và chiến đấu để đưa cộng đồng đến những bước phát triển mới của tương lai.  

Người anh hùng sử thi luôn có huynh hướng vượt thoát khỏi giới hạn của mình, để vươn tới một khát vọng lớn lao. Vì thế, những không gian của sử thi không thể giới hạn nhân vật anh hùng. Vì thế Akhin không chấp nhận cả cuộc đời của mình ở đảo Scyros thì sẽ không có người anh hùng vĩ đại nhất và cuộc chiến thành Troy. Người anh hùng Đăm Săn nếu bằng lòng trong không gian buôn làng Ê Đê thì cũng không có trường đoạn đi bắt Nữ thần mặt trời. Nhân vật thần thoại có thể mở rộng không gian trong một chừng mực nào đó nhưng rồi cũng không thể vượt thoát ra ngoài để trở thành một biểu tượng gắn liền với một vùng đất, một thị tộc thì nhân vật sử thi luôn có khuynh hướng vượt ra ngoài khuôn khổ đó. Việc nhân vật sử thi di chuyển từ không gian của mình sang một không gian khác chính là tiền đề của việc nảy sinh các sự kiện cho truyện kể. Vì thế, việc nghiên cứu quan niệm về thế giới của sử thi không chỉ dựa trên sự mô tả thông thường về thế giới mấy tầng, mấy lớn mà điều quan trọng là mối quan hệ của nhân vật đó với những hệ thống nhân vật khác cùng một đặc tính để xác lập những mô hình không gian, mô hình thế giới đặc thù. 

 (Tạp chí Nguồn sáng dân gian số 2/2013)

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Nhiều tác giả (sưu tầm biên soạn) 2006: Truyện cổ Mơ Nông, Nxb Văn nghệ tp HCM

2. I.u.LotmanHuyền thoại –tên gọi – văn hóa (   Iu.M. Lotman, B.A.Uspenski – Lã Nguyên dịch,   http://nguvan.hnue.edu.vn/?comp=content&id=254&Huyen-thoai---ten-goi---van-hoa.html)

3.Trần Đình Sử (1998), Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội

4. Đỗ Hồng Kỳ (1997): Sử thi thần thoại M’Nông. Nxb Văn hóa dân tộc

5. Đỗ Hồng Kỳ (2001): Những khía cạnh văn hóa Mơ Nông. Nxb Văn hóa dân tộc. Hà Nội

6. DavletopSáng tác dân gian - một loại hình nghệ thuật. (Lê Sơn dịch) Thư viện Viện Nghiên cứu văn hoá, Hà Nội

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020