Văn học dân gian

Phân tích giá trị ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm Văn học dân gian các dân tộc thiểu số


09-10-2020

PHÂN TÍCH GIÁ TRỊ NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT CỦA TÁC PHẨM VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

(Qua trường hợp sử thi Chương Han – Thái Tây Bắc)

Ths. Phạm Đặng Xuân Hương

Tổ VHVN I – K. Ngữ Văn – ĐHSPHN

Văn học trước hết là nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Bởi vậy, bàn về một tác phẩm văn học không thể né tránh việc tìm hiểu phương diện ngôn ngữ. Ấy vậy mà tâm lí chung của các nhà nghiên cứu khi phân tích tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số là né tránh hay tạm hài lòng với việc tìm hiểu chỉ một vài giá trị ngôn ngữ của tác phẩm mà thôi. Lý do rất đơn giản: bởi đây là tác phẩm văn học dân tộc thiểu số mà các nhà nghiên cứu, đa phần là nhà nghiên cứu người Kinh chỉ có điều kiện tiếp xúc với tác phẩm thông qua bản dịch sang tiếng phổ thông của những dịch giả thời hiện đại. Việc có thể nghiên cứu trực tiếp trên văn bản ghi chép tiếng địa phương, hay trực tiếp nghe hát kể bằng tiếng dân tộc, đối với các nhà nghiên cứu hiện nay vẫn còn là một công việc khó khăn và chưa phổ biến. Thế mà, đúng như nhà nghiên cứu Lê Trường Phát nhận định: “trong khi tiến hành dịch thuật, mặc dầu đã hết sức cố gắng, các dịch giả vẫn không sao tránh được cái tình trạng, như ngạn ngữ đã tổng kết “dịch tức là phản”. Bên cạnh những trở ngại về khoảng cách văn hoá, khoảng cách thời đại, tác giả nhấn mạnh đến “ sự thay đổi phong cách học từ bản dịch so với nguyên bản trong việc sử dụng từ ngữ và kiểu câu” [4,tr155], chính là “những khó khăn về ngôn ngữ” mà chúng tôi bàn đến ở đây.

Tất cả những điều này đưa đến một thực tế không thể chối cãi, đó là: chúng ta chỉ có thể khám phá trọn vẹn cái hay, cái đẹp của tác phẩm, đặc biệt về phương diện ngôn ngữ nếu như chúng ta có đủ khả năng làm việc trực tiếp với văn bản bằng tiếng dân tộc của những chủ nhân sáng tạo ra nó. Mã ngôn ngữ là một thân cầu trung chuyển giữa một bên đầu cầu là mã văn hoá và một bên chân cầu – điểm đến là mã thẩm mỹ. Do đó, chỉ có tiếp cận trực tiếp với ngôn ngữ gốc chúng ta mới có thể hiểu được gốc rễ văn hoá và thẩm mỹ của tác phẩm. Mọi nhận định đến từ văn bản dịch đều có tính “tương đối” và phần nào “võ đoán”.

Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin lấy ví dụ ở tác phẩm sử thi Chương Han của người Thái. Đây là một tác phẩm rất nổi tiếng mà nội dung kể về những chiến công của cuộc đời người anh hùng Chương Han trong cuộc chiến đấu đánh dẹp mọi lực lượng cát cứ  phân tranh đem đến sự thống nhất toàn bộ địa bàn cư trú cho người Thái (chiến tranh mở đất), điều hoà mâu thuẫn và hận thù giữa hai lực lượng chính là người Keo Mèn và người Thái, từ đó phát triển xã hội thái bình, thịnh trị, an vui. Tác phẩm này có hai bản kể: một bản kể Chương Han của người Thái đen Tây Bắc và một bản kể Khủn Chưởng (cũng có nghĩa là Chương) của người Thái trắng miền Tây Nghệ An. Điều đặc biệt là cho đến nay, tác phẩm này đã có tới bốn bản dịch: một bản dịch của tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn (trong cuốn Chương Han sử thi Thái – NXB KHXH, H.2003) và một bản dịch của tác giả Vương Trung (trong cuốn Chương Han – NXB Văn hoá dân tộc, H.2005) cho bản kể Chương Han của người Thái đen; một bản dịch của Lang Sơn Hán (trong cuốn Khủn Chưởng anh hùng ca Thái – Phan Đăng Nhật chủ biên, NXB KHXH,H.2005) và một bản dịch của Quán Vi Miên (trong cuốn Truyện Khun Chương – NXB Văn hoá dân tộc, H.2010) cho bản kể Khủn Chưởng của người Thái trắng.

Mặc dù có điều đáng mừng như vậy nhưng trên thực tế khi chúng ta phân tích giá trị của tác phẩm này trên phương diện ngôn ngữ mà chỉ dừng lại ở các bản dịch, không đối chiếu, không “đọc lại” văn bản gốc thì vẫn có rất nhiều điều đáng tiếc. Sự đáng tiếc này sẽ diễn ra trên tất cả phương diện của đặc điểm ngôn ngữ tác phẩm: Cấu trúc ngôn ngữ (các thành phần ngôn ngữ của người kể chuyện, ngôn ngữ của nhân vật); các biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, điệp lặp…), thể thơ và các yêu tố liên quan như vần, nhịp…Xin đưa ra một số ví dụ trên cở sở sự nghiên cứu của chúng tôi ở bản kể Chương Han của người Thái Tây Bắc:

- Về cấu trúc ngôn ngữ: Sử thi Chương Han của người Thái hiện còn được lưu hành bằng các văn bản chữ Thái cổ. Mặc dù vậy môi trường sinh tồn của sử thi Chương ở Việt Nam vẫn là môi trường văn hoá dân gian. Đời sống lưu truyền phổ biến của Chương Han vẫn thông qua phương thức truyền miệng. Tuy nhiên các bản dịch gần như đã chuyển hoá cái văn bản hátvăn bản kể của tác phẩm văn học dân gian thành văn bản đọc, ở chố đã lược bỏ nhiều dấu hiệu truyền miệng trên phương diện ngôn từ. Trong nguyên văn tiếng Thái của tác phẩm Chương Han (và hầu như ở bất kỳ một tác phẩm văn học dân gian nào khác của người Thái) có một chữ viết tắt biểu thị âm “ho hơi…”, có nghĩa là âm thanh lấy giọng của người kể để giọng kể vang xa khắp núi rừng trước khi bắt đầu một cuộc hát kể sử thi. Cả hai bản dịch của Nguyễn Ngọc Tuấn và Vương Trung đều bỏ đi dòng mở đầu đó mà bắt ngay vào câu chuyện (tín hiệu của văn bản hát kể bị bỏ đi). Thêm nữa, trong quá trình kể chuyện, nếu như ở sử thi Tây Nguyên đầy rẫy những câu giao tiếp kiểu như “này bà con…”; “ơ bà con…” thì ở sử thi Chương Han cũng nhiều không kém những từ như tẹ lẹo (thật thế đấy), chinh lẹo (thật rồi đấy), pụn dơ (bạn ơi), đính lu (nhìn mà xem, thấy không), lé dơ (nữa nhé), phắng nghín (này nghe thấy)…cho thấy tính giao lưu trực tiếp giữa người kể và người nghe. Kiểm tra trong nguyên văn tiếng Thái, bản chép tay sử thi Chương Han của Cầm Bao (Mường Chanh – Mai Sơn – Sơn La) chúng tôi thấy tỉ lệ xuất hiện của những từ này khá cao, thậm chí có nhiều đoạn tỉ lệ này là 5,6 câu xuất hiện 1 lần/ 1 từ, đặc biệt là những đoạn kể, đoạn miêu tả (miêu tả sự anh dũng của Chương Han, miêu tả cảnh bi hùng của chiến trường, miêu tả vẻ đẹp của các cô vợ Chương…), giống như là: bằng các từ đó (tẹ lẹo (thật thế đấy), chinh lẹo (thật rồi đấy),nặn lẹo (đấy rồi), pụn dơ (bạn ơi), đính lu (nhìn mà xem, thấy không), lé dơ (nữa nhé), phắng nghín (này nghe thấy)…) người kể đang thuyết phục, đang minh chứng cho người nghe một cách rõ ràng, trực tiếp vậy. Các bản dịch lại bỏ đi hầu hết những từ cuối câu đó, hiếm hoi lắm mới có một vài câu để lại những từ này, và tần suất xuất hiện không nhiều đó đã khiến cho văn bản dịch không thể chuyển tải được tính sống động, hồn nhiên, nóng hổi hiện thực của ngôn ngữ sử thi.

- Về các biện pháp nghệ thuật, thể thơ và các yếu tố vần, nhịp…

Sử thi Chương Han là một tác phẩm tự sự nên ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm sẽ phải là ngôn ngữ kể chuyện theo tiến trình sự kiện. Đọc sử thi chúng ta thấy ngôn ngữ này thể hiện qua các công thức kể, công thức kết nối sự kiện bằng các từ nối như: Ăn va (kể rằng), Mưa nặn (thủa ấy. lúc bấy giờ), Bắt ní (lại kể về)…và các từ chỉ thời gian như Sau bảy ngày đêm chuẩn bị, Tám năm sau Tạo Hung… xuất hiện thường xuyên trong tác phẩm. Về  điều này thì các bản dịch đã trung thành với nguyên văn một cách không khó khăn gì!

Tuy nhiên như chúng ta đã biết Chương Han là một tác phẩm tự sự nhưng lại là tự sự bằng…thơ. Đây là một tác phẩm tự sự trường thiên bằng thơ chứ không phải bằng lời nói vần, hay văn xuôi xen lẫn văn vần như một số sử thi ở Tây Nguyên. Người Thái có lịch sử thơ ca từ lâu đời và phát triển rất đồng đều, từ ca dao trữ tình đến ca dao ký sự (ghi chép sự việc), từ ca dao ký sự đến ca dao tự sự, rồi từ ca dao tự sự đến thơ ca tự sự trung bình và dài… (xem Kiều Thu Hoạch, Truyện Nôm – lịch sử phát triển và thi pháp thể loại). Đó chính là lý do để truyện thơ và sử thi Thái nở rộ. Do đó, trong sử thi Chương Han bên cạnh ngôn ngữ kể chuyện còn có thứ ngôn ngữ thơ, ngôn ngữ nhạc của một văn bản vốn sinh ra để ngâm, để hát. Sử thi Chương rất giàu có những hình ảnh so sánh, ẩn dụ, biểu tượng, các điệp từ, điệp ngữ, các kiểu câu sóng đôi, móc xích, vần nhịp uyển chuyển, đối âm rộn ràng… minh chứng cho một khả năng thơ ca đã phát triển cao trong cộng đồng Thái lúc bấy giờ. Tuy nhiên để thống kê được điều này người nghiên cứu nhất định phải có kỹ năng đối chiếu, đọc lại văn bản gốc, không thể thống kê trên các bản dịch. Bởi các khoảng cách giữa bản kể gốc và văn bản dịch có thể nhìn thấy rõ nhất chính là khi “đụng chạm” đến ngôn ngữ thơ.

Ví dụ như về so sánh – biện pháp tu từ có thể nói là xuất hiện nhiều nhất trong sử thi Chương Han, đặc biệt ở những đoạn miêu tả (tả người, tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh chiến trận). Trong tiếng Thái có những từ biểu thị sự so sánh như từ cờ (dường như), xưỡng nặn (như thế, như vậy), pan (như)…Ở sử thi Chương Han có nhiều đoạn sử dụng biện pháp so sánh thông qua các từ so sánh này như một đoạn sau đây:

Chương cọ nướng nướng lưởn Hang Sếnh chị me Kẻo chủa mú khau nặn

Chàng uyển chuyển múa thanh Hang Sếnh nhằm lũ giặc mèn trỏ tới

Đính lu xanh láp ngạo pan phạ phá láp nướng

Chỉ thấy ánh gươm thiêng như sét trời đổ xuống

Ăn nưng dắng dắng lưởn hiạh va sanh phải kỉm bin bôn pay cón ta me mọp

Một đằng múa lượn (như) mảnh vỡ trên trời bay tới tấp không kịp chớp mắt

...Mạp mạp lưởn pan phạ phá phi liêng

Chớp loang loáng xung quanh như trời bổ ma chơi

Các bản dịch đều có thể dịch chuyển khá dễ dàng các câu so sánh này. Tuy nhiên như chúng ta đã biết trong biện pháp so sánh, đôi khi từ so sánh có thể bị ẩn đi mà ngụ ý so sánh vẫn hiện rõ. Ở sử thi Chương Han cũng có rất nhiều câu so sánh không có sự xuất hiện của từ so sánh như vậy:

Mưa nặn, nhố thá cẳm Anh Ca, Tạo Quạ

Lúc ấy, hàng tướng sỹ của Tạo Quạ, Anh Ca

Nghín ón giản pên bả ngạng ngốm tẹ lẹo!

Đã thấy sợ như bị điên dại, nghiêng ngả tứ phía

Từ pên bả trong câu này có nghĩa là trở nên, hoá thành nhưng ở đây nó mang nghĩa so sánh (như đã trở nên, như đã hoá thành…).

Một số ví dụ khác:

Phắng nghín to hố hố Keo téo pắng phụng pai

Nghe thấy như tiếng giặc Keo sợ hãi chạy trốn ào ào

Phốn lắng khạn cứng nặm bá phai

Nghe thấy (giống như) tiếng phai nước đổ vỡ

 Hay:

Đính lu Keo tai lộm cang ná đới la lạt

Thấy giặc Keo chết ngã giữa ruộng bập bềnh

Ăn va a pay lay lượt cốn pan nặm

Lại thấy (dường như) máu người chảy thành sông

Phắng nghín to thốm thốm lộn ná piếng nóng lượt

Nghe thấy ào ào đổ xuống ruộng thành lũ máu

Lay lắng pản cúng me vắng vín lẹo dớ!

(Xác) trôi kín cả sông suối rồi đấy!

Chính điều này đã tạo ra sự lúng túng và nhiều lúc là nhầm lẫn cho các dịch giả. Có những câu không phải là hình ảnh so sánh nhưng các tác giả lại dịch thành câu so sánh. Ví dụ ở câu thơ: “Đính lu dạp dạp Keo lay má lắng xãi náư nặm nặn lẹo” – nghĩa của câu này là: Nhìn thấy ào ào giặc Keo đuổi tới bãi cát bên sông rồi (lay: chảy, tuốn, kéo ra; : đến; lắng: sau lưng; xãi: bãi cát; náư: kia; nặm: nước, sông; nặn lẹo: đấy rồi). Nhưng tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn lại dịch câu này thành hai câu thơ: Kìa xem ào ào lũ quan Mèn xốc tới – Như cát trôi mùa lũ, bờ bãi đắp tràn. Như vậy là lại biến câu kể (có ý nhấn mạnh yếu tố không gian, địa điểm: tới bãi cát bên sông rồi) thành câu so sánh. Dịch giả Vương Trung cũng dịch như vậy: Keo tuôn sang như cát dưới sông. Ngược lại, ở một số câu có ý so sánh ngầm, các dịch giả lại không nhận ra và biến nó thành một câu kể. Ví dụ như ở những câu thơ Chương Han nói với cha mình trước khi rời thượng giới xuống trần gian: “Con  cũng xin uống nước gan dạ người hùng đấy nhé – Phòng khi họ (người trần gian, giặc giã) chống lại cũng không hề sợ hãi – (Họ) kéo sát nơi đây đến măng trời cũng không đủ bữa sáng đấy – Để cho tiếng tăm của con được lững lẫy khắp trong trời đất…”. Ở đoạn thơ này, câu thơ thứ 3 nguyên văn là “Sạt ti chựa nó phạ báu mí dón sôm phan ngai lẹo” có nghĩa là Tới sát nơi đây, măng trời cũng không đủ bày mâm bữa sáng (nó phạ: măng trời; xôm: vừa, xứng, ngai: bữa cơm sáng, trưa), ngầm ý là người trần gian, giặc giã có thể kéo lên trời đông đến nỗi măng trời cũng không đủ nấu cho họ bữa cơm, nhưng nếu Chương Han uống nước thần dũng mãnh thì điều đó cũng không đáng sợ gì. Rõ ràng ở đây có ý so sánh người trần gian đông đến mức, đông như măng trời cũng không đủ cơm cho họ. Tuy nhiên có lẽ vì không hiểu ý này, Nguyễn Ngọc Tuấn đã dịch “lái” nghĩa của câu thành: Cho thật đáng bậc con trời không biết sợ ai, còn Vương Trung dịch thành: Dõi măng trời chẳng chi nể sợ (chỉ giữ lại hình ảnh măng trời)…

Chỉ đọc bản dịch chúng ta cũng không thể nhận ra và liệt kê chính xác những biện pháp tu từ như lặp từ, điệp từ, điệp ngữ, vần, nhịp…- đặc điểm tạo ra tính nhạc, tính nhịp điệu cho thơ. Thơ ca Thái nói chung và thơ Chương nói riêng đều có số âm tiết lẻ (7,9,11,13…) và gieo vần tự do, thường là vần lưng, nhưng cũng có khi là vần đầu, vần chân…

Một ví dụ về vần đầu, lặp, láy tính từ, tạo tính nhạc cho thơ trong Chương Han:

Khưm khưm cọng pan phạ luông bôn

Đính lu sạh phắng chạng Keo Quạ Anh ca pụn dơ!

Khưm khưm cọng siêng phạ luông bôn

Pháng nháng lưởn khom pọh lếch sắp,

Hốm hốm khau khuý lá phắn phỏng,

Phan phan ngạo cắm quay ngượt quánh

…Khưm khưm cọng pan phạ luông bôn

Dịch nghĩa:

Ầm ầm chiêng trống rung trời

Nhìn thấy Anh Ca và Tạo Quạh giục voi ra trận bạn ơi

…Ầm ầm chiêng trống rung trời

Loang loáng ánh gươm chuỳ bọc sắt

Rầm rập đoàn kỵ binh chém giết

Lấp lánh ánh đao quay tít bên mình

…Ầm ầm chiêng trống rộn rã

(đoạn miêu tả cảnh chiến trận giữa Chương Han và giặc Keo)

Một loạt những từ láy đứng ở đầu câu đã tạo cho đoạn thơ những thanh âm nhịp nhàng, vang dội. Cảnh chiến trường được “ghi” lại như một thước phim vừa có màu sắc, vừa có âm thanh, vừa có ánh sáng, vừa có tiếng động. Không gian sáng bừng bởi màu trắng sáng lấp loáng của gươm đao, vũ khí; không gian ầm ĩ, náo nhiệt bởi những tiếng rầm rập, ầm ầm của chiêng trống, của tiếng người reo hò, của tiếng chân người chạy…Các bản dịch tuy có giữ lại các từ láy nhưng thay đổi trật tự của chúng làm mất đi hiệu quả của vần, nhịp và hiệu ứng âm thanh:

Tiếng cồng xé ngang trời vang động

Chuỳ bọc sắt loang loáng

Kỵ binh họ ào ào xông vào chém loạn

Lấp lánh ánh đao vàng múa vung

(bản dịch của Vương Trung)

Bản dịch của Nguyễn Ngọc Tuấn vẫn để từ láy ở đầu câu, nhưng đến câu thứ 4 thì lại bỏ từ láy, không tạo được cảm giác liền mạch:

Rền rền tiếng chiêng rung như trời sập đổ

Loang loáng chớp ánh gương toàn thép tốt

Rầm rập đoàn kị binh chém giết thẳng tay

Sáng chói loá, lưỡi gươm vàng múa tít vờn quanh

Một ví dụ khác:

Phú thón chỗm náng ngám ím to chaư pang nặn

Tạo cọ chốm song ưởi An Khái, Ủa Ca

Kính ón uôn chăn thả khú cướn hom

Song náng phưa phanh tạo ba chảu lướm lay

Tạo cọ mứ piến pỏm bai vạy mía kẻo mạh mố

Náng cọ hặc ón kẻo ba tạo sôm so át pấng chaư tẹ lẹo!

Đi ke song cóm kỉnh pánh tử tom sê nê mạh lẹo!

…Tẳng háh hặc pánh sọn song huôm ví hôm điêu

Phú thón chốm náng ngám chang sọn chốn sọn

Đi ke song si sỏi sê nên ha hun pi pánh nặn,

Tạo cọ hặc máư sọn chốm kẻm chúp kẻm

Đây là đoạn thơ miêu tả cảnh Chương Han ân ái hai người đẹp – hai chị em An Khái, Ủa Ca. Có thể dịch nghĩa đen như sau:

Tạo  no lòng yếm âu nàng xinh đẹp

Tạo cùng vui đón hai nàng An Khái, Ủa Ca

Mình mềm mại, thơm tho nằm đợi

Hai nàng duyên dáng quấn quýt tạo

Tạo cũng ôm ấp thân thiết các vợ yêu

Nàng cũng yêu chiều chàng đủ thứ mà lòng nàng muốn thể hiện

Tốt đẹp cả đôi đường, đôi tình yêu xứng đáng

…Tạo yêu quý cả hai nàng cùng một lúc

Người mừng vui cùng nàng đẹp khéo xứng đôi

Tốt cả hai đều được chàng yêu quý

Chàng yêu chiều hôn má cả hai nàng

Chỉ một đoạn thơ ngắn mà sử dụng rất linh hoạt các vần đầu, vần lưng, lặp láy các điệp từ, điệp ngữ, không chỉ tạo hiệu quả âm thanh, nhịp điệu mà còn tạo được hiệu quả ý nghĩa. Đoạn thơ miêu tả vẻ đẹp cân xứng của cả hai nàng An Khái, Ủa Ca và sự quấn quýt đôi lứa của Chương với hai nàng. Tất cả những từ láy, từ lặp như song ưởi, song náng, song huôm, song si, tạo cọ, náng cọ… đã góp phần thể hiện sự đối xứng nhịp nhàng, hoà hợp đôi lứa này. Cả hai bản dịch của Nguyễn Ngọc Tuấn và Vương Trung đều chỉ có thể dịch được ý nghĩa, mà không thể chuyển tải được hiệu quả ngôn ngữ của vần, nhịp, từ láy, từ lặp…

Trên đây chỉ là một số ví dụ nhỏ mà chúng tôi quan sát được khi đối chiếu, đọc lại bản kể gốc với văn bản dịch của sử thi Chương Han (Thái – Tây Bắc). Chúng tôi chắc chắn còn cần phải tiếp tục sự nghiên cứu của mình, và cũng rất chia sẻ với những “khoảng cách” khó tránh khỏi của các dịch giả. Kết quả to lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy là tầm quan trọng của việc phân tích những giá trị ngôn ngữ của các tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số trên cơ sở “làm việc trực tiếp” với bản kể gốc, tiếng địa phương. Theo chúng tôi, đã đến lúc chúng ta cần đặt ra tiêu chí này đối với người nghiên cứu văn học dân gian, đặc biệt là văn học dân gian các dân tộc thiểu số. Văn học dân gian là văn học truyền miệng nhưng khoa học nghiên cứu văn học dân gian thì vẫn có những văn bản định hình hoá (đặc biệt ở một số dân tộc như Thái, Chăm đã sớm có chữ viết để ghi chép văn học). Do đó, hình thành ý thức “đọc”, “soi”, “đối chiếu” giữa văn bản gốc, văn bản tiếng địa phương với văn bản dịch không những là một yêu cầu bắt buộc, mà còn là một yêu cầu hết sức thận trọng và chu toàn, đem lại kết quả là những nhận định có tính chính xác, rõ ràng, đáng tin cậy. Nếu như những dịch giả đã luôn đề cao trách nhiệm, ý thức công việc của họ thông qua câu nói “Văn học dịch – không đơn thuần là chuyển ngữ” thì có lẽ mỗi nhà nghiên cứu chúng ta, khi tìm hiểu, đối chiếu, khi “đọc lại” văn bản tác phẩm văn học dân gian các dân tộc thiểu số bằng tiếng địa phương bên cạnh những bản dịch đã lưu hành cũng cần có ý thức “một chữ cũng không được coi thường”!.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Cầm Bao – Chương Han – bản chép tay phiên âm tiếng Thái – tư liệu cá nhân

2.     Phan Đăng Nhật, Nguyễn Ngọc Tuấn chủ biên,Chương Han – sử thi Thái, NXB KHXH, HN2003.

3.      Vương Trung, Chương Han, NXB Văn hóa dân tộc, HN 2005.

4.     Lê Trường Phát, Đặc điểm thi pháp truyện thơ các dân tộc thiểu số - Luận án tiến sĩ Ngữ văn – tư liệu mượn tác giả.

5.     Nhiều tác giả, Truyện thơ và trường ca dân gian Tháibản tiếng Thái – Hội Văn nghệ, Sở văn hoá TT – TT Sơn La, 1998.

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020