Văn học Việt Nam trung đại

Vài nhận xét về phiên âm và dịch thơ của một số tác phẩm chữ Hán trong chương trình Ngữ văn 7 từ góc độ văn bản


11-10-2020

VÀI NHẬN XÉT VỀ PHIÊN ÂM VÀ DỊCH THƠ CỦA MỘT SỐ TÁC PHẨM CHỮ HÁN TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 7 TỪ GÓC ĐỘ VĂN BẢN

VÕ THỊ NGỌC HOA

Đại học Phú Yên, tỉnh Phú Yên

Đối với các tác phẩm thơ chữ Hán trung đại, để đến được với độc giả hiện nay, phải thông qua các bước phiên dịch, từ phiên âm, dịch nghĩa đến dịch thơ, nhằm xóa đi khoảng cách giữa tác giả và người đọc, làm cho người đọc có thể tiếp xúc với bản dịch như tiếp xúc với đúng tinh thần của văn bản gốc. Cho nên yêu cầu phiên dịch là phải chính xác từ phần phiên âm, phần dịch nghĩa cho đến dịch thơ và chú giải.

Khi tham khảo các tài liệu có liên quan đến tác phẩm thơ chữ Hán trung đại Việt Nam được chọn dạy trong nhà trường, chúng tôi thấy có nhiều trường hợp cùng một bài thơ chữ Hán nhưng mỗi sách lại có bản phiên âm và dịch thơ không hoàn toàn giống nhau. Từ thực tế đó, chúng tôi thử đối chiếu giữa bản phiên âm các bài Nam quốc sơn hà, Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải), Thiên trường vãn vọng (Trần Nhân Tông) và Côn Sơn ca (Nguyễn Trãi) trong Ngữ văn 7, tập 1 với nguyên tác chữ Hán. Đồng thời so sánh bản dịch thơ được chọn in trong sách giáo khoa với nguồn trích nhằm để người dạy, người học cũng như đối tượng độc giả khác có thể chọn được văn bản có độ chính xác cao, tránh trường hợp phân vân, không biết bản phiên âm, bản dịch thơ nào đáng tin cậy. Và thiết nghĩ, việc đối chiếu bản phiên âm, dịch thơ được in ở sách giáo khoa, các ấn phẩm khác góp phần nhỏ vào công tác chỉnh lí văn bản, việc làm này cũng không ngoài mục đích giúp độc giả tiếp nhận đúng giá trị xác thực của tác phẩm.

Đối với thơ chữ Hán, nhờ có bản phiên âm và bản dịch thơ mà độc giả, mặc dù không biết chữ Hán nhưng vẫn có thể cảm thụ sâu sắc nội dung, tư tưởng cũng như giá trị nghệ thuật của nguyên tác, đồng thời thấy được sự thành công, sáng tạo của người dịch qua từng bản dịch. Qua khảo sát, chúng tôi thấy phần phiên âm cũng có những dị bản. Điều này dễ làm cho độc giả phân vân, không biết bản phiên âm nào chính xác.

Bài Nam quốc sơn hà hiện có tới 28 dị bản. Để đối chiếu bản phiên âm và dịch thơ bài này, ngoài văn bản được in trong Ngữ văn 7, tập 1, chúng tôi căn cứ nguyên tác trích từ Đại Việt sử kí toàn thư, quyển III, tờ 9a-b, trong Thơ văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. KHXH, H. 1977. Đồng thời so sánh với bản dịch thơ từ nguồn trích và từ Văn học trung đại Việt Nam, tập 1, Nxb. ĐHSP, 2005 (giáo trình CĐSP Ngữ văn).

Bản phiên âm trong các sách nói trên về câu chữ đều giống nhau. Chỉ có chỗ khác nhau là cuối câu thứ 3 "Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm" (Ngữ văn 7, tập 1) không có dấu kết thúc câu, còn trong Thơ văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. KHXH, H. 1977, cuối câu 3 là dấu hỏi (Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?). Việc chấm dấu hỏi ở cuối câu này là hợp lý, vì cụm từ "như hà" đứng đầu câu thứ 3 có nghĩa "tại sao, vì sao".

Khi so với nguyên tác, tình hình lại khác. Câu thứ 2 ở sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 1 và tập Thơ văn Lý - Trần, tập 1 đều in "Tiệt nhiên định phận tại thiên thư", nhưng ở Đại Việt sử kí toàn thư, quyển III, tờ 9a-b, 截然分定在天書 (Tiệt nhiên phận định tại thiên thư). Liên quan đến trật tự từ "phận" và "định" ở câu này, trong bài Bàn thêm về văn bản và tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà tác giả Bùi Duy Tân đồng ý việc đổi vị trí "định phận" thành "phận định" như ý kiến của GS. Trần Đại Nghĩa: "So với bài thơ quen dùng, văn bản mới này có hai điểm khác. Một là thay "định phận" thành "phận định" để nói rõ sự phân chia đã ổn định, không nên thay đổi nữa, vả lại như thế niêm luật phù hợp hơn, âm điệu hay hơn". (Trích Khảo và luận một số tác gia - tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 1999, tr.15).

Bản phiên âm, dịch thơ những bài thơ chữ Hán trung đại Việt Nam in trong sách giáo khoa và các sách khác không hoàn toàn thống nhất. Cùng một bài thơ chữ Hán nhưng có nhiều bản dịch thơ khác nhau, người làm công tác biên soạn sách có thể chọn bản dịch nào, đó là quyền của họ, nên bản dịch thơ ở các sách có thể khác nhau là điều hiển nhiên.

Đối chiếu bản dịch thơ bài Nam quốc sơn hà (do Lê Thước - Nam Trân dịch) từ Ngữ văn 7, tập 1, với nguồn trích Thơ văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. KHXH, H. 1977), chúng tôi thấy có sự khác nhau đôi chỗ. Mở đầu bài này trong Thơ văn Lý - Trần, tập1, Nxb. KHXH, H. 1977, "Sông núi Nam Việt vua Nam ở" và cuối câu 3 được đánh dấu hỏi (Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?). Ở sách giáo khoa in là "Sông núi nước Nam vua Nam ở" và không sử dụng một loại dấu nào ở cuối câu "Giặc dữ cớ sao phạm đến đây".

Không chỉ bài Nam quốc sơn hà mà các bài thơ chữ Hán khác cũng có những bản dịch thơ khác nhau. Và cùng một tác phẩm nhưng mỗi sách chọn in bản dịch thơ khác nhau, đấy là điều tất yếu. Như bản dịch thơ ở Văn học trung đại Việt Nam, tập 1 xin trích dẫn dưới đây, khác với bản trong sách giáo khoa.

“Sông núi nước Nam, Nam đế đóng,

Cõi bờ định rõ tại Thiên thư.

Cớ sao nghịch tặc dám xâm phạm,

Bay liệu, lao vào chuốc bại hư”.

(Hùng Nam Yến dịch)

Thiết nghĩ, đối với tác phẩm có nhiều bản dịch thơ khác nhau, ngoài bản dịch thơ được chọn in, nhà biên soạn sách nên giới thiệu các bản dịch khác vào ấn phẩm, để độc giả có điều kiện tiếp nhận các bản dịch thơ khác nhau. Và qua so sánh, bản thân người đọc có thể thẩm định, đánh giá, theo họ, văn bản dịch nào là tốt nhất. Đồng thời tránh được trường hợp hoang mang, không biết bản dịch thơ in trong sách nào là đáng tin cậy.

Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải là tác phẩm thứ 2 được chọn để khảo cứu trong bài viết này. Cứ liệu dùng để đối chiếu gồm bản phiên âm và dịch thơ trong Ngữ văn 7, tập 1; Văn học Việt Nam (thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII); Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, quyển 1, Nxb. Tân Việt, 1958 và trong quyển 1, Trung tâm học liệu xuất bản năm 1971; Văn học trung đại Việt Nam, tập 1; nguyên tác trích từ Hoàng Việt thi tuyển, tờ 2b, A.3162/1.

Qua đối chiếu, chúng tôi thấy từ thứ 2 trong câu 1 ở các bản phiên âm bài Tụng giá hoàn kinh sư trong Ngữ văn 7, tập 1; Văn học Việt Nam (thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII); Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, quyển 1, Nxb. Tân Việt, 1958 và Trung tâm học liệu xuất bản năm 1971, đều in "Đoạt sáo Chương Dương độ", ở Văn học trung đại Việt Nam, tập 1 thì "Đoạt sóc Chương Dương độ". Sự khác nhau này không làm thay đổi nội dung ý nghĩa của câu thơ, vì trong Hán Việt tự điển, Thiều Chửu, “sóc 槊” - cây giáo dài, ta quen đọc là "sáo" và “sáo 矟” - cũng có nghĩa như tự “sóc 槊”.

Câu thứ 3, thứ 4 trong bài, mỗi sách in khác nhau. Ở Ngữ văn 7, tập 1 "Thái bình tu trí lực, Vạn cổ thử giang sơn"; sách Văn học Việt Nam (thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII) "Thái bình tu nỗ lực, Vạn cổ thử giang san"; Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, quyển 1, Nxb. Tân Việt, 1958 và Trung tâm học liệu xuất bản năm 1971 "Thái bình nghi nỗ lực, Vạn cổ thử giang san". Ở phần ghi chú của sách Việt Nam sử lược, xb 1971: Hai câu cuối có sách chép: 太平宜致力 (Thái bình nghi trí lực), 萬古舊江山 (Vạn cổ cựu giang san).

Và hai câu cuối của bài này chép ở Hoàng Việt thi tuyển, triều Trần, tờ 2b, A.3162/1 "太平當致力(Thái bình đương trí lực), 萬古舊江山 (Vạn cổ cựu giang san)". Như vậy, câu thứ 3 ở bài Tụng giá hoàn kinh sư trong Ngữ văn 7, tập 1 và Văn học trung đại Việt Nam, tập 1 giống nhau, đều in "Thái bình tu trí lực". Trong khi đó sách Văn học Việt Nam (thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII) in "Thái bình tu nỗ lực," và Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, quyển 1 là "Thái bình nghi nỗ lực". Ở Hoàng Việt thi tuyển, tờ 2b, A.3162/1 viết "太平當致力 - Thái bình đương nỗ lực". Và câu cuối trong các sách chữ Quốc ngữ dẫn trên đều in "Vạn cổ thử giang san". Riêng trong nguyên tác trích từ Hoàng Việt thi tuyển, tờ 2b, A.3162/1 và phần ghi chú ở Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim giống nhau (萬古舊江山 - Vạn cổ cựu giang san).

So sánh như thế, chúng ta mới biết được mỗi bản phiên âm bài Tụng giá hoàn kinh sư in ở các sách Ngữ văn 7, tập 1; Văn học trung đại Việt Nam, tập 1; Văn học Việt Nam (thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII); Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, quyển 1 và với Hoàng Việt thi tuyển, tờ 2b, A.3162/1 đều có sự khác biệt đôi chỗ so với nguyên tác. Theo chúng tôi, nên sử dụng bản phiên âm từ nguyên tác (trích trong Hoàng Việt thi tuyển, tờ 2b, A.3162/1)

從駕還京師

奪矟章陽渡

擒胡鹹子關

太平當致力

萬古舊江山

Phiên âm:

TỤNG GIÁ HOÀN KINH SƯ

Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm Hồ Hàm Tử quan

Thái bình đương trí lực

Vạn cổ cựu giang sơn.

Mặc dù phần phiên âm mỗi bản có chỗ khác nhau nhưng phần dịch nghĩa tương đối giống nhau. Chỉ khác nhau ở câu thứ tư, dịch giả Trần Trọng Kim dịch "Non nước ấy ngàn thu" (trích Ngữ văn 7, tập 1; Việt Nam sử lược, quyển 1, Nxb. Tân Việt, H. 1957 và Trung tâm học liệu XB, 1977), Bùi Văn Nguyên dịch "Non nước vẫn nghìn thu" (trích Văn học trung đại Việt Nam, tập 1), Trinh Đường dịch "Muôn thuở nước non này" (Thơ văn Lý - Trần, tập 2, Nxb. KHXH, H. 1989). Căn cứ văn bản gốc, theo chúng tôi, bản dịch của Bùi Văn Nguyên gần với nguyên tác hơn. Vì "vẫn" được dịch từ "舊- cựu" trong nguyên tác.

Bài thứ 3 được chọn khảo cứu là Thiên trường vãn vọng của Trần Nhân Tông. Bản phiên âm và dịch thơ in trong Ngữ văn 7, tập 1; Văn học Việt Nam (thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII); Thơ văn Lý - Trần, tập 2, Nxb. KHXH, H. 1989 và bản chữ Hán, trích từ Hoàng Việt thi tuyển, triều Trần, tờ 2b, A.3162/1, những cứ liệu dùng để đối chiếu trong bài viết này.

So với bản phiên âm bài Tụng giá hoàn kinh sư thì phần phiên âm bài Thiên trường vãn vọng trong các ấn phẩm nói trên có phần thống nhất hơn. Riêng câu 3, in ở Ngữ văn 7, tập 1 "Mục đồng địch lí ngưu quy tận" có trật tự khác với trong Văn học Việt Nam (thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII) "Mục đồng địch lý quy ngưu tận". Ở Hoàng Việt thi tuyển, triều Trần, tờ 2b, A.3162/1, câu thứ 3 "Mục đồng địch lý quy ngưu tận - 牧童笛裡歸牛盡" giống phần phiên âm ở Văn học Việt Nam (thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII) và giống trong Thơ văn Lí - Trần, tập II, Nxb. KHXH, H. 1989. Như vậy, câu này trong sách giáo khoa "Mục đồng địch lí ngưu quy tận" có khác với nguồn trích xuất xứ từ Thơ văn Lí - Trần, tập II, Nxb. KHXH, H. 1989 "Mục đồng địch lý quy ngưu tận".

Mặc dù không có nhiều dị bản phiên âm nhưng bài này được mỗi dịch giả dịch giải mã với nội dung khác nhau. Khác biệt nhất là ở câu thứ 2 "Bán vô bán hữu tịch dương biên" được Ngô Tất Tố dịch "Bóng chiều man mác có dường không" (trích Thơ văn Lí - Trần, tập II, Nxb. KHXH, H. 1989) và nhóm Lê Quý Đôn dịch "Bóng chiều bên có lại bên không" (trích Văn học Việt Nam (thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII).

Dấu câu xuất hiện trong bản phiên âm và bản dịch thơ được in ở các sách cũng không thống nhất. Ở Ngữ văn 7, tập 1, duy nhất một dấu chấm kết thúc văn bản phiên âm, trong Văn học Việt Nam (thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII), Thơ văn Lí - Trần, tập II, Nxb. KHXH, H. 1989, số lượng dấu câu nhiều hơn.

"Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,

Bán vô bán hữu tịch dương biên.

Mục đồng địch lý quy ngưu tận,

Bạch lộ song song phi hạ điền"

Và đối với bản dịch thơ cũng vậy, ở Ngữ văn 7, tập 1, chỉ có một dấu chấm kết thúc bản dịch thơ, số lượng dấu câu rất khiêm tốn so với nguồn trích từ Thơ văn Lí - Trần, tập II, Nxb. KHXH, H. 1989, có hai dấu phẩy cuối câu 1 và 3, hai dấu chấm cuối câu 2 và 4.

Trong chương trình Ngữ văn 7, có bốn tác phẩm thơ chữ Hán trung đại Việt Nam được đưa vào thì ba bài: Nam quốc sơn hà, Tụng giá hoàn kinh sư và Thiên trường vãn vọng có đầy đủ phần phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ. Riêng văn bản đoạn trích Côn sơn ca chỉ có bản dịch thơ, thiếu phần phiên âm và dịch nghĩa. Như vậy, cả người dạy lẫn người học, nếu không có điều kiện tiếp nhận bản phiên âm bài này qua các ấn phẩm khác thì coi như chỉ tiếp nhận tinh thần của tác giả gửi gắm trong tác phẩm một cách gián tiếp qua bản dịch thơ mà thôi.

Do vậy, trong bài viết này, chúng tôi xin dẫn đoạn trích Côn sơn ca (trong Ức Trai di tập) bằng chữ Hán từ Hoàng Việt văn tuyển, A.2683/1:

崑山歌

阮廌

崑山有泉

其聲泠泠然

余以為琴絃

崑山有石

雨洗苔鋪碧

余以為簟席

岩中有松

萬蓋翠童童

吾以是乎偃息其中

林中有竹

千畆印寒錄

吾於是乎嘯詠其側

Và bản phiên âm, phần này, đáng lẽ phải có trong Ngữ văn 7, tập 1:

CÔN SƠN CA

Nguyễn Trãi

Côn Sơn hữu tuyền

Kỳ thanh linh linh nhiên,

Dư dĩ vi cầm huyền.

Côn Sơn hữu thạch

Vũ tẩy đài phô bích,

Dư dĩ vi đạm tịch.

Nham trung hữu tùng

Vạn cái thúy đồng đồng,

Ngô dĩ thị hồ yển tức kỳ trung.

Lâm trung hữu trúc

Thiên mẫu ấn hàn lục,

Ngô ư thị hồ khiếu vịnh kì trắc.

Không chỉ trường hợp này ở sách giáo khoa Ngữ văn 7, mà cả sách giáo khoa khác cũng vậy. Bài Thiên đô chiếu, Hịch tướng sĩ và đoạn trích Bình Ngô đại cáo (Ngữ văn 8, tập 2); Bạch Đằng giang phú, Tái dụ Vương Thông thư, Bình Ngô đại cáo (Ngữ văn 10 - nâng cao - tập 2) chỉ in bản dịch. Vậy, coi ra các nhà biên soạn sách giáo khoa chú trọng nhiều đến bản dịch. Và có lẽ theo họ, bản phiên âm từ nguyên tác, chỉ là để độc giả tham khảo nên không nhất thiết phải đưa vào.

Đối với đoạn trích Côn Sơn ca, chúng tôi căn cứ bản phiên âm đoạn trích từ "Côn Sơn hữu tuyền... kì trắc" trong Thơ văn Nguyễn Trãi, Nxb. Giáo dục, 1980; Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X - thế kỉ XVII, tập 2; Nguyễn Trãi toàn tập, UBKHXH - Viện Sử học, 1976 (có so sánh với văn bản chữ Hán trong Hoàng Việt văn tuyển, quyển 1) và bản dịch thơ ở sách Ngữ văn 7, tập 1 với các ấn phẩm trên để khảo cứu.

Bản phiên âm bài Côn sơn ca có trong các ấn phẩm cũng không thống nhất nhau. Cụ thể qua việc đối chiếu phần phiên âm đoạn trích Côn Sơn ca trong Thơ văn Nguyễn Trãi, Nxb. Giáo dục, 1980 với Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X - thế kỉ XVII, tập 2, Nguyễn Trãi toàn tập, UBKHXH - Viện Sử học, 1976, và so với văn bản chữ Hán trong Hoàng Việt văn tuyển, quyển 1, có những chỗ khác nhau.

Câu thứ 2 trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X - thế kỉ XVII, tập 2, Nguyễn Trãi toàn tập, UBKHXH - Viện Sử học, 1976 "Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên", khác với vế thứ hai của câu 1 trong Thơ văn Nguyễn Trãi, Nxb. Giáo dục, 1980 "Kỳ thanh linh linh nhiên,". "linh linh" hay "lãnh lãnh" là hai hình thức ngữ âm của từ 泠泠, cho nên điểm khác nhau này không ảnh hưởng đến nội dung ý nghĩa của câu được dịch.

Còn đầu câu 3, 6, 9, 12 trong Thơ văn Nguyễn Trãi, Nxb. Giáo dục, 1980; Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X - thế kỉ XVII, tập 2, đều in "ngô". So với đoạn trích trên trong nguyên tác, từ tương đương với từ đầu tiên trong câu 3, 6 trong các ấn phẩm được so sách là "余 dư", và đầu câu 9, 12 là "吾ngô". Mặc dù "ngô, dư" đồng nghĩa, đều là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất - ta, nhưng bản phiên âm trong các ấn phẩm bằng chữ Quốc ngữ có khác so với ở văn bản chữ Hán.

Điểm khác nhau nữa là câu 8 trong bản phiên âm bài Côn Sơn ca in ở Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X - thế kỉ XVII, tập 2 "Vạn cái thúy đồng đồng" (cái 蓋- dù, lọng) có khác với trong Thơ văn Nguyễn Trãi, Nxb. Giáo dục, 1980; Nguyễn Trãi toàn tập, UBKHXH - Viện Sử học, 1976 "Vạn lý thúy đồng đồng". So với nguyên tác, câu này ở tập Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X - thế kỉ XVII, tập 2 trùng với văn bản chữ Hán trích từ Hoàng Việt văn tuyển, quyển 1, kí hiệu A.2683.

Chiếu theo bản dịch nghĩa trong Thơ văn Nguyễn Trãi, Nxb. Giáo dục, 1980, "lý 里" được dịch nghĩa "chiếc lọng" (Muôn chiếc lọng xanh rủ bóng) là không hợp lý. Vì "lý 里" trong Từ điển Hán Việt, Nguyễn Văn Chánh và của Đào Duy Anh, Hán Việt tự điển, tác giả Thiều Chửu, đều có nghĩa "làng, chỗ dân ở". Vậy, theo chúng tôi, câu này phiên âm đúng phải là "Vạn cái thúy đồng đồng" như ở Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X - thế kỉ XVII, tập 2 và đúng như ở Hoàng Việt văn tuyển, quyển 1, kí hiệu A.2683.

Trong đoạn trích này, câu 12 ở Hoàng Việt văn tuyển, quyển 1 chép "Ngô ư thị hồ khiếu vịnh kì trắc", Thơ văn Nguyễn Trãi, Nxb. Giáo dục, 1980 in "Ngô ư thị hồ ngâm tiếu kì trắc" và trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X - thế kỉ XVII, tập 2, "Ngô ư thị hồ ngâm khiếu kì trắc". Mặc dù có sự khác nhau về vị trí của từ "khiếu" và có bản phiên âm "vịnh" thay bằng "ngâm" nhưng khi tra Hán Việt tự điển (Thiều Chửu), "ngâm, vịnh" đều có nghĩa "đọc thơ văn đến chỗ có âm điệu phải kéo dài"; trong Từ điển Hán Việt (Đào Duy Anh) "ngâm: đọc tiếng dài; vịnh: ngâm thơ"; trong Từ điển Hán Việt do Nguyễn Văn Chánh biên soạn, "ngâm: ngâm, ngâm vịnh"; "vịnh: ngâm vịnh". Như vậy "ngâm" hoặc "vịnh" đều có nghĩa giống nhau, nên cụm từ "ngâm khiếu" hay "khiếu vịnh" có nghĩa như nhau: "ngâm nga".

Trong Nguyễn Trãi toàn tập, UBKHXH - Viện Sử học, 1976, tự thứ 6, 7 ở câu thứ 12 bài Côn sơn ca (bản chữ Hán) chép 吟嘯 (ngâm khiếu) và được phiên âm thành "ngâm tiếu". Thơ văn Nguyễn Trãi, Nxb. Giáo dục, 1980, cũng in "ngâm tiếu". Theo chúng tôi, từ phiên đúng phải là "ngâm khiếu". Vì các tự "tiếu" ở Từ điển Hán Việt - Nguyễn Văn Chánh, cũng như 11 tự "tiếu" trong Hán Việt tự điển - Thiều Chửu, cũng không có tự nào có nghĩa "ngâm nga" như phần dịch nghĩa trong sách này đã nêu "Ta ngâm nga ở bên cạnh".

Kết luận

Nhờ đối chiếu, so sánh phần phiên âm, bản dịch thơ bốn bài: Nam quốc sơn hà, Tụng giá hoàn kinh sư, Thiên trường vãn vọng và đoạn trích Côn sơn ca trong Ngữ văn 7, tập 1 với nguyên tác chữ Hán, so giữa bản dịch thơ được chọn in trong sách giáo khoa với nguồn trích, chúng ta có thể biết tình hình sử dụng các bản phiên âm và bản dịch thơ trong các ấn phẩm.

Vì nhiều lí do mà mỗi tác phẩm đều có nhiều dị bản, ngoài phần phiên âm, các nhà làm sách phải ghi rõ trích dẫn xuất xứ. Ví dụ: Nam quốc sơn hà được phiên âm từ nguyên tác trong Đại Việt sử kí toàn thư, tập 3, tờ 9a-b; Tụng giá hoàn kinh sư trong Hoàng Việt thi tuyển, triều Trần, quyển 1, tờ 2b và phần khảo dị (nếu có)... để người nghiên cứu thuận lợi hơn trong việc xác định văn bản (thẩm tra văn bản thuộc mức độ nào, văn bản chính hay văn bản chép truyền, mức độ sai lệch ...) cũng như đánh giá được mức độ chính xác của bản hiện hành trong ấn phẩm.

Việc lựa chọn bản dịch nào đưa vào sách thuộc quyền của những người biên soạn sách. Ở đây, chúng tôi không bàn luận bản dịch nào được chọn đưa vào sách là hay hoặc dở mà khi biên soạn, các nhà làm sách nên cân nhắc, lựa chọn một bản dịch ưu mĩ và cũng còn phải nghĩ đến tính lịch sử của văn bản dạy cho học sinh, chú ý đến sự liên hoàn giữa các sách chuyên dùng ở các bậc học khác nhau trong nhà trường để tránh trường hợp cùng một tác phẩm mà ở sách dùng trong bậc học này, phần phiên âm, dịch thơ có chỗ khác với sách dùng ở bậc học kia. Để tránh võ đoán, chúng tôi nghĩ, ngoài việc chọn bản dịch tốt (theo ý của người biên soạn) cần phải đưa thêm một số bản dịch khác, được dùng trong các giáo trình, sách giáo khoa khác vào ấn phẩm để người đọc có thể tham khảo, nghiên cứu các bản dịch một cách hệ thống.

Đối với các giáo trình bậc cao đẳng, đại học và sách nghiên cứu, ngoài việc đưa thêm một số bản dịch thường dùng, soạn giả nên đưa thêm phần phiên âm, có kèm nguyên tác bằng chữ Hán. Làm như vậy không những góp phần phổ biến rộng rãi các tác phẩm cổ (kho tàng văn hóa vô cùng quí báu của ông cha ta đang ngày càng mai một) mà còn giúp cho người đọc có thể thẩm tra lại những chỗ còn nghi vấn khi cần thiết hoặc giúp có thêm tài liệu để nhà nghiên cứu làm công tác khảo dị.

Với một lượng lớn tác phẩm thơ văn trung đại Việt Nam đưa vào giảng dạy ở chương trình Ngữ văn các lớp phổ thông và chương trình văn học trung đại Việt Nam dạy ở bậc cao đẳng, đại học, điều này cho thấy số lượng người đọc, là học sinh, sinh viên và những đối tượng khác, rất đông. Thế nhưng việc thể hiện tác phẩm trong các ấn phẩm chưa thật sự được chú trọng. Vì thế đã có sự khác nhau ít nhiều về câu chữ, dấu câu, viết hoa, nội dung bản dịch thơ giữa các bản phiên âm hay các bản dịch thơ. Không chỉ ở bài viết này, nhiều bài viết khác cũng đã đề cập vấn đề trên. Với tình hình như vậy, chúng tôi hy vọng, việc chỉnh lý toàn bộ những sai sót có trong các văn bản in ở các ấn phẩm, đặc biệt ở sách giáo khoa, giáo trình sớm hoàn thiện.

(Bài viết được thực hiện trong đề tài nghiên cứu với sự tài trợ của Quỹ Hán Nôm - Harvard-Yenching do PGS.TS. Đinh Khắc Thuân hướng dẫn).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dịch từ Hán sang Việt, một khoa học - một nghệ thuật, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. KHXH, H. 1982.

2. Đào Duy Anh: Từ điển Hán Việt, Nxb. KHXH, H. 2001.

3. Nguyễn Văn Chánh: Từ điển Hán Việt, Nxb. Trẻ, 2005.

4. Thiều Chửu: Hán Việt tự điển, Nxb. Tp. HCM, 1997.

5. Văn học Việt Nam (thế kỉ X - thế kỉ XVIII), Đinh Gia Khánh chủ biên, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương, Nxb. Giáo dục, 2000.

6. Hoàng Việt thi tuyển, A.3162/1.

7. Hoàng Việt văn tuyển, A.2683/1.

8. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X - thế kỉ XVII, tập 2, Nxb. Văn học, H. 1976.

9. Văn học trung đại Việt Nam Nguyễn Đăng Na chủ biên, Lã Nhâm Thìn, Đinh Thị Khang, tập 1, Dự án đào tạo giáo viên THCS, Nxb. ĐHSP, 2007.

10. Ngữ văn 7, tập 1, Nxb. Giáo dục, H. 2009.

11. Nguyễn Trãi toàn tập, UBKHXH - Viện Sử học, Nxb. KHXH, H. 1976.

12. Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, quyển 1, Nxb. Tân Việt, 1958.

13. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, quyển 1, Trung tâm học liệu xuất bản, 1971.

14. Thơ văn Lý - Trần, tập 1, UBKHXH - Viện Văn học, Nxb. KHXH, H. 1977.

15. Thơ văn Lý - Trần, tập 2, UBKHXH - Viện Văn học, Nxb. KHXH, H. 1989

16. Thơ văn Nguyễn Trãi, Nxb. Giáo dục, 1980./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 5(96) 2009; Tr. 68-75)

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020