Văn học Việt Nam trung đại

Giải mã hư cấu nghệ thuật trong Hoàng Lê nhất thống chí từ góc nhìn thể loại “tiểu thuyết”


11-10-2020

Giải mã hư cấu nghệ thuật trong Hoàng Lê nhất thống chí
từ góc nhìn thể loại “tiểu thuyết”

PGS.TS Trần Thị Hoa Lê,
Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội

Mở đầu
Trên tiến trình tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, Hoàng Lê nhất thống chí (HLNTC/ NTC) giữ vị trí “cột mốc thể loại” không thể thay thế. Một mặt, NTC ngay từ nhan đề vẫn thể hiện quan niệm truyền thống coi nhẹ tiểu thuyết của tác gia trung đại, khi Ngô gia khẳng định mình viết sử (chí) chứ không “bịa đặt/hư cấu”. Đồng thời mặt khác, sở hữu lối kể chuyện “phi biên niên” “đầu tiên và duy nhất” của tiểu thuyết chương hồi Việt Nam, NTC cũng đánh dấu một cách ngoạn mục sự mở đầu chính thức của thể loại văn xuôi hư cấu lịch sử, điều này đã được khẳng định bởi các học giả tiền bối[ Xin xem Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 3, Tiểu thuyết chương hồi (tltk số 7), tr.35 – 88. ].
Tuy nhiên, giới nghiên cứu từng khá thiếu thống nhất trong việc định danh thể loại HLNTC, khi lần lượt “xếp” tác phẩm vào các “ô mục” khác nhau như: tiểu thuyết biên niên sử, ký sự lịch sử, tiểu thuyết chương hồi, tiểu thuyết lịch sử… Bài viết của chúng tôi bước đầu vận dụng lý luận tiểu thuyết hiện đại nhằm giải mã những hàm ngôn trong HLNTC với tư cách tác phẩm nghệ thuật đích thực đã thoát khỏi lối văn chép sử nặng tính chức năng của thời trung đại.
1.Vấn đề thể loại “tiểu thuyết” với Hoàng Lê nhất thống chí
Như chúng ta đều biết, trong thế giới thể loại văn học vô cùng đa dạng, “tiểu thuyết” ở các nền văn học Đông Tây đều là loại hình non trẻ so với các thể loại văn chương chức năng “cao thượng” thời cổ trung đại. Bởi thế, “tiểu thuyết là thể loại văn chương duy nhất đang biến chuyển và còn chưa định hình”[ M.Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư chọn dịch/giới thiệu, Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1992, tr.21.]. HLNTC từ các góc độ nghệ thuật đều tỏ ra là một bộ tiểu thuyết “đang biến đổi và chưa xong xuôi” như vậy.
Xét từ phương diện sự kiện và nhân vật lịch sử, HLNTC mang hình hài “tiểu thuyết lịch sử”, “tiểu thuyết giảng sử”. Xét từ cấu trúc chương hồi, HLNTC cùng loại hình “tiểu thuyết chương hồi” Trung Hoa đời Minh Thanh. Tuy nhiên, xét từ đội ngũ tác giả Ngô gia văn phái (Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du,...) – những người vừa là chứng nhân lịch sử vừa (tiềm tàng khả năng) “đóng vai” nhân vật của tác phẩm – HLNTC lại là “tiểu thuyết đích thực” bởi lịch sử mà nó phản ánh không thuộc về quá khứ, lịch sử đó chính là “cái hiện thời”, “cái đương đại” đang diễn ra và tác giả/nhân vật đang chứng kiến, trải nghiệm.
Nhà văn từ Á sang Âu đều có sự gặp gỡ trong quan niệm về cốt tủy của tiểu thuyết: “mối quan tâm chính của tiểu thuyết là bản chất con người (nhân tình)”[ Tsubouchi Shoyo, Chân tủy của tiểu thuyết, Trần Hải Yến dịch và giới thiệu, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013, tr.92.], là “bản tính con người”[ Milan Kundera, Màn, Trần Bạch Lan dịch, Nxb Văn học & Nhã Nam, 2014, tr.13 – 14: trong mục Lý thuyết tiểu thuyết, M.Kundera dẫn lời Fielding khi viết Tom Jones (1749): Fielding tự coi mình là “người sáng lập một địa hạt văn chương mới” “đến mức còn chưa có tên”, ông đặt tên cho nó là “lối viết văn xuôi-hài hước-sử thi” (prosai-comi-epic writing); ông định nghĩa “địa hạt văn chương mới”: “cái dưỡng chất mà chúng tôi đề xuất với độc giả của mình ở đây không gì khác chính là bản tính con người”.]; một trong những đặc điểm tiêu biểu của tiểu thuyết là “chất văn xuôi – cuộc sống thực tại cùng thời, đang sinh thành, bao gồm mọi ngổn ngang của cuộc đời, dục vọng...” cùng với sự quan tâm đến “góc độ đời tư”[ Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998.]. Câu chuyện được kể lại trong HLNTC đã khơi gợi độc giả suy ngẫm về “bản chất con người” và phần nào những “đời tư, dục vọng” của con người mà các nhà văn Âu Á từng đề cập đó.
Từ góc độ tiểu thuyết gia “chép sử”, có thể thấy Ngô gia văn phái thực sự là bậc thầy của tiểu thuyết lịch sử khi Ngô gia “luôn xây dựng cốt truyện dựa trên sự kiện lịch sử” nhưng người đọc luôn nhận thấy sự khác biệt giữa tác phẩm của tiểu thuyết gia và sách sử[ Tsubouchi Shoyo, Chân tủy của tiểu thuyết, sđd, tr.199.]. Điều quan trọng nhất của những dị biệt giữa tiểu thuyết và sách sử chính là “tiểu thuyết có khả năng lấp đầy những khoảng trống” “lấp khoảng trống trong cả lịch sử và lịch sử tập tục”[ Tsubouchi Shoyo, Chân tủy của tiểu thuyết, sđd, tr.200, 203.]. Điều này HLNTC cũng đã thực hiện rất xuất sắc.
Với hai phần tiếp theo, chúng tôi sẽ chứng minh những gì HLNTC đã làm được như một “tiểu thuyết đích thực”, hoặc như một “tiểu thuyết lịch sử” theo cách mà Tsubouchi Shoyo nói trên đây.
2.Giá trị hư cấu nghệ thuật của Hoàng Lê nhất thống chí
Những hư cấu nghệ thuật đặc sắc của HLNTC - từ kết cấu cốt truyện đến xây dựng nhân vật và kỹ thuật kể chuyện – đều đã tập trung làm nên giá trị cốt lõi của “tiểu thuyết đích thực” ẩn trong hình hài “tiểu thuyết lịch sử - chương hồi”, khiến độc giả có thể đọc ra “bản tính con người” cũng như cảm nhận được sự “lấp đầy những khoảng trống” qua toàn bộ câu chuyện lịch sử nước Nam những năm cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX được Ngô gia kể lại.
Trước tiên phải nói tới hư cấu cốt truyện – kết cấu cốt truyện vốn là xương sống của tác phẩm tự sự. Theo khảo cứu của các bậc tiền nhân, HLNTC là sáng tác của tập thể Ngô gia văn phái, ít nhất bao gồm hai tác giả Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du[ Xin xem Phạm Tú Châu (tltk số 2), Nguyễn Đăng Na (tltk số 7).]. Tuy nhiên, tư tưởng và nghệ thuật kể chuyện về cơ bản là thống nhất, những mâu thuẫn sai biệt giữa bảy hồi đầu và mười hồi sau không lớn, thậm chí có thể coi một số “mâu thuẫn” đó như những tín hiệu thẩm mỹ làm nên tính đặc thù “tiểu thuyết”.
Trọng tâm của NTC là câu chuyện về cuộc nhất thống nước Nam dưới bàn tay vị tướng trẻ tài ba nhà Tây Sơn – Nguyễn Bình[ Tên của Nguyễn Huệ trong HLNTC.]. Cuộc nhất thống đã diễn ra thế nào và do đâu mà “nhất thống”? Để trả lời câu hỏi này, NTC đã sử dụng một tổ chức cốt truyện theo lối “nhân quả” cực kỳ chặt chẽ, hô ứng tài tình giữa các sự kiện/tình huống/chi tiết suốt 16/17 hồi. Giá trị nghệ thuật của kiểu kết cấu cốt truyện này không chỉ là sức hấp dẫn sinh động của câu chuyện mà đáng nói hơn còn là tính biểu trưng về “bản chất con người và thời đại” Lê mạt – Nguyễn sơ. Bản thân kết cấu cốt truyện NTC đã có sức khái quát cao về diện mạo và số phận con người nước Việt đủ mọi tầng lớp/loại hình những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Chắc chắn không ngẫu nhiên khi tác phẩm chọn nhân vật và tình huống mở đầu câu chuyện cũng là đầu mối của tình trạng “nhị thống”, đó là đoạn đời cuối của vị chúa Trịnh thứ tám - Trịnh Sâm. Mối quan hệ Trịnh Sâm - Đặng Thị Huệ - Trịnh Cán chính là nguồn cơn dẫn đến tình trạng phe cánh đối đầu giữa Hoàng Đăng Bảo và Trịnh Tông, từ đó sinh ra cái chết khốc liệt của Quận Huy, và tất yếu sinh ra cuộc đào ngũ đi tìm đường sống của Nguyễn Hữu Chỉnh. Và như thế, con đường Hữu Chỉnh đưa Nguyễn Bình tiến quân ra Bắc Hà “nhất thống” giang sơn hết lần này đến lần khác, sâu xa bắt nguồn chính lúc “bốn phương yên ổn, kho đụn đầy đủ” nhà chúa “sinh bụng kiêu căng, xa xỉ, kén vào rất nhiều phi tần thị nữ, mặc ý vui chơi thỏa thích”. Với kết cấu cốt truyện xâu chuỗi “nhân quả” đó, hẳn là Ngô gia đã muốn khái quát về bản chất “họa phúc số phận” của mọi thời đại bất ổn loạn lạc thay vì chỉ đơn giản dừng lại kể câu chuyện về thời đại họ sống.
Như vậy, cấu trúc chương hồi với lối “kết cấu nhân quả” xâu chuỗi, đa tuyến là đặc trưng nghệ thuật đầu tiên làm nên sức hấp dẫn của HLNTC. Tiêu đề mỗi hồi đều đánh dấu các yếu tố “nhân” sẽ dẫn đến “quả” trực tiếp hoặc gián tiếp ngay sau đó. Đồng thời các tuyến chủ đề/nhân vật chính – phụ, các tuyến cục diện chính trị/đạo lý đối kháng hoặc đồng lõa cũng hiển thị ngay từ hệ thống tiêu đề. Giá trị biểu trưng được “cài đặt” ngay từ tiêu đề, khi đọc sâu tác phẩm, độc giả mới thấm thía điều đó. Đơn cử, tiêu đề hồi 1 vào ngay căn gốc của “cái thế bè đảng” trong phủ chúa – trung tâm quyền lực Bắc Hà – “Đặng Tuyên phi được yêu dấu,.../ Vương thế tử bị truất ngôi,...”. Tình trạng “nhị thống” phe cánh mưu mô trừ diệt lẫn nhau luôn được tóm tắt gọn sắc trong các tiêu đề kế tiếp: “Lập Điện đô,.../Giết Huy quận,...” (hồi 2), “Dương nguyên cữu.../Nguyễn quốc sư...” (hồi 3), “... Hữu Chỉnh rửa thù thầy/... Trần Quán chết theo chúa” (hồi 4). Tiếp theo là sự xuất hiện của quân Tây Sơn, tiêu đề các hồi luôn phác họa rõ cục diện tương giao – tương tranh giữa các thế lực khuynh đảo triều chính: “... thượng công vào điện/ ... công chúa ra xe” “Chúa Tây Sơn.../ Quân Đông Giang...” (Tây Sơn – vua Lê, hồi 5, hồi 6); “Phò Lê đế.../ Đốt Trịnh cung...”, “Dương Trọng Tế bị dâng tù... / Hoàng Phùng Cơ phải tự tử...” (vua Lê – chúa Trịnh, hồi 7, hồi 8)... Từ hồi 12 cho đến hồi 17, các tiêu đề vẫn kế tục được tinh thần biểu đạt cục diện chính trị tương tranh gay gắt đó, với sự xuất hiện của các thế lực mới là quân Thanh triều và chúa Nguyễn Ánh.
Thứ hai là vấn đề hư cấu nhân vật, cách thức nghệ thuật của HLNTC khiến cho các bộ chính sử, tư sử cùng thời hoặc sau thời dù có chép nhiều sự kiện tương tự HLNTC vẫn không thể đạt tới giá trị biểu trưng như HLNTC[ Chúng tôi đã đối chiếu HLNTC với các bộ sử: Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều tạp kỷ... (tài liệu tham khảo đã dẫn). ].
Hệ thống yếu nhân lịch sử bao gồm ba đời vua Lê cuối cùng (Hiển Tông, Chiêu Thống, Duy Cận), năm đời chúa Trịnh sau chót (Sâm, Cán, Tông, Lệ, Bồng), cùng tôn thất Lê triều, quan tướng Lê – Trịnh, tướng lĩnh Tây Sơn... là đối tượng quan tâm của HLNTC cũng giống như chính sử/tư sử. Tuy nhiên, chỉ HLNTC mới quan tâm kể chuyện đời tư “thâm bí” của các yếu nhân đó qua vô số màn bi hài kịch, tiêu biểu như màn hài kịch về cảnh tượng chúa bị dắt mũi bởi “bùa mê thuốc lú” của ả nữ tỳ với ba nhân vật “Trịnh Sâm – Thị Huệ - viên ngọc dạ quang” diễn ra ngay những trang đầu của hồi một. Màn kịch về phút lâm chung của chúa với “cuộc chiến nước mắt” giữa hai người phụ nữ Thị Huệ và thánh mẫu; màn hài kịch nho nhỏ của Hiển Tông và đám cung nữ với bộ tranh Tam quốc trong trò chơi đánh trận giả...; đặc biệt là hai đại hài kịch “công diễn” lúc Trịnh Tông được đưa lên ngôi (1782) và lúc Trịnh Tông bị dọa mất ngôi (1784) đều do một tay bọn kiêu binh ít học, càn rỡ... Những tình huống đời tư sinh động đan cài vào mỗi sự kiện lịch sử đã khiến cho câu chuyện có thêm ý vị biểu trưng về cuộc đời các yếu nhân trong vòng xoay quyền lực không có điểm dừng.
Bên cạnh đó, nhóm nhân vật “thứ nhân”, hầu như không hiện diện trong các bộ chính sử/tư sử cũng là một đóng góp nghệ thuật mang tính “tiểu thuyết” của HLNTC. Xây dựng một thế giới nhân vật đa dạng binh lính và thường dân; trí thức và nha lại; dân binh Bắc Hà và lính tráng Nam Hà; người quốc dân và kẻ ngoại quốc, tỳ nữ, cung nhân, cho đến những người “thiên hạ” vô danh... NTC mang lại cho câu chuyện lịch sử màu sắc đời thường chúng dân ở một mức độ nhất định.
Dù yếu nhân lịch sử hay thứ nhân/lại thuộc, Ngô gia đều chú trọng khắc họa bản sắc nhân vật thông qua ngôn ngữ đối thoại đặt trong những tình huống xung đột kịch tính. Đáng chú ý là NTC xây dựng được nhiều lời thoại ngắn diễn tả một cách sinh động và để lại ấn tượng sâu sắc về tâm lý/tính cách riêng của nhân vật; khác với kiểu lời thoại dài “nói hộ nhân vật” nhạt tính bản sắc thường gặp trong các bộ tiểu thuyết lịch sử Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Việt long hưng chí, Việt Lam xuân thu... Đơn cử lời “quát lớn” của viên văn thư Nguyễn Quốc Trấn trước khi chịu chém đầu do bị tội lây với chủ (trấn thủ Kinh Bắc Nguyễn Khắc Tuân) trong vụ án Canh Tý 1780: “Trời không có mắt, triều đình không có quan, nỡ để Quốc Trấn mắc oan!”; và lời Quốc Trấn dặn người nhà để giấy bút vào tay áo mình: “Sống đã không bày tỏ nỗi oan được, chết phải kiện ở âm phủ!”. Trong một diễn biến khác, Đặng Mậu Lân cậy thế em trai Đặng Tuyên phi hành xử càn rỡ “hơn beo sói”; bị Sử Trung hầu ngăn cản không cho hợp cẩn với công chúa Ngọc Lan, hắn quát mắng: “Mày đem chúa để dọa tao phỏng? Chúa là cái quái gì?”, dứt lời tuốt gươm chém Sử Trung chết ngay. Chỉ qua vài lời thoại và hành động của các nhân vật phụ ngay hai hồi đầu của NTC, Ngô gia đã khắc họa tài tình cái gốc rễ mục ruỗng của phủ chúa – cái nhà dột từ nóc khiến người vô tội chết oan, kẻ thủ ác lộng hành. Cho đến khi tuần huyện Trang mang chúa Tông nộp quân Tây Sơn và đáp lại thầy học Lý Trần Quán: “Sợ thầy chưa bằng sợ giặc, yêu chúa chưa bằng yêu thân mình...” (hồi 4) hoặc khi trấn thủ Kinh Bắc Nguyễn Cảnh Thước đòi Chiêu Thống “ít nhiều vàng lụa... để đưa bệ hạ qua sông...”, lại cho người đuổi theo “lột chiếc ngự bào vua đang mặc” (hồi 10) thì độc giả càng hiểu tường tận căn nguyên do đâu mà ra những kẻ phản thần bất trung đó. Xây dựng vô số những đối thoại nhân vật và tình huống nghệ thuật đan chéo như vậy, Ngô gia đã ngầm gửi thông điệp đa chiều về bản chất thời loạn – mỗi hành vi đạo đức của con người đâu dễ phán xét, luận tội trong một ngôi nhà đang dột từ nóc! Một trong những biểu hiện nổi bật của thời loạn được NTC khắc họa là hầu hết các “chính trị gia” đều nói lời “trung nghĩa”, mượn áo “trung nghĩa” để biện minh cho hành động phi nghĩa bất nhân. Triêm Vũ hầu buộc phải lấy mạng mình đền mạng bảy tên lính bị y bắt giết mà được chúa Tông hứa phong cho “phúc thần” và sáu chữ “Trung nghĩa tráng liệt đại vương”. Tuần huyện Trang nhờ phản chúa mà được quân Tây Sơn phong “Tráng nghĩa hầu” thêm chức trấn thủ Sơn Tây. Tôn Sĩ Nghị cũng mượn tiếng “vì nghĩa lớn” để đem quân sang đánh Annam. Nực cười nhất là Hữu Chỉnh được Hiển Tông khen “biết trung nghĩa” khi đem quân Tây Sơn ra Bắc; năm sau, Chỉnh tâu bày với Chiêu Thống rằng “thần lấy điều nghĩa mà cảm động lòng người”. Chỉ có điều, hồi đáp những xưng tụng “trung nghĩa” đó, người khắp Bắc Hà, Nam Hà đều vừa ghét vừa sợ kẻ “hai lòng” này và ví ông ta “như loài chồn sói, giống yêu ma”...
Xét từ góc độ sử liệu, NTC được đánh giá cao ở tính khách quan lịch sử và khả năng vượt qua thiên kiến cá nhân để tái hiện một cách chân thực quá trình suy tàn/ sụp đổ không thể cứu vãn của tập đoàn Lê – Trịnh đồng thời sức trỗi dậy hào hùng, tài năng trị quốc cùng ý chí dân tộc mạnh mẽ không gì ngăn cản nổi của nhà Tây Sơn[ Theo Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 3, Tiểu thuyết chương hồi, tlđd.]. Tuy nhiên, chúng tôi muốn kiến giải giá trị hư cấu nghệ thuật của NTC với tư cách “tiểu thuyết” kể chuyện cuộc đời/con người. Có thể nói, bằng việc khắc họa thành công thế giới nhân vật cực kỳ đông đảo, đa dạng, NTC đã mang lại cái nhìn về bản chất con người trong một xã hội khủng hoảng chính trị/đạo đức. Hầu hết con người trong xã hội ấy dù thuộc tầng lớp nào cũng đều có điểm chung là sở hữu dục vọng/tham vọng quá ngưỡng. Các đời chúa từ Trịnh Sâm đến Trịnh Tông, Trịnh Lệ, Trịnh Bồng đều vì tham vọng quyền lực mà sát quân thí phụ, huynh đệ tương tàn. Tham vọng quyền lực khiến các vị văn võ toàn tài như Hoàng Đăng Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh trở thành phản thần bội nghịch. Đến binh lính, tôi tớ cũng không từ một cơ hội, thủ đoạn nào để thực hiện tham vọng chiếm giữ lợi lộc cung đình. Có vẻ ít tham vọng hơn như Lê Hiển Tông thì lại chìm trong dục vọng an thân “khoanh tay rủ áo” “chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui” đến nỗi bỏ mặc con trai bị sát hại. Thế giới phụ nữ từ nữ tỳ Đặng Thị Huệ cho đến tiệp dư mỗ, chính phi của Ân vương, Dương thái phi hay thánh mẫu... cũng đều bị cuốn vào guồng máy dục vọng chết người đó khiến cho triều chính càng thêm nghiêng đổ.
Kết hợp nhuần nhuyễn với hư cấu kết cấu cốt truyện và hư cấu nhân vật, những hư cấu - “kỹ thuật tiểu thuyết” rất cần được phân tách cụ thể, trong đó chúng tôi muốn nhấn mạnh hơn cả về kỹ thuật ẩn dụ đối xứng là một đặc sắc nổi bật trong hệ thống hư cấu nghệ thuật của NTC. Xét về “kỹ thuật tiểu thuyết”, có thể nhận thấy NTC đã có một bước tiến xa so với truyền thống văn xuôi lịch sử thời trung đại, đồng thời tiếp cận được một số chỉ báo thẩm mỹ của tiểu thuyết hiện đại. Sau đây chúng tôi sơ bộ lý giải kỹ thuật ẩn dụ đối xứng (kiểu đối xứng cặp đôi hoặc đối xứng cặp ba) tiềm tàng trong câu chuyện của Ngô gia – những ẩn ngữ/hàm ngôn mà độc giả có thể đọc hiểu qua nhiều hình thức ẩn dụ đan chéo vừa tương đồng vừa tương phản bộc lộ trong cách thức tổ chức hệ thống nhân vật và tình huống lịch sử.
Đó là ẩn dụ “chính trường” đặc biệt là chính trường lúc giao thời với những đối nghịch nhân cách và phe phái: trung thần – phản thần, quân tử trượng nghĩa – tiểu nhân vị lợi, phe vua – phe chúa – phe Tây Sơn... Là ẩn dụ “tài năng thời loạn” - tài năng văn võ song toàn đồng nghĩa với mưu mô thoán đoạt, hành xử hai mặt, sẵn sàng thanh trừng đối thủ - bộ ba Hoàng Đăng Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh và Nguyễn Bình. Là ẩn dụ “lỗi hệ thống”. Vì sao diễn ra cảnh nồi da nấu thịt suốt hơn hai mươi năm (1780 - 1802)? Tại sao cuộc “nhất thống” lại tốn nhiều máu xương đến thế? Dường như NTC đã góp phần trả lời câu hỏi nhức nhối đó của lịch sử nước Việt thế kỷ XVIII, từ góc độ “tiểu thuyết”. Hầu như tất cả các yếu nhân và thứ nhân trong vòng xoáy quyền lực thời Lê mạt – Nguyễn sơ đều tự nhận mình chính danh nhưng ai cũng có thể bị gọi/coi là “giặc”. Từ Hoàng Đăng Bảo đến Nguyễn Khắc Tuân, từ đội quân kiêu binh cho đến quốc cữu Dương Khuông hay “đại vương” Triêm Vũ hầu, từ chúa Tông cho đến Bằng công Hữu Chỉnh hoặc vua tôi nhà Tây Sơn... đều không ra ngoài sự tranh chấp danh – thực ấy. Bằng nghệ thuật tổ chức cốt truyện, thiết kế tình huống và xây dựng nhân vật, NTC đã kiến tạo một đại ẩn dụ về bản chất thời cuộc, đó là “lỗi hệ thống” của bản thân chế độ chính trị nước Việt đương thời. Mô hình chế độ quân chủ không còn phù hợp khi vua chúa bất tài, ích kỷ, không biết dùng người; trong khi dân chúng ít hiểu biết thì vẫn “nhớ nước cũ” “theo vua ta”; đó chính là mầm mống của bi kịch “người người gọi nhau là giặc” và những cuộc thanh trừng sát hại liên miên giữa các phe nhóm dưới danh nghĩa cuộc “nhất thống”. Văn võ toàn tài như Hoàng Đăng Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh thì hoặc chúa Tông không dung chứa hoặc vua Chiêu Thống vừa dùng vừa nghi kỵ, phế bỏ. Trung thần như Hoàng Phùng Cơ, tài năng nghĩa khí như Trần Công Xán, cương trực như Nguyễn Đình Giản thì kết cục đều tuẫn tiết khi việc nước dở dang. Ngoài ra là cơ man quan tướng, thư lại hủ bại, bị dân chúng khinh oán: vừa bất tài khoác lác vừa hèn hạ tráo trở như tiến sĩ Dương Trọng Tế (dân Kinh Bắc oán ghét); vừa hữu dũng vô mưu vừa cướp bóc hại dân như “danh tướng Hàm Giang” Đinh Tích Nhưỡng (dân Hải Dương oán ghét); tài ba mưu lược như Hữu Chỉnh thì bị dân Nghệ An căm ghét tìm giết; những kẻ “mưu hèn kế bẩn” chuyên nghề tố giác để kiếm quan chức như Nguyễn Huy Bá, Mai Doãn Khuê, Nguyễn Kim Đĩnh, Dương Trọng Tế... thì đủ loại cấp bậc to nhỏ. Từ chúa Tông, Thụy quận công Trịnh Lệ, Án Đô vương Trịnh Bồng cho đến Chiêu Thống, giám quốc Duy Cận... tất cả vua chúa ấy đều lao vào cuộc tranh giành ngôi vị bằng cách cậy nhờ mưu mô của lũ quan tướng bất tài, phản phúc để cuối cùng ngậm ngùi vì bị “kẻ tiểu nhân làm lầm lỡ”. Có thể nói, lịch sử cuộc nhất thống cũng chính là lịch sử của liên miên những cái chết bi thảm muôn hình vạn trạng, bắt nguồn sâu xa từ sự suy đồi của thể chế lưỡng đầu và những kẻ cầm cân nảy mực bất xứng danh vị.
“Lỗi hệ thống” đó dẫn đến kết cục tất yếu là tình cảnh dân chúng ly tán khổ sở vì binh đao. NTC chủ yếu tập trung mô tả quang cảnh kinh thành trong khoảng bảy năm nguồn cơn dẫn đến cuộc “nhất thống”, từ 1782 khi chúa Sâm băng cho đến 1789 khi vua Quang Trung đánh thắng quân Thanh. Tình cảnh chung hàng năm là “kinh thành chấn động, dân chúng dắt díu bồng bế... tranh nhau chạy trốn về thôn quê lánh nạn, quan quân ngăn cấm không nổi, lòng người nơm nớp,... ngoài thành là hang ổ của trộm cướp...”. Có cuộc chạy trốn tới mức bi thảm “mọi người giẫm đạp lên nhau, có người bị ngã rồi bị xéo đến chết,... thuyền chở nặng quá bị đắm, tiếng kêu khóc vang trời động đất...”. Khi quân Tôn Sĩ Nghị vào Thăng Long, bọn khách trú được dung túng “vu hãm người lương thiện, cướp bóc nhà giàu có, giữa chợ giữa đường cướp giật của cải, hãm hiếp đàn bà, không còn kiêng sợ gì...”. Đó là sử liệu song đó cũng là những ẩn dụ nhân sinh mà Ngô gia đã dày công xây dựng, gửi gắm nỗi niềm thời thế.
3.Giọng điệu châm biếm và điểm nhìn trần thuật của HLNTC
Cũng từ góc độ “tiểu thuyết”, giọng điệu châm biếm là một độc đáo hơn hẳn của NTC so với các bộ tiểu thuyết lịch sử thời trung đại, đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na nhận định: “Ở họ Ngô là sự kết hợp tài hoa giữa lối bao biếm của bút pháp Xuân Thu với truyền thống trào phúng của văn học dân gian Việt Nam và cái nhìn sắc sảo của một người thiệp liệp uyên thâm...”[ Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 3, Tiểu thuyết chương hồi (tltk số 7 đã dẫn), tr.65.].
Một mặt Ngô gia “lạnh lùng” khách quan mô tả các thủ đoạn chính trị, như trên đã phân tích, tạo nên nhiều ẩn dụ về thời cuộc. Mặt khác, giọng điệu châm biếm góp phần làm sâu sắc hơn các ẩn dụ, đặc biệt là ẩn dụ “đám đông” (sức mạnh đáng sợ của đám đông ít học, tham vọng, tiêu biểu là nhân vật kiêu binh) và ẩn dụ “dư luận” (tiếng nói bên lề không được chính thống công nhận nhưng chiếm đa số và thường phản ánh nhiều sự thực đích thực, tiêu biểu là nhân vật “thiên hạ” “mọi người đồn phao...”).
Giọng điệu châm biếm đưa đến cái nhìn đa diện về con người, trước tiên là về các yếu nhân lịch sử như vua chúa hoặc các vị anh hùng cái thế như Hữu Chỉnh, Nguyễn Bình. Hiển Tông mang hình hài đế vương “râu rồng, mũi cao, tóc hạc, mắt phượng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non...” tô vẽ cho một ông vua thực chất bất tài, bạc nhược. Chiêu Thống tương tự ông nội, vẻ ngoài “mặt rồng, mắt phượng, tiếng nói như chuông” không che đậy nổi bản chất yếu hèn, nhỏ nhen, mê muội. Trịnh Sâm “thông minh sáng suốt, trí tuệ hơn người, đủ tài văn võ...” mà kết cục đưa cả cơ nghiệp nhà chúa hơn hai trăm năm xuống vực thẳm chỉ vì say đắm một nữ tỳ. Trịnh Cán sinh ra được coi là khí thiêng tốt đẹp của nhà chúa “Sơn xuyên anh dục/ Hà hải tú chung” (khí thiêng sông núi tụ lại/ sự tốt đẹp của biển hồ đúc nên) thì đã sớm mắc bệnh “bụng to, rốn lồi, da nhợt, gân xanh... thuốc thang tốn kém hàng trăm vạn... chay bùa cúng tế lễ bái tấp nập... mà bệnh vẫn không khỏi”. Trịnh Tông ưa võ biền, hóa thành thứ đồ chơi miếu đường trong tay quân lính. Hữu Chỉnh “trí tuệ hơn người”, văn võ kiêm toàn, “phong lưu bậc nhất Trường An”, một đời “đi khắp bốn biển chín châu” “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, buôn vua bán chúa không từ một thủ đoạn tàn độc nào, cuối cùng bị “phanh thây” “cho chó ăn thịt”... Hành trình số phận và chân dung các yếu nhân dưới cái nhìn châm biếm của Ngô gia đã góp phần quan trọng tạo nên giọng điệu “tiểu thuyết” của NTC.
Cái nhìn trào phúng còn phanh phui từng chi tiết triều chính và bi hài kịch của “hệ thống”. Đơn cử chi tiết ở hồi ba, chúa Tông dùng “luật pháp” để áp chế quân lính: ba quân được thượng hoàng Hiển Tông mời vào điện Vạn Thọ đãi tiệc gỏi cá trắm hồ Sen vì công lao tôn phò hoàng tôn Duy Kỳ, nực cười thay, điện “Vạn Thọ” thành “đoản thọ”, bởi các quan chiểu theo điều luật “vào trộm hoàng thành” mà xử bêu đầu bảy tên lính không kịp chạy khỏi bữa tiệc vua chiêu đãi! Chỉ một chi tiết nhỏ cũng cho thấy tài quan sát và nụ cười châm biếm của Ngô gia trước cái “luật pháp rừng rú” của phủ chúa.
Rất nhiều màn kịch thoại độc đáo như phần trên đã đề cập: kịch thoại giữa chúa Sâm và Thị Huệ, chúa Sâm – Thị Huệ - thánh mẫu, Mậu Lân – Sử Trung hầu, chúa Tông/Dương thái phi – kiêu binh... trong ba hồi đầu. Cho đến hồi thứ mười sáu, đáng chú ý là những đoạn kịch thoại giữa các cặp nhân vật tương đồng như Hữu Chỉnh – Nguyễn Bình, cặp nhân vật tương phản như Nguyễn Bình – Chiêu Thống, Lý Trần Quán – tuần huyện Trang, giữa các bề tôi của vua Lê như Ninh Tốn – Đinh Tích Nhưỡng, giữa chúa Án Đô vương với Dương Trọng Tế và bọn tả hữu, giữa bọn tay chân khoác lác, càn rỡ của Tế gồm Dương Vân và Nguyễn Mậu Nễ... có thể liệt kê nhiều đối thoại mang tính hài kịch lột tả chân tướng nhân vật như vậy.
Cùng với giọng điệu châm biếm, điểm nhìn “người kể chuyện toàn tri” “biết tuốt” có sự thay đổi đã tạo nên giá trị tư tưởng tiến bộ của NTC. Việc thay đổi từ “điểm nhìn giai cấp” (hồi 1 – hồi 10) sang “điểm nhìn dân tộc” (hồi 13, 14, 15) đã đánh dấu thành công cả trong việc tái tạo sử liệu khách quan cũng như trong năng lực hư cấu nghệ thuật đầy chủ quan của tác giả NTC. Mười hồi đầu chủ yếu tái hiện quá trình nhất thống bờ cõi qua từng chặng nội chiến cam go giữa các tập đoàn phe nhóm lớn nhỏ từ Bắc Hà vào tới kinh đô của nhà Tây Sơn. Điểm nhìn trần thuật ở đây chủ yếu là “điểm nhìn giai cấp” – mỗi nhân vật thuộc về một lựa chọn chính trị mang tính đối nghịch chính thống – phi chính thống. Nhưng, với ba hồi gần cuối (13, 14, 15), “điểm nhìn dân tộc” đã xây dựng nhân vật Quang Trung hoàng đế thành một biểu tượng phổ quát, vượt lên mọi ngăn cách giai cấp/phe nhóm. Những cặp hình tượng tương phản, tình huống và nhân vật tương phản trở nên rõ nét hơn, quyết liệt hơn: tương phản giữa quân Thanh – quân đội Tây Sơn – vua tôi Chiêu Thống (hồi 13), quân Thanh – vua tôi Chiêu Thống – quân đội Quang Trung (hồi 14) và vua Quang Trung – bề tôi tòng vong nhà Lê – vua Quang Trung (hồi 15). Tinh thần dân tộc sâu sắc khiến Ngô gia một lần nữa chiến thắng thiên kiến giai cấp, sáng tạo nên bộ tiểu thuyết lịch sử đầu tiên và duy nhất thời trung đại ghi giữ một cách chân thực và sinh động hình tượng hoàng đế Quang Trung - người anh hùng làm rạng danh thêm truyền thống chống ngoại xâm phương Bắc của nước Việt.
Tạm kết
Lịch sử các triều đại kế tiếp làm nên lịch sử dân tộc. Trên hành trình số phận, nhà văn không ngừng quan sát, ghi chép lịch sử và mượn lịch sử để gửi gắm tư tưởng, tâm can. So với câu chuyện hoàn toàn hư cấu, câu chuyện lịch sử và nhân vật lịch sử khi được kết hợp với hư cấu nghệ thuật thường sở hữu sức mạnh ám ảnh riêng biệt, một phần do “độ chênh” giữa sử liệu và hình tượng hư cấu luôn là tiêu điểm hấp dẫn những tranh luận trái chiều. “Độ chênh” đó cũng chính là nơi bộc lộ tư tưởng nhân sinh hay thậm chí là ý thức hệ của người sáng tác. Nghiên cứu sự kết hợp sử liệu và hư cấu nghệ thuật trong thể loại tiểu thuyết lịch sử là hướng tiếp cận liên ngành hứa hẹn kết quả thú vị góp phần đáp ứng những yêu cầu mới của việc dạy học Ngữ văn trong nhà trường hiện nay. Tiếp cận Hoàng Lê nhất thống chí chủ yếu từ góc độ hư cấu nghệ thuật để giải mã những ẩn dụ nhân sinh đằng sau tài năng kể chuyện lịch sử của Ngô gia, chúng tôi hy vọng có thêm những kiến giải đầy đủ hơn về một kiệt tác văn học trung đại.
Tài liệu tham khảo
1.M.Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư chọn, dịch, giới thiệu, Trường Viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1992.
2.Phạm Tú Châu (1997), Hoàng Lê nhất thống chí – văn bản, tác giả và nhân vật, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3.George Dutton (2019), Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, Lê Nguyễn dịch và giới thiệu, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
4.Lê Thành Khôi (2014), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nguyễn Nghị dịch, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính, Nxb Thế giới, Hà Nội.
5.Milan Kundera, Màn, Trần Bạch Lan dịch, Nxb Văn học & Nhã Nam, 2014.
6.Ngô Cao Lãng (1995), Lịch triều tạp kỷ, Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
7.Nguyễn Đăng Na (2000), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 3, Tiểu thuyết chương hồi, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
8.Nguyễn Thanh Nhã (2013), Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nguyễn Nghị dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội.
9.Quốc sử quán triều Lê, Đại Việt sử ký tục biên 1676 – 1789 (2012), Ngô Thế Long – Nguyễn Kim Hưng dịch và khảo chứng, Nguyễn Đổng Chi hiệu đính, Nxb Hồng Bàng & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
10.Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1998), tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
11.Tạ Chí Đại Trường (2013), Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Nxb Tri thức, Hà Nội.
12.Tsubouchi Shoyo, Chân tủy của tiểu thuyết, Trần Hải Yến dịch và giới thiệu, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013.
http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacGDuttonHoangLeNhatThongChi.htm
http://hdu.edu.vn/vi-vn/2/7644/Tu-diem-nhin-su-gia-den-diem-nhin-tac-gia-tieu-thuyet-chuong-hoi-chu-Han-Viet-Nam.html

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020