Văn học Việt Nam trung đại

THẾ TÀI "THẦN QUÁI" TRONG TRUYỆN NÔM VIỆT NAM


11-10-2020

THẾ TÀI "THẦN QUÁI" TRONG
TRUYỆN NÔM VIỆT NAM

TRẦN QUANG HUY

Tôn giáo là động cơ quan trọng cho sự ra đời của tiểu thuyết Trung Quốc, như tiểu thuyết chí quái thời Lục Triều, biến văn thời Đường cho tới bảo quyển thời Minh - Thanh phần nhiều đều thuật lại các truyện về tôn giáo để tuyên truyền giáo nghĩa. Do đó, những tiểu thuyết nhằm mục đích giải trí cũng lấy chuyện tôn giáo và thần quái làm đề tài. Các tác phẩm thuộc truyền kì thời Đường như: Cổ kính kí, truyện Khỉ trắng , truyện Người hổ, truyện Du tiên quật (Đi chơi chốn tiên), truyện Nhậm thị, truyện Viên thị cùng các thoại bản thời Tống như: Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại, Tây Đô tam tháp kí, Lạc Dương tam quái kí, Tây Sơn nhất quật quỷ, Chủng qua Trương lão đều thuộc vào loại này. Ngay trong các tiểu thuyết thông tục thời Minh - Thanh tác phẩm lấy tôn giáo và linh quái làm đề tài, theo ghi chép của Tôn Khải Đệ trong Mục lục tiểu thuyết thông tục Trung Quốc cũng lên đến 54 tác phẩm, có thể thấy đây là bộ phận trọng yếu trong tiểu thuyết thông tục Trung Quốc. Một số tác phẩm tuy cũng có nhiều quan hệ với việc thuyết giáo và khuyến thiện, nhưng dù nhiều hay ít vẫn có tính chất du hí. Do vậy, ngay tác phẩm mang đậm tính tôn giáo như Tây du kí cũng được coi là tác phẩm “ra đời từ sự du hí”. Sở dĩ truyện thần quái được hoan nghênh có 2 lí do cơ bản:

Thứ nhất, do người Trung Quốc phần nhiều đều tin vào tôn giáo. Họ tin rằng Thần Phật, thiên đường và địa ngục là có thực, do vậy họ tiếp nhận truyện thần quái một cách dễ dàng, đúng như điều mà sách Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc đã viết:

Đại khái người đương thời cho rằng chốn âm dương tuy khác nẻo, nhưng người và quỷ đều là có thực. Do vậy, thuật lại các sự lạ và ghi chép việc thường gặp ở chốn nhân gian, tự xem là không phân biệt là hư hay thực vậy(1).

Vả lại, trong các tiểu thuyết này, đạo hạnh của những nhân vật theo chuẩn mực tôn giáo chính là những thần tượng trong lòng họ, nên được đón nhận là lẽ đương nhiên. Mặt khác, tiểu thuyết thần quái có nhiều tính chất li kì, rất thích hợp với những người thưởng thức, nhất là đối với nhu cầu tâm lí của giới bình dân. Các nhà phê bình tiểu thuyết đều cho là chuyện trong tiểu thuyết cần phải có 2 điều kiện mới có thể khơi dậy niềm hứng khởi của người đọc:

- Thứ nhất: tình tiết phải gần gũi với thực tế, khiến cho người đọc có thể tự thể nghiệm bằng chính kinh nghiệm bản thân họ:

- Thứ hai: li kì nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt.

Trong tiểu thuyết thần quái Trung Quốc, các thần linh đều được nhân cách hóa, chốn thiên đường, địa ngục cũng được trần thế hóa, tình tiết trong sách cùng các nhân vật và sự việc mà độc giả thường thấy hàng ngày rất gần gũi, đồng thời nó lại có tính li kì, khác thường nên tự nhiên dễ dàng được quần chúng yêu thích.

Truyện Nôm trực tiếp lấy đề tài từ tiểu thuyết thần quái Trung Quốc chỉ có 3 tác phẩm: Lâm tuyền kì ngộ, Tây du và Phật bà Quan Âm. Điều này chứng tỏ ảnh hưởng của tiểu thuyết thần quái Trung Quốc không rộng bằng loại tài tử giai nhân. Nguyên nhân chủ yếu là: Có thể do yếu tố làm môi giới cho mối quan hệ giữa tiểu thuyết hai nước Trung - Việt không ngoài những người có sự tu dưỡng về Hán học và các nhà sư. Những người có học ở Việt Nam thích sáng tác truyện Nôm đều là các bậc danh sĩ hiển đạt, tuy họ không xem trọng tiểu thuyết song vẫn có thể lấy tiểu thuyết làm thứ tiêu khiển, mà tiểu thuyết tài tử giai nhân là thứ phù hợp nhất đối với họ. Một số người có học vấn đứng trên lập trường Nho gia nên không dốc lòng tin vào Phật giáo, đồng thời đối với các truyện thần quái, họ ắt sẽ là những thứ không kê cứu được. Còn như các nhà sư, ngoài các kinh điển nhà Phật, các sách khác nhất là tiểu thuyết đều bị xem là có hại cho sự tu tâm định trí. Do vậy đương nhiên họ không viết những sách dạng này. Trên thực tế, đại đa số biến văn thời Đường và bảo quyển thời Minh - Thanh do các tăng lữ sáng tác, tuy cũng mang tính chất tiểu thuyết, song mục đích chủ yếu lại không giống tiểu thuyết. Họ thuật lại các chuyện là nhằm tăng cường hiệu quả cho việc thuyết giáo mà thôi. Tiểu thuyết thần quái thông tục tuy khai mở cho sự ra đời của biến văn và bảo quyển song mục đích và bản chất lại hoàn toàn khác nhau. Tác giả của chúng chắc chắn không phải các nhà sư. Trong tình hình đó, tiểu thuyết thần quái Trung Quốc rất ít được truyện Nôm tiếp thu là điều có thể hiểu được.

Những truyện Nôm thần quái không lấy đề tài từ tiểu thuyết Trung Quốc cũng không nhiều. Sáng tác của sĩ đại phu như truyện Bích Câu kì ngộ và Mai đình mộng kí, cả hai đều đề cập đến thần tiên. Truyện thứ nhất thuật lại một kẻ thư sinh si tình, lấy cái chí tình làm cho thần tiên cảm động mà được tiên nữ rồi cùng nhau lên tiên giới. Truyện sau thuật việc tác giả một hôm mơ thấy mình vào cõi tiên và cầu hôn với người tiên nữ. Xét từ các truyện đó, mục đích chủ yếu là diễn thuật tình yêu của tài tử và tiên nữ, chứ không phải là bàn về thần tiên quỷ quái. Nói cách khác, hai truyện này gần gũi với tiểu thuyết tài tử giai nhân mà khác xa tiểu thuyết thần quái. Truyện Nôm thần quái trong truyện Nôm bình dân chỉ có 4 truyện: Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Tống Tử bản hạnh, Địa Tạng bản hạnh và Nam vô tân truyện mà thôi. Tinh thần tôn giáo của giới bình dân Việt Nam cũng sâu đậm như giới bình dân Trung Quốc, nhưng tại sao truyện Nôm thần quái lại không phát triển như tiểu thuyết thần quái Trung Quốc? Nguyên nhân chủ yếu rất có thể là: như trên đã nói, tiểu thuyết thần quái lấy tình tiết li kì để thu hút người đọc. Tiểu thuyết Trung Quốc sử dụng lối tản văn, lại được sự thêm thắt của những người giảng sách các đời nên các tình tiết li kì đều được biểu đạt ra một cách tinh tế và sinh động, đồng thời chúng cũng phù hợp với tâm lí hiếu kỳ của tiểu thị dân nên được đón nhận, do đấy cũng phát triển dễ dàng. Truyện Nôm chọn dùng thể loại văn vần, tinh tế ở sự miêu tả, bày tỏ tâm tình, nhưng bất tiện cho việc thuật sự. Một số truyện Nôm tôn giáo đã dẫn ở trên chẳng qua là thuật lại các sự tích về sự tu hành, cứu khổ của chư Phật, không có tình tiết gì li kì đáng nói. Điều đáng chú ý là trong các truyện cổ tích Việt Nam các truyện thần quái vẫn là bộ phận quan trọng. Điều đó chứng minh thể văn vần của truyện Nôm thực sự không thích hợp cho việc miêu tả các truyện thần quái có tính li kì, phức tạp. Vả lại ở Việt Nam không có đội ngũ giảng sách chuyên nghiệp có quy mô, cuộc sống đô thị ở Việt Nam cũng không sôi động như ở Trung Quốc, những người nông dân thuần phác vẫn là đối tượng chủ yếu của truyện Nôm. Do vậy, truyện Nôm thần quái không có cách gì phát triển như tiểu thuyết thần quái Trung Quốc. Thậm chí ngay các truyện cổ tích thần quái chẳng qua cũng chỉ là những truyện ngắn đơn giản, không được lớn như các tiểu thuyết thần quái Trung Quốc. Điều đó cho thấy rõ rằng, cuộc sống đô thị làm nảy sinh nhu cầu giải trí và các tổ chức giảng sách nhằm thỏa mãn nhu cầu đó là nguyên nhân chủ yếu cho sự phát triển của tiểu thuyết thần quái. Tôn giáo ở hai nước Việt Nam và Trung Quốc không có nhiều khác biệt, tinh thần tôn giáo của dân chúng hai nước cũng sâu đậm như nhau, song do tình trạng kinh tế không giống nhau nên tiểu thuyết thần quái ở hai nước nhiều ít có sự khác nhau.

Các đề tài không được tiếp thu là giảng sử, hiệp nghĩa, đả kích và loại nói sự bỉ ổi.

Trong tiểu thuyết Trung Quốc các tiểu thuyết giảng sử, hiệp nghĩa, đả kích, bỉ ổi cũng rất phát triển. Mặc dù có sức hấp dẫn lớn, lưu hành rộng song dường như chúng không được truyện Nôm tiếp thu. Ngoài một số nguyên nhân cá biệt, đề tài này sở dĩ không được cộng đồng tiếp nhận do hai nguyên nhân: một là do lập trường của người đứng ra làm môi giới, hai là xuất phát từ sự khó khăn do thể tài đem lại.

Như đã sơ bộ ở trên, những người có sự tu dưỡng về Hán học đủ làm môi giới tạo ra mối quan hệ giữa tiểu thuyết Trung Quốc và Việt Nam, không ai khác ngoài những người được học hành và đội ngũ tăng lữ. Tiểu thuyết giảng sử có khi “bẩy phần thực ba phần hư” hoặc “ba phần thực bẩy phần hư” đều được cho là nói không có căn cứ. Từ sự phê bình của các sĩ đại phu Trung Quốc đối với tiểu thuyết giảng sử như: Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, chúng ta dễ dàng nhận thấy họ đã không đứng trên lập trường của những nhà tiểu thuyết mà chỉ căn cứ vào sự thực lịch sử để phê bình tác phẩm. Do vậy, đương nhiên họ không coi trọng tiểu thuyết giảng sử. Giới sĩ đại phu Việt Nam cũng có lập trường và tâm lí tương tự như vậy. Tiểu thuyết thuật chuyện các anh hùng nơi thảo dã, nằm ngoài pháp luật như truyện Thủy hử bị coi là làm ra để dạy thói trộm cắp. Vả lại, sĩ đại phu vốn tiêm nhiễm quan niệm thiên lệch là trọng văn khinh võ nên đối với sự hành hiệp của võ sĩ cũng không xem trọng. Tiểu thuyết châm biếm đả kích đều là các tác phẩm ra đời do những người có quan điểm bất mãn dùng nó để thể hiện sự bất mãn của mình, hay những người yếu đuối, cô thế dùng nó biểu hiện rằng mình không yếu đuối và cô thế. Địa vị xã hội của sĩ đại phu khá cao, lại được giai cấp thống trị đương thời đãi ngộ và xem trọng nên không thể biểu hiện những bất mãn quá lớn với tình hình xã hội và chế độ chính trị. Đồng thời, vì sự an toàn của bản thân và gia tộc, sĩ đại phu mang thái độ “không oán trời, không trách người” nên cũng không dám đắc tội với triều đình hay những nhân vật khác cùng giai cấp với mình. Do vậy, tiểu thuyết châm biếm đả kích không phải là cái họ thích viết ra. Loại tiểu thuyết bỉ ổi là thứ sách vở mà luân lí xã hội không thể khoan thứ. Sĩ đại phu Việt Nam do ảnh hưởng sâu sắc về luân lí nên tự nhiên không chịu tiếp nhận. Những tiểu thuyết này lại càng không thích hợp đối với các nhà sư. Do không có yếu tố môi giới nên chúng đã không được diễn thành truyện Nôm.

Về thể tài, tiểu thuyết Trung Quốc dùng lối tản văn, lại kế thừa truyền thống giảng sách (thuyết thư) nên sở trường của nó là tinh tế trong việc miêu tả các tình tiết của truyện. Thể tản văn đòi hỏi phải miêu tả tinh tế của các tiểu thuyết hiệp nghĩa, giảng sử, châm biếm, bỉ ổi tỏ ra hết sức thích hợp. Truyện Nôm dùng lối văn vần, lấy miêu tả và bày tỏ tâm tình làm chủ yếu. Thể văn vần do bị câu thúc vào vần điệu và số chữ nên rất khó miêu tả tỉ mỉ các tình tiết của cả một đoạn dài. Các loại tiểu thuyết giảng sử, hiệp nghĩa, châm biếm đả kích nếu dùng lối viết ấy nhất định sẽ không thể thành công như tản văn. Trong truyện Nôm có Thiên Nam ngữ lục và Đại Nam quốc sử diễn ca cũng dùng thể lục bát để diễn lại các sự kiện lịch sử Việt Nam. Song chúng chỉ có thể khái quát sự kiện lịch sử, giúp người đọc dễ nhớ, chứ không đựơc đầy đủ và sinh động bằng giảng sử của Trung Quốc. Như đoạn tả trận giao chiến của La Thành với nàng Đậu Tuyến trong Trung quân đối truyện, sự miêu tả của văn vần cũng rất sinh động nhưng không thể miêu tả cuộc chiến một cách tỉ mỉ và lời đối thoại sống động như nguyên tác Tùy - Đường diễn nghĩa. Những người giảng sách tuy thích dùng thơ ca để xen thêm vào, nhưng không thể bỏ bộ phận tản văn cũng chính vì nguyên nhân đó.

Phạm Văn Ánh dịch
(Từ nguyên bản tiếng Trung Quốc: Nghiên cứu so sánh Việt Nam Nôm truyện dữ Trung Quốc tiểu thuyết chi quan hệ. Đài Loan, 1974)

CHÚ THÍCH:

(1) Lỗ Tấn: Lược sử tiểu thuyết Trung Quốc ; tr.47.

Nguồn: Thể tài "thần quái" trong truyện Nôm Việt Nam. - 2004. - Số 4 (65). - Tr.59-62

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020