Văn học Việt Nam trung đại

SUY NGHĨ QUANH CÂU THƠ “NÀY CỦA XUÂN HƯƠNG MỚI QUỆT RỒI”


11-10-2020

SUY NGHĨ QUANH CÂU THƠ “NÀY CỦA XUÂN HƯƠNG MỚI QUỆT RỒI”

NGÔ GIA VÕ

Đây là câu thơ thứ hai trong bài thơ tứ tuyệt Mời trầu của “Bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương. Bài thơ được đánh giá là hay, tiêu biểu cho phong cách của nữ sĩ họ Hồ nên được tuyển chọn trích giảng trong sách giáo khoa (SGK) văn học lớp 10 bậc Phổ thông trung học. SGK không giới thiệu nhiều về bài thơ này mà chỉ trình bày tư tưởng chung của tác giả: thương yêu trân trọng phụ nữ, tình yêu nồng nhiệt cuộc sống, thiên nhiên, thái độ phủ định đối với các thế lực thống trị tinh thần (đạo đức, lễ giáo phong kiến) và thế lực thống trị xã hội. Tác giả SGK còn đưa ra những gợi ý khái quát về nghệ thuật thơ của Hồ Xuân Hương để hướng dẫn học sinh tiếp nhận Mời trầu như: ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng mang phong cách riêng tạo ra cái “duyên dáng Xuân Hương”, trào phúng hóm hỉnh sâu cay, trữ tình đằm thắm chua xót, ngôn ngữ bình dị trong sáng và giàu cá tính...

Từ khi bài thơ Mời trầu được đưa vào chương trình văn học nhà trường đến nay, đã có tới vài chục bài viết, lời bình về nó, nhiều nhất là được in trong các sách giảng văn, hướng dẫn học tốt môn văn... của Nhà xuất bản Giáo dục. Ý kiến về Mời trầu khá phong phú, thậm chí khác hẳn nhau và không hiếm những ý kiến sâu sắc, có thể giúp bạn đọc hiểu kỹ, hiểu đúng bài thơ. Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến còn giải thích bài thơ một cách chung chung, tiêu biểu như ý kiến của nhóm tác giả Vũ Quốc Anh, Trần Trung trong cuốn Dạy và học văn 10 (Nhà xuất bản Giáo dục) sau đây: “Khát vọng ở một tình yêu chân thành và thủy chung son sắt thấm nhuần tinh thần dân chủ trái hẳn với lễ giáo phong kiến hà khắc; nỗi trăn trở chua xót về sự bạc bẽo của nam giới trong quan hệ tình yêu được thể hiện bằng hệ thống ngôn ngữ của đời thường đậm đà phong vị dân tộc, phong vị đồng quê qua hình tượng trữ tình với cảm xúc phong phú, đa dạng và nhất quán về tính cách... Hai câu đầu biểu hiện sự chân thành cởi mở, tự tin. Câu 3: Tâm sự nguyện vọng khao khát mãnh liệt của nhà thơ về một tình yêu chung thủy, sắt son, bình đẳng..." Những lời giải thích trên không ai nghĩ là sai nhưng sao nó cứ xa vời, nói về bài thơ nào cũng có thể thấy là na ná như vậy và không nêu bật được đặc trưng nội dung và hình thức bài Mời trầu, gây khó khăn cho giáo viên khi giảng bài này, nhất là khi phải giảng từng câu, từng chữ một.

Chúng tôi nhận thấy câu thơ Này của Xuân Hương mới quệt rồi còn chưa được thống nhất về cách hiểu, nhiều nhà nghiên cứu còn nhầm lẫn khi hiểu một vài chữ trong đó, cho nên đã dẫn tới sự mù mờ, chung chung trong việc thẩm định giá trị bài thơ. Bài viết này thử xuất phát từ phong cách thơ chung của Hồ Xuân Hương, bám vào các chữ nghĩa trong câu thơ thứ hai, cố gắng giải mã nó càng gần tư tưởng tác giả bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Và do vậy, đây mới chỉ là một cách thăm dò.

Thơ Nôm Hồ Xuân Hương có những nét riêng khó ai bắt chước được. Không giống bà huyện Thanh Quan ở cái giọng đài các mà mang nỗi khắc khoải hoài vọng về một thời vàng son đã qua đi không trở lại, đặt tình yêu vào một triều đại dĩ vãng theo bà là rực rỡ nhưng giờ đây đã tắt lịm qua bao cuộc tang thương. Nỗi buồn thấm, dàn trải mà bệ vệ. Hồ Xuân Hương không giống Nguyễn Khuyến - một nho sĩ tài đến Tam nguyên mà sinh bất phùng thời, đau đời trước cảnh nước mất nhà tan và buổi giao thời thực dân phong kiến nhố nhăng, ông thằng lẫn lộn. Nguyễn Khuyến thể hiện nỗi đau thầm kín bằng cách ẩn mình tìm chỗ nương náu sau cảnh làng quê bình dị thân thương, giữ phận kẻ sĩ không lập công được thì lập đức, lập ngôn, giữ tâm trạng của kẻ an bần lạc đạo. Vì thế, thơ ông man mác, ảo thực đan nhau, cái trong cái đục lúc chìm lúc nổi, trong yêu da diết vẫn mang nỗi buồn thấu lòng, trong mỉa mai lại có hương vị nước mắt, tất cả thể hiện từ đáy sâu tâm hồn mâu thuẫn giữa một tấm lòng thanh cao với cảnh đời ô trọc. Hồ Xuân Hương cũng không giống với Tú Xương, người đã phần nào chịu ảnh hưởng tư tưởng Tây Dương, đã Cống hỉ mét xì đây thuộc cả nên sự bất bình của ông thể hiện tự do phóng khoáng hơn. Ông đã chán ngấy cả chế độ phong kiến đặc biệt là cảnh bất công ở chốn khoa trường, quan trường với lý tưởng trung-hiếu-tiết-nghĩa lẫn quan điểm thẩm mỹ ôn-nhu-đôn-hậu của nó. Phong cách thơ ông thẳng thừng, huỵch toẹt, sâu cay và lòng yêu thương của ông không gắn với một vương triều cụ thể nào cả mà thường bắt nguồn từ một cảnh quan quê hương giàu kỷ niệm: Một con thuyền nhỏ, một bến đò xưa, một trời đêm yên tĩnh với tiếng chuông chùa day dứt...

Còn Hồ Xuân Hương lại khác. Bà là một phụ nữ có văn tài, thông minh sắc sảo (cứ xem bà ra và họa các câu đối khắc rõ) nhưng cuộc sống hạnh phúc riêng tư lại trắc trở hẩm hiu: hai lần làm lẽ, hai lần khóc chồng. Với bà, tình yêu lứa đôi luôn là niềm khát khao cháy bỏng nhưng sao nó cứ chập chờn, không với tới được. Thông minh, nên bà nhìn thấu được cái dốt nát phi lý của người đời và cuộc đời. Được giáo dục bằng kinh sách thánh hiền nơi cửa Khổng sân Trình, lại có tâm hồn đôn hậu nên bà luôn đồng cảm, thông cảm với nỗi bất hạnh của phụ nữ. Thơ bà có nhiều bài “lỡm” như: Mắng học trò dốt, Đề đền Sầm Nghi Đống, Đèo Ba Dội, Cái quạt, Chùa Quán Sứ, Hang Thánh Hóa, Sư hổ mang, Sư bị ong châm, Quan thị../ Nhưng cũng có nhiều bài khóc như: Khóc ông phủ Vĩnh Tường, Khóc Tổng Cóc, Làm lẽ, Tự tình... mà bài nào cũng thực thông minh, hóm hỉnh vừa sâu sắc vừa cận nhân tình. Những phong cách xung đột cứ đan lẫn nhau khiến văn chương bà là một hiện tượng cực kỳ phức tạp và đấy là nguồn gốc khiến ta mù mờ khi phân tích một bài thơ như bài Mời trầu.

Bên cạnh yếu tố phong cách, ngôn ngữ thơ bao giờ cũng mang tính lịch sử về bản chất thể loại và ý nghĩa từ vựng. Bởi vậy, chúng ta phải đặt bài thơ Mời trầu vào đúng vùng văn hóa - lịch sử của nó, nghĩa là vào nửa sau thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX thì mới nhận thức chính xác ý nghĩa và giá trị thi phẩm.

Bài thơ mở đầu bằng câu Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi. Các nhà bình luận thường dựa vào chữ hôi để cho rằng đây là một câu thơ thể hiện tính khiêm nhường của tác giả. Thực ra từ hôi xưa kia bao hàm hai ý nghĩa. ở thế kỷ XVII, trong từ điển Alexandre de Rhodes được giải thích là mùi khó ngửi. Tuy nhiên, ở thuốc hôi lại được giải thích là thuốc có mùi gắt. Đến từ điển của Pigneau de Behaine ở thế kỷ XVIII (cùng thời với Hồ Xuân Hương), từ hôi lại được giải thích là mùi vị, ví dụ miệng còn hôi sữa được dịch là Une bouche qui sent encore le lait. Vậy thì hôi thời Hồ Xuân Hương cũng chỉ có nghĩa là hương vị, mùi vị như người ta thường nói hôi mùi dầu, hôi mùi hoa cúc. Trong thơ Nôm thời trung đại, hầu như không có tác giả nào dùng từ hôi, cho nên không thể hiểu hôi ở đây là hôi hám như người hiện đại được.

Đến câu thơ thứ hai Này của Xuân Hương mới quệt rồi thì rõ ràng đây là một câu nói chanh chua, bốp chát kiểu Hồ Xuân Hương. Từ này có cái gì đó sừng sộ kiểu Này này chị bảo cho mà biết. Cách xưng tên Xuân Hương mà tác giả Nguyễn Lộc cho là hiện tượng mới mẻ của văn học dân tộc thực ra không có ý nghĩa gì độc đáo lắm, bất quá cũng chỉ như Nguyễn Du viết: Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như mà thôi. Nguyễn Du có tên tự thì xưng tự, còn Hồ Xuân Hương không có tên tự thì xưng tên thật. Có lẽ không ai coi câu thơ trên của Nguyễn Du không phải là văn học dân tộc dù nó được viết bằng chữ Hán. Vả chăng trong các bài tự, bạt viết cho các thi tập, văn tập, sử tập trước cũng đã có nhiều người tự xưng tên rồi. Tuy nhiên, phụ nữ tự xưng tên thì đây quả là lần đầu thật, nó thể hiện tính cách một con người có bản lĩnh, ý thức tự ngã cao nhưng đồng thời cũng thể hiện một tính cách ngang ngược, không chịu an phận. Liên hệ cách đặt tên ngôi nhà của bà là Cổ nguyệt đường, chữ ghép với chữ thành chữ và tách tên mình ra trong hai câu thơ Ngán nỗi Xuân đi Xuân lại lại và Chén rượu Hương đưa say lại tỉnh (Tự tình), chúng ta càng thấy rõ bản lĩnh này.

Trong câu thơ, chữ quệt cũng đáng chú ý. Từ quệt được coi là tục nên văn học trước và sau Xuân Hương đều chưa thấy dùng từ này. Thay vào đó, người ta thường dùng từ quết như quết thuốc, quết bột, áo quết bùn (từ điển của Pigneau de Behaine, Huỳnh Tịnh Paulus Của, Génibrel). Quết cũng có nghĩa như quệt nhưng mang phong cách thanh tao hơn.

Đặc biệt, đến từ của trong câu này thì có nhiều ý tứ thú vị, cần làm sáng tỏ xem nó định nói gì. Của hiện nay đã là một hư từ trỏ quan hệ sở hữu, cũng như các hư từ khác phần lớn bắt nguồn từ thực từ. Của lúc đầu cũng là thực từ trỏ của cải, tài sản. Của trỏ quan hệ sở hữu là chuyện sau này. ý thức sở hữu ở Trung Quốc cũng như Việt Nam chậm phát triển do điều kiện kinh tế xã hội nặng về nông nghiệp với chế độ công điền công thổ, người dân cày ruộng nhưng không có quyền sở hữu ruộng đất và đất đai là của nhà vua, của công xã, ý thức sở hữu ít có cơ hội phát triển. Vậy, chữ của trở thành hư từ trỏ quan hệ sở hữu từ lúc nào và thời Hồ Xuân Hương nó chỉ gì? Ta cần làm rõ vấn đề này, trước khi muốn hiểu bài thơ Mời trầu.

Ở thế kỷ XV, trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, chữ của xuất hiện 36 lần với các nét nghĩa sau đây:

Của cải
Của người sơn dã đem nhau đến
 Khó ở kinh thành ít kẻ han.
 - Mình thác thì nên mọi của tan,
 Phú giàu hay đến trăm tuổi.
 - Của thết là của con,
 Khó khăn phải đạo cháo càng ngon.
 - Có của bo bo hằng chực của,
 Oán người nơm nớp những âu người.
 - Có của cho người nên rộng miệng,
 Chẳng tham ở thế kẻo chau mày.
 - Đồ thư bốn vách nhà lắm của,
 Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền.
 - Bất nhân vô số nhà hào phú,
 Của ấy nào ai từng được chầu.
 - Tích đức cho con hơn tích của,
 Đua lành cùng thế mựa đua khôn.
 - Có của hằng cho lại có thông,
 Tiền nhiều con cháu nó trông.
 - Của chẳng phải đạo làm chi nữa,
 Muôn kiếp nào hề lụy đến thân.
 - Của nhiều sinh chẳng được con hiền,
 Ngày tháng công tư chực lỡ tiền.
 - Kim ngân ấy của người cùng muốn.
 - Giàu nhiều của con chẳng có,
 Sống hơn người mệnh khó khăn.

Vật dụng (thơ, rượu)
- Chi là của tiêu ngày tháng,
 Thơ một hai thiên rượu một bình.
 - Chén rượu câu thơ ấy huống nồng,
 Rày mừng thiên hạ hai của.
 - Nào của cởi buồn trong thuở ấy,
 Có thơ đầy túi rượu đầy bình.

Hoa, lá, gió, trăng
- Bạch mai hoàng cúc để cho con,
 Già chơi dẫu có của no dùng.
 - Gió đưa hương đêm nguyệt tĩnh,
 Riêng làm của có ai tranh.
 - Giang sơn bát ngát kìa quê cũ,
 Tùng cúc bồ từ ấy của hằng.

Đồ dùng nói chung
- Mày mò hôm dao lòng mặc khách,
 Kỳ mài ngày tháng của thi nhân.
 - Quân tử thánh hiền lòng tựa nước,
 Công già càng ngẫm của bùi ngon.
 - Quê cũ nhà ta thiếu của nào,
 Rau trong nội cá trong ao.
 - Của đến nước xa nên quý giá,
 Người lìa quê cũ lấy làm xiêu.

Đạo, đạo đức
- Ở thế đằng nào là của trọng,
 Bui chẳng đã đạo làm lành.
 - Ruộng nương là chủ người là khách,
 Đạo đức lành ấy của chầy.
 - Lòng chẳng mắc tham là của báu,
 Người mà hết lụy ấy thần tiên.

Dùng trỏ người
- Gửi tính ngư tiều hai đứa lẩn,
 Của ai non nước khiến ta bàn.
 - Rầy mừng thiên hạ hai của,
 Tể tướng hiền tài chúa thánh minh.

Khảo sát 100 bài trong Hồng Đức quốc âm thi tập ta thấy không có một từ của nào, trong Chỉ Nam ngọc âm - cuốn từ điển Hán Nôm do Pháp Tính biên soạn vào khoảng thế kỷ XVIII dài hàng ngàn câu lục bát cũng chỉ có 3 chữ của và đều là thực từ.

- Phú thuyền của cải ắp đầy,
 Sử phàm buồm cất chạy ngay tếch vời.

 - Kim khẩu của nậu(1) cài nương.

 - Ưu đàm của ghín(2) hoa sung.
 Ai được hoa ấy bụt trồng phúc cho.

Sang tới thế kỷ XVIII, ở bộ bách khoa thư của đời sống xã hội Việt Nam đương thời là Truyện Kiều, từ của xuất hiện đã nhiều nhưng chưa có trường hợp nào có thể chứng minh rằng của đã được hư từ hóa. Theo Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, từ “của” xuất hiện 14 lần trong các câu: 308, 309, 317, 356, 583, 736, 739, 832, 1011, 1377, 2066, 2808, 2817, 2827 và đều mang ý nghĩa là “của cải”, “tiền bạc”, “đồ đạc”, “tài sản”, nghĩa là vẫn còn là thực từ (danh từ) tương tự như tình hình ở Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, ví dụ:

 - Ơn lòng quân tử sá gì của rơi.

 - Vội về thêm lấy của nhà,
 Xuyến vàng đôi chiếc khăn là một vuông.

 - Chiếc thoa là của mấy mươi.

 - Của tin gọi một chút này làm ghi.

 - Mất người còn chút của tin.

 - Đồ tế nhuyễn của riêng tây.
 Rõ ràng của dẫn tay trao.

Và cũng có khi trỏ người, ý khinh thị, coi như thứ đồ chơi:

- Khéo oan gia của phá gia.

Như thế, ta thấy cho đến thời Hồ Xuân Hương, từ của vẫn còn giữ vai trò của một thực từ (danh từ) và đứng sau nó là những từ khác làm định ngữ danh từ. Vậy của Xuân Hương không diễn đạt một mối quan hệ sở hữu như của anh, của tôi, của nó v.v... mà diễn đạt một sự vật. Nếu nghĩ của đây là quả cau hay miếng trầu thì của lại trỏ quan hệ sở hữu mà điều này lại chưa thể xảy ra ở thời đại Hồ Xuân Hương. Của đây phải là một cái gì khác hiểu như cái của ấy, của nợ, của ba vạn chín nghìn nói theo kiểu chanh chua bốp chát mà lại phần nào ỡm ờ, diễu cợt. Điều này có thể thấy rõ hơn khi ta đọc một dị bản Mời trầu và bài thơ họa lại của Chiêu Hổ được chép trong Đào nương hiếu ca ký hiệu A164, bản Nôm của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trang 168.

Mời trầu

Hãy làm lần nữa miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương mới bổ rồi.
Có phải duyên nhau thời thắm mãi,
Đừng như nước ốc bạc như vôi.

Chiêu Hổ họa lại:

Lẳng lơ chi thế chị Xuân ơi,
Của chị ai ai cũng biết rồi.
Thắm mãi đã đành khi nhạt nhẽo,
Cánh hàn đem đến đổ lò vôi.

Bài thơ họa đầy giọng bỡn cợt, trêu chọc và khi so sánh hai câu Này của Xuân Hương mới quệt rồi và Của chị ai ai cũng biết rồi người đọc đều hiểu ngay của chỉ cái gì và không phải bỗng dưng vô cớ người họa thơ lại viết: Lẳng lơ chi thế chị Xuân ơi.

Rõ ràng, nhiều nhà nghiên cứu đã bình luận một cách say sưa bài thơ Mời trầu mà không hề chú ý đến tính lịch sử của một số từ loại trong đó. Điều này đã dẫn tới cách hiểu chung chung, thậm chí sai lệch về bài thơ. Hồ Xuân Hương là thế, ngay cả ở những vấn đề nghiêm túc nhất bà vẫn cười đùa, vẫn đưa tiếng cười vào để xóa đi cái trang nghiêm, bệ vệ để tạo ra không khí thân tình, suồng sã và hết sức cởi mở. Từ của ấy, từ quệt ấy trong câu thơ Này của Xuân Hương mới quệt rồi ấy lấp ló hiện lên một hình ảnh tục - một phương tiện nghệ thuật “đặc dị” làm nên thi pháp Xuân Hương.

Trở lại với câu thơ Này của Xuân Hương mới quệt rồi ta còn nhận thấy nó có một cách ngắt nhịp thật lạ: Này/ của Xuân Hương/ mới quệt rồi tức là ngắt nhịp 1/3/3. Đại từ này chỉ một vật cụ thể, rất gần, rất rõ, khác hẳn với đại từ kia chỉ một vật ở xa. Cái của ấy như được phơi ra, bày ra trước mắt với tất cả những gì rõ ràng nhất, nó đúng là quả cau nho nhỏ, là miếng trầu hôi đang hiện diện sờ sờ trước mắt kia, nó đang mời gọi, giục giã một cách tinh quái và suồng sã. Bài thơ mang ẩn ý tương đồng với bài Trách Chiêu Hổ dưới đây:

“Những bấy lâu nay luống nhắn nhe,
Nhắn nhe toàn những sự gùn ghè;
Gùn ghè nhưng vẫn còn chưa dám,
Chưa dám cho nên phải rụt rè”.

Có lẽ chính vì vậy mà nữ sĩ mới đẩy tính chất mời gọi ấy lên đến đỉnh điểm của sự giao hòa:

“Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi”.

Theo cấu trúc tổng thể của một dòng thơ, theo thủ pháp tiểu đối trong lòng câu thơ cổ, xanh như lá đã chỉ màu sắc thì bạc như vôi tất phải chỉ màu sắc, ở đây là màu trắng chứ không thể hiểu là bạc bẽo, bội bạc được. Từ xưa tới nay, chưa ai dùng xanh như lá để chửi đời cho nên không thể hiểu bạc như vôi là lời chửi như một số tác giả đã viết. Chúng tôi rất nhất trí với công thức mà Giáo sư Đặng Thanh Lê đã đưa ra trong cuốn Hướng dẫn giảng dạy văn 10 cho giáo viên phổ thông là “xanh” + “bạc” = “thắm”. Lá phải tan vào vôi, vôi phải hòa trong lá mới tạo thành sắc thắm tươi và vị nồng say của miếng trầu.

Dù thế nào đi nữa thì cái của ấy, cái nét nghĩa tục, rất trần trụi và rất Xuân Hương ở câu thơ thứ hai vẫn là nội dung đích thực của bài thơ. Điều đó làm chúng tôi cảm thấy gờn gợn khi bài thơ này được đưa vào chương trình văn học lớp 10 (tức là cho đối tượng học sinh 15-16 tuổi). Chúng tôi băn khoăn không biết giảng dạy cho các em bài Mời trầu như thế nào đây? Bỏ qua ý nghĩa trên thì không được, mà giảng đúng, giảng rõ cũng không xong. Mong các nhà nghiên cứu và các nhà làm sách giáo khoa góp thêm ý kiến.

CHÚ THÍCH

(1) Nậu: thứ đồng tiền bằng vàng hoặc bạc, đồng lớn hơn cúc áo đính trên áo trước ngực theo kiểu dây đeo (theo từ điển Việt-Bồ-La của Aléxandre de Rhodes).

(2) Của ghín: của thiêng, của đáng kính.

Nguồn: 

click > sub-sections Suy nghĩ quanh câu thơ "Này của Xuân Hương mới quệt rồi". - 1999. - Số 2 (39). - Tr.58-64
Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020