NÊN CHỌN TÁC PHẨM NÀO LÀ SỚM NHẤT CỦA VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
BÙI DUY TÂN
Văn nghệ số 6-6/2/93 đăng toàn văn, bản phiên âm, dịch nghĩa bài phú Bạch vân chiếu xuân hải (Mây trắng rọi biển xuân) với nhan đề: Tác phẩm văn học Việt Nam sớm nhất đến nay còn truyền. Phan Văn Các vừa giới thiệu tác gia, tác phẩm, vừa phiên âm, phiên dịch khá công phu. Bài viết này muốn giải áo nhan đề trên đây, và nhân thể xin bàn thêm, nên coi tác phẩm nào, xứng đáng là sáng tác sớm nhất của văn học cổ dân tộc.
* - Có nên coi Bạch Vân chiếu xuân hải là tác phẩm văn học sớm nhất ?
Từ khá lâu, cuộc đời và sự nghiệp của Khương Công Phụ và bài Bạch Vân chiếu xuân hải, đã được hầu hết các tập sách cổ sử, cổ văn đề cập tới. Các bộ sử lớn như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục viết về Khương Công Phụ khá kỹ. Loại sách ký, lục, tùy bút… cũng có chỗ ghi chép chẳng hạn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn viết về nhân vật này đến vài chỗ, lệ như: “Khương Công Phụ làm quan nhà Đường, thi đỗ chế khoa, thơ văn không thấy truyền lại, chỉ có bài phú Bạch vân chiếu xuân hải, thấy chép trong Uyên giám thì lời văn cũng đẹp đẽ”. Thời Pháp thuộc, một vài tập văn học sử cũng có đề cập tới Khương và bài phú, Nguyễn Đổng Chi trong mục: Việc du học ngoại quốc, sách Việt Nam cổ văn học sử (Hàn Thuyên xuất bản năm 1942) dịch toàn văn bài phú. Đến thời nay, đáng ghi nhận là bài Một số tác phẩm mới phát hiện có liên quan đến dòng văn học viết bằng chữ Hán của người Việt thời Bắc thuộc của Trần Nghĩa (Tạp chí Văn học số 4-1975), đã giới thiệu nhiều tác phẩm: thơ, phú, thư, luận, chế sách…, trong đó có tác phẩm xuất hiện trước Bạch vân chiếu xuân hải. Chẳng hạn chùm thơ trao đổi giữa hai cao tăng Thích Đạo Cao, Thích Pháp Minh ở Giao Châu và sứ quân Lý Diệu của Bắc triều, giữa thế kỷ thứ V. Bạch vân chiếu xuân hải không là sớm nhất, mà cũng khó có thể xem là tác phẩm đích thực của người Việt, viết về đất nước Việt. Bấy giờ Khương Công Phụ là người Giao Châu, một quận thuộc “Đường quốc” làm quan ở “Đường triều”, và sinh sống trên “Đường địa”. Bài phú không có một chi tiết cụ thể nào về trời biển Giao Châu.
Cũng có thể coi nó như loại tác phẩm ở hải ngoại của người Việt, thời cận hiện đại, viết về cuộc sống con người, đất nước Việt, một quốc gia và một nền văn hóa đích thực.
Người xưa biết bài phú này, nhưng nó không hề có chỗ đứng trong một tuyển tập nào về thơ, phú. Nó cũng chưa được, dẫu chỉ một lần, và chỉ một phần hiện diện, trên các loại thư tịch cổ của ta. Có lẽ, người xưa và người nay đều có cái nhìn như của cố Giáo sư Đặng Thai Mai, rằng ở thời Bắc thuộc “số người Việt giỏi văn chương chữ Hán cũng có thể đếm trên năm đầu ngón tay… văn chương chữ nghĩa của họ cũng không có gì đặc sắc, cho nên đã chết theo họ từ lâu”. (Nghiên cứu Văn học số 7-1961- Mối quan hệ lâu đời và mật thiết giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc). Văn học viết thời trung đại của nước Việt chỉ thực sự hình thành từ thế kỷ thứ X, khi những điều kiện cần thiết cho sự ra đời của dòng văn học này: trí thức, chữ viết, thể loại, nhu cầu xã hội… đã chín muồi. Bạch vân chiếu xuân hải không phải là tác phẩm văn học Việt Nam sớm nhất, vì nhiều lẽ như đã nói trên. Vậy thì, nên lấy tác phẩm nào ? Tốt hơn hết là ta tìm đến tác phẩm xuất hiện đầu tiên khi đã có dòng văn học viết trong bối cảnh của một đất nước tự chủ, độc lập.
*. Hay lấy “Tuyên bố của Ngô Quyền ? Thơ văn Lý Trần - Tập 1 của Viện Văn học (Nxb. KHXH, H. 1977) lấy lời bàn của Ngô Quyền về mưu kế đánh giặc, được sử gia ghi lại, làm tác phẩm sớm nhất với tên đặt: Dự đại phá Hoằng Thao chi kế (Bày kế hoạch đánh tan quân Hoằng Thao). Tuyển tác phẩm văn học 10. T.1, Nxb.GD.1990, bản dùng ở miền Nam, cũng tuyển đoạn ngữ lục này, đặt ở trang đầu của Văn học Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, với đầu đề: Tuyên bố của Ngô Quyền, mặc nhiên coi đây là tác phẩm sớm nhất. Những người tuyển chọn đưa ra hai lý do: một là nó cho ta hiểu thêm tư tưởng, tình cảm, trí tuệ của nhân dân ta, dân tộc ta, hai là nó là câu nói nổi tiếng, thể hiện thái độ bình tĩnh, đầy tự tin của vị tướng lĩnh, xứng đáng là bài văn mở đầu… Thực ra, đoạn ngữ lục trên chữ có được tiêu chí tối thiểu của một tác phẩm văn học viết. Nó chỉ là lời nói, được người làm sử thời sau ghi chép, không phải thành văn do thủ bút của tác giả, không có tính chất văn bản. Tóm lại: Không nên coi Tuyên bố của Ngô Quyền là tác phẩm văn học đầu tiên, vì nó không phải là tác phẩm văn học theo cái nghĩa cần có của từ này dầu là theo quan niệm về phạm vi văn học thời xưa. Và, điều đó không hề ảnh hưởng tí nào đến thái độ trân trọng của chúng ta đối với người anh hùng khai quốc Ngô Quyền.
* Hoặc Nam quốc sơn hà, nhưng tác giả là ai ?
Theo điều tra văn bản rất công phu của Trần Nghĩa (Tạp chí Hán Nôm 1 - 1986 - “Thử xác lập văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà”), hiện có khoảng 24 đến 26 văn bản bài thơ mà thời chúng ta đặt cho nó cái tên Nam quốc sơn hà. Trong đó, không có văn bản nào viết: Lý Thường Kiệt là tác giả đích thực của bài thơ. Bài thơ là của thần, thần Sông Như Nguyệt. Trương Hống và em là Trương Hát. Còn Lý Thường Kiệt là tác giả chỉ là sự đoán theo tương truyền. Trên lĩnh vực sử học, GS. Hà Văn Tấn từng khẳng định: “không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ Nam quốc sơn hà Nam đế cư là của Lý Thường Kiệt” (Lịch sử, sự thật và sử học. Tổ Quốc 401- 1.88). Về xuất xứ, Trương tôn thần sự tích nói thần đọc thơ hai lần, lần một giúp Lê Hoàn, lần hai giúp Lý Thường Kiệt. Nhiều văn bản khác thì ghi thần đọc hai lần khác nhau. Lần một: thần đọc âm phù Lê Hoàn đánh Tống năm 981. Truyện hải vệ thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt ở sách Lĩnh Nam chích quái: “…Canh ba đêm ba mươi tháng mười , trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng. Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư.
Như hà Bắc lỗ lai xâm lược,
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.
(Núi sông nước Nam vua nước Nam ngự trị,
Điều ấy được Trời định rõ ở sách trời .
Tại sao giặc Bắc còn sang xâm lược,
Sẽ bị lưỡi gươm sắc chém tan như chẻ tre.)
Quân Tống nghe thấy, xéo đạp vào nhau mà chạy tan, lầm giết lẫn nhau, ai lo chạy thoát thân người ấy, bị bắt không biết bao nhiêu mà kể. Quân Tống đại bại mà về. Đại Hành trở về ăn mừng, phong thưởng quân thần, truy phong cho hai vị thần nhân, phụng thờ, hưởng huyết thực đời đời”.(1)
Lần hai: bài thơ cũng do Trương Hống, Trương Hát đọc, nhưng lại âm phù cho Lý Thường Kiệt đánh Tống năm 1076. Xin trích một đoạn trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Bính Thìn (1076), nhà Tống đem quân sang xâm lấn nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh. Đến sông Như Nguyệt đánh tan địch… (Người đời truyền rằng Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng ngâm to rằng:
Nam quốc sơn Hà nam đế cư,
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Sông núi nước Nam hoàng đế nước Nam ở,
Ranh giới đã phân định rạch ròi ở sách trời.
Sao quân giặc kia dám đến xâm phạm,
Bọn bay cứ thử xem, sẽ chuốc lấy bại vong.)
Sau đó quả nhiên như thế(2).
Từ lâu, nhiều học giả, vì những lý lẽ khác nhau, vẫn coi Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ. Bây giờ nên để khuyết danh. Hơn nữa, bài thơ này nằm trong một huyền thoại. Nó do trí thức viết ra, lưu truyền được sửa chữa, hoàn thiện nhưng vẫn còn hàng chục dị bản. Thời này cũng còn một số những tác phẩm có tính chất như thế. Bài thơ xưa Lý Phục Man (Việt điện u linh) bài thơ trong Ngọc phả đền Đào Xá(3) hoặc rất nhiều thơ sấm truyền khẩu v.v.. Những tác phẩm này thường có tính chất huyền thoại (mythique) và tính dân gian (follonque). Chúng chưa hẳn là tác phẩm văn học viết theo nghĩa hoàn chỉnh của nó. Cho nên tốt nhất là nên lấy Quốc tộ của Đỗ Pháp Thuận làm tác phẩm sớm nhất. Quốc Tộ (Vận nước) viết khoảng năm 981-982. Đây là sáng tác đích thực của Đỗ Pháp Thuận (915-990), nhằm trả lời Lê Hoàn hỏi về vận nước:
Quốc Tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đạo binh.
Dịch thơ:
Vận nước như mây quấn,
Trời Nam liệu thái bình.
Đức độ trên điện gác,
Khắp chốn hết đao binh.
Đi tìm tác phẩm ban đầu, mà phải dài dòng thế này ! Âu cũng là hy vọng tránh được chủ quan, khiên cưỡng.
CHÚ THÍCH
(1) Lĩnh Nam chích quái: Bd. Nxb. Văn hóa, H. 1960.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư: Bd. Tập I. Nxb. KHXH, H. 1993.
(3) Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự sự, Nxb. KHXH, H. 1971./.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 2/1993, tr.45-49