Văn học Việt Nam trung đại

LẠI BÀN VỀ HỘI TAO ĐÀN THỜI LÊ THÁNH TÔNG


11-10-2020

LẠI BÀN VỀ HỘI TAO ĐÀN THỜI
LÊ THÁNH TÔNG

MAI XUÂN HẢI
BÙI DUY DÂN

Bất kỳ ai đọc hay nghiên cứu lịch sử phong kiến Việt Nam thời kỳ cổ trung đại, thì tuyệt đại đa số đều dễ dàng thống nhất đánh giá cao những thành tựu xây dựng đất nước vào thời kỳ mà vua Lê Thánh Tông trị vì trong suốt 38 năm (Quang Thuận : 1460 - 1469, Hồng Đức (1470 - 1497). Nhà sử học Phan Huy Lê nhận xét : "Trên cương vị hoàng đế của nước Đại Việt, ông đã để lại một sự nghiệp phục hưng đất nước rạng rỡ, trên từng phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội... Những thành tựu triều vua Lê Thánh Tông đạt được đã được sử sách ghi nhận mà không mấy ai có thể phủ nhận"(1). Ông còn nhấn mạnh thêm : "Nhưng thật là thiếu công bằng và khách quan nếu chúng ta phủ nhận hay hạ thấp vai trò và cống hiến lịch sử của ông gắn với một thời kỳ thịnh đạt và phục hưng của đất nước"(2).

Thực vậy, chúng ta còn có thể kể ra đây rất nhiều thành tựu xây dựng đất nước vẫn còn lưu lại dấu ấn trong chúng ta với niềm tự hào chính đáng như : Hồng Đức luật lệ, Hồng Đức quan chế, Hồng Đức bản đồ, Hồng Đức đê điều, Hồng Đức Tao đàn, cùng những tác phẩm đồ sộ như : Thiên Nam dư hạ, 100 quyển, do nhóm các ông Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận soạn, Đại Việt sử ký toàn thư 15 quyển, do Ngô Sĩ Liên soạn theo lệnh của nhà vua. Nhưng trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn thêm những vấn đề xung quanh Hội Tao đàn thời Lê Thánh Tông mà thôi. Bởi chúng tôi nhận thấy đây là một hiện tượng văn học xướng họa giữa vua tôi với nhau có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam, và đang còn có những ý kiến chưa thống nhất về một số vấn đề : như thế nào là khái niệm "Hội Tao đàn", cái tên hội đó và "Nhị thập bát tú" xuất hiện từ bao giờ ? Thời gian hoạt động của hội kéo dài bao lâu? Tác phẩm để lại của Hội đó là gì ? Có thơ Nôm không, hay chỉ thơ Hán, thơ Hán thì chỉ là một Quỳnh uyển cửu ca không thôi hay là cả một số tác phẩm khác nữa ? đặc biệt là số hội viên của hội này đích thực là bao nhiêu, 27, 28, hay 31, 33 người ? v.v. Sau đây là ý kiến của chúng tôi về từng vấn đề vừa nêu.

1. Về vấn đề xung quanh khái niệm "Hội Tao đàn" và "Nhị thập bát tú"

Ở đây, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Tiến sĩ Sử học người Mĩ là John K. Whitmore rằng : "Các bộ biên niên sử không nhắc gì "Nhị thập bát tú " hay "Hội Tao đàn". Những cái tên này cũng không thấy xuất hiện trong những ghi chép về triều đại Lê Thánh Tông ngay sau cái chết của ông. Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú, những học giả Việt Nam ở thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, tuy hết sức trân trọng nhưng cũng không nhắc gì đến Hội Tao đàn. Tuy nhiên cả hai đều nói đến 28 nhà thơ"(3). Nhưng cũng xin lưu ý rằng, ngay trong bài tựa của tập thơ Quỳnh uyển cửu ca của chính Lê Thánh Tông viết, chúng ta đã thấy có cụm từ "Nhị thập bát tú" rồi. Lê Thánh Tông nói : "Lại tập hợp bọn học sĩ Thân, Đỗ, Ngô, Lưu, bọn văn thần Nguyễn, Dương, Chu, Phạm, gồm 28 người, ứng với 28 ngôi sao thuộc Nhị thập bát tú thay nhau cùng họa, có tới vài trăm bài, bài nào cũng lựa chữ công phu, dùng từ chắc chắn. Thơ làm xong dâng lên, lòng ta vui thích"(4). Bài bạt của Đào Cử cũng nói giống như vậy, và ông còn nói thêm đó là lấy tượng 4 lần 7 (28) ngôi sao trên trời, và 4 lần 7 (28) công thần được vẽ ảnh biểu dương công lao ở Vân Đài, đời Hán Quang Vũ. Từ "Tao đàn" thì xuất hiện muộn hơn. Chắc hẳn từ này xuất hiện trong các sách Đăng khoa lục, trong bi văn, hoặc trong sách của những tác giả đời sau khi đến tên một vị nào đã được Lê Thánh Tông chọn vào số 28 người họa thơ Quỳnh uyển cửu ca thì thêm chữ "Tao đàn" vào cho rõ ra. "Tao đàn" chỉ có nghĩa là chỉ những người trong giới nhà thơ, nhà văn. Nói "Nhị thập bát tú" sợ chưa rõ, người ta thêm "Tao đàn" vào thành "Tao đàn Nhị thập bát tú" để chỉ nhà thơ nào đó đã được vua Lê Thánh Tông chọn vào số 28 nhà thơ họa thơ Quỳnh uyển cửu ca mà thôi. Cũng vậy, các cụm từ "Tao đàn nguyên suý", "Tao đàn sái phu", "nhập Tao đàn", "danh tại Tao đàn Nhị thập bát tú" v.v. thì thấy nhiều.

Còn từ "hội" hay "Hội Tao đàn"thì còn xuất hiện muộn hơn nữa. Dường như trong các văn bản Hán Nôm không thấy có cụm từ " Tao đàn hội" (tức hội Tao đàn), và có lẽ cụm từ này chỉ xuất hiện trong các văn bản chữ Quốc ngữ từ trước Cách mạng tháng 8 mà thôi. Có thể cụ Dương Quảng Hàm trong bộ sách Việt Nam văn học sử yếu xuất bản lần đầu năm 1943, là người đầu tiên trong giáo trình giảng dạy dùng từ "Hội Tao đàn" chăng ? Cụ có hẳn một chương, "chương thứ mười : Vua Lê Thánh Tông và Hội Tao đàn". Cụ viết : "Hội Tao đàn. Vua Lê Thánh Tông có tài làm thơ văn và thích ngâm vịnh, nên ngài có lập ra Hội Tao đàn (tao: tao nhã, văn chương; đàn : nền) chọn 28 người văn thần sung vào gọi là Nhị thập bát tú. Ngài làm Tao đàn nguyên suý, và cử Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận làm phó nguyên suý. Ngài cùng với nhân viên hội bàn bạc sách vở và xướng họa thơ văn". (Sđd, tr.103). Chính là mở đầu từ cụ, rồi sau này các nhà nghiên cứu như Bùi Văn nguyên, Bùi Duy Tân, Trần Văn Giáp, Lâm Giang v.v. thấy hợp lý và nhấn mạnh thêm trong các bộ giáo trình văn học Việt Nam, trong các sách dịch thuật nghiên cứu, từ điển (như Hồng Đức quốc âm thi tập, Từ điển văn học, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Hội Tao đàn, tác giả tác phẩm v.v.) đã dùng khái niệm đó một cách phổ biến. Cần nói thêm, ở thời kỳ trước Cách mạng tháng 8, chỉ có cụ Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược, thì viết một cách cẩn trọng hơn, cụ không nhắc gì tới cái gọi là "Hội Tao đàn" cả. Cụ viết: "Ngài lại hay ngâm thi, đặt ra Quỳnh uyển cửu ca, xưng làm Tao đàn nguyên suý, cùng với kẻ triều thần là bọn ông Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận ... cả thảy 28 người xướng họa với nhau. Non xanh nước biếc chỗ nào cũng có thơ của ngài" (Sđd, tr.247). Tuy cụ Dương và cụ Trần viết mạnh dạn và thận trọng khác nhau, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng cả hai cụ đều đúng cả. Chữ "hội" ở đây chỉ là do người sau dùng để định danh một nhóm 28 nhà thơ được Lê Thánh Tông chọn lựa cho họa lại 9 bài thơ trong Quỳnh uyển cửu ca của mình vậy.

2. Về vấn đề tác phẩm, thời gian họat động và phương thức họat động của hội Tao đàn

Như chúng tôi đã nêu ở phần một, nội dung họat động chính của Hội Tao đàn là 28 nhà thơ họp thành "Nhị thập bát tú" để họa lại 9 bài thơ trong Quỳnh uyển cửu ca của vua Lê Thánh Tông. Vì vậy tác phẩm duy nhất của hội này chỉ là Quỳnh uyển cửu ca mà thôi, ngoài ra không còn tác phẩm nào khác. Nhận định này, cụ Trần Trọng Kim đã lần đầu tiên nêu ra trong Việt Nam sử lược, và sau này được GS. Bùi Duy Tân nhấn mạnh, nói đầy đủ hơn trong Từ điển văn học. Ông viết : "Tác phẩm của Hội còn để lại chủ yếu là tập Quỳnh uyển cửu ca (A.1413) gồm khoảng vài trăm bài. Các tập thơ Cổ tâm bách vịnh, Xuân vân thi tập, Cổ kim cung từ thi, được viết những năm 1495 - 1496 là tác phẩm của Lê Thánh Tông chứ không thấy nói là của Hội Tao đàn... Còn Thiên Nam dư hạ tập và Hồng Đức quốc âm thi tập không phải là tác phẩm của Hội Tao đàn, vì Thiên Nam dư hạ tập được biên soạn từ năm 1483, Hồng Đức quốc âm thi tập lại là tập thơ Nôm của văn thần trong suốt 28 năm niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) đúng như tên của nó, hoặc có thể viết ra trong suốt thời kỳ Lê Thánh Tông"(5). ở đây chúng ta cần nhấn mạnh rằng Quỳnh uyển cửu ca là tác phẩm duy nhất của Hội Tao đàn chứ không phải là "chủ yếu". Cũng không thấy GS. Bùi Duy Tân nêu tên tác phẩm thứ yếu nào của Hội Tao đàn cả. Còn Lâm Giang trong phần giới thiệu về Hội Tao đàn(6) ở mục 6 "Những tác phẩm của Hội Tao đàn" ngoài việc cho rằng Quỳnh uyển cửu ca là tác phẩm chung duy nhất cho cả Hội Tao đàn", anh còn nêu thêm "chùm thơ ba bài" trong Minh lương cẩm tú, 6 bài trong Văn minh cổ xuý và 5 bài trong Châu cơ thắng thưởng là các tập thơ ra đời trước khi nhà vua làm sách Quỳnh uyển cửu ca, và chọn 28 văn thần phụng họa. Vậy chúng không phải là tác phẩm của Hội Tao đàn. Giá mà anh không đưa chúng vào mục này, và để vào phần những sáng tác riêng khác của những Hội viên Tao đàn thì đúng hơn.Còn như GS. Bùi Văn Nguyên, khi bàn về tác phẩm của Hội Tao đàn, ông nói : "Hội viên Hội Tao đàn thường làm thơ chữ Hán hoặc thơ Nôm để xướng họa với nhau, hay nói cho đúng hơn là họa lại những bài xướng của Lê Thánh Tông... Hầu hết thơ Nôm Hội Tao đàn còn ghi chép lại trong Hồng Đức quốc âm thi tập mà lần đầu tiên chúng tôi phiên ra quốc ngữ trọn bộ"(7). Theo chúng tôi như vậy là ông đã nhầm lẫn giữa tác phẩm Quỳnh uyển cửu ca mang tính xướng họa của Hội Tao đàn được tập hợp vào năm Quí Sửu, Giáp Dần, niên hiệu Hồng Đức 23, 25 (1493, 1494) với các tác phẩm cũng mang tính xướng họa khác, kể cả Hán lẫn Nôm, kéo dài suốt thời kỳ Lê Thánh Tông.

Về thời gian hoạt động của Hội Tao Đàn, thì các nhà nghiên cứu có ý kiến tương đối thống nhất, GS. Bùi Duy Tân nói: "Khi Lê Thánh Tông mất (1497) không thấy nói đến họat động của Hội Tao đàn nữa"(8); Lâm Giang cũng nói gần như vậy, anh cho rằng : "thực chất hội chỉ tồn tại được hai năm (từ cuối năm 1494 đến năm 1497)"(9). Chúng tôi cho rằng thời gian họat động của hội còn ngắn hơn nữa, thực tế có thể bắt đầu vào năm Quý Sửu (1493) là năm được mùa, nhà vua cảm hứng làm 9 bài thơ Quỳnh uyển cửu ca, rồi sai 28 văn thần phụng họa. Đến tháng 11 mùa đông năm Giáp Dần niên hiệu Hồng Đức thứ 25 (1494) là thời điểm nhà vua làm bài tựa cho sách Ngự chế Quỳnh uyển cửu ca, có nghĩa là lúc ấy công việc xướng họa của cả tập thơ đã hoàn thành, và năm sau năm Ất Mão (1495) sách in xong và được công bố đúng như Toàn thư đã chép.

Về công việc xướng họa tập thơ này, chúng tôi mường tượng như sau: sau khi hai năm Sửu, Dần được mùa, nhân dân no đủ "trong lúc muôn việc rảnh rang, mắt xem rừng sách, lòng dạo vườn văn, muôn náo lặng êm, lòng đức thơm ngát", thế là cảm hứng sáng tác dâng lên cuồn cuộn, không thể đừng được, nhà vua với bút lực dồi dào, đã sáng tác liền một mạch 9 bài thơ cận luật, về 9 đề tài từ "phong niên" "quân đạo", "thần tiết", "minh lương", "anh hiền", "kỳ khí", "thảo tự", "văn nhân" đến "mai hoa", nét chữ rực rỡ trên giấy vàng. Nhà vua càng phấn khởi lại nảy ra ý định chọn 28 vị văn thần họa lại để phát huy thêm ý định tốt đẹp này của mình. Rồi một tối đẹp trời, gió mát trăng thanh, nhà vua cho hội họp 28 vị văn thần lại, đọc cho mọi người nghe, sai mỗi người họa lại từng bài. Đặc tính của thơ họa là thơ "khẩu chiếm" ngẫu hứng, xuất khẩu thành chương. Hơn nữa, số 28 vị văn thần ấy lại toàn là những nhà thơ tài hoa, nên trong các bữa tiệc, chắc chắn là họ làm thơ họa rất nhanh, rồi được tập hợp lại thành tập thơ. Chính trong một bài thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông, bài Khách trung tiểu ẩm (uống rượu với khách) đã miêu tả quang cảnh xướng họa đó:

"Dung nhan khách mới ngồi bàn,
Mà kìa hình dáng mơ màng nửa say.
Câu thơ tựa ráng chiều bay,
Thung dung cười nói sánh tày cổ nhân.
Kẻ xướng đọc, người họa ngâm,
Dọng ngâm xen lẫn tiếng bình xôn xao.
Bề tôi từ tạ cúi chào,
Trời khuya, vầng nguyệt treo cao giữa trời."(10)

Nếu đúng như vậy thì Hội Tao đàn chủ yếu họat động xướng họa Quỳnh uyển cửu ca là vào 2 năm kể từ Quý Sửu là năm bắt đầu được mùa, và kết thúc ngay sau khi 28 vị văn thần xướng họa xong, thơ được dâng lên cho nhà vua xem, nhà vua tự làm bài tựa rồi sai Đào Cử làm thêm bài bạt "hậu tự" nữa, sau đó nhà vua sai mang đi khắc ván in vào năm Giáp Dần, niên hiệu Hồng Đức 25 (1494). Đến lúc này thì vai trò và họat động của Hội Tao đàn trên thực tế cũng kết thúc luôn. Đến năm Ất Mão, sách Quỳnh uyển cửu ca in xong và công bố, nên Toàn thư mới chép là "làm sách Ngự chế Quỳnh uyển cửu ca vào năm ất Mão (1495).

Đấy, Hội Tao đàn thời Lê Thánh Tông, theo chúng tôi chỉ đơn giản là như vậy. Họ hoàn toàn không phải là một hội như Hội nhà văn ngày nay, một hội nghề nghiệp có tới hàng trăm người, chia thành nhiều hội đồng chuyên môn, định kỳ có đại hội bầu ra ban chấp hành để lãnh đạo, v.v. Nhưng dù sao, nếu nói về lịch sử Hội nhà văn ở Việt Nam, thì chắc chắn người ta cũng phải tính từ "Tao đàn Nhị thập bát tú" dưới triều Lê Thánh Tông này. Bởi lẽ, dù đơn giản, nhưng nó vẫn là biểu tượng, là tượng trưng cho một Hội Tao đàn, một thi xã, tiền thân của một Hội nhà văn ngày nay.

3.Về vấn đề hội viên Hội Tao đàn

Thoạt nhìn, cứ nghĩ vấn đề này chẳng có gì phức tạp. Vì trong bài tựa Quỳnh uyển cửu ca của Lê Thánh Tông và bài bạt của Đào Cử đều đã nói rõ ràng rằng là "nhà vua đã chọn ra 28 văn thần ứng với 28 ngôi sao" trong "Nhị thập bát tú" để họa thơ rồi. Vậy có gì mà phải bàn số lượng hội viên Tao đàn nữa. Nhưng rắc rối là từ khi trong chính sử chỉ chép đúng có 27 vị văn thần từ Thân Nhân Trung đến Phạm Đạo Phú (11) và ở một số sách khác nữa như Thoái thực ký văn, Kiến văn tiểu lục ... đưa thêm một vài người nữa thì cách nhìn về số lượng hội viên Hội Tao đàn ở một số nhà nghiên cứu đã có cách nhìn khác nhau.

a- Giáo sư Bùi Văn Nguyên trong Hồng Đức quốc âm thi tập, 1962, ở bài giới thiệu về số hội viên Tao đàn, ông cho rằng Hội gồm 28 người kể cả Tao đàn nguyên suý Lê Thánh Tông (chúng tôi nhấn mạnh), và căn cứ theo Thoái thực ký văn đưa ra hai người nữa là Lương Thế Vinh và Thái Thuận, tổng cộng là 30 người.

b- Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm cũng căn cứ vào Toàn thư và Cương mục đã nêu ra 28 vị hội viên Hội Tao đàn từ Thân nhân Trung tới Chu Huyên (tức Chu Huân), trong đó không kể vị Tao đàn nguyên suý Lê Thánh Tông (12). Nhưng liền sau đó ông cho biết thêm : "Những sách khác còn nhiều chỗ chép thêm các vị sau này, có lẽ các vị này được bổ sung các vị quá cố hay là phụ thêm : Lương Thế Vinh, Phạm Phúc Chiêu, Lê Tuấn Ngạn, Nguyễn Trực " (13).

Như vậy Hội Tao đàn tổng cộng gồm 32 người.

c- Giáo sư Bùi Duy Tân, trong Từ điển văn học(14), cũng nói tương tự rằng : 28 hội viên Tao đàn theo chính sử là từ Thân Nhân Trung tới Chu Huân. Ông còn nói thêm: "Có sách chép thêm: Nguyễn Trực, Lương Thế Vinh, Lê Tuấn Ngạn, Ngô Sĩ Liên, Phạm Phúc Chiêu, Thái Thuận".Ông giải thích về hiện tượng này như sau : "Tổng số người tham gia Tao đàn lên tới trên ba chục, như vậy có lẽ là do người cử vì lý do gì đó không tham gia nữa, phải thay người mới, hoặc là do người sao chép thêm vào, như trường hợp Nguyễn Trực (1417 - 1473) đã mất trước khi Hội Tao đàn ra đời hơn hai chục năm". ý này cũng coi là giống với ý của cụ Trần Văn Giáp.

d- Nhà nghiên cứu Hán Nôm Lâm Giang trong bài giới thiệu về Hội Tao đàn trong cuốn Hội Tao đàn - tác giả, tác phẩm, ở tr.16 khẳng định rằng : "Cuối năm Giáp Dần niên hiệu Hồng Đức 25 (1494) Hội Tao đàn chính thức thành lập, đứng đầu là Lê Thánh Tông, cùng với 28 hội viên chính thức, thêm hai người là "Sái phu". Cả thảy là 31 người ".

Ngoài ra (dẫn theo Lâm Giang), "sách Lịch sử văn học Việt Nam (TK X - XVIII) còn nêu lên một danh sách 33 hội viên. Trong đó có 27 hội viên giống như Toàn thư và còn nêu thêm : 1. Trần Sùng Dĩnh ; 2. Nguyễn Hoãn, 3. Lê Trực, 4. Lê Tuấn Ngạn, 5. Ngô Sĩ Liên, 6. Phạm Phúc Chiêu"(15).

e- Tiến sĩ sử học Mỹ John K. Whitmore trong bài Hội Tao đàn - thơ ca, vũ trụ và thể chế nhà nước thời Hồng Đức (1470 - 1497) thì viết rằng : "Điều không rõ ràng là con số 28 có bao gồm nhà vua hay không. Những nguồn tài liệu sau này cho là không và đưa thêm một cái tên nữa vào danh sách" (tr.12). Vậy thực tế số hội viên Tao đàn là bao nhiêu và gồm những ai ?

Bây giờ chúng tôi xin trình bày quan điểm của mình.

a- Một là: trong số 28 hội viên Tao đàn thì dứt khoát không được kể Lê Thánh Tông vào trong đó. Vì sao ? Trước hết như trên chúng tôi đã nêu dẫn chứng trong bài tựa của Lê Thánh Tông và bài bạt của Đào Cử, trong đó đều nói rõ ràng là "tập hợp 28 người ứng với 28 ngôi sao". Vậy 28 người đó là không thể kể bản thân mình (tức Lê Thánh Tông ) vào được. Hai là, theo quan điểm thiên văn xưa, các vì sao trên bầu trời đều châu tuần về ngôi sao Tử vi đế tọa, tượng trưng cho nhà vua. Sách Luận ngữ, thiên Vi chính cũng nói rõ : "Làm chính trị bằng đạo đức thì như sao Bắc thần đứng yên ở một chỗ, còn các ngôi sao khác thì chầu về" (Vi chính dĩ đức thí như Bắc thần cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi). Nhất là đối với Lê Thánh Tông, một ông vua đề cao Nho giáo, phân biệt danh phận vua tôi rõ ràng thì không thể đặt ngôi vị đế tinh của mình ngang bằng với 28 ngôi sao của Nhị thập bát tú được. Hơn nữa, ông đã xướng ra 9 bài thơ rồi và sai 28 vị văn thần họa lại, chẳng lẽ bản thân mình lại họa nữa ?

b - Hai là: vậy theo chúng tôi, về lý thuyết cũng như trên thực tế, số lượng hội viên Tao đàn chính thức thời vua Lê Thánh Tông chỉ là con số 28 hội viên, hoàn toàn phù hợp và đúng với con số 28 ngôi sao của Nhị thập bát tú trên bầu trời, hoặc phù hợp với 28 vị công thần đời vua Hán Quang Vũ được treo ảnh biểu dương công lao ở gác Vân Đài mà thôi, không thêm không bớt. Nếu kể cả vị Tao đàn nguyên suý, ngôi sao đế tinh Lê Thánh Tông nữa thì gồm 29 người. Nhưng nếu như thế thì tại sao một số văn bản Hán Nôm lại bổ sung thêm nhiều như vậy. Đó là do, trước hết vì một lý do nào đó, Toàn thư khắc thiếu tên Chu Huân, nên Cương mục sau này cũng theo Toàn thư mà thiếu theo, chỉ có 27 người. Hai là trong suốt thời kỳ vua Lê Thánh Tông trị vì, phong khí vua tôi xướng họa rất thịnh, rất phổ biến, kéo dài suốt cả một thời kỳ 38 năm, do vậy nếu không tinh tế thì rất dễ lầm lẫn giữa tác phẩm và nhân sự của cái "Tao đàn lớn" của cả một thời kỳ dài với rất nhiều tác phẩm xướng họa như : Anh hoa hiếu trị, Châu cơ thắng thưởng, Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ xuý v.v. cùng với rất nhiều nhà thơ tài hoa nổi tiếng khác.

c - Ba là: một số văn bản Hán Nôm khác vì một lý do riêng chủ quan nào đó, như : địa phương, dòng họ, yêu mến, cảm tình... đã cho thêm ai đó mấy chữ "Tao đàn" hay "nhập Tao đàn" vào cũng chẳng hại gì, mà còn vẻ vang hơn thêm kia, vì cả thời đó thơ phú phần nhiều là xướng họa cả, cho nên nếu căn cứ vào "bàng chứng" là các văn bản Hán Nôm khác nhau, rồi lấy đó để đưa thêm vào danh sách hội viên Tao đàn thì chúng ta sẽ có nguy cơ là còn có thể nhiều hơn nữa, chứ chưa chắc đã chỉ dừng lại ở con số 33 người như hiện nay. Nói ví von để đóng lại thì theo chúng tôi, cái gọi là "Hội Tao đàn nhỏ" Quỳnh uyển cửu ca này chỉ là một cái "trích ngang" của một "Hội Tao đàn lớn" là một phong trào xướng họa rầm rộ sôi nổi của vua tôi Lê Thánh Tông thời đó mà thôi.

Để khẳng định lại kết luận của mình là số hội viên Tao đàn chỉ là 28 người, không kể Lê Thánh Tông là phù hợp với thực tế, chúng tôi không đi tìm căn cứ ở "bàng chứng" nữa, mà đi theo một hướng khác, đó là tìm trong "nội chứng". Nghĩa là thống kê tất cả các dị bản Quỳnh uyển cửu ca hiện có trong kho sách Hán Nôm xem số người họa Quỳnh uyển cửu ca là bao nhiêu, thì thấy một kết quả bất ngờ là tuy ở các dị bản khác nhau, cụ thể là 5 dị bản: Cúc đường bách vịnh (A.1168), Thiên Nam dư hạ (A.334/7), Minh lương cẩm tú (ba bản A.1413, VHv.826, VHv.94). thì thấy số thơ họa của từng người cụ thể có thể thiếu bài này bài nọ, nhưng về số người thì đúng 28 vị. Vậy thì những người nào không thấy có thơ họa Quỳnh uyển cửu ca thì chúng tôi dứt khoát coi người đó không phải là hội viên Hội Tao đàn, mặc dù người đó có thể có thơ họa ở những tập thơ khác, và mặc dù những văn bản Hán Nôm khác cho người đó là "sái phu" hay gì đi nữa. Bởi ta đã rõ một điều là nhà vua chọn 28 văn thần ứng với 28 vì sao trong Nhị thập bát tú vào Hội Tao đàn là để "thay nhau phụng họa" (Canh tương thuộc họa) như chính trong bài tựa của nhà vua đã nói, chứ không phải là vào để "quét dọn" hay làm một việc gì khác ngoài việc họa thơ.

Như vậy sau khi xem xét kỹ số dị bản Quỳnh uyển cửu ca hiện còn trong kho sách Hán Nômvừa kể trên, theo chúng tôi tổng số hội viên Hội Tao đàn, không kể vị Tao đàn nguyên súy Lê Thánh Tông là đúng 28 vị sau đây :

1. Thân Nhân Trung [đỗ khoa thi Quang Thận 10 (1469)]

2. Đỗ Nhuận [đỗ khoa thi Quang Thuận 7 (1466)]

3. Ngô Luân [đỗ khoa thi Hồng Đức 6 (1475)]

4. Ngô Hoán [đỗ khoa thi Hồng Đức 21 (1490)]

5. Nguyễn Trọng ý (16) [đỗ khoa thi Quang Thuận 10 (1469)]

6. Lưu Hưng Hiếu [đỗ khoa thi Hồng Đức 12 (1481)]

7. Nguyễn Quang Bật [đỗ khoa thi Hồng Đức 15 (1484)]

8. Nguyễn Đức Huấn [đỗ khoa thi Hồng Đức 18 (1487)]

9. Vũ Dương [đỗ khoa thi Hồng Đức 24 (1493)]

10. Ngô Thầm [đỗ khoa thi Hồng Đức 24 (1493)]

11. Ngô Văn Cảnh [đỗ khoa thi Hồng Đức 12 (1481)]

12. Phạm Trí Khiêm [đỗ khoa thi Hồng Đức 15 (1484)]

13. Lưu Thư Ngạn [đỗ khoa thi Hồng Đức 21 (1490)]

14. Nguyễn Nhân Bị [đỗ khoa thi Quang Thuận 7 (1466)] và [đỗ khoa thi Hồng Đức 12 (1481)]

15. Nguyễn Tôn Miệt [đỗ khoa thi Hồng Đức 12 (1481)]

16. Nguyễn Bảo Khuê [đỗ khoa thi Hồng Đức 18 (1487)]

17. Bùi Phổ [đỗ khoa thi Hồng Đức 18 (1487)]

18. Dương Trực Nguyên [đỗ khoa thi Hồng Đức 21 (1490)]

19. Nguyễn Hoãn(17) [đỗ khoa thi Hồng Đức 24 (1493)]

20. Phạm Cẩn Trực [đỗ khoa thi Hồng Đức 15 (1484)]

21. Nguyễn ích Tốn [đỗ khoa thi Hồng Đức 15 (1484)]

22. Đỗ Thuần Thông(18) [đỗ khoa thi Hồng Đức 18 (1487)]

23. Đoàn Trí Nhu(19) [đỗ khoa thi Hồng Đức 18 (1487)]

24. Lưu Dịch [đỗ khoa thi Hồng Đức 21 (1490)]

25. Đàm Thận Huy [đỗ khoa thi Hồng Đức 21 (1490)]

26. Phạm Đạo Phú [đỗ khoa thi Hồng Đức 21 (1490)]

27. Ngô Hoan (20) [đỗ khoa thi Hồng Đức 18 (1487)]

28. Chu Huân [đỗ khoa thi Hồng Đức 24 (1493)]

Ngoài ra, số nhà thơ mà các văn bản Hán Nôm khác có nêu lên, được các nhà nghiên cứu văn học từ trước đến nay coi là (hoặc nghĩ là) hội viên Tao đàn như : Lương Thế Vinh, Thái Thuận, Nguyễn Trực, Phạm Phúc Chiêu, Lê Tuấn Ngạn, Trần Sùng Dĩnh..., theo chúng tôi, đều không phải là hội viên Tao Đàn, vì một lý do đơn giản và duy nhất là họ không được nhà vua sai họa 9 bài thơ trong tập Quỳnh uyển cửu ca, vì thế không bao giờ có thể tìm thấy thơ hoạ Quỳnh uyển cửu ca của họ được. Sự không được nhà vua mời họ họa, nhiều khi do những lý do, hoặc những điều kiện công tác chưa thuận lợi hay thích hợp, chứ không nhất thiết ai không được mời vào Nhị thập bát tú họa thơ là quan hệ của người đó với nhà vua là căng thẳng, là có vấn đề, bởi họ đều là những nhà thơ tài hoa, đều là những bậc đại khoa, và đều được nhà vua trọng dụng ở những mức độ khác nhau.

*
**

Nói tóm lại, phong trào vua tôi xướng họa thơ ca sôi nổi thời vua Lê Thánh Tông là một hiện tượng văn học độc đáo có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam. Chính nhờ phong trào này mà đã đẻ ra nhiều áng thơ hay ca ngợi thiên nhiên Việt Nam, con người Việt Nam, ca ngợi công lao ông cha tổ tiên..., bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Và cũng nhờ chính phong trào xướng họa này mà đã đẻ ra nhóm Nhị thập bát tú họa 9 bài thơ Quỳnh uyển cửu ca của vua Lê Thánh Tông, mà đời sau đã định danh một cách rõ ràng, gọi là "Hội Tao đàn". Hoạt động duy nhất của nó là họa 9 bài thơ Quỳnh uyển cửu ca của Lê Thánh Tông trong bối cảnh hai năm Sửu, Dần (1493, 1494) được mùa, đời sống nhân dân no đủ, nên nhà vua đã phấn khởi sáng tác và sai 28 bề tôi hoạ lại. Đến năm ất Mão, Hồng Đức 26 (1495) sách làm (in) xong, sử quan đem chép vào chính sử thì đó cũng là thời điểm kết thúc họat động của hội. Tổng số hội viên Tao đàn, không kể vua Lê Thánh Tông là Tao đàn nguyên súy ra, thì vừa đúng 28 người, không thêm bớt, không bổ sung, phù hợp với con số 28 ngôi sao trong Nhị thập bát tú.

CHÚ THÍCH

(1),(2). Xem Phan Huy Lê : Lê Thánh Tông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Đại Việt thế kỷ XV, in trong Núi Bài thơ, lịch sử và danh thắng, Quảng Ninh, 1992, tr.29, 36..

(3). John K. Whitmore - Hội Tao đàn - thơ ca, vũ trụ và thể chế nhà nước thời Hồng Đức (1470 - 1497), bản dịch tiếng Việt của Trần Hải Yến, Tạp chí Văn học số 5 - 1996, tr. 12.

(4). Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, Nxb. KHXH. H. 1994, tr.207, 208.

(5)(14). Từ điển Văn học, Hà Nội, 1983. T.1, tr. 320, 321, mục từ "Hội Tao đàn" do Bùi Duy Tân soạn.

(6). Hội Tao đàn - tác giả, tác phẩm, Nxb. KHXH. 1994, tr. 23 - 27.

(7). Xem: Hồng Đức quốc âm thi tập, Nxb. Văn Hóa. Hà Nội, 1962, tr. 12.

(8). Từ điển văn học, Sđd. tr. 320.

(9). Hội Tao đàn- tác giả, tác phẩm, sđd, tr. 8.

(10). Xem: Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, Sđd, tr.482, 483.

(11). Xem: Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Hà Nội, 1974, T.3, tr.312, 313.

(12),(13). Xem Trần Văn Giáp - Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Hà Nội, 1972, tr.213-214.

(15). Hội Tao đàn - tác giả, tác phẩm, Sđd, tr.11. Thật ra Nguyễn Hoãn chính là Chu Hoãn mà Toàn thư đã nêu (MXH - BDD).

(16). Tức là Nguyễn Xung Xác đã nêu trong Toàn thư (MXH - BDD).

(17). Tức Chu Hoãn, trong Toàn thư (MXH - BDD).

(18). Tức Đỗ Thần trong Toàn thư (MXH - BDD).

(19). Tức Phạm Nhu Huệ trong Toàn thư (MXH - BDD).

(20). Tức Ngô Quyền trong Toàn thư (MXH - BDD).

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 2 (31).1997, - Tr.57-66

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020