Văn học Việt Nam trung đại

NHÂN VẬT MANG MÀU SẮC KỲ ẢO TRONG TRUYỆN TRUYỀN KỲ VIỆT NAM TRUNG ĐẠI


11-10-2020

NHÂN VẬT MANG MÀU SẮC KỲ ẢO TRONG TRUYỆN TRUYỀN KỲ 

VIỆT NAM TRUNG ĐẠI  

    

TS Đỗ Thị Mỹ Phương

Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội

                                               

1. Cái kỳ ảo luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với con người. Thế giới rộng lớn vốn chứa đựng biết bao điều bí ẩn. Sự tồn tại có thật của những hiện tượng khác thường, những câu chuyện kỳ lạ khiến con người từ thuở khai sinh đã không ngừng ngờ vực, tò mò, khám phá, khao khát giải mã và chiếm lĩnh. Bên cạnh đó, thực tế cuộc sống khắc nghiệt và nhiều bất trắc khiến người ta phải tìm đến cái hư ảo, huyễn tưởng để vun đắp ước mơ, nuôi dưỡng niềm tin, hi vọng. Cái kỳ ảo đi vào văn học, là nội dung – nó lưu giữ chân dung một thế giới đa diện, nhiều góc khuất (thế giới với vô vàn cái hư ảo, dị thường); như hình thức – nó ký thác những giấc mơ của con người trong cõi nhân sinh (những khát vọng, ẩn ức không thể trực tiếp giãi bày, phải mượn cái kỳ ảo che giấu). Chính bởi thế, mặc dù Khổng Tử luôn tránh nói chuyện quỷ thần nhưng văn học trung đại phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng – sản phẩm của các nhà nho là chủ yếu – lại đầy rẫy những yếu tố hoang đường, huyễn ảo, những nhân vật thần tiên, ma quái. Cái kỳ ảo đã trở thành một tín hiệu nhận diện thể loại văn học thời trung đại, đặc biệt thể truyền kỳ. Tìm hiểu kiểu nhân vật mang màu sắc kỳ ảo là một phần trong hành trình chúng tôi khám phá đặc trưng kỳ ảo của truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại.

Truyền kỳ là một thể văn tự sự có nguồn gốc Trung Hoa, du nhập và có mặt trong đời sống văn học Việt Nam từ khá sớm. Đây là cái tên quen thuộc với cả người sáng tác thời trung đại lẫn người phê bình, nghiên cứu văn học giai đoạn này. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề về thể loại từ khái niệm, đặc trưng đến quá trình diễn tiến còn chưa được quan tâm đầy đủ. Có nhiều quan niệm khác nhau về thời điểm xuất hiện cũng như hệ thống các tác phẩm được xếp vào nhóm truyện truyền kỳ. Trong bài viết của mình, chúng tôi không đặt ra mục tiêu giải quyết những vấn đề lý thuyết thể loại mà tìm hiểu cụ thể một kiểu loại nhân vật đặc trưng của nó. Phạm vi tư liệu khảo sát là những tập truyện ngắn có truyện truyền kỳ, trong đó, tập trung vào năm văn bản: Thánh Tông di thảo (TTDT), Truyền kỳ mạn lục (TKML), Truyền kỳ tân phả (TKTP), Lan Trì kiến văn lục (LTKVL), Vân nang tiểu sử (VNTS). Đây có thể xem như những tập truyện truyền kỳ tiêu biểu qua các thế kỷ của văn học trung đại Việt Nam (Đặc điểm nổi bật của các sáng tác văn học Việt Nam thời trung đại là tính không thuần nhất về thể loại, một tập sách thường gồm các tác phẩm được viết theo nhiều lối khác nhau. Khái niệm “tập truyện truyền kỳ” được sử dụng với ý nghĩa là tập sáng tác bao gồm nhiều truyện truyền kỳ, ngoài ra, có thể tồn tại những tác phẩm thuộc thể loại khác.). Ở năm bản, chúng tôi chọn ra các truyện thuộc thể loại truyền kỳ dựa trên một số tiêu chí: thứ nhất, tính chất “truyện”, mỗi tác phẩm là một câu chuyện độc lập, có cốt truyện với hệ thống các sự kiện, tình tiết, biến cố, có nhân vật với đời sống riêng; thứ hai, sự tham gia của những yếu tố hoang đường, kỳ ảo - những gì được tạo ra do niềm tin, do trí tưởng tượng của con người, chúng không có trong hiện thực hoặc đi ngoài những giới hạn hiện thực. Đó có thể là cái siêu nhiên, phi thường, huyễn ảo (hoàn toàn không có trong thực tại), có thể là cái kì quặc, dị thường, quái đản (đối lập với những kinh nghiệm thông thường). Cái kỳ ảo không chỉ xuất hiện như những yếu tố ngẫu nhiên mà tham gia, có vai trò quan trọng trong diễn tiến cốt truyện, trong việc biểu đạt cuộc đời, số phận nhân vật. Nó vừa là đối tượng phản ánh của tác phẩm vừa là phương thức nghệ thuật để nhà văn thể hiện những vấn đề của nhân sinh, xã hội, nói cách khác, nó có mối quan hệ mật thiết với hiện thực được phản ánh trong tác phẩm; thứ ba, vai trò sáng tạo của chủ thể tác giả: Người viết truyền kỳ không phải chỉ sao lục, ghi chép lại những câu chuyện có sẵn mà phải có sự gia công, tổ chức, sắp xếp, tưởng tượng, hư cấu… trên cơ sở chất liệu hiện thực hoặc cốt truyện đã có, từ đó truyền tải những thông điệp nghệ thuật của riêng mình. Kết quả thu được: Thánh Tông di thảo: 13 truyện truyền kỳ/19 tác phẩm; Truyền kỳ mạn lục: 19/20; Lan Trì kiến văn lục 31/45; Truyền kỳ tân phả 4/4; Vân Nang tiểu sử: 17/87 (Văn bản thất lạc 16 tác phẩm)(1) .

Nhân vật mang màu sắc kỳ ảo là cách gọi để chỉ hai nhóm đối tượng: nhân vật kỳ ảo (kiểu nhân vật siêu nhiên, có năng lực thần kỳ, không tồn tại trong đời sống thật như thần, tiên, ma, quỷ,… ); nhân vật là con người nhưng hành trạng cuộc đời có chứa đựng những yếu tố kỳ lạ (tiền thân khác thường, sinh đẻ thần kỳ, được tái sinh, …). Đây là kiểu loại nhân vật hiện diện ở hầu hết các truyện truyền kỳ với diện mạo phong phú và phức tạp. Chúng được gọi tên bằng nhiều khái niệm khác nhau: ma, quỷ, yêu tinh, yêu quái, thần, tiên, Phật, đạo nhân, pháp sư… Điều thú vị là nhân vật hồ ly (những cô gái với sắc đẹp ma mị, có khả năng quyến rũ người ta chìm đắm vào ái tình, hoan lạc) – kiểu nhân vật phổ biến ở truyện truyền kỳ Trung Quốc - lại rất ít xuất hiện trong truyện truyền kỳ Việt Nam, hoặc nếu có, chúng cũng thường không nghiêng về ý nghĩa sắc dục. Nó cho thấy có những điểm khác biệt trong cách hình dung về thế giới giữa hai dân tộc. Tuy nhiên, sự thiếu vắng của kiểu nhân vật này không làm thế giới truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại bớt đi màu sắc huyễn hoặc, cũng không làm những khát vọng nhân bản của con người, đặc biệt, khát vọng tình yêu bị chìm lấp.   

Bảng thống kê

 

Tên tác phẩm

 

Nhân vật kỳ ảo

Con người

(cuộc đời có chứa đựng những yếu tố kỳ ảo)

Thánh Tông di thảo

32

5

Truyền kỳ mạn lục

27

14

Truyền kỳ tân phả

4

4

Lan Trì kiến văn lục

25

1

Vân Nang tiểu sử

14

2

Tổng số

102

26

Ghi chú: Các nhân vật kỳ ảo (thần, tiên, ma, quỷ…) có thể là con người sau khi chết hóa thành. Sự phân biệt hai nhóm không căn cứ vào nguồn gốc mà dựa vào tư cách hiện diện của nhân vật trong tác phẩm.

               Số liệu thống kê không tính đến nhóm nhân vật đám đông như quần tiên, chúng quỷ, đám lính ma,…

Khẳng định sự hiện diện của nhân vật mang màu sắc kỳ ảo giữa nhân quần là một phần trong tư duy kỳ ảo khi nhận thức về thế giới của các tác giả truyền kỳ. Họ là những nhà nho nhưng Nho giáo không phải là hệ tư tưởng duy nhất chi phối nhãn quan khi viết truyện. Tín ngưỡng dân gian với niềm tin vạn vật hữu linh, sự tồn tại có thật và sự can thiệp, thậm chí quyết định của các thế lực siêu nhiên đối với cuộc sống con người, sự bất tử của linh hồn… để lại dấu ấn khá đậm nét lên thế giới quan, nhân sinh quan của các tác giả trung đại. Những nghi lễ tôn giáo chứa đựng yếu tố ma thuật (nghi lễ hiến tế, thụ pháp, lập đàn tràng trừ tà hay cầu cho linh hồn người chết siêu thoát, bùa chú để trừng phạt, gọi hồn…), những phong tục tập quán mang đậm tính tâm linh (thờ cúng vật thiêng, thờ cúng Thành hoàng, thờ cúng tổ tiên…) được đề cập đến trong nhiều tác phẩm. Theo đó, cái kỳ ảo và hình dung về sự kết nối ba thế giới thượng giới – trần gian – âm phủ cùng sự kiến tạo những mẫu hình nhân vật: thần, tiên, Phật, ma, quỷ,…, quan niệm về cuộc giao tranh thiện – ác sẽ được phán quyết bởi sự tham gia của lực lượng thần kỳ …– hạt nhân cơ bản trong truyện kể dân gian - cũng được các nhà văn tiếp thu, thừa hưởng. Giáo lý thánh hiền định hướng các nhà nho lấy sự thực làm chủ, không tin, không bàn chuyện quỷ thần mặc dù vẫn viện dẫn quyền năng của thế lực siêu nhiên làm chỗ dựa cho nhiều luận thuyết (ví dụ: thuyết Thiên mệnh). Tuy vậy, văn hóa dân tộc và tinh thần quân bình trong tiếp nhận tri thức khiến nho gia Việt Nam không chỉ trọng những điều duy lý mà còn tin và chấp nhận những yếu tố duy linh thần bí. Họ nhận thấy ở Phật giáo, Đạo giáo – những hệ tư tưởng bị coi là “mê tín dị đoan” chứa đựng cách nhận diện, tiếp cận thế giới đầy mới mẻ, cung cấp cho họ những công cụ để vừa tái hiện vừa lý giải nhiều vấn đề của hiện thực nhân sinh mà Nho giáo bất cập. Không những thế, tinh thần khai phóng của Phật giáo với quan niệm về sự tồn tại của nhiều cõi, về tiềm năng siêu việt tồn tại trong mỗi người giúp người ta có thể đi đến cùng một đích (giải thoát khỏi bể khổ) bằng nhiều con đường khác nhau và chủ trương đồng hóa con người với tự nhiên, vũ trụ, xóa mờ hạn định phân biệt mọi vật, cõi thế nhân và cõi siêu nhân của Đạo giáo giúp tâm hồn nhà văn được giải phóng khỏi những ràng buộc của ý niệm không thể - có thể, mở đường cho những tưởng tượng – phẩm chất cốt yếu của sáng tạo nghệ thuật – thăng hoa. Nho giáo nhấn mạnh bổn phận của người quân tử trong cõi nhân quần, Đạo giáo sắp xếp cuộc chơi cho người nghệ sĩ ngoài cõi nhân quần, còn Phật giáo hướng người ta đến đến cuộc di chuyển từ cõi đời (vốn trầm luân, khổ ải) lên cõi cõi Phật (siêu thoát, thanh tịnh). Bên cạnh thực tại, nhà văn đã tìm thấy được cõi hư ảo, biến huyễn, cùng với không gian khách quan bên ngoài là không gian trong ý tưởng của nguời viết. Không chỉ ở giai đoạn sau của chế độ phong kiến, khi những bất ổn về chính trị và sự khủng hoảng của hệ tư tưởng Nho giáo khiến các văn nhân không tìm thấy điểm tựa trong thế giới thực mới cầu cứu tới những yếu tố siêu hình của các hệ tư tưởng khác mà ngay từ đầu họ đã lựa chọn cách hòa giải trong việc tiếp nhận tam giáo Nho – Phật – Đạo. Đó chính là cơ sở cho sự xuất hiện của cái kỳ ảo và kiểu loại nhân vật mang màu sắc kỳ ảo trong văn học trung đại nói chung, thể loại truyện truyền kỳ nói riêng.

2. Xét về vai trò với cốt truyện, nhân vật mang màu sắc kỳ ảo (xin được gọi tắt là nhân vật kỳ ảo) có thể là nhân vật chính, có thể là nhân vật phụ. Có nhân vật có tên, có nhân vật không tên, lại có cả kiểu nhân vật đám đông (chúng quỷ, quần tiên, …). Có nhân vật hiện diện trực tiếp trên tác phẩm với hình dung, diện mạo, lời nói, tài phép…, có nhân vật chỉ xuất hiện qua lời kể, lời giới thiệu của một nhân vật khác.

Là nhân vật chính, họ thường mang hình dung, diện mạo của con người, sống cuộc sống với cả những khổ đau và hạnh phúc, những trải nghiệm và khao khát của con người (cho dù thế giới mà tác giả đặt họ vào là cõi hoang đường, huyễn ảo hay cõi thế nhân). Cái kỳ ảo nghiêng nhiều về lớp vỏ hình thức. Nhân vật Ngư Nương trong Truyện yêu nữ Châu Mai, Ngọa Vân trong Truyện lạ nhà thuyền chài… (Thánh Tông di thảo), Nhị Khanh trong Truyện cây gạo, Liễu NươngĐào Nương trong Truyện kỳ ngộ ở Trại Tây… (Truyền kỳ mạn lục), Liễu Hạnh công chúa trong Truyện nữ thần ở Vân Cát, Giáng Kiều trong Cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở Bích Câu… (Truyền kỳ tân phả) là những ví dụ tiêu biểu. Họ là ma, là yêu quái, là tiên nữ, hành trạng cuộc đời có thể thấm đẫm những yếu tố huyền hoặc nhưng những suy nghĩ, hành động, những gì họ kiếm tìm không khác gì con người trần thế. Điều mà từ Lê Thánh Tông cho đến Đoàn Thị Điểm muốn nói với bạn đọc không phải là nhấn mạnh sự hiện diện của một thế giới mới mẻ, lạ lẫm với nhiều nhân vật có hành tung bí ẩn, khả năng phi thường. Nói cách khác, cái kỳ ảo ở đây không mang ý nghĩa tự thân. Các tác giả đã đem đến cho nhân vật vốn thuộc về thế giới ảo của mình cuộc sống đời thường có cả những chờ đợi khắc khoải, những lo toan chăm chút, những hồi hộp, băn khoăn, những hy vọng rồi thất vọng. Người đọc bắt gặp trên các trang sách các chi tiết, cảm xúc rất “người” để rồi ám ảnh mãi với hương vị nồng nàn, mê đắm của những tình yêu không toan tính, vỡ òa trong hẫng hụt khi chứng kiến sự thất bại của những cuộc hành trình kiếm tìm hạnh phúc, cảm thấy ấm lòng trước những tình cảm gia đình, lòng yêu thương và sự hy sinh vô điều kiện, day dứt khi nhân vật không thể vượt qua những giới hạn của hiện thực khắc nghiệt … Bởi thế, họ kỳ ảo nhưng không xa cách trần thế, họ có thể không phải là con người nhưng mang theo những ước mơ, khát vọng rất con người.

Xuất hiện với vai trò nhân vật phụ, ở nhóm này, màu sắc hoang đường được nhấn mạnh nhiều hơn. Từ ngoại hình khác thường: “Người không phải người, vảy rồng, mồm giải, mặt thú, thân xà, nổi chìm lên xuống như mây bay” (hai gã Bán Kinh trong Truyện lạ nhà thuyền chài – TTDT, tr62), “mắt xanh tóc đỏ, hình dáng nanh ác” (quỷ Dạ Xoa trong Truyện chức phán sự đền Tản Viên – TKML, tr300) “người già nua, gầy còm, mặt đầy dỉ mắt dỉ mũi, người tanh tưởi hôi hám, nhớt nhãi nhỏ đầy ” (Tiên thử lòng trong Tiên ăn mày – LTKVL, tr38), … đến những khả năng kỳ lạ, những phép thuật tài tình đều được chú ý: “Không nhích một bước mà cảnh tượng đã khác ngàn vạn lần. Một lát, quỷ khóc thần sầu, núi reo hang ứng, có hổ gầm gấu rống, có thứ rắn mồm nuốt được voi to, có thứ chim cánh giương như mây phủ. Những người hầu xung quanh, tai nghe mà tựa hồ như không muốn nghe, mắt trông mà tựa hồ như không dám trông”; “Vạn ngõ ngàn cửa biến thành biển. Nước bạc vỗ trời, sóng to xoáy đất. Sóng dâng một lớp, núi chìm ngập đỉnh ngàn tầm; côn nhảy ba ngàn, nước dựng như trăm cây thước. Hoặc phun lửa như lá cờ, hoặc vuốt râu thành cơn mưa… Trong khoảnh khắc mà biến huyễn thành muôn hình trạng.” (tài phép của Sơn thần, Thủy thần trong Ngọc nữ về tay chân chủ - TTDT, tr72,73), “hiện hình giữa ban ngày, biến ảo khôn lường, hễ ai đụng tới là bị làm tội” (hành động của ma cây trong Ma cổ thụ - LTKVL, tr128)… Phần lớn các nhân vật này có mặt với tư cách thế lực siêu nhiên, hoặc hại người hoặc thực thi những điều mà con người trong giới hạn hiện thực mơ ước nhưng không đạt được. Rõ ràng, có sự hiện diện của rất nhiều điều huyền linh, quái dị nhưng truyện truyền kỳ không phải là loại văn nói về chuyện quỷ thần, xét đến cùng, nó vẫn là loại hình văn chương kể chuyện người. “Nhân hóa” – gia tăng tính người ở nhóm nhân vật có xuất thân siêu nhiên là xu hướng phổ biến ở các tác phẩm truyền kỳ bên cạnh việc “hư ảo hóa” – đưa thêm những yếu tố kỳ ảo vào cuộc đời con người phàm trần như một phương thức bù đắp cho những mất mát họ phải gánh chịu trong đời sống hiện thực.

3. Cũng giống như trong thế giới loài người có người tốt kẻ xấu, có người hiền kẻ ác, ở nhóm nhân vật mang màu sắc kỳ ảo có sự tồn tại của cả kiểu nhân vật cứu nhân độ thế (thường là thần, tiên, phật) lẫn kiểu nhân vật hưng yêu tác quái, gieo rắc tai họa (thường là ma, quỷ, yêu quái) và kiểu nhân vật phi tính cách, không có vai trò trong không gian chúng hiện diện (nhân vật tồn tại tự thân như thần tiên tiêu du giữa cõi trần, ma quỷ bằng lòng trong thế giới riêng của mình, không xâm phạm đến cuộc sống con người). Các truyện truyền kỳ còn cho người đọc tiếp xúc với mẫu hình nhân vật không nguyên phiến như trong truyện cổ tích, nói chính xác hơn, không có sự đồng nhất giữa danh và thực. Là thần phật, được con người thờ cúng và tôn sùng nhưng vô dụng, vô nhân: Truyện hai phật cãi nhau (TTDT), Truyện cái chùa hoang ở Đông Triều (TKML), Truyện đền thiêng cửa bể (TKTP), Rắn thiêng (LTKVL)… Là người thực thi công lý nhưng bị bưng bít, sai lầm, để cái ác lộng hành, là hiện thân của quyền năng tối thượng nhưng không đủ khả năng kiểm soát mọi vấn đề của cõi mình cai quản: Truyện đối tụng ở long cung, Truyện chức phán sự đền Tản Viên (TKML), Một dòng chữ lấy được gái thần (TTDT), Sớ hặc hồ tiên (VNTS)... Không có nhân vật toàn năng trong con mắt người viết truyện. Còn quá chủ quan để nói đến xu hướng hạ bệ thần thánh trong các truyện truyền kỳ nhưng thực sự so với các loại hình truyện kỳ ảo khác (cả của văn học dân gian và văn học viết), vai trò của thế lực siêu nhiên đã giảm sút khá nhiều, cái nhìn sùng kính được thay thế bằng cái nhìn xét đoán; sự sợ hãi hoặc trông đợi được nhường chỗ cho cảm giác thản nhiên, dửng dưng. Sự chuyển hóa khái niệm từ thần tiên sang ma quái, sự hoán đổi giá trị từ được tôn sùng sang bị khinh ghét, từ chủ động đến bị động, từ hiện thân của quyền năng tới mang thân phận kẻ bại trận, phụ thuộc vào con người phàm trần được đề cập đến trong nhiều tác phẩm. Con trai thần nữ chốn Long cung, thần núi Sơn Ngu muốn báo thù cho cha mẹ cũng phải dựa vào sức người trần là Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn (Truyện hai thần nữ - TKML ), Sơn thần, Thủy thần với tài năng kỳ diệu và phép thuật vô biên nhưng chỉ dám “ngồi ngẩn người một lát rồi bỏ cả xe ngựa lẻn về, không dám bàn việc hôn nhân” khi đối mặt với con người tài trí (Ngọc nữ về tay chân chủ - TTDT), tôn thần hàm oan phải khuất lụy một chàng thư sinh chưa thành danh để xin chứng nhận phục chức (Một dòng chữ lấy được gái thần - TTDT), ma quỷ tự nhận mình vô minh, cúi đầu mong được người uy dũng cai quản, dẫn đường (Truyện tướng Dạ xoa - TKML), ma cây “biến hóa khôn lường, hễ ai đụng tới liền bị bệnh tật hoặc chết ngay” phải sợ hãi, van xin người tha tội (Thượng thư họ Đỗ; Ma cổ thụ - LTKVL); oan hồn không tan cũng phải nhờ con người hóa giải (Truyện một giấc mộng – TTDT; Truyện đền thiêng cửa bể - TKTP, Xương cốt gái hiệp dưới gốc hồng mai - VNTS), … Quan hệ giữa con người và nhóm nhân vật kỳ ảo không còn là mối quan hệ một chiều, thụ động. Con người nhỏ bé cần nhờ đến lực lượng siêu nhiên để hiện thực hóa ước mơ của mình nhưng con người cũng thật lớn lao, mạnh mẽ, có thể khuất phục, chi phối trở lại thế lực kỳ ảo ấy.

4. Xét về mối quan hệ của nhân vật kỳ ảo với thế giới nhân sinh, có thể chia chúng thành ba cấp độ.

Thứ nhất, nhóm nhân vật kỳ ảo quyền năng. Trong một số truyện truyền kỳ còn lưu dấu ấn của kiểu tư duy cổ tích với niềm tin vào sự hiện diện của loại nhân vật kỳ ảo có tài phép kỳ lạ, có thể cứu nhân độ thế, thưởng công phạt tội, bảo vệ công lý, thêm những nét vẽ tươi sáng cho bức tranh hiện thực hỗn tạp, đen tối. Cũng giống trong truyện kể dân gian, ở đây, “cái kỳ ảo” (fantastic) được nhìn nhận như một phương thức để hiện thực hóa những khát vọng của con người trong đời thực, nó đồng nhất với “cái kỳ diệu” (marvellous). Nhưng nếu như trong thế giới folklore, sự hiện hữu của các nhân vật kỳ ảo quyền năng (còn gọi là nhân vật chức năng) gắn với giấc mơ và cũng là niềm tin bất diệt vào chân lý thiện thắng ác, người tốt sẽ được báo đáp, kẻ xấu phải bị trừng phạt (cho dù bản thân con người không tự thực hiện được) thì trong thế giới truyện truyền kỳ, đôi khi, nó chỉ ra thực trạng đau lòng: không còn sự tồn tại của cái kỳ diệu giữa hiện thực đầy bất trắc. Ở Thánh Tông di thảo, kiểu nhân vật này gần như vắng bóng. Thánh Tông di thảo được viết trong giai đoạn Nho giáo đặc biệt hưng thịnh. Con người (cụ thể trong tác phẩm là “thiên tử” – kẻ thực thi mệnh trời) có niềm tin mãnh liệt vào khả năng tự giải quyết mọi vấn đề xã hội của chính mình. Những xung đột thiện – ác, sự đổ vỡ của lý tưởng, khát vọng trước hiện thực, nhận thức của con người về nỗi bất hạnh, bi kịch của mình ít được đặt ra, bởi vì thế, họ cũng không cần chờ đợi sự xuất hiện của nhân vật kỳ ảo có chức năng cứu rỗi. Đến Truyền kỳ mạn lục, cái nhìn con người với tư cách thân phận bé nhỏ xuyên suốt các tác phẩm. Hiện thực loạn ly, bất ổn, các giá trị bị đổ vỡ khiến con người - mọi giới, mọi tầng lớp, mọi vị trí – phải đối mặt với oan khiên, bất trắc. Nho giáo với cái nhìn duy lý không đủ sức làm điểm tựa tinh thần cho con người giữa buổi tao loạn, Nguyễn Dữ đã phải tìm đến lực lượng siêu nhiên như một giải pháp tìm kiếm công bằng, hạnh phúc. Nhờ “Thượng đế thương là oan” mà Từ Nhị Khanh (Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu) còn có cơ hội trở lại nhân gian gặp chồng, nhờ Long vương anh minh mà vợ chồng Trịnh Thái thú còn có ngày đoàn tụ (Cuộc đối tụng ở Long cung), nhờ Diêm vương sáng suốt mà Ngô Tử Văn bảo toàn tính mạng (Truyện chức phán sự đền Tản Viên), nhờ các nàng tiên chốn thủy cung mà Vũ nương thoát cảnh “chôn trong bụng cá” (Truyện người con gái Nam Xương)… Cái kỳ ảo trở thành phương tiện chuyên chở khát vọng nhân sinh. Nguyễn Dữ đã cần đến những gì hư ảo nhất để hiện thực hóa những ước mơ không tưởng, chính bởi thế, sự hiện diện của nhóm nhân vật này thực chất chỉ làm rõ hơn cái thất bại, bất lực, bi đát của con người trong hiện tại. Sự tương tranh giữa xu hướng níu kéo những giấc mơ cổ tích (ác giả ác báo, thiện giả thiện báo; ở hiền gặp lành…) về với đời thực và việc chấp nhận một hiện tại bất trắc (với loạn ly, với sự đổ vỡ của các giá trị, sự tha hóa của nhân tâm, sự sụp đổ của các điểm tựa…) khiến chính người viết hoang mang. Người ta thường nói hiện thực trong truyện truyền kỳ được tạo nên từ sự soi chiếu, đan cài, trộn lẫn thực và ảo nhưng ở Truyền kỳ mạn lục, nhiều khi thế giới ảo và thế giới thực có khoảng cách khá rõ nét. Cái có thật thì hỗn độn, tăm tối, cái ảo nhiều ánh sáng lại dường như không có thật hoặc muốn đặt chân tới đó, con người phải chấp nhận từ bỏ ước mơ mưu cầu hạnh phúc trong đời thực, chấm dứt sự sống. Thế kỷ XVIII, XIX đánh dấu sự nở rộ truyện truyền kỳ, đồng nghĩa với đó là sự trở lại của nhóm nhân vật thần tiên ma quỷ. Các sáng tác của Đoàn Thị Điểm, Vũ Trinh, Phạm Đình Dục mặc dù được viết từ ý thức ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, bị chi phối bởi tinh thần “thực học” - tôn trọng hiện thực, lịch sử nhưng vẫn ngập tràn bóng dáng của thế giới siêu nhiên. Có nghĩa là thế giới hiện thực trong nhãn quan của người viết truyền kỳ vẫn là sự cộng hưởng của cái thật và cái ảo, cái quen thuộc và cái khác biệt, của con người và thế lực phi nhân. Nếu như Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục để lại ấn tượng cho người đọc về một hiện thực đã được ảo hóa – nơi mà cái ảo chỉ là một dạng thức biểu đạt của thế giới thực thì truyện truyền kỳ thế kỷ XVIII-XIX khiến chúng ta tin rằng sự hiện diện của lực lượng siêu nhiên là điều có thật giữa hiện tồn. Sự mở rộng biên độ không gian, xóa nhòa đường viền giới hạn cõi nhân gian khiến con người có thể xâm nhập vào thế giới thần kỳ và những nhân vật từ thế giới ấy cũng có thể tự do “ghé thăm” thế gian. Nhưng sự xâm lấn đa phần dừng lại ở mức độ vượt qua ranh giới hai cõi, chúng (con người – thế lực siêu nhiên) ít có sự gắn kết, ít can thiệp vào cuộc sống của nhau. Vẫn là sự xuất hiện của tiên, thần, ma, quỷ nhưng chúng không còn gắn liền với ý niệm mặc định: thần tiên – khuyến thiện trừng ác, thưởng công phạt tội; ma quái – nhũng nhiễu, hại người. Trừ Truyền kỳ tân phả - nơi dấu ấn của tư duy cổ tích vẫn còn tương đối đậm nét, ở Lan Trì kiến văn lục  Vân nang tiểu sử, sự có mặt và vai trò của kiểu nhân vật kỳ ảo quyền năng đã trở nên mờ nhạt.  Nói chính xác, chúng có thể vẫn giữ những năng lực thần kỳ nhưng những năng lực đó không có cơ hội thể hiện trong thế giới nhân sinh, nhân vật kỳ ảo bị tước đi quyền quyết định cuộc sống của con người. Trong mắt người viết, thần thánh không được tôn sùng, cũng không bị hạ bệ, ma quỷ không được “nhân hóa”, cũng đem đến cảm giác quá ghê sợ. Chúng tồn tại như những điều hiển nhiên và tác giả muốn người đọc nhìn chúng một cách bình thản, đừng nên trông chờ và cũng đừng hoảng sợ.

Thứ hai, nhóm nhân vật kỳ ảo đóng vai trò trung gian, kết nối con người với thế giới ảo. Để chứng minh cho chân lý “ác giả ác báo, thiện giả thiện báo”, “đạo trời chí công mà vô tư, lưới trời tuy thưa mà khó lọt”, bên cạnh việc đưa các nhân vật kỳ ảo quyền năng xuất hiện trực tiếp ở cõi nhân sinh, tác giả truyện truyền kì còn để con người được nhìn thấy, tiếp cận với thế giới kỳ ảo thông qua nhân vật mở đường, dẫn đường như các đạo sĩ, thầy tu, thầy số, thầy tướng… Họ có tài năng và phép thuật nhưng dừng lại ở việc chỉ cho người ta thấy trước những điều sắp xảy ra trong tương lai và cách thức hóa giải, phòng tránh. Đây giống như một hình thức tiên tri, dự báo số phận. Cũng có thể, họ giúp nhân vật chính soi tỏ quá khứ, hiểu rõ tiền kiếp để từ đó nhận thức được sự tồn tại của mình giữa cuộc đời. Loại nhân vật này vốn có nguồn gốc từ Phật giáo, Đạo giáo. Họ không phải là con người đúng nghĩa vì không còn mối liên hệ, sự gắn bó với nhân sinh nhưng lại chưa đủ sức mạnh để đạt tới cảnh giới của Phật, tiên. Đó là những con người từng trải qua quá trình tu tập nhưng chưa đạt đạo, đang trên hành trình tự giúp mình và giúp người nhận diện sai lầm trong hiện tại và vượt qua những giới hạn của kiếp người bé nhỏ. Sự có mặt của họ như lời nhắc nhở về sự tồn tại của thuyết báo ứng, luật nhân quả để con người biết sợ, biết cẩn trọng hơn trong từng lời nói, hành động. Tuy nhiên, đây không phải kiểu nhân vật mang màu sắc kỳ ảo đặc trưng của truyện truyền kỳ, chúng chỉ xuất hiện trong Truyền kỳ mạn lục, ở truyện truyền kỳ giai đoạn sau, các đạo sĩ thầy tu đã vươn tới vị trí thần tiên, có thể biến hóa linh dị, khẳng định con người có thể chủ động gia nhập vào thế giới siêu nhiên bằng khả năng của chính mình. Khi đó, vai trò của nhóm nhân vật này đã có thay đổi.

Thứ ba, nhóm nhân vật kỳ ảo với nhiều trải nghiệm nhân sinh. Họ đã sống cuộc đời của một con người với những vui buồn và trải qua nhiều biến cố, họ bước chân ra ngoài cõi thực. Việc hóa thân vào thế giới ảo, trở thành một phần của thế giới ấy có lúc nằm ngoài toan tính, hình dung của họ, nó được xem như một phần thưởng, một sự đền bù: bởi hiếu đễ mà được phong thần (Truyện hai thần hiếu đễ - TTDT, Truyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào), bởi thác oan mà được ân chỉ (Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Truyện người con gái Nam Xương - TKML), bởi cương trực, thẳng thắn, dám đương đầu với cái ác mà được trọng thưởng (Truyện chức phán sự đền Tản Viên; Truyện tướng Dạ xoa  TKML)…; có khi do con người chủ động hóa thân để thực hiện những khát vọng nhân gian chưa được thỏa mãn, nó bị xem như sự tha hóa, cần phải trả giá: Truyện cây gạo, Truyện nghiệp oan của Đào thị, Truyện yêu quái ở Xương Giang - TKML …; cũng có lúc hành trình con người trở thành nhân vật kỳ ảo gắn liền với cuộc trở về nhân thế để thanh minh, để được giải oan, siêu thoát: Truyện đền thiêng cửa bể; Truyện An Ấp liệt nữ (TKTP)… Dù theo hình thức nào, con đường từ cuộc đời thật đến thế giới ảo của các nhân vật thực chất đều là sự chuyển hóa từ sự sống sang cái chết, bản thân quá trình dịch chuyển này đã chỉ ra những mất mát: con người trong cuộc sống đời thường vốn đầy ẩn ức, có những bi kịch cả khi chết đi rồi vẫn không được hóa giải và muốn mưu cầu hạnh phúc người ta chỉ có thể tìm đến thế giới khác ngoài hiện thực. Để con người hóa thân vào thế giới ảo chính là để người đọc nhận thấy rõ hơn những bi kịch và khát vọng trong kiếp người nhỏ bé, hữu hạn. Cũng có thể, nhân vật vốn thuộc về thế giới siêu nhiên nhưng tự nguyện dấn thân vào cuộc sống phàm trần, trải nghiệm những nỗi đau, khát vọng, hạnh phúc và cả những giới hạn mà con người phải chấp nhận giữa đời thường. Tác giả có thể xóa mờ màu sắc hoang đường, huyễn ảo trong nguồn gốc, xuất thân để nhân vật mang diện mạo và sống trọn vẹn với ước mơ, khát vọng của con người, như Ngọa Vân trong Truyện lạ nhà thuyền chài, Liễu nương, Đào nương trong Truyện kỳ ngộ ở Trại Tây, - TKML) hoặc có thể vẫn giữ những yếu tố kỳ bí xung quanh hành trạng cuộc đời nhân vật, như Ngư Nương trong Truyện yêu nữ Châu Mai, hai thần nữ trong Truyện hai thần nữ, con dê trắng trong Truyện chồng dê - TTDT, Giáng Tiên hay Liễu Hạnh công chúa trong Truyện nữ thần ở Vân Cát, nàng Giáng Kiều trong Cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở Bích Câu – TKTP… nhưng cái huyễn ảo không thể làm khuất lấp những nỗi niềm, đau đớn và cả hạnh phúc mà kiếp sống nhân sinh mang lại. Ám ảnh trên những trang viết là chặng đường tìm kiếm cố nhân – tìm kiếm thế giới đã mất đầy u uẩn, khắc khoải của “ma nữ” Ngư Nương, là hành trình tìm lại người thân giữa không gian muôn trùng của cháu dâu Long Vương, vợ sơn thần Đông Ngu, là mong muốn nối kết lại mối duyên tình dang dở từ tiền kiếp hư ảo của chàng tiên đồng bị biếm trích, là cuộc phiêu lưu kiếm tìm tự do, khẳng định bản ngã của nàng tiên – người phụ nữ nổi loạn xứ Vân Cát, … Hơi thở và những giấc mơ nhân gian vẫn thấm đẫm qua từng chi tiết, hình tượng, tình huống đậm màu sắc huyễn tưởng. Ở tác phẩm của Vũ Trinh, Phạm Đình Dục, mô hình nhân vật kỳ ảo mang số phận của con người dường như vắng bóng. Dưới ngòi bút của các tác giả, chỉ có con người trong đời sống hiện thực mới phải trải qua những hỉ, nộ, ai, ố, mới phải gánh trên vai gánh nặng của những ước mơ và cả ẩn ức. Kiểu nhân vật mang số phận của họ là con người bình thường trong cuộc sống bình thường, không có bóng dáng của những yếu tố hư ảo. Đó là người ca nữ lỡ làng với giấc mơ tình yêu, hạnh phúc (Ca kỹ họ Nguyễn - LTKVL), là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn mà cuộc đời truân chuyên, trắc trở (Liên Hồ quận quân - LTKVL), là người dành cả đời làm việc phúc mà bản thân thì tài sản bị lưu tán, con cái thì đói nghèo (Làm phúc phải tội - VNTS), là người thiếu phụ muốn giữ tiết nuôi con mà bị ép đến đường cùng phải tự vẫn (Mẹ nào con nấy - VNTS)… Rõ ràng, khác Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục và cả Truyền kỳ tân phả - nơi ảo và thực được trộn lẫn, trong thế giới ảo – thế giới của những điều hoang đường, kỳ dị, của những nhân vật siêu phàm, bí ẩn, những vấn đề cốt lõi của cuộc sống con người vẫn hiện diện, ở Lan Trì kiến văn lục, Vân nang tiểu sử, cái ảo và cái thật đã có sự phân tách, không còn đan cài, xâm lấn nhau. Sự tồn tại của nhân vật mang màu sắc kỳ ảo để nhắc nhớ về một thực tại: cuộc sống nhân sinh còn chứa đựng biết bao điều vừa kỳ diệu vừa dị biệt, con người có thể nhìn thấy, có thể chạm vào nhưng không thể trở thành một phần của những điều huyễn hoặc ấy.

5. Dạng nhân vật mang màu sắc kỳ ảo phổ biến trong các tập truyền kỳ qua các giai đoạn cũng có nhiều thay đổi. Ở Thánh Tông di thảo có ma, quỷ, tinh loài vật… nhưng nhiều hơn cả là thần tiên. Có cả một hệ thống nhân vật thần tiên trong tác phẩm, họ thực hiện hai quá trình di chuyển trái ngược nhau: từ cõi thật đến cõi ảo (cái chết chính là một hình thức của sự hóa thân) hoặc từ cõi ảo đến cõi thật (bằng việc đầu thai, giáng trần, kết duyên với người trần). Với họ, trần gian chỉ là nơi ở tạm, dù nguồn gốc khác nhau nhưng cái họ hướng tới đều là một cuộc sống hạnh phúc bất tử mà điều này thường không thực hiện được trong thế giới thực. Chiếm ưu thế ở Truyền kỳ mạn lục lại là nhóm nhân vật ma quái (người chết không siêu thoát, linh hồn quay trở lại trần gian; cây cỏ, loài vật, vật thể thành tinh). Họ chọn trần thế làm không gian hoạt động, làm nơi để tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm ý nghĩa của sự sống. Nếu ở Thánh Tông di thảo, nhóm nhân vật thần tiên ít can thiệp tới cuộc sống của con người thì ở Truyền kỳ mạn lục, hành trình tìm kiếm hạnh phúc của các nhân vật ma quái lại có nhiều tác động mang tính chất xâm hại cõi nhân sinh buộc con người phải chống đối. Bởi thế, những chặng đường họ trải qua thường không suôn sẻ, chứa đựng nhiều mất mát và bi kịch. Vũ Trinh trong Lan Trì kiến văn lục quan tâm nhiều đến cả hai kiểu loại nhân vật kỳ ảo: tiên và ma. Nhưng khác hai tập truyền kỳ trước đó, thần tiên ma quỷ được nhân cách hóa có tính cách như con người, mang khát vọng và cả dục vọng của của con người, nhân vật của Lan Trì Ngư Giả thường rất ít trải nghiệm nhân sinh. Họ là hiện thân của một thế giới khác, họ có thể xuất hiện trong cõi nhân sinh nhưng vĩnh viễn không bao giờ là một phần của nó. Nói cách khác, truyện kể về nhân vật mang màu sắc kỳ ảo của Vũ Trinh thực chất là kể về thế giới kỳ ảo, kể về những tồn tại khác thường nhưng là điều có thật trong thế giới mà con người cần chấp nhận, nên chấp nhận và đã chấp nhận. Đây cũng là xu hướng chung của các tác giả truyền kỳ thế kỷ XVIII, XIX như Vũ Phương Đề, Phạm Đình Hổ, Phạm Đình Dục,…

Nhân vật mang màu sắc kỳ ảo là kiểu nhân vật đặc trưng của truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại. Đó vừa là hình ảnh phản quang của con người trong cõi nhân gian vừa là hiện thân của một thế giới khác thường, hư ảo. Quá trình chuyển dịch của kiểu nhân vật này đã phần nào cho thấy sự vận động của thể loại truyện truyền kỳ qua các giai đoạn.

 (1) Văn bản khảo sát và dẫn chứng được lấy từ các nguồn sau:

-  Thánh Tông di thảo, Việt Nam kỳ phùng sự lục. Điểu thám kỳ án, Nxb. Văn học, H, 2008.

- Cù Hựu, Nguyễn Dữ: Tiễn đăng tân thoại, Truyền kỳ mạn lục, Nxb. Văn học, H, 1999.

- Vũ Trinh: Lan Trì kiến văn lục, Nxb. Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2004.

- Đoàn Thị Điểm: Truyền kỳ tân phả (In trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (Trần Nghĩa chủ biên), tập 1, Nxb Thế giới, H, 1997).

- Phạm Đình Dục: Vân nang tiểu sử (In trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (Trần Nghĩa chủ biên), tập 2, Nxb Thế giới, H, 1997).

Nguồn:  Nghiên cứu văn học, số 1, 2015

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020