Văn học Việt Nam trung đại

MẪU GỐC SƠN TINH THUỶ TINH VÀ SÁNG TẠO CỦA HOÀ VANG TRONG TRUYỆN NGẮN SỰ TÍCH NHỮNG NGÀY ĐẸP TRỜI


11-10-2020

MẪU GỐC SƠN TINH THUỶ TINH VÀ SÁNG TẠO CỦA HOÀ VANG 

TRONG TRUYỆN NGẮN SỰ TÍCH NHỮNG NGÀY ĐẸP TRỜI

 

TS Nguyễn Thị Nương

Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội

 

A. MỞ ĐẦU

Sơn Tinh Thuỷ Tinh (STTT) là một thần thoại đã được truyền thuyết hoá, nằm trong chuỗi truyền thuyết về thời Hùng Vương. Câu chuyện được hình thành từ cuộc đấu tranh chống lũ lụt gian khổ và kéo dài của người xưa. Điều thú vị là, khi phản ánh  hiện thực ấy, tác giả dân gian đã “thêu dệt” thành cuộc tranh chấp nàng công chúa xinh đẹp giữa hai vị thần đầy quyền lực: Thần Núi và Thần Nước. Tình huống hấp dẫn, hình tượng độc đáo khiến STTT trở thành một trong những mẫu gốc có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong đời sống của nhân dân và trong văn học viết. Chỉ tính riêng ở địa bàn Hà Tây đã có vài chục truyện dân gian có liên quan đến vị thần núi Tản Viên và cuộc chiến chống lũ lụt. Với văn học viết, STTT đứng vào hàng những mẫu gốc có khả năng khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo lớn nhất. Ở giai đoạn văn học nào, cũng thấy xuất hiện những tác phẩm được xây dựng từ “nền móng” của STTT. Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Thánh Tông di thảo... đều “ghi chép lại” truyện STTT. Vào thế kỉ XVII - XVIII, có các tác phẩm diễn ca lịch sử như Thiên Nam minh Giám (Tản Viên đấng ấy cao tay/ Trêu lòng thuỷ giới ghê ngay uống hờn- tr.52), Đại Nam quốc sử diễn ca (Núi cao sông hãy còn dài/ Năm năm báo oán đời đời đánh ghen)..., truyện Nôm  Chàng Chuối. Thế kỉ XX có những tác phẩm như Mị Nương (Nguyễn Nhược Pháp), Trên đỉnh non Tản (Nguyễn Tuân)... Nhưng có thể nói, cho đến nay, sự hồi sinh độc đáo và thú vị nhất của mẫu gốc STTT- là qua ngòi bút của Hoà Vang với truyện ngắn Sự tích những ngày đẹp trời (STNNĐT). Người cầm bút “mang hồn cổ tích” này thực sự đã sáng tạo một sinh mệnh mới cho câu chuyện xa xưa.
B. NỘI DUNG

1. BIẾN ĐỔI CHỦ ĐỀ VÀ CỐT TRUYỆN
Ra đời từ thời cổ đại, STTT tập trung phản ánh mối xung đột giữa con người và thiên nhiên; đồng thời lí giải hiện tượng lũ lụt hàng năm của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đặt trong bối cảnh của thời xưa, truyện cổ này đã đáp ứng nhu cầu nhận thức và lí giải tự nhiên, bộc lộ khát vọng chinh phục thiên nhiên của con người. Phải nói rằng, tác giả dân gian đã tạo dựng được một cốt truyện hấp dẫn với tình huống độc đáo: cuộc kén rể của vua Hùng và chuyện hai thần cầu hôn một nàng công chúa. Sức mạnh và khát vọng của con người trong cuộc đấu tranh chống thiên tai đã được tác giả dân gian phản ánh qua cuộc giao tranh ác liệt và những hình tượng giàu chất thơ... Sau này, các truyện ngắn trung đại cũng thường bám sát chủ đề ca ngợi công tích của Thần Tản Viên, người anh hùng giúp dân trị thuỷ.                     
Viết STNNĐT, Hoà Vang vẫn dựa trên nền cơ bản của cốt truyện cũ, không thay đổi những chi tiết, sự kiện đã trở thành “cố nhiên” trong tâm thức của bao nhiêu thế hệ, nhưng đã chuyển hướng tác phẩm của mình sang một chủ đề hoàn toàn mới. Tích xưa được nhà văn hiện đại sử dụng để khám phá vẻ đẹp bí ẩn, kì diệu của tình yêu; sự phong phú, phức tạp của tâm hồn con người. Xuất phát từ cảm hứng này, Hoà Vang đã tạo dựng một cốt truyện mới với hàng loạt xung đột mới: xung đột giữa Thuỷ Tinh và vua Hùng, xung đột giữa Thuỷ Tinh và đám thuỷ thần thuộc hạ, xung đột giữa bổn phận và khát vọng tình yêu trong tâm hồn Mị Nương... Mâu thuẫn Sơn Tinh và Thuỷ Tinh bị lược bỏ. Thậm chí, Hoà Vang còn để cho hai vị thần cùng nhau chuyện trò thân thiện nơi quán trọ và mô tả cái nhìn đầy thiện cảm của Thần Nước dành cho Thần Núi. Khi thất bại, Thuỷ Tinh cũng không hề oán giận Sơn Tinh mà chỉ tiếc nuối, đau đớn vì để mất Mị Nương. 
Trong mẫu gốc, yếu tố có vai trò quyết định sự thành, bại của hai vị thần trong chuyện hôn nhân là thời gian sính lễ được mang tới sớm hay muộn. Tác giả dân gian đã miêu tả về các món lễ vật rất cụ thể “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Song nhiều tác giả đời sau đã không chú ý đến chi tiết đặc sắc này. Việt điện u linh kể ngắn gọn: “Thấy cả hai người đều có thuật tinh thông, vua lấy làm mừng bảo Lạc Hầu rằng: “Hai người đều đáng làm rể, nhưng ta chỉ có một con gái, biết gả cho người nào đây?”. Lạc Hầu tâu: “Xin vua hẹn: hễ ai dẫn lễ cưới đến trước thì gả”. Vua nghe lời, hẹn hai người về sửa lễ” (Tản Viên Hựu Thánh Khuông Quốc Hiển Ứng Vương)(1). Lĩnh nam chích quái còn vắn tắt hơn: “Vua nói: “Hai vị đều có phép thần thông, nhưng ta chỉ có một con gái, vậy ai mang sính lễ tới trước, ta khắc gả cho”(Truyện núi Tản Viên)(2). Ngay trong truyện Nôm Chàng Chuối, một tác phẩm có cốt truyện phong phú hơn hẳn mẫu gốc, tác giả cũng miêu tả rất chung chung: “Phán rằng: Hễ sáng ngày mai/ Cứ như lời ước đệ lai các đồ/ Sắm sanh thổ sản toàn no/ Ai đem đến trước thì cho như nhời”(4). Sau này, khi dựng lại cái thế giới thần tiên của “Ngày xưa”, thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp cũng không quan tâm lắm đến các lễ vật vua Hùng thách cưới mà chú trọng miêu tả nỗi phân vân của người cha: “Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước/ Rồi bảo mai lửa hồng nhuốm sương/ Lễ vật thần nào mang tới trước/ Vui lòng vua gả nàng Mỵ Nương”(5)... Tiếp nối mạch chủ đề của mẫu gốc, hầu hết các tác phẩm trên tập trung phát triển các chi tiết miêu tả cuộc chiến giữa hai vị thần.
Lựa chọn chủ đề ca ngợi tình yêu, Hoà Vang đã không đi theo hướng đó mà chú trọng khám phá nguyên nhân làm nảy sinh bi kịch tình yêu Thuỷ Tinh - Mỵ Nương. Vì vậy, chi tiết vua Hùng thách cưới được nhà văn lựa chọn làm đầu mối của hệ thống xung đột mới. Tác giả đặc biệt chú ý cách ứng xử “thiếu công bằng” của nhà vua đối với Thuỷ Tinh khi yêu cầu sính lễ toàn là các sản vật của Đất, của Núi. Tính chất thiên vị của các lễ vật vốn ẩn chứa thái độ của nhân dân với Thuỷ Tinh - kẻ đại diện cho sức mạnh đáng sợ và đáng ghét của thiên tai, lũ lụt. Giờ đây, sự thiên vị này đã được chuyển hẳn sang vua Hùng - người đứng đầu trăm họ. Điều thú vị là thái độ đó lại được Hoà Vang lí giải theo một hướng mới, độc đáo và cũng rất lôgic. Căn nguyên chính là “sai lầm” của Thuỷ Tinh - chàng trai đã không chế ngự được những cảm xúc nồng cháy của trái tim đang yêu. Nó tước đi của Thuỷ Tinh sự thông minh, sắc sảo khiến chàng không nhận ra ẩn ý trong câu hỏi của nhà vua: “Chẳng hay hai vị tới đây có việc gì?”. Thuỷ Tinh đã tự chuốc cho mình thất bại ngay từ câu trả lời thành thật và vội vã : “Tôi đến đây để bộc bạch với Người tình yêu của tôi đối với Mỵ Nương, con gái Người”. Chàng không hề tính đến mong muốn của người hỏi mà chỉ cốt sao bày tỏ được tình yêu chân thành, nồng thắm với Mị Nương. Nhưng với tư cách người đứng đầu đất nước, vua Hùng thứ 18 không chỉ kén chồng cho con gái mà còn muốn tìm kiếm một đồng minh tin cậy nên câu trả lời của Sơn Tinh mới khiến ông vừa lòng, đẹp ý: “Thần đến đây xin được cưới công chúa và được trở thành con cháu trong nhà của triều Hùng”. Trọng trách với trăm họ khiến nhà vua khó có thể lắng nghe và trân quý tiếng nói bộc bạch tình yêu của Thuỷ Tinh hơn tiếng nói hứa hẹn bổn phận của Sơn Tinh. Và lễ vật thách cưới đã được đưa ra, rành mạch, dứt khoát, hàm chứa sự ưng thuận với lời cầu hôn của Thần Núi và cả lời chối từ dành cho vị thần đến từ sông nước, biển cả. Tuyến xung đột đầu tiên giữa vị vua “trọng việc hơn trọng tình” với chàng trai “luỵ tình” đã làm tan vỡ giấc mơ hạnh phúc của thuỷ thần và cũng mở ra hàng loạt xung đột khác.
Nương theo dòng chính của cốt truyện xưa, Hoà Vang đã sáng tạo thêm nhiều tình tiết mới. Thế giới đơn giản, sáng rõ của thần thoại, truyền thuyết được thay thế bằng thế giới phức tạp, đa chiều của cuộc sống hiện đại. Chàng trai Thuỷ Tinh và nàng công chúa xinh đẹp của triều Hùng đã có cuộc gặp gỡ tình cờ từ thủa ấu thơ. Như mối duyên tiền định, họ gặp nhau từ lúc còn là hai đứa trẻ: Thuỷ Tinh lần đầu ngược về suối nguồn đúng vào ngày Mị Nương lần đầu được vua cha cho phép lên tắm ở đầu nguồn con suối. Chàng đã “tan hoà trong những bọt nước, nô giỡn, cười vui thoả thích” cùng nàng công chúa nhỏ và trở về biển cả mà “lòng ước tính từng năm” mong tới ngày được đến Phong Châu bộc bạch tình yêu của mình. Suốt đêm dài ở quán dịch, Thuỷ Tinh đã bồi hồi, thấp thỏm đợi chờ giây phút được gặp mặt Mị Nương. Nhưng cũng chính tình yêu mãnh liệt đó đã khiến Chúa Biển thất bại trước vị Thần Núi điềm đạm, an nhiên (Sơn Tinh đi hỏi vợ chỉ vì “nghe nói vua Hùng kén rể, lại cũng nghe nói cô con gái vua ngoan lắm, đẹp lắm”). 
 Cái “chốt” thứ hai của cốt truyện gắn kết chặt chẽ với sự khởi đầu của xung đột Hùng Vương- Thuỷ Tinh với lời thách cưới “thiếu công bằng” kia. Đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc hoá thân của những thuộc hạ trung thành nhất với Thần Biển: Thuồng luồng, Ba ba, Cá ngựa. Chúng tình nguyện gánh chịu nỗi đau khủng khiếp để biến thành Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao cho chủ làm sính lễ. Đây cũng là một sáng tạo rất độc đáo của Hoà Vang - để chuyển hoá “thủ phạm” của những trận lụt dai dẳng, dữ dội. Xưa nay, “chúng khẩu đồng từ” khẳng định Thuỷ Tinh là kẻ gây ra tất cả những tai hoạ ấy, nhưng tác giả STNNĐT lại “chứng minh” rất thuyết phục rằng, những trận lụt kia chỉ là “cơn kịch phát điên cuồng” của những thuỷ thần, thuỷ quái bề tôi của Thuỷ Tinh. Chúa Biển đã không thể ngăn chặn hành động báo thù hàng năm của đám thuộc hạ, nhưng cũng không hề có mặt trong những con nước mà loài người đã hợp sức cùng Sơn Tinh đánh thắng! Bằng chi tiết nghệ thuật này, Hoà Vang không chỉ gợi nên cái sức mạnh vô cùng, vô tận của Tự Nhiên mà còn giữ cho hình tượng Thuỷ Tinh vẻ đẹp hoàn hảo!... Sáng tạo những xung đột mới, những tình tiết mới, Hoà Vang đã mang lại khả năng phản ánh hiện thực phong phú và gia tăng sức cuốn hút cho cốt truyện. 
2. BIẾN ĐỔI NHÂN VẬT 
Con đường hồi sinh của mẫu gốc STTT trong STNNĐT còn gắn liền với sự sáng tạo những chân dung nhân vật mới. Do biến đổi chủ đề nên vị trí trong cốt truyện và tính cách của các nhân vật trong STNNĐT đều có sự thay đổi. Hình tượng trung tâm giờ đây không còn là người anh hùng trị thuỷ Sơn Tinh mà là cặp đôi Thuỷ Tinh - Mỵ Nương. Diện mạo tính cách của từng nhân vật cũng được nhà văn khắc hoạ phong phú hơn, con người hơn.
2.1. Sơn Tinh 
Sơn Tinh là nhân vật được xây dựng gần với mẫu gốc hơn cả. Thần Núi Tản Viên vốn có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hoá, tâm linh của người Việt - một trong “tứ bất tử” được nhân dân thờ phụng. Trong các tác phẩm đời sau, Sơn Tinh vẫn luôn được ca tụng bởi công lao trị thuỷ, cứu dân. Viết STNNĐT, Hoà vang không có ý định “giải thiêng” hay áp dụng phép “nói ngược” để thu hút sự chú ý của người đọc. Trái lại, nhân vật Sơn Tinh vẫn hiện lên với vẻ đẹp lí tưởng của một đấng thần nhân mực thước, uy nghi “thâm trầm điềm đạm như núi và khôn ngoan, vững vàng như đất”. Chỉ có điều, Thần Núi không còn chiếm giữ vị trí trung tâm trong thế giới cổ tích của Hoà Vang. Tác giả STNNĐT đã khai thác sâu khía cạnh đời thường của nhân vật. Từ góc nhìn của con người hiện đại, Hoà Vang đã mang đến cho nhân vật Sơn Tinh vẻ đẹp mới. Nó toát lên từ cách ứng xử bao dung, thấu tình của một người đàn ông khi “giải quyết” chuyện nhà. Vị Thần Núi trầm tĩnh, uy nghiêm không chỉ yêu thương Mỵ Nương mà còn thấu hiểu và thể tất cho bao nỗi niềm của người thường trong trái tim nàng: từ nỗi nhớ cha mẹ, quê nhà... cho đến cả những khát vọng tình yêu hướng về người tình Thuỷ Tinh. Không một thoáng giận dữ, không có chút coi thường, càng không hề có ý định “canh chừng” người vợ đã không dành trọn vẹn trái tim cho chàng. Sơn Tinh đã để cho nàng được sống tự do mà không phải cô đơn: “Nàng đi đâu, chạy đến đâu, làm gì, hãy để nàng đi, nàng chạy, nàng làm, nhưng đừng để nàng thiếu ánh sáng chỉ có thể chiếu ra từ mắt ta, tâm não ta, ánh sáng chưa bao giờ vẩn đục, chưa một phút mờ ám, ánh sáng lúc nào cũng tinh khôi của núi, ánh sáng soi rọi mọi nẻo đường cho nàng, từ khi nàng về với ta”... Ngay lúc Sơn Tinh chứng kiến Mỵ Nương phân thân, hoá thành ngọn gió thơm bay đến giang sơn của Thuỷ Tinh, nguồn sáng ấm áp, tinh khiết đó của Núi vẫn không rời bỏ, xa lìa nàng... Cách ứng xử hoàn toàn khác biệt với quan niệm thông thường xưa đã đưa nhân vật băng qua khoảng cách của thời gian để gần lại với con người hiện đại. Sơn Tinh của Hoà Vang rất xa lạ với những Ra- ma ghen tuông đến nhỏ nhen, mù quáng; những thần và người trong thế giới Nghìn lẻ một đêm để cho thói vị kỉ và sự hoài nghi biến tình yêu thành thù hận, thành tội ác... Cách ứng xử với những “giây phút xao lòng” của người bạn đời khiến vị Thần Núi trong câu chuyện  cũ tái sinh trong vẻ đẹp nhân văn mới.
2.2. Thuỷ Tinh
Khác với Sơn Tinh, nhân vật Thuỷ Tinh được xây dựng với tính cách biến đổi hẳn so với mẫu gốc. Truyền thuyết STTT dựng nên hình tượng Thuỷ Tinh như một ẩn dụ cho sức mạnh hung bạo của Tự Nhiên, sức tàn phá khủng khiếp của nạn lũ lụt. Các tác phẩm sau này cũng thường giữ nguyên hình ảnh một Thuỷ Tinh dữ tợn, hung ác, thù dai. Nó phản ánh thái độ của người xưa đối với nạn lụt lội từng đem đến bao thảm hoạ. Trong các truyện ngắn thời trung đại, và ngay cả đến Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, hình ảnh Thuỷ Tinh vẫn không thay đổi - vẫn là một kẻ nhỏ nhen, đáng khinh ghét. 
Tác phẩm đầu tiên thay đổi cái nhìn “cố định” về nhân vật Thuỷ Tinh có lẽ là truyện Nôm Chàng Chuối. Ra đời trong nguồn cảm hứng nhân văn mãnh liệt của thời đại, nhân vật này lần đầu được khám phá ở phương diện tình yêu. Trên đường thua trận rút chạy về biển, Thuỷ Tinh gặp một người con gái giống Mị Nương và đem lòng yêu mến: “Thuỷ Tinh trông thấy một người/ Phỏng chừng đôi bảy sánh tầy Mỵ Nương/ Hình dung nhan sắc dịu dàng.... Một chiều là một thanh tân/ Càng nhìn càng mến càng gần càng ưa”. Tác giả truyện Nôm này đã miêu tả Thuỷ Tinh như một người chồng có tình nghĩa, người cha có trách nhiệm -  lúc phải chia ly thì vấn vương, lưu luyến: “Bấy giờ ngao ngán đòi về/ Nửa hiềm thua trận nửa mê sự nàng/ Bồi hồi luống những mơ màng/ Kẻ về người ở đôi đường bơ vơ”. Lúc gặp lại con thì ngậm ngùi, thương xót: “Từ ngày chia rẽ trướng hoa/ Đêm ngày bác những xót xa đoạn trường/ Thương con vả lại nhớ nàng/ Chẳng hay nàng ở dương gian thế nào?... Thư cầm một bức châu sa hai hàng”. Tuy nhiên, trong tác phẩm này, Thuỷ Tinh cũng chỉ giữ vai trò một nhân vật phụ, phù trợ cho nhân vật chính là chàng Chuối... Thế kỉ XX, khía cạnh tình yêu trong nhân vật Thuỷ Tinh một lần nữa được diễn tả  qua cái nhìn trong trẻo, hóm hỉnh của Nguyễn Nhược Pháp: “Thuỷ Tinh năm năm dưng nước bể/ Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương/ Thế gian đâu có người dai thế/ Cũng bởi thần yêu nên khác thường”...
Nhưng cũng phải đến STNNĐT của Hoà Vang, nhân vật Thuỷ Tinh mới hoàn toàn “thoát xác” khỏi hình vóc cũ để hiện lên với vẻ đẹp hoàn hảo của một Người Tình lí tưởng. Dáng vẻ bên ngoài đẹp và buồn, cường tráng mà hào hoa; tâm hồn sôi nổi, nồng nhiệt mà vẫn dịu dàng, điềm đạm trước người yêu. Điều kì lạ là sự thay đổi này trái ngược hẳn với cách hình dung truyền thống mà vẫn tự nhiên và đầy sức thuyết phục. Có lẽ vì nhân vật đã được tắm trong thứ ánh sáng huyền diệu của tình yêu; được đặt vào một “lĩnh vực” mà sự phức tạp, bí ẩn, bất ngờ... mặc nhiên tồn tại! 
Hình tượng Thần Biển của Hoà Vang gắn liền với cả một thế giới cảm xúc yêu đương nồng nàn, mê đắm. Từ những rung động đầu tiên nơi nguồn suối, những nhớ nhung cồn cào ngoài biển cả, niềm hân hoan lúc lên đường đến Phong Châu, nỗi bồn chồn, khắc khoải đợi phút giây gặp mặt... cho đến cảm giác bàng hoàng và nỗi đau đớn âm thầm, dữ dội khi để mất người yêu. Trái tim chàng cháy rực ngọn lửa tình yêu có thể làm sôi sục ba tầng nước của Thuỷ Tinh cung. Bị nỗi đau khổ, nhớ thương giày vò, hành hạ, nếu có một phút giây chàng không kiềm chế được nỗi đau và “điên cuồng triển hết sức mình động biển”, thì cơn hồng thuỷ ấy sẽ tức khắc biến núi Tản, Phong Châu... thành “nghìn trùng sóng vỗ mãi mãi”. Nhưng chưa bao giờ Thuỷ Tinh có mặt trong những cuộc báo thù của muôn loài thuỷ tộc vì nỗi sợ này: “Tôi sẽ mất em, nỗi nhớ em, lòng mong muốn hướng về em, mất hết, mất vĩnh viễn...”. Chỉ cần được nhớ thương, thậm chí đau khổ vì nỗi thương nhớ ấy, đối với chàng, cũng đã là hạnh phúc. 
Ngay trong cuộc trùng phùng mà Thuỷ Tinh ngày đêm mong ước, thậm chí coi đó là niềm hi vọng để sống – chàng vẫn một niềm gìn giữ, trân trọng hạnh phúc của người con gái mình yêu thương. Vì sự thanh thản của tâm hồn nàng, chàng có thể hi sinh mọi khát khao của riêng mình. Theo lời Mị Nương, chàng quay về biển cả, để nuôi giữ ngọn Hoả Tâm nồng ấm cho đại dương mãi “trong sạch, phóng khoáng, quyến rũ, tràn đầy tình yêu”... Ngòi bút Hoà Vang đã “khai sinh” một Thuỷ Thần hoàn toàn mới - biểu tượng của người tình lí tưởng.
2.3. Mị Nương
Trong mẫu gốc, Mị Nương chỉ được giới thiệu như một “nguyên cớ đẹp” dẫn đến cuộc giao tranh của hai vị thần hùng mạnh. Các tác giả truyện ngắn trung đại cũng không chú ý miêu tả nhân vật này. Đến truyện Nôm, nhan sắc Mị Nương bắt đầu được phác họa bằng những nét vẽ ước lệ quen thuộc: “Thanh tân đòi một, phi phương vẹn mười/ Nhìn xem nhan sắc tốt tươi/ dáng đi thêm não, miệng cười thêm say... Nhạn sa trước mặt, phượng thời bên sau”(Chàng chuối).  Trong Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp, Mị Nương hiện lên với dáng điệu thơ ngây, kiều diễm của nàng công chúa được yêu chiều; nét u buồn lúc phải từ biệt vua cha; vẻ đáng yêu khi “than thở” về cuộc chiến quyết liệt kia: “Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu, Nhưng thật dễ thương “Ôi! Vì ta!”... Nhưng “cốt lõi” của nhân vật thì vẫn không thay đổi so với “nguyên trạng” trong mẫu gốc.
Vì thế, đối với Hoà Vang, Mị Nương như khối ngọc còn ẩn mình trong đá. Và tay thợ tài hoa ấy đã dồn cả tài năng, tâm huyết để tạc nên một hình tượng Mị Nương của riêng mình. Nàng đích thực là người con gái của nước Việt xưa: nết na, hiền thục, vâng theo khuôn phép, một niềm trong bổn phận làm con, làm vợ. Mị Nương trọng chồng, tin chồng, nhất nhất chiều theo mọi sự sắp đặt của chồng. Nhưng tâm hồn nàng đã không hoàn toàn “yên ngủ” trong cuộc sống “tuyệt vời hạnh phúc, mẫu mực”. Mị Nương vẫn ấp ủ trong lòng những “chút riêng nhỏ âm thầm” mà ngay cả vị Thần Núi khôn ngoan, đầy thiên lương cũng không thấu hết. Nàng nhớ tuổi hoa niên, thèm sống lại những khoảnh khắc trong ngần, phóng khoáng giữa thiên nhiên - sống thực với mình, không bị kiềm toả bởi lễ nghi, địa vị. Không biết Hoà Vang có từng nghe kể về nguồn gốc trò bách nghệ khôi hài của mấy làng thôn dưới chân núi Tản: một lần Mị Nương về Phong Châu mãi không trở lại, Sơn Tinh phải đi đón, dọc đường về núi dân các làng múa hát để nàng khuây khoả nỗi nhớ nhà. Nhưng nhà văn đã mượn nỗi nhớ thương muôn thủa ấy trong lòng những người con gái lấy chồng xa (Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều; Chiều chiều ra đứng bờ sông/ Muốn về quê mẹ mà không có đò...) để mở ra thế giới tâm hồn phong phú, tinh tế của nhân vật này. Đó cũng là cách Hoà Vang tiếp nối dòng cảm hứng ngợi ca sức sống của nhân tính và sức hút mãnh liệt của nhân thế (Từ Thức quay trở lại cõi đời, Sa Tăng thèm sống cuộc đời trần thế, Bụt mệt và cạn kiệt sức lực cũng không muốn xa rời con người dẫu họ còn tăm tối, tham lam...).
Cùng với nỗi nhớ nhà, còn có sự thức dậy của những khao khát vô hình mà chính Mị Nương cũng khó lòng nhận diện. Nó tồn tại trong vô thức, tự thủa nàng còn là cô bé con, hồn nhiên trong niềm vui trẻ thơ, cất lên tiếng hát giữa lòng con suối đầu nguồn. Trong nỗi khát khao tìm lại dòng suối tuổi thơ, ai bảo không có niềm hi vọng gặp lại hình bóng Thuỷ Tinh? Sao nàng có thể cảm biết và sẵn sàng đón nhận một vòng tay ôm xiết, nồng nàn ẩn trong làn nước; nghe thấu được nhịp đập gấp gáp của một trái tim bồi hồi nơi đáy suối? Nàng cũng không hề ngạc nhiên hay sợ hãi khi Thuỷ Tinh bất ngờ hiện lên giữa dòng suối. Dù đã bao năm tận mắt chứng kiến cuộc báo thù hung bạo của thuỷ thần, nhìn thấy người đời vẽ “tên chúa trùm nạn lụt” với bộ mặt xanh lét, đôi mắt ti hí gian xảo, đầu úp một con ốc vặn xoắn hèn mọn..., nàng vẫn nhận ra con người thực của Thuỷ Tinh “chàng trai tuyệt vời đẹp và buồn”. Tiếng gọi thốt lên từ đáy lòng sau bấy nhiêu thời gian xa cách đã để lộ tình yêu mà nàng từng giấu kín với cả bản thân mình! 
Trong tình yêu Thuỷ Tinh, Mị Nương đã tìm lại trọn vẹn bản thân mình nhưng nàng chưa từng có ý nghĩ vượt qua một ranh giới nào của khuôn phép.. Nàng ngỡ mình sẽ chẳng bao giờ phải sống trong cảm giác có lỗi với người chồng mẫu mực. Thuỷ Tinh cũng không hề muốn làm xáo trộn cuộc sống êm đềm, hạnh phúc của nàng. Nhưng sau cuộc gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi kia “nàng đã không thể sống như đã sống”. Bất chấp ý thức về bổn phận và khuôn phép, trái tim Mị Nương cứ thầm lặng, riêng tư theo lời ước hẹn. Nàng không thể có được sự bình yên như cũ nhưng cuộc sống của nàng phong phú hơn, đẹp hơn, giàu ý nghĩa hơn. Nàng đón đợi những hạt mưa Thuỷ Tinh trong vắt bên khuôn cửa sổ. Và ngay trong những vách gỗ của lâu đài Thần Núi, nàng âm thầm lắng nghe tiếng vọng rì rầm của muôn ngàn con sóng “nghe, mà cồn cào tưởng đến biển, mà khát khao được thấy biển một lần”. Để rồi cuối cùng, tâm hồn Mị Nương thăng hoa trong khát vọng tình yêu, tìm về với Biển... Phải nói, đây là một trong những trang viết đậm chất cổ tích nhất, mà cũng hiện đại nhất của Hoà Vang. Quan sát nhân vật Mị Nương mà ông tạo dựng, tôi cứ liên tưởng đến người thiếu phụ trong Những cây cầu ở quận Ma-đi-xơn - với sự phân thân trong từng tháng năm gắng dung hoà giữa tình yêu và bổn phận. Họ đều hi sinh để làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ nhưng ngọn lửa tình yêu chưa bao giờ tàn lụi trong sâu thẳm tâm hồn. Nó nâng họ lên một tầm vóc khác, trao cho họ một sự sống bất tử.
3. Sức mạnh của lời kể 
Truyện dân gian, do tính truyền miệng nên lời kể đóng vai trò thứ yếu. Những thần thoại, truyền thuyết được “ghi chép” lại trong các tác phẩm văn học viết trung đại lại thường cô đúc đến mức khô xác, đánh mất vẻ đẹp trong trẻo, tươi mới của buổi ban đầu. Nhiều bản kể trang trọng nhưng khô héo như một thứ “xác ướp của mĩ nhân”. Đúng là sự biến đổi từ truyện thành thần tích. Nó làm tăng cái chất “thật” cho truyền thuyết nhưng lại làm mất đi sức quyến rũ của lời kể hồn nhiên, chất phác.
Trong STNNĐT, Hoà Vang mang lại ánh sáng lung linh cho cốt truyện mới bằng lời kể giàu chất thơ, giàu cảm hứng lãng mạn. Ông không ngại ngần dùng lối nói du dương, những câu văn nhiều vần điệu có khả năng hồi sinh tư duy hồn nhiên, lãng mạn của người đọc, đưa họ về với tuổi hoa niên, yêu và xúc động trước “những lời có cánh” như mạch nước trong ngần, mát lành, róc rách... Nhiều câu văn, đoạn văn cứ ngân nga mãi trong lòng người: “Mị Nương đã thầm lặng, riêng tư theo lời ấy. Và đó chính là nguồn gốc của những giọt mưa thu thánh thót ngoài hiên, đem cái se lạnh gợi nhớ để tôn thêm giá trị cái ấm áp của những ai đang trong khuôn cửa. Độ phong sương trong vắt của tiết giao mùa kề bên mái ấm, thế thôi”; “Biển mênh mông, xanh thắm đến tận mí trời, cợn lên những cụm hoa trắng muốt, trải đến tận bờ đón ngọn gió nhỏ. Những tiếng rì rào, khe khẽ, lặn vào tịch mịch vô biên”...
Giọng kể trong STNNĐT cũng vang lên với nhiều cung bậc, nhiều âm sắc. Có chất giọng khi thì sôi nổi, nồng nàn; khi trầm buồn, khi thiết tha của người tình Thuỷ Tinh. Có giọng điệu trầm tĩnh, ấm áp của một Sơn Tinh trí tuệ và bao dung; có giọng điệu vừa trẻ trung, thơ ngây, nũng nịu vừa đằm thắm của nàng công chúa nền nếp, đoan trang – biết mình yêu và được yêu. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là giọng của người kể chuyện với tấm lòng trẻ thơ đã làm sống dậy những cảm xúc trong sáng, mơ mộng và tạo nên một thế giới cổ tích hoàn hảo.
C. Kết luận :
Ra đời từ rất xa xưa, STTT là sản phẩm của tư duy hồn nhiên, thô mộc mà  vẫn luôn có sức hấp dẫn, sức khơi gợi cảm hứng sáng tạo mãnh liệt. Dựa trên những “gợi ý” của tác giả dân gian, Hoà Vang đã khám phá những vấn đề muôn thủa, đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người hôm nay. 
Văn học dân gian là nguồn cung cấp chất liệu cho văn học viết nhưng cũng là di sản cần được liên tục hồi sinh, cần được “trợ giúp” để băng qua khoảng cách của thời đại. Người cầm bút hiện đại phải góp phần đắc lực để những tài sản tinh thần quí giá ấy chẳng những được gìn giữ mà còn giàu có và phong phú hơn. STNNĐT của Hoà Vang là một minh chứng cho cội nguồn làm nên dòng chảy bất tận này: “Em ơi em! Em có biết vì sao người đời thích truyền cho nhau những câu chuyện cổ? Chỉ vì mỗi đời có thể thêm vào đó những gì chưa có hôm qua”(Chế lan Viên). 

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020