MỐI QUAN HỆ VĂN - SỬ NHÌN TỪ TƯƠNG QUAN
NAM ÔNG MỘNG LỤC VÀ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ
PGS.TS. NGUYỄN HỮU SƠN
Viện Văn học
1. Từ mười năm nay chúng ta đã có được văn bản Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) với đầy đủ nguyên bản chữ Hán gồm 31 thiên truyện và phần phiên âm, dịch nghĩa, chú giải(1). Nói riêng mối quan hệ văn - sử ở tác phẩm Nam Ông mộng lục vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn thảo: Tương quan giữa Nam Ông mộng lục với bộ sử chính thống Đại Việt sử ký toàn thư (1479)(2). Tương quan giữa Nam Ông mộng lục với các nguồn thư tịch khác dưới thời trung đại. Cấu trúc văn bản, nội dung và hình thức nghệ thuật của mối quan hệ văn / sử trong chính tác phẩm Nam Ông mộng lục…
2. Giới hạn bàn về mối quan hệ văn - sử trong tương quan giữa tác phẩm
Nam Ông mộng lục với bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư, trước hết chúng tôi tập trung so sánh 31 thiên truyện của Hồ Nguyên Trừng với Đại Việt sử ký toàn thư nhằm xác định các khả năng trùng hợp hay khác biệt, giữ lại nguyên dạng hay có sự điều chỉnh, giản lược hay viết lại, bớt đi hay bổ sung, gia tăng các chi tiết, lời bình… Bảng thống kê sau đây cho biết những thiên truyện trong Nam Ông mộng lục (NOML) đồng thời có xuất hiện trong Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT). Qui ước trong mục sáchĐVSKTT: ký chú số La Mã chỉ số tập, số Ả Rập chỉ số trang. Trong mục Đặc điểm NOML có lời mô tả vắn tắt những đặc điểm cơ bản của tác phẩm văn học so với văn bản sách sử ĐVSKTT.
STT
|
Tên truyện
|
ĐVSKTT
|
Đặc điểm NOML
|
1
|
Nghệ vương thủy mạt藝王始末
|
|
|
2
|
Trúc Lâm thị tịch竹林示寂
|
II, 92
|
Nguyên dạng
|
3
|
Tổ linh định mệnh祖靈定命
|
II, 92
|
Viết lại
|
4
|
Đức tất hữu vị德必有位
|
|
|
5
|
Phụ đức trinh minh婦德貞明
|
II, 176
|
Nguyên dạng và thêm lời bình
|
6
|
Văn tang khí tuyệt聞喪氣絕
|
II, 42
|
Nguyên dạng
|
7
|
Văn Trinh ngạnh trực文貞鯁直
|
II, 152
|
Nguyên dạng và thay đổi trật tự chi tiết
|
8
|
Y thiện dụng tâm醫善用心
|
|
|
9
|
Dũng lực thần dị勇力神異
|
I, 248-249
|
Trích đoạn, viết lại
|
10
|
Phu thê tử tiết夫妻死節
|
II, 218
|
Nguyên dạng và thêm lời bình
|
11
|
Tăng đạo thần thông僧道神通
|
|
|
12
|
Tấu chương minh nghiệm奏章明驗
|
II, 26
|
Nguyên dạng, khác chi tiết sống thêm 1 (và 2) kỷ
|
13
|
Áp Lãng chân nhân壓浪真人
|
|
|
14
|
Minh Không thần dị明空神異
|
I, 308-309
|
Viết lại, bổ sung
|
15
|
Nhập mộng liêu bệnh入夢療病
|
|
|
16
|
Ni sư đức hạnh尼師德行
|
|
|
17
|
Cảm kích đồ hành感激徒行
|
II, 72-73
|
Viết lại, giản lược, đảo trật tự chi tiết
|
18
|
Điệp tự thi cách叠字詩格
|
II, 66
|
Nguyên dạng, bài thơ khác 2 chữ, nối dài lời bình
|
19
|
Thi ý thanh tân詩意清新
|
|
|
20
|
Trung trực thiện chung忠直善終
|
|
|
21
|
Thi phúng trung gián詩諷忠諫
|
|
|
22
|
Thi dụng tiền nhân cảnh cú
詩用前人警句
|
II, 42
|
Bài thất ngôn hoàn chỉnh của Nguyễn Trung Ngạn có dẫn 2 câu thơ Sầm Lâu
|
23
|
Thi ngôn tự phụ詩言自負
|
II, 111
|
Nguyên dạng (thơ có 6 câu)
|
24
|
Mệnh thông thi triệu命通詩兆
|
II, 144
|
Nguyên dạng
|
25
|
Thi chí công danh詩志功名
|
II, 105
|
Nguyên dạng
|
26
|
Tiểu thi lệ cú小詩麗句
|
|
|
27
|
Thi tửu kinh nhân詩酒驚人
|
II, 172
|
Nguyên dạng và lược bỏ chuyện lấy của dân
|
28
|
Thi triệu dư khánh詩兆餘慶
|
|
|
29
|
Thi xứng tướng chức詩稱相職
|
II, 147
|
Bài thơ Trần Nghệ Tông khác 8 chữ. Có thêm thơ tứ tuyệt của Cung Tín
|
30
|
Thi thán trí quân詩歎致君
|
|
|
31
|
Quý khách tương hoan貴客相歡
|
|
|
|
|
|
|
3. Từ bảng thống kê trên đây và thực tế khảo sát tác phẩm có thể nhấn mạnh các đặc điểm sau.
3.1. Trong tổng số 31 thiên truyện trong Nam Ông mộng lục thì có tới 17 tác phẩm đồng thời xuất hiện cả trong Đại Việt sử ký toàn thư.
3.2. Có 2 thiên truyện liên quan trực tiếp đến dòng dõi tác giả. Truyện số 8- Y thiện dụng tâm kể về người ông bên ngoại Phạm Bân giữ chức Thái y lệnh là bậc lương y chân chính dưới triều vua Trần Anh Tông (1293-1314)... Truyện số 28- Thi triệu dư khánh kể về ông bên ngoại của Thái phụ là Nguyễn Thánh Huấn từng giữ chức Trung thư Thị lang dưới thời vua Trần Nhân Tông (1279-1293) đã có những câu thơ điềm báo để phúc lành cho con cháu… Cả hai truyện này đều không có trong Đại Việt sử ký toàn thư. Rất có thể đây là những truyện riêng tư và chỉ lưu truyền trong nội bộ gia tộc nên không được ghi chép trong sách sử.
3.3. Có 4 thiên truyện ghi chép truyện thời nhà Lý (1010-1224): số 9- Dũng lực thần dị; 11- Tăng đạo thần thông; 13- Áp Lãng chân nhân; số 14- Minh Không thần dị. Trong bốn thiên truyện này có một nửa, gồm truyện số 11- Tăng đạo thần thông ghi việc vua Lý Thái Tông (1028-1054) làm thơ ngợi ca thiền sư Giác Hải và đạo sĩ Thông Huyền; truyện số 13- Áp Lãng chân nhân kể về vị đạo sĩ ở cửa biển Thần Đầu có thể đi trên mặt nước… không thấy chép trong Đại Việt sử ký toàn thư.
3.4. Trong số 27 thiên truyện liên quan đến triều đại nhà Trần (1225-1400) - Hồ (1400-1406) có 7 truyện ghi chép các sự kiện dưới triều vua Nghệ Tông (1370-1372), làm Thượng hoàng từ 1373-1395), Duệ Tông (1373-1377), Phế Đế (1377-1388), Thuận Tông (1389-1398), Thiếu Đế (1399-1400), Hồ Hán Thương (1400-1406), Giản Định Đế (1407-1409) và cả những năm đầu triều Minh Thành Tổ (Trung Quốc), niên hiệu Vĩnh Lạc (1404-1424). Đây là khoảng thời gian mà tác giả đã sinh ra, trưởng thành, có thể từng chứng kiến hoặc được người đương thời biết đến và kể cho nghe. Các truyện này gồm: số 1- Nghệ vương thủy mạt ghi chép những việc làm tốt đẹp của vua Nghệ Tông; số 5- Phụ đức trinh minh ghi chép hành động nhân đức của bà chính phi Duệ Tông họ Lê; số 10- Phu thê tử tiết kể về người đàn bà họ Nguyễn chết theo chồng (Đầu mục Ngô Miễn); số 16- Ni sư đức hạnh kể lại đức hạnh của sư bà họ Phạm; số 21- Thi phúng trung gián kể về sự kiện Trần Nguyên Đán (1325-1390) làm thơ can gián vua; số 27- Thi tửu kinh nhân kể chuyện Hồ Tông Thốc có tài uống rượu, làm thơ; số 29- Thi xứng tướng chức chép việc Nghệ Tông khi mới làm Tướng quốc đã có bài thơ tiễn sứ giả nhà Nguyên... Trong số này có 4 truyện (số 5, 10, 27, 29) xuất hiện ở cả hai văn bản.
3.5. Trong số 17 truyện xuất hiện ở cả hai văn bản, thứ tự các thiên truyện ở Nam Ông mộng lụckhông trình bày theo trình tự thời gian, sự kiện, giai đoạn, triều đại như trong Đại Việt sử ký toàn thư. Mỗi truyện được coi như những phiến đoạn tác phẩm độc lập, không tuân theo hệ thống chủ đề, không phân loại theo thứ bậc quan tước… Tuy nhiên, có những phần ghi chép liên tục trong Đại Việt sử ký toàn thư lại được chia thành hai truyện xếp liền kề trong Nam Ông mộng lục (Truyện số 2- Trúc Lâm thị tịch và truyện số 3- Tổ linh định mệnh). Khác biệt hơn, cũng có những phần ghi chép liên tục trong Đại Việt sử ký toàn thư nhưng trong Nam Ông mộng lục lại chia thành hai truyện độc lập và xếp cách xa nhau (Truyện số 6- Văn tang khí tuyệt và truyện số 22- Thi dụng tiền nhân cảnh cú).
3.6. Rõ ràng Nam Ông mộng lục có chép nhiều nhân vật, sự kiện và các bài thơ trùng lặp đến từng câu chữ với những ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Chỉ có thể giải thích hiện tượng này theo ba khả năng: hoặc Hồ Nguyên Trừng đã trích dẫn, ghi chép một số truyện theo Đại Việt sử ký toàn thư (và ngược lại), hoặc cả hai cùng dựa theo một nguồn thư tịch nào đó… Xin nói thêm, khi khảo sát Đại Việt sử ký toàn thư, chúng tôi thấy năm lần sách này chép thơ Hồ Quý Ly mà sao không thấy Hồ Nguyên Trừng nhắc đến? Lần thứ nhất Hồ Quý Ly có hai câu thơ gửi cho Ngự sử Đại phu Đỗ Tử Trừng vào năm Tân Mùi (1391); lần thứ hai có bài ngũ ngôn bốn câu ép chết Nguyên Quân Trần Thuận Tông vào năm Kỷ Mão (1399); lần thứ ba có ba câu thơ trong một bài thơ răn dạy các con Hồ Hán Thương và Hồ Quý Ly, và lần thứ tư có bài thất ngôn bát cú ban tặng Tuyên phủ sứ Nguyễn Ngạn Quang đều vào năm Ất Dậu (1405); lần thứ năm có bài thơ năm dòng bốn chữ do chiêm bao thấy thần nhân ngâm nga vào năm Bính Tuất (1406)(3)… Theo lẽ thường, chắc chắn Hồ Nguyên Trừng phải thuộc thơ cha và nhớ rõ những sự kiện mà cha mình đã làm trong những năm ở ngôi Hoàng đế. Vậy mà ông lại không một lần nhắc đến những bài thơ này? Hoặc ông có nhớ nhưng vì sống trên đất nhà Minh nên chủ ý không viết?
4. Trên cơ sở định lượng 17 truyện trong Nam Ông mộng lục cùng xuất hiện trong Đại Việt sử ký toàn thư, chúng tôi thấy có 7 truyện hầu như tương đồng, được chép nguyên dạng (số 2, 6, 7, 12, 23, 24, 25); có 4 truyện được viết lại với mức độ nhiều ít khác nhau, có gia giảm, sắp xếp lại câu chữ (số 3, 9, 14, 17); có 3 truyện nối thêm lời bình (số 5, 10, 18); có 1 truyện trích đoạn, giản lược và viết lại (số 9); có 2 truyện đầy đủ, hoàn chỉnh hơn (số 22, 29)… Sau đây sẽ minh chứng tương quan Nam Ông mộng lục - Đại Việt sử ký toàn thư qua những trường hợp tiêu biểu nhất.
4.1. So sánh loại ghi chép nguyên dạng, tương đồng giữa hai văn bản. Chẳng hạn, truyện số 2-Trúc Lâm thị tịch:
“陳氏第三代王曰仁王既傳位世子乃出家修行刻苦精進蕙解超脫為一方祖師庵居安子山紫宵峰自號竹林大士其姊號曰天瑞多失婦道大士在紫宵聞姊病亟乃下山往視謂天瑞曰姊若時至自去見冥間問事則應曰願少待我弟竹林大士且至言訖還山數日至庵分付弟子後事奄然坐化天瑞亦以是日卒.- Trần thị đệ tam đại vương viết Nhân vương, ký truyền vị thế tử, nãi xuất gia tu hành, khắc khổ tinh tiến, tuệ giải siêu thoát, vi nhất phương tổ sư. Am cư Yên Tử sơn, Tử Tiêu phong, tự hiệu Trúc Lâm Đại sĩ. Kỳ tỉ hiệu viết Thiên Thụy, đa thất phụ đạo. Đại sĩ tại Tử Tiêu văn tỉ bệnh cức, nãi hạ sơn vãng thị, vị Thiên Thụy viết:
- Tỉ nhược thời chí, tự khứ, kiến Minh gian vấn sự tắc ứng viết: “Nguyện thiếu đãi, ngã đệ Trúc Lâm Đại sĩ thả chí!…
Ngôn ngật hoàn sơn. Sổ nhật chí am, phân phó đệ tử hậu sự, yểm nhiên tọa hóa. Thiên Thụy diệc dĩ thị nhật tốt”.
(Đời vương thứ ba của họ Trần là Nhân vương, khi đã truyền ngôi cho thế tử bèn xuất gia tu hành, khắc khổ tinh tiến, tuệ giải siêu thoát, là sư tổ của một phương. Ngài dựng am trên đỉnh Tử Tiêu, núi Yên Tử, tự gọi mình là Trúc Lâm Đại sĩ. Chị của ngài là Thiên Thụy làm nhiều việc trái đạo vợ chồng. Đại sĩ trên đỉnh Tử Tiêu được tin chị ốm nặng bèn xuống núi thăm. Ngài bảo Thiên Thụy:
- Nếu như hạn của chị đã đến thì chị cứ đi đi. Khi gặp Minh tào hỏi gì thì chị đáp rằng, xin đợi một chút, Trúc Lâm Đại sĩ em tôi sẽ đến.
Nói xong, ngài về núi. Vài ngày sau thì tới am, ngài dặn dò đệ tử việc hậu sự rồi an nhiên ngồi hóa. Cũng trong ngày hôm đó, Thiên Thụy qua đời)…
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, đoạn này được viết như sau: “時上皇出家居安子山之紫宵峰自號竹林大士其姊天瑞病蓽下山往視之謂曰姊若時至自去見冥間問事則應之曰願少待我弟竹林大士且至言訖還山嘱侍者法螺以後事奄然坐化天瑞亦以是日薨.- Thời Thượng hoàng xuất gia cư Yên Tử sơn chi Tử Tiêu phong, tự hiệu Trúc Lâm Đại sĩ. Kỳ tỉ Thiên Thụy bệnh tất, hạ sơn, vãng thị chi vị viết:
- Tỉ nhược thời chí tự khứ, kiến Minh gian vấn sự tắc ứng chi viết: Nguyện thiểu đãi, ngã đệ Trúc Lâm Đại sĩ thả chí.
Ngôn ngật, hoàn sơn, chúc thị giả Pháp Loa dĩ hậu sự, yểm nhiên tọa hóa. Thiên Thụy diệc dĩ thị nhật hoăng”.
(Bấy giờ Thượng hoàng xuất gia, tu ở ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm Đại sĩ. Bà chị là Thiên Thụy ốm nặng, Thượng hoàng xuống núi, tới thăm và bảo:
- Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, thấy âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm Đại sĩ sẽ đến ngay.
Nói xong, Thượng hoàng trở về núi, dặn dò người hầu là Pháp Loa các việc về sau, rồi bỗng nhiên ngồi mà hóa. Thiên Thụy cũng mất vào hôm đó)(4)…
So sánh thì thấy diễn biến các sự kiện, chi tiết, lời đối thoại ở hai bản truyện đều tương tự nhau. Tuy nhiên, truyện trong Nam Ông mộng lục có ý chê trách phẩm cách Thiên Thụy “làm nhiều việc lỗi đạo vợ chồng” trong khi ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư lại lược bỏ đi; mặt khác lại nhấn mạnh vai trò của đệ nhị tổ Pháp Loa với tư cách người được Thượng hoàng dặn dò công việc hậu sự. Điều này cho thấy ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư có phần khoan dung, tôn vinh, coi trọng dòng tộc nhà Trần hơn so với tác giả Nam Ông mộng lục.
- Truyện số 6 - Văn tang khí tuyệt:
“陳太王女號曰韶陽方坐蓐時王已旬月不豫數遣人起居左右紿曰王已平復無事至棄世日忽聞鍾聲連響曰得非不諱事耶左右紿之不聽乃慟哭長號氣絕暝目而逝. - Trần Thái vương nữ hiệu viết Thiều Dương, phương tọa nhục thời, Vương dĩ tuần nguyệt bất dự. Sác khiển nhân khởi cư, tả hữu đãi viết: “Vương dĩ bình phục vô sự”. Chí khí thế nhật, hốt văn chung thanh liên hưởng, viết: “Đắc phi bất húy sự da?”. Tả hữu đãi chi, bất thính, nãi đỗng khốc trường hào, khí tuyệt, minh mục nhi thệ”. (Con gái Trần Thái vương hiệu viết Thiều Dương, khi mới ở cữ thì Thái vương ốm đã mười tháng rồi. Bà nhiều lần sai người đến vấn an nhưng họ đều nói dối: “Vương đã bình phục, không sao cả”… Đến hôm vương mất, bà bỗng nghe có tiếng chuông đổ hồi, hỏi: “Há chẳng phải vương qua đời chăng?”. Người hầu lại nói dối. Bà không nghe, rồi khóc thương, kêu gào đến đứt hơi, mắt nhắm lại mà đi)…
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, đoạn này được viết như sau: “上皇崩之日韶陽公主(上皇次女名翠也)方坐蓐忽聞鍾聲連響曰得非不諱耶左右紿之不聽乃慟哭長號暝目而逝先是上皇弗豫公主時已嫁上位文興侯(缺名)數遣人問起居左右皆以平復無事對及聞鐘聲慟哭長號而逝國人傷之.- Thượng hoàng băng chi nhật, Thiều Dương công chúa (Thượng hoàng thứ nữ danh Thúy dã) phương tọa nhục hốt, văn chung thanh liên hưởng, viết: “Đắc phi bất húy da”. Tả hữu đãi chi chi bất thính, nãi đỗng khốc trường hào, minh mục nhi thệ. Tiên thị Thượng hoàng phất dự. Công chúa thời dĩ giá Thượng vị Văn Hưng hầu (khuyết danh), sác khiển nhân vấn khởi cư. Tả hữu giai dĩ bình phục vô sự. Đối cập văn chung thanh đỗng khốc trường hào nhi thệ. Quốc nhân thương chi” -(Hôm Thượng hoàng băng, công chúa Thiều Dương - con gái thứ của Thượng hoàng tên là Thúy - đương ở cữ, bỗng nghe tiếng chuông liên hồi, mới hỏi: Có thể nào không phải là tin dữ chăng?. Những người hầu bên cạnh nói dối nhưng công chúa không nghe, cứ thương khóc, kêu gào, mắt nhắm nghiền rồi mất. Trước đó, Thượng hoàng không khỏe. Lúc đó công chúa đã lấy Thượng vị Văn Hưng hầu (khuyết danh), công chúa nhiều lần sai người đến thăm hỏi. Những người hầu cạnh đều trả lời là Thượng hoàng đã bình phục, không việc gì. Đến khi nghe tiếng chuông, thương khóc kêu gào mãi rồi mất. Người trong nước ai cũng thương)(5).
So sánh thì thấy cách ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư cụ thể, chính xác hơn (nói rõ con gái Thượng hoàng tên là Thúy, người chồng là Văn Hưng hầu và việc người trong nước ai cũng thương xót). Tuy nhiên sách này lại ghi chép dài dòng, trùng lặp, không ngắn gọn, trau truốt bằngNam Ông mộng lục.
4.2. So sánh loại ghi chép trong Nam Ông mộng lục đầy đủ, hoàn chỉnh hơn so với Đại Việt sử ký toàn thư. Chẳng hạn, truyện số 29- Thi xứng tướng chức: “陳藝王初為相時有送元使詩雲安南老相不能詩空對金樽送客歸圓傘山高瀘水碧遙瞻玉節五雲飛其弟恭信性文雅好詩畫後為右相亦有尋幽詩云槁七八重虹宛轉水東西折綠縈迴不因看石尋梅去安得昇平宰相來. - “Trần Nghệ vương sơ vi tướng thời hữu 'Tống Nguyên sứ' thi vân:
An Nam lão tướng bất năng thi,
Không đối kim tôn tống khách qui.
Viên Tản sơn cao, Lô thủy bích,
Dao chiêm ngọc tiết ngũ vân phi.
Kỳ đệ Cung Tín tính văn nhã, hiếu thi họa, hậu vi Hữu tướng, diệc hữu “Tầm u” thi vân:
Cảo thất bát trùng hồng uyển chuyển,
Thủy đông tây chiết lục oanh hồi.
Bất nhân khán thạch tầm mai khứ,
An đắc thăng bình Tể tướng lai”.
(Khi Trần Nghệ vương mới làm Tướng quốc có bài thơ Tống Nguyên sứ như sau:
An Nam lão tướng chẳng hay thơ,
Không lẽ trà suông buổi tiễn đưa.
Núi Tản Viên cao Lô thủy biếc,
Vời trông cờ tiết dẫn mây về.
Em của ông là Cung Tín, tính tình uyển chuyển, nhã nhặn, thích làm thơ và vẽ, về sau làm Hữu Tướng quốc cũng có bài thơ Tầm u (Tìm chốn u nhàn) như sau:
Mấy lớp cầu vồng thâm thấp xây,
Nao nao dòng biếc rẽ đông, tây.
Không vì thưởng thức mai cùng đá,
Ai dễ đưa quan đến chốn này)
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, đoạn này được viết như sau:“有相國恭定王頫作詩餞之曰安南宰相不能詩空把茶甌送客歸圓傘山青瀘水碧隨風直入五雲飛諒謂頫必有國後果如其言. - Hữu Tướng quốc Cung Định vương Phủ tác thi tiễn chi viết:
An Nam tể tướng bất năng thi,
Không bả trà âu tống khách qui.
Viên Tản sơn thanh, Lô thủy bích,
Tùy phong trực nhập ngũ vân phi.
Lượng vị Phủ tất hữu quốc. Hậu quả như kỳ ngôn”.
(Hữu tướng quốc Cung Định vương Phủ làm thơ tiễn ông ta [sứ Ngưu Lượng - NHS chú]:
An Nam tể tướng chẳng thơ hay,
Chỉ có bình trà tiễn khách đây.
Tản Viên non xanh, Lô nước biếc,
Xin bay theo gió với năm mây.
Lượng bảo Phủ ắt sẽ làm vua. Sau quả như lời ông ta nói)(6)…
So sánh thì thấy lời mở đầu thiên truyện trong Nam Ông mộng lục nói rõ Trần Nghệ Tông tiễn sứ giả, làm thơ khi mới là tướng và nối thêm một bài thơ tứ tuyệt của người em là Cung Tín. Trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng không thấy chép bài thơ nào của Cung Tín. Trong trường hợp này, bên cạnh chủ đích khác nhau, những ghi chép của tác giả Nam Ông mộng lục dường như kỹ lưỡng, đầy đủ hơn và có thể dựa vào một nguồn tư liệu nào đó khác biệt hơn so với Đại Việt sử ký toàn thư.
5. Kết luận
Trên cơ sở so sánh định lượng các thiên truyện trong Nam Ông mộng lục và những ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư có thể thấy một sự tương đồng, đồng dạng ở mức độ cao. Xét trong tổng số 16 thiên truyện tương đồng thì thấy dù có thêm bớt đôi ba chi tiết hay sự xuất nhập một số câu chữ thì về cơ bản chúng vẫn giống nhau đến mức khó tin đây là những văn bản có nguồn gốc và cách viết độc lập với nhau. Có khả năng nhiều hơn là cả hai đã cùng sử dụng theo một nguồn tư liệu nào đó. Điều này cho thấy khả năng giao thoa, xuất nhập, chuyển hóa văn bản giữa tác phẩm văn học và sử học, đồng thời cho thấy hiện trạng “văn - sử bất phân” là một thực tế trong nhiều tác phẩm văn học và thư tịch dưới thời trung đại.
Chú thích:
(1) Hồ Nguyên Trừng: Nam Ông mộng lục (Ưu Đàm - La Sơn soạn dịch, chú giải; Nguyễn Đăng Na giới thiệu). Nxb. Văn học, H. 1999, 208 trang. Các trích dẫn tác phẩm đều theo sách này.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư. Bản in Nội các quan bản, 1697, 4 tập. Nxb. KHXH, H. 1998.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II. Sđd, tr.182, 196, 210, 213.
(4) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.92.
(5) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.42.
(6) Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.147./.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 6(97) 2009; Tr.3-9