Văn học Việt Nam trung đại

KHI NHÂN CÁCH LỚN BỊ HOÀI NGHI: GIẢI ĐỌC HAI BÀI THƠ “GIẢI TRÀO” CỦA NGUYỂN BỈNH KHIÊM


11-10-2020

KHI NHÂN CÁCH LỚN BỊ HOÀI NGHI: GIẢI ĐỌC HAI BÀI THƠ “GIẢI TRÀO” CỦA NGUYỂN BỈNH KHIÊM

 

TS. NGUYỄN THANH TÙNG

Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội

 

Cho đến nay, khi tiểu sử - sự nghiệp Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) vẫn còn bị bao phủ bởi những sự “tương truyền”, huyền thoại, giai thoại, đặc biệt là sau sự ra đời của Bạch Vân Am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt phả ký (Vũ Khâm Lân, 1743-1744), thì việc khai thác thông tin trong chính thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm trở nên vô cùng quan trọng nhằm tiến tới hiểu đúng về ông và thời đại ông hơn. Điều đó dường như đã được thực hiện phần nào(1) và việc làm của chúng tôi ở đây chỉ là sự tiếp nối.

Trong số hàng trăm bài thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện còn, chúng tôi đặc biệt chú ý đến hai bài thơ  “giải trào” (biện giải việc bị chế giễu) của ông. Hai bài thơ chỉ báo những điều khá đặc biệt về dư luận “trái chiều” đương thời đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm: ông bị chế giễu, đùa cợt (trào). Điều đó khác hẳn với những gì chúng ta vẫn biết về “công luận” dành cho Nguyễn Bỉnh Khiêm từ trước đến nay: rặt những lời ca tụng, tán dương hoặc chí ít là im lặng. Vậy, ông đã bị chế giễu bởi điều gì và ông đã biện giải lại như thế nào? Đáp án của những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn đa chiều và sâu hơn về sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đồng thời cũng hiểu biết sâu sắc hơn về nhân sinh quan, bản lĩnh của ông trước thế cuộc. Bài viết này vận dụng phương pháp “tiếp cận liên văn bản” (intertextual approach) và “đọc sâu” (close reading) để “giải đọc” hai bài thơ ngõ hầu giải quyết phần nào những vấn đề đã nêu.

1. “Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn…” (Bảo kính cảnh giới)

Thông tin về việc Nguyễn Bỉnh Khiêm bị chế giễu phần lớn nằm trong tiêu đề của hai bài thơ (có vẻ như đó không phải tiêu đề bình thường mà là lời tiểu dẫn của chính Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau này được lấy làm tiêu đề của 2 bài thơ) sau: Thời hữu Thái sư Doanh Quốc công Phùng Trường Lạc vi thi trào dư, dư nhân thi giải trào vân (Lúc bấy giờ có người lấy gương Thái sư Doanh Quốc công Phùng Trường Lạc làm thơ chế giễu ta, ta nhân [làm] thơ giải trào rằng) và bài Thời Kim Thành hữu nhân Nguyễn công dĩ điều vãng hốt lai trào dư, dư nhân phú nhất luật giải trào vân (Lúc bấy giờ có người bạn là Nguyễn công ở Kim Thành lấy việc ‘chợt đến chợt đi’ làm thơ đùa ta, ta nhân làm một bài thơ luật giải trào rằng)(2).

Trong bản in Bạch Vân am thi tập, không biết ngẫu nhiên hay hữu ý, hai bài này được xếp cạnh nhau, bài thứ nhất nằm trước bài thứ hai. Tuy nhiên, chúng ta hãy bắt đầu từ bài sau theo mức độ tăng tiến của sự chế giễu và mức độ công khai lai lịch của lời chế giễu. Ở bài này, sự chế giễu đến từ một “Nguyễn công” nào đó là bạn nhà thơ ở Kim Thành (một huyện ở phía đông Hải Dương, rất gần quê của Nguyễn Bỉnh Khiêm; về mặt lịch đại, có thể hai người xem là “đồng hương” Hải Dương). Nội dung chế giễu là việc “chợt đến chợt đi” (điều vãng hốt lai) nhiều lần. Đây không đơn giản chỉ là việc “đi”, “đến”. Đọc bài thơ có thể thấy, “đến” (lai) ở đây chính là “xuất”, là “hành” còn “đi” chính là “xử”, là “tàng”, là “ẩn” trong quan niệm của Nho gia. Vậy tại sao lại có chuyện “chợt đến chợt đi” nhiều lần như vậy? Những nghiên cứu mới nhất về tiểu sử Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như chính thơ văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm cho thấy, ông không chỉ làm quan có 8 năm sau đó về ẩn dật; dường như ông còn nhiều lần trở lại triều đình, tham gia “hỗ giá”, “tòng chinh” bày mưu tính kế [cho nhà Mạc], chưa đến 70 tuổi thì chưa về “trí sĩ” (Trung Tân quán ngụ hứng – bài 6) và đến 70 tuổi tưởng như ông đã chính thức “huyền xa” (xem bài Tự thuật,) nhưng cho đến tận năm 73 tuổi lại thấy ông nói mình mới về hưu thực sự (xem bài Qui lão ký Lại bộ Thượng thư Kế Khê bá, Xuân đán cảm tác). Việc các nhà nho, quan lại xưa về “trí sĩ”, “huyền xa”, “treo ấn từ quan”,… rồi lại được “triệu kiến”, “khởi phục”, “hỗ giá”, “tòng chinh”,… nhiều lần không phải là hiếm gặp. Câu thơ thứ hai trong bài thơ cũng cho thấy sự thực đó theo một cách khác (“Miệt mài uổng nhọc tấm thân già bệnh”). Nó cũng cho thấy bài thơ được làm khi Nguyễn Bỉnh Khiêm đã về tuổi xế chiều. Tuổi đã già nhưng vẫn “miệt mài” đi đi, về về. Hình ảnh “thoắt đi thoắt đến” trông bề ngoài dường như cho thấy một sự bươn bả, bon chen rất dễ đưa đến ấn tượng tức cười, tội nghiệp. Điều đó có vẻ đã khiến cho người bạn của ông buông lời chế giễu. Lời chế giễu ở đây đương nhiên có thể là không theo hướng tiêu cực, ác ý với tư cách là lời giễu của một người bạn “đồng hương” mà Nguyễn Bỉnh Khiêm cố ý nêu rõ tên tuổi, quê quán (so với bài thơ còn lại ông không nêu tên, xuất xứ của lời chế giễu), nhưng nó cũng phản ánh một sự ngạc nhiên, băn khoăn không cho là thường của người ngoài đối với sự “lật đật” đi-về của ông. Theo ý biện hộ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, có lẽ bạn ông giễu ông ở thiên hướng nhiều lần “đi” hơn là nhiều lần “đến”. Đó cũng có thể là những băn khoăn, ngờ vực bao trùm hơn, vừa trái ngược nhưng lại nhất quán: Tại sao ông không “đi” đi hẳn, “về” về hẳn? Vì những lý do gì? Có lẽ người ta không hiểu nổi, hiểu hết hành động của ông. Vì vậy, người ta cho là đáng giễu, đáng cười, đáng trêu. Quả là, sự “không trót” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho dù vì những lý do nào đi chăng nữa, cũng đã tạo ra sự dị nghị nhất định ngay trong những người bạn của ông đương thời. Và sự dị nghị còn nặng nề hơn ở những người hẳn không phải “bạn” ông, mà ông vô tình hoặc hữu ý không nêu rõ danh tính, xuất xứ, trước sự thành đạt và danh vọng của ông.

Điều đó được thể hiện rõ ở bài Thời hữu Thái sư Doanh Quốc công Phùng Trường Lạc…. Phùng Trường Lạc tức Phùng Đạo (882-954), tự Khả Đạo, hiệu Trường Lạc Lão, người Cảnh Thành, Doanh Châu (nay là Thương Châu, Hà Bắc) [vì thế mà tước của ông  đều có chữ Doanh], xuất thân trong một gia đình quý tộc, tuổi trẻ từng giúp việc Yên Vương Lưu Thủ Quang, sau làm quan trải các triều đại với 12 vị Hoàng đế: Hậu Đường (Trang Tông, Minh Tông, Mẫn Đế, Mạt Đế), Hậu Tấn (Cao Tổ, Xuất Đế), Hậu Hán (Cao Tổ, Ẩn Đế), Hậu Chu (Thái Tổ, Thế Tông); ngoài ra, khi đi sứ Đại Liêu, ông còn “xưng thần” với vua Thái Tông của nước này; làm quan trải các chức Tể tướng, Tam công, Tam sư. Ở triều Hậu Chu, ông được phong là Doanh Quốc Công, sau khi chết được truy phong là Doanh Vương, thuỵ Văn Ý. Tác phẩm của ông có Trường Lạc tập. Ông cũng viết bài “Trường Lạc lão tự tự” để tự truyện cuộc đời mình. Có thể nói, Phùng Đạo là một nhân vật lịch sử đầy vấn đề, gây nhiều tranh cãi trong việc đánh giá tài năng và đặc biệt là nhân cách. Người đương thời đã lấy nhân vật đặc biệt này để chế giễu Nguyễn Bỉnh Khiêm. Và Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nghiêm túc đáp lại chứ ông đâu có “đùa” khi việc đó đụng chạm trực tiếp đến nhân cách của ông!

Như ta biết, Phùng Đạo là một nhân vật có thể nói là nhân vật gồm đủ “ngũ phúc” (Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh), thọ 73 tuổi, làm quan trải 4 triều đại (12 vua), vinh hoa phú quý đều gần như tột đỉnh (Tể tướng, Quốc công – Vương), rất biết giữ mình. Người đương thời (thời Ngũ Đại) phần nhiều coi Phùng Đạo là “nguyên lão”, ngưỡng mộ danh vọng của ông. Người đời sau như Vương An Thạch (1021 - 1086) cũng rất hâm mộ ông. Ông cũng là người có tài chính trị, nhân ái, khoan hoà, cần kiệm, rất được lòng mọi người, nhất là bề trên. Những đặc điểm đó trong tiểu sử Phùng Đạo dường như cũng tương hợp với tiểu sử Nguyễn Bỉnh Khiêm: đỗ Trạng nguyên, làm quan trải 4 triều (Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp), chức Lại bộ Thượng thư, Thái phó, tước Trình Quốc công, được xem là người chủ trương “minh triết bảo thân”, “thời trung”,… Lời ca tụng của Lại bộ Thượng thư Kế Khê bá Giáp Hải trong một bài thơ gửi tặng Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân dịp ông lên thượng thọ 90 có thể là lời tổng kết đầy đủ nhất cho danh vọng cao ngất của ông đương thời:

Danh quán Nho gia lôi phấn địa,

Lực phù nhật cốc trụ kình thiên.

Tứ triều huân nghiệp nhân trung kiệt,

Cửu lão quang nghi thế thượng tiên.

(Tiếng tăm ông lừng lẫy làng nho như sấm rền mặt đất,

Năng lực của ông phò vua như cột chống đỡ trời.

Huân nghiệp trải bốn triều, ông là tài năng kiệt xuất giữa cõi người,

Dung nghi rực rỡ của tuổi chín mươi, ông khác gì vị tiên nơi trần thế).

Đấy là chưa kể, nếu theo giai thoại, ông còn là người chỉ vẽ, bày mưu tính kế cho không chỉ nhà Mạc mà còn cho cả họ Trịnh và họ Nguyễn. Nếu đó đúng là sự thật thì phải hiểu chữ “trung” trong quan niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm ra sao? Và nếu như ông có tầm nhìn xa, tài tiên tri xuất chúng như vậy thì ông đã dùng nó với mục đích gì? Những việc đó, nếu có, chẳng đã khiến người ta hoài nghi về chính kiến của ông hay sao?

Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến người đương thời so sánh ông với Phùng Đạo. Nhưng ở đây nếu chỉ dừng ở “so sánh” thì còn nhẹ. Nguyễn Bỉnh Khiêm nói rõ, họ “chế giễu” ông. Hẳn Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng biết rõ những dư luận rất không hay về Phùng Đạo. Theo một số tư liệu, ngay từ khi còn sống, Phùng Đạo cũng đã bị người đời chế giễu, đả kích. Tuy nhiên, Phùng Đạo không lấy đó làm điều, vẫn rất “tự đắc” với cách sống của mình mà bằng chứng là việc ông viết bài Trường Lạc lão tự tự. Ông càng tự đắc, an nhiên, người đời càng khinh bỉ ông. Nhiều “xú thoại” được tạo ra quanh ông. Sử gia chính thống đời sau, bắt đầu từ thời Tống với sự lên ngôi của tư tưởng Tống nho, thì cực kì khinh bỉ, miệt thị Phùng Đạo. Chẳng hạn, Âu Dương Tu (1007 - 1072) mắng Phùng Đạo là “không biết liêm sỉ” (bất tri liêm sỉ), Tư Mã Quang (1019 - 1086) coi ông là “đứng đầu đám gian thần” (gian thần chi vưu). Người ta còn coi ông là “ông phỗng thời loạn” và nhiều danh hiệu bất hảo khác. Nhìn chung, sự chỉ trích Phùng Đạo đều đứng trên quan điểm luân lý, đạo đức, nhân cách nghiêm khắc, phân minh thời trung đại.

Ở Việt Nam, thái độ với Phùng Đạo thống nhất hơn (chưa bàn đến trường hợp Nguyễn Bỉnh Khiêm) ở chỗ nó thường nghiêng về phía phê phán, chế giễu, thậm chí khinh bỉ. Chẳng hạn, Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) ở bài thơ hoạ thơ Phan Huy Ích trong tập Cúc thu bách vịnh viết:

Tự truyền Phùng Lạc đê Doanh Quốc,

Tài loát Chu nan bạc Thú Dương.

(Bài Trường Lạc lão tự của họ Phùng truyền lại hạ thấp cái tước Doanh Quốc công,

Tài lấn cả các công thần nhà Chu thì coi việc đi ẩn dật ở Thú Dương là không đáng trọng)

[Hoạ Trùng dương tiểu chước chi tác]

Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) trong bài Hành lạc từ (bài 2) cũng mỉa mai Phùng Đạo như sau:

Phùng Đạo vãn niên xưng cực quý,

Lịch triều bất ly khanh tướng vị.

Chung minh đỉnh thực cánh hoàn không,

Thiên tải đồ lưu Trường Lạc tự.

(Phùng Đạo tuổi già được tiếng là cực kỳ quý hiển,

Trải mấy triều vua không rời ngôi khanh tướng.

Tiếng chuông ngân, thức ăn trong vạc rút lại thành không,

Nghìn năm sau chỉ/uổng lưu lại bài “Trường Lạc tự”)

[Hành lạc từ, bài 2].

Đó là thái độ trực tiếp với Phùng Đạo. Còn có thái độ gián tiếp thông qua việc dùng ông để phê phán những nhân vật có vấn đề về nhân cách. Trong lịch sử Việt Nam, sau Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng có một nhân vật nữa bị ví như “Trường Lạc lão”; đó là Nguyễn Hoãn/Hoàn (1713 - 1792). Nguyễn Hoãn đỗ Tiến sĩ (việc đỗ đạt này cũng bị không ít dị nghị, bị cho là nhờ ông bố làm quan to), làm quan trải các chức Lại bộ Thượng thư, Tham tụng, Thái phó, Quận công, Quốc lão, sống dĩ hoà vi quý, a dua theo thời, cuối đời tu tập theo Đạo giáo. Người đương thời châm biếm Nguyễn Hoãn không ít. Chẳng hạn, “chỉ y a dựa theo ý của vua chúa, mà không có ý kiến riêng gì, cốt để củng cố quyền vị của mình” (Đăng khoa bị khảo)hoặc “chìm nổi theo đời, gặp việc thường dè chừng không quyết đoán” (Hoàng Lê nhất thống chí). Gặp buổi chính trị đổi thay, ông sẵn sàng lần lượt bỏ rơi cả chúa Trịnh lẫn vua Lê, môt mình tìm cách lẩn trốn thoát thân, lại còn giả bộ khóc lóc, làm cho Nguyễn Huệ cũng có mặt ở đó phải phá lên cười khinh bỉ (Lê sử toản yếu). Tương truyền, ông bị Đạo sĩ Phạm Tấu từ chối thẳng thừng khi ông đến cầu học Đạo thuật (Tang thương ngẫu lục)(3),v.v…

Những dư luận nặng nề như thế về Phùng Đạo cho thấy mức độ “nghiêm trọng” trong việc dùng “tấm gương” Phùng Đạo để chế giễu Nguyễn Bỉnh Khiêm. Việc chế giễu ở đây không còn chỉ là đùa, là dí dỏm theo nghĩa “thân thiện” nữa mà là một sự phê phán, chỉ trích thực sự, đặc biệt là về nhân cách. Có lẽ, người đương thời đã liên hệ những điểm “tương đồng” với Phùng Đạo ở Nguyễn Bỉnh Khiêm (như đã nói), đặc biệt là lối sống “dĩ hoà vi quý”, “minh triết bảo thân” (ngoài vụ dâng sớ chém 18 tên lộng thần mà chi tiết về vụ này vẫn còn chưa rõ), “thoắt đến thoắt đi”, hoặc “tiên vi thân mưu, hậu vi quân mưu” (trước hết là tính toán cho bản thân, sau mới mưu tính cho quân vương)(4),v.v… Tất nhiên, có người sẽ lập luận rằng những ý kiến chê bai Phùng Đạo, nếu để ý sẽ thấy, đều xuất hiện ở thế kỉ XVIII-XIX, khi mà ảnh hưởng của tư tưởng, luân lí học Tống Nho trở nên sâu đậm trong xã hội Đại Việt. Vì vậy, sự đánh giá về Phùng Đạo (và những nhân vật được so sánh với Phùng Đạo) ở thế kỉ XVIII-XIX trở nên nặng nề hơn trước. Còn đối với thế kỉ XVI thì phải nhìn bằng con mắt khác. Chúng ta không phủ nhận có thể có thực tế đó và trên thực tế khi đánh giá về Nguyễn Bỉnh Khiêm ta cũng nên nhìn bằng con mắt lịch sử như vậy. Đã có nhà nghiên cứu đã làm như vậy khi đặt vấn đề tìm hiểu lại chính tiểu sử của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngõ hầu hiểu hơn một “Nguyễn Bỉnh Khiêm - đời thường” khác với cái nhìn của Vũ Khâm Lân và người đời sau(5). Nhưng khi Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói ông bị “chế giễu” thì không thể lý giải đơn giản như vậy. Đọc những lời biện giải của ông với đầy ẩn ý và cả xúc cảm mạnh mẽ của ông, chúng ta cũng sẽ thấy, sự chế giễu theo hướng châm biếm, đả kích là có thực. Và trên thực tế thì cơ sở cho một cách đánh giá về Phùng Đạo (và Nguyễn Bỉnh Khiêm) theo hướng tiêu cực cũng đã có ở Đại Việt trước và cùng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo (kể cả Tống Nho) trong xã hội Đại Việt từ thế kỉ XIV-XV trở đi. Ngay trong sáng tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm, người ta cũng thấy không ít dấu ấn của tư tưởng Tống Nho với những diễn ngôn về “trung”, về “hiếu”, về “liêm sỉ”,v.v... Sáng tác của những nhà nho có thể xem như đương thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm (như Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan,… đặc biệt là nho thần Lê Trung hưng) cũng cho thấy điều đó.

Thêm nữa, việc xuất hiện những bài thơ chế giễu đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm lại cho thấy một thực tế khác, đó là không khí “cởi mở”, “dân chủ”, có phản biện đương thời. Nghiên cứu lịch sử thời Mạc, người ta thấy trong giai đoạn này những lời chỉ trích, châm biếm (thậm chí là chỉ trích vua) cũng không phải nhận sự trừng phạt(6), đè nén như những giai đoạn trước đó (điển hình là thời Lê Thánh Tông và các vua thời Lê sơ)(7). Điều đó tạo điều kiện cho những sự phê phán, châm biếm phát triển, đặc biệt trong thơ văn. Trong văn học đương thời, có thể tìm thấy hồi quang của không khí ấy qua một vài sáng tác trong Truyền kì mạn lục. Trong Hạng vương từ ký, Nguyễn Dữ phải chăng đã ám chỉ đến phong khí đương thời qua lời “cảm thán” của nhân vật Hạng Vương về “những lời phụ bạc” trong thơ ca của thế nhân. Trong Kim Hoa thi thoại ký, Nguyễn Dữ đã ghi lại những câu thơ “khắc bạc” chế giễu các nhân vật lịch sử và thậm chí chế giễu cả ông vua nổi tiếng đương thời là Lê Thánh Tông và nữ học sĩ nổi danh Ngô Chi Lan. Lời cảm thán của nhân vật Thái Thuận ở cuối truyện rằng: “Người đời nay thì khác hẳn, hễ không có giọng đong đưa, tất có giọng mỉa mai” cũng phản ánh sự phát triển sôi nổi của dư luận đương thời khiến cho nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn suy đoán rằng: “ta có căn cứ để giả định về một ‘dòng thơ’ phê phán những chuyện thâm cung bí sử ngay cả của Lê Thánh Tông mà tiếc rằng về sau, do việc nhà nho huyền thoại hoá triều đại của ông vua này nên đã cố tình che giấu”(8). Bản thân Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Dữ cũng chẳng phải là những người đã sáng tác nhiều tác phẩm mang tính chất chế giễu, đả kích nhân tình thế thái trên lập trường Nho giáo đó sao? Đặt vào không khí ấy, ta sẽ không lấy làm lạ với những lời chế giễu dành cho một người đầy uy vọng như Nguyễn Bỉnh Khiêm ngay khi ông còn sống. Vậy là: một nhân cách lớn bị hoài nghi? Vấn đề là Nguyễn Bỉnh Khiêm đã “đáp trả” như thế nào?

2. “Dầu nhẫn chê khen dầu miệng thế…” (Vui cảnh nhàn)

Việc làm hai bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là một sự “đáp trả” trực tiếp, thẳng thắn, rõ ràng và đúng mực. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói rõ điều đó ngay trong tiêu đề (hoặc tiểu dẫn) hai bài thơ của mình qua sự sắp đặt các cặp quan hệ: “trào” (chế giễu)/ “giải trào” (tự biện giải về việc bị chế giễu). Chưa nói đến nội dung cụ thể, việc công khai những ý kiến “dị nghị” như thế cũng đã cho thấy sự sòng phẳng, đường đường chính chính của Trạng Trình. Đi sâu vào chi tiết hai bài thơ, chúng ta càng thấy rõ nhân cách, bản lĩnh của ông.

Ở bài Thời Kim Thành hữu nhân Nguyễn công…, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trả lời một cách đầy khiêm tốn, nhún nhường (có cả khí vị “tự trào”) nhưng cũng tỏ rõ được chí hướng, khí tiết của ông:

Tiết tàm điều vãng hốt lai tần,

Tiết tiết đồ lao lão bệnh thân.

Dữ thế quả hài ninh tị thế,

Nhân nhân thành sự cảm ngôn nhân.

Duy trì thanh nghị công đa lực,

Thê tức hành môn ngã độc bần.

Giá cảnh tuy giai hiềm vị đáo,

Tương vi khủng phụ cố viên xuân.

Về tiết tháo, thẹn việc “chợt đi chợt đến” liên tiếp,

Miệt mài uổng nhọc tấm thân già bệnh.

Ít hoà hợp với đời thì thà lánh đời,

Nhờ người mà thành sự nghiệp, dám đâu nói năng người.

Giữ được những lời bình luận công chính [về mình], ông có nhiều sức,

Cư ngụ ở ngôi nhà tồi tàn [của bản thân], tôi riêng giữ cảnh nghèo.

Việc hưởng thụ tuy ngọt ngào, nhưng e là chưa đạt đến,

Lìa nhau, sợ rằng sẽ phụ lại mùa xuân ở vườn cũ.

Dường như cả bài thơ là lời “thanh minh” cho việc ẩn dật (chợt đi) của ông. Tinh thần của bài thơ là hướng đến việc ẩn dật, bởi “ít hoà hợp với đời thì thà lánh đời”, “sợ phụ lại mùa xuân ở vườn cũ”. Ở đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm có nói đến việc “thẹn” (tàm) cho tiết tháo của mình, chứng tỏ về một mặt nào đó ông cũng thừa nhận sự “chế giễu” kia là đúng, là xác đáng. Nó cũng tương ứng với cái thẹn của ông trong bài Qui lão ký Lại bộ Thượng thư Kế Khê bá với câu: “Đếm tuổi mình đã bảy mươi ba/ Về hưu hơi muộn, cũng nên thẹn” (Điểm kiểm hành niên thất thập tam/ Huyền xa sai vãn dã ưng tàm), hoặc cái thẹn của ông trong bài Lưu đề Đại An Hộ tào Hữu thị lang trí sĩ Nguyễn công: “Ngoảnh lại thấy tôi đáng thẹn vì tiền mua phú/ Chưa  đáng với sự mến mộ, đề cao như Thái Sơn, Bắc Đẩu của chúng sĩ” (Cố ngã ưng tàm mãi phú kim/ Sơn Đẩu vị phu đa sĩ vọng). Đó là cái “thẹn” của những người chọn cách ứng xử mang vẻ đẹp nhân cách rất điển hình của Nho gia (giữ khoảng cách với vua chúa, quyền thế, danh lợi). Trên thực tế, nhân cơ hội bị giễu vì đi ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm bày tỏ tiết tháo, chí hướng thực sự của mình. Cái tiết ấy, theo ông, dành cho việc ẩn dật nơi “vườn cũ”, “ngôi nhà tồi tàn” để “giữ cảnh nghèo”,… theo mô thức “an bần lạc đạo”. Thế mà, vì nhiều nguyên nhân, ông lại phải “chợt đến chợt đi liên tiếp”, “việc hưởng thụ tuy ngọt ngào nhưng e là chưa đạt đến” và càng đáng thẹn hơn khi mà phải “miệt mài uổng nhọc tấm thân già bệnh” (chính cái “tấm thân già” này, cộng với cái hốt hốt hoảng hoảng “chợt đi chợt đến” mới là cái làm nên cái “thẹn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm; nếu thời trẻ thì chưa chắc đã thế, như trong rất nhiều bài thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm làm thời trẻ thể hiện sự hăng hái “nhập thế” không ngừng của ông). Tinh thần của ông là tinh thần nhún nhường, không đôi co: “nhờ người mà thành sự nghiệp, đâu dám nói năng người”; “giữ được những lời bình luận công chính [về mình], ông có nhiều sức”. Ẩn ý của ông ở đây là, việc “chợt đến”, sự thành đạt của mình chỉ là bất đắc dĩ, “nhờ người”, do người chứ không phải do ý muốn, nỗ lực của bản thân (tất nhiên đó là nói khiêm tốn, khác hẳn với bài thơ sau, ông tự tin khẳng định công lao của bản thân). Tinh thần bài thơ này phù hợp với diễn ngôn về sự “nhàn dật”, “vô sự” thường thấy trong những bài thơ lúc về già của ông [Tự thuật, Trung Tân quán ngụ hứng,…].

Ở bài thơ Thời hữu Thái sư Doanh Quốc công…, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đáp lại một cách thẳng thắn, quyết liệt hơn, đầy xúc cảm. Điều này là dễ hiểu bởi tính chất “công kích” rất mạnh từ những lời chế giễu của thế nhân, nội dung đụng chạm đến vấn đề nhân cách, phẩm tiết của bản thân ông. Ông phải thể hiện tiết giá, bản lĩnh và một sự biện hộ mạnh mẽ, thuyết phục:

Thảo am cao ngọa bạch vân trù,

Dã tính dung sơ diệc tự tu.

Nguy hạnh (hành) khẳng vi thanh tiết luỹ,

Khiết thân sỉ dữ tục trần lưu.

Điếu danh khởi tiệp Chung Nam kính,

Chửng loạn tằng thi Vị Bắc trù.

Phủ ngưỡng thiên nhân vô quý sạ,

Hiêu nhiên thùy oán hựu thùy vưu.

(Nằm cao ở am cỏ, mây trắng dày,

Tính quê thô sơ, lười biếng, mình cũng tự thẹn.

Hành vi chính trực nguyện được tiết tháo thanh cao bồi đắp cho,

Tấm thân trong sạch thấy xấu hổ khi hoà cùng đám trần tục.

Câu kéo danh tiếng há lại đi nhanh bằng lối tắt Chung Nam,

Cứu vớt đời loạn đã từng thi hành nước cờ Vị Bắc.

Ngẩng lên, cúi xuống đều không xấu hổ với trời và người,

Lòng phơi phới: Oán thán ai đây? Lại trách cứ ai đây?)

Ở đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có nói đến sự “tự thẹn”, “tự xấu hổ” (tự tu, sỉ, quý sạ) nghĩa là cũng có ý “tự trào”. Nhưng khác hẳn với bài thơ trước “thẹn” là thừa nhận khiêm tốn, là “thẹn” thực sự, ở đây “tự thẹn” là một sự khẳng định đầy ngạo nghễ mà kín đáo. Ông thẹn vì “tính quê thô sơ, lười biếng”, một kiểu thẹn đầy chất trí giả theo lối của Đạo gia: “trí giả nhược ngu” (kẻ trí làm ra vẻ như ngu), “dưỡng chuyết” (nuôi dưỡng sự vụng về). Nó thống nhất với kiểu tự nhận “dại” trong bài thơ Nôm số 79: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao”. Ông cũng tự xấu hổ vì đã “hoà cùng đám trần tục” (một sự tự thẹn mới kiêu hãnh làm sao!); nhưng rốt cuộc ông “không xấu hổ với trời và người”. Nói “ngạo nghễ” là không quá bởi ngay từ đầu bài thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khẳng định cho mình một tư thế ở trên thế tục: “nằm cao ở am cỏ, mây trắng dày” kiểu như Gia Cát Khổng Minh nằm khểnh ở Long Trung xem xu thế thiên hạ chia thành thế chân vạc! Câu thơ cũng như để giải thích cho việc dựng am Bạch Vân, tự xưng Cư sĩ của ông theo khuynh hướng Đạo giáo Toàn Chân. Rồi hai câu thực là những lời khẳng định đanh thép, đầy kiêu hãnh, nhấn mạnh thêm cho cái phẩm tiết, đức hạnh khác hẳn thế tục của ông: “Hành vi chính trực nguyện được tiết thanh cao bồi đắp cho/ Tấm thân trong sạch xấu hổ khi hoà cùng đám trần tục”. “Hành vi chính trực” là chủ trương của Khổng Tử dạy học trò: “Nước có đạo, hành vi chính trực, ngôn luận chính trực; nước vô đạo, hành vi chính trực, ngôn luận khiêm tốn” (Bang hữu đạo, nguy ngôn nguy hành; bang vô đạo, nguy hành ngôn tốn) [Luận ngữ, Hiến vấn]. Vậy là, bất kể trong hoàn cảnh nào (nước có đạo hay vô đạo), hành vi vẫn phải “chính trực”, dù lời nói có thể có chút uyển chuyển, có thể “khiêm tốn” hơn, thận trọng hơn. Không phải ngẫu nhiên, trong bài thơ này Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc nhiều đến “phẩm tiết”, “hành vi”, “đức hạnh”. Những kẻ chế giễu ông hẳn đã nhắm thẳng vào phẩm tiết, đức hạnh của ông, đương nhiên ông phải đáp lại. Ông khẳng định “hành vi chính trực” (nguy hạnh), “phẩm tiết thanh cao” (thanh tiết), “tấm thân trong sạch” (khiết thân) của mình. Nội hàm của chúng là thế nào? Nguyễn Bỉnh Khiêm đã giải thích bằng việc khẳng định con đường lập công danh “đường đường chính chính” của mình: “Câu kéo danh tiếng há lại đi nhanh bằng lối tắt Chung Nam?/ Cứu vớt đời loạn đã từng thi hành nước cờ Vị Bắc”. Bản thân câu trả lời của Nguyễn Bỉnh Khiêm dường như hé lộ nguyên cớ, cũng là nội dung cụ thể, của những lời chế giễu ông. Phải chăng, người ta cho rằng ông đã tiến thân, “câu công danh” bằng “đường tắt” (bằng việc giả vờ ẩn dật gần nơi vua ngự để đợi vua chúa biết đến – như điển tích “lối tắt Chung Nam” hàm ý), chẳng có công lao gì thực sự, chỉ là cầu may? Đáp lại điều đó, ông mạnh mẽ khẳng định công lao của mình khi ông không ngại ngần ngầm ví mình như Khương Tử Nha có công “cứu đời loạn” (một người cũng là “ẩn sĩ” chờ thời nhưng không phải để “câu công danh” theo lối tầm thường, hữu danh vô thực, mà để lập công diệt ác, “cứu đời loạn” của bậc khai quốc công thần), một điều mà Nguyễn Bỉnh Khiêm ít khi trực tiếp nói đến, ngoại trừ một đôi lần ông nói rất kín đáo (“Việc tính toàn chu toàn là do công sức của các tướng/ Chứ kẻ học trò này có việc gì mà dám nói công lao” - Miếu toán vạn toàn chư tướng lực/ Thư sinh hà sự cảm ngôn công – “Quá Tây giang”). Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn khiêm tốn, kín đáo, vì vậy, phải thực sự “bức xúc” thế nào ông mới cho thấy những phẩm tước, chức vụ cao mà ông nhận được từ triều đình không phải vô cớ, không phải “cầu may” hay “đi đường tắt”. Đâu phải chỉ người đương thời mới hiểu nhầm ông như thế. Người đời sau, vì “yêu” ông theo quan niệm của họ, cũng đã cho rằng sở dĩ ông có được chức vụ cao nhờ vào sự mến mộ, kính trọng rất mơ hồ của các vua nhà Mạc(9)! Việc đọc kĩ thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như nghiên cứu kĩ lịch sử vương triều Mạc đã chứng minh rằng: Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải là người quay lưng với chính sự đương thời; trái lại, ông đã tham gia vào đó một cách rất hăng hái, “toàn tâm toàn ý” và lập được nhiều công lao xứng đáng. Nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng đến lý tưởng “nhàn dật” vốn là một cách thế ứng xử văn hoá đã trở thành khuôn thức của nhà nho khi muốn khẳng định phẩm cách, lý tưởng thanh cao, đặc biệt là khi họ đã về già.

 Hai câu kết của bài thơ là lời khẳng định đầy tự tin, kiêu hãnh của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở một tầm cao mới, cấp độ mới: “Ngẩng lên, cúi xuống đều không xấu hổ với trời và người/ Lòng phơi phới: Oán thán ai đây? Trách cứ ai đây?” “Ngẩng lên, cúi xuống” là những cử chỉ mang tầm vũ trụ, là thái độ tự soi lại mình một cách toàn diện, nghiêm khắc/ hoặc truy vấn một vấn đề hệ trọng nào đó của cá nhân hay thời thế trước trời đất. Ở đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khẳng định nhân cách thanh cao của mình được trời, đất, người chứng thực. Cái gọi là “tứ tri” (trời biết, đất biết, ta – người biết) trong văn hoá trung đại chính là như thế. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định một tinh thần khoan dung, tự tại, phơi phới của mẫu hình “quân tử” Nho gia khi có ý nhắc lại câu nói của Khổng Tử trong sách Luận ngữ (“Hiến vấn”): “Ta không oán trời, cũng không trách người. Ta học nơi việc người để đạt đạo trời, biết ta chỉ có trời chăng?” (Tử viết: Bất oán thiên, bất vưu nhân; hạ học nhi thượng đạt, tri ngã giả, kỳ thiên hồ?). Sách Trung Dung triển khai rõ thêm ý của Khổng Tử: “Trên không oán trời, dưới không trách người, giữ sự bình dị mà đợi mệnh” (Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân, cư dị dĩ sĩ mệnh). Đó là một tâm thế bình thản, ôn hoà, “đạt đạo”, biết và thuận theo mệnh trời (tri thiên mệnh), “xuôi tai” (nhĩ thuận) trước thị phi của thế sự. Ông không cần người ta phải biết đến sự trong sạch của mình, chỉ cần trời biết thế cũng đủ. Tuy nhiên, cách thể hiện lại câu nói trong sách Luận ngữ dưới hình thức câu hỏi: “Oán thán ai đây? Trách cứ ai đây?” (Thuỳ oán hựu thuỳ vưu) lại cho thấy giọng điệu tranh luận sôi nổi và trạng thái xúc động của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khẩu khí của ông khá gần với khẩu khí của thánh nhân mà ông tôn thờ: “Ta lừa dối ai? Lừa dối trời chăng?” (Ngô thuỳ khi, khi thiên hồ?) [Luận ngữ, “Tử Hãn”]. Phải chăng ông còn muốn nói những câu hỏi tu từ: Ta oán thán trời chăng? Trách cứ người chăng? Những câu hỏi như thế để lại dư âm cho bài thơ, thể hiện bản lĩnh, khí khái cao vút của Nguyễn Bỉnh Khiêm trước dư luận không hay.

Tóm lại, “nhân vô thập toàn”, người ta, dẫu là bậc “chí nhân” cũng không thể tránh được những dư luận trái chiều. Cần thấy rằng việc Nguyễn Bỉnh Khiêm bị chế giễu cũng là chuyện thường tình. Về mặt nào đó, sự chế giễu của dư luận cũng có thể xem như một sự “phản biện” cần thiết hay nói theo các nhà Nho thì đó là một cách để “cảnh tỉnh” bản thân khi “chơi” với đời. Mặc khác, chúng ta lại thấy, sự chế giễu đó hé lộ nhiều vấn đề thú vị liên quan đến tiểu sử, thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm. Không như chúng ta thường hình dung về một Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ yếu sống “nhàn dật” để giữ khí tiết theo lối “độc thiện kì thân”, ông đã có một cuộc sống sôi nổi, tham gia tích cực vào việc “phò nghiêng đỡ lệch”, “cứu loạn”, lập công danh. Đồng thời, chúng ta cũng thấy ở Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn có một sự giằng xé, băn khoăn giữa chuyện “đi” hay “về”, “hành” hay “tàng”. Điều đáng nói ở đây là dường như ông đã cố gắng dung hoà, ôm gồm cả hai bằng triết lý “trung dung”, “thời trung”, “thuận thiên mệnh” và đây hẳn cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chế giễu của người đời tuỳ theo góc nhìn (đa chiều) của họ. Và điều đáng nói hơn cả, cũng đáng học tập hơn cả, là trước những “thị phi” trái chiều, đa đoan đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chứng tỏ sự bản lĩnh, vững vàng, tự tín với việc lựa chọn, ứng xử và nhân cách của bản thân trong cái thời đại “tao loạn”, “vàng thau lẫn lộn”, “hoa thường hay héo cỏ thường tươi” như vậy./.

                                        Hà Nội, Khu Cốm Mới, tháng 09 năm 2015

N.T.T

---------------------------------

(1) (5) (6) Xem: Trần Khuê, Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và vương triều Mạc trình bày tại hội thảo “Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử văn hóa dân tộc” (do Trung tâm Hán Nôm, thuộc Viện KHXH Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tháng Bảy năm 1991), in trong Trần Khuê, Nghiên cứu và tranh luận, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

(2) Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bạch Vân Am thi tập, in trong bộ tùng thư Danh thi hợp tuyển, quyển 11, Trần Công Hiến,…biên tập, Hải Học Đường tàng bản, tờ 55b – 56a. Xem thêm bản dịch hai bài thơ trong: Tổng tập Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn học, Hà Nội, 2014.

(3) Xem: Nguyễn Thừa Hỷ, “Nhân cách của người nho sĩ – quan liêu thời Lê Trịnh”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3, ngày 4-7 tháng 12 năm 2008 tại Hà Nội.

(4) Trịnh Văn Định, “Những cách thế lựa chọn của kẻ sĩ tinh hoa trong lịch sử: Nghiên cứu trường hợp Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du”, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 2 năm 2013, tr.12.

(7) Xem: Trần Quốc Vượng, “Về Lê Thánh Tông – mấy điều giải ảo hiện thực lịch sử Việt Nam thế kỷ XV”, trong Hoàng đế Lê Thánh Tông - nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.83-108.

(8) Phan Trọng Thưởng – Nguyễn Cừ - Vũ Thanh – Trần Nho Thìn, 10 thế kỷ bàn luận về văn chương, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.59.

(9) Xem: Vũ Khâm Lân (1843 - 1844), Bạch Vân Am cư sĩ Nguyễn Văn Đạt phả kí, Thư viện Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội, kí hiệu: R.105; Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Hồ Như Sơn (biên soạn), Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nxb Văn học, Hà Nội, 1983,v.v…

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12/2015.

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020