LIỆT NỮ Ở AN ẤP LÀ NGƯỜI NÀO?
PGS HOÀNG HỮU YÊN
Theo truyện An Ấp liệt nữ trong Truyền Kỳ tân phả(1), vào thời Vĩnh Thịnh (1705-1719) đời Lê Dụ Tông có vị Tiến sĩ trẻ tên là Đinh Hoàn, hiệu Mặc Trai, người làng An Ấp, tỉnh Nghệ An(2), cha mẹ mất sớm, ít anh em. Lớn lên, lập gia thất nhưng bà vợ đầu cứ sinh luôn con gái, nên ông lấy con gái Hà quan, họ Nguyễn làm vợ thiếp. Bà này nghi dung nhàn nhã, năn nói đoan trang, thêu thùa, khâu vá rất lành nghề, lại có tài văn thơ nổi tiếng. Khi về nhà chồng tự sửa mình nghiêm chỉnh, rất có lễ độ với chồng. Đinh Hoàn vừa yêu, vừa kính trọng. Nhiều khi ở triều về, rảnh việc ông cùng bà xướng họa thơ văn rất tương đắc. Các bài xướng họa đã chép lại ở tập Quan thư hòa minh...
Đến năm Ất Mùi (1715), ông được triều đình cử làm Chánh sứ đi triều cống nhà Thanh tại Yên Kinh (tức Bắc Kinh). Biết được tin này, bà tỏ nỗi băn khoăn, lo âu cho chồng phải trèo đèo lội suối, lên thác xuống ghềnh, gội gió tắm mưa, xông pha vào nơi giá lạnh đất khách quê người. Đến ngày đăng trình, sau khi họa thơ tiễn biệt, ông cởi áo la y tặng vợ làm kỷ niệm.
Quả thật hành trình của sứ bộ phải trải qua vô vàn vất vả gian nan. Vốn sức yếu, Đinh Hoàn nhiễm bệnh dọc đường. Khi đến Yên Kinh, bệnh tình trở nên nguy kịch và ông đã thở hơi thở cuối cùng vào đúng 30 tháng Chạp. Linh cữu vị chánh sứ họ Đinh được đưa về nước. Được tin sét đánh bà mê man bất tỉnh, sau bà gượng dậy làm một bài văn tế chồng rất thống thiết...
Ngày qua tháng lại đến kỳ lễ tiểu đường(3), nhân người nhà bận việc, bà vào buồng riêng, xé chiếc áo la y mà ông tặng bà trước lúc ra đi thắt cổ tự tử.
Việc ấy tâu lên, triều đình cho lập bàn thờ, cho khắc bức đại tự "Trinh liệt phu nhân từ" treo trước đền.
Theo tác giả cuốn sách, liệt nữ người họ Nguyễn, con nhà quan nhưng không rõ tên gì, quê quán ở đâu. Bấy lâu nay, vấn đề đó vẫn còn là một ẩn số!
Trong Nghệ An ký, Bùi Dương Lịch tóm tắt tiểu sử Đinh Nho Hoàn như sau:
"Đinh Nho Hoàn người xã An Ấp, huyện Hương Sơn. Theo Đăng Khoa lục, năm 30 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn, đời Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700), làm đến Hữu thị lang bộ Công, vâng mệnh đi sứ, chết dọc đường, được tặng Tả thị lang bộ Lại. Ông là con Đinh Nho Công. Người thiếp của ông là Phạm Thị (Thuấn)(4) được lệnh vua tinh biểu Tiết phụ(5).
Như vạy, tác giả Nghệ An ký ghi bà tiết phụ này họ Phạm, nhưng không nói rõ quê quán và tên tuổi của bà.
Gần đây, nhân dân đến thăm cụ Đinh Văn Vịnh, hậu duệ của Hoàng Giáp Tả thị lang Đinh Nho Hoàn, hỏi về sự tích của liệt nữ An Ấp, đã được Đoàn Thị Điểm và Bùi Dương Lịch đề cập đến, chúng tôi được cụ Vịnh cho đọc tộc phả họ Đinh Hương Sơn và cung cấp tư liệu sau đây:
Vợ cả Đinh Nho Hoàn, họ Lê huý Vệ, người làng Đông, xã Hữu Bằng, cùng huyện, sinh được ba con gái, thọ 76 tuổi.
Bà Á thất của ông người họ Phan, khác huyện, tuẫn tiết khi chồng mất, thường gọi là bà Tiết phụ.
Tên bà là Phan Thị Viên, người làng Do Lễ, thuộc phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Câu chuyện ông Thị lang họ Đinh gặp bà tại Kinh đô Thăng Long và kết thành vợ chồng có nhiều tình tiết khá ly kỳ.
Số là: Về đời Cảnh Trị (1663-1672) đời Lê Huyền Tông thân phụ quan Thị lang là Tiến sĩ Đinh Nho Công được bổ làm giám sát ngự sử tỉnh Nghệ An. Nhân gặp thiên tai, vâng chiếu nhà vua, ông tra xét ngục tù xem có ai oan uổng không? Lúc ấy trong nhà lao Nghệ An có một ông Thủ bộ họ Phan bị tống giam đã lâu, các quan ở trấn cho là hàng tù không thể tha thứ được! Quan giám sát ngự sử đã xem xét lại thấy bị oan, liễn hạ lệnh tha ngay.
Được thăng chức Thiêm đô(6), ngài lấy ông thủ bộ vào hầu trong nha môn. Sau đó, vợ ông thủ hộ sinh được một gái. Năm con gái lên ba, ông thọ bệnh, biết không sống được, bèn gọi con lại than thở: "Ta đội ơn quan Tham đô họ Đinh xét ngục tha cho như là được sống lại, ơn ấy như bể rộng trời cao, chưa biết khi nào trả được? Con là gái liệu có giúp ta việc gì không?". Nói xong, ông liền nhắm mắt.
Về sau, nhân gặp loạn ly, vợ ông thủ bộ dắt con gái ra Thăng Long, trú ở phường Đồng Xuân. Lúc đó, người con gái lên tuổi trăng tròn, dáng mạo đoan trang nết na, mọi người đều khen ngợi. Ở Kinh thành, các chàng thư sinh, các nhà quyền quý có ý dạm hỏi nàng nhưng bà mẹ chưa chịu gả cho ai. Cũng trong thời gian này, Đinh Nho Hoàn, con quan Thiêm đô đỗ đại khoa, được bổ làm quan ở bộ, ai cũng biết tiếng.
Rồi có một ngày, nhân lúc rảnh việc, quan Hàn lâm họ Đinh(7) tản bộ dọc các phố xá, thấy có một cửa hàng sạch sẽ, ngài rẽ vào nghỉ chân. Bước vào ngài chỉ gặp một bà già tiếp khách. Chợt ngài thấy, chủ nhân sửng sốt, liền hỏi nhỏ mấy lính hầu về hương quán và chức quan của vị khách. Lĩnh hầu cứ thiệt đáp lời. Nghe xong, bà già vừa kinh ngạc vừa mừng hỏi thêm rằng: ngài có phải là con quan Thiêm đô đó không? Lính hầu đáp là đúng.
Tiếp đó, nhân mời ngài dùng trà, bà rón rén thưa rằng: "Mụ già này là vợ ông Thủ bộ tại bản trấn ngài. Lệnh tôn của quy quan đã cứu chồng tôi khỏi chốn lao tù, cũng như đã cứu sống, ơn ấy chồng tôi chưa trả được mà đã qua đời. Chẳng dè ngày nay lại được thấy ngài là con quan Thiêm đô, thật vui mừng khôn xiết! Chúng tôi chỉ có một đứa con gái, khi chồng tôi lâm chung trăn trở về việc chưa trả được ơn sâu, cứ cầm tay con mà than thở mãi! Bây giờ nó đã khôn lớn, nếu được ngài thương đến, tôi xin dâng hầu ngài để thỏa lòng người đã quá cố!". Nói xong, liền gọi con gái ra chào. Sau khi suy nghĩ độ nửa giờ, quan Hàn lâm lên tiếng đáp: "Xưa nay nhân duyên gặp gỡ là do tiền định, ngày nay gặp được người hiền thực cũng là ơn tiên quân tôi để lại". Ông bèn cưới làm vợ thứ.
Khi về nhà chồng, bà đã 16 tuổi, bốn đức công, dung, ngôn, hạnh đều vẹn toàn. Bà lại thông chữ nghĩa, giỏi thơ văn, biết điều ăn lẽ ở nên bà được vợ cả quý mến.
Năm Ất Mùi, đời Vĩnh Thịnh, nhà Lê, quan Thị lang vâng mệnh đi sứ sang nhà Thanh, bà tiễn ngài đến trạm Lữ Côi rồi nói rằng: "Thiếp nghe kẻ đại trượng phu không được làm quan tướng mà được làm quan sứ, lấy miệng lưỡi mà làm yên việc nước cững là điều hay. Xin quân tử giữ lòng trung trinh như các quan sứ tài giỏi thời trước, đừng lấy cớ bịn rịn vợ con mà quan hoài". Bà cất bút viết liền một mạch 10 bài thơ "xin dân ngài xem lúc đi đường cũng coi như thiếp đi theo vậy"(8).
Đáp lại, khi sắp lên đường, Đinh Nho Hoàn liền cởi áo là (la y) đang mặc trong mình tặng bà.
Trở về nhà một đèn một gối, ngủ không thành giấc. Sớm mai, chập tối buồn bã xiết bao! Thường cảm xúc rèn thơ, bà tưởng tượng những chuyện ở ngoài quan ải xa xăm, chép không sao hết.
Nào ngờ, dọc đường sứ bộ phải trải qua nhiều gian nan, vất vả. Quan Chánh sứ họ Đinh lâm bệnh rồi từ trần khi vừa đến Yên Kinh. Vua Thanh cho làm lễ tế điếu và hộ tống đưa di hài về nước. Khi quan tài về đến cửa ải, bà đến tận nơi đón lạy. Đêm đó, về phòng, bà lấy áo là của chồng tặng lúc tiễn biệt thắt cổ tự tận.
Gương tử tiết của bà được quan trấn tâu lên, vua Lê xuống chiếu ban khen, cấp biển vàng "Tiết phụ môn", sức cho bản trấn lập đền thờ sát bên tháp quan Thị lang.
Đời Cảnh Hưng nhà Lê gia phong: Trinh nhất á thận phu nhân.
Triều Nguyễn Gia Long lại gia phong: Lương trinh thục diệu nhân uyển dực bảo trung hưng phúc thần.
Bà tiết phụ họ Phan huý Thị Viên lúc chết theo chồng mới 21 tuổi(9).
Qua các tư liệu kể trên, chúng ta có thể đoán định rằng:
Đoàn Thị Điểm (1705-1748) và Đinh Nho Hoàn (1671-1716) cùng sống dưới thời Lê mạt nhưng cách nhau khoảng một thế hệ. Viết Truyền kỳ tân phả, với cốt truyện An Ấp liệt nữ, tác giả chỉ dựa vào câu chuyện có thật rồi phóng bút dựng chuyện ít nhiều mang tính hư cấu, không nhất thiết bảo đảm tối đa tính chính xác; do đó tên họ và sự diễn biến của một số tình tiết không giống như bản tiểu sử ghi trong tộc phả họ Đinh. Viết Nghệ An ký, do yêu cầu của thể tài, Bùi Dương Lịch chỉ ghi sơ lược về tiểu sử Đinh Nho Hoàn và chỉ nói qua về người tiết phụ, ái thiếp của họ Đinh, nên không ghi rõ tên húy và quê quán.
Tộc phả họ Đinh ở Hương Sơn được viết bằng chữ Hán, nay đã được dịch ra chữ Quốc ngữ hầu như còn giữ được nguyên vẹn. Đó là tư liệu gốc đáng tin cậy. Do vậy, chúng ta có thể kết luận: người lệt nữ ở An Ấp họ Phan huý Thị Ấp Viên vừa là một tiết phụ vừa là một tài nữ. Người liệt nữ An Ấp trong Truyền kỳ tân phả của Hồng Hà nữ sĩ chính là tài nữ Phan Thị Viên.
CHÚ THÍCH
(1) Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm Truyền kỳ tân phả, bản dịch, Nxb. Giáo dục, H. 1962, tr.42-66.
(2) Nay thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đinh Hoàn tức là Đinh Nho Hoàn, thuộc họ Đinh Nho, người khai khoa là Đinh Nho Công, thân sinh Đinh Nho Hoàn, đậu Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1672).
(3) Lễ tiểu tường: lễ tang chẵn một năm, cũng gọi là luyện tế.
(4) Phạm Thị (Thuấn): có lẽ họ Bùi viết là Phan do in lầm mà thànhPhạm?
Người dịch thêm chữ Thuấn là nhầm. Bà Phan Thị Thuấn (không phải Phạm) là vợ tướng võ Ngô Cảnh Hoàn, trầm mình theo chồng trên sông Thúy, cũng được phong là tiết phụ, không phải là vợ Đinh Nho Hoàn.
(5) Bùi Dương Lịch - Nghệ An ký. Bản dịch, Nxb. KHXH, H. 1993, tr.290.
(6) Thiêm đô ngự sử: chức giám quan hàm chánh ngũ phẩm.
(7) Sau khi đậu đại khoa, Đinh Nho Hoàn được giữ chức Hàn lâm hiệu lý tại Kinh đô Thăng Long.
(8) 10 bài thơ này sẽ xin công bố trong dịp khác.
(9) Tài liệu do cụ Đinh Xuân Vịnh cung cấp, chúng tôi tóm tắt và lược ý một vài chỗ.
Theo: Tạp chí Hán Nôm, số 4 năm 1996