GIẢI MÃ NHỮNG CÂU THƠ SÁU CHỮ
TRONG QUỐC ÂM THI TẬP TỪ NGẢ ĐƯỜNG
NGỮ ÂM HỌC LỊCH SỬ
TRẦN TRỌNG DƯƠNG
(Tiến sỹ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
1. Mở đầu
Quãng vài chục thập kỷ trở lại đây, giới nghiên cứu văn học đã bỏ ra nhiều công sức để đi tìm lời giải mã cho hiện tượng câu thơ Nôm sáu chữ của nhiều tác giả nổi tiếng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Có thể kể đến các ý kiến của Dương Quảng Hàm, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Ngọc San, Lê Hoài Nam, Nguyễn Hữu Sơn, Ngô Văn Phú, Phạm Luận, Phạm Thị Phương Thái… Kết luận hiện nay dễ được chấp nhận hơn cả, là giả thuyết coi đây là một thể loại mới - một sáng tạo độc đáo của Việt Nam mà người đi đầu là Nguyễn Trãi. Thể loại mới ấy được định danh là thể “thất ngôn xen lục ngôn” [Nguyễn Phạm Hùng 2006]. Nguồn gốc của thể thơ này chính là thất ngôn Đường luật, một thể thơ đồng thời xuất hiện trong hàng loạt thi tập nổi tiếng và cổ kính như Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Bạch Vân Am thi tập,… Một số nhà nghiên cứu khẳng định như vậy đã ngầm thực hiện một phương trình khá bất tiện, rằng Nguyễn Trãi đã “sáng tạo thể loại thất ngôn xen lục ngôn” bằng cách “cải tạo thất ngôn Đường luật”; ở khía cạnh thi luật học cổ điển thì “các câu lục ngôn thất luật” ấy là sự phát triển từ thể thơ gò bó có nguồn gốc Trung Hoa. Sự “sáng tạo/ cải tạo” ấy được chứng minh bằng cách: các câu lục ngôn/ ngũ ngôn là sự sáng tạo về mặt số lượng âm thanh và nhịp điệu. Và những nhịp điệu lạ lẫm (thực ra là thất luật ấy) lại là những đóng góp lớn của Nguyễn Trãi cho văn hóa Việt Nam.
Bài viết này, dựa trên những gợi ý của GS. Bùi Văn Nguyên (1994) và Cao Tự Thanh (2006), sẽ tiến hành giải mã các câu thơ sáu chữ từ góc độ ngữ âm học lịch sử qua trường hợp Quốc âm thi tập (QATT). Văn bản QATT hiện còn là một văn bản đã được dọn lần cuối vào thế kỷ XIX do nhóm Dương Bá Cung (1795- 1868) thực hiện. Các nhà nghiên cứu trước nay đều thống nhất rằng văn bản chỉ còn lưu giữ được một số ít các chữ Nôm cổ từ đời trước để lại. Chữ Nôm cổ
Nôm cổ ở đây trỏ chữ Nôm dùng hai chữ Hán nén trong một khối vuông (ký hiệu là E2) để ghi ngữ âm tiếng Việt cổ [Trần Trọng Dương 2008a]. Qua khảo sát của Nhẫn Gaston (1967)(1), Paul Schneider (1987) và Nguyễn Quang Hồng (2008), v.v... văn bản QATT có khoảng trên dưới hai mươi chữ Nôm cổ thuộc loại trên. Trên cơ sở tiếp thu những người đi trước, chúng tôi đã tái lập ngữ âm của trên ba mươi chữ Nôm cổ. Đôi chỗ có sự khác biệt với những người đi trước thì chúng tôi đã tiến hành thảo luận kỹ càng hơn [Trần Trọng Dương 2012]. Đối với một ngữ tố có nhiều cách ghi Nôm khác nhau, thì chúng tôi dựa vào kiến thức của các ngành ngữ âm học lịch sử, văn tự học chữ Nôm (như mô hình ngữ âm của chữ), để tiến hành tái lập ngữ âm và sau đó loại bỏ những chữ Nôm hậu kỳ làm cơ sở cho việc tái lập(2) chữ Nôm trong thời gian tới. Cách làm việc như vậy vừa bám sát văn bản lại vừa loại bỏ những văn tự đã bị sửa đổi hoặc sai lầm do việc truyền bản vào đời sau. Sau khi tiến hành tái lập ngữ âm của các chữ Nôm cổ, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát chức năng và những biến thể âm thanh của chúng trong các dòng thơ sáu chữ của QATT. Từ đó bước đầu đưa ra cách giải thích về hiện tượng này từ góc nhìn của ngữ âm học lịch sử cũng như tâm lý học sáng tạo của người Việt cổ trong hoạt động sáng tác thơ bằng ngôn ngữ bản địa.
Tổ hợp phụ âm đầu là hiện tượng phổ biến của tiếng Việt từ thế kỷ XVII trở về trước. Có thể mô hình hóa tổ hợp phụ âm đầu bằng ký hiệu CC-, ví dụ như: bl-, tl-, ml-,... trong blời (trời), tlôn (trôn), mlời (lời) giống như các tổ hợp phụ âm đầu sl-, cl-, sp- trong các từ sleep, club, speech ở tiếng Anh. Những từ có tổ hợp phụ âm đầu sẽ có cấu trúc ngữ âm là CCVC. Phần này chúng tôi sẽ tái lập ngữ âm tiếng Việt cổ có cấu trúc này thông qua lưu tích của chữ Nôm trong QATT.
Quy ước trình bày như sau: về chữ Nôm, chúng tôi cắt tự dạng từ nguyên bản, sau đó tiến hành phân tích cấu trúc, trong đó ký hiệu văn tự dùng để ghi yếu tố đầu trong tổ hợp phụ âm luôn được đưa lên trước, bất luận nó có vị trí như thế nào trong chữ Nôm đó(3), phân tích như vậy để tiện theo dõi và trình bày, nếu như phần chữ Nôm đó có một số chữ tục thể, giản thể thì chúng tôi đều thống nhất quy về dạng chính thể, phồn thể. Kiểu tái lập giả định, sẽ luôn được đánh dấu asterisk (*) ở đầu. Âm phiên chuyển sang tiếng Việt hiện đại được thể hiện bằng ký hiệu >. Các xuất xứ đều ghi rõ ngữ cảnh theo thứ tự: phiên âm sang tiếng Việt hiện đại, tên bài, số thứ tự trong tập và số thứ tự của câu trong bài đó. Riêng chính tả của vị trí đó chúng tôi tạm để nguyên theo kiểu tái lập. Các dấu thanh (gồm: ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng) lần lượt được ký hiệu là 1, 2, 3, 4, 5. Tuy nhiên, phần lớn các tái lập chúng tôi đã công bố trong bài viết Thủy âm kép tiếng Việt cổ thế kỷ XIV-XV qua các chữ Nôm cổ trong Quốc âm thi tập (2012, Tạp chí Ngôn ngữ), cho nên ở đây chúng tôi chỉ đưa lại một ví dụ để minh họa.
- Chữ (cư 車+ lô 盧); (cư 車+ sô芻). Xuất hiện lần lượt trong các ngữ cảnh: ngạn nọ so miền Thái Thạch, làng kia mỉa cảnh Tiêu Tương (Trần tình 42.3), Huống lại bảng xuân sơ chiếm được, so tam hữu chẳng bằng mày (Mai thi 226.4). Ở đây, các tự dạng đang xét đến đều cổ như nhau, có giá trị tương đương nhau, nên giữ nguyên cả hai trường hợp. Nhẫn Gaston tái lập là *kro [1967:150]. Nguyễn Quang Hồng tái lập là *klo và *kso [2008: 239]. Bản giải nghĩa Thiền tông khóa hư ngữ lục của Tuệ Tĩnh vào thế kỷ XIV ghi車卢, ss: chẳng luận so đấng trí cùng đấng ngu <不論上智下愚 (7a4), Trần Trọng Dương tái lập là *kro [2009: 34]. Cả ba cách tái lập trên đều có ưu điểm riêng. Các kiểu tái lập như *kl-, *kr- là bám sát vào tự dạng Nôm. GS. Nguyễn Ngọc San dựa vào các lưu tích của một số thổ ngữ Mường, đã đưa ra giả thuyết rằng *ks- cũng là một dạng tổ hợp phụ âm vốn là lai nguyên của S- hiện nay. Với cứ liệu chữ Nôm ở đây, chúng ta thấy rằng giả thuyết của GS. Nguyễn là có lý. Bài viết chấp nhận tất cả các kiểu tái lập trên, bởi các giá trị tái lập không loại trừ mà bổ sung cho nhau (từ đây về sau xin dùng dấu sổ chéo, để biểu thị tính tương đương giữa các kiểu tái lập này). Các kiểu tái lập: *klɔ1 / *krɔ1 / *ksɔ1 > so (= sánh, lưu tích còn trong so sánh, so bì, so kè, so đo và có thể so le nữa).
Chúng tôi đã tiến hành tái lập ngữ âm cho 29 đơn vị xuất hiện tại 101 vị trí trong thơ Nôm Nguyễn Trãi. Tất cả đều có cấu trúc ngữ âm CCVC, tức có tổ hợp phụ âm đầu CC-. Điều này cho thấy, tiếng Việt cổ thế kỷ XV có cấu trúc ngữ âm khá giống với một số từ trong tiếng Anh(4) hiện nay. Có thể so sánh các tổ hợp phụ âm đầu của hai tiếng này: *blời (trời) với black (bờ- lách), *klui (lùi) với clip (cờ- líp), *klang (sang) với club (cờ- lắp). Tiếp theo, bài viết sẽ tiến hành nghiên cứu sự hoạt động của các đơn vị này trong các câu thơ sáu chữ của QATT để tìm hiểu thêm về hiện tượng các câu thơ sáu chữ trong ngôn ngữ văn học Nôm từ thế kỷ XVII về trước qua trường hợp thơ Nôm Nguyễn Trãi.
2. Cấu trúc ngữ âm CCVC trong dòng thơ sáu chữ của QATT
Đến đây, chúng tôi muốn trình bày lại những vị trí đã tái lập ngữ âm và văn tự. Một quang cảnh kỳ lạ đã xảy ra, khi đặt toàn bộ những tái lập ấy vào dòng thơ sáu chữ. Cụ thể xin xem bảng dưới.
Ký hiệu viết tắt: STT = số thứ tự. AĐ = âm đối ứng trong tiếng Việt hiện đại. KTL = kiểu tái lập. CT = chính tả phỏng theo cách ghi của A. Des Rhodes. TS = tần số xuất hiện trong QATT. A = Tần số xuất hiện trong câu sáu chữ, X = ký hiệu trỏ toàn bộ tần số của ngữ tố nhất loạt chỉ xuất hiện ở câu thơ sáu chữ; B = Tần số xuất hiện trong câu thơ bảy chữ; C = tần số chỉ xuất hiện trong câu thơ bảy chữ.
STT
|
AĐ
|
KTL(5)
|
CT
|
Nôm
|
TS
|
A
|
B
|
C
|
1.
|
So
|
*ksɔ1
|
*kso
|
|
2
|
X
|
0
|
0
|
2.
|
Sang
|
*ksaŋ1
|
*ksang
|
|
6
|
X
|
0
|
0
|
3.
|
Sang
|
*ksaŋ1
|
*ksang
|
|
2
|
X
|
0
|
0
|
4.
|
Sệt
|
*kset6
|
*ksệt
|
|
1
|
X
|
0
|
0
|
5.
|
Soi
|
*ksɔi1
|
*ksoi
|
|
1
|
X
|
0
|
0
|
6.
|
Sống
|
*ksoŋ5
|
*ksống
|
|
3
|
X
|
0
|
0
|
7.
|
Sao
|
*c’sao1
|
*chsao
|
|
4
|
3
|
1
|
0
|
8.
|
Treo
|
*klεo1
|
*kleo
|
|
2
|
X
|
0
|
0
|
9.
|
Trông
|
*kroŋ1
|
*krông
|
|
4
|
3
|
1
|
0
|
10.
|
Trống
|
*kroŋ5
|
*krống
|
|
1
|
X
|
0
|
0
|
11.
|
Vui
|
*tbui
|
*tvui
|
|
6
|
5
|
1
|
0
|
12.
|
Trái
|
*blai5
|
*blái
|
|
3
|
X
|
0
|
0
|
13.
|
Rốt
|
*krot5
|
*krốt
|
栗巨
|
3
|
X
|
0
|
0
|
14.
|
Lầm
|
*klam2
|
*klầm
|
|
2
|
1
|
1
|
0
|
15.
|
Lời
|
*mlei2
|
*mlời
|
|
3
|
1
|
2
|
0
|
16.
|
Lớn
|
*klən5
|
*klớn
|
|
1
|
X
|
0
|
0
|
17.
|
Lui
|
*klui1
|
*klui
|
|
7
|
5
|
2
|
0
|
18.
|
Mỉa
|
*kmia3
|
*kmỉa
|
|
1
|
X
|
0
|
0
|
19.
|
Muống
|
*kmuəŋ5
|
*kmuống
|
|
2
|
1
|
1
|
0
|
20.
|
Mùng
|
*kmuŋ2
|
*kmùng
|
|
2
|
1
|
1
|
0
|
21.
|
Trăng
|
*blăŋ1
|
*blăng
|
|
10
|
X
|
0
|
0
|
22.
|
Trời
|
*bləi2
|
*blời
|
|
19
|
18
|
1
|
0
|
23.
|
Trước
|
*klək5
|
*klước
|
|
2
|
X
|
0
|
0
|
24.
|
Giơ
|
*?jə1
|
*agiơ
|
|
1
|
X
|
0
|
0
|
25.
|
Giàu
|
*kjau2
|
*kgiàu
|
|
7
|
6
|
1
|
0
|
26.
|
Lặt
|
*klăt6
|
*klặt
|
栗巨
|
1
|
X
|
0
|
0
|
27.
|
Sầm/ thầm
|
*ksâm2
|
*ksầm
|
|
2
|
X
|
0
|
0
|
28.
|
Ngủ
|
*kŋu3
|
*kngủ
|
|
3
|
1
|
2
|
0
|
29.
|
Vua
|
*tbua
|
*tvua
|
|
2
|
X
|
0
|
0
|
Tổng
|
101
|
89
|
14
|
0
|
|
|
|
|
|
Bảng trên cho thấy: trong số 29 ngữ tố xuất hiện với tần số 101 lần trong văn bản QATT, có 89 vị trí xuất hiện trong câu thơ sáu chữ (cột A), chỉ có 14 vị trí đồng thời xuất hiện trong câu thơ bảy chữ (cột B), không có vị trí nào chỉ xuất hiện trong câu thơ bảy chữ (cột C). Trong đó có 19 ngữ tố chỉ xuất hiện trong những câu thơ sáu chữ, 14 ngữ tố xuất hiện ở cả hai câu bảy và câu sáu, không có ngữ tố nào chỉ xuất hiện trong các câu bảy chữ. Các vị trí đồng thời xuất hiện trong câu thơ sáu chữ và bảy chữ có tần số là 10. Và có 1 vị trí xuất hiện trong một câu thơ sáu chữ nhưng có đến hai khả năng tái lập.
Những số liệu trên khiến chúng tôi nghi ngờ rằng, những câu thơ sáu chữ trong QATT có lẽ thuộc về một đặc thù của thi pháp cổ điển trong văn học chữ Nôm. Từ góc độ tâm lý học sáng tạo, chúng tôi cho rằng rất có thể Nguyễn Trãi đã tiến hành điều phối âm thanh (những âm CCVC của tiếng Việt cổ thế kỷ XV) trong một dòng thơ bảy âm tiết của thể thất ngôn Đường luật (sản phẩm hoàn hảo của tiếng Hán - một ngôn ngữ đã đơn tiết hóa triệt để với cấu trúc âm tiết CVC). Ông đã điều phối bằng cách âm tiết hóa yếu tố đằng trước của tổ hợp phụ âm đầu CC- [theo cách gọi của H. Maspéro] để các từ có cấu trúc CCVC trở thành cấu trúc CV-CVC. Quá trình này được gọi bằng thuật ngữ “đa tiết hóa” (polysyllabism). Dưới đây, chúng tôi xin thảo luận kỹ hơn về vấn đề này.
3. Đa tiết hóa CCVC dưới cơ chế của thơ thất ngôn Đường luật
3.1. Đa tiết hóa CCVC một phương thức cấu tạo từ trong lịch sử tiếng Việt
Mục này, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu về hiện tượng đa tiết hóa cấu trúc CCVC để nhận thức rõ hơn về quá trình một từ có tổ hợp phụ âm đầu đã trở thành một từ song tiết như thế nào trong lịch sử tiếng Việt. Trước tiên, xin xem bảng thống kê dưới đây.
CVC
|
ß
|
CCVC
|
à
|
CVC-CVC
|
Tròng (cái-)/ lõng
(đón-), thòng (động từ)
|
ß
|
*thlɔng
|
à
|
Thòng lọng
|
Long/ rồng
|
ß
|
*thluong
|
à
|
Thuồng luồng
|
Rồng
|
ß
|
*krong
|
à
|
Cà rồng (cửu long)
|
Rắn, trằn, trăn
|
ß
|
*thlan
|
à
|
Thằn lằn
|
Lũng, ruộng, luống, thung
|
ß
|
*thlung
|
à
|
Thung lũng
|
Tẽn, thẹn, trẽn
|
ß
|
*thlen
|
à
|
Thèn lẹn
|
Trẽn, tẽn, thẹn
|
ß
|
*blen
|
à
|
Bẽn lẽn(6)
|
Sơ, thưa, sưa
|
ß
|
*thlə
|
à
|
Thơ rơ / xơ rơ/ lơ thơ(7)
|
Lem, nhem, nhèm
|
ß
|
*mlem
|
à
|
Ma lem(8)
|
Ranh, rành (hiểu rõ),
Lanh (-lợi), nhanh (-trí)
|
ß
|
*mlanh
|
à
|
Ma lanh
|
Trót, lọt, tọt
|
ß
|
*tlot
|
à
|
Trót lọt
|
Sáng, rạng
|
ß
|
*khlang
|
à
|
Sáng láng
|
Trệt, sệt
|
ß
|
*klet
|
à
|
Lệt sệt
|
|
|
|
|
|
Cột CCVC trỏ yếu tố có dạng ngữ âm cổ từ thế kỷ XVII về trước. Cột CVC là những sản phẩm của quá trình đơn tiết hóa bằng cách hòa đúc hay rụng một yếu tố. Cột CVC-CVC là sản phẩm của quá trình “âm tiết hóa yếu tố đầu của CCVC”. Như vậy đơn tiết hóa và đa tiết hóa các từ CCVC là một phương thức tạo từ vựng trong tiếng Việt bằng cách âm tiết hóa.
Phương thức âm tiết hóa gồm: (1) tiến hành dùng toàn bộ khuôn vần của âm tiết chính (vốn đã có trọng âm, trường âm) chắp vào yếu tố đầu của CC-, như thòng lọng, thung lũng, thuồng luồng, thèn lẹn, bẽn lẽn; (2) âm tiết hóa yếu tố đầu của CC, như: thơ rơ, ma lem, ma lanh. (3) Thực hiện cơ chế láy toàn phần sau đó dị hóa ở từng âm tiết(9).
Trong số ba phương thức âm tiết hóa vừa nêu, chúng tôi muốn chú ý đến phương thức thứ hai - phương thức đa tiết hóa bằng cách âm tiết hóa yếu tố đầu của tổ hợp phụ âm CC. Theo Jakhontov [xem thêm Nguyễn Tài Cẩn 1995: 247], hình thái của bồ câu của tiếng Việt hiện đại vốn bắt nguồn từ một hình thái cổ có dạng tổ hợp phụ âm đầu trong ngôn ngữ Proto Đồng Thủy là *pq-. Gohman trong cuốn Ngữ âm lịch sử các ngôn ngữ Thái đồng thuận với giả thuyết này, và cung cấp một số đối ứng của bồ câu trong các thổ ngữ như: pau (4 thổ ngữ), piau (1), peu (1), kau (1), qau (1), kuu (1) [Istoricheskaja Phoneticka Taiskikh Jazykov. Izd Nauka. Moscva 1992: 30]. Từ những ý kiến và tư liệu trên, Vũ Đức Nghiệu cho rằng: “lý do ra đời của một số trong những từ đa tiết như: ba láp, ba trợn, bồ cào, bồ các, bồ cắt, bồ nâu, bồ chao, bồ hôi, bồ đài, bồ hòn, bồ kết, bồ ngót, bù nhìn, bồ nông, bố láo, cà chớn, cà khổ, cà kheo, cà tàng... là hiện tượng âm tiết hóa thành tố đầu trong tổ hợp âm đầu của đơn vị hình thái đơn tiết nguyên gốc” [2005: 9].
Hiện tượng đa tiết hóa cấu trúc CCVC còn để lại khá nhiều lưu tích trong địa danh Việt Nam. Vấn đề sẽ hết sức thú vị với nhiều nhà nghiên cứu khi đứng ở góc độ ngữ âm học lịch sử. Nhiều địa danh đã được chứng minh rằng, các tên chữ Hán vốn là một cách đa tiết hóa của một tên Nôm có cấu trúc CCVC. Ví dụ như: Từ Liêm để ghi âm Việt cổ là *tlèm mà nay đọc là Trèm/ Chèm. Tương tự như vậy: Thanh Liệt/ *tlét/ sét (vì làng này thờ thần Sét- Pháp Điện), Phù Lưu/ *plầu/ Trầu (làng này chuyên trồng trầu cau), Phả Lại/ *phlại/ trại (vì địa danh này là nơi nhà Trần đóng quân cắm chốt), Cửu Long/ *krong/ sông (và chữ Cửu Long lấp láy giữa nghĩa này với nghĩa chữ Hán “chín con rồng” của từ nguyên dân gian), Khả Lễ/ *khlễ/ Sẻ (huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), Khuê Liễu/ *khlếu/ Sếu (tên một làng ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), Khả Lang/ *khlang/ Sang (tên làng ở Quỳnh Phụ, Thái Bình), Cà Lồ/ *klù/ khù - khú (sông có nhiều cá SẤU ở), Câu Lậu/ *klâu/ Trâu (núi con Trâu, Thạch Thất, Hà Nội)... Những ví dụ như vậy hiện chưa có một thống kê đầy đủ và toàn diện.
Mặt khác, hiện tượng đa tiết hóa có thể vẫn thấy trong tiếng Việt hiện nay đối với những từ phiên âm các ngôn ngữ chắp dính có CC- đứng đầu như: style > xì - tai, pro (professional) > pờ - rồ, sport > xì - pót, stress > xì - choét, scandale > xì - căng - đan, slip > xi - líp, x-teen > xì - tin, stop > xì - tóp, club > cờ - lắp, black > bờ - lách, clip > cờ - líp, clé > cờ - lê, Khmer > Khơ - me, Khmú > Khơ - Mú, Khmau > Cà - Mau, ...
Từ những cứ liệu cụ thể như trên, chúng tôi bước đầu có cơ sở thực tế cũng như lý luận để nói rằng các câu thơ sáu chữ trong QATT rất có thể là những tàn tích của hiện tượng đa tiết hóa cấu trúc CCVC. Dưới đây, chúng tôi sẽ đi vào nghiên cứu sâu hơn về hiện tượng này.
3.2. Đa tiết hóa và âm tiết cảm thức
Chúng tôi cho rằng rất có thể Nguyễn Trãi tiến hành điều phối âm thanh bằng cách âm tiết hóa yếu tố đầu của tổ hợp phụ âm CC-. Những yếu tố đã được âm tiết hóa ấy, trên quan điểm của tâm lý học ngôn ngữ, được gọi là các đại lượng âm tiết cảm thức (intuitive)(10). Theo sự giới thiệu của GS. Nguyễn Quang Hồng, các âm tiết cảm thức có thể được phân xuất ra ngay cả trong những trường hợp đặc biệt của ngôn từ thi ca, có những từ được các nhà thơ sử dụng vừa như là từ đơn âm tiết lại vừa như là từ song âm tiết [TTD nhm]; lại có những từ khác được sử dụng khi thì như từ song tiết khi thì như là ba âm tiết. Đối với một số nhà thơ, việc phân xuất ra các âm tiết như vậy không phải hoàn toàn tùy ý, mà là có dụng ý hẳn hoi trong sáng tạo dòng thơ. Dụng ý thi ca đó càng chi phối rõ rệt hơn đối với sự phân định âm tiết khi các nhà thơ viết (và đọc)… Rõ ràng là trong các trường hợp như thế, đối với những từ đã cho, do áp lực của cấu trúc dòng thơ, số lượng âm tiết (và cả các âm tiết cụ thể) có thể được cảm thức khác nhau [TTD nhm] [Nguyễn Quang Hồng 2002: 47].
Với một truyền thống thi học chịu ảnh hưởng sâu đậm của ngôn ngữ - văn hóa Trung Hoa, có lẽ những âm tiết cảm thức trong thơ Nguyễn Trãi chính là những lưu tích của quá trình va đập của tiếng Việt với tiếng Hán(11). Các từ có cấu trúc CCVC trong QATT có lẽ đã được Nguyễn Trãi đọc thành CV-CVC với tư cách như là những từ song tiết thực thụ - có thể coi đó là những từ song tiết lâm thời trong ngữ lưu của câu thơ. Nếu không phải như vậy thì chúng ta sao có thể lý giải được gần chín mươi lần chúng xuất hiện trong câu thơ sáu chữ của Nguyễn Trãi.
Các từ song tiết lâm thời ấy, trong cảm thức của tác giả, đã lấp đầy khoảng trống thanh âm trong những câu thơ thất ngôn Đường luật. Lấp đầy khoảng trống âm thanh thực chất là đang khỏa lấp những điểm vênh/ chênh về ngữ âm của tiếng Việt cổ thế kỷ XV với thể loại thơ thất ngôn Đường luật (thể thơ đỉnh cao của một loại hình ngôn ngữ đã đơn tiết hóa triệt để). Chỉ cần thực hiện một thao tác đơn giản là lắp các vị trí đã được âm tiết hóa kia vào câu thơ, chúng ta sẽ phần nào khôi phục được những âm tiết trong cảm thức của Nguyễn Trãi. Đó là những vị trí mà chúng tôi muốn tái lập như ở dưới đây.
Văn bản Dương Bá Cung ghi (theo âm tái lập(12) trước đây của chúng tôi [Trần Trọng Dương 2012]):
Quân thân chưa báo lòng cánh cánh,
Tình phụ cơm *blời (trời) áo cha
(Ngôn chí 8.8)
Có thể tái lập thành:
Quân thân chưa báo lòng cánh cánh,
Tình phụ cơm *bơ - lời áo cha
(Ngôn chí 8.8)
Một ví dụ nữa:
Ngạn nọ *kso miền Thái Thạch
Làng kia *kmỉa cảnh Tiêu Tương
(Trần tình 42.4)
Có thể tái lập thành:
Ngạn nọ *cơ - so miền Thái Thạch
Làng kia *cơ - mỉa cảnh Tiêu Tương
(Trần tình 42.4)
Một ví dụ nữa:
*Klặt hoa tàn xem ngọc rụng,
*Ksoi nguyệt xấu kẻo đèn khêu
(Tự thán 105.5).
Có thể tái lập thành:
*Cơ - lặt hoa tàn xem ngọc rụng,
*Cơ - soi nguyệt xấu kẻo đèn khêu
(Tự thán 105.5).
Các tái lập trên cho thấy thủ pháp điều phối âm thanh mà Nguyễn Trãi đã thực hiện: đó là việc sử dụng các từ đa tiết hóa để đối với một từ đa tiết hóa trong những liên bắt buộc phải có đối ngẫu. Khi sắp âm vào dòng thơ, yếu tố đầu C- của các CC- đã được đọc rõ lên và hoạt động như là một âm tiết thực thụ trong dòng thơ thất ngôn. Đây có thể coi là một quy luật xảy ra thường xuyên trong QATT, các cặp như vậy theo sự khảo sát của chúng tôi lên đến gần một trăm năm mươi trường hợp [Trần Trọng Dương 2011]. Một đặc điểm nữa có thể rút ra là các “âm tiết được tỏ hóa” ít khi rơi vào vị trí 2, 5, 7 trong câu thơ, bởi một lẽ đơn giản: chúng đều mang thanh bằng(13).
4. Thảo luận về việc tái lập
Có ba vấn đề cần được cân nhắc ở đây:
- Tái lập âm đọc trong 1 vị trí của một ngữ lưu có đến hai khả năng tái lập.
- Tái lập âm đọc trong 89 vị trí xuất hiện ở ngữ lưu của câu thơ sáu chữ.
- Tái lập âm đọc cho vị trí xuất hiện ở câu thơ sáu chữ chỉ có một khả năng tái lập.
(1) Thảo luận về việc tái lập các từ song tiết trong một câu thơ có hai khả năng tái lập. Xuất xứ:
*ksang cùng khó bởi chưng *blời,
Lặn mọc làm chi cho nhọc hơi
(Ngôn chí 10.1)
Hai vị trí cùng có thể được đa tiết hóa là: *ksang > *cơ - sang và *blời > *bờ - lời. Trong một câu thơ bảy chữ, ta đều có thể hoặc tái lặp trường hợp này hoặc tái lập trường hợp kia. Tức là Nguyễn Trãi đã sử dụng một trường hợp là cận song tiết và một trường hợp là dạng đơn tiết. Ở đây tái lập ở vị trí nào cũng được, bởi cả hai cách đều không phạm bằng trắc:
*Cơ - sang cùng khó bởi chưng *blời,
Lặn mọc làm chi cho nhọc hơi
(Ngôn chí 10.1)
hoặc:
*ksang cùng khó bởi chưng *bờ - lời,
Lặn mọc làm chi cho nhọc hơi
(Ngôn chí 10.1)
Điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện cả hai cách tái lập, ấy là các vị trí “khó, bởi” ở giữa dòng thơ đều là thanh trắc(14).
(2) Thảo luận về âm đọc trong 10 vị trí ở ngữ lưu của câu thơ bảy chữ
Đối với những trường hợp này, chúng tôi cho rằng khi phiên âm, vẫn để nguyên dạng đơn tiết CCVC. Khi câu thơ đã đủ bảy âm tiết, Nguyễn Trãi sẽ chọn một từ có vỏ âm thanh đơn tiết. Bởi ta biết, các “song thức, tam thức” và tính lưỡng khả, tam khả về mặt ngữ âm (CvCVC / CCVC và CVC) của một ngữ tố (vd: *bờ -lời, *blời, lời, và sau này còn có trời, giời, xời) đã khiến kho ngữ âm của tiếng Việt thế kỷ XV phong phú về mặt thanh âm. Nói cách khác, tiếng Việt cổ thế kỷ XV là một thứ ngôn ngữ đang trong quá trình đơn tiết hóa, cho nên các biến thể ngữ âm (dạng cận song tiết CvCVC, dạng đơn tiết CCVC và dạng đơn tiết CVC(15) và dạng Cv - CVC) của một ngữ tố cùng một lúc tồn tại trong quá trình hành ngôn sống động(16) (TTD nhm). Việc sáng tác thơ Nôm của Nguyễn Trãi là một quá trình của việc “điều phối” những thanh âm nằm trong hệ lựa chọn của ông.
(3) Tái lập âm đọc cho vị trí xuất hiện ở câu thơ sáu chữ chỉ có một khả năng tái lập. Có thể thấy rõ qua ví dụ cụ thể như sau.
Tai thường phỏng dạng câu ai đọc:
“*Cơ - rốt nhân sinh bảy tám mươi”
(Tự thán 76.8)
Số lượng các vị trí này là khá nhiều, không nêu chi tiết được, nên chúng tôi
thể hiện qua bảng dưới.
Các quy ước chính tả khi phiên chuyển:
Các từ cận song tiết (được đọc như là một từ song tiết trong câu thơ QATT) khi phiên chuyển sẽ dùng kiểu phiên âm là A-B. Trong đó dấu ngang (-) luôn nằm ở giữa.
- Các âm tiết chính sẽ ghi ở dạng chính tả gần nhất so với đối ứng trong tiếng Việt hiện đại. Ví dụ: không phiên “cơ - lo” hay “cơ - ro” mà là “cơ - so”. “Cơ - so” đối ứng với “so”, đây là cách phiên tiện theo dõi và dễ tiếp nhận hơn cả(17).
- Các âm “tỏ hóa”, dĩ nhiên, luôn mang thanh bằng (ngang, hoặc huyền).
STT
|
KTL
|
Đa tiết hóa
|
HĐ
|
TS
|
A
|
1.
|
*ksɔ1
|
*Cơ - so
|
So
|
2
|
X
|
2.
|
*ksaŋ1
|
*Cơ - sang
|
Sang
|
6
|
X
|
3.
|
*ksaŋ1
|
*Cơ - sang
|
Sang
|
2
|
X
|
4.
|
*kset6
|
*Cơ - sệt
|
Sệt
|
1
|
X
|
5.
|
*ksɔi1
|
*Cơ - soi
|
Soi
|
3
|
1
|
6.
|
*ksoŋ5
|
*Cơ - sống
|
Sống
|
3
|
X
|
7.
|
*c’sao1
|
*Chơ -sao
|
Sao
|
4
|
3
|
8.
|
*klɛo1
|
*Cơ - leo
|
Treo
|
2
|
X
|
9.
|
*kroŋ1
|
*Cơ - rông
|
Trông
|
4
|
3
|
10.
|
*kroŋ5
|
*Cơ - rống
|
Trống
|
1
|
X
|
11.
|
*tbui
|
*Tơ - bui
|
Vui
|
6
|
5
|
12.
|
*blai5
|
*Bờ - lái
|
Trái
|
3
|
X
|
13.
|
*krot5
|
*Cơ - rốt
|
Rốt
|
3
|
X
|
14.
|
*klam2
|
*Cơ - lầm
|
Lầm
|
2
|
1
|
15.
|
*mlei2
|
*Mờ - lời
|
Lời
|
3
|
1
|
16.
|
*klən5
|
*Cơ - lớn
|
Lớn
|
1
|
X
|
17.
|
*klui1
|
*Cơ - lui
|
Lui
|
7
|
5
|
18.
|
*kmia3
|
*Cơ - mỉa
|
Mỉa
|
1
|
X
|
19.
|
*kmuəŋ5
|
*Cơ - muống
|
Muống
|
2
|
1
|
20.
|
*kmuŋ2
|
*Cơ - mùng
|
Mùng
|
2
|
1
|
21.
|
*blăŋ1
|
*Ba - lăng
|
Trăng
|
10
|
X
|
22.
|
*bləi2
|
*Bờ - lời
|
Trời
|
19
|
18
|
23.
|
*klɯək5
|
*Cơ - lước
|
Trước
|
2
|
X
|
24.
|
*?jə1
|
*A - giơ
|
Giơ
|
1
|
X
|
25.
|
*kjau2
|
*Cơ - giàu
|
Giàu
|
7
|
6
|
26.
|
*klăt6
|
*Cơ - lặt
|
Lặt
|
1
|
X
|
27.
|
*ksâm2
|
*Cơ - sầm
|
Sầm/ thầm
|
2
|
X
|
28.
|
*kŋu3
|
*Cơ - ngủ
|
Ngủ
|
3
|
1
|
29.
|
*tbua
|
*Tơ - bua
|
Vua
|
2
|
X
|
Tổng
|
103
|
89
|
|
|
|
Sau khi tiến hành tái lập, chúng tôi thấy, trong số 89 trường hợp câu thơ có sáu chữ, có đến 83 câu đúng luật, chỉ có 6 câu bị thất luật. Chúng tôi cho rằng, 83 trường hợp đúng luật là kết quả có thể chấp nhận được. Còn sáu vị trí thất luật tạm để tồn nghi chờ nghiên cứu tiếp, chúng sẽ thuộc về trường hợp câu sáu chữ có đến hai vị trí tái lập.
Tóm lại, như trên đã trình bày, chúng tôi đã tiến hành tái lập ngữ âm của 29 ngữ tố xuất hiện với tần số 103 lần trong QATT. Trên cơ sở 29 chữ Nôm cổ dạng E2 (48 lượt) ghi các từ có tổ hợp phụ âm đầu CC- trong cấu trúc ngữ âm CCVC của tiếng Việt thế kỷ XV. Mười tổ hợp phụ âm đã được tái lập qua các chữ Nôm E2 gồm có: *ks-, *kl-, *tb-, *c’r-, *ml-, *km-, *bl-, *?-, *kj-, *kŋ-. Bài viết mở đầu cho một số công việc mà chúng tôi dự định làm trong tương lai: (1) Giải mã hơn 400 câu thơ sáu chữ trong QATT để từ đó đi đến trả lời câu hỏi liệu có hay không thể thơ thất ngôn xen lục ngôn trong lịch sử văn học Việt Nam. (2) Nghiên cứu hệ thống ngữ âm tiếng Việt thế kỷ XV. (3) Nghiên cứu chữ Nôm thế kỷ XV... Cách làm của chúng tôi đang đối diện một trong những vấn đề tế nhị nhất của văn bản học, văn tự học cũng như văn học Việt Nam cổ - trung đại. Có thể trong một số trường hợp sẽ không tránh khỏi sai lầm, điều đó thật khó được thông cảm và chấp nhận.
T.T.D
* Bài viết thuộc chương trình nghiên cứu do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc Gia (Nafosted) tài trợ. Xin chân thành cảm ơn!
Chú thích:
(1) Nhân đây, xin gửi lời tri ân đến anh Lê Sơn Thanh đã chia sẻ cho chúng tôi tài liệu quý hiếm này.
(2) Tái lập vốn là thuật ngữ của ngành ngữ âm học, trỏ việc thiết lập lại cách đọc/ ngữ âm của một ngôn ngữ trong quá khứ một cách giả định. Bài viết muốn áp dụng thuật ngữ này cho cả ngành văn tự học và văn bản học. Khái niệm tái lập ở khía cạnh văn tự học chữ Nôm là trỏ việc khôi phục lại các chữ Nôm cổ (đã bị dọn, sửa trong một văn bản cụ thể) trên cơ sở lưu tích của ngữ âm và văn tự Nôm hậu kỳ. Khái niệm tái lập ở khía cạnh văn bản học (của các văn bản chữ Nôm) là trỏ việc dựng lại một cách có hệ thống các yếu tố cổ của văn bản đó, trong đó sẽ có các thao tác đính ngoa, hiệu khám, phê phán văn bản học, phê phán văn tự học,… Và điểm cuối cùng chúng tôi muốn chua thêm ở đây là tái lập luôn hàm ý trong đó sự giả định mà thôi. Nó trỏ một phương thức tiến hành hơn là chân lý tuyệt đối.
(3) Sở dĩ nói là “bất luận” bởi lẽ các yếu tố, các ký hiệu chữ Hán dùng để ghi tiền âm tiết, hay yếu tố đầu của tổ hợp phụ âm theo lẽ thường sẽ (theo tuyến tính trên dưới của một văn bản cổ Hán Nôm) yếu tố chữ Hán dùng để ghi âm tiết chính. Nhưng trong chữ Nôm không phải lúc nào cũng vậy, các ký tự ghi tiền âm tiết hay yếu tố đầu của tổ hợp phụ âm có thể đứng bên phải hoặc bên trái của yếu tố chính. Sở dĩ có những cách viết khác nhau như vậy là do người viết đã bố trí kết cấu, gian giá của các ký tự đó trong một khối vuông. Những sắp xếp ấy thuần để phục vụ cho hình thể, thuộc về lĩnh vực thư pháp cổ điển.
(4) Sự so sánh này hoàn toàn chỉ mang tính thao tác trình bày, để cho quý vị tiện theo dõi, chứ thực tế, hai ngôn ngữ này không có quan hệ họ hàng với nhau. Mọi sự giống nhau về cấu trúc ngữ âm ở đây là ngẫu nhiên từ góc nhìn lịch đại. Nhưng dẫu sao, tổ hợp phụ âm đầu là một phổ niệm ngôn ngữ.
(5) Kiểu tái lập sẽ sử dụng cách ký hiệu có /ə /.
(6) Có thể thấy *thlen4 và là *blen4 những biến thể ngữ âm của cùng một căn tố từ nguyên.
(7) Cụ thể xin xem Trần Trọng Dương 2008b.
(8) Một số từ điển tiếng Việt hiện nay hiểu theo từ nguyên dân gian, coi ma lem với nghĩa là “con ma lem luốc”.
(8) Hiện tượng láy toàn phần từ một động từ gốc có thể thấy xuất hiện trong QATT như: sát sát (sát sát kề song giấc hòe, sau cho biến âm san sát), tấp tấp (giường tấp tấp một nồi hương), phơi phơi (năm thức phơi phơi đuôi phượng mở, tám lòng ỉm ỉm chữ nhàn phong), [Trần Trọng Dương 2011].
Hoặc có thể đây cũng chỉ là một kiểu kết hợp ngẫu nhiên của những từ có cùng một gốc nhưng lại có những biến thể ngữ âm khác nhau, kiểu kết hợp này có được sau khi đã toàn tất quá trình đơn tiết hóa.
(9) “Âm tiết cảm thức là đơn vị nhỏ nhất mà theo chủ quan của những người bản ngữ của một thứ tiếng nào đó phân xuất ra với tư cách là âm tiết.” [theo E.B. Trofimova 1979: 92-98, chuyển dẫn theo Nguyễn Quang Hồng 2002: 44]. Nói một cách đơn giản, âm tiết cảm thức là sản phẩm của quá trình phân chia âm tiết theo cảm thức.
Nếu so sánh những cách ghi trong An Nam dịch ngữ hay An Nam quốc dịch ngữ (hai tác phẩm của người nước ngoài) với những chữ Nôm trong Phật thuyết, ta thấy rằng không phải lúc nào cũng có thể phân biệt rạch ròi giữa âm tiết cảm thức phi bản ngữ và âm tiết cảm thức bản ngữ. Nhiều khi tính chủ quan trong sự cảm nhận các âm tố/ âm tiết còn dựa trên cấu trúc thực tế mà âm đó tồn tại.
(10) Vấn đề này chúng tôi xin được đi sâu hơn trong một bài viết khác.
(11) Lưu ý là các kiểu tái lập đã thực hiện ở phần đầu của bài viết là dùng các ký hiệu của ngành ngữ âm, các tái lập này chỉ để phục vụ các đối tượng nghiên cứu chuyên sâu. Cho nên, khi đối tượng là các độc giả không ở trong ngành ngữ học, chúng tôi tạm phỏng theo phương pháp ký hiệu chính tả quốc ngữ cổ của A. Des Rhodes để tiện theo dõi.
(12) Tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ, hiện tượng này chúng tôi xin được đề cập đến trong dịp khác.
(13) Vấn đề này cần phải tiếp tục khảo sát thêm.
(14) Cũng xin lưu ý là dạng đơn tiết cũng có thể có hai ba biến thể khác nhau như lời- trời chẳng hạn.
(15) Bởi chưa phát hiện ra đặc điểm này, nhiều nhà nghiên cứu trước đây đều băn khoăn rằng: nếu đã tái lập ở trường hợp này thì đủ bảy âm tiết nhưng ở chỗ khác lại thừa thành tám chín âm tiết. Tức là cách tiếp cận và tái lập ấy tưởng là có tính hệ thống và tính nhất quán nhưng lại quên đi tính sống động của ngôn ngữ. Tuy nhiên, hầu hết vẫn không mấy khi nghi ngờ về những cặp song tiết- đơn tiết như đá - la đá, ngựa - bà ngựa, ngàn - la ngàn vốn đã có sẵn trong văn bản rồi.
(16) Vấn đề phiên âm Nôm, chúng tôi xin được thảo luận trong một bài viết khác. Ta khó có thể “hiện đại hóa” cách phiên trong QATT như trước nay vẫn làm, bởi nó gây bất lợi cho việc nghiên cứu, ngôn ngữ, văn tự cũng như ngôn ngữ văn học…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Pierre Pegneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu): Dictionarium Anamitico Latinum 1772 - 1772 (Tự vị An nam La tinh), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb. Trẻ. 1999.
2. Nguyễn Tài Cẩn: Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nxb. Giáo dục, H. 1997.
3. Nguyễn Tài Cẩn: Về chữ Nôm thời Quốc âm thi tập. Trong “Một số chứng tích về ngôn ngữ - văn tự - văn hóa”. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 1989, tb 2001.
4. Huình Tịnh Paulus Của: “大南國音字彙” Đại Nam quấc âm tự vị, SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4.; Nxb. Trẻ. 1998 (theo ấn bản 1895-1896).
5. Trần Trọng Dương: Đi tìm âm đọc cổ cho chữ “lơ thơ”. Tạp chí Hán Nôm. Số 03/2006. tr.44-53.
6. Trần Trọng Dương: Tình hình cấu trúc chữ Nôm qua ‘Khóa hư lục giải nghĩa” và “Khóa hư lục giải âm”. Tạp chí Hán Nôm số 02/2008. tr.43-57.
7. Trần Trọng Dương: Thử tầm nguyên hai chữ “tha la”. Trong “Nghiên cứu chữ Nôm”. Hội bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ, Nxb. KHXH, H. 2008, tr.169-180.
8. Trần Trọng Dương: Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển (bản thảo sắp in). Alphabook, Nxb. KHXH, H. 2013, 550 tr.
9. Trần Trọng Dương: Thủy âm kép tiếng Việt cổ thế kỷ XIV-XV qua các chữ Nôm cổ trong Quốc âm thi tập. Tạp chí Ngôn ngữ, số 8/2012. tr.44-61.
10. J.F.M. Génibrel: Dictionnaire Annamite - Français (大越國音漢字法 釋集成), SaiGon Imprimerie de la mission à Tân Định. 1898.
11. Michel Ferlus: Sự biến hóa của các âm tắc giữa (obstruentes mediales) trong tiếng Việt. Vân Hà dịch. Trong Giao lưu văn hóa và ngôn ngữ Việt - Pháp. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1999a tr.116-145.
12. Michel Ferlus: Những sự không hài hòa thanh điệu trong tiếng Việt Mường và những mối liên quan lịch sử của chúng. Vương Lộc dịch. Trong “Giao lưu văn hóa và ngôn ngữ Việt - Pháp”. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh. 1999b, tr.147-161.
13. Michel Ferlus: The Origin of Tones in Viet - Muong, Southeast Asian Linguistic Society XIth Conference, Bangkok, Thailand, May 16-18 2001.
14. Nguyễn Quang Hồng: Khái luận văn tự học chữ Nôm. Nxb. Giáo Dục. H. 2008.
15. Nguyễn Quang Hồng: Âm tiết và loại hình ngôn ngữ. Nxb. Đại học Quốc gia, H. 2002.
16. Nguyễn Phạm Hùng: Thể thơ thất ngôn xen lục ngôn (The Heptameter Intercalated with Hexameter Poetry). Nxb. Đại học Quốc gia. H. 2006, 449 tr.
17. Mai Quốc Liên cb: Quốc âm thi tập. Trong Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (T3). Nxb. Văn học - TTNC Quốc học, H. 2001.
18. Jimes A. Matisoff: Tonogenesis in Southeast Asia, in: Hyman, Larry M. (ed.) Consonant Types and Tones. Southern California Occasional Papers in Linguistics 1, 1973, tr.71-96.
19. Vương Lộc: An Nam dịch ngữ, Trung tâm Từ điển học & Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng. 2001.
20. Shimizu Masaaki: Khảo sát sơ lược về cấu trúc âm tiết tiếng Việt vào thế kỷ XIV-XV qua hai cứ liệu chữ Nôm. Trong Các nhà Việt Nam học nước ngoài viết về Việt Nam (Tập 2). Nxb. Thế giới, H. 2002.
21. Shimizu Masaaki: A Phonological Reconstruction of 15th Century Vietnamese Using Chữ Nôm 字喃Materials. 2010 International Conference and Taiwanese Studies, National Cheng Kung University, Taiwan. 2010.
22. Bùi Văn Nguyên: Thơ quốc âm Nguyễn Trãi. Nxb. Giáo dục. H. 1994.
23. Nhẫn Gaston: Etude du consonantisme du Quốc âm thi tập (Nghiên cứu hệ thống phụ âm đầu của Quốc âm thi tập, Luận án Tiến sĩ đệ tam cấp), INACO. Pháp. 1967, 243 tr.
24. Vũ Đức Nghiệu: Đơn tiết, đơn tiết hoá và đa tiết, đa tiết hoá trong quá trình phát triển của tiếng Việt (Monosyllabism, Monosyllablization and Polysyllabism, Polysyllablization during Vietnamese Developing Process). Kỉ yếu hội thảo quốc tế về ngôn ngữ và ngôn ngữ học liên Á. H. 2005, tr.202-213.
25. Hoàng Thị Ngọ: Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm ‘Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh’, Nxb. KHXH, H. 1999.
26. Hoàng Thị Ngọ: Dấu tích của các tổ hợp phụ âm đầu KB, KM, KN, KĐ qua cách ghi chữ Nôm cổ. Trong Mạch đạo dòng đời. Nxb. KHXH, H. 2002, tr.198-208.
27. Nguyễn Tá Nhí: Các phương thức biểu âm trong cấu trúc chữ Nôm Việt, Nxb. KHXH, H. 1997.
28. Nguyễn Tá Nhí cb: Tổng tập văn học Nôm Việt Nam, T1, Nxb. KHXH. H. 2008.
29. Trương Đức Quả : Vận dụng tri thức ngữ âm lịch sử trong nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm. Trong “Mạch đạo dòng đời”. Viện Nghiên cứu Hán Nôm. H. 2002, tr 221-237.
30. Alexandro de Rhodes: 1651. Dictionarivm Annnamiticivm Lvsitanvm et Latinvm ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in Lucem Editum ab Alexandro de Rhodes e Societati Jesu, Eiusdemque Sacra Congregationis Missionario Apostolico. - Romae: typis & sumptibus eiusdem Sacr. Congreg. p.633, Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch, Nxb. KHXH. H. 1994.
31. Nguyễn Ngọc San: Chữ Nôm và văn bản chữ Nôm, trong Cơ sở ngữ văn Hán Nôm (Tập IV phần 2). Lê Trí Viễn chủ biên, Nxb. Giáo dục, H. 1987. tr.184-355.
32. Nguyễn Ngọc San: Góp vài ý kiến về âm đầu tiếng Việt cổ qua cứ liệu Phật thuyết, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.1982.
33. Nguyễn Ngọc San: Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, Nxb. Đại học Sư phạm, H. 2003.
34. Nguyễn Ngọc San: Lý thuyết chữ Nôm - văn Nôm, Nxb. Đại học Sư phạm, H. 2003.
35. Paul Schneider: Nguyen Trai et son Receuil de Poemesen en Langue Nationale. Centre National de la Rechercher Scientifique. Paris. 1987.
36. Cao Tự Thanh: Văn học Đàng Trong. Trong “Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX những vấn đề lý luận và lịch sử”, Trần Ngọc Vương chủ biên, Nxb. Giáo dục, H. 2007.
37. Trần Uyên Thi-Nguyễn Hữu Vinh: Ai vẽ được, ai xóa được? Dấu vết âm Việt cổ: từ song tiết và phụ âm kép. Tham luận Hội nghị Quốc tế về tiếng Việt. Viện Việt học, California, USA. 2007
38. Trần Thái Tông: Thiền tông khóa hư ngữ lục. Tuệ Tĩnh giải nghĩa, Trần Trọng Dương khảo cứu, dịch và phiên chú. Nxb. Văn học & TT Nghiên cứu Quốc học. 2009.
39. Nguyễn Hùng Vĩ: Những ghi chép chữ nghĩa khi đọc Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Trong “Thông báo Hán Nôm học năm 2009”. Nxb. KHXH. H. 2010./.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 1, năm 2003; http://trantrongduong.blogspot.kr/