Văn học Việt Nam trung đại

Cách hiểu khái niệm “Tiểu thuyết tài tử giai nhân” của học giới Trung Quốc


10-10-2020

Cách hiểu khái niệm “Tiểu thuyết tài tử giai nhân” của học giới Trung Quốc

Nguyễn Văn Hoài

            (Khoa Văn học - Ngôn ngữ, ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh)

 

 

“Tiểu thuyết tài tử giai nhân (TTGN)” là gì? Câu hỏi tưởng chừng rất dễ trả lời. Nhưng, khi đọc các công trình nghiên cứu của học giới Trung Quốc(1) viết về vấn đề này mới thấy thật ra không hề giản đơn. Hiện tại các nhà nghiên cứu Trung Quốc vẫn chưa thống nhất với nhau về khái niệm này. Nhìn chung thì có hai cách hiểu rộng hẹp khác nhau. Bài viết này sơ bộ tổng thuật cách hiểu khái niệm “tiểu thuyết TTGN” của học giới Trung Quốc từ trước đến nay.

 

1. Khái niệm “tài tử” và “giai nhân”

Trước khi tìm hiểu khái niệm “tiểu thuyết TTGN”, có lẽ chúng ta cũng cần xem qua khái niệm “tài tử” và “giai nhân” trong thư tịch Trung Quốc từ khởi thủy đến khi khái niệm “tiểu thuyết TTGN” định hình thành một thuật ngữ văn học. Về hai khái niệm này Chu Kiến Du đã trình bày khá tường tận trong công trình Tài tử giai nhân tiểu thuyết nghiên cứu. Phần lược thuật dưới đây chúng tôi căn bản dựa vào công trình trên của họ Chu.

Theo Chu Kiến Du, trong quá trình lịch sử dài lâu, hàm nghĩa của hai khái niệm “tài tử” và “giai nhân” đã có những biến đổi lớn.

1.1 Về khái niệm “tài tử”

Từ “tài tử” được dùng sớm nhất trong Tả truyện. Phần “Văn công 18 niên” của sách này có viết: “Tích Cao Dương thị hữu tài tử bát nhân,…” (Xưa họ Cao Dương có 8 người là bậc tài tử,…). Tiếp theo lại viết “Tích Đế Hồng thị hữu bất tài tử,…” (Xưa họ Đế Hồng có kẻ không phải tài tử,…). Qua đó cho thấy, “tài tử thuở ban đầu dùng để chỉ những người mẫu mực, xứng đáng về mặt hành vi và phẩm chất đạo đức trong xã hội”(2). “Tài tử đại biểu cho một hình tượng nhân cách lí tưởng hóa, là một mẫu mực về đạo đức hành vi trong xã hội, là khuôn mẫu để mọi người noi theo, được xã hội tôn trọng”(3).

Đến thời Ngụy - Tấn, Nam Bắc triều thì từ “tài tử” bắt đầu có hàm nghĩa mới, ấy là “những bậc nam tử có tài năng thiên phú về văn học”. Phan Nhạc (247 – 300) đã dùng từ “tài tử” để gọi văn gia nổi tiếng thời Hán là Giả Nghị (200 – 168 tr. CN). Trong bài Tây chinh phú họ Phan viết: “Giả sinh Lạc Dương chi tài tử” (Giả sinh là tài tử đất Lạc Dương)(4). Sau đó trong Hậu Hán thư anh tài Dương Tu (175 – 219) cũng được Phạm Diệp(5) (398 – 445) gọi là “tài tử”. Đến đây thì “hàm nghĩa của từ tài tử đã từ người mẫu mực về đạo đức hành vi trong xã hội có tính lí tưởng hóa đã chuyển thành người có tài năng văn học kiệt xuất hoặc có thiên phú văn học”(6).

Từ “tài tử” đến thời Đường lại được cụ thể hóa hơn, từ hàm nghĩa chỉ kẻ sĩ có tài năng văn học kiệt xuất chuyển sang chỉ những thi nhân kiệt xuất. Chẳng hạn, Nguyên Chẩn (779 – 831) vì có tài thi ca mà được gọi là “Nguyên tài tử” (Tân Đường thư – Nguyên Chẩn truyện). Thời Đường, không ít thi nhân nổi tiếng được người đồng thời gọi là “tài tử”, như Lư Luân, Kích Trung Phu(7), Hàn Hồng và 7 người khác cũng vì có tài làm thơ mà được người đương thời gọi là “Đại Lịch thập tài tử(8). Chu Kiến Du cho rằng: “Để giải thích việc thi tài hóa trong hàm nghĩa tài tử, chúng ta cần phải đi tìm nguyên nhân từ phương diện chế độ khảo thí khoa cử thời xưa”(9). Chế độ khảo thí khoa cử thời Đường rất coi trọng thi phú, lấy năng lực “tả thi tác phú” làm một tiêu chuẩn trong việc đề bạt văn quan. Đây là nguyên nhân trọng yếu khiến cho thi ca đời Đường đạt tới đỉnh “không tiền tuyệt hậu” trong lịch sử thi ca Trung Quốc.

Thời Nguyên, Minh người ta vẫn tiếp tục dùng từ “tài tử” để gọi thi nhân. Thời Nguyên, Tân Văn Phòng đã viết truyện kí về 398 vị thi nhân thời Đường, lấy tên là Đường tài tử truyện. Điều này cho thấy người đương thời gọi thi nhân là “tài tử” đã rất phổ biến. Trong vở tạp kịch trứ danh Tây sương kí, nhân vật nam chính Trương sinh vì có thi tài trác việt và khoa cử đỗ đạt cao mà được tác giả Vương Thực Phủ gọi là “tài tử”. Tương tự như vậy, nhân vật nam chính Liễu Mộng Mai trong vở kịch nổi tiếng Mẫu đơn đình của Thang Hiển Tổ (thời Minh) từ một thư sinh áo vải thi đỗ Trạng nguyên, nên cũng được gọi là “tài tử”. Trương Quân Thụy và Liễu Mộng Mai là đại biểu cho hình tượng “tài tử” trong hí khúc thời Nguyên - Minh, đồng thời cũng thuyết minh cho hàm nghĩa của từ “tài tử” trong thời kì này: tài hoa về văn học và đỗ đạt cao trong khoa cử. Từ đó có thể thấy khoa cử có tác động lớn tới hàm nghĩa của từ “tài tử”(10).

Sang thời Thanh thì từ “tài tử” đã có những biến đổi khác đi so với các thời kì trước. Thí dụ như Kim Thánh Thán (1608 – 1661) đã dùng từ này để gọi tên cho bộ tùng thư mà ông bình điểm: Lục tài tử thư. Cũng với cách dùng như vậy ta còn thấy có một tên sách là Tài tử xích độc(11). Ngoài ra, Mao Tông (Tôn) Cương cũng gọi Tây du chứng đạo kì thư là “Đệ nhất tài tử thư”. Dù rằng cách dùng từ “tài tử” và “tài tử thư” không giống nhau, nhưng cái mà chúng chỉ xưng đều có liên quan đến sáng tác văn học. “Tài tử là chỉ người có tài năng sáng tác văn học kiệt xuất, đặc biệt là tài năng sáng tác thi ca, còn tài tử thư thì hơi khác một chút, không những bao gồm cả thi ca mà còn bao quát cả tản văn và sử tịch”(12).

“Đầu thời Thanh đã xuất hiện không ít những trung thiên tiểu thuyết(13) viết bằng bạch thoại, lấy chuyện tình yêu hôn nhân của tài tử và giai nhân làm chủ đề. Do đó mà chúng được chính tác giả gọi là tiểu thuyết có quan hệ đến tài tử giai nhân(14), đồng thời cũng dùng tên này để gọi trong lời tựa của tác phẩm(15). Các văn nhân đời Thanh như Lưu Đình Cơ, Tào Tuyết Cần khi phê bình những truyện có liên quan đến tình yêu hôn nhân của tài tử và giai nhân cũng đã dùng cụm từ tài tử giai nhân”(16).

Có thể thấy, trong quá trình sử dụng, hàm nghĩa của từ “tài tử” đã trải qua khá nhiều biến đổi. Đến giữa thế kỉ XVIII thì hình tượng “tài tử” trong tiểu thuyết TTGN lại phát sinh thêm một bước biến chuyển: “Từ một văn nhân có tài năng văn học kiệt xuất dần dần biến chuyển thành một anh hùng thời đại văn võ song toàn”(17). Trong không ít tác phẩm tài tử không chỉ thi cử đỗ đạt cao, đạt được chức quan to, mà còn giỏi dùng binh khiển tướng, trừ gian dẹp loạn. Quá trình biến chuyển ấy cũng “thể hiện sự biến đổi về nhận thức của văn nhân truyền thống đối với hình tượng bản thân”(18).

Về phương diện văn nhân, trong Minh Thanh tiểu thuyết tư trào Đổng Quốc Diêm nhận định rằng, tác giả của tiểu thuyết TTGN là những người “hoài tài bất ngộ, bất bình về việc mây xanh hết lối, căm giận giới quyền quý, chán ghét thói đời, giai nhân nan đắc, cảm khái đời người ảm đạm, chúng giăng mắc ở trong lòng, khiến cho họ không thể bình tâm, phải đi tìm sự giải tỏa thông qua văn học”. “Tiểu thuyết TTGN chính diện biểu hiện văn nhân, biểu hiện lí tưởng tình ý của văn nhân. Dù ở trình độ nào cũng có thể nói, đấy là kiểu loại văn học tự mình viết về mình”(19).

  1.2 Về khái niệm “giai nhân”

Theo Chu Kiến Du thì từ “giai nhân” được dùng trong thư tịch có phần phức tạp hơn từ “tài tử”. Thời cổ đại từ “giai nhân” có thể dùng để chỉ cả nam lẫn nữ. Khoảng thế kỉ IV – III tr. CN, trong Sở từ từ “giai nhân” được dùng tượng trưng chỉ Sở Vương. Cách dùng này có thể thấy trong Tương phu nhân, Cửu ca, Bi hồi phong. Trong bài Thu phong từ của Hán Vũ Đế (156 – 89 tr. CN) từ “giai nhân” được dùng chỉ bậc hiền thần, lương tướng(20). Đương nhiên từ “giai nhân” trong Sở từ và Thu phong từ có thể lí giải là được dùng mang tính tượng trưng, dùng một danh từ chỉ xưng nữ giới để chỉ nam giới. Nhưng sau đó từ “giai nhân” đích xác là chỉ nam giới, nó được dùng để chỉ một bậc nam tử anh tuấn hoặc một đấng nam nhi có thanh danh tốt đẹp. Chẳng hạn: Vào thời Ngụy, tướng quân Tào Chân dưới trướng của Tào Tháo vì là bậc anh tuấn tài giỏi nên được gọi là “giai nhân”(21); hay tướng quân Vương Cống thời Tấn cũng vì là người có đạo đức thanh danh tốt đẹp mà được Đào Khản gọi là “giai nhân”(22). Ngoài ra, xin lưu ý rằng, thời xưa thê thiếp cũng gọi chồng là “giai nhân”(23).

Ngoài cách dùng đặc biệt nói trên thì thông thường “giai nhân” được dùng để chỉ phụ nữ đẹp. Từ “giai nhân” dùng để chỉ mĩ nữ thấy sớm nhất trong bài Đăng Đồ Tử hiếu sắc phú của Tống Ngọc. Đây là mấy câu giới thiệu cô hàng xóm “tuyệt thế giai nhân”: “Thiên hạ chi giai nhân, mạc nhược Sở quốc; Sở quốc chi lệ giả, mạc nhược thần lí; Thần lí chi mĩ giả, mạc nhược thần đông gia chi tử.” (Giai nhân trong thiên hạ, không đâu bằng nước Sở; Người đẹp ở nước Sở, không đâu bằng quê thần; Người đẹp ở quê thần, không ai bằng cô hàng xóm phía đông nhà thần).

Từ này cũng được dùng trong bài thơ tiến cử em gái mình lên Hán đế của viên nhạc quan Lí Diên Niên (? – 87? tr. CN):

“Bắc phương hữu giai nhân,                                                  Tuyệt thế nhi độc lập.

Nhất cố khuynh nhân thành,                                                   Tái cố khuynh nhân quốc.

Ninh bất tri khuynh thành dữ khuynh quốc,                          Giai nhân nan tái đắc.”(24)

Tương tự như vậy, Lưu An đã dùng từ “giai nhân” sóng đôi với “mĩ nhân”: “Giai nhân bất đồng thể, mĩ nhân bất đồng diện.”(25) (Giai nhân không cùng dáng, mĩ nhân không cùng mặt).

Cách dùng giống như trên có thể thấy trong cổ thi, chẳng hạn bài Đông thành cao thả trường:

“Yên Triệu đa giai nhân, mĩ giả nhan như ngọc.”

(Triệu, Yên nhiều giai nhân, người đẹp mặt tợ ngọc)

Dùng “giai nhân” để chỉ mĩ nữ, mĩ nhân được duy trì dài lâu cho đến đời sau. “Trong hí khúc thời Minh mạt, giai nhân là người nổi danh về phương diện tình, mạo, tài. Trong ba mặt đó, tình là cái trọng yếu nhất và là đặc trưng khiến cho độc giả hoặc khán giả ấn tượng sâu sắc nhất. Điểm này được chứng minh cụ thể ở vở hí khúc thời Minh mạt là Mẫu đơn đình(26).

So với thời Minh, từ “giai nhân” trong văn học thời Thanh có những điểm bất đồng, biểu hiện chủ yếu ở chỗ nghiêng về chữ tài hơn. “Trong phần lớn tiểu thuyết thời Thanh, từ giai nhân không những chỉ dáng vẻ bên ngoài đẹp, mà cái quan trọng hơn là tài trí phải xuất chúng hơn người. Sự biến chuyển về điểm này, tiểu thuyết TTGN thời Thanh thể hiện rõ ràng và đầy đủ nhất”(27). Việc văn nhân thời Thanh cường điệu tài năng (phổ biến là văn tài) của giai nhân khiến cho hình tượng giai nhân ở thời kì này khu biệt khá rõ với hình tượng giai nhân trong văn học thời kì trước đó.

Qua khảo cứu, so sánh hình tượng “giai nhân” trong văn học từ thời Hán đến thời Thanh, Chu Kiến Du đã đưa ra nhận định rằng: Văn nhân thời Hán chỉ đơn thuần chú trọng dung mạo của giai nhân, sang thời Minh chữ tình của giai nhân được văn nhân tô đậm lên, và đến thời Thanh thì cái tài của giai nhân được họ dụng công khắc họa rõ nét. Giai nhân trong tiểu thuyết TTGN thời Thanh đóng một vai diễn trọng yếu trong sinh hoạt xã hội. Họ chủ động giao lưu thơ phú, tài văn chương có thể vượt cả tài tử; Họ giả trai ra khỏi khuê phòng ngao du, thi cử; Họ chủ động gặp gỡ tình lang đính ước hôn nhân;…Đấy là sự chuyển biến hình tượng giai nhân trong các thời kì lịch sử khác nhau. Sự chuyển biến này phản ánh rõ những biến đổi về tiêu chuẩn giá trị của văn nhân, sĩ đại phu thời xưa đối với nữ giới(28).

2.  Sự hình thành khái niệm “Tiểu thuyết TTGN”

Tiểu thuyết TTGN lưu hành vào thời Thanh được gọi là giai thoại. Có thể thấy các tác giả dùng từ này trong lời tựa tác phẩm hoặc trong chính văn tác phẩm(29). Trong Trung Quốc tiểu thuyết sử lược Lỗ Tấn cũng xác nhận người đương thời gọi chúng là “giai thoại”. Ông viết: “Chuyện được kể thì đại để là chuyện tài tử giai nhân, lấy văn nhã phong lưu mà chắp nối lại với nhau, lấy công danh đôi lứa làm chủ, ban đầu thì hoặc có dở dang trắc trở, cuối cùng phần nhiều đều được như ý, vì vậy đương thời cũng có người gọi là giai thoại (30).

Nhưng, theo Chu Kiến Du, trong thời đại loại “giai thoại” này sinh ra và lưu hành thì chúng hoàn toàn không được giới chuyên môn văn học xem là một dòng phái tiểu thuyết. Tứ khố toàn thư tổng mục – Tiểu thuyết loại nhất phân tiểu thuyết làm 3 dòng: “Thứ nhất là tự thuật tạp sự; thứ hai là kí lục dị văn; thứ ba là xuyết tập tỏa thoại”(31). Kiểu phân chia sơ sài, mơ hồ như trên rõ ràng là không thể quy loại được loại tiểu thuyết này.

Đến đầu thế kỉ XX, trong công trình Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, khi nói về tiểu thuyết thời Minh, Lỗ Tấn đã đưa dòng tiểu thuyết này vào loại “tiểu thuyết nhân tình” và dùng cụm từ “chuyện tài tử giai nhân” (才子佳人之事) để chỉ những tác phẩm thuộc loại hình tiểu thuyết tình yêu hôn nhân này, đồng thời ông cũng đã lấy những đặc trưng về chủ đề tự sự và kết cấu của chúng để xác định mô thức tiểu thuyết TTGN. Tuy nhiên, phải xác định rằng, Lỗ Tấn vẫn chưa phải là người chính thức gọi loại hình tiểu thuyết này là “tiểu thuyết TTGN”.

Theo Chu Kiến Du, thì người định danh chính thức cho loại hình tiểu thuyết này là Tôn Khải Đệ. Trong công trình Trung Quốc thông tục tiểu thuyết thư mục, họ Tôn xếp chúng vào loại “yên phấn”, đồng thời phân tiểu thuyết “yên phấn” ra làm năm tiểu loại: một là nhân tình; hai là hiệp tà; ba là TTGN; bốn là anh hùng nhi nữ; năm là ổi tiết (dâm ô).

Vậy “mãi đến đầu thế kỉ XX, tiểu thuyết TTGN mới được những người trong giới chuyên môn xem là một loại tiểu thuyết tự sự của Trung Quốc. Khi Lỗ Tấn xếp chúng vào loại tiểu thuyết nhân tình thì cũng đã chú ý đến sự không giống nhau giữa chúng với bốn bộ tiểu thuyết lớn thời Minh. Tôn Khải Đệ xếp chúng vào một loại riêng, gọi là tiểu thuyết TTGN, đồng thời thông qua bước phân chia tiểu loại đã khu biệt chúng với loại tiểu thuyết diễm tình(32)”. Chu Kiến Du cho rằng: “Chủ đề của tiểu thuyết TTGN có quan hệ đến tình yêu hôn nhân của tài tử và giai nhân, ở điểm này chúng khu biệt rõ ràng với sáu bộ tiểu thuyết lớn thời Minh - Thanh. Thủy hử truyện lấy việc miêu thuật những biến loạn trong xã hội và chống đối quan lại triều đình làm chủ; Tam quốc diễn nghĩa kể chuyện đấu tranh chính trị, quân sự giành ngôi thống trị Trung Quốc của ba nước Ngụy, Thục, Ngô; Kim Bình Mai viết về một gã háo sắc và thê thiếp của y cùng với đám ca kĩ dâm loạn; Tây du kí nói về cuộc đấu tranh của thầy trò Đường Tăng với bọn yêu ma trên con đường đến Tây Thiên thỉnh kinh; Nho lâm ngoại sử dụng bút vạch trần những thối nát trong khoa cử; còn Hồng lâu mộng thì kể về bi kịch tình yêu, gia đình.”(33) 

Tóm lại, trên cơ sở xác định đặc trưng về chủ đề tự sự, mô thức tiểu thuyết TTGN của Lỗ Tấn và sự định danh phân loại của Tôn Khải Đệ, các nhà nghiên cứu thế hệ sau đã triển khai nghiên cứu sâu hơn tiểu thuyết TTGN trên nhiều phương diện. Nhưng, trong quá trình tìm hiểu loại hình tiểu thuyết này, vấn đề hiểu hàm nghĩa của khái niệm “tiểu thuyết TTGN” đã có sự bất đồng giữa các nhà nghiên cứu. Hiện tại nhìn lại thì đại để có hai cách hiểu khác nhau: ở giai đoạn đầu đa số những nhà nghiên cứu hiểu theo nghĩa hẹp, còn ở giai đoạn sau thì đã có một số nhà nghiên cứu chủ trương hiểu theo nghĩa rộng.

3.  Nghĩa hẹp của khái niệm “Tiểu thuyết TTGN”

Trong công trình Trung Quốc tài tử giai nhân diễn biến sử, Tô Kiến Tân nhận xét rằng: Trong khoảng thập niên 80 của thế kỉ XX, đa số học giới đều xác định tiểu thuyết TTGN nằm trong khoảng cuối Minh đầu Thanh hoặc chỉ trong đời Thanh mà thôi. Do số tác phẩm ra đời vào cuối thời Minh không có mấy, vì vậy mới cho rằng tiểu thuyết TTGN kì thực là tiểu thuyết TTGN đời Thanh. Đến nay, có thể thấy quan điểm này trong hai bộ sách cùng tên Tài tử giai nhân tiểu thuyết nghiên cứu của Chu Kiến Du và Nhậm Minh Hoa(34). Dưới đây chúng tôi xin lược dẫn quan điểm của một số nhà nghiên cứu về vấn đề này.

Năm 1984, nhà nghiên cứu Lư Hưng Cơ cho rằng: “Tiểu thuyết TTGN là một khái niệm đặc định. Nó đặc chỉ một nhóm lớn những tác phẩm lấy tình yêu hôn nhân của nam nữ thanh niên làm chủ đề, ra đời vào cuối Minh đầu Thanh nằm trong khoảng Kim Bình Mai và Hồng lâu mộng (35).

Theo Chu Kiến Du, quyển tiểu thuyết TTGN ra đời sớm nhất là Ngô giang tuyết. Tác phẩm này được cho là thành thư vào cuối đời Minh(36). Nhưng gần đây người ta đã nghi ngờ, cho rằng nó ra đời vào đầu đời Thanh(37). Còn như tác phẩm Ngọc Kiều Lê thì bản sớm nhất hiện còn được khắc in vào đầu đời Thanh(38). Vì vậy loại tiểu thuyết này hầu như đều thành thư vào đời Thanh. Ở “loại TTGN” trong công trình Trung Quốc thông tục tiểu thuyết thư mục, Tôn Khải Đệ thu thập được 75 bộ, trong đó thành thư từ thời Khang Hi trở về trước có 27 bộ, từ thời Càn Long đến Gia Khánh có 26 bộ, từ thời Đạo Quang trở về sau có 6 bộ, không rõ niên đại thành thư có 16 bộ. Vậy theo họ Tôn thì không có bộ tiểu thuyết TTGN nào ra đời vào thời Minh. “Nói tóm lại, tiểu thuyết TTGN là một dòng phái tiểu thuyết ái tình hôn nhân đời Thanh” (39).

Trong Thanh sơ tài tử giai nhân tiểu thuyết tự sự mô thức nghiên cứu, Khâu Giang Ninh cũng xác định rằng: “Thời gian xuất hiện của loại hình tiểu thuyết này nằm trong khoảng mấy mươi năm thời Thanh sơ, từ những năm cuối đời Thuận Trị đến những năm đầu đời Khang Hi”(40).

Cần lưu ý là, những nhà nghiên cứu hiểu khái niệm “tiểu thuyết TTGN” theo nghĩa hẹp chỉ xác định tiểu thuyết TTGN trong phạm vi thể loại tiểu thuyết chương hồi mà thôi. Tác giả quyển Chương hồi tiểu thuyết thông luận viết: “Tiểu thuyết TTGN là chủng loại mới của tiểu thuyết chương hồi, khởi đầu vào thời Minh mạt, thịnh hành ở thời Thanh sơ”(41). Tác giả Thanh đại tiểu thuyết giản sử cũng cho rằng: “Tiểu thuyết TTGN là chỉ loại tiểu thuyết chương hồi miêu tả những câu chuyện luyến ái hôn nhân của nam nữ thanh niên, dấy lên vào thời Minh mạt, thịnh hành vào thời Thanh sơ, là một “dòng khác” của tiểu thuyết thế thái nhân tình”(42).

Ngoài ra, về nội dung đề tài những người theo thuyết này xác định rằng: “Từ nội dung đề tài mà nói, chúng là những câu chuyện miêu tả ái tình hôn nhân của những chàng thư sinh tài hoa với các vị tiểu thư con quan nhà giàu xinh đẹp và đa tài”(43), và “tiểu thuyết TTGN chú trọng miêu tả những câu chuyện tình yêu hôn nhân có tính lí tưởng hóa”(44).

Về khuôn khổ, thì tiểu thuyết TTGN “đều không quá dài, phần lớn nằm trong khoảng 10 đến 24 hồi, phần nhiều là có 16 hồi, số chữ ước khoảng 20 vạn trở xuống”(45). Vì vậy mà một số người xếp chúng vào loại trung thiên tiểu thuyết.

Về kết cấu tình tiết câu chuyện thì bao gồm 3 bộ phận chủ yếu cấu thành mô thức: “1. Nam nữ nhất kiến chung tình; 2. Tiểu nhân gây rối làm cho li tán; 3. Tài tử thi đậu đoàn viên”(46). Theo Tô Kiến Tân, đây là 3 tiêu chuẩn phổ biến được giới nghiên cứu tiểu thuyết TTGN từ Lỗ Tấn cho đến hiện tại công nhận là tiêu chuẩn giới định(47).

Nhưng thời gian gần đây một số nhà nghiên cứu không đồng thuận với cách hiểu này. Họ có quan điểm khác với những người đi trước trên các phương diện cơ bản liên quan đến loại tiểu thuyết này. Chẳng hạn: Mở rộng hơn phạm vi thể loại (không giới hạn trong loại bạch thoại chương hồi). Điều này cũng có nghĩa là mở rộng thời gian sinh thành và phát triển của tiểu thuyết TTGN; Không xem mô thức “hội ngộ - li tán – đoàn viên” nêu trên là tiêu chuẩn giới định bắt buộc, nhất nhất phải tuân theo.

4.  Nghĩa rộng của khái niệm “tiểu thuyết tài tử giai nhân”

Với quan điểm mở rộng nói trên, một số nhà nghiên cứu đã đưa ra những lập luận phản biện khiến chúng ta không thể không lưu tâm. Chẳng hạn, Đường Phú Linh xác định rằng, tiểu thuyết TTGN không chỉ giới hạn trong phạm vi tiểu thuyết chương hồi mà còn có trong tiểu thuyết văn ngôn và tiểu thuyết thoại bản(48)Trung Quốc văn học sử cũng nhận định rằng: “Nguồn cội của tiểu thuyết luyến ái hôn nhân TTGN đã có từ lâu, từ Oanh Oanh truyện của Nguyên Chẩn thời Đường trở về sau. Trong tiểu thuyết truyền kì, tiểu thuyết thoại bản và mô phỏng thoại bản (nghĩ thoại bản) bắt gặp không ít, nhưng mục đích là không như nhau”(49)Minh Thanh tiểu thuyết sử cũng nhận xét rằng, nghệ thuật kể chuyện trong các tác phẩm truyền kì thời Đường như Oanh Oanh truyện, Lí Oa truyện, Hoắc Tiểu Ngọc truyện, Phi Yên truyện,…cũng đã hết sức uyển chuyển, đã thành thục về phương diện tự sự như tiểu thuyết TTGN(50).

Tô Kiến Tân cho rằng, do đại đa số xác định tiểu thuyết TTGN chỉ giới hạn trong loại tiểu thuyết chương hồi Minh - Thanh, nên “khiến cho phạm vi nghiên cứu hết sức hạn hẹp và mô thức hóa đường hướng nghiên cứu, làm cho những nghiên cứu hữu quan sau đợt hưng vượng ở thập niên 80, 90 của thế kỉ XX đến nay lại quay về cảnh im ắng. […] Trong mấy mươi năm mọi người cứ chen nhau nghiên cứu trên khoảnh đất nhỏ hẹp cuối Minh đầu Thanh, kết quả bày ra trước mắt một hiện tượng lạ lùng là không có chuyện gì đáng nói, không có vấn đề gì đáng viết”(51).

Lí do gì khiến người ta khi nói đến tiểu thuyết TTGN là chỉ nghĩ đến loại tiểu thuyết chương hồi cuối Minh đầu Thanh mà thôi, ngoài ra không kể đến loại nào nữa? Tô Kiến Tân cho rằng, vì đa số đều thừa nhận ba tiêu chuẩn giới định tiểu thuyết TTGN đã nói ở trên, và chỉ có nhóm loại tiểu thuyết trong giai đoạn này “là đặc biệt có tính đại biểu, có tư cách được mệnh danh như vậy nhất”(52). Tô Kiến Tân công nhận rằng, nói như vậy cố nhiên là có lí, nhưng nếu chỉ trói mình trong khuôn khổ hạn hẹp đó thì lợi bất cập hại. Lẽ nào những tác phẩm có đề tài đồng loại với chúng ở thời kì trước và sau giai đoạn Minh mạt Thanh sơ lại không xem là tiểu thuyết TTGN?

Theo họ Tô, nguyên do người ta lấy Kim Bình Mai và Hồng lâu mộng làm hai điểm đầu cuối để “nhốt” tiểu thuyết TTGN vào trong đó, xem trước và sau hai tòa cao sơn này trống rỗng không có gì, ở một mức độ nào đó có thể nói là do uy danh của Lỗ Tấn. Học giới đã “kế thừa thành quả nghiên cứu có tính khai sơn của Lỗ Tấn tiên sinh”(53).

Năm 1923 và 1924 quyển Trung Quốc tiểu thuyết sử lược của Lỗ Tấn được Bắc Đại tân triều xã xuất bản. Trong tác phẩm, khi luận thuật về dòng tiểu thuyết TTGN ở đầu thiên thứ 20 “Tiểu thuyết nhân tình thời Minh (hạ)”, Lỗ Tấn viết:

“Những truyện như Kim Bình Mai, Ngọc Kiều Lí đã được người đời khen hay, kẻ học đòi theo nổi lên đông đảo, mà một mặt lại sinh ra dòng phái khác, nhân vật sự trạng đều không giống nhau, duy tên sách là hãy còn theo lối cũ nhiều, như Ngọc Kiều Lê, Bình Sơn Lãnh Yến v.v đều như thế cả. Chuyện được kể thì đại để là chuyện TTGN, lấy văn nhã phong lưu mà chắp nối lại với nhau, lấy công danh đôi lứa làm chủ, ban đầu thì hoặc có dở dang trắc trở, cuối cùng phần nhiều đều được như ý, vì vậy đương thời cũng có người gọi là “giai thoại”. Tìm hiểu ý chỉ của chúng thì có chỗ gần gũi giống với truyền kì đời Đường, song lại chẳng liên quan gì với nhau, vì lẽ nhân vật được kể phần lớn là những người tài hoa, bởi thời đại tuy khác nhau mà sự tích thì lại giống, vì vậy mà khớp hợp nhau, không phải nhất định do bắt chước mà thành. Ngọc Kiều Lê, Bình Sơn Lãnh Yến có bản dịch ra tiếng Pháp, lại có truyện tên là Hảo cầu truyện thì được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Đức, cho nên ở nước ngoài đặc biệt có tiếng, hơn xa so với ở tại Trung Quốc”(54).

Tô Kiến Tân cho rằng: Những dòng nhận định trên và những luận thuật trong tác phẩm này của Lỗ Tấn rất dễ khiến cho người sau hiểu rằng, tiểu thuyết TTGN chỉ có ở loại tiểu thuyết chương hồi mà thôi. Sở dĩ ông chỉ luận thuật loại tiểu thuyết TTGN chương hồi mà không đề cập đến những loại khác như loại tiểu thuyết văn ngôn đoản thiên, là vì ông muốn nhấn mạnh mối quan hệ giữa dòng phái tiểu thuyết TTGN (như Ngọc Kiều Lê, Bình Sơn Lãnh Yến, Hảo cầu truyện,…) với những tiểu thuyết nhân tình chương hồi trước đó (như Kim Bình Mai, Ngọc Kiều Lí ), “chứ hoàn toàn không phải nói loại tiểu thuyết này chỉ có một loại chương hồi bạch thoại, còn những loại khác thì không kể vào”(55). Và cũng không thể vì Lỗ Tấn nói truyền kì đời Đường với nhóm loại tiểu thuyết như Ngọc Kiều Lê, Bình Sơn Lãnh Yến,…“chẳng liên quan gì với nhau”, “không phải nhất định do bắt chước mà thành” mà “hoàn toàn cắt rời mối quan hệ giữa tiểu thuyết chương hồi Minh - Thanh với các loại thể tiểu thuyết đồng lưu như truyền kì đời Đường”. Cách hiểu theo nghĩa hẹp như trên của học giới, và “hoàn toàn xem đó là sự kế thừa thành quả nghiên cứu của Lỗ Tấn, thì không thể không nói là hiểu phiến diện luận thuật của Lỗ Tấn”(56).

Hiểu khái niệm tiểu thuyết TTGN theo nghĩa hẹp như trên là quan điểm lưu hành phổ biến trong học giới. Theo Tô Kiến Tân, nếu hiểu như vậy thì nhà nghiên cứu đã tự mình đóng khung phạm vi nghiên cứu trong một giai đoạn thời gian đặc định, án theo một mô thức rồi cân nhắc một lượng lớn tác phẩm, quyết định chọn lấy hay bỏ ra theo ý mình. Kết quả là những tác phẩm được sàng lọc đủ tư cách là tiểu thuyết TTGN ở vào cảnh “nghìn người một mặt”, “muôn bộ một giọng”. Tình trạng “cầu chi bất đắc” trong nghiên cứu tiểu thuyết TTGN phần nào cũng là do việc “công thức hóa”, “khái niệm hóa” giản đơn, võ đoán mà ra(57).

Cách hiểu theo nghĩa hẹp như trên đã khiến cho việc nghiên cứu tiểu thuyết TTGN nhanh chóng bị đình trệ, đẩy nhà nghiên cứu vào cảnh “tự mình mâu thuẫn với mình”, giới nghiên cứu gạt bỏ hết những tác phẩm TTGN có hình thức văn ngôn đoản thiên và thể tài thoại bản truyền kì. Khi luận bàn về loại tiểu thuyết TTGN, người ta không đề cập gì đếnNữ tài tử thư hay Oanh Oanh truyện. Ai cũng biết rằng Tây sương kí là một tác phẩm hí khúc TTGN tiêu biểu, nó được cải biên từ Oanh Oanh truyện, thế nhưng tác phẩm nổi tiếng này của Nguyên Chẩn lại bị xem là không đủ tư cách tiểu thuyết TTGN. Tương tự như vậy, các vở như Phong tranh ngộ, Tỉ mục ngư của Lí Ngư được công nhận là hí khúc truyền kì TTGN, nhưng ngược lại, người ta căn cứ vào tiêu chuẩn của tiểu thuyết chương hồi đẩy những tiểu thuyết đoản thiên trong Vô thanh hí(58), Thập nhị lâu của ông ra khỏi hàng ngũ tiểu thuyết TTGN. Tô Kiến Tân cho đó là những hiện tượng thật đáng cười trong nghiên cứu(59).

Họ Tô cũng nhận xét rằng, nếu như tiểu thuyết thể chương hồi cực thịnh chỉ là do đua nhau bắt chước Kim Bình Mai, hoàn toàn không có mối quan hệ gì với các thể tài khác (như tiểu thuyết đoản thiên), “vậy thì những tiểu thuyết trung thiên và trường thiên chắc là những vị khách đến phương trời khác!”(60).

Những nhận xét trên của Tô Kiến Tân muốn nói: Việc xem sự bùng phát của một thể loại, thể tài nào đó không có tính kế thừa, không có quan hệ tác động qua lại, tách rời khỏi lịch sử vận động, phát triển của một nền văn học là một cách nhìn phi khoa học.

Hỗ trợ cho quan điểm với họ Tô, trong Minh đại tiểu thuyết sử, khi khảo sát đặc điểm tình tiết của loại truyện truyền kì trung thiên, soạn giả Trần Đại Khang đã kết hợp luận thuật một cách có ý thức với mô thức tiểu thuyết TTGN trong quá khứ (truyền kì thời Đường) với mô thức tiểu thuyết TTGN giai đoạn sau (thời Thanh sơ). Thông qua các bảng biểu so sánh tỉ mỉ tường tận, người viết đã rút ra những kết luận hết sức thuyết phục về mối tương quan, vận động của tiểu thuyết TTGN từ thời Đường đến thời Thanh. Ông cho rằng, “quá trình diễn hóa từng bước từ Oanh Oanh truyện đến tiểu thuyết TTGN thời Thanh sơ đã hiện ra khá rõ ràng hợp lí” (61). Tô Kiến Tân nhận xét: “Nghiên cứu của ông đã thuyết minh một cách hùng hồn quan hệ kế thừa có tính trực tiếp giữa tiểu thuyết TTGN đời trước (truyền kì đời Đường, truyền kì trung thiên đời Minh) với tiểu thuyết TTGN chương hồi thời Thanh sơ”(62).

Từ đó, Tô Kiến Tân chủ trương, cách hiểu tiểu thuyết TTGN nghĩa hẹp lưu hành trước đây cần phải bỏ đi, học giới nên dùng cách nhìn khu biệt trong sự phát triển để xem xét các tác phẩm tiểu thuyết TTGN không cùng thời đại, không cùng loại hình. “Là khái niệm, tiểu thuyết TTGN cần phải là một khái niệm tiểu thuyết có tính thời gian trải dài, có tính phát triển và rộng nghĩa”. Trước đây, một lượng lớn những tiểu thuyết cùng đề tài vì nằm ngoài phạm vi nghiên cứu đã bị loại bỏ, nay cần phải trở thành đối tượng nghiên cứu tiểu thuyết TTGN. “Nghiên cứu như vậy mới là toàn diện, mới đúng là nghiên cứu có ý nghĩa vĩ mô”(63).

Tiểu thuyết TTGN hiểu theo nghĩa rộng có phạm vi như thế nào? Trong Trung Quốc tài tử giai nhân diễn biến sử Tô Kiến Tân đã nêu ra từng thể loại tiểu thuyết có chủ đề này theo các giai đoạn phát triển của tiểu thuyết, đồng thời kê dẫn ra một số lượng lớn tác phẩm cụ thể được xem là loại TTGN, bao gồm: Trước thời Đường: là một số truyện ngắn văn ngôn thuộc thể loại chí quái, chí nhân trong các tác phẩm Tây Kinh tạp kí, Sưu thần kíThế thuyết tân ngữ,…; Thời Đường: phần lớn là những truyện truyền kì, như Du tiên quật, Liễu thị truyện, Oanh Oanh truyệnLí Oa truyện, Hoắc Tiểu Ngọc truyện,…; Thời Tống: là những truyện truyền kì văn ngôn như: Tôn thị kí, Uyên ương đăng truyện, Lương Ý nương; Tứ hòa hương; Song đào kí,… và những truyện ngắn bạch thoại như: Phong nguyệt thụy tiên đình, Phùng Ngọc Mai đoàn viên, Tô Trường công Chương Đài liễu kí, Trương sinh thái loan đăng truyện, Túc Hương đình Trương Hạo ngộ Oanh Oanh,…; Thời Nguyên: gồm những tác phẩm thuộc loại truyền kì, thoại bản như Xuân mộng lục, Diêu Nguyệt Hoa tiểu truyện, Tử trúc tiểu truyện, Bùi Tú nương dạ du Tây Hồ kí, Liễu Kì Khanh thi tửu ngoạn giang lâu kí; Kiều Hồng kí,…; Thời Minh: số lượng rất nhiều, chất lượng cao, chủng loại không ít, hình thành nên một cao trào sáng tác, thành tựu chủ yếu ở loại đoản thiên. Loại thoại bản chủ yếu thấy trong Tam ngôn và Nhị phách. Loại truyền kì ngoài một số truyện trong Tiễn đăng tân thoại và Tiễn đăng dư thoại ra còn có trong Lưu Phương tam nghĩa truyện, Tâm kiên kim thạch truyện, Lệ sử, Chung tình lệ tập,… Loại bạch thoại trường thiên đang trong quá trình hình thành, đã có một số tác phẩm đáng chú ý như Cổ chưởng tuyệt trần, Sơn thủy tình truyện, Ngọc Kiều Lê,…; Thời Thanh: là thời kì tiểu thuyết TTGN hưng thịnh toàn diện, các loại trường thiên, trung thiên, đoản thiên đều có mặt, đủ cả văn ngôn và bạch thoại. Đặc biệt loại trường thiên đã phát triển đến mức toàn thịnh, đạt được những thành tựu vượt trội, đưa tiểu thuyết TTGN bước vào hàng kinh điển. Ngoài chương hồi ra, loại tiểu thuyết truyền kì có đóng góp nổi trội của Liêu trai chí dị, thoại bản cũng cống hiến không ít những tác phẩm có giá trị như Ngũ sắc thạch, Trân châu bách,…Vì số trang bài viết có hạn, nên chúng tôi chỉ lược dẫn lại một số tác phẩm tiêu biểu mà thôi.

Tuy nhiên, khi mở rộng khái niệm tiểu thuyết TTGN như vậy, thì đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu cũng cần được xác định rõ ràng, nếu không phương hướng nghiên cứu sẽ trở nên mù mờ, ảnh hưởng đến mục tiêu và kết quả nghiên cứu. Muốn xác định đối tượng và phạm vi nghiên cứu chuẩn xác thì trước tiên phải xác định rõ thế nào là tiểu thuyết TTGN, nói cách khác, là phải có những tiêu chuẩn để giới định khái niệm “tiểu thuyết TTGN”.

5. Tiêu chuẩn giới định tiểu thuyết TTGN của Tô Kiến Tân

Trong công trình của đã dẫn, Tô Kiến Tân xem xét qua 3 tiêu chuẩn lưu hành khá phổ biến trước đây và đưa ra quan điểm của mình như sau:

Tiêu chuẩn thứ nhất quan hệ đến thời đoạn. Trước đây tiểu thuyết TTGN được hạn định trong khoảng cuối Minh đầu Thanh (hoặc cả đời Thanh). Như trên đã nói, hạn định thời đoạn như vậy sẽ không cho ta thấy được quá trình vận động, diễn tiến của loại tiểu thuyết này. Tô Kiến Tân cho rằng “không nên sử dụng”, đồng thời đề xuất thời đoạn hạn định là: Mốc đầu, nên xác định trước đời Đường, vì trước khi tiểu thuyết TTGN loại truyền kì phát triển mạnh mẽ ở đời Đường thì những tác phẩm thuộc loại này đã có trong những tập tiểu thuyết cổ (tức trong những loại tiểu thuyết văn ngôn trước đời Đường); Mốc cuối, nên lấy mốc mà học giới trước đây đã xác định là thời cuối Thanh, cụ thể là từ Cách mạng Tân Hợi trở về trước (tức từ năm 1911).

  Tiêu chuẩn thứ hai quan hệ đến văn loại và thể tài. Trước đây loại tiểu thuyết này chỉ giới hạn trong thể chương hồi. Theo Tô Kiến Tân thì quan điểm này không thể thu dụng, vì ngoài loại trung thiên và trường thiên ra còn có loại đoản thiên, ngoài loại bạch thoại ra còn có loại văn ngôn, ngoài thể loại chương hồi ra còn có truyền kì, thoại bản. Những loại đó cũng cần đưa vào tiểu thuyết TTGN.

Tiêu chuẩn thứ ba quan hệ đến đề tài, kết cấu tình tiết. TTGN là một chi phái của tiểu thuyết nhân tình. Tiểu thuyết TTGN lấy vấn đề luyến ái làm đề tài. Từ góc độ đề tài ta giới định, tiểu thuyết TTGN tất phải là tiểu thuyết luyến ái nhưng không phải là tiểu thuyết nói đến những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ gia đình. Những tác phẩm thuộc đề tài nội bộ gia đình như Kim Bình Mai, Lâm Lan Hương, Thế vô thất, Si nhân phúc,… cần phải loại ra khỏi tiểu thuyết TTGN. Các câu chuyện luyến ái có liên quan đến TTGN là một bộ phận trong các tác phẩm thuộc loại tiểu thuyết lịch sử diễn nghĩa, anh hùng truyền kì, hiệp nghĩa cũng không nên kể vào. Về mặt tiêu chuẩn tình tiết, đặc biệt là quy định công thức có tính cứng nhắc “nam nữ nhất kiến chung tình; tiểu nhân gây rối làm cho li tán; kết cục đoàn viên” cũng không thể khái quát được toàn bộ những tác phẩm thuộc loại này trong đời Thanh, càng không thể miêu thuật được diện mạo riêng của tiểu thuyết TTGN qua các thời kì khác nhau, như “kết cục tài tử vứt bỏ giai nhân” trong truyền kì đời Đường (như Hoắc Tiểu Ngọc truyện), mô thức kiểu Kiều Hồng kí trong truyền kì thời Minh và mô thức tiểu thuyết hí kịch của Lí Ngư v.v… Để thấy rõ quá trình diễn tiến qua các giai đoạn khác nhau, thì không nên đưa ra quy định có tính cứng nhắc đối với kết cấu, tình tiết của tiểu thuyết TTGN(64).

Ngoài ba tiêu chuẩn trên, theo Tô Kiến Tân, cần phải bổ sung thêm một tiêu chuẩn trọng yếu nữa là tiêu chuẩn nhân vật chính trong tiểu thuyết TTGN. Bởi vì nó có vai trò quyết định quan trọng đối với tính chất của tiểu thuyết.

Tiêu chuẩn “tài tử” và “giai nhân” trước đây đã được Hồng Nương đưa ra một cách sinh động, cụ thể khi nói về đôi Thôi, Trương: “Thư thư thị khuynh thành sắc, Trương sinh thị quán thế nho”; “Quân Thụy hựu đa tài đa nghệ, Ta thư thư hựu phong lưu”; “Nhất cá văn chương thiên hạ vô song, Nhất cá nhẫm sắc hoàn trung vô nhị.”(65) (“Tiểu thư là bực nhan sắc khuynh thành, Chàng Trương là đấng nho học quán thế”; “Quân Thụy là đấng nhiều tài lắm nghệ, Tiểu thư mình cũng là bực phong lưu”; “Một kẻ văn chương thiên hạ chỉ một; Một người nhan sắc cõi trần không hai”). “Do đó mà Tây sương kí tạo nên một ảnh hưởng to lớn trong xã hội, người sau mới nối bút học theo cách miêu tả như Tây sương kí tạo nên những bộ tiểu thuyết luyến ái hôn nhân giữa các chàng trai tài hoa và những cô gái xinh đẹp gọi là tiểu thuyết TTGN”(66).

Về tiêu chuẩn “tài tử” thì quan điểm của họ Tô không có gì khác biệt với những nhà nghiên cứu đi trước, căn bản vẫn là có văn tài hơn người, đặc biệt là thi tài, nếu không thì khó có thể bước vào hàng tài tử. Còn tiêu chuẩn “giai nhân” thì họ Tô “cởi mở” hơn, cho rằng “giai nhân bao gồm tất cả những cô gái đẹp có thân phận, địa vị không giống nhau”. Quan điểm cho rằng “họ đều là những tiểu thư con nhà quan lại hào phú đẹp cả về tài, mạo và tình” (67) thì không thể khái quát được toàn bộ người đẹp trong tiểu thuyết TTGN. “Cho dù họ là những cô gái phong trần như Lí Oa, Đỗ Thập Nương thì cũng nên xếp vào hàng giai nhân”. Nhưng, để không vượt khỏi phạm vi tiểu thuyết nhân tình, Tô Kiến Tân cho rằng không nên đưa những nhân vật tiên nữ hay yêu nữ vào khái niệm “giai nhân”(68).

6. Quan điểm của chúng tôi

Trên là phần miêu thuật về cách hiểu khái niệm “tiểu thuyết TTGN” của học giới Trung Quốc. Dưới đây chúng tôi xin tóm tắt lại và có một vài suy nghĩ về vấn đề này.

Hiểu theo nghĩa hẹp, thì “tiểu thuyết TTGN là chỉ loại tiểu thuyết chương hồi miêu tả những câu chuyện luyến ái hôn nhân của nam nữ thanh niên, dấy lên vào thời Minh mạt, thịnh hành vào thời Thanh sơ, là một “dòng khác” của tiểu thuyết thế thái nhân tình”. Về kết cấu tình tiết thì truyện tiến triển theo mô thức 3 bước: “1. Nam nữ nhất kiến chung tình; 2. Tiểu nhân gây rối làm cho li tán; 3. Tài tử thi đậu đoàn viên”. Về nhân vật chính thì tài tử phải là những thư sinh phẩm hạnh, tài hoa hơn người, nhất là tài văn chương thi phú; còn giai nhân thì phải là các tiểu thư hoàn hảo, “mạo, tình, tài” đều đẹp cả. Đây là tiêu chuẩn phổ biến được giới nghiên cứu tiểu thuyết TTGN từ Lỗ Tấn cho đến hiện tại công nhận là tiêu chuẩn giới định.

Hiểu theo nghĩa rộng, thì tiểu thuyết TTGN bao gồm những tác phẩm thuộc loại tiểu thuyết văn ngôn như chí quái, chí nhân, truyền kì và tiểu thuyết thoại bản, mô phỏng thoại bản (nghĩ thoại bản), tiểu thuyết bạch thoại đoản thiên, trung thiên, trường thiên, tiểu thuyết văn vần (ca bản) miêu tả những câu chuyện luyến ái hôn nhân của nam nữ thanh niên từ trước thời Đường đến hết thời Thanh. Về kết cấu tình tiết truyện thì không nhất thiết phải tuân theo mô thức “hội ngộ - li tán - đoàn viên”. Về nhân vật nữ chính thì “giai nhân bao gồm tất cả những cô gái đẹp có thân phận, địa vị không giống nhau”, không nhất thiết phải là “những tiểu thư con nhà quan lại hào phú”. Những nhà nghiên cứu Trung Quốc chủ trương cách hiểu này tiêu biểu là Đường Phú Linh, Trần Đại Khang, Tô Kiến Tân.

Chúng tôi thấy, cả hai cách hiểu rộng, hẹp nói trên đều có chỗ ưu và nhược của nó. Vì vậy ta không thể không cân nhắc chọn một cách hiểu thích đáng, có lợi cho việc nghiên cứu.

Những người chủ trương hiểu theo nghĩa rộng cho rằng, nếu hiểu theo nghĩa hẹp, thì sẽ có không ít tác phẩm thuộc đề tài TTGN trong loại truyện chí quái, chí nhân, truyền kì, tiểu thuyết thoại bản, mô phỏng thoại bản (nghĩ thoại bản), tiểu thuyết bạch thoại đoản thiên, trung thiên và tiểu thuyết văn vần (ca bản) sẽ bị loại khỏi đối tượng và phạm vi tìm hiểu. Như vậy, người nghiên cứu đã hoàn toàn cắt rời mối quan hệ thể loại, sự tương quan, vận động của tiểu thuyết TTGN trong lịch sử phát triển của nó.

Quan điểm trên không thể không lưu tâm khi nhìn tiểu thuyết TTGN ở góc độ lịch sử thể loại. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ nghiên cứu loại hình, thi pháp thể loại thì không khéo sẽ lợi bất cập hại. Chúng tôi nghĩ, loại tiểu thuyết bạch thoại nói về tình yêu hôn nhân của những lứa đôi tài sắc vẹn toàn được viết theo thể thức chương hồi trường thiên (có người xếp vào loại trung thiên) đã định hình thành một thể tài với một thi pháp đặc trưng, nếu hiểu theo nghĩa rộng, không khu biệt bằng một hệ thống thuật ngữ có tính phân tách thể loại, thì mô thức căn bản của thể tài này sẽ bị phá vỡ và việc nghiên cứu chúng ở phương diện loại hình, thi pháp sẽ hỗn tạp, loạn rối, không được khoa học. Bởi vì, tuy cùng viết về đề tài TTGN, nhưng loại truyện ngắn chí quái, chí nhân và truyền kì được viết bằng văn ngôn và loại tiểu thuyết chương hồi được viết bằng bạch thoại không giống nhau về tư duy nghệ thuật và thủ pháp, thi pháp. Việc người Trung Quốc gọi tất cả mọi thể loại văn xuôi tự sự nói trên là “tiểu thuyết” cũng đã ảnh hưởng phần nào đến sự khu biệt giữa loại truyện ngắn và tiểu thuyết mà hiện nay chúng ta vẫn luôn có ý thức phân biệt. Không thể vì cùng viết về đề tài TTGN mà chúng ta xem loại truyện ngắn cũng giống như tiểu thuyết, xem tiểu thuyết TTGN chương hồi của Trung Quốc cũng giống như truyện thơ Nôm TTGN của Việt Nam. Lí Oa truyện (loại truyền kì), Kim Vân Kiều truyện (tiểu thuyết chương hồi) vàTruyện Kiều (truyện thơ) hoàn toàn khác nhau về tư duy nghệ thuật, thủ pháp, thi pháp. 

“Tiểu thuyết TTGN”, một khái niệm đặc định chỉ “loại tiểu thuyết chương hồi miêu tả những câu chuyện luyến ái hôn nhân của nam nữ thanh niên, dấy lên vào thời Minh mạt, thịnh hành vào thời Thanh sơ”, có cần phải bỏ hay không? Chúng tôi nghĩ, đây là cách hiểu đã quá phổ biến và đã có tính đặc định, nên dẫu muốn bỏ thì cũng không phải dễ dàng. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi, nếu mở rộng khái niệm này thì có lẽ cần thêm định tố thể loại để khu biệt. Chẳng hạn: truyện truyền kì (đề tài) TTGN, tiểu thuyết thoại bản (đề tài) TTGN, tiểu thuyết chương hồi (đề tài) TTGN, tiểu thuyết ca bản (đề tài) TTGN,… Như vậy, ta có được một hệ thống thuật ngữ sáng rõ, không phá vỡ tính thể loại, một yếu tố hết sức quan trọng trong nghiên cứu văn học, và nó cũng không cắt rời mối quan hệ thể loại, sự tương quan, vận động của các tác phẩm tự sự thuộc đề tài TTGN trong lịch sử phát triển của nó. Và tất nhiên, ta sẽ đáp ứng được “cách nhìn khu biệt trong sự phát triển để xem xét các tác phẩm tiểu thuyết TTGN không cùng thời đại, không cùng loại hình” như Tô Kiến Tân đề nghị.

Về mô thức, chúng tôi nghĩ rằng kết cấu “1. Nam nữ nhất kiến chung tình; 2. Tiểu nhân gây rối làm cho li tán; 3. Tài tử thi đậu đoàn viên” (hay “hội ngộ - li tán - đoàn viên”) vẫn là mô thức căn bản của tiểu thuyết chương hồi TTGN. Ở các thể loại khác thì có thể chấp nhận những trường hợp lệch chuẩn, phá cách ở một mức độ nào đó (chẳng hạn tài tử vong phụ giai nhân, kết cục không đoàn viên), nhưng không thể phá vỡ đến mức không còn xác lập được mô thức căn bản của loại hình TTGN. Nếu tác phẩm nào phá vỡ nghiêm trọng mô thức này thì có thể nó sẽ được xếp vào một nhóm loại khác, chẳng hạn: tiểu thuyết diễm tình(69), tiểu thuyết yên phấn, tiểu thuyết thế tình. Đây là một vấn đề khá phức tạp, sẽ tốn không ít công sức, không thể giản đơn giải quyết trong vài trang giấy.

Tác phẩm thuộc đề tài TTGN chiếm một số lượng khá lớn trong kho truyện thơ Nôm Việt Nam, trong số đó có một lượng không nhỏ được vay mượn từ các tác phẩm thuộc loại TTGN của Trung Quốc: vay mượn từ tiểu thuyết chương hồi, tiểu thuyết bạch thoại đoản thiên, từ bảo quyển, hí kịch, ca bản,…Một số khác là những tác phẩm do văn nhân Việt Nam sáng tác, nhưng vẫn chịu sự ảnh hưởng không nhỏ về mặt mô thức, mô-típ của loại truyện/ tiểu thuyết TTGN. Vì vậy, việc tìm hiểu cách hiểu khái niệm “tiểu thuyết TTGN” của học giới Trung Quốc cũng giúp được ít nhiều cho học giới Việt Nam trong công tác nghiên cứu nhóm truyện thơ Nôm TTGN.

                                                                        Đakao, tháng 8-2012

                                                                                           NVH.

________________

 

(1)       Học giới Trung Quốc: Chúng tôi xin tạm dùng cụm từ này để gọi chung cả học giới ở Trung Quốc lục địa và Đài Loan.

(2)       周建渝︰《才子佳人小說研究》,臺北,文史哲出版社印行,中華民國 87 年 ,1998, tr.4.

(3) (6) Chu Kiến Du, sđd., tr.5

(4)     Xem Văn tuyển của Tiêu Thống.

(5)     Diệp 曄 : chữ này có người đọc là “Việp”.

(7)       Chúng tôi nghĩ rằng đây là Cát Trung Phu, chứ không phải Kích Trung Phu. Có lẽ sách chế bản nhầm do chữ “Cát” 吉 đồng âm với “Kích” 擊 .

(8)       Danh sách “Đại Lịch thập tài tử” trong Cực Huyền tập của Diêu Hợp và Tân Đường thư kê ra không tương đồng với một số tài liệu khác, nhưng giống nhau ở chỗ: họ đều là thi nhân.

(9)       Chu Kiến Du, sđd., tr.7.

(10)     Chu Kiến Du, sđd., tr. 7-8.

 (11) Tập sách này thu thập những tác phẩm của Kim Thánh Thán, Trần Kế Nho, ngoài ra còn có một số lượng lớn thi ca. (Chú thích của Chu Kiến Du)

 (12)    Chu Kiến Du, sđd., tr.8.

 (13) Khái niệm “trung thiên tiểu thuyết” và “trường thiên tiểu thuyết” được người Trung Quốc dùng có tính tương đối, tiêu chuẩn khu biệt không rõ ràng cho lắm.

(14)   Xem Ngọc Kiều Lê, hồi thứ 20. (Chú thích của Chu Kiến Du)

(15)   Có thể thấy trong lời tựa của Thủy thạch duyên, Tây Hồ tiểu sử, Thiết Hoa tiên sử. (Chú thích của Chu Kiến Du)

(16)   Lưu Đình Cơ, Tại viên tạp chí, Liêu hải tùng thư (Đài Bắc, Văn hải xuất bản xã, 1969), quyển 2, tr. 25;  Tào Tuyết Cần, Hồng lâu mộng (Bắc Kinh, Nhân dân văn học xuất bản xã, 1982), hồi thứ 1, tr. 5. (Chú thích của Chu Kiến Du, sđd., tr.8-9)

(17) (18) Chu Kiến Du, sđd., tr.9

(19)     董国炎:《明清小说思潮》,太原,山西人民出版社,2004, tr.414.

(20)   Bài từ viết rằng: “Lan hữu tú hề cúc hữu phương / Hoài giai nhân hề bất năng vong” (Lan tươi đẹp chừ cúc ngát hương / Nhớ người đẹp chừ chẳng thể quên).

(21)   Xem: Tam quốc chí – Ngụy chí, Bùi Tùng Chi chú văn, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 1973, quyển 9, tr. 287. (Chú thích của Chu Kiến Du)

(22)     Xem: Tấn thư – Đào Khản truyện, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 1974, quyển 66, tr. 1772. (Chú thích của Chu Kiến Du)

(23)   Xem: Triệu Dực, Cai dư tùng khảo, Thạch Gia Trang, Hà Bắc nhân dân xuất bản xã, 1990, quyển 42, tr. 763. (Chú thích của Chu Kiến Du, sđd., 9-10)

(24)   Xem: Ban Cố, Hán thư, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 1975, quyển 97, tr. 3951. (Chú thích của Chu Kiến Du)

(25)   Xem: Hoài Nam Tử - Thuyết lâm, Đài Bắc, Thế giới thư cục, 1962, quyển 17, tr. 293. (Chú thích của Chu Kiến Du)

(26) (27) Chu Kiến Du, sđd., tr.11.

(28)     Chu Kiến Du, sđd., tr.12-13.

(29)   Thí dụ, trong lời tựa của Xuân liễu oanh, trong hồi thứ nhất của Nữ khai khoa truyện và Lưỡng giao hôn.

(30) 鲁讯:《中国小说史略》,上海古籍出版社,2007, tr.120.

(31)     Chu Kiến Du, sđd., tr.14.

(33)     Chu Kiến Du, sđd., tr.15.

 (32) Thực ra Tôn Khải Đệ đem tiểu thuyết TTGN xếp vào loại “yên phấn” là kế thừa quan điểm của người thời Tống. Quy loại như vậy không được thích hợp cho lắm. Bởi vì tiểu thuyết TTGN hoàn toàn không giống với loại truyện diễm tình giữa người với yêu ma và cũng khác với loại truyện viết về các mối tình yên hoa phấn sáp chốn lầu xanh ở thời Tống. (Chú thích của Chu Kiến Du, sđd., tr.15)

(34)   Nhậm Minh Hoa, Tài tử giai nhân tiểu thuyết nghiên cứu, Trung Quốc văn liên xuất bản xã, 2002. Dẫn lại từ苏建新:《中国才子佳人小说演变史》,北京,社会科学文献出版社,Tô Kiến Tân, Trung Quốc tài tử giai nhân diễn biến sử, Bắc Kinh, Xã hội khoa học văn hiến xuất bản xã,2006, tr.7)

(35)   Lư Hưng Cơ, “Tại Kim Bình Mai dữ Hồng lâu mộng chi gian điền bổ lịch sử đích không bạch”, Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, đệ 1 tập, Xuân phong văn nghệ xuất bản xã, 1984. (Dẫn lại từ: Tô Kiến Tân, sđd., tr.7).

(36)     Chẳng hạn: Lỗ Tấn và Tôn Khải Đệ trong 2 công trình đã đề cập. (Theo Chu Kiến Du)

(37)   Xem: Lâm Chấn, Minh mạt Thanh sơ tiểu thuyết thuật lục, Thẩm Dương, Xuân phong văn nghệ xuất bản xã, 1988, tr. 154 – 157. (Chú thích của Chu Kiến Du)

(38)     Các nhà nghiên cứu người thì xếp tác phẩm này vào thời Minh mạt, người thì xếp vào thời Thanh sơ. Chẳng hạn: Lỗ Tấn, Tô Kiến Tân (sách đã dẫn), Trung Quốc cổ điển tiểu thuyết đại từ điển xếp vào thời Minh mạt; Tôn Khải Đệ, Khâu Giang Ninh (Thanh sơ tài tử giai nhân tiểu thuyết tự sự mô thức nghiên cứuTrung Quốc văn học đại từ điển,…xếp vào thời Thanh sơ.

(39)     Chu Kiến Du, sđd., tr.18.

(40)     邱江宁:《清初才子佳人小说叙事模式研究》,上海三联书店,2005, tr.3.

(41)   Thạch Lân, Chương hồi tiểu thuyết thông luận, Trung Châu cổ tịch xuất bản xã, 1994. (Dẫn lại từ Tô Kiến Tân, sđd., tr.7)

(42)     张俊,沉治钧:《清代小说简史》,辽宁教育出版社,1992, tr.48.

(43)     苗壯:《才子佳人小说史话》,辽宁教育出版社,1992, tr.2.

(44)     Chu Kiến Du, sđd., tr.15.

(45)  Miêu Trang, sđd., tr.3.

 (46) Lâm Chấn, Minh mạt Thanh sơ tiểu thuyết thuật lục-Tài tử giai nhân tiểu thuyết sơ thám, Xuân phong văn nghệ xuất bản xã, 1988, tr. 74. (Dẫn lại từ Tô Kiến Tân, sđd., tr.7)

(47)     苏建新:《中国才子佳人小说演变史》,北京,社会科学文献出版社,2006, tr.7.

(48)   Đường Phú Linh, Minh Thanh văn học sử - Thanh đại quyển, Vũ Hán đại học xuất bản xã, 1991. (Dẫn lại từ Tô Kiến Tân, sđd., tr.8)

(49)     袁行霈 主编:《中国文学史》, 高等教育出版社,1999, tr.306.

 (50)    Tưởng Tùng Nguyên-Đàm Bang Hòa, Minh Thanh tiểu thuyết sử, Trường Giang văn nghệ xuất bản xã, 1996. (Dẫn lại từ Tô Kiến Tân, sđd., tr.8)

(51) (52) (53) Tô Kiến Tân, sđd., tr.8,9

 (54)    Lỗ Tấn, sđd., tr.132.

 (55) (56) (57) (59) (60) Tô Kiến Tân, sđd., tr.10, 11

 (58) Lí Ngư đặt tên tác phẩm này là “Vô thanh hí” (hí khúc không tiếng) là có ý đối lại với loại hí khúc “hữu thanh hí” (hí khúc có tiếng). Vô thanh hí và Thập nhị lâu là đại biểu cho thành tựu tối cao của thể loại tiểu thuyết bạch thoại đoản thiên đời Thanh.

(59) (60) Tô Kiến Tân, sđd., tr.10, 11

(61) 陈大康:《明代小说史》,上海文艺出版社, 2000, tr. 354.

(62) (63) Tô Kiến Tân, sđd., 12.

(64)     Tô Kiến Tân, sđd., tr.13-14.

(65)   Đổng Giải Nguyên, Cổ bản Đổng Giải Nguyên Tây sương kí, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1984, tr. 242. (Dẫn lại từ Tô Kiến Tân, sđd., tr.17)

(66)     Tô Kiến Tân, sđd., tr.17.

 (67) Nhậm Minh Hoa, Tài tử giai nhân tiểu thuyết nghiên cứu, Trung Quốc văn liên xuất bản xã, 2002, tr. 4.

 (68) Tô Kiến Tân, sđd., tr.16.

 (69) Có người dùng khái niệm “tiểu thuyết TTGN” đồng nghĩa với “tiểu thuyết diễm tình”, hay xếp “tiểu thuyết TTGN” vào loại “tiểu thuyết diễm tình”. Ở đây chúng tôi dùng có sự khu biệt, không hiểu như vậy.

Nguồn: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=3964%3Acach-hiu-khai-nim-tiu-thuyt-tai-t-giai-nhan-ca-hc-gii-trung-quc&catid=64%3Avn-hc-nc-ngoai-va-vn-hc-so-sanh&Itemid=108&lang=vi

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020