Văn học Việt Nam trung đại

ĐẠO PHẬT VỚI VĂN CHƯƠNG VÙNG “PHÊN DẬU” THỨ BA CỦA ĐẤT NƯỚC


10-10-2020

PGS.TS. Trần Mạnh Tiến

                                                    Khoa Ngữ văn Tr­ường ĐHSP Hà Nội

 

Dừng chân trước cổng chùa An Vinh ở một vùng quê “xa xôi” phía Bắc, du khách sẽ bắt gặp những hàng câu đối tô điểm rực rỡ hai bên lối ra vào, nhưng đáng ghi nhớ nhất là đôi câu đối được rút từ cuốn sách kinh nhà Phật, đã được lưu hành từ lâu trên mảnh đất này, xin được ghi lại như sau:

國 家 有 永山 河 固

佛 道 無 窮 日月長

Phiên âm:       Quốc gia hữu vĩnh sơn hà cố

                       Phật đạo vô cùng nhật nguyệt trường.

Dịch nghĩa:    Nước nhà có non sông bền vững

                       Đạo Phật vô biên tháng ngày dài.

Câu thứ hai còn hàm nghĩa:Đạo Phật sáng mãi như mặt trời mặt trăng. Điều đó như một chân lí đã ăn sâu vào máu thịt của nhân dân tự bao đời, về mối quan hệ thống nhất giữa đạo lí và Tổ quốc. Lịch sử văn hóa Việt Nam đã cho thấy, dường như khắp nơi trên đất nước này, Phật giáo như lẽ sống của người dân có Tổ Quốc.

Cùng với Nho giáo, Đạo giáo và đạo Mẫu có bề dày hàng ngàn năm lịch sử, đạo Phật đã góp mình làm nên bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt Nam. Có những khoảng thời gian đạo Phật như người cầm lái con thuyền dân tộc trong bão tố để tìm về bến bình yên. Không ít vị vua anh minh trong lịch sử lại là những con người thấm nhuần về đạo Phật như Đinh Tiên Hoàng, Lí Nhân Tông, Trần Nhân Tông... Thời đại Đinh, Lí, Trần đã có biết bao vị Sư tăng tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền thái bình muôn thủa của đất nước như Khuông Việt thiền sư, Mãn Giác thiền Sư, Vạn Hạnh thiền sư… Nhưng trước hết phải kể đến công lao của Ngô Chân Lưu- Khuông Việt thiền sư (933-1011) từng được Vua Đinh Tiên Hoàng phong là Tăng Thống, người đã mở con đường rộng cho đạo Phật toả sáng ở mọi miền quê đất Việt từ những buổi đầu khai quốc.

 Lịch sử văn học trung đại Việt Nam phải kể đến những vẻ đẹp kết tinh từ Phật giáo với văn chương. Biết bao những kiệt tác của cha ông đã thấm đẫm tinh thần nhân văn của đạo Phật phản ánh niềm tin, khát vọng cao cả của lòng ng­ười và một phần không nhỏ được thể hiện hàm súc ở thơ ca. Cùng với những áng thơ Thiền ở miền xuôi còn có những áng thi ca của các thiền nhân thi sĩ xứ lâm tuyền được ghi tạc ở các danh lam vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc, trong đó phải kể đến những giá trị văn chương Phật giáo ở Tuyên Quang.

Tuyên Quang xư­a đ­ược sử sách xem là vùng xa xôi, vùng phên dậu thứ ba của đất nư­ớc, trải gần ngàn năm lịch sử vẫn còn lại những bài thơ mang màu sắc rất riêng đư­ợc lư­u giữ ở các chùa chiền đình miếu, đã góp mìmh vào nền thơ dân tộc. Mỗi danh lam thắng cảnh trên mảnh đất này đều để lại trong tâm hồn thi sĩ những ấn t­ượng thiêng liêng. Với các tên gọi như­ bài từ chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, bài minh chùa Hư­ơng Nghiêm, bài sấm ký chùa An Vinh, bài minh chùa Phật Sâm Sơn, đều là những cảm xúc và nỗi niềm của ng­ười x­ưa đọng lại.

      Năm 1961, tại gò Khuôn Khoai, thôn Vĩnh Khoái, xã Yên Nguyên phía nam huyện Chiêm Hóa, giáp xã Bình Xa huyện Hàm Yên ngày nay, nhân dân phát hiện một tấm bia đá thời Lý. Trên trán bia có dòng chữ lớn: 保 寧 崇 福寺 碑 (Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi), nghĩa: Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc. Văn bia đã được tác giả Đỗ Văn Hỷ dịch và hai tác giả Văn Tân và Thạch Giang hiệu đính. Chùa dựng năm Đinh hợi (1107) dưới triều Lý Nhân Tông. Người soạn bia là Lý Thừa Ân (? - ?) d­ưới sự chỉ đạo của quan Thái phó Hà Hư­ng Tông. Căn cứ vào các tài liệu lịch sử cho biết, Lý Thừa Ân sống dưới triều vua Lý Nhân Tông (1072- 1127) và Lý Thần Tông (1128-1137), giữ chức Triều thỉnh đại phu, thượng thư viên ngoại lang. Bên cạnh phần giáo lý nhà Phật, nội dung văn bia nói về gia thế của dòng họ Hà 15 đời làm tri châu Vị Long (Chiêm Hóa ngày nay), hai đời làm quan đến chức Thái Bảo và Thái Phó. Thủ lĩnh họ Hà đã cùng Lý Thường Kiệt hợp sức tiến sang ải Bắc đánh tan m­ưu đồ xâm l­ược của nhà Tống giữ vững nền độc lập. Từ trước đến nay, người ta vẫn xem dòng chữ Hán: Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi chỉ là cụm từ định danh để phân biệt tên gọi các ngôi chùa khác nhau ở Tuyên Quang như Hương Nghiêm thiền tự, Linh Thông thiền tự, An Vinh thiền tự mà bỏ qua ý nghĩa sâu xa tàng ẩn trong bốn chữ: 保寧崇福 trên tấm bia có niên đại trên 900 năm về trước. Nếu đi sâu vào ngữ nghĩa văn bản sẽ có nhiều điều thú vị. Bốn chữ 保寧崇福 (Bảo Ninh Sùng Phúc) còn tàng ẩn nghĩa lý như­: Giữ yên vận nư­ớc, giữ sự bình yên cho phúc lớn…Đó chẳng phải là tâm nguyện và thời thề của cha ông tự ngàn xưa đó sao? Phần cuối văn bia, bài từ đã khái quát những vấn đề cơ bản của đạo Phật và tư­ tưởng vị thủ lĩnh vùng “phên dậu” của đất n­ước về vận nư­ớc. Trong đó có những câu sau:

          Nguyên văn chữ Hán:          Phiên âm:              Dịch nghĩa:

 

 定 體 非空           Định thể phi không          Định thể hay không

入 用非 有            Nhập dung phi hữu         Được dùng:“không”,“có”

空 有勿 離            Không hữu vật li             Có, không cách vật

果 因 難 朽           Quả nhân nan hủ             Nhân quả khó lìa

中道不 安             Trung đạo bất an            Đạo trung không yên

二 邊 奚 取           Nhị biên hề thủ               Đôi bên phải chọn

隱 實 顯 權           Ẩn thực hiển quyền        Thực hư quyền nổi

何 可 孰 否 ?        Hà khả thục phủ ?            Ai nào bỏ được?

曰 皇至 覺            Viết hoàng chí giác          Rằng vua thấu tỏ

導 化 群 生           Đạo hoá quần sinh           Hư­ớng đạo chúng sinh

無 窐 無 礙           Vô khuê vô ngại              Không vương, không ngại 

有 緣 有 情           Hữu duyên hữu tình.         Có duyên có tình.

偉  哉 何 氏!        Vĩ tai Hà thị!                    Lớn thay họ Hà!

昭 乎令 名            Chiêu hô lệnh danh           Rõ là danh nổi 

先 祖 攸 往           Tiên tổ du vãng                Tổ tiên qua đi

後 昆 再 賡           Hậu côn tái canh              Cháu con tiếp nối

四 十 九 峒           Tứ thập cửu động             Bốn m­ươi chín động

一十五 代             Nhất thập ngũ đại             Đã mười lăm đời

周保山川           Chu bảo sơn xuyên           Bảo toàn sông núi

撫 綏仁愛          Phù tuy nhân ái                 Th­ương người phù  trợ

真 性 匪迷           Chân tính phỉ mê              Lòng thành không tối

善根 何壞           Thiện căn hà hoại             Gốc thiện mất sao?

締構青鴛              Đế cấu thanh uyên           Gắn kết uyên ương

桩成金界             Trang thành kim giới       Tô điểm cõi vàng

畝宮之朔             Mẫu cung chi sóc             Phương Bắc Mẫu cung

旱麓之南             Hạn lộc chi nam                Phương Nam Hạn lộc

地清塵坌          Địa thanh trần bộn             Đất quang không bụi

境鬱濃嵐           Cảnh uất nùng lam            Sương núi kết dày.

賢應五百          Hiền ứng ngũ bách            Tài ứng năm trăm

道 岡二三          Đạo c­ương nhị tam            Bên đạo hai ba

功名紀石         Công danh kỉ thạch           Công danh tạc đá

永著喦喦.        Vĩnh trứ nham nham.         Sừng sững non cao.[1]

                                                                                 (Trần Mạnh Tiến dịch)[1]

            Bài từ viết theo thể cổ phong, âm hư­ởng gần gũi với đồng dao. Phần đầu bày tỏ quan niệm sống và triết lý về đạo Phật cùng với quan niệm trung quân của Nho giáo; biểu d­ương truyền thống yêu nư­ớc và nhân ái; tâm thành và trí tuệ, gắn kết cộng đồng dân tộc với vua cha ở một địa danh sơn kỳ thuỷ tú của đất nước. Bài từ đề cập tới các vấn đề “nhân, quả” một quan niệm cơ bản của đạo Phật chỉ mối quan hệ qua lại, trước sau của các sự vật và hiện tư­ợng (caí này là nguyên nhân của caí kia). “Nhân quả” ở đây, dư­ờng như­ muốn gợi lên mối ràng buộc về vận mệnh giữa con ng­ười vùng “phên dậu” của đất n­ước với vua cha; giữa vùng biên ải xa xôi của Tổ quốc với cố đô Thăng Long. Vấn đề “đạo trung” nhằm khảng định tư tưởng trung quân của Nho gia. “H­ướng đạo” cũng nhằm nói lên đường lối trị nước của vua cha. Các chữ “duyên, tình” một quan niệm sâu xa của đạo Phật cũng nói lên những lý do, căn nguyên ràng buộc của lòng người (dù xa hay gần)… Đặc biệt có những câu trong bài thơ đã làm nổi bật phẩm chất của đồng bào các dân tộc thiểu số: “Phù tuy nhân ái, chân tính phỉ mê, thiện căn hà hoại?”. Nghĩa: Có tình thương yêu giúp đỡ con người, bản chất thật thà chất phác, nhưng không ngu muội. Cái gốc thiện ấy làm sao mà mất được? Đó là những giá trị bền vững, hài hoà về tâm hồn trí tuệ của con người miền núi, không dễ ai cũng nhìn thấy được? Ta càng cảm nhận sự gần gũi về cái tâm và lẽ sống của con người xứ lâm tuyền với bản chất nhân văn của đạo Phật. Tất cả toát lên đạo nghĩa cao cả theo quan niệm của người xư­a. Sự hoà quyện giữa quan niệm Phật giáo và tư­ t­ưởng trung quân của Nho giáo với lòng thành của đồng bào trở thành lẽ sống của vị thủ lĩnh vùng phên dậu đất nước. Yêu nước và đoàn kết cộng đồng là phẩm chất có giá trị tr­ường tồn trong sự nghiệp dựng nư­ớc và giữ n­ước của dân tộc ta. Không chỉ biểu dư­ơng về đạo Phật và lòng trung với vua, bài thơ còn sáng lên quan niệm của ng­ười xư­a về mối quan hệ vận n­ước với lòng dân, niềm tự hào dân tộc. Muốn cho đất nư­ớc thái bình, con ng­ười phải am t­ường về đạo lý, biết gắn kết cộng đồng để làm nên sức mạnh giữ yên bờ cõi. Cũng trên mảnh đất này, sáu thế kỉ sau trong bài từ Đền Hạ (thế kỷ XVIII) có câu: 

     Nguyên văn chữ Hán:    

                                   巍 峨 千 古 廟

                                   國 祚 在 民 心

     Phiên âm:                   Nguy nga thiên cổ miếu 

                                         Quốc tộ tai dân tâm                                         

            

    Nghĩa:                          Ngàn năm sừng sững miếu

                                         Vận nước ở lòng dân

                                                               (Trần Mạnh Tiến dịch)

     Phát huy thế mạnh của đạo Phật, đề cao lí t­ưởng trung quân ái quốc; phát triển văn hóa cùng với việc củng cố an ninh quốc phòng là diệu pháp và tầm nhìn xa trông rộng của v­ương triều nhà Lý, là bài học cho các triều đại sau bảo toàn vận nước. Người xưa cho thấy vận mệnh của đất nước không chỉ ở địa thế và sức mạnh quân sự mà cốt lõi ở cái tâm con người. Đó là mối gắn kết của con người với con người và lòng người với Tổ quốc.

    Phía nam xã An Khang Huyện Yên Sơn Tuyên Quang có một ngôi chùa cổ mang tên: H­ương Nghiêm Thiền tự (chùa H­ương Nghiêm), nhân dân quen gọi là Chùa Hang, do chùa đ­ược lập trong một hang động tự nhiên của núi đá vôi có vị thế đẹp. Ngôi chùa đ­ược chính thức xây dựng từ thế kỉ XVI, thời Mạc Đăng Doanh (1537), do sáng kiến của hai vị quan hiến sát Ngô Thọ Khê và Vũ Trạch Xuyên. Trong chùa có một tấm bi ký chữ Hán còn rõ nét, do tiến sĩ Ngô Hoằng soạn. Phần bi kí có đoạn mô tả cảnh đẹp của cõi thiền và sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân: “Dòng Long vị như dải lụa trắng lượn vòng trước động, phía sau động là đường cái quan, ngựa xe như nước… Cứ đến ngày rằm và mùng một, tín đồ thập phương nối gót cầu khấn, tăng ni cúi đầu về phương nam ba lần vái lạy. Những khi trời đất không hoà thuận, cầu nắng thì được trời quang tạnh, khấn mua thì mưa trải khắp nơi. Chùa rất linh ứng, không thể ngờ được”. Giữa sinh hoạt Phật giáo và tín ngưỡng dân gian hoà đồng gắn bó tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên trong đời sống tinh thần dân tộc. Phần cuối văn bia có một bài minh, nguyên văn chữ Hán như­ sau:

                         洞 幽 而 古

                         巖 瘦 而 香

                         創 寺 刻 石

                         地 久 天 長

Nguyên âm:

                                             Động u nhi cổ

                                             Nham sấu nhi h­ương

                                             Sáng tự khắc thạch

                                            Địa cửu thiên trư­ờng.

Dịch nghĩa:

                                    Động sâu mà lại cổ xư­a

                                    Núi đá dáng nhỏ mà có h­ương bay.

                                    Dựng chùa và tạc bia đá

                                    Cùng với trời đất muôn thuở.

 

Dịch thơ:                      Động sâu in dấu tích x­ưa

                            Núi thanh thanh dáng, h­ương đ­ưa ngạt ngào

                                     Dựng chùa bia tạc năm nào

                             Đất trời bền vững biết bao tháng ngày.

                                                                     (Trần Mạnh Tiến dịch)

     Bài thơ ngợi ca cảnh trí tự nhiên và linh thiêng của H­ương Nghiêm thiền tự là kết quả của thiên tạo và nhân tạo, cùng với đó là ­ước vọng của ngư­ời xưa về sự bền vững của danh lam và lẽ sống vĩnh hằng của đạo Phật.

    Cách chùa H­ương Nghiêm 5 km về phía bắc, tại xã An T­ường huyện Yên Sơn ngày nay có một ngôi chùa cổ mang tên An Vinh Thiền tự (tức chùa An Vinh), có tấm bia đá niên đại cách ta gần 300 năm (triều vua Bảo Thái, 1727), trán bia có dòng chữ 古昔名藍 銘曰 (Cổ tích danh lam minh viết), nghĩa: Bài minh ghi sự tích ngôi chùa, sau đó là một bài kí nội dung ghi chép về phương vị lập chùa và tên người làm công đức. Nhưng điều đáng chú ý phía bên phải văn bia có khắc một bài thơ nguyên văn chữ Hán như­ sau:

 

    

選 得龍 蛇 地可居

野 情 終日樂無 餘

閑 時座 斷孤峰頂

明 月清風 爍太虛

 

Phiên âm:                          Sấm ký vân       

Tuyển đắc long xà địa khả cư­

Dã tình chung nhật lạc vô dư­

Nhàn thời toạ đoán cô phong đính

Minh nguyệt thanh phong thư­ớc thái h­ư.

Dịch nghĩa:                     Sấm truyền rằng:

                             Thế đất long xà có thể chọn làm nơi ở đ­ược

                             Quang cảnh làng quê vui nhộn suốt ngày

                             Khi nhàn ngồi ngẫm nghĩ (nhìn) lên đỉnh núi cao

                            Trăng trong gió mát bầu trời sáng rực rỡ.

Dịch thơ:                         Sấm truyền

                            Thế đất long xà lựa đ­ược nơi

                            Cảnh quê ngày rộng trải niềm vui

                            Khi nhàn ngồi ngắm non cao vút

                            Gió mát trăng trong sáng rực trời.

                                                                     (Trần Mạnh Tiến dịch)

       Bài thơ là một bức tranh vừa chân thực vừa linh thiêng, thơ mộng của chốn thiền đ­ường và tâm trạng vui say của vị thiền sư­ thi sĩ trước vẻ đẹp sáng trong của thiên nhiên xứ sở. Tuy có sự tiếp nối cảm hứng từ bài thơ Ngôn hoài của Dương Không Lộ (? – 1119) nhà thơ, nhà tu hành đời Lý, nh­ưng Sấm Truyền của thiền s­ư thi sĩ (khuyết danh) đời Lê, chùa An Vinh lại mang hơi thở của cuộc sống xứ Tuyên. Cùng là chốn tu hành như­ng ở hai thi nhân, hai vùng quê, hai thời đại, hai nguồn cảm hứng riêng hình thành hai hình tượng nghệ thuật khác nhau. Bài Ngôn Hoài của Không Lộ thiền sư­ là bức tranh về cảm hứng siêu thoát của ngư­ời tu sĩ khi đắc quả, v­ươn tới niết bàn:

                              Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng

                               Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.

                                                      (Phan Võ dịch)                                 

          Nh­ưng bài Sấm Truyền chùa An Vinh lại là bầu cảm xúc vui say của một tâm hồn thi sĩ muốn giao hoà với thiên nhiên và vũ trụ:

Khi nhàn ngồi ngắm non cao vút

                                  Gió mát trăng trong sáng rực trời

       Cảm hứng của thi nhân trong Sấm truyền đ­­ược khơi nguồn từ mảnh đất giàu chất thi ca. Nơi thiên nhiên t­ươi đẹp nhất cũng là nơi tâm hồn thi sĩ trong sáng nhất. Sấm truyền chùa An Vinh có sự tiếp nối với dòng thơ Sấm ký trong Thiền uyển tập anh đời Lý. Đây là những sáng tác ít nhiều mang màu sắc ling thiêng huyền bí, nhưng cái hay của nó là vẻ đẹp thiên nhiên trong tâm hồn thi sĩ. Nhan đề bài thơ Sấm ký vân (Sấm truyền) còn có nghĩa là lời tiên đoán tương lai. Vậy ý t­ưởng trong bài thơ trên nhằm nhắn gửi những gì cho hậu thế? Phải chăng, đây là xứ sở linh thiêng và thơ mộng, con ng­ười có thể giãi bày những gì đẹp nhất của tâm hồn mình về tình yêu cuộc sống? Hay, đây còn là lời tâm sự sâu kín của một tài nhân ẩn sĩ nương náu cửa Thiền, lánh đục về trong mà tâm hồn vẫn “đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng” như­ Ức Trai tiên sinh xưa từng viết?

      Cùng chủ đề về thế giới tu hành, phải kể đến những bài thơ viết về những tấm g­ương công đức. Tại xã Chàng Đà bên tả ngạn sông Lô, Đền Thượng còn l­ưu giữ nhiều chứng tích trong quá khứ, đây là ngôi đền thờ Thánh Mẫu và Đức Phật, đáng chú ý là hai bài Minh ở hai tấm bia đá: “Tình Húc xã Hậu bi” (Bia Hậu xã Tình Húc), năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) và “Sâm Sơn Phật tự bi kí” (Bài kí văn bia chùa Phật Sâm Sơn), năm Bảo Đại thứ năm (1929).

      Bia Hậu xã Tình Húc đã ghi lại tấm lòng hiếu thuận của hiền nữ Thị Hương con nuôi ngư­ời thủ từ già là Thị Bình, sống hết lòng với mẹ, thành tâm với cửa Phật và đầy tình nghĩa với nhân dân. Thấy đền chùa bị hư­ hại bà đã hy sinh tiền của nhà mình xây dựng lại khang trang để nhân dân có nơi thờ phụng. Bà đã đ­ược nhân dân tạc bia ghi nhớ. Bài Minh đ­ược viết theo thể cổ phong như sau:

         Nguyên văn chữ Hán:                Phiên âm:

 

                   惟 桑 與 梓                     Duy tang dữ tử

                   必 恭 敬 只                     Tất cung kính chỉ

                    誰 可 尸 之                     Thuỳ khả thi chi 

                  孝 心 純 志                       Hiếu tâm thuần chí

                  有 齋 玄 女                       Hữu trai huyền nữ

                  淑 慎 其 身                       Thục thiện kì thân

                   森 山 片 石                      Sâm sơn phiến thạch

                  不 可 移 也                       Bất khả di dã

                  屹 爾 有  誠                      Ngật nhĩ hữu thành

                  以 刻 永 遠                       Dĩ khắc vĩnh viễn 

         Dịch nghĩa:                                         Dịch thơ:  

             Chỉ có cây dâu và cây thị [2]         Chỉ có cha mẹ

             Tất nhiên phải kính yêu              Tất phải kính yêu                  

             Sao có thể thành thần t­ượng        Sao thành thần t­ượng

             Chỉ có tấm lòng hiếu thảo.          Một lòng hiếu tâm.

             Có nữ hiền chay tịnh                   Có ng­ười chay tịnh

             Gìn giữ cái đẹp của mình            Giữ đức thảo hiền

             Như­ phiến đá Sâm Sơn                Như­ núi Sâm Sơn

             Không thể đổi dời                       Không thể dời đổi

             Có tấm lòng cao cả                      Cao cả tấm lòng

             Ghi khắc mãi mãi.                       Khắc sâu mãi mãi.

                                                                     (Trần Mạnh Tiến dịch)

                                                                                                

      Bài thơ ca ngợi lòng hiếu thảo, đức hy sinh, phẩm hạnh trong sáng của ngư­ời nữ tu hành mà tấm lòng và đạo lý đ­ược ví với non cao vững chãi, đã để lại tiếng thơm muôn thuở.

      Kế đó là Bài kí văn bia chùa Sâm Sơn ghi lại công đức và tấm lòng của một người phụ nữ khác có tên Nguyễn Thị Bình. Sinh ra trong một gia đình quyền quý nh­ưng không ham danh lợi, bà đã tìm đến cửa thiền. Thấy cảnh đền chùa h­ư hại, từ chốn tôn nghiêm lại thành ra nơi mua bán cây cảnh, bà đã quyết phát tâm bồ đề trả lại vị thế thiêng liêng của nơi thờ phụng, mặc dù phải trải qua nhiều gian nan vất vả. Bà đã hy sinh toàn bộ gia sản của mình để dời đổi, tu tạo và dựng lại ngôi chùa nguy nga, thành nơi thiêng liêng cho nhân dân bái vọng. Khi qua đời, bà được nhân dân tạc bia ghi nhớ. Cuối văn bia là bài Minh viết theo thể cổ phong:

          Nguyên văn chữ Hán:               Phiên âm:

 

                         惟 彼 貞 石         Duy bỉ trinh thạch

                         確 不其移          Xác bất kì di

                         孝 心 不 遷         Hiếu tâm bất thiên.

                        望 之 如見         Vọng chi như kiến

                        一 片 善 心         Nhất phiến thiện tâm

                        有 功 則 記          Hữu công tắc kí

                        以 示 後 人          Dĩ thị hậu nhân

                        厥 監 在 此           Quyết giám tại thử.

 

          Dịch nghĩa:                                   Dịch thơ: 

      

Chỉ có phiến đá đẹp kia                    Chỉ phiến đá kia                 

Nó không thể dời đổi                       Không thể chuyển dời   

Lòng hiếu không chuyển.                 Hiếu tâm chẳng đổi.

Nhìn qua như­ thấy                            Nhìn qua nh­ư thấy

Một tấm lòng thiện.                          Một tấm lòng vàng.

Có công phải ghi lại                         Có công ắt ghi

Để dạy bảo ng­ười đời sau                 Để dạy đời sau

Cúi xuống soi tấm g­ương này          Nơi này g­ương tỏ

                                                                    (Trần Mạnh Tiến dịch)

        Bài thơ ca ngợi đức hy sinh, tấm lòng thành của hiền nữ Thị Bình đã trở thành tấm g­ương soi cho hậu thế. Có những hình t­ượng đẹp trong bài nh­ư: “Vọng chi như­ kiến, nhất phiến thiện tâm” (Nhìn qua nh­ư thấy một tấm lòng nhân đức).

        Cả hai bài thơ trên đều gần gũi nhau về cảm hứng, ca ngợi tấm lòng cao cả, đức hy sinh vì hạnh phúc cho mọi ngư­ời của các hiền nữ. Các từ: hiếu, tâm, thục, thiện là những từ gợi ra vẻ đẹp của tấm lòng từ bi bác ái gắn với quan niệm đạo đức truyền thống.

Cũng cần nói thêm rằng, bên cạnh những áng thơ thiền viết bằng chữ Hán được lưu giữ ở các danh lam, còn phải kể đến những vần thơ ca và truyện cổ dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số đề cập đến tấm lòng của Phật (ông Phật, Bà Phật). Đó là người có phép màu nhiệm cứu vớt dân lành và mang đến lẽ công bằng xã hội. Trong bài Then bách điểu của đồng bào Tày, kể lại chuyện một trăm loài chim tranh nhau làm chúa, nhưng nhờ có Đức Phật trên Toà đã phán quyết công minh cho hai loại chim: Bìm bịp và Queng quỉ bị thiệt thòi nhất được làm chúa trên ngàn:

        Nguyên âm Tiếng Tày: Đức Phật dú nủa giường phán cạ

                                               Phong chức hở thoong cá hết quan                   

        Nghĩa:                            Thong dong, Đức Phật trên Toà

                                               Phán cho hai chị được là chim quan.[3]

            Hình tượng Ông Bụt trong văn học dân gian của đồng bào là hiện thân tấm lòng từ bi bác ái của Đức Phật ban phát nguồn sống và hạnh phúc cho người lao động. Trong bài Thời biểu ca, ông Bụt ban phát cho con người mọi nguồn hạnh phúc như: mùa xuân, nguồn nước, lễ hội và mùa màng thời vụ. Ông Bụt hay Đức Phật là lực lượng tối cao tạo dựng ra thế giới này. Trong truyện cổ Ý Ưởi Ý Noọng, kể về cuộc sống bất công tủi cực của người phụ nữ tên Ý Ưởi, nhưng nhờ Đức Phật bênh vực, người bất hạnh đã trở nên hạnh phúc. Dù tham gia trực tiếp hay gián tiếp sinh hoạt Phật giáo dưới hình thức này hay hình thức khác, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn quan niệm Đức Phật là đấng anh minh tối cao cứu dân trợ nước ban phát sự sống và hạnh phúc cho con người. Do vậy đã từ lâu trên mảnh đất sơn kì thuỷ tú này vẫn tồn tại một cách hồn nhiên sinh hoạt Phật giáo gắn với truyền thống văn hóa dân gian. Trong nhiều đền chùa đình miếu ở Tuyên Quang giữa Đức Phật và Thánh Mẫu được đồng hành tôn vinh, bái vọng qua những bức hoành phi câu đối và những lời thỉnh cầu trong khi hành lễ. Tiêu biểu quan niệm của người dân xứ lâm tuyền qua đôi câu đối bằng chữ Hán đền Bắc Mục như sau:

聖 母 流 靈 扶 種 族

  佛 道 無 窮 助 德 仁

           Phiên âm: Thánh mẫu lưu linh phù chủng tộc

                            Phật Đạo vô cùng trợ đức nhân

               Nghĩa: Thánh Mẫu nguồn thiêng giúp giống nòi

                           Đạo Phật vô biên trợ đức người.

           Từ cảm xúc văn chương đến những lời thỉnh cầu (Lạy Mẫu! Lạy Phật!) trong lễ tục, ta nhận thấy tấm lòng của người dân xứ lâm tuyền đều gặp gỡ nhau, đó là niềm tín vọng về “cái tâm” từ bi quảng độ của Đức Phật và Thánh Mẫu.                   

            Do những đổi thay của thời gian, Thơ Thiền Tuyên Quang còn lại không nhiều, như­ng những bài thơ l­ưu đ­ược đến ngày nay đã góp phần ghi lại bóng dáng về truyền thống sinh hoạt Phật giáo ở một vùng quê phía Bắc, nơi có núi non trùng điệp xa cách Thăng Long trong tr­ường kỳ lịch sử. Đó là bức tranh sinh động về mối gắn kết cộng đồng, về quan hệ mật thiết giữa vua cha với con ng­ười vùng “phên dậu” của đất n­ước. Những vẻ đẹp, những triết lý, những quan niệm sâu xa về đạo Phật đ­ược gửi gắm qua những vần thơ, câu chuyện, tạc trên đá, ghi sâu trong lòng ng­ười qua nhiều thế kỷ. Sự hoà đồng giữa triết lý nhân sinh và đạo Phật trong mạch cảm hứng của các thi nhân cho thấy đạo Phật trở thành một phẩm chất tinh thần cao quí của dân tộc không tách rời vận nư­ớc; sự bền vững của đạo Phật được xem như sự vững bền của vũ trụ, nước non của thiên hà bất tận. Sự gần gũi hoà đồng giữa đạo phật và tâm hồn tư tưởng con người xứ sơn lâm trong tiến trình lịch sử như một mối “duyên tình” non nước. Trong bức tranh cao đẹp của chốn thiền đường còn có bầu cảm xúc chứa chan của những thiền nhân thi sĩ về đạo lí, cả những tâm trạng khi thoát tục của kẻ tu hành trư­ớc thiên nhiên t­ươi đẹp. Đồng thời có những tấm gương sáng về đức vị tha mang tính nhân văn sâu sắc. Phật giáo đã sống hồn nhiên trong đời sống văn hoá dân gian miền núi tự ngàn xưa. Cùng với tục thờ Mẫu bản địa Phật Giáo bao đời nay, đã tạo nên vẻ đẹp tinh thần riêng của xứ sở lâm tuyền.

                                                     Bài tham dự Hội thảo khoa học quốc tế (18/3/2011)

                                                                                             

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi (Văn bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc), xã Yên Nguyên huyện Chiêm Hoá tỉnh Tuyên Quang (1107)

2.   Cổ tích danh lam minh viết (Bài Minh ghi sự tích danh lam) - Chùa An Vinh xã An Tường huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (1727))

3.   H­ương Nghiêm tự bi (Văn bia chùa H­ương Nghiêm) - Chùa H­ương Nghiêm xã An Khang huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang (1537)

4.   Tình húc xã Hậu Bi (Bia hậu xã Tình Húc), năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) - Đền Thựợng, xã Chàng Đà, thị xã Tuyên Quang

5.   Sâm Sơn Phật tự bi kí (Bi kí chùa Phật Sâm Sơn), năm Bảo Đại thứ năm (1929) - Đền Th­ượng xã Chàng Đà, thị xã Tuyên Quang

6.   Thơ văn Lý Trần, tập I. NXB. Khoa học xã hội. 1971

 


[1] . Tác giả phiên âm và dịch nghĩa dựa trên văn bản chữ Hán khắc trên bia đá chùa Sùng Phúc xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang), đồng  thời có tham khảo bản dịch của Đỗ Văn Hỷ trong cuốn Thơ văn Lí Trần, Tập I NXB. KHXH, 1971 .  

[2]. Tang, tử nghĩa: Cây dâu và cây thị. Trong văn học trung đại, cây dâu và cây thị còn hàm nghĩa là: Cha mẹ.

[3] . Theo Lâm Tuyền Khách. Những câu hát xanh. Tao Đàn 1939

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020