Văn học Việt Nam trung đại

NGHIÊN CỨU VỀ VẤN ĐỀ TÁC GIẢ CÁC TRUYỆN TRONG TRUYỀN KỲ TÂN PHẢ


22-03-2021
Truyền kỳ tân phả là một tác phẩm đáng chú ý trên văn đàn Việt Nam. Các văn bản Truyền kỳ tân phả thường được giới nghiên cứu khảo sát trước nay đều bao gồm 6 truyện: Hải khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ, Bích Câu kì ngộ, Tùng bách thuyết thọai và Long hổ đấu kì và ghi rõ Đoàn Thị Điểm là tác giả. Có điều vấn đề ai là tác giả của các truyện trong Truyền kỳ tân phả rất phức tạp do còn nhiều tranh luận về vấn đề tác giả của Bích Câu kì ngộ. Lược khảo vấn đề, chúng ta có thể thấy có 3 quan điểm chính. Quan điểm Đoàn Thị Điểm là tác giả được nhiều người ủng hộ nhất. Tuy vậy, Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Đăng Na khẳng định đây là tác phẩm của Đặng Trần Côn. Cuối cùng, đứng trước tình hình còn nhiều nghi vấn phức tạp, một số người đã đề nghị nên đề là khuyết danh. Bài viết đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu văn bản tác phẩm và các tư liệu hữu quan để đưa ra những ý kiến mới về vấn đề tác giả các truyện trong Truyền kỳ tân phả.

NGHIÊN CỨU VỀ VẤN ĐỀ TÁC GIẢ

CÁC TRUYỆN TRONG TRUYỀN KỲ TÂN PHẢ

ThS Lê Tùng Lâm [1]

 

Truyền kỳ tân phả là một tác phẩm đáng chú ý trên văn đàn Việt Nam. Các văn bản Truyền kỳ tân phả thường được giới nghiên cứu khảo sát trước nay đều bao gồm 6 truyện: Hải khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ, Bích Câu kì ngộ, Tùng bách thuyết thọai Long hổ đấu kì và ghi rõ Đoàn Thị Điểm là tác giả. Có điều vấn đề ai là tác giả của các truyện trong Truyền kỳ tân phả rất phức tạp do còn nhiều tranh luận về vấn đề tác giả của Bích Câu kì ngộ

Nhiều nhà nghiên cứu đã khổ công khảo cứu song đến nay vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Lược khảo vấn đề, chúng ta có thể thấy có 3 quan điểm chính. Quan điểm Đoàn Thị Điểm là tác giả được nhiều người ủng hộ nhất: Đinh Gia Thuyết, Trần Văn Giáp, Hoàng Hữu Yên, Hoàng Vân Hà ... đều đồng ý với giả thuyết này. Tuy vậy cũng có ý kiến cho rằng trong Truyền kỳ tân phả có một số tác phẩm không phải do Đoàn Thị Điểm sáng tác mà là do đời sau thêm vào. Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Đăng Na khẳng định đây là tác phẩm của Đặng Trần Côn. Cuối cùng, đứng trước tình hình còn nhiều nghi vấn phức tạp, một số người đã đề nghị nên đề là khuyết danh.

Một trong những nguyên nhân chính khiến Đoàn Thị Điểm thường được coi là tác giả của Bích Câu kì ngộ  vì Bích Câu kì ngộ xuất hiện trong cuốn Truyền kỳ tân phả. Trong quá trình nghiên cứu, ngoài 3 văn bản Truyền kì tân phả đã được học giới quan tâm là: 續傳奇 Tục truyền kì kí hiệu VHv.2959 ( bản A1), 傳奇新譜 Truyền kì tân phả kí hiệu A.48 ( bản A2), 傳奇新譜 Truyền kì tân phả kí hiệu VHv.1487 ( bản A3); chúng tôi còn tìm được thêm một văn bản mới về Truyền kỳ tân phả được chép trong 參考雜記 Tham khảo tạp kí A.939 (A4).

Cả 3 văn bản A1, A2, A3 đều có sáu truyện: Hải khẩu linh từ lục, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ, Bích Câu kì ngộ, Tùng bách thuyết thọai Long hổ đấu kì.  

Bản A1 do 閒雲庭 Nhàn Vân Đình  khắc in năm Gia Long thứ 10 (1811). Sách in theo lối chữ chân sáng rõ, cỡ 24 x 16 cm, dày 90 trang. Mỗi trang có 10 dòng chữ, mỗi dòng khoảng 18 chữ. Sách có hai mục lục. Mục lục đầu tiên được khắc in và chỉ ghi tên truyện. Mục lục sau là do chép tay và có ghi tên nhân vật chính trong mỗi truyện. Mục lục có ba truyện:

海口灵祠   阮碧珠

Hải khẩu linh từ  Nguyễn Bích Châu

雲葛神女   柳杏公主

Vân Cát thần nữ  Liễu Hạnh công chúa

安邑烈女   丁完亞室夫人

An Ấp liệt nữ  Đinh Hoàn á thất phu nhân

 

Hai truyện  Hải khẩu linh từ lục, An Ấp liệt nữ đều có ghi tên tác giả là Đoàn Thị Điểm, anh trai Đạm Như Phủ phẩm bình nhưng truyện còn lại thì không. Bản này không có Bích Câu kì ngộ, Tùng bách thuyết thoại Long hổ đấu kì.

Bản A2 là bản in cỡ 27 x 15 cm, dày 182 trang. Lạc Thiện Đường in năm Gia Long thứ 10 ( 1811). Đây chính là văn bản đã được hai nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp và Hoàng Xuân Hãn dày công khảo cứu. Bản này khắc in theo lối chữ chân sáng rõ, có cước chú. Mỗi trang có 10 dòng, mỗi dòng 18 chữ. Mục lục có chép đủ 6 truyện: Hải khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ, Bích Câu kì ngộ, Tùng bách thuyết thọai Long hổ đấu kì. Đặc biệt hai truyện Hải khẩu linh từ, An Ấp liệt nữ đều có lời ghi chú khá rõ ràng: truyện do Văn Giang Đoàn Hồng Hà nữ tử  sáng tác, anh trai  Đạm Như Phủ phê bình y như bản A1 nhưng bốn truyện còn lại thì không.

Trên tờ mục lục, cả ba truyện  Hải khẩu linh từ lục, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ đều được khắc in chữ to, ba truyện còn lại đều khắc chữ nhỏ, được xếp xen kẽ giữa các hàng chữ lớn. Các truyện khác đều phải khắc riêng mỗi dòng một truyện nhưng riêng tên hai truyện Tùng bách thuyết thọai Long hổ đấu kì  thì lại phải khắc chung một dòng. Nếu quan sát kĩ, ta sẽ thấy chữ “lục” trong hàng mục lục nhỏ được khắc khác với chữ “lục” trong hàng mục lục in chữ to. Hai truyện  Hải khẩu linh từ lục, An Ấp liệt nữ đều có ghi tên tác giả là Đoàn Thị Điểm nhưng bốn truyện còn lại thì không.

 

 

Mục lục bản A2

Mục lục bản A1

 

90 trang đầu cuốn sách A2 này khá giống  bản A1. Theo chúng tôi bản A2 đã được in lại trên bộ ván khắc cũ, có sửa lại một vài chữ mà thôi. Tuy nhiên, phần sau của cuốn sách lại được in bằng loại giấy có ô kẻ dọc khác với loại giấy được in ở phần đầu. Mở đầu là Bích Câu kì ngộ. Sau đó là hai truyện Tùng bách thuyết thoại Long hổ đấu kì. Sách có ghi rõ 附松柏説話 “phụ tùng bách thuyết thoại”, 附龍虎闘奇 “phụ long hổ đấu kỳ”- phụ chép thêm hai truyện này.  Đặc biệt với ba truyện sau, kết thúc hai truyện Bích Câu kì ngộ, Tùng bách thuyết thọai đều có chữ 天子萬萬年 “thiên tử vạn vạn niên”, riêng truyện cuối cùng là Long hổ đấu kì thì có dòng 天子萬萬年之壽 “thiên tử vạn vạn niên chi thọ”. Ba truyện ở 90 trang đầu sách không hề có những dòng chữ này.

 Ngoài ra, mục truyện về Đoàn Thị Điểm trong Tang thương ngẫu lục còn cung cấp một thông tin rất quan trọng:”Bà còn làm ra tập Tục truyền kì trong đó có ba truyện Hải khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ còn lưu hành ở đời[2]. Điều này hoàn toàn trùng khớp với ghi chép trong Đoàn thị thực lục. Trong Đoàn thị thực lục đã ba lần nhắc tới vấn đề này:

Lần

Nguyên văn

Phiên âm

Dịch nghĩa

1

續傳奇有海口靈祠,雲葛神女,安邑烈女三傳行于世

Tục truyền kỳ hữu Hải  khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ tam truyện hành vu thế.

 

Tục truyền kỳ có ba truyện Hải  khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ lưu hành trên đời.

 

2

顯舊制勝之跡

表新貞烈之名

寓真踪于雲葛神女

述閒情于對話燕鸚

Hiển cựu Chế Thắng chi tích

Biểu tân Trinh Liệt chi danh

Ngụ chân tung vu Vân Cát thần nữ

Thuật nhàn tình vu Đối thoại yến anh

Làm rạng tích  Chế Thắng xưa (chỉ Hải khẩu linh từ)

Nêu cao danh Trinh Liệt mới (chỉ An Ấp liệt nữ)

Ngụ dấu tiên ở Vân Cát thần nữ

Thuật tình nhàn ở Đối thoại yến anh

 

3

如此之類,皆有笔記.不可盡述.又如感仙人之陟降,則雲葛神女,大段精神.談宮女之貞良,則海口靈祠一章艷麗.安邑烈女,語意忠誠.梅幻燕鸚言詞慷慨.雲葛,海口,安邑,三傳將刻板不及而兵焚,然皆已見安于世.惟燕鸚對話梅幻二傳多誤失其原故人多不見也

Như thử chi loại giai hữu bút kí, bất khả tận thuật. Hựu như cảm tiên nhân chi trắc giáng tắc Vân Cát thần nữ, đại đoạn tinh thần, đàm cung nữ chi trinh lương, tắc Hải khẩu linh từ nhất chương diễm lệ, An Ấp liệt nữ ngữ ý trung thành, Mai Huyễn, Yến Anh ngôn từ khảng khái (Vân Cát, Hải khẩu, An Ấp tam truyện tương khắc bản bất cập nhi binh đột, nhiên giai dĩ kiến an vu thế, duy Yến Anh đối ngữ, Mai Huyễn nhị truyện đa ngộ thất kỳ nguyên cố nhân đa bất kiến dã).

 

Những thể loại này đều có ghi chép lại, không thể kể ra hết, lại như chuyện cảm nhận tiên nhân giáng trần thì có truyện Vân Cát thần nữ tinh thần phấn chấn, đàm luận trong trắng lương thiện của người cung nữ, Hải khẩu linh từ một chương diễm lệ, An Ấp liệt nữ ngữ ý trung thành,  Mai Huyễn, Yến Anh  ngôn từ khảng khái (các truyện Vân Cát, Hải khẩu, An Ấp chưa kịp khắc ván in thì đã bị cháy trong loạn giặc giã, nhưng đến nay vẫn thấy được truyền tụng, còn như hai truyện Yến Anh đối ngữ, Mai Huyễn thì bị sai khác so với nguyên gốc khá nhiều nên hiện không còn nữa).

 

 

Bài văn tế vợ của Nguyễn Kiều và cuốn gia phả Đoàn thị thực lục tuy có chép tên các tác phẩm của bà nhưng hoàn toàn không có Bích Câu kì ngộ. Những người viết ra những tư liệu trên đều là người thân của bà, chắc chắn họ khó có thể mắc sai lầm. Như vậy so với ghi chép trong Đoàn thị thực lục thì các văn bản Truyền kì tân phả hiện giờ vừa thiếu lại vừa thừa.

Trong Lịch triều hiến chương loại chí [3], Phan Huy Chú lại cho rằng Tục truyền kỳ có sáu truyện: Bích Câu kì ngộ, Hải khẩu linh từ lục, Vân Cát thần nữ, Hoành Sơn tiên cục, An Ấp liệt nữ Nghĩa khuyển khuất miêu. Thế nhưng trên thực tế, cả 3 văn bản hoàn chỉnh A1, A2, A3 đều có sáu truyện: Hải khẩu linh từ lục, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ, Bích Câu kì ngộ, Tùng bách thuyết thọai Long hổ đấu kì.  Như vậy, việc xác định chính xác các tác phẩm của Hồng Hà nữ sĩ là một công việc rất khó khăn do các nguồn tư liệu vênh lệch nhau khá nhiều. Chắc chắn Truyền kì tân phả đã được in chép nhiều lần nên mới dẫn đến tình trạng như trên. Ba truyện Hải khẩu linh từ lục, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ chắc chắn là tác phẩm của bà và đã được khắc in trước nhất nhưng ba truyện  Bích Câu kì ngộ, Tùng bách thuyết thọai Long hổ đấu kì thì hẳn là không phải. Có lẽ là do người đời sau tiếc bộ ván khắc cũ nên đã dựa vào tên tuổi của bà in thêm vài truyện để kiếm lời.

Về niên đại hai văn bản này, Hoàng Xuân Hãn đã phát hiện rất tinh tường. Văn bản tuy ghi rõ được khắc in năm 1811 đời Gia Long nhưng lại có chữ “tân” viết húy theo kiểu thời Lê. Phạm Văn Thắm càng khẳng định điều này khi đi sâu phân tích địa danh Thăng Long trong một dòng cước chú [4].

Bản A3 là bản chép tay theo lối chữ chân khá đẹp nhưng cũng lộn xộn, có lúc lại chép vài trang chữ thảo, có cước chú, có mục lục. Sách dày 158 trang, cỡ 27 x 15,5 cm. Bản này chép lại bản in của 丹安集文堂 Đan An Tập Văn Đường tháng 2 mùa xuân năm Tự Đức thứ 17 (1864). Trong sách cũng chép đủ sáu truyện nhưng so với hai bản A1, A2 thì nội dung lại khá lộn xộn và khuyết thiếu một số đoạn. Bản mục lục thông thường nằm ở đầu sách thì lại xếp sau truyện Tùng bách thuyết thọai trước truyện Hải khẩu linh từ. Mục lục ghi rõ thứ tự các truyện là:  Hải khẩu linh từ lục, Vân Cát thánh tích lục, Tùng bách thuyết thoại, An Ấp liệt nữ lục, Long hổ đấu kì, Bích Câu kì ngộ lục.  Song trên thực tế các truyện trong văn bản lại được sắp xếp theo thứ tự như sau: Tùng bách thuyết thọai, Hải khẩu linh từ lục, Vân Cát thánh tích, An Ấp liệt nữ lục, Bích Câu kì ngộ kí, Long hổ đấu kì. Hai truyện Hải khẩu linh từ, An Ấp liệt nữ đều có lời ghi chú khá rõ ràng: truyện do Văn Giang Đoàn Hồng Hà nữ tử  sáng tác, anh trai  Đạm Như Phủ phê bình giống với bản A1 và A2. Dưới truyện An Ấp liệt nữ còn có dòng chữ 樂善堂藏稿 “Lạc Thiện đường tàng cảo” – điều này chứng tỏ bản in mà văn bản A3 chép lại có liên quan tới bản A2.

Xưa nay khi nghiên cứu về văn bản Truyền kỳ tân phả, giới nghiên cứu mới chỉ biết đến ba bản A1, A2, A3 mà thôi. Gần đây, chúng tôi đã phát hiện một văn bản mới. Bản này có tên là 參考雜記 Tham khảo tạp kí A.939 (A4). Đây là một cuốn sách viết tay theo thể chữ chân rõ ràng, sạch đẹp. Sách dày  372 trang, cỡ 30 x 20 cm, chia làm hai quyển thượng hạ. Mỗi trang có 9 dòng, mỗi dòng 20 chữ. Tờ đầu có ghi 參考雜記上  “Tham khảo tạp kí thượng”. Tờ sau chép:

參考卷壹 丹山范先生撰 先生諱廷琥 共壹百三十張

“Tham khảo quyển nhất, Đan Sơn Phạm tiên sinh soạn. Tiên sinh húy Đình Hổ. Cộng nhất bách tam thập trương ”

(Tham khảo quyển 1, Đan Sơn Phạm tiên sinh soạn. Tiên sinh tên húy Đình Hổ. Tất cả 130 trang)

Phía sau có ghi mục lục các mục trong sách gồm trên 120 đề mục khảo cứu về thiên văn, địa lí, nông nghiệp, kĩ nghệ, binh pháp, giáo dục, khoa cử, luân lí, khoáng vật, thực vật, động vật. Cuối quyển thượng có dòng chữ

皇黎景興丁酉海陽鎮上洪府唐安縣明鑾總 丹鑾社范廷琥編輯

“Hoàng Lê Cảnh Hưng Đinh Dậu, Hải Dương trấn, Thượng Hồng phủ, Đường An huyện, Minh Loan tổng, Đan Loan xã. Phạm Đình Hổ biên tập.”

( Phạm Đình Hổ xã Đan Loan, tổng Minh Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương biên tập, năm Đinh Dậu thời Cảnh Hưng triều Lê)

Sau đó là quyển hạ có chép hai truyện Tùng bách thuyết thoại Bích Câu kì ngộ. Chúng ta có thể thấy tác giả của quyển thượng là Phạm Đình Hổ song vấn đề liệu ông có phải là tác giả của phần “hậu tục” Bích Câu kì ngộ  sẽ trình bày dưới đây hay không thì vẫn cần phải bàn thêm. Về niên đại văn bản ghi là năm Đinh Dậu 1777 đời Lê Cảnh Hưng. Tuy vậy trên thực tế Phạm Đình Hổ sinh năm 1768, một chú bé 9 tuổi khó có thể viết sách được. Trần Văn Giáp cho rằng đây là năm 1837, Phạm Đình Hổ ghi vậy là để tưởng nhớ triều Lê mà thôi [5].

 Trong bản này Tùng bách thuyết thoại thì không có vấn đề gì lớn nhưng Bích Câu kì ngộ lại có nhiều điều đặc biệt. Sách có thể chia làm hai phần. Phần một tả cảnh Tú Uyên đi chơi hội chùa gặp tiên, thành thân rồi bay lên trời, sau hiện về báo mộng thì giống ba bản trên. Phần hai thì bắt đầu khác từ giữa đoạn báo mộng, thuyết giảng cho anh Tú tài Nam Châu.

Nếu ở ba bản trên anh Tú tài ra về thuật lại cho sư trụ trì chuyện trong mơ rồi lưu truyền ra ngoài thì ở bản này chàng ta lại về nhà quyết chí học hành. Tuy thi trượt nhưng sau chuyến du hành kì thú, chàng lấy được vợ đẹp, đỗ Trạng nguyên, được rồng tặng cho viên ngọc quý đánh bại quân thù hùng mạnh. Lúc này giàu sang tột bậc, chàng liền nghe lời vợ dâng biểu từ quan, rong chơi khắp chốn. Phần “hậu tục” này được viết khá dài. Chúng tôi cho rằng đây là do người sau thêm vào vì nó không ăn nhập gì với nội dung phần trước cả. Bích Câu kì ngộ viết về hạnh phúc lứa đôi, hai vợ chồng Tú Uyên, Giáng Kiều dứt bỏ bụi trần cùng nhau thăng thiên  sống hạnh phúc trên thượng giới - cái kết đó đã rất hoàn mĩ và hợp lôgic kết cấu truyện rồi. Đây hẳn là do nhà nho đời sau thấy không hài lòng vì Tú Uyên công danh chưa thành nên mới viết nối thêm. Chàng Tú tài Nam Châu này gia cảnh bần hàn, thân cô thế cô, trường thi lận đận – hẳn là một hình ảnh rất phổ biến trong thời phong kiến. Thế mà sau lại được hưởng vinh hoa tột đỉnh. Câu chuyện có cái kết thập toàn thập mĩ này có lẽ là giấc mộng đẹp của biết bao sĩ tử thời xưa. Liệu đây có phải tác phẩm của Phạm Đình Hổ hay không? Với điều kiện tư liệu hiện nay thì vân đề này có lẽ chưa thể tìm được câu trả lời rốt ráo.

Như vậy, trong quá trình khảo sát 4 văn bản Truyền kì tân phả và đối sánh với các thư tịch hữu quan; hai bản A1, A2 có niên đại sớm nhất đã chứng minh ba truyện Bích Câu kì ngộ, Tùng bách thuyết thoại Long hổ đấu kì là do người đời sau thêm vào chứ không nằm trong những lần in ấn đầu tiên. Tùng bách thuyết thoại Long hổ đấu kì theo chúng tôi nên để khuyết danh.

Vậy còn Bích câu kì ngộ? Tang thương ngẫu lục cho rằng đó là tác phẩm của Đặng Trần Côn. Đứng trước tình hình này, Trần Văn Giáp đã phải đưa ra một quan điểm theo chúng tôi là thiếu thuyết phục để bảo vệ ý kiến của mình:” Mãi cuối cùng truyện Đặng Trần Côn, dứt hẳn câu văn rồi mới thấy mười chữ “hữu Bích Câu kì ngộ tiểu thuyết hành thế” ( có Bích Câu kì ngộ tiểu thuyết phổ biến mọi nơi). Mười chữ này lúc viết ra để khắc ván in có thể lấy ở đâu đem đặt vào cũng được. Hay trái lại mười chữ này có thể đem đặt ở dưới tiểu truyện của ai cũng được” [6]. Thế nhưng, trong quá trình nghiên cứu về Đặng Trần Côn, chúng tôi lại nhận thấy: cho đến thời điểm này, Tang thương ngẫu lục là tài liệu ghi chép đầy đủ, chi tiết và chính xác nhất về sự nghiệp sáng tác của Đặng Trần Côn.  Đặc biệt, Bích Câu kì ngộ còn có những câu thơ đầy nhục cảm mà vì một số lí do, Trần Văn Giáp đã không dịch hết:

Nguyên văn

Phiên âm

Bản dịch của Hoàng Xuân Hãn

 

海棠風骨透

芍藥露珠篩

興恣推鸞覃

春狂拂翠幃

烏雲鬆鬢髩

清汙濕臙脂

楚館低襄主

秦臺陋沈兒

衾中難口道

枕上只心知

Hải đường phong cốt thấu

Thược dược lộ châu si

Hưng tư thôi loan đàm

Xuân cuồng phất thuý vi

Ô vân tùng mấn cái

Thanh ô thấp yên chi

Sở quán đê Tương chủ

Tần đài lậu Thẩm nhi

Khâm trung nan khẩu đạo

Chẩm thượng chỉ tâm tri

 

“Hải đường gió thốc tả tơi

Đoá hoa thược dược móc rơi dầm dề

Nệm oanh sóng hứng vỗ xê

Gió xuân thổi dập màn the phập phồng

Tóc mây trâm lỏng buông tung

Nét son lớp phấn ướt cùng mồ hôi

Vua Tương quán Sở thua vui

Vui hơn chàng Thẩm khi chơi đài Tần

Nói sao được chuyện trong chăn

Thú vui trên gối tâm thần biết thôi”

 

Hai vợ chồng Tú Uyên, Giáng Kiều mô tả cảnh động phòng hoa chúc rất táo tợn, say sưa và đầy háo hức. Hai vợ chồng làm thơ xong, Giáng Kiều còn lấy bút chép thơ lên súc gấm, treo ở giữa nhà. Khách khứa đến chơi, ai cũng trầm trồ khen ngợi nét chữ như phượng múa rồng bay nhưng lại chẳng hiểu nàng đã viết gì. Ấy là bởi nàng dùng  phép tiên biến hoá nên mọi người không sao biết được chuyện kín của hai người. Thực là một hình thức múa tay trong bị.

Điều này không phù hợp với phong cách của nữ sĩ họ Đoàn nhưng lại in đậm dấu ấn tài tử của Đặng Trần Côn. Đọc tác phẩm của ông, cảnh bướm ong không phải là ít [7]. Từ người chinh phụ nhung nhớ giấc mộng xuân trong Chinh phụ ngâm:

 

尋君夜夜到江津

尋君兮陽臺路

會君兮湘江津

記得幾番歡會處

無非一枕夢中春

Tầm quân dạ dạ đáo giang tân

Tầm quân hề Dương Đài lộ

Tầm quân hề Tương Giang tân

Kí đắc kỉ phiên hoan hội xứ

Vô phi nhất chẩm mộng trung xuân

 

Tìm chàng đêm đêm tới bến sông

Tìm chàng chừ nẻo Dương Đài

Tìm chàng chừ bến Tương Giang

Nhớ lại mấy phen vui vẻ gặp gỡ nhau

Chính là một giấc mộng xuân trên gối

Chinh phụ ngâm

đến những bài từ xướng họa cùng bè bạn:

聽聲聲枕畔虫吟

訴一曲春心

傕 一曲春心

獨寢也五更深

溫一半短衾

冷一半短衾

相思梦 中尋

 

Thính thanh thanh chm  bn trùng ngâm

T nht khúc xuân tâm

Thôi nht khúc xuân tâm

Độc tm dã ngũ canh  thâm

Ôn nht bán đon khâm

Lãnh nht bán đon khâm

Tương  tư mộng trung  tm

 

Bên gối nghe tiếng trùng kêu rả rích

Động một khúc lòng xuân

Giục giã một khúc lòng xuân

Một mình trên chiếc giường năm canh dài dằng dặc

Ấm nửa tấm chăn mỏng

Lạnh nửa tấm chăn mỏng

Tương tư tìm trong mộng

Xuân dạ hoài tình nhân

 

Và cũng chỉ có người tài tử như Đặng Trần Côn mới viết nên cái kết cho Giáng Kiều khuyên Tú Uyên vứt bỏ công danh, học đạo tu tiên ngao du tứ hải. Đem so sánh Giáng Kiều với nàng Bích Châu dù là phận nữ nhi cũng một lòng sắt son bỏ mình vì nước, Đinh phu nhân tiết phụ thờ chồng dưới ngòi bút Đoàn Thị Điểm thì quả là một trời một vực. Do vậy, với số tài liệu hiện có trong tay, chúng tôi đưa ra kết luận như sau:

(1)      Ba truyện Hải khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ chắc chắn là của Đoàn Thị Điểm. 

(2)      Ba truyện Bích Câu kì ngộ, Tùng bách thuyết thoại và Long hổ đấu kì là do người đời sau thêm vào một văn bản Truyền kỳ tân phả (vốn khắc in đời Lê) nhằm mục đích thương mại trong bản in năm 1811. Dấu vết văn bản học (khuôn trang mộc bản) cho phép đi đến nhận định này.

(3)      Về tác phẩm Bích Câu Kỳ ngộ, không có một văn bản nào xác định rõ truyện này là của Đoàn Thị Điểm, chỉ có Tang thương ngẫu lục ghi rằng Đặng Trần Côn chính là tác giả của Bích Câu kỳ ngộ.

(4)      Hai tác phẩm Tùng bách thuyết thoạiLong hổ đấu kỳ đều chưa xác định được tác giả, nên chúng tôi tạm xếp vào khuyết danh.

 

Tài liệu tham khảo

[1]. Vô danh thị (1958). Bích Câu kì ngộ.  NXB Trịnh Ngọc Phát. Thanh Hóa.  

[2]. Phan Huy Chú (1961). Lịch triều hiến chương loại chí T2. NXB Sử học. Hà Nội.

[3]. Đoàn Thị Điểm (2008). Truyền kì tân phả. NXB Giáo dục. Hà Nội.

[4]. Trần Văn Giáp (1958). Bích Câu kì ngộ khảo thích. NXB Văn hóa.  Hà Nội.

[5]. Trần Văn Giáp (2003). Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội.

[6]. Hoàng Xuân Hãn (1998). Bích Câu kỳ ngộ ( dựa theo bản in năm 1964 NXB Đại học Huế). La Sơn Yên Hổ Hoàng Xuân Hãn tập 3. NXB Giáo dục. Hà Nội.

[7]. Hoàng Xuân Hãn (1952). Chinh phụ ngâm bị khảo. NXB Minh Tân. Paris.

[8]. Phạm Đình Hổ (1960). Tang thương ngẫu lục. NXB Văn hóa. Hà Nội.

[9]. Nguyễn Đăng  Na (1997). Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại. NXB Giáo dục. Hà Nội.

[10]. Phạm Văn Thắm (1996). Nghiên cứu văn bản và đánh giá thể loại truyền kỳ viết bằng chữ Hán ở Việt Nam thời trung đại. LA PTSKH Ngữ văn.

[11]. Lê Tùng Lâm (2008). Sơ bộ khảo sát các trước tác của Đặng Trần Côn trong kho sách Hán Nôm. Khóa Luận tốt nghiệp chuyên ngành Hán Nôm K49, Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV.

[12]. Lê Tùng Lâm (2008). Phát hiện một số tác phẩm mới thuộc thể từ thời Lê Trung Hưng. Thông báo Hán Nôm học 2008. Hà Nội.

 

[1] Xin chân thành cám ơn TS Trần Trọng Dương đã đọc và góp ý cho bài viết của tôi.

[2] Phạm Đình Hổ (1960). Tang thương ngẫu lục. NXB Văn hóa. Hà Nội, tr 79.

 

[3] Phan Huy Chú (1961). Lịch triều hiến chương loại chí T2. NXB Sử học, Hà Nội tr 519.

[4] Đoàn Thị Điểm (2008). Truyền kì tân phả. NXB Giáo dục. Hà Nội, tr 91.

[5] Trần Văn Giáp (2003). Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội, tr 1255.

[6] Hoàng Xuân Hãn (1998). Bích Câu kỳ ngộ ( dựa theo bản in năm 1964 NXB Đại học Huế) La Sơn Yên Hổ Hoàng Xuân Hãn tập 3. NXB Giáo dục. Hà Nội, tr 25.

 

[7] Xin xem thêm

Lê Tùng Lâm (2008). Sơ bộ khảo sát các trước tác của Đặng Trần Côn trong kho sách Hán Nôm. Khóa Luận tốt nghiệp chuyên ngành Hán Nôm K49, Khoa Văn học, ĐH KHXH&NV. ĐHQG HN.

Lê Tùng Lâm (2008). Phát hiện một số tác phẩm mới thuộc thể từ thời Lê Trung Hưng. Thông báo Hán Nôm học 2008.

Post by: admin
22-03-2021