Văn học Việt Nam hiện đại

Kim Lân như tôi biết


13-10-2020
Tác giả: PGS. TS. Đoàn Trọng Huy

Kim Lân (1920- 2007) là nhà văn có tên tuổi từ trên văn đàn 1930-1945. Ông tiếp tục viết và trở thành một nhà văn có nhiều thành tựu từ sau Cách mạng. Với tác phẩm được trích in trong sách giáo khoa nhà trường Phổ thông ông cũng là một trong những tác gia để lại dấu ấn qua các thế hệ học sinh. Nhà văn Kim Lân được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.


Kim Lân (1920- 2007) là nhà văn có tên tuổi từ trên văn đàn 1930-1945. Ông tiếp tục viết và trở thành một nhà văn có nhiều thành tựu từ sau Cách mạng. Với tác phẩm được trích in trong sách giáo khoa nhà trường Phổ thông ông cũng là một trong những tác gia để lại dấu ấn qua các thế hệ học sinh.
Nhà văn Kim Lân được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.
I/- CON NGƯỜI THÂN THIỆN, HOÀ ĐỒNG
Tôi không được gặp Kim Lân nhiều, nhưng chỉ ít lần trong những tháng năm trải dài cũng đủ có những ấn tượng sâu sắc, khó phai mờ.
Kim Lân là một trong những nhà văn mà tôi được gặp sớm nhất, ngay từ năm 1960.
Do sự giới thiệu của ông thầy kính mến Giáo sư Hoàng Như Mai, tôi được vào ban tuyển chọn làm Tuyển tập văn 1945-1960. Sách đã được xuất bản kịp thời ngay vào năm ấy, kỷ niệm 15 năm thành lập Nước.
Đó là thử thách khó khăn nhưng đầy hứng thú vì tôi mới ở lại Trường với tư cách là giảng viên còn rất trẻ, trợ giảng cho các bậc thầy và đàn anh. Hơn nữa, tuyển chọn tác phẩm hiện đại-cũng là đương đại-phải có cảm nhận thẩm mĩ rất tinh nhạy và chính xác với con mắt có thể “đoán” ra ngay “anh hùng” ở giữa ‘trần ai”.Nghĩa là tìm ra đúng tác giả , tác phẩm đặc sắc tiêu biểu nhất của lịch sử sáng tác, có thể tồn tại lâu dài với thời gian.
Ngay cuộc họp đầu tiên, tôi đã được gặp nhiều nhà văn xuôi nổi tiếng như Tô Hoài, Kim Lân, Bùi Hiển…
Thảo luận tập thể chỉ nêu ra một số tiêu chí chọn lựa chung. Giờ giải lao, trong cuộc trao đổi ngoài lề với các nhà văn, tôi được Kim Lân đưa ra “khẩu vị” văn chương của riêng ông với ý nghĩa như một gợi ý. Nhà văn phát biểu chân thành. Qua đó, tôi có ấn tượng ban đầu về một người viết đáng nể trọng. Ấn tượng này càng rõ nét hơn với tôi trong lần thảo luận chung kết tuyển lựa. Ở ông vẫn toát ra một thái độ và tấm lòng thân thiện, hoà đồng, nhất là với những thành viên trẻ trung như một vài anh em chúng tôi.
Đã có một đôi lần tôi được hẹn đến thăm nhà văn tại số 6 xóm Hạ Hồi, Hà Nội. Đó là cuộc giao lưu thân tình thú vị và nhiều thiện cảm văn chương. Tôi có điều kiện tìm hiểu trực tiếp thêm về sáng tác của nhà văn nhưng qua đó là cảm nhận được khá rõ nét phong thái sống và cách làm việc của nhà văn.
Tôi nhớ, nhà văn tiếp tôi tại phòng khách “mở” , ở cái hiên nhà nhìn ra sân khu vườn nhỏ, hai bên có chấn song và bệ tường thấp đặt đầy chậu hoa. Ngoài chuyện văn chương lại thêm chuyện trồng hoa, chăm hoa. Đại để là những công phu tỉ mẩn, tinh tế trong kĩ thuật trồng trọt, bón tưới, cắt tỉa. Dĩ nhiên, nhà văn còn giới thiệu cả “tính cách” và “ngôn ngữ” hoa như muốn lôi kéo cả người nghe vào “thế giới hoa” của ông với tình cảm rất hoà đồng. Chuyện về chơi hoa cũng là một nét tài hoa của Kim Lân được người con gái hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền kể lại nhiều lần sau này.
Không kể đôi lần gặp gỡ qua những buổi hội họp chung, lần gặp sau cùng được chuyện trò, trao đổi thân tình là ở buổi Lễ tiếp nhận Quỹ học bổng Nguyễn Tuân tại Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội vào tháng 12/1997.
Vì quen biết các nhà văn và cả gia đình họ, tôi là một liên lạc viên đắc lực để mời các vị : Nguyễn Xuân Đào con trai cố nhà văn Nguyễn Tuân và những bạn văn tri âm, tri kỉ lúc sinh thời như Tô Hoài, Kim Lân.
Chúng tôi tranh thủ gặp nhau chuyện trò trước buổi lễ, quanh bàn ăn và sau đó là tiệc trà nước . Qua đó là mối thân tình giao lưu giữa chúng tôi, thầy và trò trong Khoa với các nhà văn. Chủ đề tập trung dĩ nhiên là quanh những chuyện đời và chuyện viết của cố nhà văn Nguyễn Tuân; nhưng có một chủ đề rất kịp thời là thai khác tư liệu sống và viết của Tô Hoài, Kim Lân. Chuyện khá nhiều nhưng cả hai đều rất thân thiện, chân thành trong giao tiếp. Với chúng tôi, các thầy giáo dạy Văn và sinh viên học Văn bao giờ cũng là những độc giả, bè bạn có tính chất lí tưởng của người sáng tác.
Sinh viên khoa Văn vốn hiếu khách, kính trọng và yêu mến những người sáng tác, nhất là những tác gia có trong chương trình, sách giáo khoa các bậc học. Các em thường có động tác hồn nhiên là quay vòng, xúm lại quanh nhà văn để xin chữ kí đề tặng sách và chụp ảnh. Lần đó tôi được chứng kiến những nụ cười hân hoan trên gương mặt các nhà văn lớn tuổi như Tô Hoài, Kim Lân.
Trải dài trong suốt gần 40 năm giao lưu, cảm nhận của tôi với nhà văn Kim Lân lả nhất quán. Đó là một con người rất dễ gần, giàu cảm tình thân thiện và sẵn sàng chia sẻ nỗi lòng chân thành nhất.
II/ CON NGƯỜI TÌNH NGHĨA, THUỶ CHUNG
Sinh thời Kim Lân dạy con theo nề nếp con nhà gia giáo. Có nét nào đó trong lối giáo dục mới mà đậm chất đạo lý truyền thống.
Bảy người con đều thành đạt, trong đó có năm người đều là hoạ sĩ. Hai người có tên tuổi trong giới hội hoạ là Nguyễn Thị Hiền và Thành Chương. Nói theo một cách, thì đó là tiếp thu được cái gien của bố. Nói cụ thể, chính xác, khoa học là tiếp nhận sự hướng dẫn, hướng nghiệp đầy hứng thú từ người cha, nhà văn - nghệ sĩ Kim Lân. Năng khiếu là ngọn lửa nhỏ được nhem nhóm lên để thành tài năng. Cũng chắc rằng phong cách sống hào hoa, thanh lịch của người cha như hoàn cảnh đẹp đã khơi gọi, kích thích, nuôi dưỡng cho tài năng thẩm mĩ của các con trong gia đình. Những bông hoa đẹp ngoài đời sẽ nở ra những bông hoa thẩm mĩ trong nghệ thuật của các con ông. Sở thích hội hoạ của ông đã được các con tiếp nối, phát huy trong niềm đam mê mới.
Một lời giăng giối linh thiêng của ông với các con là khi ông mất phải thương yêu “ quần túm” với nhau. Chính vì vậy mọi bất hoà của anh em sau này đều được giải quyết êm thấm theo di nguyện của ông ,nhất là nhờ sự bao dung của người chị lớn.
Tính ông bình dị, không ưa nơi cao sang “biệt phủ” thì giờ đây ông ở lại một không gian ấm áp với đầy đủ kỉ vật nơi nhà lưu niệm ở Hà Thành cũng như ở quê nhà Phù Lưu.
Tình nghĩa vợ chồng nhà văn thật thuỷ chung đằm thắm. Suốt đời hai người rất mực chiều chuộng nhau. Tuổi già đi dạo ngoài đường phố, hai người nắm tay nhau hồn nhiên và thiên hạ nhận biết ngay đó là vợ chồng nhà văn lão thành.
Nguyễn Tiến Dũng, con trai út còn kể: ông dặn dò con phải tiếp tay nhiệm vụ chăm lo hương khói, giỗ chạp cho bà hai của ông nội: “ Sau này khi bố chết (…) phải làm giỗ cho Đẻ”. Đó là cách gọi của nhà văn với bà hai của cha mình vì bà không có con nên rất cưng cậu bé Kim Lân coi như con đẻ.
Vừa qua, thành phố Bắc Ninh đã có con phố mang biển đề Kim Lân. Đó là con phố nằm trong cụm khu phố Tản Đà, Nam Cao… Rất thuận tình, hợp lí vì đó là nhóm nhà văn tên tuổi cùng khuynh hướng sáng tác một thời từ trước Cách mạng.
Điều đó còn rất hiện thực bởi sau này họ còn đi theo cách mạng, kháng chiến. Và đặc biệt là vẫn gắn bó thân thiết với nhau.
Sinh thời, Kim Lân thân nhất với Tô Hoài và Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng.
Với Tô Hoài, hai người kết giao keo sơn với nhau trước hết vì nhân thân. Họ cùng xuất thân làng quê và gần như một đời gắn bó với hồn quê Việt Nam. Thời xưa, họ kết bạn văn chương với nhau qua hoạt động viết lách từ các trang báo chí cùng thời. Rồi, cùng tham gia Văn hoá Cứu quốc, cùng đi theo cách mạng , họ đều là các tác gia tiêu biểu của văn xuôi từ thời kháng chiến chống Pháp. Cả hai đều có xuất phát điểm học hành, tức trình dộ văn hoá ban đầu như nhau. Với vốn chữ nghĩa ít ỏi, Tô Hoài cũng như Kim Lân đi nhặt chữ của cuộc đời từ hàng sọt, hàng bồ đến mức có cả một kho tàng. Gần gũi nhau cơ bản về phong cách sống, và cả công việc viết lách. Có một so sánh của nhà trường rất hay. Đó là nét đặc sắc của Tô Hoài và Kim Lân trong việc thể hiện số phận và vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ qua Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt, cũng như tấm lòng nhân đạo của hai nhà văn.
Trong Hồi ký Cát bụi chân ai thường có hình ảnh các bạn văn thân thiết của Tô Hoài, trong đó có Kim Lân. Như chuyện Kim Lân cùng Nguyễn Tuân về quê Tô Hoài ở Nghĩa Đô, Hoặc Kim Lân kể chuyện hồi ở chợ Chu thời chỉnh huấn, Ngô Tất Tố vừa khóc vừa phân bua nỗi lòng : “ Làm người thật khó lắm”.
Kim Lân gắn bó Tô Hoài ở Hà Nội không hẳn vì hai người ở gần nhà nhau: ngõ Đoàn Nhữ Hài và xóm Hạ Hồi , thả bộ chừng 15’ đến 20’. Cái chính là gần nhau vì hợp tình, hợp cảnh và cả hợp “ gu”, tức khẩu vị đời và văn, nhất là văn. Chẳng hạn như cảm và viết về những người phụ nữ như qua hai tác phẩm nêu trên . Hoặc đi sâu tìm hồn quê trong các phong tục giàu chất văn hoá.
Kim Lân thân thiết với Nguyễn Tuân cũng cả một đời. Có vẻ như hai phong cách trái ngược nhau nhưng cái gắn kết có lẽ là nét tài hoa. Tài hoa trong thưởng ngoạn thiên nhiên và tài hoa trong diễn xuất kịch nghệ, phim ảnh. Cho dù là tài hoa Nguyễn Tuân có vẻ đài các, kiêu kì, Kim Lân ngược lại có nét bình dị dân dã nhưng không kém tế nhị, phong nhã. Họ đặc biệt gặp nhau trong thú chơi hoa. Và, từng tặng hoa cũng như cổ vật cho nhau.Khi Nguyễn Tuân ốm nằm viện , Kim Lân mang tặng loại hoa mà nhà văn từng viết Tuỳ bút hoa ưa thích.Bệnh nhân đang ngủ, người nhà định đánh thức, Kim Lân gạt đi nói đại ý :khi tỉnh dậy thấy hoa, ông sẽ biết người tặng hoa là ai.
Ngày Nguyễn Tuân mất Kim Lân có cảm giác hoa các nơi như dồn tụ cả về Hà Nội để tiễn biệt nhà văn yêu hoa. Và Kim Lân đã chọn vòng hoa tang ưng ý nhất để tiễn biệt nhà văn vừa là bè bạn vừa là đàn anh khả kính.
Con gái Kim Lân, hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền từng kể chuyện về hai “tâm hồn hoa” và “mối tình hoa” giữa Kim Lân và Nguyễn Tuân: “Hồi bé tôi được coi là người đưa thư lãng mạn của thầy tôi. Mỗi lần cây nở được bông hoa đẹp là thầy tôi lại hái một cành bảo mang sang tặng “người bạn vàng” của mình là nhà văn Nguyễn Tuân” Và câu chuyện khác nữa. Một lần Kim Lân sai con gái mang tặng người yêu hoa Nguyễn Tuân một cành đào có dáng rất đẹp: “Lúc nhận cành hoa từ tay tôi, nhà văn Nguyễn Tuân lặng người rồi nói: “Con biết vì sao thầy con chăm hoa rất đẹp không?”. Thấy tôi chần chừ, bác Tuân nói tiếp: “Là vì thầy con yêu hoa nên nó mới nở đẹp thế này”. Sự tích giò phong lan tặng Nguyễn Tuân ở bệnh viện vào năm 1987 chính là món quà cuối cùng của một người bạn tri kỉ đã đạp xe khắp Hà Nội để lùng sục cho được hoa trái muà. Mấy ngày sau, nhà văn Nguyễn Tuân từ giã cõi trần hẳn còn mang theo niềm cảm động vì tình cảm đó.
Sẵn sàng thương cảm, sẻ chia với bè bạn cũng là một đức tính nổi bật của Kim Lân. Có lần vào Nam thăm con gái, nhà văn xin con ít tiền và nhờ mua mấy bộ quần áo. Con định mời ông đi hiệu để tiện mua sắm thì ông nói thật là mua về tặng một bạn nghèo túng thiếu. Hồi ở nhà phố Trần Hưng Đạo rộng rãi, Kim Lân mời Nguyễn Huy Tưởng dến ở cùng khi chỗ ở của bạn chưa ổn định.
Ăn ở với bè bạn, nhất là với cánh nhà văn từ trước 1945 là có tình nghĩa thân thiết cả một đời: chia ngọt sẽ bùi, đồng cam cộng khổ trong bất cứ hoàn cảnh kháng chiến hay hoà bình.
Chung thuỷ với bạn bè, nhất là với người bạn đời. Sống gắn bó với nhau, khi mất mát, lẻ bóng lại càng thương nhớ nhau. Con gái nhà văn kể lại: “Sau ngày mẹ mất, thầy tôi ngày nào cũng cắm hoa cúc vàng, loài hoa cả hai người đều thích. Đêm đến, lúc các con ngủ, cụ lại thắp đèn dầu rồi nhìn ảnh vợ, kể cho mẹ tôi nghe những chuyện trong ngày, những chuyện của kí ức”.
III/ CON NGƯỜI BÌNH DỊ, KIÊN NGHỊ, TÀI HOA
Sinh thời, Nguyên Hồng đã nói với bạn văn những lời “phán” như “truyền thần” cốt cách của Kim Lân: Nhà văn một lòng đi về với “đất” và “người”, với “thuần hậu nguyên thuỷ”.
Nói như vậy là nêu lên nét thuần phác và nhân hậu như đức tính căn cốt của Kim Lân. Và cũng là nói tới cái hồn quê tinh hoa của con người xuất thân từ đồng ruộng vốn là đất thi thư Kinh Bắc. Nhưng cần nói thêm ở Kim lân ta có hình ảnh một người nông dân đời mới-người nông dân hiện đại- với những tính cách mới biến hoá theo cách mạng.
“Văn là người” bao giờ cũng vậy.
Ông Hai trong Làng yêu quê hương xóm làng tha thiết nhưng cũng yêu nước mãnh liệt. Từ người nông dân của mái ấm gia đình, ông đã thành người công dân hoạt động cho xã hội, cho phong trào của cộng đồng ngay từ thời trước Cách mạng.
Qua truyện ta thấy bóng dáng của chính tác giả. Kim Lân tham gia Hội Văn hoá cứu quốc từ trước 1945. Kháng chiến chống Pháp ông đưa gia đình tản cư, quần tụ với nhóm văn nghệ sĩ để sống và viết trong gian khó, vất vả và hiểm nguy.
Vợ nhặt có yếu tố tự truyện. Nên vợ nên chồng với người phụ nữ cũng xuất thân nghèo khổ nên vợ chồng nhà văn cảm thông, yêu thương nhau sâu sắc thiết tha trọn đời. Tinh thần lạc quan yêu đời, giàu khát vọng của những người cùng khổ trong truyện cũng chính là ánh sáng tâm hồn của người viết. Hình ảnh “lá cờ đỏ sao vàng” trong đầu óc Tràng chính là sức vẫy gọi mãnh liệt một dời của Kim Lân.
Là người trung thực, thẳng thắn Kim Lân viết hết sức chân thật. Thời kì mới cầm bút, nhà văn viết những sự thật mắt thấy tai nghe từ cuộc sống bản thân và cộng đồng xóm làng gần gũi. Có nét gì đó như bản năng thật hồn nhiên, tự nhiên. Sau này, nhà văn tự bạch là có “bịa” nhưng thật ra đó là sự tưởng tượng, hư cấu trên cơ sở hiện thực. “Gọi là bịa chứ kì thực chính là sáng tạo”, Kim Lân quan niệm chính xác như vậy.
Nhà văn phê phán những người sống và viết hời hợt giả tạo, nhất là sau này, thời cơ chế thị trường viết “vì tiền” không vì lương tâm chân chính.
Xuất thân gia cảnh nghèo khó tuổi trẻ Kim Lân đã phải lao vào cuộc sống để mưu sinh vất vả với nhiều nghề tạp như sơn guốc, phụ việc trang trí, thiết kế khắc tranh bình phong…
Ý tưởng viết là một suy nghĩ còn hồn nhiên do tìm giải khoát cho cuộc sống bức bách để được bằng người. Cũng để vượt lên mặc cảm dễ bị khinh thường của thiên hạ. Một tâm sự mà nhiều bạn văn đều biết: “Tôi ở trong gia đình bị khinh rẻ, ngoài xã hội cũng bị coi thường vì tôi là con vợ ba, một người ngụ cư. Chính vì muốn đòi cho mình sự công bằng với bè bạn, với làng xóm tôi chọn cách viết. Đây là cách để chứng tỏ mình không thua gì anh em, không thua gì ai. Các anh còn làm việc này việc kia, được học hành đến nơi đến chốn, còn tôi thì tôi viết”.
Vậy là, chàng thanh niên xông vào nơi “trường văn, trận bút”, nơi có thể danh giá đấy nếu có tài nhưng thực chất là “Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). Thế là tự học quyết liệt ở đời, ở sách, ở bạn văn.
Từ khi lập nghiệp bằng con đường lập ngôn như vậy, Kim Lân đã chứng tỏ con người kiên cường, nghị lực. Ý chí ấy đã giúp ông trở thành một trong số nhà văn hiện thực được dư luân văn đàn xác nhận từ thời trước 1945.
Cầm bút trong đời viết, Kim Lân thể hiện đức cần mẫn nghề nghiệp. Viết giản dị nhưng sâu sắc, chăm lo cho sự trong sáng của văn chương. Đó cũng là cách thức “cày chữ” của một lão nông và đồng thời là sự chăm sóc chu đáo, tỉ mẩn của một người làm vườn trồng hoa, chăm hoa.
Vốn tiếp thu được cái gien gia truyền và bén duyên với công việc lao động có tính mĩ thuật như kể trên, Kim Lân còn có một tố chất nghệ sĩ.
Phong thái tài hoa được phát huy cả trong đời sống cũng như văn chương. Đó cũng là sự tiếp nhận tự nhiên của nét hào hoa, phong nhã quê hương từ những phong tục, tập quán đẹp như chơi chim, chơi gà trọi, đánh vật hay chơi pháo của vùng chợ Dầu, Phù Lưu. Những truyện đầu đời là tái hiện sinh hoạt văn hoá ở thôn quê: Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn…
M.Gorki từng nói: “Dấu hiệu của một tài năng còn ở chỗ anh ta biết dừng lại đúng lúc”. Có lẽ nghĩ vậy nên Kim Lân viết ít và dừng bút khá sớm, mặc dầu tác phẩm của ông đều có nét giá trị đặc sắc. Văn là tuân thủ phương châm “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Tất nhiên, viết nhiều mà hay vẫn tốt. Hiện tượng viết ít cũng là điều áy náy như nỗi buồn sâu xa của nhà văn. Bù lại ông thể hiện tài năng một phần sang kịch nghệ, điện ảnh. Và những đóng góp tích cực liên tục qua các hoạt động trong nghề như biên tập, xuất bản ở Hôi Nhà văn nhiều năm.
Kim Lân đã được dư luân văn đàn tôn vinh với nhiều mệnh danh: Cây viết độc táo và xuất sắc về nông thôn; Nhà văn tài danh của làng quê; Ẩn sĩ của làng; Nhà văn tài hoa mang hồn quê Việt…
Tất cả thật đẹp đẽ, chính xác với cốt cách tâm hồn một nhà văn được hâm mộ và còn để lại di sản tinh thần quý giá cho con người.
Tôi có một mong muốn giản dị là nếu có dịp về nội thành Hà Nội sẽ dành ít ngày đi thắp hương tưởng niệm những bậc tài danh có quen biết, từng giao lưu một thời. Dó là nhà lưu niệm Tố Hữu ở khu Dịch Vọng ; ngôi nhà ngõ Trần Hưng Đạo của Nguyễn Tuân mà tôi từng đến thắp hương cho ông ngày kị ; căn phòng nhà văn lão thành ở khu tập thể Nghĩa Đô nay là hiệu sách Dế Mèn của gia đình Tô Hoài. Và thêm nữa, nhà lưu niệm Kim Lân mới ở số 35 ngõ 424 Trần Khát Chân. Nếu có thời giờ sẽ đến cả nhà lưu niệm ở Phù Lưu quê ông.
Thắp hương để tưởng nhớ ông-một bậc tài danh bình dị của đất Kinh Bắc xưa và cũng rất mực tài hoa của đất Hà Thành ngày nay. Đoan chắc thế nào cũng có chiếc điếu cày “cổ kính” thường nhật, viên ngói cũ như kỷ vật thiêng liêng của ngôi nhà nát ở quê có đục lỗ, từng buộc dây treo lên tường nhà ở Hạ Hồi … Sẽ thấy được “hồn đất”, “hồn quê” và phần nào cả “hồn người” thuở nào…
Tuy nhiên, tuổi cao sức yếu, đi lại khó khăn, chưa biết khi nào thực hiện được. Giờ đây, theo truyền thống, mượn bút thay lời, thắp nén tâm nhang gửi tới hương hồn nhà văn đã đạt tuổi thọ trăm năm.

CHÚ THÍCH
*PGS,TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[ 1 ] Kim Lân ( 2017 ) Tuyển tập Kim Lân , Nxb Văn học.
[ 2 ] Nguyễn Huy Thắng ( 2011) Kim Lân - Ẩn sĩ của làng , Nxb Kim Đồng

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020