Những năm từ 1979 đến 1982, khi đang học Trường viết văn Nguyễn Du khóa I, Nguyễn Khắc Trường từng nung nấu tạo dựng một tiểu thuyết về chiến trường Quảng Trị, nơi anh từng chiến đấu, đến mức đã khởi thảo rồi, sau lại bỏ đấy. Không ít lần Nguyễn Khắc Trường đã tâm sự với bạn văn rằng, trong chúng ta có đến tám, chín mươi phần trăm là gốc rễ nông dân. Đó là anh nói về đặc tính người Việt ta, và cũng hé lộ suy ngẫm của mình về đời sống, về thân phận con người, về cả văn chương nữa.
Những năm từ 1979 đến 1982, khi đang học Trường viết văn Nguyễn Du khóa I, Nguyễn Khắc Trường từng nung nấu tạo dựng một tiểu thuyết về chiến trường Quảng Trị, nơi anh từng chiến đấu, đến mức đã khởi thảo rồi, sau lại bỏ đấy. Không ít lần Nguyễn Khắc Trường đã tâm sự với bạn văn rằng, trong chúng ta có đến tám, chín mươi phần trăm là gốc rễ nông dân. Đó là anh nói về đặc tính người Việt ta, và cũng hé lộ suy ngẫm của mình về đời sống, về thân phận con người, về cả văn chương nữa. Vào những năm đó, cuộc sống người Việt Nam thực sự túng đói, cực nhọc. Những người yêu cuộc đời, hay ngẫm nghĩ về đời sống, trong đó có nhiều nhà văn, đã luôn ưu tư, và có một số dễ chán nản. Nguyễn Khắc Trường là một trong không nhiều nhà văn hay ngẫm ngợi, ưu tư, nhưng không buồn nản, mà ngược lại, rất muốn viết về cái cuộc đời đó. Năm 1986, anh viết thiên bút ký Gặp anh hùng Núp, dược dư luận khá tán thưởng. Qua thiên bút ký đó, Nguyễn Khắc Trường đã tỏ rõ một năng lực sáng tạo dồi dào hơn trước. Bằng ngôn ngữ văn chương, anh tạo dựng một cách sinh động, từ không gian núi rừng, hoàn cảng sống của đồng bào An Khê, Gia Rai, cho đến không gian văn hóa và tập tính của con người vùng quê này thực sự cuốn hút người đọc… Tuy nhiên, tác phẩm quan trọng của đời văn Nguyễn Khắc Trường còn nằm ở chặng đường phía trước.
*
Nguyễn Khắc Trường sinh năm 1946 tại quê hương Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Năm 15 tuổi anh đã có truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn học do nhà thơ Nông Quốc Chấn làm Tổng biên tập. Vừa lớn lên, như hầu hết thanh niên thời đó, Nguyễn Khắc Trường vào bộ đội. Sống đời quân ngũ, anh đi rất nhiều nơi để làm báo, viết văn. Những nơi anh qua, đều là các làng quê, xóm mạc, nó luôn gợi nhớ về quê nhà với những lúa và tre, cánh đồng và dòng sông, những con người hai sương một nắng. Nhớ về những đời người nơi làng quê, biết bao buồn vui, sướng khổ. Qua những năm tháng chiến tranh, đồng quê, làng xóm càng nghèo hơn. Ngay trong cuộc sống hòa bình, nông thôn thật buồn tẻ, xơ xác. Sau lũy tre, bờ cây là cảnh sống tù đọng, cũ kỹ như ngày xưa… Đã tích tụ trong Nguyễn Khắc Trường một thực tế như vậy. Đối với nhà văn, theo thời gian, thực tế đời sống xã hội thấm vào tâm can, trí não một cách tự nhiên, khách quan, và khi khát khao sáng tác trỗi dậy trong lòng thì nó chính là nguồn lực tạo nên phẩm chất văn chương của nhà văn đó. Ngay cả ở thành phố lớn như Hà Nội, nơi Nguyễn Khác Trương làm việc, cũng bộc lộ nhiều điều không giống như người ta mong ước trước kia. Bản chất của việc mưu sinh là rất cực nhọc. Đời sống tinh thần như vập vào những bế tắc, những mộng ước đẹp có nguy cơ bị vùi dập trước những tha hóa vốn ẩn nấp đâu đó thời chiến tranh, nay bộc lộ tràn lan một cách tự nhiên. Ở nông thôn cũng vậy, những tệ lậu lưu cữu từ rất lâu, nay phơi ra lồ lộ. Thực tế đời sống tích tụ lâu trong lòng cùng với việc nhìn thấy những diễn tiến đời sống xã hội trước mắt, khiến trong con người nhà văn được nhen bùng lên cơn khát khao sáng tác. Dòng đời đã đưa Nguyễn Khắc Trường đến chỗ thấy bức thiết phải viết về nông thôn, về nông dân. Và thực tâm anh muốn viết một thứ văn chương khác trước, một tác phẩm gần với những giá trị nhân bản. Đó là năm 1988, anh ngừng phiên trực biên tập ở cơ quan Tạp chí Văn nghệ quân đội, nhận làm phóng viên để đi thực tế một đợt liên tục ba tháng tại các tỉnh Bắc Thái, Thanh Hóa, Hải Dương. Nguyễn Khắc Trường ở Thanh Hóa lâu hơn cả, vì vùng đất này có nhiều điều cuốn hút anh. Lang thang qua nhiều làng ở Triệu Sơn, Thọ Xuân, Nga Sơn, ba huyện đang có những vụ việc gây xôn xao dư luận cả về mặt làm ăn khấm khá, cả những bê bối, trì trệ. Trong anh trỗi lên rất mạnh khát khao muốn viết tiểu thuyết, như anh thổ lộ với chúng tôi là viết trung thực, viết hết sức và viết với nghệ thuật đích thực. Qua đó, truy tìm tận gốc rễ sự xuống cấp, sự tha hóa đạo đức ở nông thôn. Anh muốn, bằng những hiện tượng cuộc sống có thực như tham ô, cửa quyền, hống hách, tệ chè chén của một số người có chức có quyền mà báo chí gọi là tầng lớp cường hào mới… để tạo dựng một tác phẩm văn học có ý nghĩa nhân văn. Và rồi, Nguyễn Khắc Trường đã sáng tạo được thiên tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma. Mở đầu tác phẩm ngót bốn trăm trang in này là câu: “Không dè cái đói giáp hạt này lại đủ móng vuốt nhảy xổ cả vào cái xóm Giếng Chùa, xóm vẫn quen đứng đầu về cái sang cái giàu toàn xã”. Cuối tác phẩm có ghi: “Những ngày giáp hạt năm 1988”. Vậy là, thực hiện cuộc đi thực tế năm 1988, Nguyễn Khắc Trường cũng đã viết xong thiên tiểu thuyết vào những ngày giáp hạt năm đó. Những sự kiện, các mẫu nhân vật, cốt truyện cho tiểu thuyết, anh tìm thấy ở nông thôn Thanh Hóa. Tình hình đời sống nông dân tỉnh này cũng gợi lên những vấn đề xã hội và tư tưởng của tác phẩm. Còn những địa danh, lời ăn tiếng nói của các nhân vật cùng lề thói, tập tục sống ở cái xóm Giếng Chùa, có thể nói, đó là cả một không gian văn hóa làng xã trong thiên tiểu thuyết, Nguyễn Khắc Trường lấy từ vùng quê anh. Nhà văn đã thành công trong sự tổng hòa tất cả, những sự đời chất chứa trong lòng và những ấn tượng sâu xa từ thực tế đời sống xã hội dội mạnh vào trực giác, tạo dựng nên một làng quê xứ Bắc nửa sau thế kỷ XX. Có thể mạnh dạn nhận định rằng, xóm Giếng Chùa của Nguyễn Khắc Trường là làng quê Việt Nam điển hình, nơi có thật nhiều tình yêu, nỗi khổ nhục, biết bao cuộc mưu sinh cực nhọc và những cái chết… Mảnh đất lắm người nhiều ma tác động mạnh vào tâm can, trí não người đọc, nhất là người đọc quan tâm đến nông thôn và nông dân. Mà ở Việt Nam ta, vào thời điểm những năm tám mươi của thế kỷ XX, có đến hơn tám mươi phần trăm dân số là nông dân hoặc có gốc gác từ nông thôn!
*
Năm 1990, Mảnh đất lắm người nhiều ma được xuất bản và nhanhh chóng trở thành một hiện tượng văn học. Tác phẩm Mảnh đất lắm người nhiều ma chính là văn chương hiện thực đúng với cái phẩm chất tả thực của nó. Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, hầu hết các nhân vật chính đã sống với nhau từ hơn bốn mươi năm nay. Đó là lão Quềnh, thời kháng chiến chống Pháp đã vào du kích, để thêm một tay đào hầm, vì Quềnh khỏe như một con tê tê dũi đất. Nay Quềnh là một người làm thuê. Nhân vật Vũ Đình Đại, hiện được dân Giếng Chùa gọi là Cụ Cố, có các con là Sang, Phúc, Lộc, Tài nhưng cụ hay gọi nhà mình là “đại vô phúc”. Bởi, hồi cải cách ruộng đất, Phúc suốt ngày bám đội trưởng đội cải cách, kiên quyết đánh đổ tên địa chủ Vũ Đình Đại. Trong kháng chiến chống Pháp, Vũ Đình Phúc tham gia du kích để chứng tỏ mình không bị giai cấp địa chủ nhuộm đen. Phúc rất biết nắm bắt cơ hội để kiếm danh, lợi. Đến trước ngày trận đói nhảy xổ vào xóm Giếng Chùa, Vũ Đình Phúc làm Chủ nhiệm hợp tác xã, có chân trong Đảng ủy. Sau khi Phúc mất chức, Bí thư Đảng ủy khóa mới là Trịnh Bá Thủ, con của Trịnh Bá Hoành, em của Trịnh Bá Hàm. Dòng họ Trịnh Bá thờ thần Hổ, bắt nguồn từ câu chuyện ma quái truyền tụng trong dòng họ này. Xưa kia, Trịnh Bá Hoành đã từng bán cả ruộng vườn để dốc vào cuộc tranh giành cái chức Lý trưởng với Vũ Đình Đại, bị khánh kiệt, mãi mới vượng lại được. Năm 1949, nhân có việc dân xóm chạy đi tránh trận càn của giặc Pháp, du kích Phúc đã chọc thủng hai mắt ông Hổ trên bức tranh thờ giữa từ đường nhà họ Trịnh Bá. Chừng mười năm sau, khi hấp hối, ông Trịnh Bá Hoành truyền lại mối thù đối với họ Vũ Đình cho các con là Hàm và Thủ. Thù đánh độc địa vào thủy tổ gia tộc, cộng thêm tình thù của Trịnh Bá Hàm đối với Vũ Đình Phúc nữa, là thù huyết lệ. Bởi, cô Son, người phụ nữ đẹp nổi tiếng cả vùng, sau khi trao gửi hết cho Phúc mới thành vợ của Hàm. Hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình đua tranh, thù hận suốt nửa thế kỷ, theo thời gian ngày càng thâm sâu hơn. Đời nào hai họ này cũng là hai thế lực có vai vế nhất, nhì xóm Giếng Chùa. Đến thời nay, có khi Đảng ủy như là của họ Vũ Đình, có lúc Đảng ủy về tay họ Trịnh Bá, nó chi phối đời sống của làng quê này thật ghê gớm. Nó chi phối cả hoạt động trên đồng ruộng, các việc ở trại chăn nuôi, chi phối được những tính đếm, lo liệu của những con người trong các mái nhà lụm cụm và đang đói; nó còn chi phối cả bãi tha ma chôn người chết đến mức người ta u mê, độc địa đi đào mả nhà nhau lên… Cái xóm Giếng Chùa đứng đầu toàn xã về cái giàu, cái sang mà như vậy đấy. Đàn ông, đàn bà, người già, người còn trẻ khỏe, Chi ủy, Chủ tịch, Chủ nhiệm bị cuốn vào cái vòng vô minh, mê muội. Thiên tiểu thuyết có cái tên Mảnh đất lắm người nhiều ma, quả là hợp. Nhà văn sáng tạo nên một nhân vật, là đàn ông mà có tên là Cô thống Biệu, làm nghề thầy cúng. Có lúc Cô thống Biệu nhìn dân làng đi nhận ruộng mà: Chả thấy người đâu, toàn ma! Càng nhìn càng thấy đúng là những ụ mối, những bao bì dựng ngược, cái cao cái thấp lô nhô đầy nhà! Những com ma ác từ đấy mà chui ra. Và rồi, Cô thống Biệu phải bỏ nghề vì Cô chỉ trị được ma âm, đâu có phép trị ma dương. Làng Giếng Chùa mùa đói kém năm 1988 xảy ra nhiều chuuyện quá, nhiều hạng người, nhiều loại nhân vật bị cuốn cuộn vào các sự kiện dồn dập. Hoạt động sống trong Mảnh đất lắm người nhiều ma nhiều sắc thái, nhiều cảnh huống, nên hết sức cuốn hút người đọc. Và hơn hết, đây là một tác phẩm văn chương rất sống động. Quả thực, có lúc chúng tôi đã nghĩ, xóm Giếng Chùa của Nguyễn Khắc Trường, nó đặc biệt như làng Hoàng Xá của Ngô Tất Tố hoặc làng Vũ Đại của Nam Cao xưa kia!
*
Đã có thời gian dài, người ta cứ tưởng đời sống xã hội ở các làng quê miền Bắc được thay đổi cơ bản, tiến bộ và văn minh rồi. Thực tế không như vậy, đến cuối những năm tám mươi của thế kỷ XX nhiều người đã biết vậy. Nguyễn Khắc Trường biết rất rõ sự thực đó, và hơn những người khác, anh đã viết thẳng nó ra trong tác phẩm của mình. Anh bày lên trang giấy những sự đời ở xóm Giếng Chùa từ những năm 40 đến cuối thập kỷ 80, thế kỷ XX. Người đọc thấy rõ lề thói sống ở cái làng quê được nhà văn điển hình hóa, từ cung cách ứng xử với nhau đến những thèm muốn thường tình, những mưu mẹo hàng ngày và cả tội ác của các nhân vật hầu như vẫn vậy, nhiều thấp hèn, u mê và tàn tệ quá. Hơn thế, đời sau còn ghê gớm hơn đời trước, chuyện thời nay còn khốc hại hơn thời xưa. Đọc Mảnh đất lắm người nhiều ma, ta thấy giật mình, hóa ra ở cái xóm Giếng Chùa này vẫn còn nguyên một đời sống xã hội cũ. Với những phong trào thi đua xây dựng tập thể, xây dựng những điển hình tiên tiến suốt mấy chục năm trời nhằm đẩy lùi cái xã hội cũ đó đi, thì đến gần cuối thế kỷ XX nó vẫn còn sờ sờ ra đấy. Đây là một vấn đề lớn trong cuộc sống xã hội nước ta, và phải thật dũng cảm, rất có bản lĩnh, một nhà văn mới dám đặt ra trong tác phẩm văn chương. Tư tưởng xã hội của Mảnh đất lắm người nhiều ma có tầm mức như vậy, và chính cái phong thái văn chương tả thực sinh động, nhiều lúc tinh quái, trên hết là sức quan tâm sâu sắc đến những thân phận người đang đau khổ ở cái làng quê điển hình Giếng Chùa, đã khiến tác phẩm vượt khỏi ranh giới một tiểu thuyết phong tục. Nó là một hiện tượng văn chương tả thực trong đời sống đương đại. Bút lực Nguyễn Khắc Trường thật sự sung mãn. Anh rất hiểu phong tục ở làng quê, và mô tả cái làng quê, cái Đảng ủy, Chủ nhiệm cho đến những phận người nơi làng quê ấy bằng một vốn sống văn hóa phong tục thật phong phú.
*
Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, nhà văn tỏ rõ tài năng về khắc họa nhân vật. Các nhân vật chính đều được Nguyễn Khắc Trường tạo dựng công phu, có cá tính riêng và thân phận đặc biệt, đó là bà Son, là Vũ Đình Phúc, Trịnh Bá Hàm… Nhưng, thành công lớn nhất về nhân vật điển hình là lão Quềnh. Ngoái nhìn lại văn chương nước ta thời trước, thấy từ sau năm 1945, các nhà văn đã không tạo được nhân vật để đời nào như Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng hay Chí Phèo của Nam Cao, chị Dậu của Ngô Tất Tố… Cho đến khi Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khác Trường ra đời, văn chương Việt Nam hiện đại đã có được nhân vật Quềnh. Cùng với việc thiên tiểu thuyết được ấn bản rộng rãi, các nhân vật trong tác phẩm này lên truyền hình, điện ảnh, người đời đã ghi nhận một mẫu người không lẫn với ai được mà lại như đại diện cho rất nhiều kẻ bị bần cùng hóa, khổ sở, tội nghiệp, không xấu xa về nhân cách, nhưng cũng không đủ nhân cách. Đó là lão Quềnh. Chỉ riêng việc sáng tạo nên lão Quềnh, thiên tiểu thuyết về xóm Giếng Chùa của Nguyễn Khắc Trường đã có vị trí danh giá trong văn chương Việt Nam ta. Một số nhân vật nữa trong Mảnh đất lắm người nhiều ma có cá tính riêng, thân phận riêng. Từng phận người đó, sống bên nhau, muốn hay không muốn cũng ít nhiều chi phối, ảnh hưởng tới đời sống của nhau. Đến như những đám đánh chén của các ông ở Ủy ban nhân dân còn ảnh hưởng, chi phối đời sống của lão Quềnh cơ mà. Và, tất cả họ, kết thành bức tranh điển hình về cuộc sống của người dân quê xứ Bắc. Ẩn sâu trong phần người những dân quê đó, là phần ma. Có thể nói, ngoài phương pháp cấu trúc tiểu thuyết là lấy cuộc xung đột giữa hai thế lực chính trong xóm Giếng Chùa làm trung tâm xoáy lốc cuốn cuộn những sự việc khác, những nhân vật khác ùa theo; thì cái phần ma trong dân quê Giếng Chùa lại là một cấu trúc nữa mà Nguyễn Khắc Trường dùng để tạo dựng tác phẩm. Một không gian ma để các nhân vật sống quến quện lại với nhau. Ngay mở đầu tiểu thuyết, nhà văn kể về cái đói ngày giáp hạt, đã có hồi ức về Quềnh gặp ma, ăn ở với ma mấy chục năm trước. Tiếp nữa là cảnh đám ma cụ Cố, Quềnh về nhà, lại có chuyện ma ngay trong nhà lão. Người đàn bà thất cơ lơ vận cùng xác đứa con bốn tuổi tá túc trong nhà Quềnh, đêm ấy đã phát tác:… con mèo xù lông nhảy quăng mình qua đầu chõng… Tức thì một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra. Cái bọc chăn im lìm, tức là đứa bé bốn tuổi con người đàn bà đã chết từ lúc chập tối, bị luồng sóng điện từ mắt con mèo hoang dựng bật dậy! Cả người đàn bà và lão Quềnh cùng kêu “ối” rụng rời khi cái thi hài kia nhỏm hẳn lên, gạt cả cái vỏ chăn rơi xuống đất. Cái xác không hồn dở đứng dở ngồi ở một tư thế châng lâng, chới với trong một giây, rồi ngã đánh roàng xuống mặt chõng. Người đàn bà đổ xuống ngất xỉu. Lão Quềnh thì nằm vật ra không động cựa. Nguyến Khắc Trường có nhiều trang viết rất nhuần nhuyễn và có sức hấp dẫn lạ lùng về ma đom đóm, về sự tích bùa mê. Anh rất dụng công khi viết về tô tem dòng họ Trịnh Bá, là ông Hổ gác đó thời xưa xửa của gia tộc họ Trịnh. Còn lúc viết về chuyện con chim cuốc chết, ngọn bút của anh thật tinh, sâu và trữ tình: Những con chim cuốc bị người ta đáng bẫy mất bạn tình, buồn, nó không ăn uống, tìm một chỗ khuất rồi đứng kêu sà sã cho đến chết… Mà thật lạ, bao giờ nó cũng đứng ở một cành nhỏ để những móng chân quắp chặt vào cây. Khi hết hơi, chết, nó lộn đầu trở xuống, treo lủng lẳng. Mới hay giống sinh vật nào dám chết vì tình cũng chọn một tư thế hiên ngang đến rùng rợn. Chuyện ma mị, mồ mả là một bộ phận dặc biệt trong tổng thể các chuyện ở xóm Giếng Chùa. Nó như một ký ức kinh hãi và cuốn hút, và buồn, người Giếng Chùa không dứt ra được. Nhưng có lúc, chuyện mồ mả, ma mị là chuyện thực tại. Như chuyện lão Quềnh chết, phải chôn đến hai lần, khiến người đọc cảm thương ứa nước mắt. Và như chuyện thật gớm guốc, Trịnh Bá Hàm dẫn tay chân đi đào mộ cụ Cố họ Vũ. Trong đêm đen, ông ta cầm ba nén hương huơ lên một vòng đỏ, chân đứng hơi khuỳnh như xuống tấn, rồi đọc bài khấn bằng giọng điệu dân gian, lạy Thành hoàng, lạy tiên chỉ, lạy Quan Âm, lạy Bồ Tát. Văn viết gọn, đanh, mô tả sắc nét cả bọn người trong bóng đêm. Đặc tả Hàm tung ba nén hương lên mộ, cầm can rót rượu vào chén, vẩy liền ba chén xuống mộ, rồi dằn giọng như dao chém đá: Đào!... Đó là đỉnh điểm của lòng hận thù, khiến con người tàn bạo đến mất cả nhân tính. Trong những chuyện ở xóm Giếng Chùa có một số chuyện tình, nổi bật nhất là chuyện tình của bà Son. Thời tơ trẻ, trao hết ái tình cho cậu giáo Phúc, rồi suốt cả phần đời dằng dặc về sau, bà Son sống đầy u ẩn với phận là vợ phó mộc Hàm. Đoạn văn mô tả bà Son chung đụng với Trịnh Bá Hàm khá đặc sắc: Trong lúc ông Hàm lim dim nằm thở ậm è như vừa xong một công đoạn, thì bà Son mở cặp mắt thờ thẫn không nhìn ra ngoài mà soi ngược trở vào, thấy một cái gì cứ cạn dần, lịm tắt dần trong người mình… Nước mắt Son chảy ngoằn ngoèo trên má, trên cằm, khiến khuôn mặt đẹp mang hình một tấm gương vỡ. Cả câu chuyện tình của bà Son cũng nằm trong cái không gian ma nhà văn tạo dựng, nên có cái kết cục như ma đưa lối, quỷ vạch đường. Bà đã trầm mình chết ở chỗ dòng nước cong vai cày của suối Ông Bụt tiếp giáp với sông Cầu, nơi bà đã gặp gỡ Vũ Đình Phúc ngày xưa…
Có thể nói, tạo thêm được một không gian ma trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma, là một thành công độc đáo của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Thành công đó cho thấy thêm về chiều sâu văn hóa phong tục trong văn chương của anh. Bởi, trong kho tàng tri thức ít thành văn, các câu chuyện về ma, về thần Hổ, về cú kêu đêm, cú nhòm nhà bệnh, về việc mèo nhảy qua xác chết, việc dựng mồ đứng dậy… vốn luôn có đâu đó trong đời sống tinh thần của người Việt ta. Nó đi vào lòng người chủ yếu qua truyền khẩu của ông, bà, cha, mẹ, qua những bài văn tế lễ của những thầy cúng vô danh, và nó có sức ám ảnh thật lạ lùng. Trong văn học thành văn của người Việt ta, từ xưa xa đã có những tác gia lỗi lạc, như Lý Tế Xuyên (thời Trần), Lê Thánh Tông (thế kỷ XV), Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI), Vũ Trinh (cuối thế kỷ XVIII)… đã tạo nên một dòng văn chương truyền kỳ đẹp đẽ lạ thường và có sức cuốn hút thần dị. Giai đoạn đầu của nền văn chương Việt Nam hiện đại cũng có một số nhà văn viết chuyện ma mị, chuyện mồ mả, in thành sách. Ở đây, Mảnh đất lắm người nhiều ma đích thực là tác phẩm văn chương nghệ thuật, nhà văn đã sử dụng yếu tố ma mị, mồ mả với hiệu quả rất thuyết phục. Để làm được điều đó, Nguyễn Khắc Trường đã hiểu sâu sắc rằng, những gì trong kho tàng văn học truyền kỳ, vả cả qua chuyện kể ít thành văn, dù đậm nét hay nhạt nhòa, nó vẫn luôn ám ảnh người ta, vẫn bám riết lấy đời sống con người từ thế hệ này tới thế hệ khác, đó chính là văn hóa. Là thứ văn hóa đặc biệt do tiền nhân đã tạo nên, và anh là nhà văn đầu tiên trong nền văn chương Việt Nam đương đại tiếp nhận nó một cách nhuần nhuyễn, thành văn hóa của riêng anh trong sáng tác văn chương.
Với tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Khắc Trường đã tạo dựng nên một tập thể các nhân vật sống với nhau trong cái xóm Giếng Chùa. Nhà văn trình bày trước người đọc những sự đời trong cái xóm đó, chỉ ra cho người đọc hiểu rằng, theo quy luật về sự tiến bộ của con người, những nhân vật ấy và cả cái đời sống xã hội ở xóm ấy sẽ phải sống tiếp như thế nào. Và, phần cuối thiên tiểu thuyết, người đọc nhận biết, bước tiếp theo là một cuộc đổi mới, chia dất chia ruộng lại cho người dân. Vậy là, Nguyễn Khắc Trường khao khát viết một tiểu thuyết trung thực, viết hết lòng, hết sức, để truy tìm tận gốc rễ sự xuống cấp, sự tha hóa ở nông thôn, và anh đã thực hiện được ước muốn đó. Qua những phận người ở Giếng Chùa, người đọc hiểu, khi con người bị bần cùng hóa về vật chất, bị nô dịch hóa về tinh thần, họ sẽ phải chịu biết bao khổ nhục, sẽ trở nên tàn ác với nhau, và sức sống ở làng quê họ ngày càng kiệt quệ. Cũng cần khách quan để hiểu rằng, đổi mới, giao lại ruộng đất cho dân chỉ là bước đầu tiên trên con đường dằng dặc để khiến cho cái xã hội cũ lùi xa hẳn đi. Thể hiện một nội dung tư tưởng với tầm mức như vậy trong một thiên tiểu thuyết, là việc chỉ một tài năng văn chương mới làm nổi. Nguyễn khắc Trường đã tỏ rõ anh là một tài năng thực sự. Ngoài những phẩm chất mà chúng tôi đã nêu ở các phần trên, anh còn có một phẩm chất nổi trội nữa, là đã lao động nghệ thuật công phu, kỹ lưỡng. Chúng tôi mạnh dạn nhận định rằng, văn chương Việt Nam hiện đại chưa có nhiều tác phẩm viết chọn lọc nghiêm cẩn từ chi tiết sống đến chắt lọc, gọt giũa kỹ lưỡng về ngôn ngữ, như Mảnh đất lắm người nhiều ma. Trong gần bốn trăm trang in hầu như không có chi tiết thừa hay chi tiết gượng gạo, cũng không có đoạn văn nào xuông nhạt. Nguyễn Khắc Trường đã lao động thực sự trên từng câu văn. Văn anh có nhựa sống, có xúc cảm, và đặc biệt giàu văn hóa phong tục. Chúng tôi cũng mạnh dạn gọi nó là văn mạch Nguyễn Khắc Trường. Bởi, chúng tôi hay nghĩ tới câu nói của nhà thơ lớn của nước Pháp và thế giới, Louis Aragon: “Mỗi tác phẩm có được cái văn mạch của nó, đó là toàn bộ nền văn học của thời đại mình và di sản văn chương của dân tộc mình”. Và Louis Aragon còn nói thêm rằng, đó là nguồn sinh khí để cho tác phẩm của nhà văn được thở.
Mảnh đất lắm người nhiều ma là một sáng tạo đạt đến độ chu toàn của Nguyễn Khắc Trường. Chúng tôi rất hiểu, kể từ khi bắt đầu vào nghiệp văn, gần ba mươi năm trời anh đã luôn quan tâm đến nông thôn và nông dân rồi mới viết Mảnh đất lắm người nhiều ma. Đó thực sự là một cuộc mang nặng đẻ đau. Và chúng tôi cho rằng, tác phẩm này có thể thở được, bởi thế, nó còn sống lâu dài trong đời sống văn chương Việt Nam!
Nguồn Văn nghệ số 44/2019
Theo: vanvn.net