Văn học Việt Nam hiện đại

NGUYỄN BÍNH - HOÀI NIỆM CỘI NGUỒN


12-10-2020
Tác giả: TS. Chu Văn Sơn

Tôi vẫn tin Nguyễn Bính là đứa con được sinh ra từ cuộc dan díu định mệnh giữa giọt mưa quê và hạt bụi phố khi trời đất dậy lên những cơn gió chuyển thời. Cũng vẫn tin lộ trình của ông là khởi từ bến đò tận tít nẻo làng xưa để rồi lạc chân vào cái “sòng đời” đô thị. Đến lúc “thua nhẵn cả thơ ngây”, thì ông bước từng bước vào Thơ mới. Sau cùng, ông mới nhập hẳn vào hồn ta. Nhưng đâu chỉ thế. Nguyễn Bính vốn thầm sống đâu đó ở trong ta cả ngàn ngàn năm rồi. Gặp thời Thơ mới, ông bèn tách ra, bước lên thi đàn, làm mưa làm gió. Xong xuôi, tan mình vào thứ tiếng Việt thuần nôm, ông lại trở về trú ngụ đời đời trong hồn quê của mỗi chúng ta. Vâng, phải cả hai phía ấy nhập lại khít khao, mới vẹn tròn một Nguyễn Bính.

    

Tôi vẫn tin Nguyễn Bính là đứa con được sinh ra từ cuộc dan díu định mệnh giữa giọt mưa quê và hạt bụi phố khi trời đất dậy lên những cơn gió chuyển thời. Cũng vẫn tin lộ trình của ông là khởi từ bến đò tận tít nẻo làng xưa để rồi lạc chân vào cái “sòng đời” đô thị. Đến lúc “thua nhẵn cả thơ ngây”, thì ông bước từng bước vào Thơ mới. Sau cùng, ông mới nhập hẳn vào hồn ta. Nhưng đâu chỉ thế. Nguyễn Bính vốn thầm sống đâu đó ở trong ta cả ngàn ngàn năm rồi. Gặp thời Thơ mới, ông bèn  tách ra, bước lên thi đàn, làm mưa làm gió. Xong xuôi, tan mình vào thứ tiếng Việt thuần nôm, ông lại trở về trú ngụ đời đời trong hồn quê của mỗi chúng ta. Vâng, phải cả hai phía ấy nhập lại khít khao, mới vẹn tròn một Nguyễn Bính.

*

Nhưng, Nguyễn Bính đâu chỉ là hiện tượng của riêng thơ Việt.

Bởi ý thức trữ tình Nguyễn Bính vốn thuộc về một nguồn mạch sâu xa trong tâm thức con người: ý thức cội nguồn. Nó là ý thức toàn nhân loại. Đúng vậy, như cây có cội, sông có nguồn, con người sống trên thế gian này, đến trọn kiếp phù sinh, lúc nào chẳng chập chờn nguồn cội. Chân bước trong hiện tại mà lòng thường tưởng nhớ xa xưa. Thì chập chờn, trằn trọc suốt một đời thơ Nguyễn Bính, chẳng phải là niềm cố hương, là nỗi tha hương của hoài niệm cội nguồn sao ?

Nỗi niềm này đã khiến thế giới thơ ông tự phân thành hai miền không gian rõ rệt : quê mình và quê người. Quê mình là chốn hương thôn bình lặng thanh sạch, quê người là thị thành bụi bặm phồn hoa. Và thi sĩ như kẻ lạc bước, tiến thoái lưỡng nan giữa hai miền không gian ấy. Không rời quê, thì thèm gió bốn phương. Rời quê thì lập tức thấy mình thành “kiếp con chim lìa đàn”. Nên, chưa vui bước giang hồ đã nặng buồn xa xứ. Vừa chạm chân vào phố phường đã ngấm sầu đô thị, chưa kịp xây sự nghiệp công danh, đã mặc cảm lỗi đạo với quê nhà, để rồi luôn dằn vặt bản thân, chì chiết chính mình. Càng xa quê chỉ càng khắc khoải nhớ quê. Và, nhớ quê là hoài niệm cội nguồn, là nhớ thương tiếc xót tất cả những gì làm nên mình, một thân phận, một danh phận, một sinh linh.

Chẳng vậy sao ?

Hoài niệm cội nguồn, Nguyễn Bính thành tiếng lòng da diết nhất về những giá trị Việt nghìn đời đang có nguy cơ bật gốc khỏi một đời sống vốn bị cuộc biến thiên dữ dội làm bao nền nếp xưa lung lay đến tận cội rễ. Ấy là thời khoa cử vàng son với giấc mơ quan trạng vinh hoa đã tan thành dĩ vãng. Ấy là vườn cam mái gianh bình yên bị phụ bạc, hàng cau giàn giầu chung tình bị bỏ rơi, gió ngõ trăng thôn thanh đạm bị ngoảnh mặt. Ấy là những yếm lụa sồi, dây lưng đũi, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, quần nái đen chân quê bị những khăn nhung, quần lĩnh, khuy bấm tân thời phế truất. Ấy là những thề nguyền đá vàng bị bội ước, chữ “hiếu”, chữ “nghĩa” sâu bền thời trước bị phôi pha trước sự thôi thúc vị kỷ của chữ “tình” thời nay… Chẳng phải chúng chính là những mất mát rụng rơi, mà càng tiếc xót, càng không thể nào níu giữ đó sao ?

Hoài niệm cội nguồn, Nguyễn Bính thành tiếng lòng thổn thức nhất về bi kịch lỡ dở của phận người trên đồng đất ngàn đời này. Ấy là niềm thổn thức của những anh lái đò, chàng nho sinh, cô lái đò, cô hái mơ, cô chăn tằm, dệt cửi, rũ lụa… ở những thôn Đoài thôn Đông. Họ là những mảnh đời lỡ dở. Đã qua đến “Mười hai bến nước”, “Nghìn cửa sổ” mà vẫn cứ “đường dài thân ngưạ lẻ”, vẫn cứ “sông cái chiếc đò nan”. Kẻ thì “dang dở đời mưa gió” người thì “lỡ bước sang ngang”. Không công danh dở dang, cũng duyên phận lỡ làng. Ngay cái tôi Nguyễn Bính cũng đầy long đong lỡ dở “Ai bảo mắc vào duyên bút mực / Suốt đời mang lấy số long đong”. Và tình duyên của cái tôi ấy tưởng êm đềm với nếp quê, thế mà cũng toàn dang dở lỡ làng: “Bính em một tấm lòng vàng / Đầu xanh chịu mấy lần tang ái tình…   Chẳng phải đó là tấn bi kịch ngấm ngầm, vẫn khuất sau những luỹ tre, chìm trong mỗi lối ngõ, giấu sau từng tấm liếp của phận người đó sao ?

Hoài niệm cội nguồn, Nguyễn Bính cũng thành tiếng lòng não nuột vào bậc nhất của giấc mộng vượt thoát khỏi ao đời quẩn quanh tù đọng trong phận người chốn quê nhàm tẻ: mộng giang hồ. Trong đó, những hăm hở, thi vị của “Con tàu bạn hữu chuyến xe nhân tình” chưa thành niềm hân hoan, thì những hoang mang, ngao ngán  “Lẽo đẽo đi trong gió bụi đời”, “Giang hồ sót lại mình tôi / Quê người đắng khói quê người cay men” đã khiến bao chuyến hành hiệp kia thành hoang đàng. Và sau khi giấc mộng kiêu bạc đó còn chưa tan, cái tôi ấy chỉ còn thấy thân phong trần xa xứ cứ “bơ vơ như lũ tàn quân lìa thành”, chỉ còn biết “quê người đứng ngóng mây lưu lạc”. Đồng thời, rời quê cũng là sa chân lỡ bước: “Từ em lưu lạc ngoài muôn dặm / Mỗi đoạn đường đi một đoạn trường”. Hối lại, quay về, thì tất cả đà lỡ dở, niềm ao ước hồi hương có thành sự thực, thì lại vá víu cực lòng bởi lấn bấn hoàn hương: “Trăng đầy ngõ, gió đầy thôn / Anh về quê cũ có buồn không anh ?”… Chẳng phải đó là tiếng lòng buồn của những khát vọng sống thật phong ba mà rốt cuộc lại thành con gió quẩn đó sao ?

Tan mình thành mọi tiếng lòng như thế, Nguyễn Bính chính là hoài niệm cội nguồn trong mỗi chúng ta. Vâng, chừng nào ta còn chồn chân trong chốn chợ đời, chừng ấy Nguyễn Bính còn đeo bám mỗi bước phù du của ta. Chừng nào ta còn thao thức nỗi quê, chừng ấy Nguyễn Bính còn chong chong đến mòn cả canh khuya cùng ta. Chừng nào ta còn dằn vặt vì đã bạc lòng với quê nghèo, bạc bẽo với đấng sinh thành bởi trót mê lạc chốn phồn hoa, chừng ấy Nguyễn Bính còn trăn trở trong ta. Do đó, không chỉ của thời ấy, không chỉ của xứ này, nỗi hoài niệm cội nguồn mang tên Nguyễn Bính đã thuộc về phận người trong cuộc sống nhân gian rồi.

*

Hoài niệm cội nguồn tất phải cất lên bằng hình thức nghệ thuật của cội nguồn. Hình thức ấy là gì nếu không phải là thể thơ dân tộc và ngôn ngữ dân gian. Cũng rất thành công ở những thể khác, nhưng nói đến Nguyễn Bính là nói đến lục bát. Nguyễn Bính quả là đứa con cưng của lục bát tiếng Việt. Lục bát đã ban lộc hậu cho Nguyễn Bính và Nguyễn Bính cũng đáp đền cho lục bát thật nhiều. Không rõ lục bát đã trao bí mật của mình cho Nguyễn Bính ra sao mà thi sĩ có thể sở hữu toàn phần, sai khiến toàn năng được lục bát như vậy ? Chỉ biết rằng Nguyễn Bính đã làm chủ được những đắp đổi nghịch lý của một thể thơ vốn lấy ít làm nhiều, lấy lỏng làm chặt, lấy thưa làm mau, lấy đơn làm phức… trong một tiết điệu co duỗi thật nhịp nhàng của nó. Và, thi sỹ đã ký thác được vào đó điệu hồn quê để nó thành lục bát điệu nói, hay nhờ phối theo điệu nói mà lục bát Nguyễn Bính đã chở được hồn quê ? Thật khó phân biệt. Chỉ biết rằng, khi ta cất lên bất cứ câu nào : “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông / Một người chín nhớ mười mong một người”, hay “Hoa chanh nở giữa vườn chanh / Thầy u mình với chúng mình chân quê”, đặc biệt là “Anh đi đó, anh về đâu ? / Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm” là ta thấy hiện ngay ra dấu vân tay rành rành của Nguyễn Bính.

Và, theo cách ấy, thứ tiếng Việt thuần quê, thuần nôm cũng đã có được nơi bảo lưu yên lành, ấy là thơ Nguyễn Bính. Như một ngôi nhà Việt xưa, thơ Nguyễn Bính được xây cất bằng thứ vật liệu tiếng Việt chưa pha tạp, chưa lai ghép. Từ ngôn từ đến cú pháp, từ cách kiến tạo đến cách biểu đạt, hết thảy đều óng chuốt như tre trúc, trong vắt như nước giếng khơi, mượt mà như tơ lụa. Chỉ cần điểm đôi câu: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay / Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”, “Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh / Thế nào anh ấy chẳng sang xem”, “Mưa bụi nên em không ướt áo / Thôn Đoài cách có một thôi đê”, “Xóm giềng đã đỏ đèn đâu / Chờ em chừng giập miếng giầu em sang”, “Em nghe họ nói mong manh / Hình như họ biết chúng mình… với nhau” … là thấy ngay: phải là thứ tiếng Việt ấy mới có thể tạo nên điệu hồn quê cho thơ ấy. Vậy là, tiếng Việt đã mở kho báu của mình cấp vốn cho Nguyễn Bính và Nguyễn Bính cũng đã khéo chi dùng mà làm giàu, làng trong cho tiếng Việt chân quê.

        *

Là một trong những đỉnh cao nhất của phong trào Thơ mới, Nguyễn Bính cũng là gương mặt kinh điển của một mẫu nhà thơ có ở mọi nền thơ : nhà thơ chân quê. Mỗi xứ sở khi thời thế biến thiên là lại sinh ra Nguyễn Bính của mình. Người thơ nào cố níu giữ những giá trị ngàn đời đang có nguy cơ mai một trước sự vần xoay, người ấy là Nguyễn Bính. Người thơ nào gắng lưu giữ hồn xưa xứ sở trước sự xoá bỏ lạnh lùng của hiện đại, bằng chính những hình thức nghệ thuật và ngôn ngữ quê kiểng nhất của xứ mình, người ấy là Nguyễn Bính. Và, bao trùm hơn, người thơ nào luôn đau đáu một niềm hoài niệm cội nguồn, khi số phận đã khiến con người bật khỏi gốc quê, người ấy chính là Nguyễn Bính.

Bởi thế, Nguyễn Bính sẽ còn tái sinh không ngừng trong lớp lớp thế hệ thơ của mọi nền thơ.

Vân Sơn Garden, cuối thu 2018

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020