Văn học Việt Nam hiện đại

NGUYỄN QUANG SÁNG – CÂY ĐẠI THỤ VĂN HỌC NAM BỘ HIỆN ĐẠI


12-10-2020

Sau hơn sáu mươi năm càm bút Nguyễn Quang Sáng đã vĩnh biệt chúng ta vào ngày 13/2/2014. Nguyễn Quang Sáng là một gương mặt nhà văn hiện đại Việt Nam rất sáng giá, được vinh danh là một “cây đại thụ văn học Nam Bộ” (Điếu văn lễ tang tại thành phố Hồ Chí Minh).

Đoàn Trọng Huy (*)

Sau hơn sáu mươi năm càm bút Nguyễn Quang Sáng đã vĩnh biệt chúng ta vào ngày 13/2/2014.

Nguyễn Quang Sáng là một gương mặt nhà văn hiện đại Việt Nam rất sáng giá, được vinh danh là một “cây đại thụ văn học Nam Bộ” (Điếu văn lễ tang tại thành phố Hồ Chí Minh).

ôôô

NGUYỄN QUANG SÁNG – MỘT CUỘC ĐỜI SÔI NỔI  VÀ HẾT MÌNH VÌ SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG

Nguyễn Quang Sáng sinh ngày 12/1/1932 tại làng Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nơi đầu nguồn của con sông Mekong chảy vào Nam Bộ.

Miền quê hương cũng là một vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử, văn hoá tốt đẹp, là cái nôi sinh thành của nhiều danh nhân lịch sử, văn hoá, văn nghệ sĩ nổi tiếng trong cả nước.

Xuất thân trong một gia đình giàu tinh thần yêu nước, cậu bé đã sớm hiểu biết những vấn đề quốc gia đại sự.

Năm 14 tuổi, với ý chí căm thù giặc sâu sắc, anh đã tham gia bộ đội, làm liên lạc viên cho Vệ quốc đoàn tỉnh Long Châu Tiền. Sau này, Nguyễn Quang Sáng đã trả lời phỏng vấn: “Tháng 4.1946, tôi gia nhập bộ đội, làm liên lạc. Bây giờ nghĩ lại, phải nói rằng, tôi đi bộ đội không phải vì ham vui mà đi, đã tự giải phóng mình ra khỏi cái không khí u ám của xã hội lúc bấy giờ, với ý thức đánh Tây cứu nước, đi với một quả tim nồng nàn”.

Và thế là, theo như nhà văn kể lại cánh quân Liên chi D2K của anh hành quân từ Long Châu Sa (Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc), băng sông Tiền, qua sông Hậu, về U Minh. Đơn vị từng trấn giữ chiến trường Bảy Núi – tức Thất Sơn, mở nhiều chiến dịch.

Vậy là, tuổi ấu thơ của nhà văn được rèn luyện trong máu lửa của chiến tranh – đã tạo nên cốt cách kiên cường của một cán bộ – chiến sĩ, và nhà văn tương lai.

Năm 1948, Nguyễn Quang Sáng được cử đi học thêm về văn hoá tại trường Trung học Nguyễn Văn Tổ với ý nghĩa để chuẩn bị cán bộ cho kháng chiến lâu dài .Sau kết nạp Đảng, từ 1950 – 1952, anh được cử về làm cán bộ Phòng Chính trị Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ.

Tuổi mười tám đôi mươi chính là thời kỳ Nguyễn Quang Sáng thực sự trưởng thành  về con người chính trị. Anh nghiên cứu lịch sử nhất là lịch sử tôn giáo của vùng đất Nam Bộ.Vùng quê hương chính là một phần của lịch sử. Cậu bé ngày nào lớn lên lần đầu tiên kinh ngạc nhìn thấy lá cờ đỏ búa liềm bay phấp phới giữa lưng trời trên sông – ngọn cờ khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1040. Rồi Phật giáo Hoà Hảo phát sinh ngay trong gia đình, họ tộc, thôn xóm.

Thực tiễn lịch sử quê hương và kháng chiến các vùng miền của cuộc đời bộ đội khắp các chiến trường miền Tây đã tạo nên vốn sống phong phú và quý giá cho đời viết tương lai của nhà văn trẻ Nguyễn Quang Sáng.

Năm 1954, tập kết ra Bắc, những kỷ niệm một thời sôi nổi tràn đầy trong tâm hồn. Nguyễn Quang Sáng bắt đầu cầm bút để giới thiệu con người quê hương và cuộc kháng chiến ở miền Nam. Truyện ngắn Người quê hương, và các tiểu thuyết Nhật ký người ở lại, Đất lửa  ra đời.

Năm 1966, cao trào đánh Mỹ cứu nước được phát động. Nguyễn Quang Sáng đã vượt dãy Trường Sơn trở lại chiến trường Đồng Tháp Mười.

Dấn thân vào cuộc chiến đấu mới, nhà văn bắt gặp một thế hệ trẻ với một tầm vóc mới – kiên cường và hết sức lạc quan. Nổi bật là những cô gái giao liên, dân công, cán bộ địa phương... đang làm nên nghiệp lớn trong thời đại mới.

Theo tự thuật, nhà văn qua Đồng Tháp Mười hết các mùa nước. Mùa khô năm 1967 trở về R. Mùa xuân năm 1968 lại theo bộ đội hành quân với tư cách phóng viên, theo đường dân công tải đạn trên những con đường mở trận về chiến trường Sài Gòn. Nhà văn đã đến những làng ven thành phố, dưới tầm bay của trực thăng, tầm pháo ở hang ổ cuối cùng của quân giặc.

Nguyễn Quang Sáng cũng từng tận mắt nhìn thấy và đứng trong làn khói bom đạn trên đường phố, và chứng kiến những hoạt động chiến đấu của những con người dũng cảm – các chiến sĩ biệt động thành. Những tư liệu chiến tranh trực tiếp sẽ là vốn sống để tạo nên các tác phẩm về chiến trận (Bông cẩm thạch, Chị Nhung).

Bị yếu sức, Nguyễn Quang Sáng trở lại miền Bắc năm 1972. Và, từ đây là một sự nghiệp viết mới như rút ruột từ những sự kiện đời sống lăn lộn một chặng đường máu lửa ác liệt. Tác phẩm văn học, giờ đây, như thực sự đơm hoa, kết trái.

Có thành tựu sáng tác nổi bật, Nguyễn Quang Sáng từng được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn các khoá II và khoá III. Từ sau ngày thống nhất đất nước, nhà văn về công tác tại Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký – tức Chủ tịch Hội  suốt 3 khoá từ 1981 – 1995.

Lao động nghệ thuật miệt mài, đi thực tế thường xuyên, viết văn nhiều thể loại, kể cả khối lượng phong phú kịch bản phim điện ảnh, Nguyễn Quang Sáng nêu một tấm gương sáng về dấn thân và tận hiến cho sự nghiệp chung – sự nghiệp cách mạng, kháng chiến và sự nghiệp văn học mới. Vào tuổi tám mươi, Nguyễn Quang Sáng vẫn viết và còn ôm ấp bao dự định. Vẫn còn khắc khoải về quê hương miền Tây vùng sông nước mà nhà văn đã có dịp đi gần một năm – tới nhiều vùng sâu, vùng xa, từng ăn ngủ, sinh hoạt cùng dân, lắng nghe tậm tư, nguyện vọng của người dân để nhận ra được bao điều mới lạ. Để rút ra một kết luận: “Một khi anh còn đi vào cuộc sống, còn lắng nghe những hơi thở của cuộc sống thực, thì anh vẫn còn có thể viết văn được”.

NGUYỄN QUANG SÁNG – BƯỚC ĐƯỜNG VĂN HỌC VÀ NHỮNG DẤU ẤN

Con đường đến với văn học của Nguyễn Quang Sáng ban đầu như một sự ngẫu nhiên, ngẫu hứng.

Công tác ở Phòng chính trị Bộ tư lệnh Phân khu, anh được phân công nghiên cứu về tôn giáo. Đất Nam Bộ do hoàn cảnh lịc sử đặc biệt đã nảy sinh nhiều loại hình tôn giáo với các giáo phái mang nhiều màu vẻ khác nhau, thậm chí có nét hỗn hợp, lai tạp: Hoà Hảo, Cao Đài… và nhiều thứ đạo khác.

Những dòng chữ đàu tiên của ngòi bút Ngyễn Quang Sáng là thuộc loại nghiên cứu, cụ thể là về Phật giáo Hoà Hảo.

Có một cơ duyên là sự bắt gặp một nhân vật đặc biệt. Cô Tư – một tín đồ Hoà Hảo yêu nước thấy đạo mình chia năm sẻ bảy đã từng lên núi ở ẩn tu hành. Sau đó , cô tình nguyện trở thành người vận động tuyên truyền đồng bào đoàn kết kháng chiến chống Pháp, cứu nước.Vậy là, từ chuyện cô Tư và chuyện quê hương cũng là làng theo đạo Hòa Hảo xảy ra nhiều bi kịch nội bộ, trong đầu óc Nguyễn Quang Sáng nảy sinh một cốt truyện tiểu thuyết mà nhân vạt chính là tín đồ Phật giáo Hoà Hảo. Trao đổi với các bạn văn, Sơn Nam khuyến khích viết. Chẳng ai chịu viết, thế là Nguyễn Quang Sáng đụng bút.

Không có năng khiếu văn bẩm sinh nhưng vì là đề tài tâm đắc nên Nguyễn Quang Sáng đặt quyết tâm viết.Viết liên miên, mải miết, càng viết càng say mê được tới 300 trang giấy. Cuộc phiêu lưu mạo hiểm chữ nghĩa đầu đời đem lại hứng thú văn chương cho nhà văn trẻ.

Tạo ra được bản thảo Đất lửa coi như thành công đầu tiên đầy ý nghĩa của bước đầu thử bút.

Từ năm 1954, tập kết ra miền Bắc, Nguyễn Quang Sáng bắt đầu chính thức bước vào con đường văn học.

Có ý thức rõ rệt về ngòi bút và sáng tác văn chương, Nguyễn Quang Sáng bắt đầu học tập và trau dồi nghề viết. Như người “đói sách”, anh đọc rất nhiều. Từ tác phẩm của các bậc thầy, đàn anh như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Tô Hoài,... Rồi đến các tác phẩm Người mẹ của Gorki, Thép đã tôi thế đấy của Ostrovski... Qua đó, tự liên hệ, thấy 300 trang viết của mình mới chỉ là tư liệu, chưa phải là văn.

Nguyễn Quang Sáng luyện tay nghề bằng việc viết ngắn. Truyện ngắn Con chim vàng được “trình làng” năm 19856 gây tiếng vang trong dư luận như một khuyến khích lớn. Phấn khởi, nhà văn viết thêm một loạt truyện ngắn, sau này được tập hợp trong tập Người quê hương (1958).

Vậy là, Nguyễn Quang Sáng đã đi được vào con đường đầy triển vọng, khơi được mạch cảm hứng sáng tạo như thế mạnh của bản thân.

Nhà văn trẻ Nguyễn Quang Sáng được Nguyễn Huy Tưởng đỡ đầu. Có một câu nói nhớ đời: “Đất Nam Bộ là đất tiểu thuyết” của ông thầy, mà sau đó Nguyễn Quang Sáng lấy đó làm tựa đề cho tham luận tại Đại hội Nhà văn lần II.

Trở về với cuốn tiểu thuyết để đời – Đất lửa, Nguyễn Quang Sáng hoàn thành và được khuyến khích đăng chương đầu trên tuần báo Văn nghệ. Do hoàn cảnh in ấn, mãi đến năm 1963, tác phẩm này mới được ra đời.

Loạt truyện ngắn và tác phẩm tiểu thuyết thành công này đã tạo dấu ấn đặc sắc cho một chặng đường văn học lớn đầu tiên trong đời viết của Nguyễn Quang Sáng.

Nguyễn Quang Sáng thực sự nổi bật từ khi trở lại chiến trường miền Nam vào những năm đánh Mỹ với những tác phẩm đậm mùi khói lửa của chiến đấu ác liệt như kết quả của một cuộc dấn thân đặc biệt. Đúng như ý nghĩ của nhà văn khi lên đường về Nam: “Phải viết những cái gì không đi chiến trường thì không thể tưởng tượng nổi”.

Những tác phẩm được sáng tác từ vốn sống trực tiếp do mắt thấy, tai nghe, tay làm sẽ tạo nên một thành công mới đặc sắc trên chặng đường tiếp theo. Đặc biệt là những cảnh tượng, những tình thế độc đáo, những cảm xúc mãnh liệt của người trong cuộc. Một loạt các tác phẩm đã ra đời là minh chứng cho điều này: Chiếc lược ngà (1968), Bông cẩm thạch (1969), Chiếc áo thằng hình rơm (1975),... Rồi tiếp tục: Mùa gió chướng (1975), Người con đi xa (1977),...

Từ sau ngày đất nước thống nhất, chuyển vào Nam sinh sống và công tác là bắt đầu một chặng đường mới với những thành tựu xuất sắc mới.

Tiếp tục là những tập truyện, tiểu thuyết thu hút được sự chú ý của công chúng, như Dòng sông thơ ấu (1985), Bàn thờ tổ một cô đào (1985), Tôi thích làm ma (1988), Con mèo Fujita (1991),...

Có một bước ngoặt trong đời sáng tác của Nguyễn Quang Sáng. Nhà văn đồng thời chuyển vào ngã rẽ sang điện ảnh, qua kịch bản phim. Đó cũng là một mối lương duyên mới có nhiều nguyên cớ. Đặc biệt là sự khuyến khích, chèo kéo của các đạo diễn nổi tiếng Mai Lộc, Hồng Sến,... và cậu con trai – nhà đạo diễn trẻ sớm nổi tiếng Nguyễn Quang Dũng.

Các kịch bản phim phần lớn được chuyển thể từ truyện, tiểu thuyết sang điện ảnh và truyền hình: Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Pho tượng, Mùa nước nổi, Dòng sông hát, Thời thơ ấu, Giữa dòng,... Một số kịch bản phim viết thẳng như Cánh đồng hoang, Tổ quốc tiếng gà trưa,... Số lượng rất đáng kể, khoảng 30 kịch bản. Dấu ấn đặc sắc này được đặc biệt khẳng định bởi Nguyễn Quang Sáng, cũng là Hội viên sáng lập Hội Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh.

Đến với nghệ thuật thứ bảy, Nguyễn Quang Sáng đã mang thêm tư cách nghệ sĩ, hoàn thiện chức năng văn nghệ sĩ trên mặt trận văn nghệ.

NGUYỄN QUANG SÁNG – NGƯỜI KỂ CHUYỆN QUÊ HƯƠNG NAM BỘ

Có nhận xét cho rằng Nguyễn Quang Sáng là người kể chuyện bẩm sinh. Điều đó là chính xác, bởi nhà văn là người biết nhiều chuyện, không chỉ hay chuyện, mà còn kể chuyện hay: ... “người kể chuyện mộc mạc và inh tế những chuyện mình và chuyện đời” (Trịnh Công Sơn).

Chỉ chuyên về văn xuôi, ngày càng luyện có tay nghề, Nguyễn Quang Sáng là người kể chuyện cho công chúng những câu chuyện đời sinh động, giản dị mà thâm thuý về đất và người một thời của quê hương với sắc thái rặt Nam Bộ.

Trước hết, nhà văn là người thắp sáng lên ngon lửa quê hương.

Trên khung nền của vùng Đất mới nổi bật quang cảnh miền quê Tây Nam. Đó là miền sông nước mênh mang, bát ngát với kênh rạch chằng chịt, đặc biệt mùa nước nổi với những cánh đồng bạt ngàn thẳng cánh cò bay xen kẽ với những cánh rừng thưa đầy tràm , đước, hoặc miệt vườn cây trái: xoài, mận, dừa sáp, mãng cầu, sầu riêng,... Đồng nước, sông lạch với nghề giăng câu được đặc sản những cá linh, cá thiểu, cá bông,...

Hình ảnh đặc trưng thiên nhiên thường hiện trên trang văn đặc tả. Nguyên Hồng được coi là nhà văn của nắng, Nguyễn Tuân là nhà văn của gió (Gió Lào, Gió Than Uyên,...). Đoàn Giỏi đặc tả đất rừng quê hương qua Đất rừng phương Nam, còn Nguyễn Quang Sáng có thể được mệnh danh là nhà văn của sông nước.

Nhà văn đã có hẳn một tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu. Rồi Mùa nước nổi, Dòng sông hát, Giữa dòng,... Bến nước, dòng sông, con kinh, mũi xuồng... đầy rẫy trên trang viết.

Dòng sông thơ ấu là dòng sông ký ức của đời, trôi chảy một đời. Đó là một truyền thống tâm lý, tâm sự và cả tâm linh nữa:

... “Rồi cho tôi dừng lại, nhìn xa xôi ra con sông.                                      

Như con sông chảy qua làng, có lúc mình quên mình ở bên con sông. Giây phút nào đó bị lãng quên, con sông vẫn trôi qua, vẫn con nước ròng, con nước lớn, và rồi không ai có thể quên khi nó nổi sóng theo cơn gió”.

Nỗi nhớ của con người, có lúc nó nằm gần, rồi xa đi,... lại dấy lên cuồn cuộn như sóng...

Nỗi nhớ như con sông vẫn chảy mãi trong đời người.

Ký ức, kỷ niệm hoà quyện tâm hồn với thiên nhiên, con người, và quê hương máu thịt. Nhất là khi con sông nổi sóng, đồng quê bão tố.

Quê hương đau thương và anh dũng, quê hương nổi gió quật khởi chính là lúc gợi lên cảm nhận tự hào về quê hương một cách mãnh liệt của những người con quê hương!

Thật xúc động, trong lời tiễn biệt tại lễ tang Nguyễn Quang Sáng có những vần thơ, những ý văn như minh chứng tình yêu thương của  con người quê hương đất nước

                                      Tổ quốc tiếng gà trưa còn đó

Cánh đồng hoang loang nước ngậm ngùi

Mùa gió chướng bây giờ ai che chắn

Giữa dòng vương một nét mây trôi

... Con chim vàng, con sếu đầu đỏ của Đồng Tháp Mười, của đồng bằng Nam Bộ mãi bay cao, bay xa ngàn dặm”

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn tôn vinh hết mực những Người quê hương kiên cường, quật khởi.

Trong lời tâm sự, ông kể: “Viết Đất lửa, viết Người quê hương, viết Nhật ký người ở lại, tôi gửi gắm cả vào những tác phẩm tấm lòng thương nhớ quê hương, gửi cả tấm lòng kính phục đối với đồng chí, bạn bè và nhân dân miền Nam đang sống và chiến đấu dưới chế độ của Mỹ - Nguỵ”. Sau này, ông vẫn đem theo tấm lòng chung thuỷ ấy trong cả đời viết.

Nhà văn kể khi đọc Bông hồng vàng của Pautovski, một hứng thú bật dậy. Bạn văn xa viết về nghề văn là nghề kim hoàn: Là con một người thợ bạc lâm vào sa sút, cậu bé dứt khoát vứt bỏ nghề gia truyền, và tự nhủ: “Mình đã có một thời đãi vàng, và bây giờ cũng đang đãi vàng – vàng của cuộc sống”.

Nhà văn đã gặp không biết bao cảnh đời, cuộc sống, rất nhiều số phận, nhân cách, và nhận ra những “mảnh vàng lấp lánh” trong đời. Đã đi qua hai cuộc kháng chiến oanh liệt bậc nhất của lịch sử dân tộc, nhà văn đã thấy rõ những hình ảnh, hình tượng đẹp đẽ của những con người làm nên lịch sử.

Đó là những con người bình thường mà phi thường, những con người giản dị nhưng mưu trí, dũng cảm đã làm nên bao kỳ công, kỳ tích. Từ em bé nghèo đi ở đợ, từng bị tù đày đã trở thành nữ đội trưởng pháo thủ. Từ anh nông dân bình dị, mộc mạc, ít học đã trở thành công nhân bậc 7 rồi Giám đốc xưởng, đã một mình chặn giặc và hy sinh oanh liệt.

Người phụ nữ Tháp Mười, chồng đi công tác xa, một mình phân tán cất 2 nhà, 2 hầm để chăm sóc cho 6 đứa con nhỏ. Từ chỗ chỉ ấp iu, quấn quýt đàn con suốt ngày, chị đã quyết định lãnh súng đạn đào công sự với ý nghĩ cháy bỏng: “Thời bây giờ đánh Mỹ, người mẹ muốn nuôi con cũng phải có súng”.

Nhà văn nghe kể chuyện, và chứng kiến bao sự kiện thực tế như huyền thoại về những con người mang tầm vóc dũng sĩ, anh hùng.

Không chỉ là chuyện cá nhân, chuyện nhóm người, chuyện đơn vị mà còn là chuyện của cả làng nước, của quần chúng nhân dân trong các trận đánh tay không lấy bốt, biểu tình chống bắt lính, gom dân của hàng trăm, hàng nghìn người trong phong trào Đồng khởi.

Tất cả đều đã được thể hiện bằng nhân vật – các hình tượng trên những trang văn.

Hầu như Nguyễn Quang Sáng là con người chỉ tận tuỵ trong kể chuyện về quê hương chiến đấu và những người con quê hương quật khởi trong cuộc giao tranh với kẻ thù. Những tác phẩm xuất sắc và tiêu biểu nhất đã lấp lánh ánh vàng mười của cuộc chiến tranh nhân dân độc đáo ở Việt Nam. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật của Nguyễn Quang Sáng gồm cụm các tác phẩm đặc sắc: Đất lửa (1963), Chiếc lược ngà (1968), Mùa gió chướng (1977), Cánh đồng hoang (kịch bản phim) (1988).

ôôô

Nguyễn Quang Sáng đã có một cuộc đời đẹp như một thiên đại tự sự.

Nhà văn đã có đóng góp xứng đáng bằng một văn nghiệp sáng giá cho văn học Nam Bộ nói riêng, và văn học hiện đại Việt Nam nói chung.

Nhiều tác phẩm đặc sắc đã đi vào lòng bạn đọc.

Riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Quang Sáng đã mấy lần được bầu là  “nhà văn được yêu thích trong năm”: 1990 của báo Tuổi trẻ, 1993 của báo Người Lao độngÔng đã từng nhận nhiều giải thưởng văn học giá trị, cao quý nhất là giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật, và Huy chương vàng của Liên hoan phim Quốc tế. Tuy nhiên, phần thưởng lớn lao và vĩnh cửu đã nằm trong tâm hồn của thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau.

 

CHÚ THÍCH

(*) PGS. TS Trường ĐHSP Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Trần Thanh Phương (2010), Nguyễn Quang Sáng với bạn bè, Tổng hợp, Saigonmedia.

[2] Nguyễn Quang Sáng (1996, 2000), Tuyển tập (I, II, III), Văn học.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020