I. Mở đầu
Bình Nguyên Lộc (1914 – 1987) là nhà văn tiêu biểu của văn học miền Nam. Ông đã để lại một văn nghiệp đồ sộ và có giá trị to lớn. Nguyễn Ngu Í trong “Sống và viết với…” (Nxb Ngèi Xanh, 1966) đã từng gọi ông là “tam kiệt” bên cạnh Hồ Biểu Chánh và Lê Văn Trương. Đặc điểm nổi bật xuyên suốt văn nghiệp của Bình Nguyên Lộc là bên cạnh những sáng tác đặc tuyển, tinh chọn, có tính định hướng thì ông cũng có không ít tác phẩm hướng tới đại chúng. Điều này đã làm nên một Bình Nguyên Lộc riêng biệt trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam trong những năm đất nước còn chia cắt hai miền. Bài viết tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng đến xu hướng sáng tác đại chúng hóa của Bình Nguyên Lộc, xác định những biểu hiện của của tính đại chúng và sự dung hợp giữa tính đại chúng và đặc tuyển trong sáng tác của ông, cụ thể là mảng truyện có yếu tố kinh dị.
II. Nội dung
1. Những nhân tố ảnh hưởng đến xu hướng sáng tác của Bình Nguyên Lộc
Bình Nguyên Lộc chủ trương dung hợp văn học đại chúng và văn học đặc tuyển, đây là xu hướng sáng tác chủ yếu của ông. Làm nên xu hướng sáng tác này phải kể đến cả những nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan.
Nhân tố khách quan ảnh hưởng đến xu hướng sáng tác của Bình Nguyên Lộc chính là môi trường đô thị Sài Gòn. Môi trường này khiến Bình Nguyên Lộc ý thức rõ rệt về tính đại chúng trong văn học. Thời gian sống ở Sài Gòn cũng chính là thời gian Bình Nguyên Lộc dấn thân vào con đường sáng tác chuyên nghiệp. Bối cảnh đô thị khiến tính hàng hóa của văn chương càng đậm nét. Trong khi miền Bắc phát triển theo mô hình chủ nghĩa xã hội của Liên Xô, Trung Quốc thì miền Nam lại phát triển theo mô hình tư bản chủ nghĩa phương Tây. Trong guồng quay của thị trường, báo chí và cả sách in muốn có số lượng tiêu thụ lớn thì cần phải thỏa mãn thị hiếu của độc giả đại chúng. Ngay từ những năm 1951, 1952, Bình Nguyên Lộc đã viết feuilleton trên các nhật báo. Ông đặc biệt viết nhiều vào khoảng 1965 – 1975. Hồ Trường An trong “Bình Nguyên Lộc – Tổng quan văn chương vùng đất Đồng Nai” viết: “Những truyện dài của Bình Nguyên Lộc hết 99% đều đăng theo thể thức từng kỳ (feuilleton) trước khi đăng thành sách. Khi xuất hiện từng kỳ trên báo, tác giả không tránh khỏi theo thói viết đối thoại cù nhây cù nhằng, tức là anh kéo dài lời ông qua và lời bà lại một cách thừa thãi và vô bổ.” [1]. Phần lớn những feuilleton của Bình Nguyên Lộc có cốt truyện thuộc loại phiêu lưu, trinh thám, kinh dị, dã sử, tình cảm… được ông kí dưới bút hiệu khác như Phong Ngạn, Trình Nguyên, …. Bởi những thể loại này thỏa mãn được tâm lí và thị hiếu của quần chúng, đặc biệt là độc giả bình dân. Phổ thông, đại chúng là đặc điểm nổi bật của truyện Bình Nguyên Lộc.
Bên cạnh nhân tố khách quan, quan điểm nghệ thuật của Bình Nguyên Lộc là nhân tố chủ quan ảnh hưởng đến xu hướng sáng tác của của ông. Bình Nguyên Lộc quan niệm, văn chương không phải thứ xa xỉ phẩm chỉ dành cho những bậc trí thức. Ông nói: “Một nhà báo tuyên bố: tôi không dám dùng lối diễn tả bằng văn nghệ nữa vì văn nghệ là một thứ đại xa xỉ phẩm rất khó tìm khách. Ông ấy nói đúng theo tình trạng ở… nước khác. Người Việt ta không hiểu vì nghiệp chướng nào mà bận bịu mãi với văn nghệ, từ anh trạo phu đến bác xích lô ai cũng ngâm thơ. Có phải chăng là nhờ những người hoạt động trong ngành văn nghệ đã tìm đủ cách để phổ thông hóa thứ đại xa xỉ phẩm ấy.” [2] Bình Nguyên Lộc chủ trương đại chúng hóa văn học. Ông muốn văn học đến gần hơn với tầng lớp lao động bình dân. Ông đã kế thừa truyền thống văn chương của các nhà văn Nam Kì tiên phong: Trương Vĩnh Kí, Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh,… khi đưa văn học từ chốn cung đình sang trọng về với chốn “sông chằm lau lách” bình dân.
Nhưng bên cạnh việc ý thức mỗi câu chuyện viết ra phải phù hợp với thị hiếu độc giả, Bình Nguyên Lộc còn ý thức về trách nhiệm của một nhà văn chân chính, điều này khiến văn chương ông không rời xa quỹ đạo văn học đặc tuyển. Ông nuông chiều thị hiếu quần chúng nhưng chạy theo thị hiếu không phải là tiêu chí độc tôn mà ông theo đuổi. Theo Bình Nguyên Lộc, văn chương phải hướng con người đến ý thức cội nguồn, đánh thức tình yêu quê hương, đất nước trong họ. Ông tin vào khả năng cảm hóa của văn chương, tin văn chương muôn đời là thế giới của cái đẹp, văn chương có khả năng thanh lọc tâm hồn con người. Trong bối cảnh xã hội Sài Gòn những năm 50, khi lối sống tư bản phương Tây có khả năng đe dọa những giá trị dân tộc truyền thống, quan niệm văn chương của Bình Nguyên Lộc càng đáng quý, bởi nó giúp bảo tồn những giá trị muôn đời của dân tộc. Không chỉ quan tâm đến nội dung, trong nhiều bài phỏng vấn, Bình Nguyên Lộc rất chú ý đến tính nghệ thuật trong tác phẩm văn chương. Ông hiểu sâu sắc trong nghệ thuật hiện đại, cách kể chứ không phải là nội dung được kể mới là thứ quan trọng nhất: “Một tác phẩm hay phải có đủ những đức tính này: nội dung câu chuyện và nghệ thuật. Câu chuyện lắm khi không cần mà người đọc vẫn không thấy chán nhờ nghệ thuật bù qua.” [3] Chính quan niệm văn học như trên đã khiến văn chương Bình Nguyên Lộc không mang tính giải trí thuần túy mà có sự kết tinh những nội dung nghiêm túc và những tìm tòi nghệ thuật đáng quý. Điều đó tạo nên phong cách Bình Nguyên Lộc. Ông đi giữa lằn ranh đặc tuyển và đại chúng, đứng vững trên lằn ranh mong manh ấy, chính điều đó đã làm nên sức hấp dẫn và giá trị các tác phẩm của ông.
Xu hướng dung hợp đại chúng – đặc tuyển, hướng tới đại chúng, được biểu hiện ở hầu hết tác phẩm của Bình Nguyên Lộc, từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, từ khảo cứu đến phê bình, tồn tại trong nhiều mảng đề tài, chủ đề, từ chủ đề cội nguồn, mở đất đến chủ đề đời sống đô thị, chiến tranh,…, nhưng được thể hiện tập trung nhất trong những tác phẩm có yếu tố kinh dị.
2. Dấu hiệu của văn học đại chúng trong truyện có yếu tố kinh dị của Bình Nguyên Lộc
2.1. Kinh dị như một yếu tố thể hiện rõ nhất xu hướng đại chúng
Kinh dị là những chấn động tâm lí hoặc tình cảm của con người vượt xa khỏi trạng thái sợ hãi thông thường. Kinh dị đem đến sự kích thích ở các mức độ khác nhau cho con người nhưng về bản chất, nó là phản ứng tâm lí mang tính bản năng của con người khi đối diện với cái chết.
Trong đời sống, thưởng thức kinh dị đã có từ thời cổ La Mã, khán giả đến xem cuộc tàn sát giữa các võ sĩ giác đấu, các cuộc hành hình phạm nhân thời trung cổ, đấu bò tót ở Tây Ban Nha… là một loại thưởng thức kinh dị. Trong văn học nghệ thuật, thưởng thức kinh dị cũng được con người tiếp nhận từ xưa đến nay. Khi thưởng thức yếu tố kinh dị trong văn học, con người không hề đối diện với sự kinh dị thực sự, mà chỉ thể nghiệm sự kinh dị trong một không gian hư cấu. Điều đó tạo nên tính an toàn cho người thưởng thức. Người đọc có thể hiểu rõ lịch trình của câu chuyện, vừa thỏa sức trong cuộc phiêu lưu thể nghiệm sự sợ hãi của người khác, vừa không phải lo âu về số phận của mình, lại vừa không bị kết án đạo đức. Tính gián cách ấy đã khiến việc đọc tác phẩm văn học kinh dị đã trở thành một loại khoái cảm thẩm mỹ.
Trong văn học, tác phẩm có yếu tố kinh dị được nhà văn sáng tạo để thỏa mãn tâm lí hiếu kì và nhu cầu giải trí của con người. Yếu tố kinh dị trong văn học có thể trở thành một loại thẩm mĩ, làm con người bị kích thích mạnh mẽ, nó trở thành phương thuốc giải phóng những bức bối, lo âu, nhàm chán trong cuộc sống hàng ngày. So với các loại hình nghệ thuật khác, tác phẩm văn học lấy ngôn từ làm chất liệu khó có thể có sức tác động mạnh mẽ ở nhiều góc độ như điện ảnh, cũng khó có thể mang tính trực quan rõ nét như mĩ thuật, âm nhạc, nhưng tính giản dị dễ hiểu của ngôn từ đã khiến văn học có sức hấp dẫn đặc biệt và trở thành loại hình nghệ thuật phổ biến, nguyên thủy cổ xưa nhất thể hiện cái kinh dị.
Nhìn chung, truyện kinh dị là những truyện kích thích cảm giác kinh dị nơi người đọc, tạo dựng những tình huống kinh dị, sự kiện kinh dị, ngôn ngữ, hình ảnh kinh dị, bí ẩn, đặc biệt, yếu tố kinh dị trong tác phẩm phải có tính chỉnh thể chứ không phải chỉ là một tình tiết cá biệt nào đó. Truyện kinh dị phát triển ở phương Tây, thường gắn với trinh thám, như những tác phẩm của Conan Doyle, Edgar Poe,…Ở phương Đông, tư tưởng Nho gia, văn dĩ tải đạo, nguyên tắc sáng tác trọng hiệu quả luân lí xã hội khiến cho tiểu thuyết kinh dị khó phát triển. Nhưng trong văn học phương Đông cũng có những ngôi sao đơn độc về tiểu thuyết kinh dị, như “Liêu trai chí dị”, tiểu thuyết quỷ thần đời Tùy Đường. Ở Việt Nam, truyện có yếu tố kinh dị xuất hiện sớm nhất trong “Việt điện u linh”, “Lĩnh Nam trích quái”, đến thời hiện đại, truyện kinh dị gắn với tên tuổi của Thế Lữ, Tchya Đái Đức Tuấn, Phạm Cao Củng,…Một thời gian dài, truyện kinh dị ở Việt Nam bị coi là văn học đại chúng, văn học ba xu, tiểu thuyết hạng hai. Trong sự nghiệp văn học đồ sộ của Bình Nguyên Lộc, truyện kinh dị cũng chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn, nhưng lại có sức hấp dẫn độc giả. Truyện kinh dị của ông không chỉ hợp khẩu vị độc giả đại chúng, mà qua đó còn truyền tải nhiều ý nghĩa sâu xa, thỏa mãn khẩu vị của lớp độc giả tinh anh.
Như trên đã nói, truyện kinh dị mang đến khoái cảm thẩm mĩ giúp người đọc thoát khỏi những bình thường, buồn tẻ của cuộc sống thường nhật, đưa người đọc vào những cuộc phiêu lưu, thể nghiệm những cảm giác mạnh, lí thú, vì thế, truyện kinh dị rất được độc giả đại chúng ưa chuộng. Bản thân việc viết truyện kinh dị đã là một biểu hiện của xu hướng đại chúng trong văn học. Bình Nguyên Lộc đã sáng tác nhiều truyện có yếu tố kinh dị, như: Bà mọi hú, Ma ném đá, Bóng ma trường áo tím, Tiếng thần rừng, ma rừng, ma mới, Mấy vụ quật mồ bí ẩn, Câu dầm, Quật mồ người đẹp, Con quỉ ban trưa, Bóng ma dĩ vãng, Cõi âm nơi quán cây dương,…Truyện của ông hấp dẫn đại chúng trên nhiều phương diện, từ việc tạo dựng tình huống gợi trí tò mò, cốt truyện đơn giản, dễ hiểu, không gian, thời gian thần bí đến ngôn ngữ giản dị, giàu phương ngữ
2.2. Tình huống gợi sự hiếu kì
Truyện có yếu tố kinh dị của Bình Nguyên Lộc hấp dẫn độc giả đại chúng trước hết ở việc nó tạo dựng được một loạt những tình huống gợi trí tò mò, kích thích hứng thú kiếm tìm, khám phá nơi người đọc.
“Cõi âm nơi quán cây dương” là tình huống về mối tình người – ma đầy bất ngờ, hấp dẫn. Tiểu thuyết được xây dựng xoay quanh hai tình huống gặp gỡ. Một là cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa nhà báo Kim và nhà văn Bình Nguyên Lộc gặp Nam, con một phú thương ở Sài Gòn, vì muốn tự lập mà làm bồi bàn ở quán cây dương kì lạ. Từ đây, mở ra tình huống thứ hai, khi Nam kể câu chuyện tình của mình với nàng Trường Lệ, mối tình người – ma khăng khít nhưng cũng không kém phần trắc trở. Trong truyện, nhà văn dẫn người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, khám phá bí ẩn này đến bí ẩn khác… “Cõi âm nơi quán cây dương” mang đậm phong vị liêu trai, hấp dẫn người đọc ngay từ những tình huống bất ngờ, hấp dẫn.
Chùm truyện “Tân liêu trai” bao gồm ba truyện “Ma rừng”, “Ma mới”, “Tiếng thần rừng” lại tạo dựng tình huống gợi tò mò theo cách khác. “Ma rừng” là truyện ngắn khá xuất sắc của Bình Nguyên Lộc. Truyện xây dựng tình huống mang màu sắc kì bí về đàn bò của tù trưởng ở Khum Keng Phao đất Lào là Kha Nhaynghi bị ma rừng của người An Nam làm hại. Bình Nguyên Lộc tạo dựng nên một loạt những chi tiết bất thường, gây tò mò cho người đọc, như: đàn bò cứ ở trên đất Lào, thậm chí hành quân qua đất Cao Miên thì vẫn còn béo mượt, nhưng cứ đến đất An Nam đều hóa thành bò già bò ốm. Người Lào cho rằng do ma rừng của người An Nam hại bò, nên mới ra nông nỗi ấy. Để giải quyết tình huống bò bị ma làm đó, tù trưởng Kha Nhay rơi vào tình thế quẫn bách, khiến thầy phù thủy Phya Latek cảm động giúp đỡ, đi cùng với họ trong chuyến buôn bò thứ ba trên đất An Nam sau hai lần thua lỗ liên tiếp. Nhưng kịch tính câu chuyện tăng lên bởi lần buôn bò này đã chuẩn bị kĩ lưỡng, đã làm phép ếm ma và vẽ bùa lên đầu bò nhưng vẫn chịu chung số phận với hai lần trước. Hành trình tìm kiếm nguyên nhân trên đất Nam Kỳ cũng đầy li kì, hấp dẫn. Nó gắn với câu chuyện của ông Cả Nghiệm, những thương vụ làm ăn buôn bán lớn và kì bí của ông. Và bức màn bí mật chỉ được hạ xuống khi tìm ra được “ma rừng” thực sự. Hóa ra, chẳng có ma rừng nào cả, chỉ là con người đang làm trò ma quỷ mà thôi.
“Tiếng thần rừng” là tình huống về một anh chồng ghen rủ nhân tình của vợ vào rừng, định giết bỏ nhưng mỗi lần định ra tay thì lại nghe âm thanh “ông trời có mắt” vang lên, âm thanh bí ẩn ấy khiến anh ta sợ hãi và quyết định không làm việc ác. “Mấy vụ quật mồ bí ẩn” là tình huống kì bí về 6 ngôi mộ ở nghĩa địa của làng nghèo Phú Thạnh bị quật lên một cách bí ẩn. “Ma ném đá” xoay quanh tình huống kì bí về nhà cô Hén bị ma ném đá vào tối ba mươi. “Bóng ma trường áo tím” lại xây dựng tình huống gợi tò mò về một đôi trai gái yêu nhau nhưng không đến được với nhau.
Có thể nói, Bình Nguyên Lộc luôn ý thức việc kích thích trí tò mò cho độc giả. Việc tạo dựng những tình huống gây tò mò, dẫn dắt độc giả hứng thú khám phá những bí ẩn của câu chuyện đã tạo nên sinh khí cho tác phẩm. Tâm lí đại chúng vốn ưa chuộng sự hấp dẫn, kì bí. Việc xây dựng tình huống truyện gợi tâm lí hiếu kì, tò mò của Bình Nguyên Lộc đã thỏa mãn nét tâm lí này nơi độc giả đại chúng.
2.3. Cốt truyện đơn giản
Giản dị, dễ hiểu luôn là yếu tố hàng đầu của văn học đại chúng. Đại chúng không phù hợp những gì quá phức tạp, khó hiểu, bởi sẽ gây cản trở cho quá trình tiếp nhận. Đó là lí do vì sao thời đương đại những tiểu thuyết ngôn tình lên ngôi, hay một thời gian dài trong thập niên 90, những tác phẩm điện ảnh “mì ăn liền” “làm mưa làm gió” thị trường. Với chủ trương hướng về đại chúng, phổ thông hóa văn học, những tác phẩm mang yếu tố kinh dị của Bình Nguyên Lộc cũng có cốt truyện đơn giản, dễ nắm bắt, kể cả khi cốt truyện được xây dựng mang màu sắc trinh thám thì cũng không có những tình tiết phá án cầu kì, suy đoán phức tạp, mà vẫn hết sức gần gũi, dễ hiểu. Chẳng hạn, “Ma rừng”, “Ma ném đá” hay “Mấy vụ quật mồ bí ẩn” đều được xây dựng theo mô hình cốt truyện phỏng trinh thám. Mô hình cốt truyện trinh thám thường là: vụ án - có thám tử phá án trên các manh mối khả nghi – nhiều đối tượng bị nghi ngờ nhưng thủ phạm lại là kẻ ít bị nghi ngờ nhất – án được phá bằng sự tài năng của thám tử. Tuy trong các truyện có yếu tố kinh dị, Bình Nguyên Lộc không xây dựng các vụ án, nhưng ông tạo ra những tình huống kì bí, từ đó dẫn người đọc vào hành trình giải mã sự kì bí này. Khi bức màn kì bí được hạ xuống cũng là lúc người đọc cảm thấy bất ngờ nhất.
Cốt truyện “Ma rừng” chia thành hai phần rõ rệt: phần một là bí ẩn quanh việc bò của tù trưởng Kha Nhay bị ma rừng đất An Nam làm gầy yếu, phần hai là câu chuyện về công việc làm ăn đầy thần bí của ông Cả Nghiệm, từ đó vén ra bức màn ma rừng. Ma quỷ kì bí chỉ là bức bình phong che đậy lối làm ăn giả trá của con người. Hay nhà cô Hén trong truyện “Ma ném đá” bị ném đá vào đêm giáp tết khiến cả nhà cô và cả làng đều tưởng là ma, nhưng khi ông ủy viên cảnh sát vào cuộc điều tra mới biết con ma ném đá đó thực chất là một cậu bé trong làng – thằng Ngọt. Ngọt giả làm “ma ném đá” bởi mỗi lần cô Hén về làng thì làng sẽ mất đi ít nhất một cô gái, bởi các cô gái sẽ theo cô Hén ra đô thành, bị sự xa hoa của đô thành quyến rũ không trở lại.
Cốt truyện mang màu sắc trinh thám nhưng quá trình điều tra để lộ ra chân tướng lại rất đơn giản, không hề cần những suy luận phức tạp, logic. Việc phát hiện ra thằng Ngọt là ma ném đá, anh thợ mộc Nguyễn Văn Mun là thủ phạm của sáu vụ quật mồ hay ông Cả Nghiệm đánh tráo bò,… đều không cần những manh mối khó đoán, không cần quá trình điều tra suy luận phức tạp. Nó khác hẳn với các truyện trinh thám thực sự của Thế Lữ, Phạm Cao Củng,… đầu thế kỉ hay các truyện trinh thám của Di Li, Nguyễn Xuân Thủy sau này. Bởi vậy, truyện phỏng trinh thám của Bình Nguyên Lộc xây dựng nên tình huống kì bí, kết thúc bất ngờ, nhưng không chú trọng vào quá trình phá án. Chính điều đó tạo nên sự đơn giản trong cốt truyện của ông, thỏa mãn tâm lí ưa hiếu kì nhưng lại ngại tư duy của số đông đại chúng.
2.4. Không gian, thời gian thần bí
Để hấp dẫn độc giả, truyện kinh dị không thể thiếu những không gian, thời gian thần bí, hoang đường, ma quái, tạo nên sự sợ hãi, kích thích trí tưởng tượng và giác quan người đọc. Trong các truyện có yếu tố kinh dị, Bình Nguyên Lộc thường đặt tác phẩm trong những không gian, thời gian thần bí, ma quái. Đó là những không gian mồ mả, nghĩa địa, rừng già, biệt thự bỏ hoang, những nơi hoang phế lạnh lẽo mà chỉ cần nghe tên những người yếu bóng vía cũng dễ nổi da gà. Những không gian ấy lại càng trở nên đáng sợ và thần bí hơn trong thời gian đêm tối. Bằng cách tạo dựng không gian, thời gian như vậy, Bình Nguyên Lộc đã tăng sức hấp dẫn cho độc giả, đưa họ thoát khỏi những không gian, thời gian đời thường, buồn tẻ hàng ngày để phiêu lưu trong thế giới vừa đáng sợ lại vừa hấp dẫn của trí tưởng tượng.
“Ba con cáo” dựng lên không gian đô thị Sài Gòn, nhưng không phải là không gian phồn hoa, đô hội mà là một nghĩa địa nằm giữa các khu phố. “Mấy vụ quật mồ bí ẩn” cũng chọn không gian nghĩa địa. Nhà văn khiến người đọc cảm thấy rùng rợn khi sáu ngôi mộ trong làng Phú Thạnh bị quật lên mà không rõ nguyên nhân, không biết thủ phạm. Chùm truyện Tân liêu trai “Ma rừng”, “Ma mới”, “Tiếng thần rừng” hay truyện “Bà Mọi hú” lại chọn không gian núi cao, rừng già vắng vẻ. “Ma ném đá” chọn không gian bình dị là làng cô Hén nhưng lại gây hứng thú ở thời gian đêm khuya, đêm cuối năm,…
“Cõi âm nơi quán cây dương” hấp dẫn người đọc ngay từ nhan đề. Truyện chọn bối cảnh là một biệt thự ở nơi vắng vẻ bị đồn là ma ám lâu năm, nay trở thành một quán cà phê chỉ mở cửa vào đêm tối. Ngôi biệt thự trong quá khứ từng diễn ra những vụ tra tấn dã man. Những lời đồn đại về ma quỷ, oan hồn đã bao bọc ngôi biệt thự trong bầu không khí ma quái, rùng rợn. Ngay cả khi trở thành quán cà phê, nó cũng đầy bí ẩn. Quán chỉ mở vào buổi tối, chỉ có đàn ông mà không có phụ nữ… Nhà văn dẫn dắt người đọc dõi theo những tình tiết kì lạ, rồi dần dần để họ khám phá những bí ẩn của quán này.
Có thể nói, việc tạo dựng không gian, thời gian mang tính thần bí, kì dị đã tạo nên sức hấp dẫn cho truyện có yếu tố kinh dị của Bình Nguyên Lộc. Nó cuốn hút người đọc vào thế giới của cõi âm, mồ mả, ma quái, gợi trí tưởng tượng rùng rợn.
2.5. Ngôn ngữ dễ hiểu, hình ảnh ma quái kinh dị
Bởi hướng về đại chúng, ngôn ngữ của Bình Nguyên Lộc hết sức giản dị, gần gũi, dễ hiểu. Nó mang phong vị lời ăn tiếng nói hàng ngày của vùng đất Nam kì. Tính khẩu ngữ đậm nét. Những câu văn của ông như những lời nói thường ngày tươi ròng của người Nam bộ đi thẳng vào tác phẩm, không gọt đẽo, mài giũa cầu kì. Trong truyện Bình Nguyên Lộc không thiếu những câu văn mang tính khẩu ngữ như sau: “Vị lãnh tụ địa phương của ngày xa xưa đã xui dại họ mở rộng bờ cõi, chắc đã tuyệt tự rồi, hay còn con cháu mà con cháu hắn cũng mạt rệp như bao nhiêu dân làng vì hoàn cảnh bất thuận lợi.” (Sáu vụ quật mồ bí ẩn), “Trường nầy không phải cảnh cũ, nhưng có lẽ nó gợi nhớ nên tôi thích. Hễ nhớ là đau, nhưng lại cứ muốn nhớ, nhớ hoài để nghe như nó còn mới hoài, mới như vừa xảy ra hôm qua đây” (Bóng ma trường áo tím),…
Hình ảnh trong truyện của Bình Nguyên Lộc thường mang tính kinh dị, ma quái. Đó là hình ảnh hàng phi lao mang dáng vẻ thê lương, tang tóc trong “Cõi âm nơi quán cây dương”, hình ảnh thây ma lạnh ngắt trong “Ma mới”, hay những ngôi mộ thê thiết trong “Ba con cáo”,… Những hình ảnh gắn với xác chết, yêu ma quỷ quái, thiên nhiên kì bí tác động mạnh vào giác quan người đọc, tạo nên sự hấp dẫn cho tác phẩm.
Tóm lại, đặc điểm của văn hóa đại chúng là tính thương mại, tính thông tục, tính giải trí. Tác phẩm của Bình Nguyên Lộc mang đầy tính đại chúng. Nó thể hiện ở tình huống truyện gợi trí tò mò, kích thích sự hiếu kì, cốt truyện có yếu tố kinh dị xen lẫn trinh thám nhưng vẫn đơn giản, dễ hiểu, hình ảnh, âm thanh kinh dị, không gian, thời gian ma quái, và ngôn ngữ đời thường bình dị, dễ hiểu. Ông đã dùng mô hình tiểu thuyết trinh thám trong những truyện có yếu tố kinh dị với bút pháp độc đáo, dung hòa nhiều hình thức văn hóa vào tác phẩm, vì thế đem đến cho người đọc những thể nghiệm đọc không giống nhau. Nhờ vậy, tác phẩm của Bình Nguyên Lộc được đông đảo bạn đọc yêu mến. Hơn nữa, là nhà văn có tác phẩm bán chạy thời bấy giờ, bản thân tác phẩm của Bình Nguyên Lộc đã mang đặc điểm của văn học đại chúng. Bởi tác phẩm thỏa mãn được thị hiếu của số đông độc giả thì tất yếu sẽ mang yếu tố đại chúng.
3. Sự dung hợp giữa yếu tố đại chúng và đặc tuyển trong truyện có yếu tố kinh dị của Bình Nguyên Lộc
Nhìn sâu vào mảng truyện có yếu tố kinh dị của Bình Nguyên Lộc, ta thấy những tác phẩm này không chỉ hướng tới yếu tố giải trí đơn thuần. Cái đích cuối cùng mà Bình Nguyên Lộc hướng tới không phải là thỏa mãn những khoái cảm ưa thích phiêu lưu, mạo hiểm của độc giả đại chúng, không phải đào sâu vào cái kinh dị thuần túy. Bình Nguyên Lộc không hề say sưa trong những máu huyết, xác chết, mồ mả, sọ dừa hay những hình ảnh kinh dị, cái mà ông quan tâm là thông qua những hình ảnh ấy, nhà văn gửi gắm những suy nghĩ, kí thác về cuộc sống, con người.
Như thế, có thể nói, truyện Bình Nguyên Lộc không phải truyện kinh dị với ý nghĩa chặt chẽ của nó. Yếu tố kinh dị là bút pháp nghệ thuật để nhà văn gửi gắm những tư tưởng tình cảm sâu xa. Kinh dị không phải cái đích mà nhà văn hướng tới. Chính điều này tạo nên tính đặc tuyển cho tác phẩm của ông. Qua yếu tố kinh dị, nhà văn đã gửi gắm lòng yêu nước, yêu quê hương, ý thức cội nguồn, tố cáo kẻ thù xâm lược, phê phán hiện thực xã hội, thể hiện lòng thương với những con người cùng khổ, niềm tin với nhân tính của con người, và ca ngợi, cảm phục những tình yêu lứa đôi sáng trong. Bản chất truyện kinh dị của Bình Nguyên Lộc là nghiêng về yếu tố dị hơn yếu tố kinh, mượn kinh dị hoặc giả kinh dị để gửi gắm những tư tưởng tình cảm sâu xa khác.
Tuy nhiên, cần thấy rằng văn học đặc tuyển tuy tồn tại trong nội dung tự sự của tác phẩm Bình Nguyên Lộc, nhưng nó không hề áp đảo yếu tố đại chúng, trái lại, nó thẩm thấu vào từng tình tiết nhỏ, thẩm thấu vào từng đối thoại của nhân vật, vừa thẩm thấu trong bối cảnh, vừa thẩm thấu vào ngôn ngữ tác phẩm. Sự thẩm thấu như vậy một mặt giúp ích cho sự tiếp nhận của độc giả đại chúng, mặt khác giúp cho sự dung hợp giữa văn học đại chúng và văn học đặc tuyển trở nên tự nhiên hơn. Bình Nguyên Lộc đem đến cho người đọc một thứ văn phong vừa sâu sắc, vừa giản dị; giản dị đối với những ai chỉ đọc để giải khuây, và sâu sắc với những ai chịu tìm tòi suy ngẫm.
*
III. Kết luận
Văn học đại chúng mang tính dễ dãi, ăn liền, dập khuôn, bởi vậy, nó rất cần có sự dẫn đường, dinh dưỡng của văn học đặc tuyển và sự cổ vũ của đội ngũ trí thức. Nếu văn học đại chúng chỉ thỏa mãn nhu cầu thấp của quảng đại quần chúng, nó sẽ không thể tồn tại trường cửu. Ngược lại, văn học đặc tuyển với tính chất sâu xa, bác học của nó lại khó thâm nhập vào đại chúng. Nó rất cần kết hợp với văn học đại chúng để bước từ chốn “đình đài miếu mạo” đến gần với không gian quảng trường rộng lớn hơn. Bình Nguyên Lộc hiểu sâu sắc điều này, bởi vậy ông đã sử dụng những tiêu chí của văn học đặc tuyển để khiến tác phẩm của mình không rơi vào nông cạn, nhàm chán, và sử dụng những tiêu chí của văn học đại chúng để tác phẩm của mình dễ hiểu, dễ đến với lòng người. Trong bối cảnh văn hóa xã hội miền Nam, tác phẩm của Bình Nguyên Lộc có thể dung hợp được cả yếu tố đặc tuyển và đại chúng vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, vừa là sự sáng tạo và khám phá mới tạo động lực phát triển cho văn học.
Mở rộng biên độ sáng tạo, các sáng tác hướng tới đại chúng, cụ thể là truyện kinh dị của Bình Nguyên Lộc đã là một minh chứng cho sự tồn tại tất yếu của một xu hướng văn học, minh chứng cho tầm ảnh hưởng của mỗi nhà văn ở chỗ nhà văn ấy đến với bao nhiêu độc giả, chạm tới bao nhiêu nhu cầu, khát vọng và trí tưởng tượng của con người. Ở cả khu vực này, Bình Nguyên Lộc thực sự xứng danh là một trong “tam kiệt” của văn học hiện đại Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Trường An. Bình Nguyên Lộc – Tổng quan văn chương vùng đất Đồng Nai. Internet: http://www.namkyluctinh.com/hotruongan/htan-naonuc[2].htm
[2] Nguyễn Q Thắng. Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập 2. Nxb Văn học, 2001
[3] Bình Nguyên Lộc. Trả lời cuộc phỏng vấn văn nghệ của Bách Khoa. Tạp chí Bách Khoa số 72, 1960.
Nguồn: Tạp chí lí luận phê bình - tháng 12/ 2016
Tác giả: Lê Hải Anh - Nguyễn Thị Minh Thương