Văn học Việt Nam hiện đại

TRUYỆN TRINH THÁM KINH DỊ DILI


12-10-2020

DiLi là nhà văn nữ đầu tiên trong thế kỉ XXI khơi thông nguồn mạch truyện kinh dị- khai mở một thể loại kết hợp giữa trinh thám và kinh dị; bước đầu ghi điểm xuất sắc với độc giả. Ban đầu, DiLi thử sức với thể loại truyện ngắn. Những tác phẩm trinh thám kinh dị này được in rải rác trong các tập truyện ngắn liên tiếp được xuất bản của người đàn bà “mắn chữ”: Tầng thứ nhất, Điệu valse địa ngục, 7 ngày trên sa mạc, Tháp Babel trên đỉnh thác ánh trăng, Cocktail thị thành, Chiếc gương đồng… Nhưng có lẽ, tiểu thuyết mới là nơi thể hiện rõ nét bút lực của chị. Sau thành công của hàng loạt truyện ngắn, tiểu thuyết Trại hoa đỏ đã được trao giải C cuộc thi tiểu thuyết và ký: “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” 2007-2010 như một ghi dấu những nỗ lực, đóng góp của DiLi cho một hướng tìm tòi mới.

                  

 Xuất hiện từ thời trung đại, cho đến nay, truyện kinh dị, trinh thám ở Việt Nam có một lịch sử khá mỏng manh và gián đoạn. Kể từ Lý Tế Xuyên (Việt điện U Linh), Trần Thế Pháp (Lĩnh nam chích quái), Lê Thánh Tông (Lê Thánh Tông di thảo), Nguyễn Dữ (Truyền kì mạn lục) đến Thế Lữ (Vàng và máu, Bên đường Thiên Lôi, Trại Bồ Tùng Linh), Nguyễn Tuân (Yêu ngôn), Tchya Đái Đức Tuấn (Ai hát giữa rừng khuya, Thần Hổ), Lan Khai với truyện đường rừng, Phạm Cao Củng (Người con gái tỉnh Bắc), Nhất Linh (Bóng người trong sương mù, Lan rừng), truyện trinh thám kinh dị dường như đã dừng lại (chỉ có một số tác phẩm văn học có yếu tố kì ảo, kinh dị). Mấy chục năm qua, hầu như không có cây bút nào có nhiệt hứng với đề tài trinh thám kinh dị. Đã có một vài cây bút chuyên viết tiểu thuyết vụ án điều tra hình sự: Nguyễn Đình Tú, Đào Trung Hiếu…           nhưng thiên về  bút pháp hiện thực. Do những đặc điểm về thổ nhưỡng, địa lí, tâm lí, lối sống, tính cách, người Việt không có máu trinh thám, càng không mấy thích những truyện kinh dị. Họ thích một cuộc sống ổn định, bình yên, hiền hòa; thiên về lối sống duy tình, duy cảm, thực tế, thích “ăn chắc mặc bền”, ít mộng tưởng phiêu lưu; hạn chế khả năng phân tích, phán đoán, luận giải, khái quát… Mặt khác, cũng do không mấy coi trọng văn học trinh thám kinh dị, thuần túy xếp nó vào loại văn học giải trí ba xu, không có tính hàn lâm bác học, không có giá trị nhân văn nên chẳng mấy ai đoái trông đến nó. Thực tế chúng ta mới chỉ có một bộ phận không nhiều những tác phẩm văn học có màu sắc, yếu tố trinh thám kinh dị chứ chưa thực sự có một dòng văn học trinh thám kinh dị, chưa có những tác giả chuyên viết truyện trinh thám kinh dị.

 DiLi là nhà văn nữ đầu tiên trong thế kỉ XXI khơi thông nguồn mạch truyện kinh dị- khai mở một thể loại kết hợp giữa trinh thám và kinh dị; bước đầu ghi điểm xuất sắc với độc giả. Ban đầu, DiLi thử sức với thể loại truyện ngắn. Những tác phẩm trinh thám kinh dị này được in rải rác trong các tập truyện ngắn liên tiếp được xuất bản của người đàn bà “mắn chữ”:  Tầng thứ nhất, Điệu valse địa ngục, 7 ngày trên sa mạc, Tháp Babel trên đỉnh thác ánh trăng, Cocktail thị thành, Chiếc gương đồng… Nhưng có lẽ, tiểu thuyết mới là nơi thể hiện rõ nét bút lực của chị. Sau thành công của hàng loạt truyện ngắn, tiểu thuyết Trại hoa đỏ đã được trao giải C cuộc thi tiểu thuyết và ký: “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” 2007-2010 như một ghi dấu những nỗ lực, đóng góp của DiLi cho một hướng tìm tòi mới.

1. Trại hoa đỏ- một tiểu thuyết trinh thám

Truyện trinh thám là một loại truyện mang yếu tố hình sự, giàu kịch tính. Trung tâm của một tác phẩm trinh thám là một cuộc điều tra về một tội ác. Đây  là một công trình của lí tính. Tất cả được trình bày, được kể ra để tưởng tượng, xâu chuỗi, kết nối, cuối cùng để làm sáng tỏ sự thật. Câu chuyện kết thúc cũng là lúc thủ phạm được tìm ra. Hơn ở đâu hết, vai trò của người kể chuyện trong truyện trinh thám vô cùng quan trọng. Độc giả sẽ phải bám sát anh ta từng giây từng phút bởi anh ta là người duy nhất biết rõ câu chuyện, biết rõ kẻ phạm tội là ai; nhưng lại không thể hoàn toàn tin tưởng vào sự dẫn dắt của anh ta bởi anh ta luôn cố tình đánh lạc hướng độc giả. Mọi tình tiết, chi tiết nhà văn cung cấp sẽ tạo cơ hội cho độc giả nắm bắt sự thật với sự suy luận, phán đoán của chính độc giả. Một nhà văn trinh thám cao thủ sẽ là người khiến cho độc giả chẳng thể đoán trước được điều gì…., cho đến khi đọc những dòng cuối cùng của tác phẩm. Với Trại hoa đỏ, Di Li là một nhà văn như thế.

1.1. Cốt truyện và nhân vật trinh thám

Nhân vật chính của tiểu thuyết Trại hoa đỏ là Diên Vĩ- một thiếu phụ xinh đẹp và sang trọng- phu nhân của một doanh nhân thành đạt- Trần Hoàng Lưu. Diên Vĩ được chồng yêu tặng cho một trang trại đẹp, được thiết kế cầu kì, nằm giữa vùng rừng núi thâm u, hẻo lánh, nơi có rất nhiều một loại hoa đỏ ối một cách kì bí. Ngay từ những giây phút đầu tiên đặt chân đến nơi đây, Diên Vĩ đã có những dự cảm bất an về mảnh đất này. Quả nhiên, những ngày ngắn ngủi sống ở trang trại hoa đỏ là những ngày kinh hoàng đối với cô: một bộ tộc cổ quái như “một quần thể sống thời tiền sử”, những con người kỳ dị, những bóng ma khủng khiếp, rùng rợn, những vụ thảm sát bất ngờ, lạ lùng, khó hiểu (cái chết của cô gái dòng họ Quách, cái chết của kẻ điên, của lão thầy Mo, Di, Sương, A Cách) và truyền thuyết về dòng họ Quách… Tất cả âm thầm diễn ra trong bóng tối, bóng tối của âm mưu, lòng tham, thù hận, sự phản trắc, bội nghĩa. Đại úy Công an Phan Đăng Bách, một khách mời của trang trại, đã trở thành thám tử điều tra những cái chết bí ẩn này.

Vụ án giết người hàng loạt ở trại hoa đỏ còn được đan cài, lồng ghép với những vụ án, những loại tội phạm khác trong những không gian, thời gian khác: vụ án bắt cóc, buôn bán trẻ em, vụ án Đại úy cảnh sát hình sự Đỗ Quang Huy bị sát hại ngay trong nhà riêng một cách dã man, vụ thảm sát một trùm buôn đồ cổ- Lý Văn Minh. Những chiến sĩ cảnh sát hình sự (thuộc mẫu hình nhân vật thám tử đặc trưng của truyện trinh thám) đã vào cuộc. Với sự nhạy bén của trực giác, sự thông minh, óc phán đoán, khả năng xâu chuỗi tình tiết lôgic tuyệt vời, dần dần họ đã khám phá ra đầu mối của các vụ trọng án, lần tìm ra thủ phạm.

Trong cuộc giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối, giữa yêu thương và thù hận, cái thiện và cái ác, ai sẽ thắng, ai sẽ bại? Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy ở những trang cuối  cùng của tiểu thuyết.

1.2. Truyện giàu kịch tính

Đối với một truyện trinh thám, kị nhất là việc “lộ vở”. Người đọc mà đoán trước được thủ phạm vụ án đồng nghĩa với thất bại của nhà văn. Với gần 600 trang sách, DiLi đã làm cho người đọc phải hồi hộp dõi theo, hồi hộp đoán định từ đầu đến cuối. Tiểu thuyết Trại hoa đỏ luôn căng, thẳng như một sợi dây đàn. Gần như không có lúc nào độc giả có cơ hội được thư giãn thoải mái, được buông thả trong những cảm xúc lười biếng. DiLi luôn tỏ ra là một cây bút có nghề. Hồi hộp, tò mò, sốt ruột, đoán già đoán non, lo lắng đến thót tim… luôn là những cảm xúc thường trực mà chúng ta có khi đọc Trại hoa đỏ. DiLi liên tục tung hỏa mù cho độc giả và đánh lạc hướng độc giả, tạo cơ hội cho những phán đoán sai lạc, thậm chí ngay cả khi chúng ta đã cảm thấy rất tự tin vào những dự cảm, suy luận của mình. Cứ ngay khi ánh sáng cuối đường hầm tưởng chừng vừa hé ra thì lập tức cánh cửa lại sập lại khiến chúng ta cảm thấy bế tắc, hết manh mối.

STT

Vụ án

Hiện trạng

Đối tượng nghi ngờ

Căn cứ nghi ngờ

1.    

Cô gái dòng họ Quách

Tự tử, treo cổ

A Cách

- trước khi cô gái chết, hai người đã cãi nhau kịch liệt

- khi cô chết, anh ta không có mặt ở đó

2.    

Người điên

Ngã xuống vực/ bị đẩy xuống vực

Lão thầy Mo

- vì anh ta đã cứu Diên Vĩ khỏi sự xâm hại của lão thầy Mo

3.    

Di

Treo cổ

A Cách

Lão thầy Mo

- đủ sức khỏe để giết chết Di rồi buộc xác nạn nhân lên vách đá

- vắng mặt vào buổi trưa với lí do không xác đáng

- liên quan đến vụ tử tự của cô gái dòng họ Quách

- thái độ bất hợp tác với nhân viên điều tra

- với bản tính dâm đãng, lão xâm hại rồi giết hại Di và treo cổ nạn nhân

4.    

Lão thầy Mo

Co giật, sùi bọt mép, chết do bị ngộ độc

Một người quen biết lão thầy Mo trong trang trại

- giết người để triệt khẩu

Những lập luận, chứng cứ, lí lẽ tác giả đưa ra hợp lí, thuyết phục đến mức ta cứ tin rằng thủ phạm sẽ lộ diện, truyện đã không thể tiếp tục, nhất là ở gần những chương cuối của tiểu thuyết, khi trọng tâm nghi ngờ bất ngờ chuyển sang Sương, thậm chí: Diên Vĩ; thì bất ngờ lại nối tiếp bất ngờ, sự thật lại xuất hiện đằng sau sự thật để độc giả phải bật ngửa trước trạng thái nhân thế khó lường. Thật là “Sông sâu còn có kẻ dò. Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”!

Cuộc giằng co đấu trí đấu sức giữa Diên Vĩ và lão thầy Mo, cuộc nghe lén tình cờ giữa Vĩ và Sương, cuộc truy lùng trong hang đá giữa Vĩ, Sương và Ráy… thực sự là những pha gay cấn. Đây là những trường đoạn đầy kịch tính, căng thẳng đến độ bóp nghẹt trái tim độc giả. Tiểu thuyết này cũng hứa hẹn một kịch bản phim đầy tiềm năng khi nhà văn vận dụng khá thành công các kĩ thuật điện ảnh: đặc tả cận cảnh, quay chậm, kéo dài thời gian diễn biến sự việc đến lê thê, đánh vào tâm lí người xem, phối hợp các mảng màu sáng tối, tạo nhạc nền hoặc rùng rợn hoặc kịch tính…

Thủ phạm chính của hàng loạt vụ án chỉ hiện ra ở những trang cuối cùng của tiểu thuyết và hoàn toàn làm độc giả bất ngờ bởi trong suốt quá trình điều tra, chưa bao giờ, chưa khi nào, không một chi tiết nào khiến độc giả có thể nghi ngờ anh ta- một con người không tì vết. Đó là một người đàn ông thành đạt, yêu vợ thương con, ga lăng, ân cần chu đáo. Thậm chí khi cảnh sát có ý nghi ngờ Diên Vĩ bởi những bằng chứng hiển nhiên, anh ta còn cố gắng bao che bênh vực cho vợ bằng một vẻ rất chân thành. Trần Hoàng Lưu chẳng có lí do gì để có thể là thủ phạm của hàng loạt các vụ án giết người khủng khiếp. Sự nham hiểm, khả năng che giấu tinh vi, tính toán chuẩn xác, phi tang, xóa tan dấu vết tài tình của thủ phạm cũng chính là sự cao tay của “đạo diễn”. Hóa ra, Trần Hoàng Lưu chính là A San- con trai của vợ chồng bà Miến và ông A Bằng- những cư dân của bộ tộc kì quái, sau này là “thần dân” của trại hoa đỏ. Hơn 30 năm về trước anh ta đã bị bắt cóc và bị bán cho một người đàn ông người Chăm theo đạo Hồi. Người này là một thương gia giàu có. Lưu được ông ta nhận làm con nuôi, được ăn học tử tế và quản lí một phần công việc kinh doanh của nhà họ Trần để giúp đỡ người cha nuôi lúc này đã không còn nhìn thấy ánh sáng. Ngoài 20 tuổi, anh ta bắt đầu gian dối trong việc xử lí doanh thu. Ông già biết được, vô cùng giận dữ và tuyên bố từ đứa con nuôi vô ơn. Anh ta ra khỏi họ Trần, bí mật mang theo một số tiền bạc và cô con gái ruột của ông ta, sau này là mẹ của bé Bảo- thằng bé mà ai cũng tưởng là con trai của Lưu và Diên Vĩ. Vài năm sau, bố nuôi Lưu chết, di chúc lại toàn bộ tài sản cho 2 vợ chồng, Lưu nghiễm nhiên trở thành tỉ phú. Sau khi tìm hiểu ra gốc gác của mình, tìm về quê cũ, gặp lại bố mẹ, biết được lời nguyền và kho báu của dòng họ Quách, anh ta quyến rũ để chiếm đoạt trinh tiết cô gái cuối cùng của dòng họ này, hòng chiếm đoạt được kho báu. Vợ Lưu ngăn cản và đã phải gánh chịu một kết cục bi thảm. Sau này, Diên Vĩ đã tình cờ phát hiện xác khô của Trần Đàm Anh trong hang đá. Trần Hoàng Lưu hợp thức hóa việc vợ mất tích bằng cách dựng lên một câu chuyện phổ biến: vợ bỏ đi theo người tình. Anh ta là người gián tiếp hoặc trực tiếp gây nên những cái chết bi thảm ở trại hoa đỏ hòng che giấu những âm mưu đen tối của mình. Hàng loạt vụ án, hàng loạt tội ác: buôn bán cổ vật, chiếm đoạt kho báu, chiếm đoạt tài sản, bắt cóc, buôn bán trẻ em, giết người hàng loạt… đã bị vạch trần.

1.3. Các chi tiết đắt giá:

Các tiểu tiết nhiều khi lại có vai trò hết sức quan trọng trong một vụ án. Nó là manh mối để lần tìm ra thủ phạm. Chi tiết: sự trùng hợp giữa bức ảnh con trai Di mà Diên Vĩ đã được xem: một đứa bé với nốt ruồi tức cười trên chót mũi, đôi mắt ngơ ngác giữa khuôn mặt đen nhẻm và mái tóc lưa thưa cháy nắng với bức ảnh đứa trẻ bị cha mẹ nuôi ngược đãi trên tờ Tia sáng mà Bách tình cờ nhìn thấy đã hé mở ra nhiều điều. Với khả năng phán đoán nhanh nhạy, Bách đã tìm ra thằng bé con Di- nhân chứng sống cho vụ án bắt cóc buôn bán trẻ em từ nhiều năm trước ở vùng đất hoang vu hẻo lánh nọ. Chi tiết chiếc bàn thờ Hồi giáo bị phủ bụi thời gian cùng bức ảnh một người con gái đẹp (chính là Trần Hoàng Anh- vợ Trần Hoàng Lưu) trên tầng áp mái một quán bar mà Bách tình cờ phát hiện cũng chính là manh mối quan trọng để xâu chuỗi các tình tiết của vụ án.

Phải thừa nhận khả năng dàn dựng, trình độ cài cắm, ém quân, phục kích,  rồi đánh úp bất ngờ của DiLi. Một vài câu nói, vài lời dẫn truyện, vài lời thoại tưởng chừng vu vơ, khó hiểu, mơ hồ ở tít đầu truyện hoặc lửng lơ giữa truyện, phải đợi đến gần cuối truyện độc giả mới vỡ lẽ. Những lời tưởng là tiên tri, hóa ra là ám chỉ của Ráy- kẻ biết hết mọi chuyện với Diên Vĩ: “Làng này không có trẻ con… ở đây đất dữ, chúng tôi không nuôi được” (hóa ra là trẻ con đã bị bắt cóc , bị bán mua hết); “Cô rất đẹp, thằng bé cũng rất đẹp, nhưng nó không giống cô… Tôi nhìn thấy những điều cô đang nói dối tôi… Tôi nhìn thấy máu… Tôi nhìn thấy những đám mây đen. Nó đang bao phủ quanh cô… Nguy hiểm đang ở rất gần cô.”…. “đấng vô hình…. Chỉ cho tôi bóng đen bao phủ xung quanh cô, ngày càng dày đặc, và một bóng đen đang đứng ngay sau lưng cô. Nó đứng rất gần và sẵn sàng ra tay bất cứ lúc nào.” (Hóa ra đó chính là chồng cô ta- Trần Hoàng Lưu). Vợ chồng A Bằng có thái độ vừa xa cách vừa gần gụi, vừa cảnh giác, vừa yêu thương kì lạ đối với mẹ con Vĩ hóa ra là vì họ chính là bố mẹ chồng của cô, ông bà nội của bé Bảo. Cô gái  dòng họ Quách với Diên Vĩ tưởng chừng chả có một mối liên quan nào nhưng lại nhìn cô đầy uất hận hóa ra là vì ghen tình….

2. Trại hoa đỏ- tiểu thuyết kinh dị

Truyện kinh dị là những câu chuyện được sáng tạo bằng trí tưởng tượng với cảm hứng nghệ thuật phi thường, khai thác những yếu tố gây cảm giác mạnh, sử dụng yếu tố kì ảo, khiến người ta cảm thấy rùng rợn, khiếp đảm. Những yếu tố này có thể được hình thành bởi không khí bí ẩn của câu chuyện, bởi các sự kiện quái đản, phi thường hay các nhân vật dị dạng, ma quái.

2.1 Không gian, thời gian nghệ thuật đậm chất kinh dị

Bối cảnh xảy ra câu chuyện là một vùng đất xa xôi hẻo lánh, nơi cư trú của một tộc ít người, sống như thời tiền sử. Để đến được đây, phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ đi ô tô từ thành phố. Đường xá chủ yếu là đường núi quanh co, hiểm trở vắng lặng, heo hút, có những đoạn bất kể thời tiết khô ráo nhường nào, con đường mòn vẫn luôn tối tăm, luồn lách giữa những thân cây cổ thụ xù xì. Nơi đây rất xa cách với thế giới văn minh của loài người, mỗi lần đi đến khu vực này là mất luôn sóng điện thoại, mất luôn cả sóng phát thanh, coi như cắt hẳn sợi dây liên lạc với bên ngoài. Những tình huống gay cấn nhất trong truyện đều được đẩy lên cao trào bởi bị nghẽn mạch thông tin giữa các nhân vật do điện thoại không thể hoạt động. Tất cả Sương, Lưu, Bách đều đã rất chật vật để có thể đặt chân đến nơi đây. Ngay từ những trang đầu tiên của tiểu thuyết, một không gian bí hiểm, lạ lùng, gieo rắc đầy hoài nghi và bất trắc đã bao trùm, từ khung cảnh thiên nhiên đến thế giới con người. Đúng như cái tên của tiểu thuyết cũng như không gian, bối cảnh tạo nên nền cảnh chính cho câu chuyện- nơi xảy ra hàng loạt vụ thảm án- trại hoa đỏ, bao phủ toàn bộ không gian nơi đây là một màu đỏ khác thường, nhức nhối, kì dị, màu của máu, của chết chóc. Cái màu đỏ như là định mệnh ấy, dứt khoát không thể đỏ một cách vô tư như thế bởi hàng chục lần trong tiểu thuyết, nhà văn đã khắc sâu, khắc đậm nó như thể để cho nền cảnh của những vụ án thêm phần dữ dội- một màu đỏ phi thường: đỏ ối, đỏ sậm, đỏ như máu, đỏ rực, một màu đỏ rợp lên, những bông hoa to bản xòe cánh như chiếc váy của người Di gan, lá cây trắng bệch bạc và sần lên những sống gân lá. Phụ họa với những đám hoa đỏ kì dị tràn ngập là những ngôi nhà cổ rệu rã, ảm đảm, bí ẩn, những thân cổ thụ bọc quanh nó như một pháo đài đầy cảnh giác, bức tượng đá hình người cụt đầu thê lương, tiếng cười ré lên đầy man dại của một loài chim kì quặc…

Độc giả dễ dàng đồng cảm với Diên Vĩ, chia xẻ với cô cảm giác bất an trước một khung cảnh đầy ám ảnh như vậy. Tiểu thuyết xuất hiện không ít những trường đoạn miêu tả thiên nhiên (cây cỏ, ánh trăng, hang động, chim muông, mây gió, sương giăng) nhưng không một lần mang lại cho người ta cảm giác thư thái, thảnh thơi. Luôn luôn là hoang vu, lạnh lẽo, ghê rợn, thử thách bản lĩnh, khả năng chịu đựng và chống trả của con người. Sự kinh dị của thế giới thiên nhiên như phụ họa, đồng lõa, tiếp tay cho tội ác khiến cho truyện kể thêm rùng rợn, thử thách những trái tim mềm yếu của độc giả. Trí tưởng tưởng của nhà văn mặc sức tung hoành. Những câu văn như những scen hình ảnh loang loáng chạy qua trước mắt, kích khích thị giác không tưởng.

Từ không gian kì bí, huyền hoặc, nặng nề, bảng lảng sương khói, u u minh minh đến thời gian đêm tối và những vật thể thiên nhiên: cổ thụ, rừng rú, hang động, núi non, vách đá, vực thẳm … đều là những trợ thủ đắc lực làm gia tăng thêm cái kì, cái dị, kích hoạt mạnh mẽ trí tưởng tượng, làm kinh hãi người đọc.

2.2. Các nhân vật kinh dị

Trên cái nền cảnh đó, các cư dân của trại hoa đỏ hiện lên, hầu hết đều là những kẻ quái dị. Ngòi bút DiLi đã tô đậm cái “dị” để tạo nên cái “kinh”. Nét kinh dị của các nhân vật được tô đậm từ ngoại hình cho đến hành động, cử chỉ và những khả năng khác thường, siêu nhiên. Thầy Mo là “một lão già với bộ râu trắng xóa và khuôn mặt đen đúa… Vĩ nhìn xuống, lão già bẩn thỉu vẫn đứng đó, từ từ đưa con côn trùng vào miệng nhấm nháp và nhìn cô bằng ánh mắt cổ quái… Lão thầy Mo hiện ra sau vách núi. Mái tóc rũ bết lại bẩn thỉu, không khác gì một gã điên vừa được lôi lên từ dưới vực thẳm. Đôi mắt lộ vẻ khả ố và gian ác. Bản thân lão như một loài thú dữ”. Di, gã điên, Sương… đều có những vẻ kì quái riêng. Ráy là một phụ nữ dân tộc thiểu số “Mới ngoài 30 tuổi nhưng cuộc sống nhọc nhằn ở một vùng đất cách ly hoàn toàn với thế giới văn minh bên ngoài khiến chị ta trông già đến hai chục tuổi. Đôi môi thâm sì, hàm răng đen như người nghiện thuốc và tròng mắt trắng dã… đôi mắt tăm tối”. Chị ta thoắt ẩn thoắt hiện không khác nào một bóng ma “Ráy đi lại như một ả mèo rừng già nua”. Những lời tiên tri, những lời phán truyền đầy đe dọa, ám ảnh nặng như đá đeo của chị ta đối với Diên Vĩ luôn lẩn khuất suốt chiều dài tác phẩm. Ráy và Bảo là hai nhân vật có những khả năng khác người. Ráy có khả năng nhìn xuyên thấu ý nghĩ của người khác, khả năng tiên tri, dự báo, cứ như có một đấng vô hình nào đó mách bảo cho chị ta. Bé Bảo từ sau khi phẫu thuật đôi mắt, có thể thấy những hình ảnh không bình thường từ một thế giới khác mà người khác không thể nhìn thấy. Những điều kì dị này là hoang đường hay là một sự thật kì lạ mách bảo cho chúng ta biết về một thế giới khác với những điều, những khả năng mà chính chúng ta chưa thể kiểm soát.

Có lẽ, kinh dị hơn cả vẫn là những xác chết, xác ướp (xác chết của vợ Trần Hoàng Lưu, của 18 cô gái dòng họ Quách), những bóng ma (bóng ma mẹ của bé Bảo, bóng ma người đàn bà họ Quách mặc bộ quần áo trắng lấm đầy máu và mái tóc dài bết toàn bùn đất, những vết máu vẫn rịn ra trên thái dương…). Vì đâu, một người phụ nữ xinh đẹp mong manh như Diên Vĩ, một đứa trẻ non nớt, yếu ớt như bé Bảo lại có đủ dũng khí để xông pha, dấn thân vào nơi rừng sâu hang cùng đầy ma tà quỷ quái, cạm bẫy để tìm ra sự thật? Chính bóng ma- mẹ bé Bảo đã dẫn dụ em vào hang động để nhìn thấy mình  chỉ còn là bộ xương khô (sau khi bị cha Bảo giết hại); nhiều lần hiện về trong giấc mơ của Vĩ, xui khiến Vĩ, trao cho Vĩ trách nhiệm khám phá sự thật. Chỉ có Vĩ và Bảo là luôn mơ thấy, nhìn thấy linh hồn người đàn bà chết oan, nghe thấy tiếng sáo du dương thường cất lên trước khi một điều kinh khủng nào đó sắp sửa xảy ra. Linh hồn của cảnh sát Đỗ Quang Huy, chị gái Mai Thanh luôn hiện về trợ giúp để anh em đồng đội hoàn thành nhiệm vụ…. Có lẽ, DiLi tin vào sự thông linh giữa cõi sống và cõi chết, tin vào sự mách bảo của linh giác. Không phải lúc nào, ở đâu, chúng ta cũng có thể chỉ có cái nhìn duy lí về cuộc đời. Truyện kinh dị chính là một cái nhìn, một quan niệm mĩ học, một kiểu tư duy khác về đời sống…

2.3. Nghệ thuật miêu tả cái kinh dị

Để miêu tả cái kinh dị, nhà văn thường sử dụng yếu tố kì ảo cùng thủ pháp phóng đại, thậm xưng, đẩy cảm giác khiếp sợ lên đến tột cùng. Ngòi bút DiLi trở nên sắc bén, kinh dị hơn cả khi miêu tả những xác chết. Ống kính nhà văn quay cận cảnh, đặc tả tận độ từng tiểu tiết trên gương mặt người chết, tạo nên những ám ảnh khôn dứt: xác chết của gã điên: “dập nát đầy máu với mớ tóc đen dài bết bùn đất. Đôi mắt của người chết vẫn mở trừng trừng và khuôn mặt hầu như nát bấy”; xác chết của Di: “Đôi bàn chân thò ra tím tái, dưới bộ váy dân tộc và dưới ánh chiều tà, mái tóc xổ tung phất phơ. Xác người phụ nữ bị buộc bởi chính chiếc khăn vấn đầu của chị ta, đầu kia treo trên một mỏm đá nhọn xù xì. Xác chết không nhắm mắt.”; xác chết của Ráy: “chị ta nằm ngửa, mắt khép lại, tay chặn lên ngực, nơi những dòng máu vẫn tuôn ra như một vòi nước bị hỏng nút vặn. Bộ quần áo màu đen của Ráy ướt sũng. Khuôn mặt Ráy cũng ướt đầm những tia máu bắn lên, chị ta mở to mắt, đôi mắt tinh anh”… Lối hành văn, cách miêu tả, so sánh của DiLi giàu chất tạo hình, đậm đặc chất điện ảnh, tạo dựng một thế giới hình ảnh sống động, tác động tức thời vào giác quan của độc giả. Nhà văn cũng tỏ ra rất thành thạo trong việc nắm bắt và tái hiện sinh động diễn biến tâm lí trong những cơn tột cùng sợ hãi của nhân vật (nhất là Diên Vĩ) bằng một vốn ngôn từ biểu cảm và ấn tượng (cảnh huống Diên Vĩ khám phá bí mật ngôi nhà cổ quái, cảnh cô đụng độ với lão thầy Mo, hẹn gặp với Di ở bức tượng đá cụt đầu, bị lạc trong ma trận, phát hiện bí mật trong lòng hang đá…).

*

DiLi  sớm “có một niềm đam mê lớn đối với những tác phẩm trinh thám kinh dị và luôn tìm đọc mọi tác phẩm cùng thể loại, trong đó có cả truyện của Bồ Tùng Linh… Tôi khâm phục Stephen King, ông vua truyện kinh dị của mọi thời đại với những tác phẩm văn học best seller ở Mỹ” (1); “Từ hồi tiểu học, tôi đã bắt đầu đọc Vụ giết người trên phố Morgue của Edgar Allan Poe và Bí mật dải băng lốm đốm của Arthur Conan Doyle….Tôi đã đọc hơn 20 cuốn tiểu thuyết của Agatha Christie…” (2). Là một công dân toàn cầu, “nhập thế” một cách tích cực, tác phẩm của DiLi nói chung và tiểu thuyết trinh thám kinh dị nói riêng chính là kết quả của cuộc hợp lưu giữa các nền văn hóa. Không khó để nhận ra chất liêu trai phương đông và kinh dị phương Tây trong những trang văn của chị.

DiLi là tác giả đương đại đầu tiên kết hợp trinh thám và kinh dị, tích hợp những yếu tố tưởng chừng rất khác biệt. DiLi không sùng kinh dị nhưng cũng không giải kinh dị. Chị vừa tôn trọng hiện thực đời sống, tôn trọng cái khách quan, cái duy lí, cái thực, nhưng cũng không coi nhẹ cái hư, cái ảo, cái thuộc về tiềm thức, trực giác, linh giác, tưởng tượng của con người.

Chừng nào người cầm bút còn coi kinh dị như là mục đích duy nhất để lạ hóa truyện kể, để câu khách, chừng đó còn có lí do để chúng ta coi đó là văn học giải trí thuần túy, không có hoặc ít giá trị nhân văn (cũng như những tác phẩm ngôn tình, chưởng, sex, giả tưởng, ngôn tình…đang tràn ngập trên thị trường). Với DiLi, kinh dị không phải là mục đích, nó chỉ là phương tiện. Đọc Trại hoa đỏ, độc giả vừa mê lại vừa tỉnh, vừa căng thẳng, vắt óc ra mà suy tính, đoán định, lại vừa chìm trong cõi u u minh minh, không biết đâu là thực là hư. Đời sống của chúng ta phải chăng bao giờ cũng gồm cả hai phần: sáng và tối, âm bản và dương bản, phần người và phần ma. Độc giả không chỉ kinh hoàng trước cái thế giới đáng sợ không thể kiểm chứng- sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của nhà văn mà còn kinh sợ hơn gấp nhiều lần trước tội ác, sự bất nhân bất nghĩa, tham lam độc ác, thủ đoạn, gian xảo của con người được ngụy trang một cách tinh vi khéo léo trong một xã hội mà đồng tiền và bạo lực có khả năng chế ngự và điều khiển tất cả. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng để chống lại cái ác, dù khó khăn trở ngại vô cùng, dù hy sinh mất mát là điều khó tránh, nhưng cuối cùng, nhất định, cái thiện, lòng yêu thương con người, những giá trị nhân văn cao cả sẽ chiến thắng.

Trong bối cảnh văn hóa, văn học đương đại, khi quan niệm về văn học và việc viết văn, mối quan hệ giữa văn học và độc giả đã có rất nhiều thay đổi, nhận thức về văn học trinh thám kinh dị cũng có những khác biệt so với trước. Trong rất nhiều sứ mệnh, chức năng cao cả của văn học: nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, dự báo…, văn học còn đảm nhận thêm chức năng giải trí. Trước sự tấn công, giành chiếm thị phần của các hình thức giải trí vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn khác, nếu văn học có khả năng mời gọi được độc giả, thực hiện tốt được chức năng giải trí, mang đến những trải nghiệm phong phú, giúp độc giả thăng hoa cảm xúc thì không gì có thể tuyệt vời hơn. Hơn nữa, trinh thám kinh dị là loại văn học giải trí cao cấp vì nó tác động đến nhận thức lí tính, đến khả năng phán đoán, xâu chuỗi tình tiết, lí giải vấn đề. Nhà văn là người tổ chức ra một cuộc chơi, lôi kéo độc giả vào cuộc chơi kì thú, kích thích khả năng sáng tạo, tham dự, hợp tác một cách chủ động. Khả năng tạo dựng tình huống, tạo hiện trường giả, gài bẫy độc giả, kết thúc bất ngờ sẽ thể hiện tay nghề điêu luyện của nhà văn cao thủ.

Sự mở lòng của độc giả đối với Trại hoa đỏ cũng bởi nhà văn đã đánh trúng thị hiếu của họ, nhất là độc giả trẻ. Trong không khí dân chủ của đời sống văn hóa, xã hội, con người có nhu cầu được giải phóng hoàn toàn về mặt cảm xúc. Sợ hãi cũng là cảm xúc tự nhiên, bản năng của con người. Đẩy cảm xúc, cảm giác đến tận cùng: sợ đến vỡ mật, kinh hoàng, sợ đến thót tim cũng là một trải nghiệm, một thăng hoa. Hơn ai hết, giới trẻ là những người thích trải nghiệm những cảm giác mạnh, thích những điều kinh dị hơn cả vì sức chịu đựng của họ lớn, vì trí tò mò, ưa phám phá. Họ không thích những gì nhàn nhạt, bằng phẳng. Được đến, được sống đến tận cùng những cảm xúc dù là sung sướng, hạnh phúc, hay lo âu, khiếp sợ là điều mà họ mong chờ. Lựa chọn thể loại truyện kinh dị, Di Li đã đáp ứng được nhu cầu ấy của người đọc.

Mặt khác, sự phức tạp của xã hội hiện đại, sự tinh vi, lọc lõi, vô cảm, tàn nhẫn, nhiều khi đến bệnh hoạn, mất hết nhân tính của thế giới tội phạm- một thực trạng không thể phủ nhận- mảnh đất màu mỡ có thể làm hiển lộ những điều kinh dị, đã đẩy sức tưởng tượng của nhà văn đi xa.

Như vậy, có rất nhiều yếu tố thuận lợi đã là nguyên nhân dẫn đến thành công của truyện trinh thám kinh dị DiLi. Cũng không thể không kể đến tình yêu đối với truyện trinh thám kinh dị, thú xê dịch, trí tưởng tượng phong phú, sự thông minh, hoạt bát, sự am tường các tri thức văn hóa địa lí, thế giới tội phạm… của nhà văn đã mang đến thành công cho chị ở thể loại này.

Tiếp theo Trại hoa đỏ là một tiểu thuyết trinh thám kinh dị khác viết về giới tính thứ tư: Câu lạc bộ số 7, thêm một lần nữa khẳng định sức hút của thể loại này và trường lực của DiLi. Hy vọng, sự khởi đầu của DiLi sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp cho một dòng văn học trong tương lai!...

Chú thích:

1. Tôi là người có óc tưởng tượng mạnh (Phỏng vấn), nld.com.vn

2. DiLi không tẩu hỏa nhập ma vì truyện của mình, (Phỏng vấn),  vnexpress.vn

 

Tác giả: PGS. TS Đặng Thu Thủy

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020