Vỡ vụn vẫn đi sâu vào thế sự, nói chuyện muôn đời là gia đình, tình yêu và hôn nhân, nhưng có nhiều điều mới lạ. Nhiều quan niệm sống và thực tế sống được miêu tả rất thật được tác giả trình bày lần đầu tiên. Truyện gây được những ấn tượng và ám ảnh về cảnh, về tình, và cũng đem đến những suy tư sâu xa về nhân tình, thế thái và tình huống xã hội ngày nay.
Nhà văn sung sức Nguyễn Bắc Sơn đã trình làng quyển tiểu thuyết dài hơi Vỡ vụn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), nộp lưu chiểu tháng 12/2015. Số lượng in là đáng kể - 2000 bản. Trước đó, Gã Tép Riu đã nhận giải C cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV (2010 – 2015).
Từ nhiều năm nay, tác giả là người viết sách “thời thượng”. Những trang viết đã, và đang nhận được sự đón nhận nhiệt tình của đông đảo bạn đọc, cùng với sự đánh giá cao của nhiều nhà văn, nhiều nhà phê bình, nghiên cứu có tên tuổi. Đó là vì, qua đó, người ta nhận ra được những vấn đề thế sự, và cả thời sự, những vấn đề nhân sinh và cả chính giới đang hiện hành và đáng được quan tâm.
Vỡ vụn vẫn đi sâu vào thế sự, nói chuyện muôn đời là gia đình, tình yêu và hôn nhân, nhưng có nhiều điều mới lạ. Nhiều quan niệm sống và thực tế sống được miêu tả rất thật được tác giả trình bày lần đầu tiên. Truyện gây được những ấn tượng và ám ảnh về cảnh, về tình, và cũng đem đến những suy tư sâu xa về nhân tình, thế thái và tình huống xã hội ngày nay.
YYY
Tiểu thuyết có được thành công đặc sắc chủ yếu là nhờ xây dựng nhân vật.
Xây dựng nhân vật thường là công việc trọng tâm, khó khăn bậc nhất. Hệ thống nhân vật, các mối liên quan, đặc biệt là tính cách. Nhân vật mang hồn cốt tác phẩm cũng là tiếng lòng tác giả muốn gửi gắm.
Vỡ vụn có hai cặp đôi nhân vật đối nghịch, “đồng sàng, dị mộng” – chung giường chiếu mà mộng khác nhau; và ngược lại, “đồng mộng, dị sàng” – đồng tâm, đồng tình mà khác nơi chăn gối. Có thể coi đó là sự “ đồng điệu tuyệt đối, tuyệt vời” của hai con người. Thực chất, trong truyện lại có cặp ba nhân vật. Chính là nhân vật “bản lề”: đôi vợ chồng chính thức Chính – Thu và đôi vợ chồng tình nhân Chính – Thảo. Mà là bản lề “cặp díp”. Như cánh cửa quay có bốn cánh Cuối chuyện vẫn ở trạng thái dùng dằng, dính dáng giữa hai người phụ nữ - “bắt cá hai tay”!
Tuy vậy, khuynh hướng đã được toát ra từ hành động. Vì những ràng buộc đạo lý truyền thống, nên họ tuy ly thân nhưng vẫn gắn phận. Người chồng chưa nỡ bỏ người vợ tật bệnh chỉ vì “vợ cái con cột”. Mà người tình trước sau vẫn trở lại với thân phận đã xác định từ đầu: Làm người mẹ đơn thân.
Tương lai thế nào chưa rõ, nhưng cũng chắc chắn là Chính sẽ có trách nhiệm giáo dục nên người cho đứa con với Thảo – người vợ hờ, chưa danh chính ngôn thuận.
Vẫn là đề tài gia đình nhưng màu sắc đã có biến hoá. Cụ thể hơn là hôn nhân và gia đình, một đề tài nổi bật theo khuynh hướng thế sự lâu nay.
Dĩ nhiên, tình trạng ở đây là hết sức éo le, uẩn khúc qua những giằng co, tranh chấp rất phức tạp.
Vỡ vụn tiếp theo Gã Tép Riu – bàn sâu hơn về nguyên nhân gây tan vỡ hôn nhân. Ly hôn có hàng trăm lý do, hàng ngàn nguyên cớ, nghĩa là, về đại thể, là những mâu thuẫn, xung đột không thể hoà giải.
Ở hai tập tiểu thuyết này, nguyên cớ giống nhau là sự bất đồng, bất hoà về tính cách, mà cái chính là do độ vênh về nhận thức: cao thấp khác nhau (về danh vị), chênh lệch trình độ, lý tưởng (về chính kiến). Cái khác cơ bản của Vỡ vụn chính là ở chỗ này: không thể hoà giải mâu thuẫn vì chính kiến bất đồng, mỗi bên theo đuổi và tôn thờ một thần tượng.
Như vậy, chẳng khác nào tác giả chính trị hoá quá mức một vấn đề chăng? Chính kiến chỉ xung đột trong tổ chức, đoàn thể qua nhận xét, hoạch định đường lối, chính sách, xử lý hành chính để phân biệt địch, ta chứ?
Quả như vậy, nhưng đó là bề nổi của chính kiến trong quốc gia đại sự. Tuy nhiên, nó đã ngấm vào tư tưởng, tâm hồn, tình cảm con người ở phần sâu thẳm nhất từ bao lâu nay rồi.
Xét cho cùng, đây là một sự thật, là cái mạnh, và cũng là cái yếu – nét nhược điểm trong đời sống tinh thần và hành xử của con người Việt Nam ta. Chính trị đã ngấm sâu vào đời sống, không chỉ trong giao tiếp, trên bàn hội nghị, mà còn trong hành động, cử chỉ thường nhật, bên quán nước, trong phòng trà, thậm chí ở bữa ăn, giấc ngủ của con người.
Trên đất nước của Thánh Gióng, ở đất nước thời nay phải qua đấu tranh hàng 3 thập niên để rồi lại phải dựng nước qua hàng thập kỷ trong áp lực của những thế lực bá quyền từ nhiều phía, con người phải cảnh giác, có ý thức chính trị, thời sự cao độ, cũng là một thực tế lịch sử.
Vì vậy, tư duy ý thức hệ, phân biệt rạch ròi địch – ta giáo điều máy móc cũng là một hệ luỵ sâu xa tất yếu trong mọi mối quan hệ, kể cả lứa đôi, vợ chồng.
Vấn đề đặt ra trong Vỡ vụn không phải là quá đáng, mà là chính xác, sâu sắc vì phản ánh một sự thật có phần mới trong đời sống. Vỡ vụn mang một nhan đề “giật gân” vì tính quyết liệt, triệt để của sự kiện: sự việc, tình cảnh tan nát đến mức không thể hàn gắn được vì đã ở thế đối địch.
Một sự thật đời sống khác lần đầu tiên được thể hiện trong Vỡ vụn là quan niệm sống đơn thân của một phụ nữ thời hiện đại. Đây cũng là một quan niệm sống mạnh dạn, táo bạo (và có thể phiêu lưu?) trong đời sống hôn nhân và gia đình. Thảo chủ động đến với người mà cô khâm phục, kính yêu, và coi như thần tượng là Chính – người đã có vợ con đề huề, và cũng đã khá đứng tuổi.
Quan niệm “chọn lựa một nửa” cho đời mình của cô gái cá tính mãnh liệt có biệt danh “Sáu Ngờ” (ngỗ ngược, nghịch ngợm, ngang ngạnh) thật rõ ràng, minh bạch: “Dứt khoát phải hơn mình một cái đầu”. “Cái đầu” ở đây là chỉ trí thông minh, sự thông tuệ, chứ không phải là địa vị cao sang, tiền tài chất chứa! Quan niệm có vẻ kiêu kỳ, cao xa, nhưng cô đã có thực tế sống nuôi con như một minh chứng thật hùng hồn.
Tuy chỉ nhắc thoáng qua, nhưng tiểu thuyết còn mạnh dạn trình bày một biểu hiện khác lạ của đời sống hôn nhân.
Đó là số phận của Chuyên – người con gái của vợ chồng Chính – Thu. Cô là nạn nhân của tâm lý xã hội và cả tâm lý mang yếu tố tâm linh. Lễ ăn hỏi, cô dâu phải về nhà chồng ngay rồi mới tới lễ cưới chính thức.
Ấy là vì nghe lời “thầy” phán để tránh “qua hai lần đò”. Biết không thể có con sau khi đi khám nghiệm, Chuyên tự động gọt tóc – mái tóc “hồi môn của mẹ” “ như dấu cả đêm đen vào đấy. Nó mượt mà, nó óng ả, như một đám mây bồng bềnh quấn quýt sau lưng’ – rồi bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Để tránh tiếng bị chồng bỏ. Thà đau trước còn hơn đau sau !
Như vậy, bên cạnh quan niệm của chủ nghĩa thực dụng thời nay như “sống thử” với nhau trước hôn nhân, thì còn có bao suy nghĩ về hôn nhân mang tính chủ động, quyết đoán như đã kể trên. Nói cho cùng, quan niệm nào, lối sống nào cũng có hai mặt, bởi đó cũng là “muôn mặt đời thường”. Ở đời, làm sao mà có thể khiến được mọi sự chỉ theo một khuôn, một phép, một thủ tục?
YYY
Thực ra, việc tan vỡ hôn nhân của cặp Chính – Thu có rất nhiều nguyên nhân, mà thực chất chính là sự đối chọi, dẫn đến đối kháng, đối địch của hai thân phận. Nguyên nhân sâu xa vẫn là sự chênh lệch quá mức về trình độ nhận thức.
Hai vợ chồng là hai người có vẻ không có độ chênh gì đáng kể. Cả hai đều giảng dạy ở trường đại học. Nên nếu có, về mặt hình thức, thì Thu có học hàm, học vị, còn Chính thì không. Thật ra là chưa, vì nếu phấn đấu, Chính sẽ có.
Mà chắc chắn là có, với một con người thông minh, sắc sảo, và đầy ắp tri thức, nhất là tri thức về chính trị - xã hội, trong đó, chuyên ngành Ngữ văn được bao hàm trong tổng thể Khoa học Xã hội.
Nhưng vấn đề chính lại là ở chỗ này. Lẽ ra, Thu phải là người có tri thức thật sự - bao gồm cả sách vở và thực tiễn, thì ngược lại. Bà Phó Giáo sư, Tiến sĩ chỉ có tấm bằng, và danh vị được phong tặng, nhưng có lẽ chỉ là bằng “dởm”, học vị “giả”. Bởi, khuyết điểm chủ yếu là lối tư duy thiếu khoa học, thiếu thực tiễn của người mang danh nhà khoa học, nặng giáo điều, sách vở hàn lâm: từ sự kiện đời sống đến vấn đề chính trị, từ tính toán làm ăn gia đình đến suy tư chuyện quốc kế dân sinh, nhất là từ truyền thụ kiến thức đến hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ.
Hơn 30 năm chung sống, Thu đã bộc lộ rõ là con người: “Không bao giờ tìm hiểu một việc gì cho đến nơi đến chốn. Không bao giờ đi đến cùng sự thực. Chỉ biết nói theo mọi người, theo đám đông, nên hiểu cái gì cũng chỉ đại khái, lơ mơ như thế”. Đó là nhận xét như tâm sự thật của Chính. Con gái Chuyên cũng đồng tình với ý kiến của bố: “Ai cũng biết, chỉ mình mẹ không biết!” khi chứng kiến những sai sót của mẹ trong công việc hàng ngày, ứng xử thường xuyên ngoài đời
Vậy là, trong các mâu thuẫn về trí thức, nhất là “chất xã hội”, chính kiến là cái gút cuối cùng gây bùng phát khủng hoảng tinh thần.
Hai tính cách ấy không chịu nhau, nhất là khi người vợ đã dứt tình, khinh rẻ người chồng kém địa vị, kém chức sắc, dưới tầm con mắt.Cái tự ái tột độ vì bị “xúc phạm” thậm chí coi là bị “hạ nhục” dẫn đến “tuyệt giao” của hai cá thể! Quan hệ ấy, vì thế, đã chuyển sang một bình diện khác, trong một đối sánh khác.
YYY
Nhân vật trung tâm – Chính là đại diện của một trí thức cấp tiến, ưu thời mẫn thế. Đó là con người của trí tuệ. Ông được con gái phong tặng là “một cuốn từ điển bách khoa”. Trí tuệ uyên bác cả lý luận và thực tiễn, đặc biệt là rất giàu chất xã hội. Khác hẳn với lối trọng văn bằng, danh vị đương thời, Chính tồn tại như một con người có thực tài. Mà thực tài do thực học thường đi liền với thực danh, thực nghiệp.
Cũng khác hẳn Thu, Chính là con người có tư duy khoa học, khách quan, và triệt để, từ việc nhỏ trong đời sống, sinh hoạt thường nhật đến việc lớn quốc gia đại sự. Kiến thức uyên bác cả xã hội, và tự nhiên, gia đình và cộng đồng, đất nước và thế giới. Không chỉ là chuyên gia trong gia đình, mà Chính còn là chuyên viên tư vấn cho cả Chủ tịch tỉnh trong những kiến giải gay cấn về sự kiện, tình huống xã hội, và kiêm cả cố vấn trong quản trị công việc, quản trị nhà nước.
Cùng với Chính là nhân vật cách mạng lão thành, mà còn rất minh mẫn, tỉnh táo, thức thời – như cụ thân sinh Chủ tịch tỉnh Nguyễn Chí Thành. Ông cụ Thành là người từng vào tù ra tội thời xưa, được tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhất, vẫn xứng đáng là người hiểu biết, cập nhật tư tưởng trong thời buổi “kim tiền” mới ngày nay, vẫn lo lắng với trách nhiệm cao quý, nhưng lại vất cả và nguy hiểm không kém: “… còn sống ngày nào thì tôi còn tiêu diệt những kẻ dùng đồng tiền bẩn thỉu vào những việc bẩn thỉu”.Thành, nhà lãnh đạo trẻ cấp tiến, xứng đáng vai trò kế cận, có đức nổi bật là biết lắng nghe ý kiến phê phán,xây dựng chính xác – trí tuệ nhân dân
Về mặt loại hình hoá, Chính có thể coi là nhân vật phản biện xã hội. Phản biện xây dựng,phản biện để kiến tạo (như phản biện mở trường đại học mà gợi ý mở các lớp dạy nghề ). Ông không có danh vị, chức sắc gì trong cơ quan, chỉ đơn thuần là anh giảng viên, nhưng thực chất mang phẩm cách một giảng viên cao cấp và một chính khách có tầm vóc. Cũng không nhân danh đoàn thể, đảng viên, hoặc cấp uỷ nào, nhưng ông lại là người tiêu biểu, có thể được mệnh danh là trí thức cách mạng mẫn tiệp, sáng suốt.Sống làm người hữu ích cho xã hội là điều tâm niệm va phấn đấu!
Chính là một nhân vật có tính cách đa diện. Tính cách cũng có mặt mạnh, và mặt yếu; mặt cao đẹp và mặt bất cập, mà rõ nhất là trong quan hệ đối xử gia đình cũng lộ rõ “chỗ yếu của lòng người” một đấng nam nhi. Cũng như các nhân vật chính Thu, Thảo, bản thân mang tính cách nạn nhân nhưng cũng có cả phần phạm tội trước toà án lương tâm. Họ có những đấu tranh nội tâm đầy dằn vặt,trăn trở, bức xúc dữ dội.
Hình tương mang tính đa nghĩa. Chính mang bi kịch gia đình, đó là về phương diện cá nhân. Tuy nhiên, nhân vật cũng rơi vào một dạng bi kịch của số phận xã hội: người trí thức thực tài chưa được vinh danh đúng mức, và trọng dụng. Con người tư duy, thông thái và trí lự, uyên bác rất có thể cả chuyên ngành sâu, tại sao lại không làm và bảo vệ luận án? Có thể cá nhân còn có tự ái, tự phụ, nhưng cũng có thể là môi trường thiếu cởi mở, khuyến khích. Môi trường khoa học và cả môi trường chính trị xã hội nữa. Đáng mặt thầy thiên hạ – từng cố vấn cho quan chức đầu tỉnh, nhưng chỉ được hỏi mẹo vặt, phản biện vụ việc, mà không ở tầm được thực sự coi trọng hiền tài của lãnh đạo các cấp.
Nếu có điều kiện thành đạt, Chính có thể trở thành một vị giáo sư – chính khách khả kính. Bởi trong cốt cách, ông là người có cái tâm lớn lao, trong sáng.
Thầy giáo Ngữ văn chân chính là người có cái Tâm rất lớn: yêu người và yêu văn. Mà – “văn học là nhân học”, là khoa học về con người. Thầy lại hơn người ở cái Trí – tức là hội đủ cả Đức và Tài. Tiếc thay, có thể một phượng hoàng còn mai danh ẩn tích, chưa có điều kiện xuất đầu lộ diện “cất cánh”. Đây là loại nhân vật chưa đi hết tính cách.
Mang tư cách đại diện trí tuệ, Chính có bản lĩnh vững vàng đã tiến hành thắng lợi cuộc đấu trí trong gia đình, và phần nào được thi thố trong phạm vi xã hội, trong kiến nghị hành xử, ứng phó với công việc của người đứng đầu tỉnh khi nhờ cậy.
Có một cuộc đấu trí lớn hơn, bao quát hơn, không kém phần gay gắt, về đường lối, chính sách, về quản lý, lãnh đạo chỉ mới được đề cập gián tiếp, mà nhân vật và xã hội – cả hệ thống chính trị đối mặt mà chưa vào cuộc mạnh mẽ. Đó là những vấn đề được đề xuất và đụng chạm thoáng qua ở một tuyến khác, thuộc luận đề chính trị, xã hội – vốn nằm trong hệ thống tư tưởng và cảm hứng nghệ thuật của chủ thể sáng tạo.
Những nhức nhối trong dư luận xã hội được đề cập qua vụ việc không nhiều, nhưng khá tiêu biểu và mang tính cấp thiết.
Chủ nghĩa thành phần một thời dẫn đến đề bạt cán bộ thiếu phẩm chất, thiếu năng lực – như gốc gác, nhân cách và tính cách Phó chủ tịch tỉnh “Lưu Manh Vương”. Chuyện chuộng bằng cấp dẫn đến chạy bằng cấp, chuyện mua quan bán chức dẫn đến tham nhũng quyền lực, cơ hội chính trị - “loại kinh doanh chính trị”, như những uẩn khúc trong cuộc chạy đua ghế Chủ tịch tỉnh,… Tức là những vấn đề về chính sách cán bộ,về quy trình đề bạt; tổ chức bộ máy quản lý còn rất nhiều kẽ hở, nhiều bất cập dẫn đến những sự suy yếu cơ chế, giảm sút lòng tin của nhân dân.
Vỡ vụn tiếp nối Gã Tép Riu khẳng định và phát huy một loại tiểu thuyết luận đề mới như khuynh hướng mạnh dạn sáng tạo đầy hứa hẹn hiện nay.
YYY
Kết cấu truyện được tổ chức tinh khéo trong một quy mô đa tầng, đa tuyến, thể hiện tính hiện đại của tiểu thuyết.
Có ba tuyến sự kiện, nhân vật song hành được đan lồng xen kẽ: Tuyến chuyên về cô gái kỳ lạ, đầy cá tính ẩn hiện “đố tình”, rồi “bắt tình” độc đáo, cuối cùng lộ diện là người mẹ đơn thân. Tuyến gia đình vợ chồng giảng viên đại học lấn dần vào bi kịch tan vỡ. Tuyến gia đình và cơ quan của quan chức đầu tỉnh với cuộc chạy đua vào chức chủ tịch và thi hành nhiệm vụ buổi đầu.
Các tuyến đều được phát triển hợp lý theo tiến trình thời gian sự kiện, và phát triển hình ảnh nhân vật, thể hiện tài năng tổ chức các quan hệ và “điều binh, khiển tướng” của tác giả.
Tuy nhiên, qua đó có sự lồng ghép: các chủ đề lớn về “đời” và “đạo” đã được thực hiện – luận đề chính trị xã hội đan xen hay hoà nhập luận đề tâm lý xã hội và ngược lại. Điều đó thể hiện được sở trường vốn có của nhà văn.
Nguyễn Bắc Sơn là người có duyên kể chuyện. Nghệ thuật trần thuật biến hoá với những giọng điệu khác nhau, tạo sức hấp dẫn, cuốn hút tự nhiên, linh hoạt.
Đặc biệt là điểm nhìn trần thuật luôn thay đổi, biến báo.Người kể chuyện ở nhiều ngôi, chẳng khác nào các vai diễn trên sân khấu và các màn trình bày diễn ngôn tự sự. Người đọc thấy thú vị khi nghe chuyện tự thuật vui vẻ, “tinh quái” của cô gái có biệt danh “Sáu Ngờ”, rồi có lúc lại hào hứng với những cuộc thách đố và lý giải hứng thú của vị giảng viên thông minh, sắc sảo. Câu chuyện thâm trầm mà sâu sắc của ông cụ Thành với dự báo hiện thực về tình thế đấu đá nội bộ quyết liệt xen lẫn các pha tranh luận phe phái căng thẳng của hội nghị cơ quan tỉnh…
Nhiều chuyện, nhiều hình, nhiều vẻ được thể hiện qua kỹ thuật viết tinh khéo, đặc biệt là các trò “ú tim”, dàn cảnh và bật mí trong chuyện tình yêu, cũng như thuật chơi “ván bài lật ngửa” trong cuộc đút lót, hối lộ chạy quyền, chạy chức gay cấn. Đã có bình luận văn chương “chi tiết nhỏ” tạo nên “tác phẩm lớn”. Vỡ vụn rất giàu những chi tiết về tình cảnh, tình thế như vậy, thậm chí những chi tiết đủ các cung bậc thấp, cao, nông, sâu của đời sống nhân gian bề bộn, hỗn tạp.
Tất cả góp phần tạo nên sức hấp dẫn đấy ám ảnh có bản lĩnh vững vàng của một tiểu thuyết đồ sộ với 41 chương và khoảng hơn 400 trang.
Còn có nhiều điều có thể nhận xét về cuốn tiểu thuyết được viết với nhiều công phu và đầy hào hứng, tự tin này của Nguyễn Bắc Sơn.Tuy nhiên, cần nhấn mạnh một ưu thế,cũng là một đặc điểm quan trọng, bao trùm là tính chất mở của tác phẩm.
Các nhân vật như vẫn đang phải đi tiếp quãng đời như nó tồn tại, và còn phải bộc lộ hết bản lĩnh, cốt cách, tức phải phát triển hết tính cách và số phân.
Nhiều vấn đề xã hội, chính trị lớn lao đã và vẫn đang được đặt ra ( trực tiếp và gián tiếp), mang tính thời sự nóng hổi và cần những hướng giải quyết thoả đáng.
Thực ra, tiểu thuyết đã đóng lại và bản thân đã là một tác phẩm độc lập. Tuy nhiên, người đọc vẫn có quyền hy vọng sẽ có Vỡ vụn tập 2 (tập 3…) Cuộc đời còn ngổn ngang, bề bộn và đang phát triển, văn chương còn vô hồi, vô hạn. Với kỳ vọng ấy còn là mong muốn đôi điều về chỉnh lý ngòi bút tiểu thuyết: cân đối hơn kể và tả, không để kể lấn át; đi sâu miêu tả, phân tích tâm lý hơn, nhất là trong những hoàn cảnh ,tâm trạng rắc rối, gay cấn, phức tạp.
Dù sao, cũng phải ghi một dấu ấn đậm nét trong sáng tác của Nguyễn Bắc Sơn. Tiếp tục mạnh dạn dấn thân, xông xáo nhà văn đã tự vượt mình một cách thật ngoạn mục trên nhiều phương diện của nghệ thuật tiểu thuyết với mốc son Vỡ vụn đầy triển vọng tốt đẹp.