Văn học Việt Nam hiện đại

Bài ca chiến thắng đi mãi cùng năm tháng


12-10-2020

Ngày 30/4/1975, cách đây đã 41 năm, chiếc xe tăng của Quân giải phóng húc tung cánh cửa của dinh Độc lập, buộc tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà cùng toàn bộ nội các chính phủ Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện.

Niềm tin chiến thắng vỡ oà cùng lúc với những tiếng thơ, lời hát hào hùng của hàng triệu trái tim hân hoan khôn xiết.

Đó là những giờ phút thăng hoa của cuộc chiến tranh vệ quốc, tạo nên một mốc son chói loà của lịch sử dân tộc.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 là kết quả của một tiến trình chiến đấu thần tốc từ trận mở màn đến khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh. Thời gian chỉ trong mấy tháng (từ tháng 1 – 30/4), nhưng xa và lâu hơn là sức mạnh tổng lực thần kỳ của lực lượng toàn dân: “Ba mươi năm dân chủ cộng hoà, kháng chiến đã thành công” (Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Phạm Tuyên).

Văn, thơ, ca khúc …về chiến dịch, chiến công tưng bừng ra chiến trận, theo bước ,những đoàn quân .Tuy nhiên , từ 30/4 và suốt cả tháng 5/1975 là “thời gian nóng bỏng” cho những sáng tác.  Mùa xuân đại thắng đã làm nở rộ cả một “mùa hoa trái” văn, thơ, nghệ thuật, mà nổi bật và có sức lan truyền nhanh nhất chính là những lời thơ, tiếng hát. Thơ và nhạc vốn có mối quan hệ mật thiết với nhau, và thường đồng hành cùng nhau.

Thơ của những người lính bừng nở trước hết như những tiếng súng chiến công chào mừng từ trong lửa đạn chiến trường: thơ của Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Vương Trọng, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đức Mậu… Đồng thời là sáng tác kịp thời của những nhà thơ chủ lực của hai cuộc kháng chiến. Nổi lên là những nhà thơ hàng đầu “đấu tranh thống nhất” như Tế Hanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên đến những nhà thơ lớn có  thời mặc áo lính như Nguyễn Đình Thi hoặc đi thị sát chiến trường như Tố Hữu.

Niềm vui vĩ đại và lớn lao cùng lúc đúc nên những lời ca, khúc nhạc hào hùng khắp các miền Tổ quốc của đội ngũ nhạc sĩ tên tuổi, trong đó nhiều người từng cầm súng theo bộ đội hành quân: Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (Cao Việt Bách – Đặng Tùng), Ta đã về Sài Gòn ơi (Văn Dung), Hát về Thành phố tận cùng (Cát Vận), Mùa xuân Việt Nam, mùa xuân toàn thắng (Lưu Cầu), Việt Nam ngày đại thắng (Văn Thanh), Giữa Sài Gòn giải phóng (Hồ Bắc), Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận)… Đặc biệt là Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của Phạm Tuyên là hành khúc chiến thắng hào hùng, kịp thời và phổ biến nhất.

ᴥᴥᴥᴥᴥ

Nhìn chung lại, những tác phẩm được tắm trong không khí chiến đấu, chiến thắng đó quý giá ở nhiều phương diện, nhưng chủ yếu là ở phương diện lịch sử, là sự phản ánh kịp thời không khí và hiện thực lịch sử, ở cả tầm vĩ mô và vi mô.

Trước hết, đó là nét chân thực lịch sử độc đáo duy nhất. Có thể coi các vần thơ, điệu hát, khúc nhạc là sự phản ánh tức thời về thời sự, thời cuộc.

Hữu Thỉnh, người đã có “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (thơ được phổ nhạc), thì giờ đây có “Bữa cơm chiều trong dinh Độc lập”. Vương Trọng có mặt tại Sài Gòn ngày chiến thắng đã ghi lại những hình ảnh bình thản hào hùng kỳ lạ trong Tiếng ve trưa:

Cắm cờ lên đỉnh cuối cùng

Tăng về nép dưới bóng rừng nghỉ ngơi

Cửa tròn vừa mới hé thôi

Nhô đầu ra, ngập một trời tiếng ve

Có lẽ, giây phút chiến thắng vang dội ấy đã chạm tới ký ức chiến tranh nóng bỏng của người lính. Đó cũng là sự đồng hiện của hình ảnh đồng đội.

Anh lính tăng Hữu Thỉnh không quên được kỷ niệm: “Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết/ Em một mình đứng khóc ở sau xe” (Phan Thiết có anh tôi). Còn cô gái Trường Sơn ngày nào: “Hẹn gặp nhé/ Giữa Sài Gòn” (Lá đỏ, Nguyễn Đình Thi) thì nay là bóng dáng cô giao liên hiển  hiện thực sự Trên đường phố Sài Gòn như một hình ảnh lộng lẫy giữa cờ hoa “Vẫn nguyên vành mũ lá sen/ Vẫn đôi dép lốp vốn quen đường rừng”. Và làm sao có thể trộn lẫn hình ảnh con người “Vẫn quân phục cũ nửa chừng/ Dáng em không lẫn giữa rừng người chen”.

Cuộc chiến đấu rực lửa vẫn gắn liền trong ký ức nhà thơ – nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền như nói hộ cho một thế hệ từng cầm súng “Ta đã đem cả tuổi hai mươi/ Để đồng cảm, đồng hành cùng dân tộc”. Lịch sử và thơ ca như đồng hành:

Đường chiến đấu sáng trong như ngọc

Giờ nếu cần, ta đi lại, thơ ơi.

Với khuynh hướng sử thi mạnh mẽ, các nhà thơ lớn lại theo rõi những bước đi thời gian lịch sử. Tố Hữu viết Toàn thắng ắt về ta vào ngày 1/5, Bài ca quê hương  (Kỷ niệm tháng 5 -1975), rồi lại ghi Vui thế, hôm nay vào đầu tháng 8. Đầu tháng 5, Chế Lan Viên viết ngayNgày vĩ đại lại thấy như chưa đủ, phải viết thêm Thơ bổ sung vào ngày 19/5/1975 và ghi chú :Sinh nhật Bác lần thứ 85.

Đó là những vần thơ sử thi phong tặng cho một chiến dịch huyền thoại trong lịch sử.

Thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên tổng hợp lại có thể coi là thơ lịch sử, tức phản ánh lịch sử, có tính lịch sử cụ thể của một thời kỳ rộng lớn. Có thể coi đó là tinh thần, khí thế của một bản Bình Mỹ đại cáo thời nay:

Lịch sử sang xuân Anh vào trận cuối cùng

Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo, quân đi cuồn cuộn

Anh đánh như sét nổ, trời rung

Anh chuyển như lũ dông, bão cuốn

Những vần thơ Toàn thắng ắt về ta cùng ý tưởng với Ngày vĩ đại tạo nên một không khí lịch sử – thời đại:

Sự việc chuyển vào cơn lốc

Thời gian bôn tập

Vần thơ cuồn cuộn “Gió thời đại thổi vào trang giấy… Ta chưa xong một câu thơ thì đã thu hồi hàng trăm dặm đất/ Tin thắng mỗi ngày mọc trước vầng dương”.

Rõ ràng là các nhà thơ muốn gợi lại khí thế thời “Bình Ngô”. Cả trong trận đánh cũng như trận bút một hào khí : “Trúc chẻ ngói tan/ Chẳng thể gì đảo ngược”. Chiến dịch được kể từng ngày: “Buôn Mê Thuật ngày 10 tháng 3 đòn điểm huyệt tuyệt vời/ Rụng Kon Tum, Plei Cu 18 – 19 tháng 3 giặc tháo chạy tơi bời…”. Tố Hữu cũng tả khí thế Đường tiến quân ào ào chiến thắng thật cụ thể: “Chặt Buôn Mê Thuật, rụng cả Tây Nguyên/ Quét sạch Huế, Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng”. Hình ảnh sống động, âm thanh dữ dội như những đoạn phim tua nhanh. Thơ như được lắp ghép, đan lồng với điện ảnh.

Tuy nhiên, cái tầm lịch sử vĩ mô ấy còn bao quát cả những vấn đề nhân sinh xã hội rộng lớn. Không đơn thuần là thơ về chiến thắng, mà còn là thơ về cuộc đời. Thống nhất đất nước là cuộc đại đoàn viên dân tộc. Đã hết thời “Trang giấy nhỏ, nửa đời chia cắt”. Nổi lên là vấn đề con đường đi tới của lịch sử: “Có một thời cho tất cả”.

Tố Hữu hình dung một tương lai rực sáng của đất nước hùng vĩ – sẽ thẳng đường đi tới: “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/ Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa”. Đó là ánh sáng mới của “thời hồng sử/ Mà thơ vàng chói lọi ở từng câu” (Thơ bổ sung).

Những ngày đại thắng, nhân dân ta không khỏi tự hào về nhà tiên tri chiến lược đại tài : “Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng”(ca khúc Phạm Tuyên). Hồ Chí Minh – hiện thân của chiến thắng, được hình tượng hoá qua những vần thơ, lời ca mộc mạc, thân thiết. Mơ thành sự thật, thật mà mơ là khúc hát: “Từ thành phố này Người đã ra đi /Bao năm ước mơ mong Bác trở về”. Điều đó đã thành hiện thực hùng hồn trong tư tưởng, cảm xúc của người dân Sài Gòn: “Bác đã trở về với những đoàn quân”, và cụ thể hơn: “Bác đến từng nhà…”. Hơn nữa, những cuộc “gặp gỡ” huyền thoại và thần kỳ ấy là một tấm lòng lãnh tụ đã nằm sâu trong lòng người, là chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh:

Tình thương của Bác Hồ như bóng mát cây xanh

Toả đến đâu che lòng ta đến đó

Đó là ý tưởng thơ Chế Lan Viên nói khi nhớ về Bác trong ngày đại thắng. Còn Tố Hữu thì nói cách khác – trang trọng mà thân thiết không kém: “Xin dâng lên Bác một mùa hoa/ Cả nước anh em đẹp một nhà” (Vui thế hôm nay).

ᴥᴥᴥ

Lịch sử bao giờ cũng vẫn là lịch sử, tồn tại như một sự thật khách quan.

Thơ văn nghệ thuật một thời là những dấu tích lịch sử. Lời thơ, khúc nhạc, tiếng hát thời đại thắng hào hùng sẽ đi mãi với thời gian, góp phần tạo nên dòng hào khí bất tuyệt của một dân tộc.

Thế hệ ra đời sau Đại thắng Mùa xuân năm ấy, giờ đã vào tuổi trung niên, biết cảm nhận, suy nghiệm đầy đủ và tiếp nối, phát huy truyền thống, hào khí ấy để đi vào cuộc sống, xây dựng hoà bình và hội nhập ngày hôm nay.

Trong những mối quan hệ lịch sử – cụ thể, có khi cần biết “khép lại” quá khứ, nhưng không bao giờ được “đóng lại”, thậm chí còn phải mở ra, “gợi lại” để lấy lại, tăng thêm sức lực và hào khí cho tương lai.

Đó chính là ý nghĩa chính trị – xã hội, cũng là triết lý sâu xa của lịch sử truyền lại cho chúng ta: 

“Có một thời cho tất cả” (Thơ bổ sung, Chế Lan Viên).

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020