Văn học Việt Nam hiện đại

Xuân Diệu giao cảm hồn người


12-10-2020

Xuân Diệu có niềm khát khao giao cảm vô hạn với đời, với người – tức với trần gian, với nhân gian.Đó là một hồn thơ rất khoáng đạt, một hồn thơ hết sức rộng mở trong mọi quan hệ, trong tất cả không gian đời sống và xuyên suốt thời gian lịch sử.

XUÂN DIỆU GIAO CẢM HỒN NGƯỜI

Xuân Diệu có niềm khát khao giao cảm vô hạn với đời, với người – tức với trần gian, với nhân gian.

Đó là một hồn thơ rất khoáng đạt, một hồn thơ hết sức rộng mở trong mọi quan hệ, trong tất cả không gian đời sống và xuyên suốt thời gian lịch sử.

Nhà thơ Xuân Diệu là một biểu tượng giao cảm mãnh liệt hồn thơ, hồn người.

-1-

Xuân Diệu ra đi, từ biệt cõi thế vào một “xứ không màu”, để lại một dấu ấn tiếc thương vô hạn trong tâm hồn người yêu thơ.

Huy Cận kể lại chuyện sinh ly tử biệt của hai người như có thần giao cách cảm.

Ngày 18/12, Xuân Diệu mất lúc 7h40’ thì đúng giờ phút ấy(theo múi giờ) tại Dakar, Senegal, nhà thơ Huy cận bị xuất huyết nặng. Biết tin, qua Paris đổi ngay vé máy bay về nhưng vẫn  lỡ đám tang Xuân Diệu.

Huy Cận – Xuân Diệu là tình bạn đời thường mà mang sắc thái huyền thoại trong lịch sử thơ ca hiện đại. Đúng là, đến khi Xuân Diệu ra đi, thì còn thiếu ít ngày nữa là kỷ niệm Nửa thế kỷ tình bạn Huy – Xuân.

“Nửa thế kỷ tình bạn, nói sao cho xiết. Diệu ơi, ở thế giới bên kia Diệu có còn nghe chăng Cận kể chuyện Huy – Xuân trong hơi thở ấm nồng của tiếng Việt, tiếng Việt mà chúng ta đã yêu tha thiết, yêu da diết như chính hồn của dân tộc, như chính hồn của mỗi chúng ta...”

Trong bài viết về kỷ niệm tình bạn này, Huy Cận đã gửi “Hai bài thơ về tình bạn Huy – Xuân”. Đó là: 1/ Diệu ơi, Diệu đã về yên tịnh (1986) và 2/ Bài thơ mảnh vải (Hà Nội, mùa thu 1943). Bài thứ 2 là bài thư – thơ cảm tạ tấm lòng bạn gửi tặng tấm vải từ Mỹ Tho có mấy dòng tâm huyết: “Dọc ngang tơ chỉ sát gần/ Đi về mấy dạo hai thân một hồn/ Một mai ta chết xin chôn/ Hai ta sát cạnh xương luồn qua xương”. Bài thứ 1 có gửi ước vọng:

Biển lớn băng qua ấy biển đời

Biển vào vũ trụ ánh sao mời

Diệu dò thế giới bên kia trước

Khỏi lạ đường khi Cận tới nơi

Đến nay, Hồi ký song đôi đã viết xong, Huy Cận cũng đi vào thế giới bên kia với Xuân Diệu từ cách đây đã hơn mười năm.

Nguyễn Tuân từng thốt lên: “Nhà thơ Xuân Diệu mất đi, thấy có mang theo một mảng đời văn tôi”. Thế Lữ,  người đầu tiên viết bài giới thiệu Xuân Diệu từ 40 năm trước trong Tựa tập Thơ thơ cũng gửi lời kính viếng hương hồn: “Xuân Diệu, người bạn chí tình, nhà thơ kiệt xuất, người không ngừng chiến đấu cho thơ văn Việt Nam” [3, tr 353]. Nhà thơ Tế Hanh tưởng nhớ Xuân Diệu qua sự giao cảm một tứ thơ siêu phàm ở bài Hy Mã Lạp Sơn: “Sự cao vút của Hy Mã Lạp Sơn chỉ có thể so sánh với sự cao vút của tư tưởng: “Ta lên cao như một ý siêu phàm””. Trong tâm tư Nhớ bạn, Nguyễn Lương Ngọc ghi kỷ niệm ru con bằng hai câu thơ Xuân Diệu mà cảm thán: “Trời! Sao mà tha thiết, sao mà thấm đượm hồn” [3, tr 359].

Tình bạn giữa những bạn văn, bạn thơ từ thời tiền chiến quả là một sự giao cảm thấm thía hồn người. Họ đã từng cùng nhau trải qua bao vui sướng, khổ đau, buồn tủi, phấp phỏng, âu lo, đợi chờ, hoan hỉ, đắm say… một thời.

Với thế hệ sau một chút, cầm  bút từ sau Cách mạng cũng là sự cảm thông, trải nghiệm của người đương thời, người cùng sinh sống, dựng xây, chiến đấu trong một thời đại mới. Hoàng Trung Thông nghĩ sâu xa về Con đường sáng tác của một nhà thơ. Lê Đình Kỷ tôn vinh Xuân Diệu là Nhà thơ lãng mạn tiêu biểu nhất!

Thơ tình Xuân Diệu được nhiều người cảm nhận như một “đặc sản” của hồn thơ lãng mạn ấy (Ngô Văn Phú, Đoàn Thị Đặng Hương,…). Nhà thơ nào hầu như cũng làm thơ tình, nhưng nhiều người cảm nhận được cái sắc màu rất riêng của hồn thơ Xuân Diệu. Đó là cái “cuồng si” trong giấc mơ yêu đương với những câu thơ “khát bỏng” (Biển).

Khám phá cái tôi trữ tình Xuân Diệu trong thơ, nhiều nhà thơ, và nhất là các nhà nghiên cứu đều cảm thụ sâu sắc sự biến hóa của một hồn thơ. Xuân Diệu hòa nhập vào đời, vào người nhờ một hồn thơ đa cảm, nhạy bén tột độ. Thực chất, đó là sự giao cảm, hòa hợp cao độ của tâm hồn giữa cá nhân với cuộc đời, giữa cá thể với cộng đồng.

Xuân Diệu có được tình bạn nồng ấm, tình người thắm thiết và tình đời thấm đượm là nhờ vậy. Hồn thơ ấy đã thiết lập được mối quan hệ thân thiện và thân tình với tất cả một cách trực tiếp như không có một khoảng cách vô hình nào.

Trong một vòng hoa của những bạn đọc trẻ tuổi, có dải băng đậm nét: “Kính viếng hương hồn Anh Xuân Diệu”. Những người yêu thơ đã biết ngày ra đi  nhà thơ đã 69 tuổi, tức 70 tuổi ta – thuộc lớp người “cổ lai hy” (Đỗ Phủ). Vậy mà, trong con mắt người đời, kể cả bạn trẻ, ai cũng thấy thi sĩ trẻ trung, gần gũi, thân thiết.

-2-

Cũng có một lý do rất hiện thực: Xuân Diệu luôn trẻ trung. Bởi vì, nhà thơ luôn gắn bó với thế hệ trẻ. Hình như nhà thơ có nhu cầu giao lưu, giao cảm với những nụ mầm của cuộc sống nhân gian! Với thế hệ đàn em, lúc nào tấm lòng Xuân Diệu cũng như vậy. Nhà thơ lớn được nhận xét là người có bụng liên tài, rất thương mến và quý trọng những tài năng trẻ.

Thiếu Mai kết luận trong bài viết rất tiêu biểu: “Cuối cùng, chúng ta nhớ anh Xuân Diệu là nhớ đến một người anh lớn, đã dành cho các em lòng yêu thương thân thiết và sự săn sóc chí tình” (Nhà thơ thân thiết của chúng ta). Chỉ quan sát vài trường hợp cụ thể, chúng ta cũng thấy rất rõ điều đó.

Câu nói khen Phạm Tiến Duật gây sửng sốt  trong buổi trao giải thưởng thơ (1970) được truyền tụng như một lời sấm truyền: “Lão ô bách tuế xin cúi chào Phượng hoàng sơ sinh”. Đó là cử chỉ bái vọng trong sự so sánh đặc biệt. Nhà thơ lớn tuổi, thành danh – sinh năm 1916, tự nhận mình là “con quạ già” và tôn vinh nhà thơ trẻ - sinh năm 1940, là hình ảnh “con chim phượng hoàng sơ sinh” lộng lẫy, đầy sức sống. Mối quan hệ ấy, trong thực tế thật là đẹp đẽ. Phạm Tiến Duật coi Xuân Diệu là một trong Những người thày cao quý, nhận ra ở Xuân Diệu một sự khiêm tốn thật sự trong việc học hỏi, cầu tiến trong nghệ thuật.: “Xuân Diệu không phải là một người kiêu căng. Ông chỉ sử dụng triệt để vũ khí kiêu căng để chống lại các thứ rác rưởi được bôi màu tồn tại quanh ông… Tôi học cách phóng túng một cách cẩn trọng và cẩn trọng một cách phóng túng của ông Xuân Diệu [1, tr430].Cũng theo Phạm Tiến Duật, thơ của Nguyễn Quang Thiều thời mới xuất hiện, chùm thơ đầu tay, được in trên trang nhất của báo Văn nghệ cùng số có thơ của Xuân Diệu in ở trang trong. “Xuân Diệu khen, bảo rằng in anh em trẻ lên trang nhất là rất cần thiết để khuyến khích họ, in ở chỗ nào thì Xuân Diệu vẫn là Xuân Diệu” [1, tr 621]. Xuân Diệu đã tận tình mách bảo cho Phạm Tiến Duật nhiều điều về nghệ thuật thơ và cả phong cách  sống.

Khi Xuân Diệu được phong tặng danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm nghệ thuật Đức, Phạm Tiến Duật có viết bài tôn vinh với tất cả tấm lòng tri ân, mà cũng rất tri âm, tri kỷ, trích thơ Xuân Diệu để rồi “cảm động lại về trái tim giàu cảm động ấy”, đáp từ “bằng ngôn ngữ của trái tim… rưng rưng một niềm quý trọng và khâm phục” (Nhà thơ Xuân Diệu, 9/2/1985).

Ta đều biết Xuân Diệu có “con mắt xanh” với các tài năng thơ trẻ, đặc biệt là phát hiện thần đồng thơ Trần Đăng Khoa. Nhà thơ trẻ trong Chân dung và đối thoại (1998) đã kể lại mối duyên thơ đằm thắm mà kỳ lạ ấy.

Năm 1968, mới 10 tuổi, Khoa trình làng tập thơ đầu tiên Từ góc sân nhà em. Cũng năm ấy, Xuân Diệu, Huy Cận về dự đại hội Cháu ngoan Bác Hồ ở Nam Sách, ghé thăm gia đình Khoa vào lúc nửa đêm. Theo lời mẹ kể lại, cậu bé biết Xuân Diệu đã mượn cây đèn bão, soi từng giàn trầu, gốc cau, luống mía và mấy cây bưởi, tức là đi tìm gặp những “nhân vật” trong thơ của Khoa. Hôm sau, nhà thơ kéo cậu bé “lẫm chẫm bước vào làng thơ” để tra cứu, cật vấn từng câu, từng chữ, các  hình ảnh thơ. Như tại sao Mưa lại không dùng thể lục bát? Sao lại viết “Ông trời – mặc áo giáp đen”? và “quay” liên tiếp nhiều vấn đề khác.

Mấy tháng sau, 10h đêm ngày 1/6/1968, đã thấy sang sảng giọng Xuân Diệu trong buổi phát thanh Tiếng thơ: “Bố tôi đi cày về/ Đội sấm/ Đội chớp/ Đội cả trời mưa”… Cái may mắn của Khoa, là từ cái duyên hạnh ngộ hồn nhiên ấy. Từ đó, nhà thơ thiếu nhi nhận ra “Xuân Diệu đã trở thành người thầy dạy nghề nghiêm khắc, gần gũi, thân thiết của tôi”. Dạy nghề còn dạy cả cách ứng xử trong đời sống. Như có lần nghe mách chuyện Khoa thật thà chê thơ ai đó, nhà thơ lớn cũng có lời khuyên bảo.

Thơ Trần Đăng Khoa được giới thiệu qua Pháp, và từ đó “bay đi” thế giới thi ca, cũng là do công đầu của Xuân Diệu. Gọi Khoa bằng cháu, hoặc bằng em đôi khi hứng, nhưng đối xử bình đẳng: “Nhưng trong sáng tác, ông coi tôi như một người bạn, người đồng nghiệp. Còn tôi thì luôn biết mình là một người học trò nhỏ bé của ông” (Xuân Diệu – người thầy, người bạn lớn).

Sự gặp gỡ của Xuân Diệu với những Trần Đăng Khoa, Khánh Chi… hoặc Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm,  Thanh Thảo… chính là sự giao cảm của những hồn thơ còn tuổi  thanh xuân với một hồn thơ đang giàu sức trẻ. Hoài Thanh đã phát hiện từ rất sớm hiện tượng này: “Chỉ những người lòng còn trẻ mới thích Xuân Diệu, đã thích là phải mê”. Đây là một hiện tượng lịch sử, “Bổn phận của chúng ta với văn chương Nam Việt, chẳng phải là thấu hiểu để yêu mến những tài văn mới lớn lên hay sao?” (Ngày nay số 166, ngày 17/6/1939).Ta nhớ Xuân Diệukhi tham gia Việt Minh đã  từng diễn thuyết  đề tài Thanh niên với quóc văn trước đông đảo sinh viên để khơi dây lòng yêu nước và cách mạng. Quan điểm ấy  của Xuân Diệu thể hiện rất rõ rệt, cụ thể với các nhà thơ trẻ ngày nay và cả ngày mai nữa.

Dường như Xuân Diệu đã xoá bỏ quan niệm “văn nhân tương khinh” đối với các nhà thơ trẻ. Điều căn cốt là vì, Xuân Diệu là một trái tim đầy vị tha – trong đời cũng như trong thơ, nhất là trong quan hệ  thơ. Tập Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ (Văn học, 1961) là tất cả tâm huyết, ruột gan của một nhà thơ lớn – “người thợ cả” của nghề thơ. Từ những trải nghiệm của bản thân, Xuân Diệu chứng tỏ được hết tấm lòng quan thiết, chi chút, thương mến và thành tâm xây dựng thế hệ các nhà thơ trẻ cho tương lai thơ ca dân tộc.

Xuân Diệu rất thuỷ chung với quan niệm nghệ thuật thơ: “Ở trong xứ sở của thơ, chúng ta rất mực chú ý, mong đợi, tìm tòi ở những bạn làm thơ trẻ… Mặt khác, chúng ta cũng hướng về những bạn làm thơ trẻ để tìm những tài năng mới, khơi ra được những dòng suối xuân trong tứ thơ, đem đến những giọng điệu mới mẻ”  ( Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ ). Câu nói được khắc ghi vào tâm hồn thơ trẻ: “Xin gửi muôn quý ngàn  yêu đến cho những bạn trùng  trùng làm thơ trẻ hiện nay”, cũng là để nói cho muôn đời thơ trẻ mai sau như một lời trăng trối . Tham luận “Sự uyên bác với việc làm thơ” là một văn bản như “di chúc” cho Hội nghị các nhà văn trẻ toàn quốc năm 1985 dự định đọc vào 19/12.Thật xúc động ,hôm đưa tang,  có đến một tiểu đội các nhà thơ trẻ đã ken nhau khiêng linh cữu nhà thơ để tiễn đưa Xuân Diệu về chốn vĩnh hằng.

-3-

Đi trước rất nhiều các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, Xuân Diệu có tiểu luận Ba thi hào dân tộc (1959). Sau đó, ít lâu,  năm 1961, tiểu luận Hồ Xuân Hương – Bà chúa thơ Nôm ra đời.

Đó là lý do vì sao Chế Lan Viên coi Xuân Diệu là cả một Viện Nghiên cứu – trong đó ông vừa là Viện trưởng, Viện phó, kiêm làm nhiệm vụ của một nhân viên phục vụ (loong toong) – nghĩa là từ A đến Z! Điều quan trọng nhất là, Xuân Diệu “chỉ một mình” mà “viết hầu hết các danh nhân văn học, lại viết hay khó ai thay được!” (Vĩnh biệt Xuân Diệu).

Tìm hiểu gia tài văn học của ông cha, đối với Xuân Diệu, là cả một trách nhiệm hết sức tự nguyện, có thể coi là lương tâm nghề nghiệp. Sáng tác lại kiêm phê bình nghiên cứu, dĩ nhiên phải có tài năng đặc biệt. Bởi, sẽ gặp vô vàn rào cản về không gian, thời gian, văn bản, thư tịch… Chỉ riêng Nguyễn Du đã có bao nhiêu việc cần khảo cứu, bao nhiêu vấn đề về bản gốc, bản dịch Nôm. Và, quan trọng hơn cả là đã có bao nhiêu quan điểm đánh giá trên những lập trường về giai cấp, chính trị, tôn giáo, triết lý khác nhau qua các thời kỳ diễn tiến lịch sử.

Cái khó căn bản là phải tìm hiểu lịch sử đã đành, nhưng khó hơn nữa là phải có quan điểm lịch sử khoa học, chính xác: vừa thấu hiểu lịch sử để tìm ra những hạn chế  thời thế, vừa phải vượt lịch sử với tâm thế của con người hôm nay.

Tuy nhiên, Xuân Diệu  đã có một sức mạnh hiếm có của một thi nhân: đó là sự giao cảm của hồn thơ mẫn tiệp, sự giao cảm bằng cả trái tim và khối óc.

Tiến về ông cha là hồn tìm lại hồn, thơ đến với thơ…Là sự gặp gỡ, kỳ lạ, linh diệu của những hồn thơ, hồn văn. Lấy xưa – lịch sử để hiểu xưa đã đành, lấy nay – hiện đại để thấu xưa lại càng phải có biệt tài. Đứng ở góc độ khát khao giải phóng cá nhân để thông cảm với khát vọng của Hồ Xuân Hương, đứng ở tầm văn hoá, văn hiến ở chủ nghĩa nhân đạo cách mạng để đánh giá và tôn vinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Vậy là, cái Tâm cùng với cái Tầm đã làm nên thành công của sự giao cảm nghệ thuật xưa nay của nhà thơ lớn Xuân Diệu. Đó cũng là sự kết hoà của phẩm chất thi nhân – nghệ sĩ Xuân Diệu. Hơn hẳn các nhà nghiên cứu hàn lâm, Xuân Diệu luôn có tư cách người cùng sáng tác, địa vị phẩm cách một nhà sáng tạo nghệ thuật: “Lòng Xuân Hương là lửa, tay Xuân Hương có điện, nên các chữ đều sống cả lên”.

Những kiểu viết như thấu tâm can tác gia xưa, cũng như đến cả nhân vật của tác phẩm đều như vậy, kiểu viết vừa kiệt tác vừa đam mê: “Trời đất ơi! Tú Bà nói không đầy nửa phút, mà bọt mép của mụ văng ra mãi đến ngàn năm. Tưởng như mụ đã xé xác người trần, cái con hổ cái! Tưởng như mụ nói rách cả trang giấy Truyện Kiều”. Như khi đọc bình thơ của Xuân Diệu, thêm một lần nữa, trái tim ta lại xúc động, phẫn nộ cùng với Nguyễn Du.

Quả thật, Xuân Diệu từ cách giao cảm hồn thơ xưa đã tạo ra được mạch liên tưởng hồn  người xưa -  nay một cách kỳ diệu.

Giao cảm tình người Xuân Diệu chính là sự giao cảm tâm hồn giữa các thế hệ. Sức mạnh tâm hồn Xuân Diệu vừa hấp dẫn, vừa lan tỏa, tạo nên sự dẫn truyền của “lửa”, của “điện”  giữa những  người xưa, người nay và cả mai sau.

Xuân Diệu đặc biệt có con mắt xuyên thấu thời gian, nhìn về quá khứ xa xôi của văn học, văn hóa dân tộc. Sự giao cảm hồn thơ tuyệt vời, kỳ diệu đã làm nên các tác phẩm công phu và khảo cứu di sản thơ ca nổi tiếng.

-4-

Xuân Diệu có đôi cánh thơ kỳ diệu (Hồn tôi đôi cánh). Đó là sự hòa trộn giữa lãng mạn và hiện thực, cũng chính là ước mơ và tin tưởng, khát vọng và tình yêu…

Xưa kia, đôi cánh ấy đã từng bay khắp nơi, lên tận đỉnh Hy Mã Lạp Sơn với ảo tưởng: “Ta là một, là riêng, là thứ nhất” đầy ngạo mạn với cái Tôi cá nhân chủ nghĩa: “Không có ai bè bạn nổi cùng ta”. Sau này, nhờ sức đẩy của làn gió cách mạng, hồn thơ đã xác định hướng bay chính xác vào một thiên hạ mới, một nhân gian mới.

Hồn thơ tìm được sự giao cảm ở những chân trời bè bạn mới.

Xưa nay hoa nhiều lắm trong hồn thơ, hồn người. Có hoa thực và cả hoa mơ. Dân dã như hoa bưởi trong Thơ thơ và Gửi hương cho gió; thanh khiết như hoa nhài (Hoa đêm); trang trọng như hoa ngọc trâm (Hoa ngọc trâm), dạ lan (Hoa nở sớm)… Thế giới hoa ấy lại lung linh kỳ ảo hương sắc với hoa linh lan ở trời Tây – Paris hay Moscow – những bông hoa xuyên qua tuyết, những bông hoa dưới tuyết! Rồi cả những bông hồng ở xứ sở Hoa hồng.

Xét cho cùng, “Nhà thơ khát khao thiên cảm về cuộc sống” (Blaga Dimitrova) chính là khát khao giao cảm với đời, với bè bạn trên đời. Qua hồn hoa chính là hồn người.

Xuân Diệu từng có nhiều dịp đến với bạn bè qua thăm viếng, hội thảo, giao lưu. Nhà thơ làm sứ giả hữu nghị: vừa truyền bá văn học dân tộc, vừa thu lượm văn hóa nhân loại.

Ngay từ thời Thơ mới, Xuân Diệu đã làm quen và giao lưu với biết bao danh nhân văn học Âu Tây, chủ yếu là Pháp: Charles D’ Orléans, Paul Claudel,  Pierre de Ronsard rồi Alfonse de  Lamartine,Alfred de Musset,Charles Beaudelaire  , Paul Verlaine… Sau này, là cả thế giới Đông Âu, rồi cả Mỹ Latinh và cả Á Phi.

Gửi hương cho gió cùng với lượm Hương đời. Công trình dịch thuật của Xuân Diệu cũng thật đồ sộ: Thi hào Nazim Hikmet, V.I.Lenin (của Maiacovski); Vây giữa tình yêu (của Blaga Dimitrova); Nicolas Ghillen (Cuba), Những nhà thơ Bungaria, Chiêm ngưỡng của Victor Hugo, Ngụ ngôn La Fontaine … Riêng về Nga là các nhà thơ cổ điển và hiện đại lớn lao: Pushkin, Exenhin, Antonconski, Simonov, Evtusenco,… Rồi giới thiệu tác gia thơ Á Phi… Thơ Xuân Diệu cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới: Nga và nhiều nước ở Liên Xô (cũ), Ba Lan, Hungaria, Đức, Pháp, Mỹ, Ấn Độ…

Hồn thơ gặp hồn thơ, giao lưu, giao cảm và tri âm, tri kỷ. Chính vì vậy, Xuân Diệu là nhà thơ hội nhập sớm nhất – kể cả từ trước và sau 1945. Trước kia là tự phát, sau là tự giác với ý thức quốc tế.

Xuân Diệu có nhiều bè bạn, trong đó đặc biệt là các nhà thơ Liên Xô (cũ). Với các nhà thơ nữ là sự thân thiết với Mireille Gansel (Pháp), Blaga Dimitrova (Bulgaria) và Amrita Pritam (Ấn Độ): có giao tiếp, giới thiệu và cả làm thơ tặng nhau. Ngày Xuân Diệu mất, cả gia đình nữ sĩ Blaga Dimitrova để tang.

Xuân Diệu là nhà thơ mang tầm vóc quốc tế. Cũng không hẳn vi đi nhiều nơi, đây đó và được tôn vinh là Viện sĩ Viện Hàn lâm Cộng hòa Dân chủ Đức. Đó là kết quả của giao lưu, giao cảm của một hồn thơ đã thuộc về nhân loại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phạm Tiến Duật (2009), Toàn tập, Hội Nhà văn.

[2] Trần Đăng Khoa (1998), Chân dung và đối thoại, Thanh niên.

[3] Nhiều tác giả (1998), Xuân Diệu – Về tác gia và tác phẩm, Giáo dục.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020