Văn học Việt Nam hiện đại

Lí luận dịch thuật hậu thực dân


12-10-2020

Hiểu theo cách truyền thống, dịch thuật được cho là dùng các phương thức cơ giới để đem ý nghĩa của văn bản gốc chuyển sang văn bản dịch mà nguyên nghĩa không thay đổi. Bởi vậy, theo quan điểm truyền thống, dịch thuật chủ yếu dựa trên sự phân tích ngôn ngữ, đối chiếu văn bản, chú trọng sự trung thực và chuẩn xác. Tuy nhiên, vào cuối những năm 80 của thế kỉ 20, xuất hiện một cách nhìn khác về dịch thuật, đó là nghiên cứu dịch thuật dưới góc độ của chủ nghĩa hậu thực dân, hình thành nên một lí thuyết hoàn toàn mới về dịch thuật – lí luận dịch thuật hậu thực dân.

Dịch thuật là con đường hữu hiệu để giao lưu văn hóa. Bởi vậy, ngay từ rất sớm, dịch thuật đã ra đời để kéo gần khoảng cách và kết nối các nền văn hóa khác nhau. Hiểu theo cách truyền thống, dịch thuật được cho là dùng các phương thức cơ giới để đem ý nghĩa của văn bản gốc chuyển sang văn bản dịch mà nguyên nghĩa không thay đổi. Bởi vậy, theo quan điểm truyền thống, dịch thuật chủ yếu dựa trên sự phân tích ngôn ngữ, đối chiếu văn bản, chú trọng sự trung thực và chuẩn xác. Tuy nhiên, vào cuối những năm 80 của thế kỉ 20, xuất hiện một cách nhìn khác về dịch thuật, đó là nghiên cứu dịch thuật dưới góc độ của chủ nghĩa hậu thực dân, hình thành nên một lí thuyết hoàn toàn mới về dịch thuật – lí luận dịch thuật hậu thực dân. Lí luận này đã mở rộng phạm vi dịch thuật truyền thống với tư cách là một lĩnh vực của ngôn ngữ học để đặt dịch thuật vào phạm vi nghiên cứu liên ngành, dưới một khung văn hóa chính trị rộng lớn, với những quan hệ quyền lực, ngữ cảnh văn hóa lịch sử phức tạp.

1. Vài vấn đề cơ bản về Chủ nghĩa hậu thực dân

Lí luận chủ nghĩa hậu thực dân là một bộ phận của lĩnh vực nghiên cứu liên ngành và lí luận văn hóa, chịu ảnh hưởng sâu sắc diễn ngôn quyền lực của Foulcault, chủ yếu dựa vào nhân loại học, xã hội học, nghiên cứu nhân chủng, đạo đức, phê bình văn hóa, lịch sử, phân tích tâm lí và triết học chính trị,… để khảo sát các loại văn bản văn hóa và hành vi văn hóa. Cuối những năm 80 của thế kỉ 20, Chủ nghĩa hậu thực dân nổi lên bất ngờ như một “dị quân” trong lí luận văn học phương Tây. Là một loại diễn ngôn phê bình lí luận cấp tiến, lí luận hậu thực dân đã chuyển trung tâm nghiên cứu của văn học từ nghiên cứu văn bản sang nghiên cứu những vấn đề văn hóa chính trị, hiển thị sự chuyển hướng của lí luận phê bình văn học phương Tây dưới bối cảnh hậu hiện đại chủ nghĩa.

Chủ nghĩa hậu thực dân chủ yếu nghiên cứu sự xâm lăng văn hóa của chủ nghĩa đế quốc, sự trói buộc của chủ nghĩa thực dân, quan hệ quyền lực văn hóa giữa mẫu quốc và thuộc địa; quan tâm đến sự khác biệt địa vị văn hóa; sự tranh đấu quyền lực giữa các nền văn hóa bất bình đẳng. Cụ thể về lĩnh vực nghiên cứu của lí luận hậu thực dân, Douglas Robinson đưa ra 3 lĩnh vực:

Thứ nhất, nghiên cứu tình hình sau độc lập của các cựu thuộc địa châu Âu: những thuộc địa này trong quá trình độc lập, đã ứng đối, thích ứng, đề kháng hoặc vượt qua những di tồn văn hóa của chủ nghĩa thực dân như thế nào? Hậu thực dân ở đây chỉ các nền văn hóa sau khi kết thúc thời đại thực dân, tức là giai đoạn lịch sử khoảng nửa sau thế kỉ 20.

Thứ hai, nghiên cứu tình hình cựu thuộc địa châu Âu từ thời đại thực dân đến nay: những thuộc địa này sau khi bị thực dân đã ứng đối, thích ứng, kháng cự và vượt qua di tồn văn hóa của chủ nghĩa thực dân như thế nào? Ở đây, “hậu thực dân” chỉ các loại văn hóa thuộc về khoảng thời gian sau khi thời đại thực dân bắt đầu, thời kì này bắt đầu từ thế kỉ 16 đến bao trùm cả thời hiện đại.

Thứ ba, nghiên cứu quan hệ quyền lực giữa các nền văn hóa, xã hội, quốc gia, dân tộc khác nhau, những người chinh phục văn hóa đã làm như thế nào để khiến cho văn hóa bị chinh phục chịu phục tùng theo ý muốn của nó; văn hóa bị chinh phục đã ứng đối, thích ứng, kháng cự và khắc phục như thế nào trước sự đàn áp chính trị này? Tại đây, “hậu thực dân” bao gồm quan điểm của chúng ta được hình thành trong cuối thế kỉ XX về quan hệ giữa chính trị và văn hóa. Giai đoạn lịch sử này bao trùm toàn bộ lịch sử nhân loại. [1]

2. Dịch thuật dưới góc độ của lí luận hậu thực dân

2.1. Lịch sử khái niệm

Lí luận dịch thuật hậu thực dân là một hệ thống khái niệm, phán đoán, tri thức liên quan đến dịch thuật được xây dựng trong hoàn cảnh phê bình hậu thực dân. Phả hệ tri thức của nó có thể truy nguyên đến tận nghiên cứu của các lí luận gia đầy uy tín của chủ nghĩa hậu thực dân Eward Said, Homi Bhabha, G.Spivak…– những người sáng lập và kiến lập cho trào lưu này. Nhưng sự xuất hiện chính thức của lí luận dịch thuật hậu thực dân lại được tính công cho Douglas Robinson, S. Bassnett, Maria Tymoczko, H.de Compos ,…trong những năm cuối thập kỉ 90 của thế kỉ 20 bởi những công trình nghiên cứu có tính đột phá của họ, mà điển hình là “Dịch thuật và đế quốc: giải thích lí luận hậu thực dân” (Douglas Robinson), “Dịch thuật hậu thực dân: lí luận và thực tiễn” (Susan Bassnett và Harish Trivedi hợp biên), “Dịch thuật dưới ngữ cảnh hậu thực dân: bản dịch Anh ngữ về thời kì đầu của văn học Irland” (Maria Tymoczko),…đều xuất bản năm 1997. Những trước tác này trực tiếp nghiên cứu mối quan hệ giữa lí luận hậu thực dân và nghiên cứu dịch thuật, tác dụng của dịch thuật trong quá trình thiết lập và giải thể của chủ nghĩa đế quốc bá quyền văn hóa và lí luận lấy Âu Mĩ làm trung tâm.Thuật ngữ “nghiên cứu dịch thuật hậu thực dân” lần đầu được đưa ra vào năm 1997 do Douglas Robinson – nhà lí luận người Mĩ gốc Phần Lan đề xuất và đang trở thành một trong những lí thuyết quan trọng về dịch thuật hiện nay.

2.2. Dịch thuật dưới sự khác biệt quyền lực văn hóa

Lí luận dịch thuật hậu thực dân được dựa trên nền tảng cơ sở lí luận của chủ nghĩa hậu thực dân, từ góc nhìn hậu thực dân khảo sát hoạt động dịch thuật trong những điều kiện lịch sử khác nhau, quan tâm đến điều kiện chế ước bên ngoài của sự ra đời bản dịch và tác dụng của bản dịch sau khi ra đời đối với các mục tiêu văn hóa, đồng thời thông qua nghiên cứu mối quan hệ giữa bản dịch và điều kiện lịch sử để làm lộ ra ngầm ẩn phía sau bản dịch sự vận hành và đấu tranh quyền lực của ngôn ngữ nguồn (ngôn ngữ văn bản gốc) và ngôn ngữ đến (ngôn ngữ văn bản dịch). Bởi vậy, lí luận dịch thuật chủ nghĩa hậu thực dân thực chất là một diễn ngôn phê bình văn hóa, chịu ảnh hưởng sâu sắc của sự khác biệt quyền lực giữa các nền văn hóa mạnh (phương Tây) và các nền văn hóa yếu (phương Đông).

Chủ nghĩa hậu thực dân cho rằng, cũng như sáng tác, dịch thuật đã chạm lại vấn đề thân phận văn hóa. Nói như Nuveti “dịch thuật là sự kiến tạo lại thân phận văn hóa”[2] . Địa vị của văn hóa gốc trong bản dịch, thái độ của dịch giả, nhà xuất bản và kì vọng của độc giả đều gây ảnh hưởng đến quá trình dịch thuật. Do đó, dịch thuật không chỉ là sự chuyển ngữ, mà còn mang một phạm vi rộng lớn hơn, đó chính là sự chênh lệch về quyền lực giữa hai loại văn hóa. Bất cứ hoạt động dịch thuật nào cũng đều bị quy định bởi điều kiện lịch sử, hoàn cảnh xã hội và thực tiễn ngôn ngữ nhất định. Lập trường của dịch giả, mục đích của dịch giả, thiên kiến của dịch giả,…đều lưu lại dấu vết nơi bản dịch. Hoạt động dịch thuật không phải là sự làm việc trong chân không, không hề thuần khiết, nguyên chất, sáng tác văn bản cũng không phải tiến hành mà không có bất cứ yếu tố ngoại giới nào can thiệp, quan điểm của dịch giả không phải hoàn toàn trung lập, các loại quyền lực xã hội đều thẩm thấu vào đó, nó biểu hiện dưới những hình thức diễn ngôn khác nhau, thể hiện sự đồng hóa của văn hóa trung tâm với văn hóa bên lề, sự miệt thị giữa văn hóa mạnh phương Tây với văn hóa yếu phương Đông. Điều này thể hiện trong tất cả các khâu, từ số lượng dịch thuật, chọn lựa văn bản dịch thuật, phương pháp dịch thuật đến bình luận bản dịch, tiếp nhận bản dịch,…

Về số lượng dịch thuật, nền văn hóa yếu có khuynh hướng dịch và giới thiệu trên quy mô lớn về nền văn hóa mạnh, nhưng nền văn hóa mạnh thì hoàn toàn ngược lại. Trong một thời kì dài, dịch thuật là hoạt động đơn hướng dịch từ ngôn ngữ phương Tây sang ngôn ngữ các dân tộc phương Đông. Từ góc nhìn của phương Tây, thế giới thứ ba là dã man, lạc hậu, mông muội. Chỉ có thể thâu nhập văn minh tiên tiến của phương Tây, văn hóa của các dân tộc này mới có thể phát triển. Do đó trong thời kì thực dân, rất hiếm có tình trạng ngôn ngữ các dân tộc phương Đông được dịch sang ngôn ngữ các dân tộc phương Tây. Ngay cả ở thời kì hậu thực dân, đối với các nhà xuất bản lớn ở Anh và Mĩ, hình thức chủ yếu trong giao dịch thương mại sách báo quốc tế, nghiệp vụ chủ yếu là đem bản quyền phiên dịch của sách báo Anh Mĩ bán đi chứ không phải đem bản quyền phiên dịch của sách báo các quốc gia khác nhập vào. Theo Venuti, từ những năm 50 của thế kỉ 20 trở lại đây, tổng lượng xuất bản sách báo của các quốc gia Anh Mỹ tăng gấp 4 lần, nhưng dịch sách chỉ chiếm khoảng từ 2 đến 4 %. Trong năm 1990, Anh xuất bản 63980 loại sách, Mỹ xuất bản 46743 loại sách, sách dịch khác chỉ có 1380 loại (chiếm 2.96%).[3] Nhưng tình hình tại các quốc gia thuộc nền văn hóa yếu lại hoàn toàn ngược lại. Học giả Ấn Độ Ganesh Devy trong “Dịch thuật và lịch sử văn học – từ góc nhìn Ấn Độ” cho rằng, trên một ý nghĩa nào đó, “lịch sử văn học Ấn Độ chính là lịch sử dịch thuật”[4].  Học giả Trung Quốc Vương Khắc Phi trong “Lịch sử văn hóa dịch thuật” cũng chỉ ra ở Nhật Bản, “Văn học sử thời Minh Trị chính là phiên dịch”[5]. Từ khảo chứng, có thể thấy giữa văn hóa mạnh và văn hóa yếu tồn tại tình trạng đơn hướng trong dịch thuật và số lượng dịch thuật có quan hệ mật thiết với sự khác biệt về quyền lực giữa các nền văn hóa.

Sự khác biệt về quyền lực văn hóa cũng ảnh hưởng đến phương diện mục đích dịch thuật và lựa chọn đề tài văn bản dịch. Eward Said trong “Đông phương học” đã chỉ ra “Đông phương” là một khái niệm đầy phi lí mà người phương Tây sáng tạo ra, để định vị một nơi đối ứng với trung tâm “phương Tây”, tiêu biểu cho sự nguyên thủy, thần bí, lạc hậu của “kẻ khác”. Hình tượng “phương Đông” đã cường điệu hóa sự ưu việt của phương Tây, củng cố thêm một bước địa vị văn hóa của phương Tây, và khiến cho văn hóa phương Đông bị đẩy thêm một bước vào vị trí bên lề. Một mặt, trong con mắt của người phương Tây, phương Đông là tiêu biểu cho sự lãng mạn, thần bí, phong cảnh tươi đẹp, hồi ức khó quên, lịch sử phi phàm. Sắc thái mĩ diệu của văn hóa nước khác khiến cho chủ nghĩa đế quốc nảy sinh dục vọng chinh phục. Mặt khác, phương Đông lại là nơi để chủ nghĩa đế quốc cường điệu hóa về một “kẻ khác” suy yếu, ấu trĩ, lười biếng, mê muội, tất cả chỉ để hiển thị rõ hơn một văn hóa phương Tây ưu việt bội phần. Do đó, nhìn từ mục đích dịch thuật, học giả phương Tây thường không có ý muốn truyền bá văn hóa và giao lưu học thuật, mà chỉ nhằm mục đích đi tìm những điểm yếu của văn hóa phương Đông, để chứng minh sự ưu việt tuyệt đối của phương Tây. Do đó, khi lựa chọn dịch văn bản văn hóa phương Đông, họ thường tìm đến những tác phẩm phù hợp với khẩu vị của mình về nền văn hóa yếu. Những văn bản thể hiện văn hóa phương Đông nguyên thủy, bí mật, lạc hậu thường trở thành lựa chọn đầu tiên của dịch giả phương Tây, đồng thời dịch đi dịch lại, xem nó như loại hình kinh điển của văn hóa phương Đông. Ví dụ, học giả Mỹ Andrew Jones trong “Văn học Trung Quốc trong thế giới kinh tế văn học”[6] chỉ ra độc giả Anh Mỹ ảnh hưởng như thế nào đến dịch thuật văn học hiện đại Trung Quốc. Tiểu thuyết “Biên thành” của Thẩm Tùng Văn nhận được sự đánh giá rất cao từ phương Tây, bởi sự miêu tả của Thẩm Tùng Văn về vùng nông thôn phía Tây Hồ Nam hẻo lánh hoang vu lạc hậu trong tác phẩm phù hợp với tưởng tượng của độc giả Anh Mỹ về một Trung Quốc còn bí ẩn, mông muội, xa xôi. Do đó bản dịch Anh ngữ của cuốn tiểu thuyết sớm được trình diện thế giới, sức ảnh hưởng của nó lớn đến nỗi đó là cái đích để nhiều tác giả văn học đương đại Trung Quốc hướng đến nhằm mục đích nổi danh. Học giả Ai Cập Richard Jacquemond trong “Bá quyền văn hóa và dịch thuật : trường hợp dịch thuật tiếng Pháp và tiếng Ả rập” đã phân tích tình trạng tiếng Pháp và tiếng Ả Rập phiên dịch lẫn nhau, cho rằng, thành công của nhà văn Ai Cập Naguib Mahfouz – chủ nhân của giải Nobel văn học năm 1988 nằm ở chỗ tác phẩm của ông ta tiềm ẩn những giá trị quan của phương Tây. Do sáng tác văn học của Naguib Mahfouz có khả năng diễn tả tận cùng, thỏa mãn sự tưởng tượng của xã hội châu Âu một cách đầy đủ về một Ai Cập – kẻ khác, đồng thời hướng đến thứ văn học kinh điển của chủ nghĩa tự nhiên phương Tây, do đó tác phẩm của ông ta được chọn dịch ra tiếng châu Âu, tự nhiên dành được sự tán thưởng và yêu thích của độc giả phương Tây.

Về phương pháp dịch thuật, lí luận dịch thuật hậu thực dân quan niệm có hai phương pháp dịch thuật phổ biến: một là, áp dụng thái độ của chủ nghĩa dân tộc, khiến văn bản nước ngoài phù hợp với giá trị quan văn hóa nước mình, khiến nguyên ngữ phục tùng dịch ngữ; hai là, phục tùng ngôn ngữ và văn hóa của văn bản nước ngoài, đem độc giả nước mình vào hoàn cảnh ngoại quốc. Phương pháp thứ nhất thuộc “sách lược quy hóa”, phương pháp thứ hai thuộc “sách lược dị hóa”. Các nền văn hóa mạnh đa số áp dụng sách lược quy hóa, các nền văn hóa yếu thì ngược lại, áp dụng sách lược “dị hóa”. Do tự tin về sức mạnh văn hóa của mình, phương Tây xem thường văn hóa của “kẻ khác”,  coi văn hóa của “kẻ khác” là lạc hậu, không đáng để ý, khi phiên dịch văn bản thuộc về nền văn hóa yếu phương Đông, phương Tây thường không tiếp nhận trong văn bản của văn hóa yếu những thành phần mang đặc trưng giá trị văn hóa phương Đông khác với mình. Bởi thế, trong thao tác dịch, họ lựa theo khẩu vị của độc giả, không tiếc sửa chữa, xóa bỏ những chỗ không phù hợp trong nguyên bản. Kèm theo sự chinh phục về kinh tế, chính trị, quân sự, phương Tây còn muốn cầm tù phương Đông trên phương diện văn hóa. Do đó, văn bản thuộc về nền văn hóa yếu phương Đông thường trở thành đối tượng để họ tùy ý xâu xé, nhưng văn bản của chính họ thì lại trở thành một mẫu mực để “kẻ khác” mô phỏng. Trong “Sự ẩn hình của dịch giả”[7], Venuti đã tiến hành khảo sát lịch sử dịch thuật phương Tây hơn 200 năm trước, chỉ ra dịch thuật Anh Mĩ từ thế kỉ 17 đã lấy “phiên dịch lưu loát”, “phiên dịch thông suốt” làm chủ đạo trong sách lược dịch thuật phục tùng. Theo Venuti, khi dịch văn bản nước ngoài, Anh Mĩ thường có khuynh hướng áp dụng sách lược “quy hóa” (phục tùng hóa), ra sức xóa bỏ ngôn ngữ, sự khác biệt văn hóa trong văn bản gốc, đồng hóa văn bản gốc vào văn hóa Anh Mĩ, khiến văn bản dịch trở nên dễ hiểu, và độc giả thì ngây ngất trong khoái cảm được biến văn hóa khác trở thành văn hóa của chính mình. Ví dụ, Ezra Pound trong bản dịch thơ ca Trung Quốc cổ điển “Thần Châu tập” đã hiển nhiên chọn dùng phương pháp “phục tùng hóa”. Trình độ đồng hóa của nó cao đến nỗi để đại đa số các phê bình gia xem đây là một “một tập thơ ca nước Anh dựa trên tài liệu thực tế của Trung Quốc”. Trong “Dịch thuật và Đế quốc: giải thích lí thuyết hậu thực dân” (Translation and Empire: postcolonial Theories explained), Robinson đã trình bày nghiên cứu của Niranjana khi nghiên cứu về vấn đề phiên dịch văn hóa Ấn Độ của người Anh. Niranjana chủ yếu phân tích nước Anh đã thông qua tiếng Anh để phiên dịch pháp luật, văn học của người Ấn Độ như thế nào để tiến tới đồng hóa người Ấn Độ thành người Anh hoặc làm cho người Ấn Độ nhìn người Anh như những người bảo hộ với những đặc trưng mới. Đây là một bộ phận quan trọng của quá trình thực dân hóa. Người Anh dựa vào hai loại phương thức để tiến hành đồng hóa người Ấn Độ: một là, ra sức khiến cho người Ấn Độ duy trì trạng thái văn hóa thấp vốn có của mình, hai là đồng hóa người Ấn Độ để đạt tới trình độ cao nhất là “giống hệt người Anh”. Dịch thuật đã không chỉ giúp người Anh đạt được mục đích nói trên, thậm chí còn giúp người Anh mỹ hóa những hành vi hung ác của mình đối với người Ấn Độ.

Ngược lại, đối diện với những thành tựu của phương Tây, các nền văn hóa yếu thường kế tục, mượn dùng mà quên kiến lập một hệ thống văn hóa đặc thù của riêng mình. Như vậy, dịch thuật đã tiến thêm một bước trong tăng cường trật tự đẳng cấp của văn hóa Đông – Tây. Vị trí văn hóa của phương Tây được củng cố thêm một bước còn văn hóa phương Đông bị bên lề thêm một bước. Hình tượng phương Đông lạc hậu, thần bí, dã man thêm một bước được hợp pháp hóa. Một số nền văn hóa phương Đông còn có khả năng bị mất căn cước văn hóa của riêng mình. Nhưng sự thực dân hóa này không chỉ nằm trong tâm thức của người phương Tây, mà còn dần dần được người phương Đông thừa nhận, khiến họ sản sinh ra tâm lí tự coi nhẹ chính mình. Kết quả của nó là văn hóa phương Đông không ngừng bị đồng hóa, phai nhạt, biến sắc, tiếng nói của người phương Đông không ngừng bị thu nhỏ lại trở thành người mô phỏng phụ thuộc vào văn hóa phương Tây. Do đó, dưới góc nhìn của lí luận hậu thực dân, dịch thuật không chỉ là sự chuyển hoán ngôn ngữ, mà còn liên hệ mật thiết với các hình thái ý thức chính trị, văn hóa. Với tư cách là sản phẩm của tiếp xúc văn hóa mà sinh ra, dịch thuật là một loại thực tiễn biểu ý dưới tác dụng của quan hệ quyền lực giữa các chủng tộc và các dân tộc bất bình đẳng chứ không phải chỉ là một trò chơi ngôn ngữ được tạo ra do việc tìm kiếm sự “trung thực”, “chính xác”, cũng không chỉ là sự thể hiện kĩ xảo chuyển ngữ đơn thuần.  Dịch thuật trở thành sản phẩm của sự đối thoại bất bình đẳng giữa các nền văn hóa mạnh và các nền văn hóa yếu. Vấn đề dịch thuật văn bản không chỉ là vấn đề của quá trình chuyển hoán ngôn ngữ, mà quan trọng hơn, là vấn đề do sự khác biệt về quyền lực văn hóa tạo thành. Dưới áp lực chính trị, dịch thuật đã trở thành phương tiện để khuếch trương văn hóa phương Tây, một công cụ trong quá trình thực dân hóa.

2.3. Dịch thuật như một công cụ giải thực dân hóa

Bắt đầu từ thập niên 40-60 của thế kỉ 20, sự giải thể của hệ thống thực dân đã phát triển một phong trào nghiên cứu giải bá quyền văn hóa và ngôn ngữ. D.Robinson cho rằng dịch thuật một mặt là một con đường thực dân hóa, nhưng mặt khác, còn có thể cứu vớt sự bất bình đẳng về văn hóa sau sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân, tiếp nữa, dịch thuật còn là một giai đoạn của con đường phi thực dân hóa. Những phương diện này đều có liên quan đến quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong quá khứ, dịch thuật được dùng để khống chế và tạo ra con người thuộc địa, trong hiện tại và tương lai, dịch thuật vẫn giữ xu thế tăng lên đầy kịch tính trong tính đa dạng văn hóa chính trị mang màu sắc thực dân. Ông cho rằng vai trò của dịch thuật trong cả phương diện thực dân và phi thực dân hóa ở giai đoạn hiện nay đều rất rõ ràng. Dưới ngữ cảnh hậu thực dân, dịch thuật vừa là một con đường thực dân hóa, vừa là một công cụ giải thực dân hóa. Dịch thuật thúc giục văn hóa bản địa thoát khỏi sự trói buộc của văn hóa chính quốc, cải biến vị trí bên lề của văn hóa bản địa, kiến tạo lại căn cước văn hóa, định vị lại quan hệ văn hóa Đông Tây, thực hiện đối thoại và giao lưu bình đẳng.

Dưới ngữ cảnh hậu thực dân, dịch thuật còn có tác dụng tích cực trong quá trình phản kháng sự thống trị của thực dân. Thuyết “dịch lại” của Tejaswini Ninanjara nói rõ hơn về vấn đề này. Tejaswini Niranjana cho rằng, “dịch lại” trở thành một loại phương pháp mới, là sự dịch lại hoàn toàn của người Ấn Độ và những dân tộc bị áp bức khác, từ đó tiến thêm một bước vào quá trình phi thực dân hóa. Tuy nhiên, phương pháp này không hoàn toàn xóa bỏ ảnh hưởng của kẻ  thực dân trong văn hóa ở thuộc địa, mà chỉ là sự chuyển hóa lại để làm yếu đi ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân. Niranjana cho rằng phương pháp hữu hiệu nhất đối với chủ nghĩa thực dân và tàn dư của nó chính là chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bản địa. Những gì trong trong lí luận khai sáng thuộc địa của thực dân vốn bị cho là tiêu cực ở thuộc địa thì gần đây đã được phục vị lại. Những cái mà trước đây đối với kẻ xâm lược là mông muội, nguyên thủy, mê tín, thì hiện nay lại được xem là cắm rễ trong tôn giáo, trong truyền thống của văn hóa bản địa. Do đó Tejaswini Niranjana muốn định vị lại vị trí của dịch thuật, đem dịch thuật trở thành một nơi kháng cự và chuyển hóa. Lawrence Venuti cũng cho rằng giữa văn hóa mạnh phương Tây và văn hóa yếu phương Đông  đã tiến hành hoạt động dịch thuật như một loại giao lưu không bình đẳng, tồn tại chủ nghĩa bá quyền văn hóa, ông chỉ ra sự phục tùng trong sách lược dịch thuật và sự bá quyền văn hóa có quan hệ với nhau, kêu gọi dịch giả lấy dịch thuật làm vũ khí để phản kích văn hóa của chủ nghĩa đế quốc, tìm cách tiêu trừ hình tượng phương Đông trong kiến tạo của chủ nghĩa thực dân, cải biến địa vị “không có tiếng nói” và bị áp chế của phương Đông, khôi phục uy quyền và địa vị của văn hóa phương Đông. Do đó từ góc nhìn của lí luận hậu thực dân, nghiên cứu dịch thuật không chỉ cần vạch rõ hiện tượng lạm dụng quyền lực và bất bình đẳng trong dịch thuật, mà càng cần phải định vị lại tác dụng và vị trí của dịch thuật. Trên thực tế, cần áp dụng các sách lược dịch thuật khác nhau, cải biến mặt bị động tiêu cực của dịch thuật, phát huy mặt chủ động tích cực. Dịch thuật có thể được dùng để phản kháng áp bức, giải phóng tư tưởng, phát triển và mở rộng truyền thống tốt đẹp của văn hóa phương Đông. Rất nhiều các lí luận gia và dịch giả dịch thuật phương Đông đã có những nghiên cứu hữu ích, chống lại sự bá quyền văn hóa. Trong đó, chủ yếu chú trọng việc dịch giới thiệu hoặc dịch lại với số lượng lớn những thành quả ưu việt của văn hóa phương Đông. Hơn nữa, đối diện với thành tựu văn hóa mạnh phương Tây, cần có long tự tôn dân tộc. Cần có sách lược đối với dịch thuật văn hóa dân tộc để làm mạnh văn hóa dân tộc mình.

Chủ nghĩa hậu thực dân nói chung, lí luận dịch thuật hậu thực dân nói riêng có quan hệ mật thiết với các quốc gia từng trải qua chế độ thực dân trong lịch sử. Việt Nam với lịch sử gần 100 năm thuộc địa, chịu áp lực trực tiếp của sự bất bình đẳng trong quyền lực và văn hóa, hoàn cảnh lịch sử này khiến lí luận dịch thuật hậu thực dân có thể áp dụng rộng rãi trong nghiên cứu văn hóa, văn học, dịch thuật ở Việt Nam trên nhiều phương diện. Ở Trung Quốc hiện nay đã có nhiều công trình khoa học, luận văn, luận án liên quan áp dụng lí luận dịch thuật hậu thực dân, đưa ra những kết quả khoa học có ý nghĩa trong hoạt động dịch thuật và giao lưu văn hóa, điển hình như: nghiên cứu bản dịch “Thủy hử truyện” của dịch giả Pearl S. Buck dưới góc nhìn lí luận hậu thực dân của Đường Diễm Phương, nghiên cứu bản dịch “Hồng lâu mộng” dưới góc độ của chủ nghĩa hậu thực dân của Ngô Viên,…Với một ngữ liệu lịch sử đặc thù và phong phú như Việt Nam, áp dụng lí luận dịch thuật hậu thực dân để nghiên cứu dịch thuật là một hướng đi mở trong tương lai.

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề quyền lực văn hóa cũng không ngừng được đặt ra. Sự giao lưu văn hóa chưa bao giờ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong bối cảnh “thế giới phẳng” này. Nhưng cũng chính trong thời đại toàn cầu hóa, vấn đề bản sắc dân tộc lại không ngừng phải đối mặt với những nguy cơ lớn, đó là sự mất căn cước văn hóa, sự hòa tan bản sắc văn hóa dân tộc. Một số ý kiến cực đoan cho rằng, toàn cầu hóa thực chất là một quá trình thực dân văn hóa mới, là thời đại ngự trị của những nền văn hóa lớn, liên tục xâm thực những nền văn hóa nhỏ. Nhưng đáng lưu ý hơn, sự chi phối quyền lực đằng sau quá trình xâm lăng văn hóa kiểu mới này không thể hiện một cách thô bạo và trực tiếp như trong thời thực dân, mà là một thứ quyền lực mềm ẩn sau vô số những chiêu bài văn hóa. Có một hiểu biết sâu sắc về lí luận dịch thuật hậu thực dân sẽ giúp chúng ta có được những sách lược hợp lí, đúng đắn để giữ gìn, bảo lưu  bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu.

                                                                                                                        Bắc Kinh, tháng 2 năm 2012

 

Tài liệu tham khảo

1. Douglas Robinson. Translation and Empire: Postcolonial Theories Explained. Foreign Language Teaching And Research Press, Beijing, 2007.

2. 劳伦斯·韦努蒂(Lawrence Venuti): 《翻译与文化身份的塑造》,《语言与翻译的政治》,查正贤 译. 北京:中央编译出版社, 2008 年, 第382页

3. 费小平:《后殖民主义翻译理论:权力与反抗》.《中国比较文学》,2003年第4期。

4.   李红满:《翻译研究的后殖民视角》.《四川外语学院学报》,2003年1月第19卷,第1期。

5. 廖涛:《后殖民的殖民 – 对 后 殖 民 翻 译 理 论 适 用 性 的 思 考 》.《长 春 理 工 大 学 学 报(社 会 科 学 版)》,第23卷2期, 2010年3月。

6. 赵稀方:《后殖民理论》.北京:北京大学出版社,2009。

7. 唐艳芳:《赛珍珠 “水浒传”翻译研究 – 后 殖 民 理 论 的 视 角》.上海:复 旦 大 学 出 版 社,2010年12月。

Chú thích


[1] Douglas Robinson. Translation and empire: Poscolonial Theories Explained. Foreign Language Teaching And Research Press, Beijing, 2007. (P13-14)

[2] 劳伦斯·韦努蒂(Lawrence Venuti): 《翻译与文化身份的塑造》,《语言与翻译的政治》查正贤 译. 北京:中央编译出版社, 2008年, 第382页

[3]  Lawrence Venuti. The Translator’s invisibility. A History of translation. London and Newyork: Routledge, 1995.

[4] Bassnett Susan and Harrish Trivedi. Post – colonial Translation: theory and practice. London and Newyork: Routledge, 1999.

[5] 王克非. 《翻译文化史论》. 上海:外语教育出版社,1997.

[6] Jones Andrew. Chinese literature in the word literature economyMorden Chinese literature III 171-190

[7] Venuti Lawrence. The Translator’s invisibility. A History of translation. London and Newyork. Routledge, 1995.

Nguồn: Tạp chí Nhà văn, số 6 - 2012

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020