Văn học Việt Nam hiện đại

TÔ HOÀI – NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ CÔNG HUÂN HÀ NỘI


12-10-2020

Tô Hoài là nhà văn viết nhiều, nếu không muốn nói là nhiều nhất về Hà Nội. Hơn thế, ông còn viết về Hà Nội với tư cách một nhà lịch sử, một nhà văn hoá. Tô Hoài xứng đáng được vinh danh là nhà văn – nghệ sĩ của Hà Nội với công trình sáng tác của ông. Xét trên nhiều phương diện, Tô Hoài là người đóng góp đáng kể, và có nhiều công lao về mặt văn hoá – xã hội. Tôi muốn được vinh danh ông là nhà văn – nghệ sĩ công huân hàng đầu của Hà Nội.

I- Tô Hoài – Người góp phần viết nên lịch sử Hà Nội

Với cảm hứng lịch sử mạnh mẽ, Tô Hoài đã nhìn hiện thực cuộc sống Hà Nội trải dài qua những tháng năm lịch sử.

Bằng văn chương, Tô Hoài đã miêu tả lịch sử Hà Nội trong thời gian từ trước cho tới Cách mạng tháng Tám. Đây là một ý đồ, cũng là ý tưởng lớn của nhiều nhà văn nổi tiếng. Chủ đề cách mạng và con đường đi đến cách mạng của quần chúng nhân dân được thể hiện trong các bộ tiểu thuyết dài hơi vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX. Nguyễn Đình Thi có Vỡ bờ (2 tập) với ý tưởng thể hiện 2 giai đoạn: 1-Tức nước, 2-Vỡ bờ. Nhà văn Nguyên Hồng cũng rất công phu khi dựng tập Cửa biển. Ý định, cũng như ý đồ nghệ thuật hiện lên rất rõ qua các tập Sóng gầm, Cơn bão đã đến, Thời kỳ đen tối, Khi đứa con ra đời. Mỗi tập tương ứng với một thời đoạn lịch sử phát triển của cách mạng. Đây là các bộ tiểu thuyết dài hơi, có tính chất sử thi, mang tính hiện đại rõ nét.

Tô Hoài cũng bỏ ra rất nhiều công sức khi dựng lại Hà Nội với lịch sử truyền thống cách mạng. Ba tập Quê người, Mười năm, Quê nhà có thể coi là tác phẩm bộ ba đặc sắc viết về Hà Nội. Thời gian xuất hiện là rất dài. Quê người in ở Nhà xuất bản Mới năm 1942. Mười năm in ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 1958, còn Quê nhà in ở Nhà xuất bản Thanh niên năm 1980 và Nhà xuất bản Công an nhân dân năm 1998. Về thời gian, những bộ sử thi của Nguyễn Đình Thi và Nguyên Hồng phải dụng công mất trên dưới mười năm. Tô Hoài có thời gian thể hiện tới 40, 50 năm. Tất nhiên, đây là cụm tác phẩm được lắp ghép, kết nối theo một chủ đề, đề tài.

Lịch sử Hà Nội được dựng lại qua nhiều thời kỳ. Nói đúng ra, đó là Hà Nội và các vùng phụ cận kể từ xưa. Đó là cuộc cách mạng có tính truyền thống của quần chúng nhân dân. Trước kia, là những cuộc nổi dậy của nghĩa quân chống Pháp, và đến sau này của quần chúng cách mạng trong công cuộc vận động và tiến tới giải phóng – cuộc Tổng khởi nghĩa.

Nếu so sánh có thể thấy, các bộ tiểu thuyết dài hơi kể trên có tính chất bao trùm toàn quốc. Riêng Vỡ bờ bao quát một khu vực tam giác: Hà Nội – Vùng mỏ – Hải Phòng, bao quát cả thành thị, nông thôn, miền rừng núi, miền biển, châu thổ - đồng bằng, tức là một địa bàn có tính điển hình cho cả nước. Ba cuốn tiểu thuyết của Tô Hoài chỉ tập trung vào Hà Nội và vùng phụ cận, nhưng cũng mang ý nghĩa điển hình: trung tâm của cà nước.

Đặc điểm rõ nhất của bộ ba tác phẩm này là những người dân Hà Nội xứng đáng với vai trò chủ lực, góp phần tích cực tạo nên lịch sử một Hà Nội kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm. Trong số quần chúng đông đảo ấy, nổi lên những thủ lĩnh nghĩa quân, cả nam và nữ, và những cán bộ cách mạng cốt cán chỉ đạo phong trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa. Nếu cuộc kháng chiến chống xâm lược sau này được mệnh danh là chiến tranh nhân dân, thì trước năm 1945, với truyện của Tô Hoài, ta có cuộc khởi nghĩa của quần chúng.

Đó chính là dấu ấn riêng, cũng là đóng góp đặc sắc của Tô Hoài khi thể hiện đề tài lịch sử về Hà Nội. Xung quanh bộ ba tiểu thuyết trung tâm còn có những tác phẩm vệ tinh. Đó là Vỡ tỉnh (tập truyện ký – Văn học, 1962), Người ven thành (tập truyện ký – Văn học, 1972), hay rộng ra, có thể kể thêm: Những ngõ phố, Người đường phố (Thanh niên, 1982) và Kẻ cướp bến Bỏi (tiểu thuyết – Công an nhân dân, 1996).

Bộ ba truyện có tính liên hoàn chính là sự thể hiện Hà Nội đau thương và anh dũng thời kỳ trước Cách mạng. Qua đó là bức tranh màu xám về nỗi thống khổ của người dân. Nói cách khác, đó là lịch sử đời sống của những người nghèo khổ, tù túng bị áp bức và bóc lột. Trong hoàn cảnh chung ấy, có thân phận của cá nhân – cậu bé nhà nghèo đói cơm, thiếu học, sống trong gia đình làm nghề dệt thù công, nhưng nghề canh cửi tàn tạ theo năm tháng. Sự ly tán diễn ra trong gia đình: bố phải bỏ làng đi kiếm ăn, biệt tích tận “nước Sài Goòng”. Bản thân Tô Hoài, khi lớn lên phải kiếm sống bằng nhiều nghề tạp, sống qua những ngày thất nghiệp, có lúc không còn một xu dính túi. Đó là chàng thanh niên đã phải nếm trải biết bao tủi nhục trong cảnh xã hội lầm than. Sau này, chính nhà văn đã viết trong Tự truyện: “Thân phận trôi dạt, đã chèo chống, phấn đấu cho tới hôm nay. Trên sóng cát cuộc đời, mình đã là cái kiếp phong trần, vật vờ, vào đâu nên đấy của con phù du”. Làng quê xơ xác, điêu tàn, không tránh khỏi nạn đói. Những trang tả cảnh đói gợi cảm xúc đau thương cho cả một kiếp người vùng quê. Một điều cần lưu ý là cái tôi của tác giả đã có phần can dự vào bức tranh lịch sử chung đó. Mười năm có bóng dáng rất đậm của anh thanh niên lang bạt, bước đầu dấn thân vào hoạt động cách mạng. Tô Hoài đã từng tham gia phong trào ái hữu ở làng, rồi rộng ra cả vùng, đi vận động lập hội và làm thư ký Hội Ái hữu thợ dệt Hà Đông. Chàng thanh niên sôi nổi đã cùng đoàn người thất nghiệp dự cuộc mít tinh lớn ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938 ở khu Đấu xảo. Trong đám thanh niên Lạp, Lê, Trung có hình ảnh của chính Tô Hoài. Vậy là, nhà văn đã miêu tả lịch sử như người trong cuộc, thể hiện một tính chân thật hiếm có.

Quê nhà tái hiện một hoàn cảnh ở vùng quê hương, nhưng nhà văn đã đi ngược dòng lịch sử về trước. Hà thành thất thủ, quân Pháp đã bắt đầu đặt chân vào Hà Nội. Các cuộc kháng cự của triều đình thất bại, nhưng cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân vẫn còn tiếp tục. Một mạng lưới chiến tranh nhân dân sâu rộng đã được tổ chức. Đây là cuộc đấu tranh tự giác có tổ chức quần chúng ở vùng ven thành ngay từ phút đầu dựng cờ nghĩa. Cuộc chiến chống xâm lược nhiều khi thâm nhập vào tận nội thành. Cuộc khởi nghĩa của những con người yêu nước, không chịu khuất phục đã thể hiện ý chí kiên cường của truyền thống dân tộc. Cuộc chiến đấu ấy đã kéo dài hàng chục năm trời, như ngọn lửa không dễ gì dập tắt. Đặc biệt, nhà văn muốn nhấn mạnh một truyền thống của phụ nữ Việt Nam: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Hai người phụ nữ - Bà Xuất, vợ goá thủ lĩnh nghĩa quân và Nghĩa, con dâu như linh hồn và người chỉ huy tài ba của nghĩa quân. Tính quần chúng của cuộc chiến, vì vậy, càng nổi lên rõ nét.

Tất nhiên, Tô Hoài chỉ đóng góp một mảng trong bức tranh lịch sử Hà Nội, nhưng nhà văn đã là người ghi chép chân thực, khách quan và đầy tâm huyết. Phần đóng góp này chẳng khác nào một bộ sử có giá trị gửi vào bảo tàng lịch sử Hà Nội và tương lai sẽ “hoá đá” nằm trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

II- Tô Hoài – Người góp phần tích cực tạo nên bộ mặt văn hoá Hà Nội

Cảm hứng lịch sử thường bao trùm cảm quan văn hoá. Tô Hoài là người có cảm quan văn hoá mạnh mẽ. Cảm quan ấy lan toả trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt ở những vùng miền sáng tác thân thuộc: miền núi và Hà Nội.

Riêng ở Hà Nội, những sáng tác của Tô Hoài, dù là truyện hay ký, tuỳ bút hay hồi ức đều lung linh một ánh sáng văn hoá, với màu vẻ rực rỡ đặc biệt.

Xưa kia, Tô Hoài thường thiên về tả những phong tục tập quán địa phương, và truyện của ông được xếp vào loại tả chân phong tục xã hội. Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt trong cảm quan văn hoá.

Khuynh hướng của Tô Hoài là thiên về tả cái hay, cái đẹp của phong tục – tức là tô đậm những mỹ tục, những phong hoá. Truyện trước năm 1945 có đôi câu chuyện phê phán hủ tục (như tục đòi nợ ngày Tết, xúc phạm tới gia chủ; đòi nợ mà là réo nợ!). Tuy nhiên, đấy chỉ là đôi nét châm biếm thoáng qua, với nụ cười độ lượng của nhà văn.

Truyện ký Tô Hoài còn khai thác những giá trị văn hoá địa phương như một nhà khảo cứu: ông nói kĩ về các làng nghề ở Hà Nội. Cái giấy dó để làm bằng, sắc ngày xưa hoặc để in bản Di chúc Bác Hồ bản đặc biệt sau này có gốc tích của một dòng họ: họ Lại- họ mẹ Tô Hoài. Nghề tầm tang dệt cửi ở vùng ngoại thành Hà Nội là nghề có truyền thống có những vùng nổi tiếng như Vạn Phúc, La Cả. Tô Hoài cho biết trong quá trình đô thị hoá nếu không biết giữ gìn sẽ mất đi rất nhiều giá trị phong tục đẹp đẽ. Vùng Sấu Giá- Đắc Sở- Yên Sở, Hà Nội theo ông là còn giữ được nhiều phong tục cổ truyền. Người phương tây về đó hàng năm để tìm hiểu, nghiên cứu, khai thác những giá trị văn hoá cổ truyền giống như họ đã làm ở Hội An- Đà Nẵng. Tô Hoài hay viết cho tạp chí Xưa và nay- tạp chí lịch sử- chuyên đề về làng quê Việt Nam thời Pháp thuộc. Mục Thủng thẳng chuyện đời của tuần báo Người Hà Nội là nơi gửi gắm tâm sự văn chương và tâm tư về văn hoá của nhà văn. Đặc biệt hai tập Chuyện cũ Hà Nội (600 trang) là một kho tàng về lịch sử văn hoá thủ đô. Qua đó là đủ chuyện từ lai lịch một đường phố, một di tích đến “sự tích” những món ăn dân dã  và quý phái xưa nay. Riêng về văn hoá ẩm thực sự am hiểu của nhà văn không mấy thua kém Nguyễn Tuân. Theo Hoài Anh thì Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng thường lang thang khắp các quán ăn Hà Nội: “từ Đại Lầu, Hoan Lạc Viên, kĩ kinh của người Hoa, đến bà bún than đeo chuỗi ngọc xanh trong chợ Đồng Xuân, bà nem chua giò chả chợ Hàng Gia, ông kính cận canh giò sấu phố Hàng Buồm, ông Văn Phú ếch tẩm bột gián phố Ca, ông Sinh thịt chó chợ hoa Cống Chéo, bà cụ chả cá phố Hàng Lược, bác phở “sửa sai” phố Hàng Dầy, quán ông “Thuỷ Hử” ngõ Ngô Sĩ Liên,…”(1) Cũng theo nhận xét của tác giả, Tô Hoài đã viết ra những trang đặc sắc về quà Hà Nội trong Chuyện Hà Nội, tinh tế, cặn kẽ hơn cả những trang viết của Thạch Lam trong Hà Nội băm sáu phố phường, Vũ Bằng trong Miếng ngon Hà Nội,…Tất nhiên về văn hoá ẩm thực, Tô Hoài không sành điệu bằng Nguyễn Tuân nhưng bằng trải nghiệm thực tế, ông viết kĩ càng, tinh tế hơn và do đó cảm nhận thấm thía về cái vị phong hoá của món ăn Hà Nội.

Từ mảng truyện, kí về Hà Nội, Tô Hoài làm toát ra tâm tình, phong cách người Hà Nội và bàng bạc trên khắp trang giấy là phong vị văn hoá Tràng An

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Là người quê hương ở vùng ven đô, một đời hít thở không khí Hà thành. Sống ở vùng Kẻ Bưởi, hồ Tây từ thuở ấu thơ đã thấm vào tâm hồn cậu bé những lời ca “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.” nên sự cảm nhận tinh tế văn hoá vùng miền đã như ngấm vào hồn cốt, thịt da Tô Hoài để biến thành tâm huyết trên những trang văn. Tô Hoài đã rất kì công lượm lặt, gom góp những nét tinh hoa văn hoá Hà Nội, có thể là sự chọn lọc chưa thật được kĩ càng, nhưng về tổng thể đó là một vốn quý. Có những chi tiết rất bình thường như chuyện đôi đũa tre bình dân những ngẫm kĩ nó gắn với văn hoá làng Việt Nam làm ta nghĩ đến bài thơ về tre của Nguyễn Duy. Cây tre Việt nam nghìn đời đi vào bữa ăn, giấc ngủ của người dân thường và cũng có khi dựng thành chông, thành luỹ để đánh giặc giữ nước,… Khuynh hướng của Tô Hoài là như vậy: cảm hứng nhân văn đời thường nét phong cách nổi trội của nhà văn sẽ hướng đến tìm tòi những cái bình thường trong cuộc đời thường để tìm ra cái đẹp đẽ cao siêu. Với vốn am hiểu lịch sử, địa dư sâu sắc và khuynh hướng khảo cổ, ôn cố tri tân, Tô Hoài đã khai thác sâu vào truyền thống văn hoá với ý nghĩa duy trì, bảo tồn những tinh hoa quý giá.

Viết về Hà Nội xưa nay đã có nhiều nhà văn. Mỗi người nghiêng về một khuynh hướng chủ đề: về lịch sử (Bóng nước Hồ Gươm- Chu Thiên, Vũ Như Tô- Nguyễn Huy Tưởng) hoặc văn hoá xã hội (Vang bóng một thời, Chùa đàn- Nguyễn Tuân),…Tuy nhiên được công nhận là bộ bốn “tứ linh” về Hà Nội là Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Thạch Lam, Tô Hoài. Đó là những nhà văn đã biết ứng xử văn hoá với Hà Nội như tư cách của một nhà văn hoá. Trên ý nghĩa ấy họ còn là những người biết phát huy ánh sáng văn hoá Hà Nội như lời dạy của Bác Hồ: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”.

Riêng Tô Hoài còn có vai trò đặc biệt hơn tất cả. Ông là thủ lĩnh văn nghệ trong gần một phần ba thế kỉ của Hà Nội. Nhà văn giữ chức chủ tịch hội văn nghệ Hà Nội từ 1966- 1996. Công tích ấy thật là lớn lao xuất phát từ trách nhiệm và tâm huyết với văn nghệ, văn hoá thủ đô. Theo Tô Hoài, thủ đô vẫn là nơi phát tích nền văn hoá của cả nước.

Hà Nội hầu như là nơi phát sinh những câu chuyện hay nhất đời đời còn kể lại của dân tộc và đất nước, từ thời truyền thuyết. Sơn Tinh trên núi Tản, Thuỷ Tinh ngoài sông Hồng, Mỵ Châu và Trọng Thuỷ với thành Cổ Loa của vua Thục. Cuộc gặp gỡ chàng trai họ Chử với Tiên Dung trên bến Tự Nhiên bờ bên kia sông Hồng. Chàng Tú Uyên nhặt chiếc lá rơi, khi người đẹp khuất vào trong gió, quên cả đường về phường Bích Câu, cứ ngẩn ngơ đứng với mối tương tư ở chỗ Cửa Nam bây giờ. Những câu chuyện đẹp ngoài nghìn năm mà vẫn còn nguyên tên đất, tên người đến tận ngày nay” (2)

Tô Hoài vinh danh lực lượng sáng tác của Hà Nội

Hà Nội đã có một bề dày tác giả qua các đời: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Huy Vịnh, Nguyễn Huy Lượng, Lê Hữu Trác- tôi chỉ kể loáng thoáng, tình cờ- các cụ đặt chân khắp sông hồ đất nước, nhưng các cụ cũng đã tới đây, ở đây. Phàm là bậc tài danh, thông thường đều có đến đất trung tâm rồi tinh anh mới phát huy đi cả nước” (3)

Nhà văn điểm đến đông đảo các thế hệ tác giả Hà Nội, của đề tài Hà Nội thời cận đại và hiện đại và đặc biệt động viên, phát huy thế hệ nhà văn trẻ. Tô Hoài bày tỏ nhận thức và tâm nguyện đi sâu vào Hà Nội- một mảng đề tài quan trọng trong toàn bộ các đề tài trên cả nước. Đó cũng là thành tựu sáng tác quan trọng của một đời văn Tô Hoài.

            Đặc biệt Tô Hoài rất có công trong việc đóng góp về ngôn ngữ, ông là bậc thầy về chữ nghĩa cũng ngang tầm Nguyễn Tuân. Nhất là ông có một kho tàng phong phú về ngôn ngữ dân gian, ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ nghề nghiệp. Ngôn ngữ ấy được tinh lọc, rèn giũa để nâng lên thành ngôn ngữ văn chương. Đấy cũng là một ý tưởng cao đẹp về văn hoá. Trong Tiếng Hà Nội, Tô Hoài bày tỏ ước muốn: “đưa tiếng Việt  lúc nào cũng sánh đôi với đời sống văn hoá và tư tưởng của thời đại”. Lại cũng đã phát biểu: “Tư tưởng và nền văn hoá Việt Nam không bao giờ mất gốc, không bao giờ lai tạp mà biểu hiện rực rỡ nhất bằng văn học” (Nghệ thuật và phương pháp viết văn). Đặc điểm nổi bật nhất là Tô Hoài sử dụng thành thạo kho ngôn ngữ thuần Việt và thông thạo cả từ cổ, có như vậy mới viết được dã sử, cổ tích, truyền thuyết (Đảo hoang, Chiếc nỏ thần, Nhà Chử). Văn xuôi nghệ thuật Tô Hoài hiện đại nhưng đậm đà bản sắc dân tộc là như vậy.

 

                                                                                   CHÚ THÍCH

(*) PGS,TS Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

(1) Hoài Anh (2000), Tô Hoài nhà văn viết về Hà Nội đặc sắc và phong phú, in trong Tô Hoài về tác gia- tác phẩmNXB Giáo dục

(2), (3) Tô Hoài (1984), Sáng tác về đề tài Hà Nội- Văn nghệ số 41, 6.10.1984

                                                                      TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đoàn Trọng Huy (2007), Tô Hoài trong Tinh hoa văn thơ thế kỉ XX (tập 2),  Giáo dục

[2]  Nhiều tác giả (2000), Tô Hoài về tác gia tác phẩm,  Giáo dục.

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020