Văn học Việt Nam hiện đại

DẪN NHẬP LÍ THUYẾT DIỄN NGÔN CỦA M.FOUCAULT VÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC*


12-10-2020

Có một thực tế là: dù có công trình nghiên cứu về văn học Pháp đương đại được viết vào những năm 1960 thì Foucault vẫn chưa bao giờ là một nhà nghiên cứu văn học theo nghĩa chặt chẽ của từ này. Tuy nhiên, và điều này còn thú vị hơn, những ảnh hưởng của Foucault đến nghiên cứu văn học là rất sâu đậm: cả trên phương diện những đề tài cụ thể (tính dục, cái tôi, vấn đề nữ quyền...) cũng như trên phương diện lí thuyết (vấn đề lịch sử văn học, vấn đề tác giả, vai trò của phê bình văn học, giới tính trong sáng tác và tiếp nhận văn học, tính văn học (literariness). Tất cả những ảnh hưởng nhiều mặt, đa dạng này của Foucault với nghiên cứu văn học, về cơ bản, đều có thể được cắt nghĩa từ việc nhìn nhận văn học như một diễn ngôn. Và đấy sẽ là mục tiêu mà tiểu luận của chúng tôi hướng tới giới thiệu và thảo luận.

 

 

Có một thực tế là: dù có công trình nghiên cứu về văn học Pháp đương đại được viết vào những năm 1960 thì Foucault vẫn chưa bao giờ là một nhà nghiên cứu văn học theo nghĩa chặt chẽ của từ này. Tuy nhiên, và điều này còn thú vị hơn, những ảnh hưởng của Foucault đến nghiên cứu văn học là rất sâu đậm: cả trên phương diện những đề tài cụ thể (tính dục, cái tôi, vấn đề nữ quyền...) cũng như trên phương diện lí thuyết (vấn đề lịch sử văn học, vấn đề tác giả, vai trò của phê bình văn học, giới tính trong sáng tác và tiếp nhận văn học, tính văn học (literariness). Tất cả những ảnh hưởng nhiều mặt, đa dạng này của Foucault với nghiên cứu văn học, về cơ bản, đều có thể được cắt nghĩa từ việc nhìn nhận văn học như một diễn ngôn. Và đấy sẽ là mục tiêu mà tiểu luận của chúng tôi hướng tới giới thiệu và thảo luận.

1. Diễn ngôn và những hệ thống loại trừ diễn ngôn

1.1 Diễn ngôn (discourse) là thuật ngữ được sử dụng rộng khắp trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn: triết học, xã hội học, ngôn ngữ học, tâm lí học, nghiên cứu văn học... Nội hàm của thuật ngữ này vì thế là rất khác nhau theo cách thức của các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Với Foucault, tình thế còn trở nên phức tạp hơn khi ông chẳng những không cố gắng đi tìm một định nghĩa thống nhất mà còn hướng tới sự đa dạng hóa nội hàm của thuật ngữ này ngay trong định nghĩa của chính mình: “Thay vì giảm dần các nét nghĩa đã khá mơ hồ của từ diễn ngôn, tôi tin rằng thực tế tôi đã bổ sung thêm ý nghĩa của nó: lúc thì coi nó như một khu vực chung của tất cả các nhận định, lúc thì coi nó như một nhóm các nhận định được cá thể hoá, và đôi khi lại xem nó như một hoạt động được quy chuẩn (regulated practice) nhằm tạo nên một tập hợp các nhận định”[1]. Trong trích dẫn trên, Foucault cùng lúc đưa ra ba định nghĩa về diễn ngôn. Định nghĩa thứ nhất mà Foucault nêu ra, theo bình luận của Sara Mills – một chuyên gia về Foucault - là định nghĩa rộng nhất, theo đó diễn ngôn bao gồm “tất cả các nhận định nói chung”. Tiếp đó, bà giải thích rõ hơn, tức là: “tất cả các phát ngôn hoặc văn bản mang nghĩa và có một hiệu lực (TVT nhấn mạnh) nào đó trong thế giới thực, đều được coi là diễn ngôn”[2]. Ở đây có một vấn đề cần được làm sáng tỏ: thế nào là một phát ngôn hoặc văn bản mang nghĩa và có một hiệu lực với thế giới hiện thực? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên, phải thoát khỏi cách đặt vấn đề khá phổ biến cho rằng: ý nghĩa của diễn ngôn là sự phản ánh hiện thực bên ngoài và vì thế ý nghĩa của diễn ngôn luôn bị quy chiếu vào đối tượng mà nó biểu đạt. Theo cách hiểu này thì diễn ngôn (cũng như ngôn ngữ nói chung) chỉ giống như một thứ phương tiện để biểu đạt, miêu tả, truyền đạt những thông tin về một tồn tại có sẵn. Quan điểm này, trên thực tế, đã bị vượt qua từ những ảnh hưởng của ngôn ngữ học cấu trúc. Dưới những ảnh hưởng của F. Saussure, ý nghĩa của ngôn ngữ được giải thích từ những quan hệ trong hệ thống mà không còn bị lược quy vào mối quan hệ phụ thuộc với hiện thực khách quan. Đây là một xuất phát điểm quan trọng để Foucault và những nhà hậu cấu trúc triển khai tư duy của mình về mối quan hệ giữa diễn ngôn và hiện thực. Foucault không phủ nhận thực tại khách quan. Ông thừa nhận có một khu vực ngoài diễn ngôn (non-discursive) nhưng chỉ có điều ông lưu ý rằng chúng ta không cách nào chạm được vào thế giới khách thể một cách trực tiếp. Chúng ta chỉ biết về nó một cách có hệ thống và có ý nghĩa thông qua hệ thống những diễn ngôn.

Một ví dụ: lũ lụt là một hiện tượng tự nhiên xảy ra độc lập với tư duy và ngôn ngữ của con người. Nhưng ngay khi con người cắt nghĩa hiện tượng này thì nó không còn ở ngoài diễn ngôn được nữa. Phần lớn sẽ đặt nó trong phạm trù “hiện tượng tự nhiên” nhưng họ không nhất thiết phải miêu tả nó một cách giống nhau. Một vài người sẽ đặt nó trong diễn ngôn khí tượng học (sự dâng cao mực nước là kết quả từ một cơn mưa lớn đột ngột), những người khác gắn nó với hiện tượng El Nino hoặc nhìn nó như là hệ quả của việc hiệu ứng nhà kính toàn cầu – những diễn ngôn khoa học. Những người khác lại xem nó là hệ quả của một lỗi lầm trong quản lý nhà nước – một diễn ngôn chính trị. Cuối cùng: đó là một điềm triệu cho ý Chúa – một diễn ngôn tôn giáo. Như vậy, những hiện tượng của thế giới khách quan vẫn tồn tại nhưng chúng chỉ có được ý nghĩa thông qua diễn ngôn. Khái quát hơn, theo Sara Mills: “Diễn ngôn không đơn giản là sự truyền dẫn hiện thực vào trong ngôn ngữ; diễn ngôn cần được nhìn nhận như một hệ thống cấu trúc nên cái cách thức chúng ta nhận biết về hiện thực”.[3] Tương tự như thế M. Jorgensen và L. Phillips định nghĩa về diễn ngôn như là “một phương thức đặc biệt để nói về và cắt nghĩa thế giới”.[4] Không có sự tồn tại của diễn ngôn thì thế giới dường như cũng đóng cửa với chúng ta. Một ví dụ rất giản dị: nếu không có diễn ngôn về phân tâm học thì những hiện tượng như nói nhịu là vô nghĩa và không ai để ý đến nó như một sự kiện. Có thể nói, chính nhờ diễn ngôn mà tồn tại khách quan trở thành một đối tượng của tư duy, trở nên có ý nghĩa, đáng để xem xét, tổng kết, nghiên cứu.

Cùng với việc tạo nghĩa, diễn ngôn còn định hướng cho sự tác động đến hiện thực. Mỗi diễn ngôn về lũ lụt như ta đã thấy ở trên khi được thiết lập đều hướng đến những tiến trình hành động cụ thể như: tăng cường dự báo – giảm lượng khí thải - xây đập chắn (ứng với các diễn ngôn khoa học); tăng cường vai trò quản lý của nhà nước (ứng với diễn ngôn chính trị); sám hối (ứng với diễn ngôn tôn giáo). Như thế sự hình thành ý nghĩa trong các diễn ngôn đồng thời hướng tới sự tác động, thay đổi thế giới, kiến tạo nên thế giới xã hội của con người. Sự thay đổi của diễn ngôn, sự xuất hiện những diễn ngôn mới đồng thời đưa đến nhưng thay đổi trong thực tế đời sống.

Định nghĩa thứ hai của Foucault về diễn ngôn hình dung diễn ngôn như là “một nhóm các nhận định được cá thể hóa”. Đây là định nghĩa thường được Foucault sử dụng để nhận dạng các diễn ngôn cụ thể. Diễn ngôn trong cách sử dụng này là một nhóm những nhận định được tổ chức theo một cách thức nào đó và có một mạch lạc và một hiệu lực chung. Theo đó, người ta có thể nói đến chẳng hạn: diễn ngôn nữ quyền, diễn ngôn thuộc địa, diễn ngôn nam tính, diễn ngôn nữ tính, diễn ngôn y học, diễn ngôn phân tâm học…Diễn ngôn trong cách hiểu này vì thế được dùng ở số nhiều (discourses).

Định nghĩa thứ ba của Foucault về diễn ngôn: “như một hoạt động được kiểm soát/điều chỉnh nhằm tạo nên một tập hợp các nhận định” là định nghĩa có ảnh hưởng nhất đối với nhiều nhà lí luận. Ở định nghĩa này, điều mà Foucault quan tâm là những qui tắc và cấu trúc tạo ra những nhận định, những diễn ngôn cụ thể. Đây là vấn đề nghiên cứu mà Foucault theo đuổi trong gần trọn cuộc đời học thuật của mình. Trong những năm 60 ông triển khai các luận điểm về sự kiểm soát, điều chỉnh các hoạt động tạo lập – luân chuyển của diễn ngôn. Từ những năm 70 trở đi ông lại quan tâm đến mối quan hệ tay ba giữa diễn ngôn – tri thức và quyền lực.

Mặc dù ba định nghĩa của Foucault được liệt kê khá độc lập nhưng trong thực tế nghiên cứu các định nghĩa này luôn được sử dụng xen kẽ nhau, và định nghĩa này có thể bao trùm lên định nghĩa khác tùy theo hướng triển khai của người nghiên cứu. Nghiên cứu diễn ngôn nữ quyền – một diễn ngôn cụ thể -  một cách tự nhiên gắn liền với định nghĩa thứ hai. Tuy nhiên trong quá trình phân tích không thể không hướng tới khả năng tạo nghĩa và hiệu lực của nó đến thế giới khách quan (theo định nghĩa thứ nhất). Và khi tìm hiểu những nguyên nhân hình thành, luân chuyển, biến đổi của diễn ngôn cụ thể này thì lại không thể không quan tâm đến định nghĩa thứ ba.

1.2. Như chúng ta đã thấy trong những phân tích về diễn ngôn (theo định nghĩa thứ nhất của Foucault): diễn ngôn kiến tạo ra tri thức và kèm theo đó là  những hiệu lực tác động đến hiện thực khách quan, chính vì thế việc tạo lập và luân chuyển các diễn ngôn trong xã hội cần được kiểm soát. Trong Trật tự của diễn ngôn (The Order of Discourse) (1970), Foucault khẳng định: “trong mọi xã hội sự sản xuất diễn ngôn cùng lúc bị kiểm soát, tuyển chọn, tổ chức và phân phối lại bởi một số những phương thức/ quy trình mà vai trò của nó là để né tránh những sức mạnh và sự nguy hiểm của diễn ngôn, để dành quyền điều khiển/ kiểm soát với những sự kiện ngẫu nhiên của diễn ngôn, để tránh né những khó khăn do nó gây ra”[5]. Tập trung đi sâu miêu tả cơ chế kiểm soát này, Foucault nói đến hai hệ thống loại trừ: loại trừ từ bên ngoài  và loại trừ bên trong.

          Hệ thống loại trừ bên ngoài bao gồm 3 nguyên lí. Thứ nhấtnguyên lí cấm đoán (prohibition) với vai trò trung tâm của những cấm kị (taboos). Áp lực của những cấm kị giúp ngăn chặn những diễn ngôn về vấn đề này được xuất hiện hoặc truyền bá. Trong một số trường hợp nhất định, khi buộc đề cập đến những cấm kị, cần phải có những “hóa trang”, những cách “đi vòng” thích hợp. Thứ hai: nguyên lí về sự đối lập giữa điên và lí tính (madness and reason). Trong Bệnh điên và Văn minh (Madness and Civilisation) (1961) Foucault cho rằng Điên (madness) ở đây được nhìn nhận như là “cái khác” (Other) của Lí tính (Reason). Theo Foucault, bệnh điên được thiết lập ở vào thời điểm lý tính (reason) khu biệt với phi lý tính (unreason), một sự khu biệt xảy ra thậm chí là trước khi phân tâm học đề cập đến chứng bệnh này. Như thế bệnh điên là một kiến tạo của xã hội hơn là một tồn tại trong thực tế. Sự kiến tạo này là cần thiết cho sự tồn tại hợp thức của những diễn ngôn lí tính. Trên thực tế, sự khu biệt giữa hai loại diễn ngôn: điên và lí tính của Foucault không chỉ có ý nghĩa trong việc giải quyết mối quan hệ của hai loại diễn ngôn này. Nó đồng thời hàm chứa những gợi ý mang tính lí thuyết xung quanh vấn đề cơ chế kiến tạo diễn ngôn. Từ những phân tích của Foucault về hai loại diễn ngôn trên có thể thấy một thực tế: sự hình thành của một diễn ngôn nào đó bao giờ cũng bao hàm trong nó sự loại trừ một / một số diễn ngôn khác, biến những diễn ngôn này trở thành những tồn tại bất thường, không tự nhiên, thiếu hợp thức. Thứ ba, nguyên lí sự đối lập giữa chân lí và sai lầm (truth and falsity). Trọng tâm kiến giải triết học của Foucault ở đây không phải là đưa ra những tiêu chí khách quan để nhận diện về một diễn ngôn đúng hay sai mà hướng tới vấn đề: làm thế nào mà một số cá nhân lại có thể có quyền năng nói về chân lí? những diễn ngôn của họ trở thành những diễn ngôn có hiệu lực và sức mạnh của chân lí? Ở đây có sự tham dự của các thiết chế xã hội – nhân tố đem lại quyền lực cho diễn ngôn. Trong những dòng đầu của Trật tự diễn ngôn, qua sự đối thoại giả tưởng giữa Thiết chế (Institution) và Mong muốn (Desire), Foucault khẳng định: “tất cả chúng tôi (thiết chế - TVT chú) ở đây để chỉ cho anh thấy rằng diễn ngôn thuộc về trật tự của các luật lệ, rằng chúng tôi chăm lo từ lâu cho sự xuất hiện của nó; rằng một vị trí đã được tạo ra cho diễn ngôn – một vị trí vừa tôn vinh nó nhưng lại vừa tước vũ khí của nó; và rằng nếu diễn ngôn đôi khi có một quyền lực nào đó, thì đó là từ chúng tôi và chỉ có thể từ chúng tôi mà thôi”[6]. Như thế, không thể xem chân lí như là sự kiện tự nó. Trái lại diễn ngôn về chân lí luôn được hậu thuẫn bởi một loạt những thiết chế. Trong xã hội hiện đại đó là: trường đại học, ban ngành của chính phủ, nhà xuất bản, các tổ chức khoa học... Tất của những thiết chế này loại trừ những nhận định mà chúng xem là sai lạc và đảm bảo cho những nhận định được xem là chân lí luôn vận hành. Điều này cho thấy Foucault thừa nhận sự tham dự của những lực lượng vật chất trong xã hội vào trong quá trình kiến tạo diễn ngôn. Giữa diễn ngôn và khu vực phi – diễn ngôn, vì thế, vẫn luôn có những tương tác.

b. Nhu cầu tạo lập diễn ngôn là thường xuyên và liên tục nhằm duy trì dòng chảy của tri thức và sự ổn định của xã hội. Chức năng của hệ thống loại trừ bên trong đối với diễn ngôn là ở chỗ: nó cho phép các diễn ngôn mới xuất hiện đến vô tận nhưng vẫn trong những giới hạn và câu thúc nhất định. Hệ thống loại trừ này cũng bao gồm 3 nguyên lí: thứ nhất, nguyên lí bình luận (commentary): giải quyết vấn đề mối quan hệ giữa những văn bản gốc (primary) và những văn bản phái sinh (secondary) – có chức năng bình luận về văn bản gốc và vì thế luôn luôn quy chiếu về văn bản gốc. Điều này,  một mặt, giúp cho những văn bản gốc có thể giữ nguyên trạng thái ban đầu vĩnh viễn nhưng vẫn có khả năng cập nhật, có khả năng mở ra những ý nghĩa mới mẻ, từ đó hình thành nên những điển phạm. Mặt khác, nó nhắc nhở chúng ta một thực tế: chúng ta chỉ nói trên cơ sở những gì đã được nói từ trước. Thứ hai, nguyên lí tác giả (the Author): khái niệm tác giả mà Foucault đề cập đến ở đây không phải theo nghĩa một cá nhân với tư cách người nói hay viết một văn bản theo cách hiểu truyền thống và phổ biến. Với Foucault, sự tồn tại của tác giả gắn với chức năng: là nguyên tắc nhóm gộp các diễn ngôn, là sự thống nhất và là cội nguồn cho các ý nghĩa của diễn ngôn, như là tiêu điểm cho sự mạch lạc của diễn ngôn. Trong khi nguyên lí bình luận giới hạn sự rủi ro, giảm thiểu sự hỗn loạn của diễn ngôn thông qua bản sắc của sự lặp lại, tương tự thì nguyên lí tác giả kiểm soát diễn ngôn thông qua bản sắc của cái cá thể và cái Tôi. Thứ ba, bộ môn khoa học (Discipline): trong tương quan với hai nguyên lí kiểm soát trước đó là bình luận và tác giả, sự kiểm soát diễn ngôn của bộ môn khoa học được thực hiện qua một phương thức rất độc đáo. Trước tiên, nguyên lí bộ môn khoa học đối lập với tác giả. Sự kiểm soát diễn ngôn của nguyên lí tác giả dựa trên giả định về cái cá thể, cái Tôi riêng. Một bộ môn khoa học là một hệ thống vô danh bởi lẽ nó được xác định bằng: một phạm vi đối tượng, một chuỗi những phương pháp, một tập hợp (corpus) của những định đề được xem là chân xác – một trò chơi của những quy tắc và định nghĩa, của công nghệ và phương tiện. Hệ thống vô danh này để ngỏ cho bất kì ai muốn hoặc có khả năng sử dụng nó. Mặt khác, bộ môn khoa học cũng cũng đối lập với bình luận. Bình luận, như ta đã thấy ở trên: giả định về sự khám phá như một sự lặp lại, phát hiện lại cái đã có từ trước. Bộ môn khoa học trái lại, luôn đòi hỏi sự thiết lập của những phát ngôn mới, những kết luận mới. Nhưng những kết luận mới này chỉ được công nhận khi nó tuân thủ cái hệ thống quy tắc về: đối tượng, lí thuyết, phương pháp, định nghĩa, công nghệ, phương tiện.. nói trên. Luôn luôn có khả năng rằng có người có thể nói/ phát hiện ra chân lý ở một không gian bên trong hoặc bên ngoài những diễn ngôn hiện tồn nhưng điều đó chỉ được thừa nhận khi tuân theo hệ thống những quy tắc của bộ môn khoa học. Điều này giải thích vì sao, bất chấp tính chân xác  của mình, những phát hiện của Mendel về di truyền học đã không được thừa nhận vì không tương thích với những quy tắc và  trường lí thuyết hiện hành. Như thế, các bộ môn khoa học cũng là một nguyên lí để kiểm soát diễn ngôn; chúng đặt ra những giới hạn về cái có thể được nói tới trong bộ môn khoa học đó.

 Nghiên cứu về những hệ thống loại trừ, Foucault phơi bày trước chúng ta một thực tế: về lí thuyết, sự sáng tạo những diễn ngôn mới là bất tận tuy nhiên, trong thực tế, cho dù số lượng các diễn ngôn không ngừng được tạo ra nhưng chúng lại nằm trong một sơ đồ, một hệ thống tương đối ổn định. Lí do: sự tạo lập diễn ngôn chỉ được thực hiện khi tuân thủ những nguyên lý kiểm soát hoạt động sản xuất và lưu chuyển diễn ngôn – những nguyên lí mà người ta luôn phải phục hoạt trong mỗi diễn ngôn của mình. Nhờ vào những nguyên lí kiểm soát trên, các diễn ngôn luôn được đặt trong một “trật tự” theo nghĩa đen của từ này.

2. Mối quan hệ quyền lực/tri thức (diễn ngôn) và bản chất của phân tích diễn ngôn

Mối quan hệ giữa quyền lực và tri thức là đối tượng quan tâm hàng đầu của Foucault suốt những năm 1970. Nhận thức về sự gắn bó chặt chẽ của quyền lực và tri thức được Foucault biểu đạt dưới hình thức: Quyền lực/Tri thức (Power/Knowledge). Tuy nhiên, khi triển khai các phân tích cụ thể của mình (ít nhất là trong các bản dịch sang tiếng Anh), khái niệm Tri thức (Knowledge) thường xuất hiện qua một cách diễn đạt thay thế khác: ‘discourse of truth’ hoặc ‘true discourse’ (diễn ngôn về chân lí), hoặc ngắn gọn hơn: truth (trong trường hợp này Foucault sẽ nói đến mối quan hệ giữa truth [chân lí = tri thức] và quyền lực). Điều này là không ngẫu nhiên vì như chúng ta đã thấy ở mục [1.1] của bài viết: diễn ngôn luôn hàm chưa trong nó một cách cắt nghĩa, một tri thức về thế giới. Cách viết của chúng tôi: quyền lực/tri thức (diễn ngôn) chính là hướng tới sự biểu đạt cho mối quan hệ hữu cơ giữa các khái niệm trên.

Trong những phân tích của mình, hệ thống tri thức mà Foucault đề cập đến chủ yếu có mối quan hệ mật thiết đến những quan hệ xã hội bao gồm: kinh tế, y học và các khoa học nhân văn. Ngay từ những công trình ở giai đoạn đầu: Sự ra đời của bệnh viện chuyên khoaTrật tự của sự vật Foucault đã nhận thấy đặc điểm của khối tri thức này là ở chỗ: nó luôn đổi thay và được tổ chức lại. Một công trình y học được viết vào năm 1780 và một công trình khác viết năm 1820 như thuộc về hai thế giới hoàn toàn khác. Theo Foucault, sự biến đổi này của tri thức có sự tham dự quan trọng của quyền lực. Ông khẳng định: “quyền lực và tri thức bao hàm một cách trực tiếp lẫn nhau; không có quan hệ quyền lực bên ngoài sự thiết lập có tính chất tương ứng của một trường tri thức và cũng không có bất kì một tri thức nào không bao hàm và thiết lập đồng thời với những quan hệ quyền lực”[7]. Không dễ để truyền đạt hết những nét tinh tế, giàu sức gợi mở về mặt lí thuyết của mối quan hệ này. Chúng tôi sẽ bắt đầu từ một trường hợp cụ thể: mối quan hệ quyền lực/tri thức (diễn ngôn) trong sự hình thành diễn ngôn tính dục (sexuality) trước khi đi đến một vài những tổng kết (chắc chắn là còn sơ lược) về mặt lí thuyết.

Theo Foucault, trong các xã hội hiện đại, “quyền lực” chủ yếu liên quan đến vấn đề quản trị “sống”/ “đời sống” (life). Những xã hội cổ đại như Hi Lạp thì các tổ chức chính trị không bao giờ có trách nhiệm về những nhu cầu sinh học (biological needs). Việc quản lí về nhu cầu sinh học, của một cá nhân và một cộng đồng, là đặc điểm của xã hội hiện đại. Những phương thức của quyền lực là để đáp ứng cho tiến trình của sự sống: đẻ, chết, quan hệ tình dục, bệnh tật, nạn dịch và v..v. Cái quyền lực hình thành trên nguyên lí đảm bảo cho sự sống này của thời hiện đại được Foucault định danh là quyền lực – sống (bio-power). Sex và hoạt động tình dục liên quan mật thiết đến quyền lực – sống (bio-power) này. Một mặt sex liên quan đến việc kiểm soát và sử dụng sức lực của cơ thể; mặt khác nó có tầm quan trọng đặc biệt đến việc quản lí dân số, đến nỗ lực để hướng nó tới những hiệu quả mong đợi/ dự kiến nhất định” (desired effects).

Sự tác động của quyền lực đến diễn ngôn tính dục, theo phân tích của Foucault, được thực hiện qua một thiết chế được lấy từ nhà thờ: tự thú (confession). Tự thú được khai thác nhiều nhất trong những thiết chế liên quan đến tri thức về hoạt động tình dục: phân tâm học, tâm lí học, y học và giáo dục học. Vô số các diễn ngôn của các nhà tâm lí học, phân tâm học, bác sĩ, các nhà sư phạm đã được tạo ra trong đời sống xã hội. Dưới tác động của các diễn ngôn này hình thành nên những tri thức về tính dục và đến lượt chúng những tri thức này quay trở lại củng cố cho quyền lực - sống (bio-power), khiến cho quyền lực này lan tỏa một cách rộng khắp vào trong xã hội. Có thể hình dung vấn đề trên theo mô hình:

 

- Quyền lực là một hiện tượng lịch sử. Quyền lực sống (bio-power) mà Foucault phân tích là một hiện tượng của xã hội hiện đại. Nó khác hẳn với nguyên lí quyền lực gắn với vai trò của hoàng đế trong xã hội phong kiến được đặc trưng bởi sự trừng phạt với tính chất bạo lực (trong Kỉ luật và trừng phạt Foucault đã miêu tả rất kĩ những hình phạt thảm khốc được thực thi một cách công khai với mục đích răn đe của thời trung cổ). Đây là lí do giải thích vì sao trong toàn bộ những suy tư triết học của mình, Foucault nhiều lần khẳng định: phải khước từ một mô hình quyền lực mang tính phổ quát chung cho toàn bộ các xã hội và các thời kì lịch sử.

- Khác với nhiều nhà khoa học hình dung về quyền lực là thuộc về một cá nhân hoặc một nhóm người được sử dụng để cai trị phần còn lại của xã hội, Foucault cho rằng: không hề có một quan hệ nhị phân giữa thống trị và bị trị như là gốc rễ của các quan hệ quyền lực. Nếu quyền lực ở khắp nơi thì không phải vì nó xuất phát từ một trung tâm và bao trùm lên tất cả mà vì quyền lực xuất phát từ mọi điểm khác nhau trong tổ chức xã hội. Trong sự hình thành diễn ngôn tính dục, quyền lực là một hiện tượng có tính chất vô danh (anonymous). Nó đến từ mọi thiết chế trong xã hội: gia đình, trường học, bệnh viện, tòa án. Nó gắn liền với mỗi cá nhân trong vai trò của cha – mẹ, thầy giáo, bác sĩ... Các cá nhân vì thế không phải là nơi để quyền lực thực thi mà họ chính là những mắt xích hình thành nên hệ thống quyền lực như một tổng thể.

- Truyền thống triết học phương Tây chủ yếu nhìn nhận quyền lực trong vai trò của sự trấn áp. Khi viết Kỉ luật và Trừng phạt (Disipline and Punish) (1975) và nhất là trong Lịch sử tính dục (The History of Sexuality), tập 1 (1976) Foucault triển khai một cách nhìn mới, nhấn mạnh đến khía cách tích cực: quyền lực như một cơ chế kiến tạo, có tính năng sản (productive) hơn là cấm đoán trong hoạt động tạo lập tri thức.[8] Trong trường hợp của diễn ngôn tính dục, chính là dưới những ảnh hưởng của quyền lực mà một khối lượng những tri thức về tình dục dị giới, về tâm thần (lí thuyết về vô thức của Frued là một ví dụ điển hình), về tình dục đồng giới... đã được thiết lập. Hình thành nên những thay đổi quan trọng trong tư duy và nhận thức của con người về chính mình.

          - Sara Mills khi tiến hành những bình luận về lí thuyết diễn ngôn của Foucault có một lưu ý thú vị về mối quan hệ giữa quyền lực và tri thức: “ở đâu có sự mất cân bằng về quan hệ quyền lực giữa các nhóm người hoặc giữa các thiết chế/ nhà nước thì ở đó sẽ có một sự sản xuất về tri thức”[9]. Trong sự phân tích triển khai của S. Mills thì: chính bởi sự mất cân bằng trong quan hệ quyền lực giữa đàn ông và đàn bà trong các nước phương Tây nên đã tạo nên tri thức về người phụ nữ: rất nhiều những cuốn sách viết về phụ nữ mà chỉ một số ít viết về nam. Tương tự như thế: rất nhiều sách viết về giai cấp công nhân, về người da đen, về tình dục đồng giới... trong khi chỉ có một số ít viết về giai cấp trung lưu, về người da trắng, về tình dục dị giới. Về phương diện thống kê: nghiên cứu học thuật trong khoa học nhân văn tập trung vào những người bị ngoại biên hóa, những người ở vị trí thấp trong hệ thống thứ bậc của xã hội. Nói cách khác, Foucault cho rằng: đối tượng của những nghiên cứu như thế thường là những người có vị trí quyền lực thấp hơn. Đây chính là những gợi mở lí thuyết của Foucault cho những nghiên cứu về diễn ngôn về nữ quyền, diễn ngôn tính dục và diễn ngôn thuộc địa sau này.

          Như thế, phân tích diễn ngôn, trên thực tế, là phân tích những tương quan quyền lực/tri thức trong hoạt động kiến tạo và truyền bá diễn ngôn.

3. Phân tích diễn ngôn và nghiên cứu văn học – một số vấn đề lí thuyết

Vấn đề lý thuyết trung tâm ở đây, theo chúng tôi sẽ là: nếu chấp nhận văn học như một kiểu diễn ngôn thì những hệ quả của nó là gì?

Những lí thuyết về diễn ngôn của Foucault ra đời trong thời kì hưng thịnh của chủ nghĩa cấu trúc. Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa cấu trúc những vấn đề nội tại của văn bản được đặc biệt quan tâm. Ở dạng cực đoan nhất, người ta cho rằng có thể giải quyết những vấn đề của văn học chỉ thuần túy dựa trên những yếu tố nội tại của văn bản mà không cần đến bất kì một sự tham chiếu nào khác từ những nhân tố bên ngoài. Người ta cố gắng đi tìm một cái gọi là tính văn học (literariness) từ những thủ pháp chỉ xuất hiện trong các văn bản nghệ thuật. Không chỉ là những vấn đề của bối cảnh xã hội mà ngay chính vai trò của tác giả cũng bị nghi ngờ. Việc hình dung văn học như một diễn ngôn của Foucault trong bối cảnh đó đã đem đến những đối thoại học thuật thú vị.

3.1 Trước tiên là vấn đề đối tượng của văn học. Từ Plato, một trong những ám ảnh của triết học phương Tây là câu hỏi về sự thật (the truth), một sự thật siêu việt lên mọi khác biệt về không gian, thời gian. Đấy là một sự thật phổ quát mà lí trí (chứ không phải là các giác quan) của con người có thể nhận biết. Từ xuất phát điểm triết học ấy, văn học cũng được hình dung như một quá trình khám phá về sự thật của đời sống. Mô phỏng (mimesis) trở thành nguyên lí nền tảng cho lí luận và lịch sử văn học. “Văn học nói về cái gì? Kể từ Thi học  của Aristote, sự mô phỏng (mimesis) là thuật ngữ phổ biến nhất và quen thuộc nhất qua đó người ta quan niệm về các mối liên hệ giữa văn chương và thực tại. Trong công trình đồ sộ của Erich Auerbach, Mimesis, sự thể hiện thực tại trong văn học phương Tây (1946), khái niệm này hãy còn là chuyện dĩ nhiên”[10]. Từ cách đặt vấn đề này, sự vận động và biến đổi của lịch sử văn học, xét đến cùng là lịch sử của sự vận động và biến đổi của đối tượng phản ánh, của thực tế đời sống xã hội, và đặc biệt là của con người (một đối tượng được hình dung như một thực thể tiềm tàng trong đó nhiều chiều kích, nhiều giá trị không thể vắt cạn). Cách đặt vấn đề này tất yếu dẫn đến một nghịch lí: một mặt, văn học được xem như là một phương thức tiếp cận hiện thực đặc thù, có khả năng khám phá về xã hội về con người mà những hình thái ý thức xã hội khác không thể chạm tới. Mặt khác, đó là một nhận thức có giới hạn trước một thực tại đa dạng, nhiều ẩn số. Khoảng cách giữa văn học và sự thật về đối tượng mà nó phản ánh là một đòi hỏi bắt buộc để giữ cho văn học có được sự phát triển, biến đổi trong lịch sử.

Lí thuyết diễn ngôn của Foucault phá bỏ khoảng cách này. Cái gọi là sự thật về đời sống hay con người theo Foucault, thực chất, cũng chỉ là sản phẩm của diễn ngôn được hình thành từ những tương quan quyền lực/tri thức của một giai đoạn, một thời kì lịch sử cụ thể. Thay cho việc đặt trọng tâm vào việc đặt câu hỏi: văn học đã làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa nó và thực tế đời sống thì giờ đây, chúng ta phải quan tâm đến câu hỏi: trong những tương quan quyền lực/tri thức nào mà những sự thật nào đó được quyền xuất hiện và miêu tả trong diễn ngôn văn học. Nói cách khác những miêu tả và nghiên cứu văn học sử phải thiết lập được mối quan hệ giữa văn học và khung tri thức (epistem) của một thời đại. Chính sự biến đổi của khung tri thức này là nguyên nhân sâu xa cho sự biến đổi (chứ chưa hẳn đã là phát triển?) của văn học.

3.2 Mối quan hệ giữa văn học với khung tri thức, từ một phương diện khác, làm xuất hiện một tương quan mới giữa văn bản văn học và  các kiểu loại văn bản khác. E. Said và những nhà phê bình Chủ nghĩa lịch sử mới (Stephen Greenblatt) cho rằng văn học cần được nghiên cứu cùng với các văn bản khác, chẳng hạn  như văn bản du lịch, văn bản khoa học, các bài tiểu luận... để tạo nên mối liên hệ của văn bản văn học với bối cảnh diễn ngôn của nó[11], hay nói cách khác với khung tri thức (epistem) của một giai đoạn, một thời đại lịch sử cụ thể. Điều đó cũng có nghĩa là: một mặt những vấn đề đặt ra trong tác phẩm văn học hoàn toàn có thể tìm thấy ở những loại văn bản khác; và mặt khác có thể xuất phát từ những vấn đề được đề cập đến trong những loại văn bản khác như một gợi ý để lí giải và tìm kiếm những vấn đề mà đôi khi khó nhận biết hoặc lí giải đầy đủ nếu chỉ thuần túy nhìn nhận từ văn bản văn học. Sự xuất hiện của vấn đề người phụ nữ trong văn học Việt Nam giai đoạn giao thời là một ví dụ. Trên thực tế, những văn bản đầu tiên đề cập đến người phụ nữ lại là những văn bản sử truyện của Phan Bội Châu và sau đó mới xuất hiện trong các văn bản tiểu thuyết. Đây là lí do khiến các nhà sử học, chẳng hạn như Hayden White,  cho rằng văn bản lịch sử chia sẻ mã ngôn ngữ  với các văn bản văn học; do đó, cả hai đều sử dụng tự sự,  tiêu điểm và điểm nhìn và cả hai văn bản (văn học và lịch sử) đều dựa trên những nguồn diễn ngôn tương tự trong một văn  cảnh cụ thể. Điều này khiến cho vấn đề ranh giới giữa những thể loại văn bản được xem là hư cấu (fiction) như văn học và phi – hư cấu (non-fiction) như lịch sử cần phải được thảo luận lại. Ngay cả khi người ta không tán thành luận điểm trên thì việc nhận diện thế nào là một tác phẩm văn học (hư cấu) cũng cần phải được nhìn nhận, lí giải dưới một ánh sáng mới.

Ở đây cũng cần lưu ý: ngay khi nhìn nhận văn học như một diễn ngôn ta sẽ thấy diễn ngôn văn học là không gian giao cắt và tương tác cực kì phức tạp giữa các diễn ngôn của một thời đại cụ thể. Điều này khiến cho tác phẩm văn học hiện lên với rất nhiều tẩng vỉa về ý nghĩa. Lâu nay, chúng ta cắt nghĩa sự đa nghĩa của tác phẩm văn học chủ yếu từ những phương diện nội tại, từ đặc điểm tổ chức hình tượng của tác phẩm văn học. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chính sự giao cắt và tương tác của các diễn ngôn (mà đằng sau nó là những tương tác quyền lực/ tri thức) cũng là một nguyên nhân quan trọng đem lại tính đa nghĩa cho tác phẩm.

3.3 Càng về sau này dường như Foucault càng “lảng tránh” nói về cái được xem là “tính văn học” như một thực thể tồn tại khách quan, cư ngụ trong chính văn bản văn học. Trong một bài phỏng vấn lúc cuối đời, ông thậm chí cho rằng cái gọi là văn học thực ra mới chỉ xuất hiện từ thế kỉ 19 và nó được tạo ra nhờ vào thiết chế của trường đại học, và giờ đây thiết chế đại học đã đồng nhất với thiết chế văn học: “trong số các tác phẩm tự sự, tại sao một trong số đó được tôn vinh, được mang chức năng văn học. Chúng có liên quan trực tiếp với một thiết chế khác mà về nguồn gốc hoàn toàn khác biệt: thiết chế đại học. Giờ đây nó bắt đầu đồng nhất với (be identified with) thiết chế văn học (TVT nhấn mạnh)”[12]. Vậy nên, ở đây chúng ta nhận ra một sự thật: văn học (ít nhất là trong các xã hội phương Tây) hành chức như là văn học thông qua sự tác động qua lại của sự tuyển chọn, đề cao, và phê chuẩn/ hợp thức hóa  mang tính chất thiết chế mà ở đó trường đại học có cả hai chức năng: thực hiện và tiếp nhận. Trong phân tích của Foucault, chính là thiết chế của trường đại học đã hình thành nên cái gọi là văn học cổ điển. Và trên thực tế là trong thời hiện đại, theo quan sát của Foucault, cái gọi là văn học tiền phong (avant-garde) hoàn toàn chỉ được đọc bởi các giáo sư và sinh viên trong các trường đại học.

Ở một đoạn khác, Foucault thuyết minh trực diện hơn cho cách tiếp cận văn học của mình: “Để biết cái gì là văn học, tôi không muốn nghiên cứu những cấu trúc nội tại của nó. Tôi muốn nắm bắt lấy cái khoảnh khắc, cái quy trình ngắn ngủi - nhờ đó mà một diễn ngôn phi văn học, bị thờ ơ, bị bỏ quên khi nó được tạo ra – gia nhập trường văn học. Cái gì đã xảy ra? Cái gì đã xui khiến điều đó? Cái diễn ngôn này đã bị biến đổi như thế nào mà khiến nó được xem là diễn ngôn văn học?”[13]. Có thể thấy ở đây một nguyên tắc tiếp cận văn học rất riêng của Foucault: ông không hiểu tính văn học ở những thước đo nội tại. Không phủ nhận “những cấu trúc nội tại” trong tác phẩm văn học nhưng Foucault quan tâm chủ yếu đến những nhân tố ngoại tại khiến cho một văn bản, ở một thời điểm nhất định, trở thành (TVT nhấn mạnh) văn bản văn học. Chính vì thế, tính văn học là một phạm trù động, luôn biến đổi. Chính sự biến đổi này mà người ta thấy sự thường xuyên thay đổi của trường văn học. Một ví dụ: những bộ kì thư của cái gọi là tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc hiện nay trong quá khứ chỉ tồn tại ở bên lề của hệ thống văn học quan phương trung đại (kinh – sử - tử - tập). Điều gì đã khiến các tác phẩm trên (trong khi vẫn giữ nguyên những cấu trúc nội tại của mình) lại chuyển dịch từ vị trí ngoại vi vào trung tâm của diễn ngôn văn học? Theo một chiều ngược lại: có những tác phẩm ở thời điểm này được xem là thuộc về hệ thống văn bản văn học nhưng ở một thời điểm khác lại dạt ra ngoại vi, thậm chí ra nhập một hệ thống văn bản khác. Đằng sau những biến động này, trên thực chất, là sự biến đổi của những tương quan quyền lực/tri thức (diễn ngôn) mà chúng tôi đã giới thiệu khái lược ở trên. Nói gọn lại: tính văn học, nhìn từ lí thuyết diễn ngôn của Foucault, không phải là một thuộc tính khách quan. Tính văn học cũng là một dạng tri thức đặc biệt và vì thế nó cũng là sản phẩm của tương tác quyền lực/ tri thức (diễn ngôn). Từ góc nhìn của lí thuyết diễn ngôn, khi phân tích về tính văn học trong một văn bản thì điều thiết yếu phải nhận ra đằng sau đó luôn là những tương quan quyền lực/tri thức. Một ví dụ: những ảnh hưởng của những thiết chế văn hoá và giáo dục phương Tây đã làm xuất hiện diễn ngôn tả thực trong văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX như một sự thay thế cho diễn ngôn tải đạo trong văn học trung đại. Sự thay thế này xét đến cùng là sự phản ánh tương quan quyền lực/ tri thức của phương Tây với phương Đông, của tinh thần khoa học duy lí, óc phân tích với tư duy tổng hợp của phương Đông.

          3.4 Như đã nói ở mục 2, những thảo luận về quyền lực/tri thức của Foucault lưu ý chúng ta một thực tế: ở đâu có sự mất bình đẳng về quyền lực ở đó một sự sản xuất về tri thức. Nói cách khác, đối tượng của sự nghiên cứu thường có vị trí thấp hơn về quyền lực. Trong lĩnh vực văn học, tương quan quyền lực/tri thức này gợi ý một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn về mối quan hệ quyền lực giữa chủ thể sáng tạo với những đối tượng mà anh ta miêu tả. Vì sao, cho đến nay, nhân vật nữ chủ yếu được hiện lên qua ngòi bút miêu tả của các nhà văn nam giới? Điều này khiến nhân vật nữ trong văn học có những đặc điểm gì? Vì sao và trong những tình huống, bối cảnh nào mà các nhà văn nam lại thường ẩn mình, gửi gắm những kí thác của mình qua nhân vật nữ? Những cây bút nữ trong văn học trung đại có đặc điểm gì trong môi trường nam quyền? Sự xuất hiện của những cây bút nữ trong văn học đương đại phản ánh những tương quan quyền lực/ tri thức nào? Những nhân vật nam giới dưới ngòi bút của những cây bút nữ có những đặc điểm gì?

          Mối quan hệ giữa chủ thể viết và đối tượng cũng được tìm thấy ở những  nghiên cứu (hiện đang rất phổ biến trong giới học thuật) hậu thực dân/ thuộc địa (post-colonial studies). Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ lí thuyết quyền lực/tri thức của Foucault và E. Said (người công khai thừa nhận những ảnh hưởng về lí thuyết quyền lực của Foucault với tư tưởng học thuật của mình) hướng nghiên cứu này triển khai những nghiên cứu về mối quan hệ quyền lực giữa chủ thể thực dân với những miêu tả về thuộc địa và ngược lại. Đây là vấn đề, trong vòng một vài thập kỉ gần đây, đang trở thành những vấn đề thời sự trong đời sống học thuật.

          Cũng liên quan đến vấn đề của quyền lực, một nghiên cứu văn học dưới ảnh hưởng của Foucault có lẽ sẽ tập trung vào những vấn đề như: hình thức xuất bản của tác phẩm (khuyết danh hay có tên tác giả, chính danh hay mạo danh [nhiều tác phẩm văn học trung đại ở đó tác giả không xuất hiện dưới tên thật của mình], in sách hay lan truyền trên Internet, được ấn hành bởi nhà xuất bản nào...); vai trò mà phê bình văn học đảm nhiệm trong quá trình duy trì hoạt động tái bản của tác phẩm và quá trình hình thành điển phạm hơn là phân tích chính những văn bản đó.

          3.5 Trong lí luận, phê bình truyền thống: văn học là lĩnh vực của sáng tạo, các nhà văn được hình dung như những người thám hiểm, khai phá, tạo lập nên những giá trị mà trước đó chưa từng được biết đến. Sáng tạo là thước đo cho giá trị của một nhà văn cũng là những dấu mốc để làm nên lịch sử văn học. Với Foucault cái được quan tâm không phải là tính sáng tạo mà là những yếu tố được lặp lại, những yếu tố được tạo ra trong mối quan hệ với những văn bản khác, những yếu tố dường như xuất hiện trong rất nhiều những văn bản khác. Ông không cho rằng nhà văn không có khả năng để sáng tạo nhưng ông quan tâm nhiều hơn đến một sự kiện: đúng là là người viết (về lí thuyết) có thể viết về bất kì thứ gì mà họ thích – nhưng họ, trong thực tế, có xu hướng nói quá ít, và lời nói của họ luôn nằm trong những giới hạn quy định. Một sự phân tích mang màu sắc Foucault sẽ đặc biệt quan tâm đến những đặc điểm cấu trúc của các diễn ngôn văn học cái mà tạo ra những đặc điểm tương tự  (TVT nhấn mạnh) trong văn bản ở cấp độ giọng điệu trần thuật, phong cách, thể loại và v..v.

          Vai trò tác giả trong lí thuyết của Foucault chủ yếu được nhìn nhận ở phương diện chức năng. Nói cho công bằng, sự nghi ngờ về vai trò của tác giả không phải là một quan niệm riêng của Foucault mà là dấu ấn của cả một tư trào triết học, mỹ học phương Tây. Sau giai đoạn về chủ nghĩa nhân văn: xem con người là trung tâm, mang trong mình sức sáng tạo của Chúa thì sang thế kỉ 20 người ta bắt đầu nghi ngờ điều này. Nếu ta thừa nhận diễn ngôn như là cách lí giải và tiếp cận vào thế giới thì ta sẽ thừa nhận là diễn ngôn có trước con người và những điều chúng ta nói đều đã được định trước trong ngôn ngữ. Như Mallarme đã gợi vấn đề, một văn bản quy về chính bản thân ngôn ngữ hơn là tác giả của nó và sau này nói như R. Barthes: tác giả đã chết. Cái riêng của Foucault là ở chỗ: ông cho rằng việc xóa bỏ hoàn toàn vai trò của tác giả có thể gây ra những vướng mắc không thể vượt qua về mặt lí thuyết khi giải quyết vấn đề tác phẩm. Tác giả theo ông vẫn tồn tại nhưng không phải theo nghĩa của một chủ thể sáng tạo toàn năng mà là một kiến tạo để thực hiện những chức năng nhất định. Khái niệm tác giả giờ đây được thay thế bằng “chức năng tác giả” (‘author function’), bao gồm: (1) Chức năng xác nhận quyền sở hữu của người viết đối với một văn bản. (2) Chức năng đem lại giá trị văn học cho một văn bản nào đó. Ví dụ: nếu đó là một văn bản được xác nhận là của Xuân Diệu hay Chế Lan Viên... thì nó được xem là có giá trị văn học hơn một văn bản vô danh hoặc do một cá nhân bất kì viết ra. (3) Chức năng đem lại logic, trật tự cho một khối lượng các tác phẩm cũng như là chìa khóa để lí giải cho những mâu thuẫn trong nội tại một tác phẩm nào đó. Theo đó, những tác phẩm luôn được sắp xếp theo thời gian sáng tác của tác giả nhằm tìm ra một trật tự, logic nào đó. Tác giả cũng đồng thời được coi là nhân tố đem lại sự thống nhất nào đó về cách viết. Trong trường hợp người ta thấy sự hiện diện những nhân tố trái ngược nhau trong tác phẩm thì tác giả sẽ là đầu mối để những xung đột này có được sự thống nhất (nếu không phải là trong ý thức thì cũng là vô thức của hoạt động sáng tạo). Thực tế cho thấy, khi một tác phẩm còn ở trạng thái khuyết danh thì ngay lập tức những ý nghĩa của nó trở nên mơ hồ và để ngỏ cho mọi cách lí giải khác nhau, từ những giả định khác nhau về tác giả của nó[14]. (4) Chức năng – tác giả không chỉ một cá nhân cụ thể một cách đơn giản, mà nó có thể đưa ra cùng một lúc nhiều chủ thể khác nhau, trong những vị trí là chủ thể của câu có thể được phát ngôn bởi những cá nhân khác nhau. Foucault lấy ví dụ từ diễn ngôn toán học: người viết lời nói đầu của một tác phẩm toán học và trình bày bối cảnh phát minh, không thể được đồng nhất, về vị trí cũng như về cách hoạt động, với người phát ngôn trong phần chứng minh và xuất hiện dưới dạng “Tôi kết luận”, hoặc “Tôi giả thiết”.  Trong trường hợp lời nói đầu, đại từ “tôi” chỉ một cá nhân độc nhất vô nhị đã hoàn thành một công việc nào đó vào một thời điểm và ở một nơi nào đó, trong khi đó thì ở trường hợp thứ hai, đại từ “tôi” chỉ một thời điểm và một bước thao tác mà mọi cá nhân đều có thể thực hiện, với điều kiện là phải chấp nhận hệ thống biểu tượng, các tiên đề và các chứng minh đã được làm trước đó. Ta còn có thể phát hiện ra một nhân vật thứ ba nữa, đó là người nói về mục đích của công việc, những khó khăn đã gặp phải, những kết quả đạt được, và những vấn đề còn đặt ra ; nhân vật này thuộc về một lĩnh vực khác, đó là toàn bộ những diễn ngôn toán học đã tồn tại hoặc sẽ được viết ra. Dĩ nhiên, có một tác giả duy nhất theo nghĩa hiển nhiên là người viết ra những lời lẽ của văn bản. Nhưng, với tư cách là tác giả, con người cá nhân này phải đảm nhận nhiều vai khác nhau, tương ứng với sự đa dạng bản ngã: “chức năng tác giả vận hành để phát tán… những bản ngã đồng hiện này”[15]. Điều này giả định một vấn đề mang tính lí thuyết: không có chủ thể ngoài văn bản. Và, quan trọng hơn, theo Foucault, mọi diễn ngôn/ văn bản có chức năng – tác giả đều là diễn ngôn/ văn bản đa chủ thể.

          Cùng với R. Barthes, những kiến giải trên của Foucault về chức năng tác giả có ảnh hưởng sâu rộng trong những thảo luận về lí thuyết văn học.

4. Phân tích diễn ngôn không phải là phương pháp áp dụng riêng cho nghiên cứu văn học. Phổ áp dụng lí thuyết phân tích diễn ngôn trải rộng trong tất cả các lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn : xã hội học, tâm lí, sử học, tâm lí học, chính trị học… Mặt khác, phân tích diễn ngôn cũng không bao quát hết những vấn đề của nghiên cứu văn học. Theo chúng tôi, phân tích diễn ngôn có hữu ích nhất khi nhận diện những nội dung xã hội của văn học trong mối quan hệ với khung tri thức của một thời đại cụ thể. Như thế, phân tích diễn ngôn có thể là sự bổ sung cho hướng nghiên cứu xã hội học về văn học vốn đã khá quen thuộc với môi trường học thuật của Việt Nam.

Tuy nhiên, để thực sự phát huy tác dụng của mình, phân tích diễn ngôn cần có sự kết hợp, đúng hơn là tích hợp với các hướng nghiên cứu khác, đặc biệt là thi pháp học. Chỉ như thế phân tích diễn ngôn mới thực sự đi sâu vào văn bản, vào những đặc trưng thẩm mỹ của tác phẩm. Đây là một tất yếu. Trong giai đoạn ngày nay, với sự bùng nổ của các hướng nghiên cứu thì sự vận dụng khôn ngoan nhất vẫn phải là sự tích hợp nhằm tạo nên những công cụ thích hợp cho mục tiêu nghiên cứu và những đặc trưng văn học của từng dân tộc.

                                                          Đồng Xa, 2013 - 2015

 

 


* Bài viết được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED).

[1] M. Foucault (2004), The Archaeology of Knowledge, trans. Sheridan Smith, A.M.,Tavistock, London (first published 1969), tr. 90

[2] Sara Mills (2004), Discourse, Taylor & Francis e-Library (first published 1997), tr.6

[3] Sara Mills (2005), Michel Foucault, Taylor & Francis e-Library, tr.55

[4] M. Jorgensen và L. Phillips (2002), Discourse Analysis as a Theory and Method, SAGE Publications Ltd, tr.1

[5] M. Foucault (1981), ‘The Order of Discourse’ trong R. Yong (ed), Untying the Texts: A Post – Structuralist Reader, Routledge, London, tr.52

[6] M. Foucault (1981), ‘The Order of Discourse’, Tlđd, tr.51-52

[7] M. Foucault (1977), Discipline and Punish: The Birth of the Prison, London: Allen Lane [Fr 1975], tr.27, dẫn theo A. McHoul và W. Grace (2002), Tlđd, tr.59

[8] M. Foucault (1990), Politics – Philosophy – Culture: Interview and Other Writings 1977 – 1984, Routledge, Chapman & Hall, Inc, tr. 118

[9] Sara Mills (2005), Tlđd, tr. 69

[10] Antoine Compagnon, Bản mệnh của lí thuyết, Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào (2006) dịch, NXB Đại học Sư phạm, tr.137

[11] Sara Mills (2005), Tlđd, tr.117

[12] M. Foucault (1990), tr. 308

[13] M. Foucault (1990), tr. 311

[14] Về vấn đề này xin xem: Nguyễn Nam, Cái chết của tác giả (tiểu thuyết lịch sử)?, http://khoavanhocngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2183:cai-chet-cua-tac-gia-tieu-thuyet-lich-s&catid=63:vn-hc-vit-nam&Itemid=106

[15] Một cách chi tiết về vấn đề tác giả xin xem bản dịch Thế nào là tác giả của Nguyễn Phương Ngọc (2007), mục “Michel Foucault”, trong sách Lí luận – Phê bình văn học thế giới thế kỉ XX – Lộc Phương Thủy (chủ biên), NXB GD, tr. 359 - 377

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020