Văn học Việt Nam hiện đại

Đôi điều suy nghĩ về văn hóa đọc thơ hôm nay


12-10-2020

Văn học Việt Nam từ sau 1975, nhất là từ thời kỳ đổi mới, là một quá trình văn học rất phong phú, đa dạng và không ít phức tạp, lại còn đang tiếp diễn. Việc nghiên cứu, đánh giá giai đoạn văn học này quả thực là công việc còn nhiều khó khăn. Sự tồn tại nhiều ý kiến, nhận định, đánh giá khác nhau về những vấn đề và hiện tượng của văn học những năm qua là điều đương nhiên. Trước tình hình đó, một hội thảo khoa học toàn quốc, mang tên “Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đế nghiên cứu và giảng dạy” đã được tổ chức tại khoa Ngữ Văn trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội tháng 4 năm 2005. Đó là một trong những sinh hoạt học thuật quy mô và nghiêm túc, nhằm nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về tiến trình văn học ba mươi năm, từ 1975 đến thời điểm hội thảo được tổ chức. Chúng tôi chia sẻ một số bài viết tham dự hội thảo này, nhằm cung cấp cho sinh viên và bạn đọc một nguồn tư liệu tham khảo.

Cái gì quyết định sinh mệnh của một tác phẩm văn chương nghệ thuật nói chung, một tác phẩm thơ nói riêng? Đó chính là người sáng tác và độc giả. Nghệ sĩ là người cho đứa con tinh thần của mình một cuộc đời. Nhưng cuộc đời ấy ngắn ngủi hay dài lâu, anh  ta không định đoạt được. Quyền năng ấy thuộc về công chúng. Trong phạm vi một bài viết nhỏ, tôi chỉ xin được nói lên đôi điều suy nghĩ của mình về văn hoá đọc thơ hôm nay qua một số hiện tượng thơ đã thu hút được sự chú ý của dư luận trong mấy năm gần đây ( những hiện tượng thường được mệnh danh là "thơ trẻ").

         Đột phá và sáng tạo- đấy là những phẩm chất quan trọng thiết yếu đối với bất cứ người nghệ sĩ chân chính nào. Đột phá và sáng tạo cũng là con đường độc đạo để đi tới tương lai. Theo Pound : " Sẵn sàng lao vào thí nghiệm vẫn chưa đủ, mà không sẵn sàng lao vào thí nghiệm thì chỉ có chết". K. Richard lại nói : " Chỉ có những cuộc đột kích can đảm vào những nơi chưa ai đặt chân đến- cuộc đột kích vượt qua hẳn những quy ước tiền lập-mới xứng danh sáng tạo".

Từ sau năm 1975 đến nay, cùng với rất nhiều thay đổi trong đó có những thay đổi mang tính bước ngoặt của đất nước, thơ ca Việt Nam luôn tiềm tàng một khát vọng đổi mới. Nhưng việc làm đó không hề đơn giản và không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Đổi mới có nghĩa là chấp nhận một thử thách khắc nghiệt. Làm thế nào để khẳng định được mình trước những nền tảng giá trị đã định vị kiên cố từ rất lâu rồi? 100 năm đối với đời người quả thật là dài, song đối với lịch sử dân tộc thì có đáng là bao. Đầu thế kỉ XX, chúng ta đã chứng kiến một cuộc lột xác vĩ đại của thơ ca Việt Nam. Công cuộc hiện đại hoá nền văn học khởi sự từ những năm đầu của thế kỉ XX, sau khoảng 30 năm, thơ mới đã ra đời và lớn mạnh, khẳng định tiềm lực, sức sống mãnh liệt của văn học dân tộc và tài năng của một thế hệ nhà thơ với tuổi đời rất trẻ: Xuân Diêu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính… làm nên một "thời đại mới trong thi ca"… Từ năm 75 đến nay cũng đúng 30 năm, chúng ta đã làm được điều ấy chưa?

          Thơ ta vốn có bề dày truyền thống từ xưa. Phần lớn những đỉnh cao của văn học dân tộc đều là những  tác phẩm văn vần. Trong vài năm gần đây, thơ lại càng tưng bừng, nở rộ. Thơ lan tràn đến mọi ngõ ngách của đời sống song có đến 90% số người làm thơ vẫn tiếp nối thi mạch cũ (Theo Đông La). Chỉ có một bộ phận nhỏ quyết tâm đổi mới thơ mạnh mẽ.                  Dù chưa đóng vai trò chủ lực nhưng cũng đã có không ít những nhà thơ trẻ mà độc giả đã nhớ mặt quen tên : Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly… Đã có một gương mặt thơ độc đáo để cứ nói đến thơ Việt Nam giai đoạn này là nhắc đến anh ta chưa, đã có một phong cách thơ tiêu biểu cho thời đại chưa? Đó là điều cần phải xem xét. Nhưng điều chắc chắn là khi cá tính sáng tạo đã được giải phóng, thơ trẻ đã tìm mọi cách để đổi mới và đã có những đổi mới hoà vào nhịp điệu mới của đời sống xã hội và văn học nói chung.

Nhìn vào con đường đã đi của thơ Việt, ta thấy việc đổi mới thơ có lúc đứt quãng, có lúc lại được nối kết như một cuộc chạy tiếp sức. Thực chất sự đổi mới ấy đã được phôi thai từ trước năm 1975 với Trần Dần, Lê Đạt cuối những năm 80 đầu 90 với Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng… rồi đến Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến… và những năm 2000 với một loạt những nhà thơ rất trẻ. Hơn lúc nào hết, lúc này, đổi mới được đặt ra như một nhu cầu sống còn của thơ ca và của chính những người sáng tác. Họ đã chán ngấy sự cũ kĩ, nhàm chán. Vi Thuỳ Linh quyết tránh xa những "mô phạm và sáo mòn, nguỵ tạo và hèn nhát". Thấy " người ta " diễn" quá nhiều", chị "nhấn mạnh sự thành thật" và khẳng định quyết liệt : "Tôi là một nhà thơ Sôlô. Tôi không cần dàn đồng ca. Tôi sẵn sàng là một chiến binh có thể bị tử đạn để tạo nên làn sóng mới trong thi ca". Phan Huyền Thư cũng thấy mình không thể tiếp tục viết:

Những vần thơ ảnh viện

Khóc buồn vui không màu

Cười những nụ cười giống nhau

            Chị sẵn sàng " đi khỏi ảnh viện. Để thơ" (Một bài thơ).

            Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, sự cố gắng, thậm chí xả thân vì nghệ thuật của anh rồi cũng chẳng ích gì nếu anh một mình đơn độc. Anh không thể thay thế độc giả mà quyết định vận mệnh của thơ mình. "Công cuộc đổi mới thơ sẽ không thể nào thực hiện trọn vẹn nếu không có công cuộc vận động đổi mới cách đọc. Mỗi giai đoạn thơ cần có một văn hoá đọc thơ riêng"(Nguyễn Hưng Quốc). Những thử nghiệm tìm tòi của nhóm Xuân Thu nhã tập, của Trần Dần, Lê Đạt, của Nguyễn Đình Thi… đều trở thành lạc lõng và nhanh chóng đi đến hồi kết thúc bởi thiếu một văn hoá đọc thơ tương ứng. Để rồi mấy chục năm sau, nó lại được thử nghiệm lại. Nhưng rồi cái chung cục của nó có khác xưa?

1. Thơ trẻ đã thay đổi như thế nào?

Trước tiên, cần thấy: đổi mới không có nghĩa là ly khai với truyền thống. Việc đổi mới này là hệ quả của việc tiếp thu những ảnh hưởng của thơ ca phương Tây trong quá khứ và đương đại, là sự tiếp bước những người đi trước, đồng thời nó cũng in dấu bản lĩnh, bản sắc của các nhà thơ trẻ Việt Nam trong một hoàn cảnh cụ thể là những năm cuối của thế kỉ XX sang những năm đầu của thế kỉ XXI.

 Đổi mới thơ bắt đầu từ việc đổi mới quan niệm về thơ và nhà thơ.Trong thời kì đấu tranh cách mạng. thơ chủ yếu được coi như một thứ vũ khí sắc bén, một phương tiện để kêu gọi, tập hợp sức mạnh tinh thần của quần chúng nhân dân. Nay, thơ là một phương tiện tự thể hiện, đáp ứng nhu cầu tự khám phá của con người. Nhà thơ viết để " kiến tạo giá trị của bản thân mình". Con người ở thế kỉ này quan tâm đến đời sống tâm linh nhiều hơn là cái hiện thực đời sống lồ lộ dưới ánh mặt trời."Thơ trong thời đại mới không còn băn khoăn đến những vấn đề quá rõ ràng, những sự việc cá nhân cũng thấy và nắm bắt được. Nó phải hướng tâm hồn bạn đọc về một nơi xa hơn, một thế giới ở vào ngoại vi của thế giới được nhận thức" ( Nguyễn Hữu Hồng Minh). Thơ phải có khả năng ôm chứa, khơi mở diệu kì: " Vũ trụ bao la thơ một dòng".Chất liệu hiện thực phải như một " gương mặt ẩn chìm" là " tiếng nói vô hình" để bề mặt thơ là "sự trong suốt". Cũng theo Nguyễn Hữu Hồng Minh, thơ không là sản phẩm trực giác, là phiên bản hiện thực, không phải lúc nào cũng cắt nghĩa cụ thể. Dưới làn thơ có vô số những dòng chảy ngầm mãnh liệt để rồi bất ngờ, thơ ào ra biển lớn.

Bóng tối chưa hẳn bóng tối, ánh sáng chưa hẳn ánh sáng

Những bí mật quyện nhau, những thông điệp luân chuyển

" Những điều thơ trẻ hôm nay muốn nói rất đa dạng, phóng khoáng và tự do; thậm chí hơi bị xa xăm mờ mịt"( Phan Huyền Thư) Khi thoát khỏi sự hữu hạn, con người trở về với vô hạn…Những cuộc đối thoại vắng mặt không phải quá cao siêu hay huyền bí mà là một cuộc tri ngộ trước những bản nguyên kì diệu của cuộc sống. Cái gốc rễ khiến thơ bùng phát không phải là những chiêm nghiệm của lí trí, tư duy mà trước hết là của bản năng người. Thơ trẻ coi trọng sự thành thực, thành thực với mình và với người, nó "không cần phải giả bộ đoan trang".

Các nhà thơ trẻ đã xác lập trở lại những giá trị đã bị đánh mất của thơ, trong đó đáng chú ý nhất là ngôn ngữ. Thơ ta thường coi ngôn ngữ như một phương tiện truyền tải chứ chưa xem nó như một phương tiện sáng tạo." Đó là một sự bỏ quên rất đáng cảnh tỉnh…Cái chết của một nhà thơ là cái chết của chữ và sự bất tử của họ cũng do chính từ trường của những con chữ của họ tạo nên"(Nguyễn Hữu Hồng Minh). Phan Huyền Thư luôn luôn tâm niệm: " Khi đặt bút viết thì có nghĩa là đang cố gắng tạo ra một giá trị mới cho ngôn ngữ".Vi Thuỳ Linh tự nhận thấy mình " là người chủ công cho việc sáng tạo hình ảnh và ngôn ngữ".

Trước đây, một trong những phẩm chất được đánh giá cao của thơ là tính đại chúng. Phát ngôn của thơ lấy số đông, lấy toàn thể làm đối tượng. Giờ đây, có người vẫn lo lắng sợ thơ mất công chúng nhưng không ít người cho rằng: thơ không cần số đông độc giả. Có nhà thơ đã không ngần ngại mà rằng: "Xin lỗi, thơ tôi không dành cho bạn". Nhiều bạn đọc cảm thấy mình bị xem thường, bị xúc phạm quá thể. Thực tế, với cách nghĩ, cách viết như đã có, thơ trẻ cũng chỉ dành cho một số người mà thôi. Nó không có tính đại chúng bởi nó không dễ hiểu. Tiếng nói "đồng ý, đồng chí, đồng tình" quả thực không dễ gì có được.

Các nhà thơ trẻ hiện nay là những người khác xa với thế hệ đàn anh. "Họ không còn những ràng buộc, lo âu của thế hệ trước. Không ai hỏi họ vì sao không làm thơ không vần, thơ 3 câu hoặc thơ 2 câu. Không ai phê phán họ vì sao chỉ viết thơ tình…Thế hệ này nói chung được học hành tử tế, được tiếp xúc với văn hoá thế giới rộng rãi. Nghĩa là họ đã có đủ điều kiện để bộc lộ tài năng và có thể tạo nên những bùng nổ, những chuyển biến"(Ý Nhi). Họ trẻ tuổi và trẻ trung trong ý nghĩ, trong quan niệm và sáng tạo nghệ thuật. Họ táo bạo và bản lĩnh (đôi khi, thậm chí liều lĩnh). Khát vọng tìm đường của họ vô cùng mãnh liệt vì họ muốn được khẳng định bản ngã của mình. Lúc nào, trong họ cũng cháy rực ngọn lửa đam mê, "khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có" là mục đích của họ.

         Nguyễn Hữu Hồng Minh đã có lần khắc hoạ bức chân dung của mình- một nhà thơ trẻ:

Kẻ khai mở những phiêu lưu mạo hiểm

Kẻ tìm kiếm niềm vui không hạn giới

…Kẻ phản kháng và tìm đến những chân trời

…Kẻ tìm kiếm một đoạn tuyệt trong thực tại

Kẻ tới hơi sớm tương lai

                           (Khoảng 3h sáng ngày 23/10)

          Tất cả họ đều sẵn sàng" đánh cuộc với tương lai", dám trèo qua những bức tường thành kiên cố để làm những điều họ muốn.

          Lớp những nhà thơ tiền bối đã đặc biệt lưu tâm tới sứ mệnh thiêng liêng của "nhà thơ đám đông". Nhà thơ là người phát ngôn cho cộng đồng, là người lĩnh xướng, là nhạc trưởng của cả "dàn đồng ca", người thuyết giảng, định hướng, dẫn dắt người đọc. Các nhà thơ trẻ đã thiết lập lại các mối quan hệ giữa nhà thơ và công chúng. Đó là quan hệ hoàn toàn dân chủ và bình đẳng.

         Nguyễn Hữu Hồng Minh cho rằng sứ mệnh của nhà thơ trẻ là phải đánh thức khả năng tiếp kiến cái thực tại tối hậu kì vĩ bên ngoài hiện thực đã từng án ngữ nêm chặt trong nếp nghĩ và cách tư duy của người Việt Nam từ xưa đến nay.Cái hiện thực của bi kịch, định mệnh, tài năng và số phận nhà thơ chính là cái khoảng rỗng bên trong, nhưng là phần quan trọng nhất của chiếc bình. Đó là "thế giới ở nơi xa" mà Mallarmé đã cảm thấy, nói cách khác là bản thể của tồn tại.

Những quan niệm trên đã dẫn đến sự thay đổi tất yếu của thơ trẻ cả về nội dung và hình thức.

Ấn tượng bao trùm và nổi bật về thơ trẻ là khó đọc. Đọc thơ trẻ là đọc vào cái khấp khúc ghập ghềnh. Người đọc thường rơi vào trạng thái hoang mang, không biết nhà thơ định nói gì, có khi nghi ngại chính trình độ đọc của mình. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thay đổi tự thân của thơ và quan trọng là ta vẫn đọc theo cách đọc truyền thống. Ta dùng cái tư duy của con người cũ để đọc thơ mới. Lúc nào ta cũng chăm chắm đi tìm dòng nghĩa của thơ, xem tư tưởng chủ đề, giá trị giáo dục của bài thơ ra sao? Ta hoài công tìm mà không thấy giọng nói quyền uy dẫn dắt độc giả của nhà thơ. Ta phải đơn thương độc mã đi vào khu rừng rậm thơ ca, tự mầy mò mà tìm lấy đường đi. Nhiều khi cứ u u minh minh. Cảm giác mệt mỏi bất lực tất yếu dẫn đến tâm lí ngại đọc thơ- một loại hình nghệ thuật mà Hoài Thanh đã quả quyết rằng nó " là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại…sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế".

Đấy là những cảm giác ban đầu của tôi và chắc chắn của không ít độc giả thông thường khi tiếp xúc với thơ trẻ. Mà tôi không phải là một người già bảo thủ, nhất nhất coi truyền thống và những giá trị truyền thống là tối cao. Điều ấy cho thấy nếp cảm nếp nghĩ cũ đã ăn quá sâu vào máu chúng ta. Thay đổi được nó không phải là điều dễ.

          Còn các nhà phê bình đọc thơ trẻ như thế nào? Chính nhiều người trong số họ cũng có cảm giác "khó đọc, khó hiểu và khó in" (Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Phan Hách, Ngô Văn Phú đã có cảm giác ấy khi đọc những tập thơ  của Văn Cầm Hải).

           Nhiều ý kiến trái ngược nhau như nước với lửa khi đánh giá về thơ trẻ. Có những ghi nhận và cũng có không ít những hoài nghi. Có ý kiến cho rằng đổi mới của thơ trẻ chỉ là đổi mới về hình thức bề ngoài. Nếu đổi mới chỉ là sắp xếp ngược lại những giá trị cũ thì từ một sự đơn điệu ở cực này chúng ta lại tiến tới sự đơn điệu ở một cực khác. Cái chính là một tinh thần thơ mới chúng ta lại chưa có. Với Hồ Anh Thái, Phan Huyền Thư vàVi Thuỳ Linh đều mới vỡ giọng, đang bi bô những câu ngộ nghĩnh mà loài  người đã nói sõi từ lâu, thơ ca Âu Mĩ đã làm từ lâu và nhan nhản đến tận bây giờ.  Có người ca ngợi tung hô và tràn trề hy vọng. Kẻ lại mỉa mai, chỉ trích, thậm chí kết án thơ trẻ bằng những lời lẽ gay gắt, đao to búa lớn: lai căng, mất bản sắc, quay lưng lại với quá khứ, dân tộc và những nghĩa vụ công dân cao cả; hũ nút, xa rời quần chúng.

         Dẫu biết rằng, mỗi người với mỗi trình độ, quan niệm thẩm mĩ, mỗi phông văn hoá khác nhau có thể có những cách giải mã, kiến giải thơ khác nhau song điều ấy khiến không ít độc giả hoang mang, lo ngại không biết đâu là chân giá trị.

*Thực trạng trên cũng cho thấy, thơ trẻ là thơ rất có vấn đề. Nó đã làm được một việc hoàn toàn không dễ là khuấy đảo lên những cái ao thơ bằng phẳng, những tâm hồn bằng phẳng. Nó gây hấn với người ta, nó rung lên những hồi chuông rục rã, hối thúc người ta phải thay đổi. Lúc này, thay đổi là lẽ sống còn của thơ. Thơ không thể cứ "ầu ơ véo von" cho khoái lỗ nhĩ nữa. Nó cần phải lột xác để đem lại sức sống mới cho mình.

        * Rõ ràng, ý hướng sáng tạo và văn hoá đọc thiếu một sự hoà điệu cần thiết. Trước đây, thơ dễ dàng tìm được tiếng nói "đồng ý đồng tình" vì ai cũng nói và nghĩ giống ai, bởi có chung một lí tưởng và mục đích. Còn nay, một lần nữa, cái tôi lại được hoàn toàn giải phóng, có thể toàn tâm toàn ý mà sống hết mình với chính nó. Người ta có thể tìm thấy tiếng nói chung hoặc không gì cả. Trước một hiện tượng, họ có những cách tiếp nhận khác nhau vì họ đứng ở những kênh văn hoá thẩm mĩ khác nhau. Lúc này, mọi khẳng định hay phủ định đều là vội vã. Thời gian sẽ là liều thuốc thử hiệu nghiệm nhất. Chúng ta sẽ phải chờ đợi.

         Nhưng trong khi chờ đợi, làm thế nào để tăng cường nội lực của thơ trẻ, thúc đẩy nó tiếp tục dấn bước để chinh phục những đỉnh cao. Một đứa trẻ nếu không được nuôi dưỡng về cả thể chất và tâm hồn thì khó mà trưởng thành được. Đương nhiên các nhà thơ trẻ vẫn cần phải dũng cảm và kiên định trên con đường gập ghềnh sỏi đá mà mình đã chọn. Nhưng còn người đọc, phải đọc như thế nào để thơ trẻ có cơ phát triển?

2.Cần thay đổi văn hoá đọc như thế nào?

Thơ chúng ta đã đổi mới thì người đọc chúng ta cũng phải thay đổi văn hoá đọc, thay đổi thị hiếu thẩm mĩ. Một vài suy nghĩ sau đây không phải là những lời răn giảng, hướng đạo cho bất kì bạn đọc nào. Người viết không có tham vọng ấy. Có chăng chỉ là những kinh nghiệm bản thân nhằm rút ngắn con đường đến thơ, đến nhà thơ. Sự lệch pha giữa tác giả và người đọc sẽ không gây ra những thất thiệt đáng tiếc cho thơ.

          Cần phát huy tư thế tích cực chủ động khi đọc thơ. Đọc thơ không phải là để chờ một lời hướng đạo giải đáp mà phải tham gia vào quá trình tạo tác bài thơ. Đằng sau mỗi tác phẩm thơ là những cánh cửa rộng mở mời người đọc bước vào cùng sáng tạo với nhà thơ. Đó là vinh dự, trách nhiệm và cũng là thử thách với người đọc. Bài thơ khi đã định hình trên trang giấy không có nghĩa là nó đã được hoàn tất. Nhà thơ là người cho thơ sự sống còn độc giả là người cho thơ một đời sống.

Thực ra, cái lý thuyết "người đọc đồng sáng tạo" không phải đến giờ mới có. Nhưng trong quá khứ, thực chất của việc đồng sáng tạo là sáng tạo có vai trò dẫn dắt của nhà thơ. Còn nay, nhà thơ ngày càng mờ hoá vai trò của mình trong sáng tác, chỉ có văn bản và người đọc. Chính văn bản mới là động lực hướng dẫn sự hành ngôn chứ không phải chủ thể của hành động hành ngôn. Sáng tạo thế nào là quyền của người đọc, không ai làm thay được. Từ chối quyền ấy, anh sẽ đứng ngoài thơ.

 Trước thực trạng của nền văn học nước nhà, nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận thấy tính cấp thiết của vấn đề "khai hoá" lại văn hoá cho lớp trẻ, đề nghị với nhà nước nên dồn sức làm trong vòng 50 năm liền để dịch ra tiếng Việt những tác phẩm lớn cơ bản của thế giới  mà chúng ta đã bỏ qua trong nhiều năm… không thì tội cho lớp trẻ lắm. Sự lo lắng của nhà văn lão thành càng khiến ta c àng nh ận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc mở rộng phông văn hoá, tăng cường vốn tri thức, từ đó từ bỏ những định kiến, thành kiến, có cái nhìn cởi mở phóng khoáng hơn.

Tăng cường giao lưu với thơ ca thế giới, đặt thơ trẻ trong bối cảnh chung của thơ ca thế giới để thấy được dòng riêng giữa nguồn chung. Không ít người còn dị ứng với những cách tân theo trào lưu hiện đại, hậu hiện đại của thơ ca phương Tây trong khi ở một số nước phương Tây hiện nay thơ ngôn ngữ, thơ trình diễn đã trở nên phổ biến, được coi như một loại thơ quý tộc, được đưa cả vào trường đại học. Có lẽ không nên phủ nhận tuyệt đối những nỗ lực đổi mới của thơ trẻ, coi đó là cái kiểu "voi ăn bã mía", thế giới người ta đã chán ngấy, đã tẩy chay, mình lại rước về. Có thể thơ trẻ chưa thành công trong thời điểm hiện tại nhưng nó sẽ tạo tiền đề cho những thành công trong tương lai. Ý tưởng sẽ làm nảy sinh ý tưởng. Đó là sự lạc quan có cơ sở. Theo Kostelanetz Richard (Bước vào nghệ thuật hiện đại):"Bắt chước là dấu hiệu rõ rệt nhất của ảnh hưởng nghệ thuật, bởi sự bắt chước một cách thành công chứng tỏ rằng kẻ đi sau đã tiêu hoá tốt đẹp phẩm tính độc sáng của người mở đường, và nếu điều này lại xảy ra một lần, nó có thể xảy ra lần nữa, mỗi cuộc bắt chước lại làm nảy sinh những cuộc bắt chước khác, thế rồi tính độc sáng của người mở đường giãn dần ra cho đến lúc nó hoàn toàn vượt khỏi tầm ảnh hưởng của người ấy". Hơn nữa, điểm đáng ghi nhận là tính tích cực tự giác rất cao của những người ý thức được yêu cầu sống còn của việc đổi mới. Có thể có những thử nghiệm còn mang tính cực đoan nhưng sự cực đoan đôi khi lại mở ra những chân trời mới lạ.  

Một tác phẩm có giá trị là một tác phẩm giàu bản sắc dân tộc nhưng cũng phải có cả tính nhân loại. Hai phẩm chất ấy không đối nghịch nhau. Tất cả mọi người, dù người châu Á, châu Âu hay châu Mĩ, ở mọi đẳng cấp lứa tuổi đều bình đẳng trước thơ. Dục tính là vấn đề đã được đưa vào thơ ca phương Tây từ rất lâu rồi nhưng khi thơ Việt bắt đầu lưu tâm đến, độc giả không ít người kinh ngạc, cho là mất thuần phong mĩ tục.

Vi Thuỳ Linh là nhà thơ, hơn nữa là nhà thơ nữ tiêu biểu khi đưa vấn đề này vào thơ. Vi Thuỳ Linh gây sốc với độc giả khi cô bước lên sân khấu thơ không phải với vẻ đoan trang kín đáo như bao nhiêu cô gái Việt Nam truyền thống. Giống như một Thị Mầu hiện đại, cô sẵn sàng phơi trần những khát khao đam mê, không cần chùm hoa nào nói hộ tình yêu, cô ngang nhiên phơi trải lòng mình mà không sợ bị giảm giá:

                    Em yêu anh cuồng điên

                     yêu đến tan cả em

                     ào tung kí ức                                     

                                   (Người dệt tầm gai)

Cách đây mấy trăm năm, nữ sĩ họ Hồ đã lột trần bộ mặt đạo đức giả của những bậc hiền nhân quân tử. Họ kiêng kị khi nói đến vẻ đẹp thể xác của các cô gái, cho nó là thô tục dâm uế nhưng thực ra họ luôn khao khát, họ khó mà cưỡng lại trước vẻ hấp dẫn, quyến rũ hơ hớ non tơ của một thiếu nữ ngủ ngày:

Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt

Đi thì cũng dở, ở không xong

                   (Thiếu nữ ngủ ngày)

Họ không dám thành thực với nỗi khát thèm của mình. Họ phải che che, đậy đậy, dấu người và dấu mình. Còn ngày nay, Vi Thuỳ Linh công khai, thản nhiên đưa cả nỗi "thèm chồng" lên mặt giấy.

Trong hầu hết các nền văn hoá, xuyên suốt các thời kì lịch sử của nhân loại, hầu hết người phụ nữ đã bị đối xử như dụng cụ phục vụ dục tính cho nam giới. Cuộc tranh đấu cho nữ quyền trong suốt thế kỉ qua đã dần dần nâng giá trị và quyền hạn của người đàn bà lên gần ngang hàng với người đàn ông. Sự giải phóng cho nữ giới là sự giải phóng trên tất cả các phương diện trong đó có phương diện này. Vậy tại sao một người đàn bà lại không có quyền phát biểu khát vọng tình yêu, khát vọng dục tính của mình ? Từ năm 1884 đã có cuốn tiều thuyết đầu tiên của nhà văn nữ đầu tiên trên thế giới viết về vấn đề: đàn bà sử dụng đàn ông như công cụ phục vụ dục tính, như một sự trả miếng cho những bất công mà người phụ nữ đã phải gánh chịu trong bao nhiêu thế kỉ. Vậy có đáng phải la ó, miệt thị người viết cho rằng chị dâm ô, hạ giá người phụ nữ hay không? Vi Thuỳ Linh có cái tình và cả cái lí của chị, chị đã khẳng định :" Tôi không viết về tình dục mà là viết về tình yêu. Tình yêu đích thực hoà quyện thể xác và tâm hồn, tình dục với tôi nằm trong tình yêu, nó không phải là đề tài riêng mà nó thuộc về và là biểu hiện của tình yêu và sự sống của tôi…Tôi làm thơ hiện đại nhưng không phủ nhận truyền thống. Trong thơ và trong đời, tôi muốn là một cô gái Việt Nam mới, mang sức sống của thế hệ mới, với sinh khí khác."

      

    Sự đổi mới của thơ trẻ, khí hậu hiện đại trong thơ trẻ cũng nằm chung trong khí hậu của thơ thế giới. Cùng tinh thần chung ấy, chỉ những biểu hiện cụ thể là khác nhau.

    Nếu có một vốn tri thức phong phú, hiểu nhiều biết rộng, một tư duy khoáng đạt, người đọc sẽ dễ dàng đồng cảm với thơ trẻ hơn.

     Từ chỗ nắm được cái tạng riêng của thơ trẻ, cần có những cách đọc linh hoạt để dễ bề tiếp cận được với tác phẩm: kết hợp giữa đọc, nghe và xem thơ. Cảm nhận thơ là cảm nhận bằng mọi giác quanĐọc thơ là đọc chữ. Giải mã được chữ có nghĩa là nắm bắt được thơ. Đọc thơ cũng có nghĩa là đọc vào cấu trúc, đọc vào mạch ngầm văn bản. Trong khá nhiều các bài thơ trẻ, kiểu kết cấu lớp lang chặt chẽ khúc triết, đóng kín như trước không còn được ưa chuộng. Tất cả cứ bày biện ngổn ngang, rời rạc, phi logic ở bề mặt nhưng lại nguyên phiến , nhất quán ở bề sâu. Mỗi bài thơ đều mở toang ra những cửa ngõ thông mở vào vô biên.

     Khái niệm liên văn bản trong trào lưu hậu hiện đại đã tạo nên một lối đọc mới, lạ và mang tính chất cách mạng khi tiến cận một văn bản, để thưởng thức đối với người thuần tuý biết đọc hay để thẩm định, phân tích dưới quan điểm của một nhà phê bình. Tính chất liên văn bản sẽ khởi động một động hướng có tính cách dây  chuyền để làm bộc lộ càng lúc càng nhiều thêm những văn bản khác.Kết quả, người đọc sẽ có cuộc du hành kì thú qua nhiều chặng đường lịch sử, xã hội, tâm lý hay trải nghiệm tương tác giữa các nền văn hoá khác nhau. Ứng dụng một lối đọc liên văn bản đúng đắn, không phải chỉ làm cho người đọc, nhà phê bình làm giàu thêm kiến thức của mình, lối đọc ấy sẽ giúp phát hiện những ý tưởng thâm thuý, những kỹ thuật cách tân hay những lý thuyết cấp tiến ẩn tàng sau văn bản văn học.

     Cách đọc chính là cách ứng xử với nhà thơ. "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" không hẳn là một cách ứng xử đẹp và văn hoá nhất là đối với những vấn đề học thuật. Cứ ngọt ngào, ru vỗ nhiều khi rất nguy hiểm cho thơ. Thơ đòi hỏi sự đánh giá công tâm, thẳng thắn, trung thực. Nhưng dù khen hay chê đều nên với tinh thần thiện chí. Khen thế nào để người ta không loá mắt, không ảo tưởng, để người ta có thể bước tiếp.Phê thế nào để người ta có thể đứng dậy lớn lên chứ không phải để người ta chán nản, gục ngã. Là một trong những nhà thơ trẻ gây ra nhiều cuộc tranh luận trên văn đàn, Vi Thuỳ Linh đã thú nhận sự mệt mỏi của mình khi "ăn khá nhiều các trận đòn" . Chị tâm sự với hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn:" Cháu đã mệt rồi, cháu mệt về tinh thần và thể xác…Có lẽ cháu ngừng thôi, cháu không làm thơ nữa"," người ta thách thức chúng tôi là chúng tôi phải làm nên được một làn sóng, nhưng thực ra họ đang ngan cản làn sóng đó".Nếu ai cũng dễ dàng đầu hàng như chị, thử hỏi thơ sẽ đi đến đâu? Nhưng thật đáng thông cảm cho chị, trước những áp lực tâm lí nặng nề như vậy, làm sao một cô gái trẻ như chị có thể bình thản mà toàn tâm toàn ý cho sáng tác.

         Dù thành công hay chưa thì bài thơ cũng là đứa con tinh thần mà nghệ sĩ mang nặng đẻ đau, chứa chất biết bao tâm huyết. Vi Thuỳ Linh đã tâm sự về việc làm thơ của mình: "để hoàn thành một bài thơ, tôi đã phải rất cực nhọc. Viết xong một bài thơ, người tôi mềm nhũn, rũ ra và mệt lử như một quả mướp luộc…Tôi đã đánh đổi thanh xuân cho sự tận hiến thơ ca". Người đọc trước tiên phải trân trọng công sức lao động nghệ thuật của họ- những người- "đáng kinh ngạc, vỡ vạc, lam lũ, quần quật mang đến những mùa màng mới trên cánh đồng thơ Việt Nam".

           Cuối cùng, cả người đọc và người sáng tác đều hy vọng, trông đợi vào các nhà phê bình. Hãy gia tăng tính chuyên nghiệp trong công tác phê bình. Hãy bàn đến những vấn đề học thuật. Hãy cho các nhà thơ trẻ những bài học sáng tác, chỉ rõ những cái được và chưa được của họ với thái độ khoan dung, chân thành và thiện chí vì " họ chính là ngân hàng tương lai của chúng ta". Hãy cho độc giả những bài học về tiếp nhận, hãy định hướng thẩm mĩ cho công chúng yêu thơ.

           Sự đổi mới đồng bộ về mọi phía chắc chắn sẽ thúc đẩy thơ nhanh chóng đi tới tương lai. Chúng ta có quyền hy vọng!

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020