Trong Lịch sử của bản năng tính dục , Foucault cho rằng từ thế kỉ 18, với sự nổi lên của giai cấp tư sản, tính dục đã bị đối xử như là việc riêng giữa một vợ một chồng. Tất cả những mối quan hệ nằm ngoài phạm vi này không chỉ bị cấm, mà còn bị đàn áp. Đây là điểm khởi phát Giả thuyết trấn áp của Foucault. Cho đến thế kỉ XX, với sự phát triển của khoa học công nghệ và hệ tri thức, diễn ngôn tính dục được xem như một cuộc nổi dậy chống lại hệ thống đàn áp.
Trong Lịch sử của bản năng tính dục *, Foucault cho rằng từ thế kỉ 18, với sự nổi lên của giai cấp tư sản, tính dục đã bị đối xử như là việc riêng giữa một vợ một chồng. Tất cả những mối quan hệ nằm ngoài phạm vi này không chỉ bị cấm, mà còn bị đàn áp. Đây là điểm khởi phát Giả thuyết trấn áp của Foucault. Cho đến thế kỉ XX, với sự phát triển của khoa học công nghệ và hệ tri thức, diễn ngôn tính dục được xem như một cuộc nổi dậy chống lại hệ thống đàn áp. Theo Giả thuyết trấn áp, Freud đã có những cuộc tranh luận cởi mở và thẳng thắn về tính dục, tuy nhiên, diễn ngôn của ông vẫn bị giới hạn trong lĩnh vực học thuật và giải tội cho những người bị bệnh tâm thần. Coi Giả thuyết trấn áp là một nỗ lực quan trọng trong diễn ngôn về tính dục, Foucault mong muốn giải quyết nghịch lý của chúng ta về diễn ngôn này: Tại sao chúng ta lại lớn tiếng tuyên bố bị cấm đến nỗi chúng ta bị đàn áp và tại sao chúng ta lại nói rất nhiều về cách chúng ta không được nói về tình dục? Một người theo giả thuyết trấn áp có thể trả lời rằng: chúng tôi có thể nhận thấy sự trấn áp của chúng tôi vì chúng quá hiển nhiên và giải phóng bản thân là một quá trình lâu dài đòi hỏi những đối thoại thẳng thắn và cởi mở. Foucault đưa ra 3 câu hỏi lớn, và câu hỏi thứ 3 trong đó là: diễn ngôn tính dục đương đại có thực sự là một bước đột phá so với sự trấn áp trong quá khứ hay nó chỉ là một phần lịch sử tương tự cái cũ? Qua đó, ông nhấn mạnh rằng giả thuyết trấn áp, tự nó cũng là một dạng diễn ngôn. Nó nói về cách mà con người không được phép nói về tính dục và nhu cầu thoát khỏi sự trấn áp của khung tri thức. Bằng thực nghiệm, ông đã chứng minh ở ngay cấp độ lời nói, càng nỗ lực để kiểm soát tính dục thì càng làm tăng cường những diễn ngôn về giới tính. Sự thay đổi ý nghĩa của tính dục, trong ba thế kỉ qua (từ điểm khởi đầu là thế kỉ 18 trở đi), là hệ quả trực tiếp của việc thay đổi mối quan hệ giữa tính dục và quyền lực. Tính dục đã mang ý nghĩa lớn hơn nhiều, là một đối tượng của tri thức. Vì thế, nó không còn chịu sự giám sát của khoa học. Tính dục đã không chỉ là điều gì đó mà người ta có thể cười nhạo hay truy kích một cách nôn nóng, mà cần phải bình tĩnh kiểm soát. Nó không còn là khu vực của niềm đam mê mà trở thành phạm vi của khoa học xã hội và luật pháp. Những phân tích về quyền lực của Foucault, vì thế không nhằm đến việc trấn áp diễn ngôn tính dục vốn ương bướng và ngoan cố mà quan trọng hơn, làm cho nó phát triển lành mạnh.
Từ mối quan hệ quyền lực – tri thức, diễn ngôn tính dục góp phần khẳng định luận điểm của Foucault về việc con người là ai trong xã hội khi từ chối những phán xét của diễn ngôn đạo đức thông thường. Nghĩa là, muốn hiểu được một cách sâu sắc về con người, cần thiết phải tìm về diễn ngôn tính dục.
Ở thời điểm hiện tại, văn học Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện ồ ạt các tác phẩm liên quan đến tính dục với một thái độ hả hê, không giấu diếm. Hiện tượng này cho thấy diễn ngôn đạo đức ngày càng trở nên chật hẹp, ngày càng xung đột với nhãn quan giá trị mới, đòi hỏi nhà văn phải vượt qua chuẩn mực cũ.
Tất nhiên, có những diễn ngôn tính dục nửa vời. Về cơ bản, nó cổ súy cho việc đề cao tự do, chống lại rào cản của ý hệ và đạo đức thường thấy. Mặt khác, trong quá tình phát triển diễn ngôn tính dục, vẫn có những diễn ngôn đạo đức chen vào, gây ảnh hưởng đối với tính triệt để của những diễn ngôn tính dục. Ở nhiều trường hợp, nó còn đưa ra một kết cấu hợp chuẩn, cách kết thúc có tình có lý không khác văn học trung đại - như một cách nói yếu ớt rằng: tất cả những điều trình bày ở trên đều là để cổ súy cho việc không nên theo các tư tưởng vốn được xem là hủ bại. Thế nên, trước sau gì, nhân vật cũng sẽ phải trả giá; mặc dù, trước đó, chính tác giả đã mô tả tính dục một cách không ngượng ngùng, thậm chí say mê như một địa hạt hoàn toàn khác với diễn ngôn chính thống. Điều này khiến độc giả băn khoăn: liệu người ta có thể nói về tính dục (hay rộng ra là những diễn ngôn thuộc phạm vi cấm kị) với chính tư cách là một diễn ngôn hay không? Và nếu nó được coi là một diễn ngôn, có những căn cứ xuất hiện, có sự sống riêng và môi trường phát triển riêng, thì liệu, nó có góp phần đem lại một hệ hình giá trị mới cho những diễn ngôn truyền thống? Rõ ràng rằng, trong văn học Việt Nam, không phải chờ đến khi những tác phẩm như của Trần Dần ra đời, người đọc mới thấy những thằng truồng, thằng thịt, những con, sẹo… đầy tính nhục thể và trần tục, mà trước thời điểm Trần Dần sáng tác những tác phẩm này cả nửa thế kỉ, trong văn học giao thời, cũng đã manh nha xuất hiện những tác phẩm có khát vọng tạo ra một thứ diễn ngôn lệch chuẩn, chỉ có điều, ý thức về tính độc lập của diễn ngôn, ở thời điểm đó, chưa thực sự triệt để mà thôi.
- Phô bày con người tự nhiên
Sự xuất hiện của những hình ảnh em trong thơ Trần Dần, phần nhiều đầy ám ảnh tính dục. Nếu em không gắn với nước mắt, với nỗi đau, em là biểu trưng của sự vô nghĩa, đầy bất công với sống thì em nhất định phải trở lại với cảm thức về cái gì đó trong sạch và đắm say nhất, chính khi đó, Trần Dần tìm đến diễn ngôn tính dục, không phải theo cách người ta vẫn nghĩ về những thứ thấp hèn, mà lấy chính những thứ cấm kị của diễn ngôn chính thống để diễn tả về con người. Như thế, con người trong quan niệm của Trần Dần không sống vì nghĩa vụ và đạo đức mà sống bản năng, mặt khác, bản năng cũng có tiếng nói của nó trong cách hành xử xã hội của nhân vật. Các nhân vật trong tác phẩm văn học thời kì trước còn giằng xé giữa ham muốn nhục dục và ý thức đạo đức thì với những thiên tiểu thuyết thơ của ông, con người đã sống hoàn toàn với khát vọng tự nhiên và bản năng của mình. Một cách hành xử như thế trước cuộc đời, không phải là không thiên lệch. Nhưng cái tài của nhà thơ là làm thế nào để nhân vật sống với ý thức tính dục như vậy, vẫn giữ được những nét đẹp rất người, rất đời. Trần Dần không chỉ đối thoại với tư tưởng đạo đức thông thường về cái cao cả, cái thấp hèn mà còn có tham vọng chỉ ra sự chuyển hóa giữa hai thái cực tưởng đơn thuần chỉ là những xung năng ngược hướng. Nhà thơ, đồng thời, cũng cố gắng tranh biện với diễn ngôn chính thống về những gì được coi là hủ bại, cấm kị để thấy nét đẹp người, thấy sự phức hợp của suy tư vẫn tồn tại ngay cả khi con người sống với bản năng nguyên thủy. Phần bóng tối trong con người, hóa ra lại không hoàn toàn là thứ bóng tối theo quan niệm thông thường, là những thứ buộc phải chôn đi, giấu đi, vì sợ làm tổn hại đến luân thường, trong khi chính xã hội, vẫn đang lén lút sử dụng nó, tồn tại không thể thiếu nó. Diễn ngôn tính dục trong thơ Trần Dần là một đối thoại khẳng khái với thời đại, với quan niệm lý tưởng hóa con người. Con người trong thơ Trần Dần, nếu phải sống trong bóng tối, thì đó, nhất định không phải là thứ bóng tối của những gì đê hèn, xấu xa, mà chỉ là những gì còn khuất lấp, chưa được thừa nhận, hoặc chưa dám công khai mà thôi.
Như vậy, không phải, trong thơ Trần Dần, con người trực tiếp hay gián tiếp được đánh giá qua diễn ngôn tính dục; nếu mượn diễn ngôn tính dục để đánh giá thì nhà thơ cũng không khác gì các tác giả giai đoạn văn học giao thời tìm đến tình dục theo cách phản bác và kéo nó trở lại với địa hạt diễn ngôn đạo đức truyền thống. Diễn ngôn tính dục được nhà thơ sử dụng như là một cách để dựng chân dung con người; mà ở đây cũng không phân biệt cụ thể phần con và phần người. Bởi nếu Trần Dần cố gắng lái ý tưởng của mình sang việc phân tách rạch ròi hai phạm trù này thì ông, vô hình trung lại quay trở về với truyền thống. Những thằng truồng, thằng thịt trong tác phẩm của ông, không nhân vật nào có tâm tư, không nhân vật nào bộc lộ tâm trạng, cũng không nhân vật nào coi tình dục là một hoạt động sống để luận bàn về nó. Tính dục trở thành khía cạnh tồn tại tất yếu của thằng truồng, thằng thịt, con kĩ sư…, không ai phải trả giá cho lối sống theo bản năng, không ai phải suy tư về việc hành xử như vậy là đúng hay không đúng với quy chuẩn. Trong tác phẩm Trần Dần, lần đầu tiên, diễn ngôn tính dục được phô bày một cách công khai, triệt để và quan trọng hơn cả là ở một vị thế độc lập. Nhân vật không bị đặt trong rào cản của quy tắc sống. Nó sống trong không gian của riêng mình. Không thể mượn bất cứ diễn ngôn chuẩn nào để đánh giá về cách mà Trần Dần miêu tả tính dục, nhưng có thể mượn quan niệm diễn ngôn của Foucault để lí giải việc ông cương quyết chọn một lối đi riêng trong đề tài cấm kị này.
Lựa chọn thằng truồng, thằng thịt, gọi nhân vật nữ chính là con kĩ sư… Trần Dần hoàn toàn không bôi xấu hay cố tình nói đến một nghề nghiệp nào, một đối tượng nào trong xã hội. Con kĩ sư hay là Con(…) hoặc (…) kĩ sư, chỉ là cách Trần Dần hoán cải những địa vị trong xã hội và đặt chúng ngang hàng với nhau về mặt giá trị trong diễn ngôn tính dục. Theo đó, kĩ sư không phải một nghề mà là một cách gọi tên cũng như kiểu nhà thơ đang chơi với con chữ và cố tình làm ngơ, không quen biết với nghĩa vị tự của nó vậy. Chi tiết nhỏ này lại tiết lộ rất nhiều về tính triệt để của Trần Dần trong việc kiến tạo một địa hạt độc lập cho diễn ngôn. Bởi nếu nhà thơ chỉ sử dụng những chữ như thằng truồng, thằng thịt hay một số từ ngữ nào đó thuộc trường tính dục, đầy húy kỵ thì ở một góc độ khác, chính ông cũng đang thừa nhận, trong văn chương của mình, có sự phân ranh giới của các trường diễn ngôn được phép và không được phép. Ở đây, với cách gọi tên: con kĩ sư truồng, Trần Dần đã dứt khoát từ bỏ những ranh giới đó, buộc người đọc phải đọc thơ ông theo một cách hoàn toàn khác với việc đọc con chữ ấy trong từ trường của ngôn ngữ diễn ngôn khác.
Con người tự nhiên xuất hiện trong thơ Trần Dần với đúng nghĩa tự nhiên, không hoa mĩ, không cường điệu, không tìm bất cứ diễn ngôn nào để ngụy trang. Bởi nó nằm trong một chuẩn khác của cái đẹp. Bởi đơn giản, diễn ngôn tính dục trong thơ ông đã làm nên cái chuẩn cho riêng mình. Đó là sự kết hợp tự do, bất ngờ đến mức người đời thường chẳng bao giờ ngờ tới: Phố khỏa thân mưa/ in hình võng mạc nước/ lập lờ khe lá dọc/ Tỏe cành xanh nét móc/ Thẹm nhà đôi ngõ xoạc/ Khỏa thân mưa… (Đố ai chọc mắt các vì sao). Phố khỏa thân mưa là phố khỏa thân? mưa khỏa thân? Không, trường liên tưởng của câu thơ này hoàn toàn mang ám gợi tính dục, một thứ tính dục trong lành, nguyên sơ như trời đất, như tạo hóa, hiển nhiên và hiển hiện trước mắt. “Khỏa thân” được viết với tư cách động từ hóa, các quan hệ đối nghịch, nhập nhằng: phố - mưa, lập lờ khe, tỏe – nét móc, thẹm – xoạc… mưa gieo rắc sự sống, cũng gieo rắc sinh tồn, mưa gột sạch phố, đem nó trở về với cái bản nguyên, mãnh liệt và tha thiết trong từng cử động phố. Ấy là: “một cái êm rất sốc” theo cách nói của thi sĩ. Lúc khác, cũng vẫn là phố đấy thôi, mà đầy cảm giác da thịt: Phố nịt vú – phố rơi voan/ phố nào thơm dạ hợp/ Phố nào nưn nứt nụ dò lan?/ phố ngách xiên vào phố đông/ Chơm chớp đèn mi lam… tơ bong mớ phố (Cổng tỉnh). Cái tài của Trần Dần là, vẫn trong diễn ngôn tính dục, nhưng mỗi trạng thái phố lại đem tới những cảm nhận hoàn toàn khác biệt. Nếu như tính dục trong thí dụ trước phô bày một hiện thực trinh nguyên, thanh khiết, mới mẻ thì tính dục trong thí dụ sau lại gợi đến một cuộc giao hoan trần tục. Phố của Trần Dần, trong diễn ngôn tính dục, vừa người, vừa đời, vừa đắm say, ngây ngất. Phố đã trở thành sinh thể phố, là người dưới bóng dáng phố. Con người đến với nhau tự nhiên như mưa trên phố, ham hố, nồng nàn như một chớp đèn lam, sự sống bắt đầu từ những điều bình dị và thân quen như mái phố trong thơ Trần Dần.
Không có gì lạ khi thơ tình Trần Dần chứa đựng rất nhiều diễn ngôn tính dục. Trong khi nhiều người khác nhắc đến tính dục chỉ để chê bai, đay nghiến, hoặc mơ về nó khi khao khát trở về với cái “Ngày xưa” nguyên khởi, thơ ngây giờ đã xa vời khiến những cái đẹp thanh tân, trong trắng mất mát thành tiếc nuối thì ở thơ đương đại, đặc biệt ở người khai mở - Trần Dần điều đó là không chấp nhận. Trần Dần có những câu thơ rất hay viết về tình yêu, về thuở ngày xưa, về những bước chân tím, người thi sĩ tím, cũng mộng mơ chẳng kém những diễn ngôn thời trước, nhưng phần thi sĩ dành nhiều tâm huyết hơn cả, trong diễn ngôn tình yêu là cái đẹp hình thể (không phải cái hình thể cố định một cách kiểu mẫu như tranh Phục hưng, lại càng không phải hình thể theo trường phái trừu tượng). Với Trần Dần – đó là cái đẹp lõa-thể-một-cách-kín-đáo. Vì thế, nó chẳng xa mấy với diễn ngôn về cái đẹp-trinh nguyên, cũng chẳng khó khăn gì để nhận ra nó cũng có quan hệ với đẹp-say đắm và cuồng nhiệt. Bởi đơn giản, đó mới chính là con người. Cái hay của Trần Dần là không bao giờ, ông để diễn ngôn tính dục lấn át các diễn ngôn khác, nó chỉ làm nền và làm đẹp cho các diễn ngôn khác mà thôi: Em đẹp như em vừa mới nở…/ Rét đài nưn nứt lụa/ Đùi hoa cau ướt sữa/ Ô hay! Tay non che bẹ nhỏ/ Không lẽ sương tươi vừa nhu nhú nụ/ Tụ ra em (Không đề số 1), Đáng lẽ em không nên đẹp!/ Đùi len mã vĩ/ Triển lãm vườn hoa lõa thể. Anatomie lá hẹ/ Ôi chao! Ngón tay thường lệ!... Mông non phi lý/ Em mang chức năng bé tí…/ Tôi đứng thẫn thờ/ Đại lộ ngu si. (Không đề số 2), Em hãy cho anh đau đớn với/ Ôi em! Tiện nghi tê dại đường cong/ Tâm điểm ly tâm ngần ngại/ Phát minh sinh lý học cầu vồng./ Ôi em! Lý do buổi chiều vòi vọi/ Đường siêu âm thoai thoải/ Ngây ngất kì công sinh vật não nùng. (Không đề số 3), Em dài man dại/ Em dài quên che đậy/ Em dài tê tái/ Em dài quên cân đối (Không đề số 4). Không có gì ngạc nhiên khi Trần Dần đặt tên cho chuỗi thơ về em này là “Không đề số…”. Bởi bài thơ, tự nó chẳng hướng tới một cái gì cả. Giả dụ đặt là “em đẹp”, thì diễn ngôn tính dục làm nô lệ cho diễn ngôn về cái đẹp và bản chất của việc nhìn nhận em đẹp hay không đẹp đã là một cách nhà thơ buộc phải dựa vào khung tri thức thời đại để phán xét rồi. Vì thế, những bài thơ chẳng có tựa đề, nhưng lại đánh số, như là một cách triển khai vẻ đẹp trên cơ sở diễn ngôn tính dục một cách tự nhiên và có lẽ, hồn nhiên nhất. Nhà thơ không che dấu cảm giác: “ô hay”, “ôi chao”, thậm chí: “ngất ngây”, “thẫn thờ”, “não nùng”, “man dại”, “tê tái”…. cùng thái độ phủ định: “Đáng lẽ… không nên”, “chức năng vô lí”, “đại lộ ngu si”, “quên cân đối”… như là một cách ngầm định rằng: ấy là vẻ đẹp không thể phán xét, không thể đánh giá, rằng cái tự nhiên, cái mất cân đối, cái làm cho sự vật ngu si… tất thảy, đều là cái đẹp, vì nó tuân thủ diễn ngôn tính dục: cái đẹp là cái tự nhiên, bản năng. Chẳng ai thừa nhận cái đẹp bằng cách phối kết hợp vô số những diễn ngôn phủ định như Trần Dần. Ông đi ngược lại xu hướng chung của thơ mang âm hưởng tính dục. Người ta khen tất cả để lên án tính dục; ông phủ nhận tất cả để đề cao cái đẹp bản năng, bản thể, nhục dục. Điều này, có phải chăng là vô lý? Khi người ta, nói như Foucault, vẫn từ chối tính dục, nhưng lại ngầm theo đuổi nó, lén lút sử dụng nó, ham mê nó thì chi bằng hãy công khai nói về nó, cho nó được hiện hữu tự nhiên? Trong diễn ngôn thơ không phân biệt xấu tốt, cao quý hay thấp hèn, chấp nhận tất cả những gì thuộc về con người, đó là cách ứng xử với cuộc sống rất nhân văn mà Trần Dần, bằng một cách vận dụng khác biệt diễn ngôn tính dục, đã nói với chúng ta.
- Đơn độc và kiêu hãnh: hai cách phản ứng trước cuộc đời
Không chỉ phô bày con người tự nhiên; một cách đơn độc và kiêu hãnh nhà thơ, qua diễn ngôn tính dục, đã cho thấy một cách ứng xử với cuộc đời. Người ta có thể lên án cái trần trụi và thô nhám mà Trần Dần đem vào thơ: goƯa mưa tia nhia nhia/ Lột buồng cụng cựa/ Hè sàn loe chân lia/ Thênh em bềnh cửa ngửa (Con OEE), Như đã nói/ tôi là một cột thịt lực đực/ TƯ DUY nhất/ ở phía/ đít. Vũm vĩm toàn bộ phố, đưa đẩy đùi chẳng hạn, vì cùng đi nhầy đường, thằng thịt. Con thịt. Trông thông thống, đứa nào cũng tinh khiết, ăngiêlic…(Thằng thịt), Mát suốt lượt mùa hè chè hoa arôdoa đèn thịt. Vòi hoa sen thịt – lụa – hít – nín thít nịt – nún – nít – bồn tắm thịt. Con cua thịt bò sàn, miên man càng thịt. Một cột thịt vót đứng ngấn trứng – thồn thỗn ai thịt. (Thằng thịt), Lạ kìa thế giới trắng truồng/ Chân trời thịt/ Những dân số trắng phau bờ biển trắng/ Giờ trắng/ Trắng đầu đông/ Thịt của giờ/ Con truồng đông (Con trắng). Nhưng cũng có thể thấy: những vòi hoa sen thịt, con cua thịt, giờ thịt, thằng thịt… cũng chỉ là một cách gọi như: mùa sạch, nhà ga sạch, tàu điện sạch…Và nếu như ở chuỗi sạch kia là khát khao cuộc đời thanh khiết, tẩy rửa thì chuỗi thịt này cũng là cảm giác của sự sống, nó có quyền được nói tiếng nói của nó. Dù nó là phần bị khuất lấp, không ai quan tâm tới, nó chỉ được nhắc đến khi nói về cái xấu xa, bần tiện của con người và sự vật. Nhưng nó là khía cạnh quan trọng của tồn tại. Không quan tâm đến nó, không có nghĩa được quyền trấn áp và đè nén nó. Việc “nổi dậy” của diễn ngôn tính dục trong thơ Trần Dần cũng là một cách khẳng định những giá trị bị khuất lấp trong diễn ngôn đạo đức và quy chuẩn xã hội. Qua diễn ngôn thơ Trần Dần, người ta thấy có Thế giới tôi ở. Phố lộ thiên. Người lộ thiên. Đường. Nhà. Bộ hành lộ thiên. Mây trắng bảy nghìn miền (Kể kệ). Trong không gian lộ thiên ấy, việc xuất hiện của “thịt”, của “truồng” rất đỗi bình thường, nó không phá đi cái không gian vốn có của phố, của nhà. Khung tri thức trong diễn ngôn thơ chấp nhận sự mặc định về nó. Thằng thịt cũng là con người, dù nó là phần nào đi chăng nữa, nó cũng đòi hỏi được đối xử công bằng. Diễn ngôn tính dục phải được xem như một phần của diễn ngôn tri thức. Sự xuất hiện của nó, gợi đến sự đổ vỡ của diễn ngôn ý hệ. Bởi phần “thịt” ấy không những không diễn tả một trạng thái ấp úng mà nó đã “lộ thiên”, đã hiên ngang xuất hiện và đòi hỏi được thừa nhận trước cuộc đời. Một khi văn học quan tâm đến phần “thịt”, quan tâm đến diễn ngôn tính dục, từ chối những diễn ngôn miệt thị bản năng con người, cũng là lúc văn học đến gần hơn với con người. Cuộc hành trình của “thằng thịt” trong thơ Trần Dần là cuộc hành trình tìm về với cái tôi bản nguyên, bản ngã, cái tôi của thời Cổng tỉnh, với: phố trăng chênh trồng hoa trồng nụ, cái tôi khao khát được là mình, được trở về, được thỏa sức tự do là con người: Dương cầm mím phím – hú rú bú ném cát mát. Hát – thịt ngất ướt mướt lột – hết – hợp – xướng – vướng (Thằng thịt). Oái oăm thay, tất cả đều chỉ tồn tại trong diễn ngôn, còn cuộc đời thực, không bao giờ chấp nhận: Cuộc hành trình của con thịt , thằng thịt, cảm nhận thấy cả thế giới xung quanh mình toàn thịt/ Ôi im… đầu cuối phố/ Hở mưa thưa, thịt đèn phùn/ (…)/ Tôi đi thin thịt…/ Kilômưa… tôi đi…/ Đôi mắt thịt tù mù. (Thằng thịt). Một trạng thái cô đơn bản thể đã được diễn ngôn tính dục phơi bày một cách đầy bi đát mà cũng đầy kiêu hãnh. Cuộc hành trình của thi sĩ thất bại, nhưng không vì thế mà con người dừng bước. Điệp từ “Đi” khẳng khái với con mắt thịt tù mù như là bước đi dẫn lối cho con người tự nhiên tìm về với khung tri thức lý tưởng. Đó là một quả đất “toàn mùa”, đó là “Địa cầu trắng”, đó là: “chân trời không có người bay”? Đó sẽ là tất cả với con người nhất quyết chọn cho mình một lối đi riêng, lối đi tìm cái bản thể đích thực.
Mượn chất liệu dân gian, nhưng lại tìm về những loại thể đã bị bỏ quên, với những đối tượng không được thừa nhận, Trần Dần lặng lẽ và bền bỉ nối một tiếng nói khác. Ngôn ngữ của đồng dao đã được ông sử dụng rất đắc địa: Đi chởi! Đi chơi!/ Đầu trọc bình vôi/ Hai tay hai hòn sỏi/ Đi chơi! Đi chởi!/ Hai tay hai hòn sỏi/ Đầu trọc bình vôi…/ Đi chởi! Đi chơi. (Bài hát người lớn). Bài thơ mượn hình thức đồng dao để tạo lập diễn ngôn tính dục một cách công khai và có phần cao ngạo: Đi chởi đi chơi – Hai tay hai hòn sỏi. Vẫn cách vẽ giấu đi đôi tay như nhiều bức họa của Trần Dần, vẫn khuôn hình người mất cân đối với cái thân quá khổ và cái đầu bé tí, bức tranh Trần Dần minh họa cho bài thơ này (hay là ngược lại) là một tiếng nói dõng dạc và có phần ranh mãnh rằng: tôi đang sống với phần con người nhất của mình, bằng thái độ vô tư và ngạo nghễ nhất trước cuộc đời.
Cũng như vậy, Jờ Joạcx là câu chuyện có nhân vật chính và bất chính, có địa điểm cụ thể, thời gian cụ thể, mà lại rất mơ hồ, chung chung: buồng thằng Truồng, Phố, Sân thế vận, Biệt thự nữ kĩ sư… Cả câu chuyện có 17 thiên, xoay quanh thằng Truồng và nữ kĩ sư Truồng. Thiên tiểu thuyết một bè đệm này đan dệt bằng diễn ngôn tính dục một cách rõ ràng: ngực, sẹo, truồng, cách viết xx… xuất hiện dày đặc. Điều này, Đặng Đình Ân đã bàn đến một cách khá chi tiết và hợp lý trong bài: “Để đến với Jờ Joạcx” (in ngay đằng sau thiên tiểu thuyết). Chúng tôi, xin phép không bàn lại những gì ông đã phân tích một cách rất công phu, chỉ nói thêm bên cạnh sự gia tăng vô cùng của diễn ngôn tính dục, nhiều lúc tưởng chừng như có sự hòa tan con người, sự vật, thời gian vào diễn ngôn tính dục. Độc giả bắt gặp cách kết cấu rất đặc biệt. Ấy là đằng sau những câu thơ ngồn ngộn những thịt, truồng, nhấn mạnh cố ý các âm: “ít”, “thịt”, “nịt”, “thịtx”, “vú”… lại có sự xuất hiện của những “phùn”, “lựu”, “mùa hạ nữ”, “lòng”, “mưa”, “ngã tư năm ngoái”, “sẹo khói”, “mưa thia tia hoa lia”, “một cô bé lẻ mưa”, “nữ tiếng khóc”… Đó là cách nhà thơ tìm đến sự dung hòa, hay là việc diễn ngôn thơ, khi bung phá ra khỏi con chữ, đi đến tận cùng của diễn ngôn tính dục thì lại ngập tràn một cảm giác trống rỗng? Những cách kết nêu trên, đều có cái gì đó nghiêng về phía nội tâm, là một cái gì đó, sâu hơn cả diễn ngôn tính dục. Chữ “Phùn” gợi nhớ đến những câu thơ rất đẹp của Dương Tường: Ôi em tháng chín tình heo may/ Mùi phùn dạ khúc ràn ngón tay/ Đàn ơi mênh mênh kinh tuyến mộng/ Đêm rất Sô panh/ và khói lay. Một chữ “phùn” đủ đánh thức rất nhiều điều, về mưa, về đêm, về kí ức…, một “ngã tư năm ngoái” “tôi khờ dại”, ngày “em đi không sao chống cự nổi”, một “nữ tiếng khóc” ám ảnh và buồn nhớ…, tất cả những điều ấy, phải chăng chỉ để cổ súy cho một điều đơn giản là tự do trong tính dục? Chúng tôi nhìn thấy ở Jờ Joạcx, một cách trình bày diễn ngôn tính dục rất phức tạp, đầy mâu thuẫn. Nhà thơ vừa khát khao bung tỏa nó, vừa cố khép mình lại trong nỗi cô đơn và mất mát bản thể. Thơ ca, phải chăng như Rit xốt đã viết, là nền nghệ thuật chia sẻ với con người?
* *
*
Tìm hiểu về diễn ngôn tính dục nói riêng và những diễn ngôn trong thơ Trần Dần nói chung, chúng tôi không xét đoán ý nghĩa biểu hiện, bởi chính Trần Dần đã từ chối việc đọc hiểu thơ mình khi cố tình làm mờ, làm nhòe đi các loại ý nghĩa sắc nét, chỉ để lại cảm giác bản nguyên thuần khiết mà con chữ mang lại. Vì thế, ông sẽ viết về con người với tư cách là “công dân quả đất” chứ không phải một sinh vật có tên, viết về tính dục như là cánh cửa nhận ra con người bản năng, con người trong tồn tại chứ không phải con người xã hội, giai cấp. Một cách hiểu như thế sẽ cho phép chúng ta nhìn nhận con người khách quan hơn, sự khách quan nhất thiết phải có khi ông viết về những thằng truồng, thằng thịt, những thành phần không chính thống, bị khuất lấp, bị bỏ qua trong tư duy xã hội.
Điều thôi thúc chúng tôi tìm đến những diễn ngôn thơ Trần Dần là bởi chúng dù khai thác những vấn đề khác nhau, bị lẩn khuất trong khung tri thức thời đại, vẫn luôn ngời sáng tình yêu đối với dân tộc, với con người nói chung. Người ta có thể chê trách hoặc thậm chí lên án những bài thơ không-thể-hiểu, những hình ảnh thơ hoặc là quá kì quặc, bất khả tiếp nhận, hoặc là quá thô hay nhạy cảm khi viết về đề tài tính dục. Hiện tượng này không có gì khó hiểu và chúng tôi cũng không đề cao tất cả những thể nghiệm thơ của Trần Dần, bởi thực sự, thấy mình chưa đủ khả năng kiến giải ngọn nguồn sáng tạo của hầu hết những thể nghiệm ấy. Chúng tôi cũng không tán dương việc nhà thơ sử dụng quá nhiều từ ngữ bị ném ra khỏi quy luật chính tả, dù rằng, đây được dự báo sẽ là một xu hướng của không chỉ thơ mà của cả đời sống văn hóa đương đại, khi thời đại thông tin, kĩ trị, ngày càng cho phép con người tối giản đến mức tối thiểu những công cụ giao tiếp thông thường, trong đó có cả lời nói và chữ viết. Những điểm này trong thơ Trần Dần, có lẽ sẽ được lí giải bởi khao khát sáng tạo, khao khát vượt thoát khỏi khung diễn ngôn thời đại, để vươn tới một địa hạt khác, nơi đó, nhà thơ được tháo cũi chân mây, được sống bậc hai. Sự trả giá cho những thể nghiệm ở ngay trong chính thể nghiệm, là điều không chỉ Trần Dần mà tất cả các nhà thơ có xu hướng tiên phong, đều phải chấp nhận. Tuy nhiên, dù gọi ông là Thủ lĩnh trong bóng tối, người cách tân thơ số 1 hay người làm thơ điên thì ông vẫn đích thực là người say mê và cuồng tín với sáng tạo. Cái lỗi lớn nhất của Trần Dần, đúng như Nguyễn Hữu Hồng Minh đã nói, là: “người đến hơi sớm tương lai”. Không thể không thừa nhận những cống hiến hết mình cho công cuộc cách tân thơ Việt của Trần Dần, những đổi mới táo bạo trên cả tư tưởng lẫn nghệ thuật thơ đã khích lệ, thúc đẩy rất nhiều người làm thơ khác tha thiết hướng tới tiếp cận được với trào lưu thơ hậu hiện đại thế giới. Có một khía cạnh chúng tôi rất tâm đắc trong hành trình tìm đến với thơ ông, đó là việc nhà thơ đã nói bằng thứ diễn ngôn mới, lạ và khác về con người và về đời. Và dù có khao khát sống ở một địa cầu khác, dù có giản lược thơ thành đường nét, thành kí hiệu, thì diễn ngôn thơ Trần Dần vẫn ngưng kết trong thơ Việt hiện đại, những điều trong trẻo, ngọt ngào những nét đẹp quá vãng, cái bản nguyên thuần khiết thuần hậu của chữ, thơ, người và đời: Vô tư như thuở ngày xưa/ Nhìn một vì sao/ buồn bên ngưỡng cửa (Thơ mini)
* Foucault, Michel (1976), History of Sexuality, Volume 1: An introduction, Translated from The French by Robert Hurley, Pantheon Books.