Ông Phan An Sa, tác giả “Nắng được thì cứ nắng”, cũng là con trai của nhà văn-nhà báo Phan Khôi, dành cho Tia Sáng cuộc trò chuyện về tác phẩm mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đánh giá là cuốn sách chứa đựng nhiều thông tin nhất về Phan Khôi từ trước tới nay.
Thưa ông Phan An Sa, đầu tiên dành cho ông không phải là câu hỏi mà là một lời than vãn: “Trời ơi!” khi biết sách có số lượng in là 500 bản và nghe ông nhẩm tính chỉ còn 133 bản sách được đưa ra hệ thống phát hành. Với một “người khổng lồ” như Phan Khôi (1887-1959) và vị trí của cuốn sách này “là cuốn sách chứa đựng nhiều thông tin nhất về tác giả Phan Khôi từ trước tới nay” (Lại Nguyên Ân), phải chăng số lượng in như vậy chỉ dành cho dân… chơi sách?
Phan An Sa: (Cười) Vâng, tôi rất chia sẻ về lời than vãn ấy và mong được thông cảm. Tình cảnh chung của các nhà xuất bản nhà nước là nghèo quá, nhà Tri Thức thì lại càng nghèo. Nếu tôi không “gồng” mình lên nhờ được đại gia đình hậu thuẫn, để nhận phát hành 300 bản (đến nhuận bút cũng vui vẻ nhận bằng sách!), phần nhà xuất bản chỉ chịu được con số 133 bản để đưa ra hệ thống phát hành của mình, thì chưa chắc cuốn sách đã ra được. Đó là hậu quả của cái nghịch lý: những người cần sách thì không có tiền, tầng lớp có tiền thì lại không màng đến sách!
Tên của cuốn sách chính là câu cuối của bài thơ “Nắng chiều” và “Nắng chiều” lại là tên một tập bản thảo được coi là truyện ngắn mà có lẽ đã thành tro bụi trong ngọn lửa Tần… Tuy nhiên, nhiều người tin bản thảo này vẫn còn ở đâu đó. Ông có thể tiết lộ cho độc giả đôi điều về Di cảo của cha ông và về phần Di cảo mà ông cho biết sẽ được xuất bản trong một ngày gần đây? Có thể không phải là tất cả, nhưng may chăng bản thảo của một số bút ký, tạp văn trong tập “Nắng chiều” đã được nhà văn Đoàn Giỏi công bố tên, có thể còn lưu dấu vết trong Di cảo?
Về số phận của các mẩu ghi chép hồi còn ở trên Việt Bắc, bút ký, tạp văn và bản thảo tập Nắng chiều của Ông, tôi đã có nói đến khá kỹ trong cuốn sách, ở các trang từ 361 đến 368. Cần nói rõ: Nắng chiều là tên tập bản thảo của Ông đã đưa đến NXB Hội Nhà văn, về sau Đoàn Giỏi công bố trên mặt báo; chứ lúc tập bản thảo ấy còn nằm trên bàn làm việc của Ông thì nó mang tên Quà Việt Bắc. Ông đặt tên như vậy với nhã ý đó là món quà của người đi kháng chiến trên Việt Bắc gửi tặng đồng bào Hà Nội sau ngày hòa bình lập lại 1954.
Về Di cảo của Ông, tôi có thể nói ngay rằng: nó ít, thậm chí rất ít, và tuyệt nhiên không có một tài liệu nào ghi lại lập trường của Ông về những biến cố chết người hồi cuối thập kỷ năm mươi của thế kỷ trước. Là người nghiên cứu kỹ khối Di cảo này, tôi cảm như ông giống thân phận loài tằm, bình sinh có gì thì rút ruột nhả ra tơ hết, để còn hóa thân thành kiếp khác!
Các thành viên trong đại gia đình Ông đang khẩn trương sao lục, sắp xếp, chú thích, hiệu đính để công bố khối Di cảo đó. Di cảo gồm các tài liệu về Tiểu sử tự thuật, Nghiên cứu, Hồi ký lịch sử, Dịch thuật và Sổ tay ghi chép.
Nếu đặt vấn đề như anh là “may chăng” bản thảo của một số bút ký, tạp văn trong tập Nắng chiều có thể còn lưu dấu vết trong Di cảo, thì chỉ có một trường hợp thôi, đó là mẩu ghi chép Cứt lợn dại, Đoàn Giỏi viết trên báo là “Cây Cộng sản”. Mẩu ghi chép này tôi cũng đã trích đăng trong cuốn sách, ở trang 362 - 363. Tất nhiên còn những mẩu ghi chép khác nữa có vẻ “vô can” nên ngày ấy Đoàn Giỏi không nhắc tới.1
Rất dễ thấy sự nghiệp báo chí của Phan Khôi thật đồ sộ. Tuy nhiên, cho tới nay, bạn đọc phổ thông mới chỉ biết tới bộ “Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo” (1928-1932) và các tập “Tao Đàn 1939”, “Sông Hương – Tuần báo ra ngày thứ bảy”, vậy phần còn lại là những gì? Liệu có khả năng sưu tầm được đầy đủ không, nhất là các bài báo chữ Hán? Các yếu tố về thời gian, nguồn tư liệu, nhà nghiên cứu… có mang lại cho ông và đại gia đình Phan Khôi hy vọng vậy không?
Cuộc đời làm báo chuyên nghiệp của Ông kéo dài từ 1918 đến 1937; sau đó Ông đi dạy học, về nghỉ ở nhà, đi kháng chiến trên Việt Bắc, về lại Hà Nội sau hòa bình 1954 và suốt thời gian đó Ông chỉ làm công tác nghiên cứu và dịch thuật, nhưng vẫn chuyên cần viết bài đăng báo hoặc các tạp chí, tập san chuyên ngành. Bộ công trình Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo của Lại Nguyên Ân là tập hợp các bài báo của Ông ở giai đoạn rực rỡ nhất, khoảng từ 1928 đến 1936. Như vậy, khối lượng các bài báo của Ông thuộc các giai đoạn còn lại, theo tôi hiểu là cũng không nhỏ, nhưng hiện vẫn chưa sưu tầm được bao nhiêu. Sưu tầm cho hết các bài báo của Ông rải ra trong quãng thời gian và không gian rộng đến mức ấy - nhất là mảng các bài báo chữ Hán - là một thách thức lớn về ý chí, về công sức và cả về tiền bạc nữa. Các thế hệ trong đại gia đình Ông đã và đang làm công việc ấy với quyết tâm: thế hệ trước làm chưa xong, thế hệ sau phải tiếp tục, cho đến khi nào xong mới thôi. Rất may là có những nhà văn hóa ở Cố đô Huế, ở Sài Gòn xưa và ở Hà Nội đã cho chúng tôi những gợi ý quý báu về manh mối để tìm kiếm những bài báo đó. Hy vọng, có được sự giúp sức của đông đảo những người tâm đắc với công việc gìn giữ di sản văn hóa, việc sưu tầm sẽ có kết quả, hơn là một mình gia đình làm. Chúng tôi cũng đang xây dựng một Thư viện Phan Khôi trên không gian ảo, nơi lưu giữ toàn bộ tác phẩm của Ông và tác phẩm của các tác giả khác viết về Ông. Gọi là thư viện, vì ngoài chức năng lưu giữ, nó còn có chức năng phục vụ việc khai thác của mọi đối tượng bạn đọc trong và ngoài nước.
Xuyên suốt trong cuốn sách, thái độ đối xử trong gia đình và ngoài xã hội của Phan Khôi rất nhất quán và có thể được coi là một trường hợp điển hình: thẳng thắn, không chấp nhận dối trá. Theo ông, tính cách “Quảng Nam hay cãi” có mấy phần trong đó?
“Quảng Nam hay cãi” là một câu trong một chuỗi những câu ngạn ngữ nói vui về từng vùng đất ở Trung Trung Bộ, như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên; chứ bản thân nó không lột tả được cốt tính của cư dân xứ Quảng. Sinh ra và lớn lên ở xứ đất ấy, ăn hột cơm, uống ngụm nước, hít thở bụm khí trời của xứ đất ấy, thì mọi cư dân của xứ Quảng đều có chung một cốt tính. Ông chỉ là một trường hợp, mà là trường hợp điển hình, bởi Ông là trí thức. Lại Nguyên Ân đã viết trong Lời giới thiệu cuốn sách: “Sự thẳng thắn đến mức quả cảm trong đối diện và gọi tên sự thật, bảo vệ chính kiến, vì giá trị con người, vì sự phát triển tiến bộ của xã hội, của đất nước - có thể khiến bản thân và gia đình họ lâm vào long đong khốn khó, thân danh họ có thể bị tẩy xóa và bôi lấm nhất thời - nhưng rốt cuộc thì trước sau đó vẫn cứ là những đức tính cố hữu ở họ. Bởi, nếu không, họ đã chẳng đáng được gọi là trí thức”.
Phan Khôi là một học giả, nhà báo, nhà văn nổi tiếng khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Có một nhà nghiên cứu viết rằng: “Phan Khôi là khuôn mặt học giả phản biện duy nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX”. Ông có tán thành hoặc có thể nói thêm với độc giả về nhận định này?
Có, tôi đã được đọc câu đó của một nhà nghiên cứu. Viết một câu ở thể khẳng định như thế, tôi tin là tác giả đã qua thẩm định và có căn cứ. Còn tôi, nói về cha mình theo cách đó, thật không dễ, mong anh thể tất cho. Tôi có điều kiện gần gũi các trước tác của Ông, nên tôi có thể cung cấp cho độc giả những phản biện như thế, trước hết là về lĩnh vực lịch sử.
Năm 1928, trên tờ Đông Pháp Thời Báo ở Sài Gòn, ông bác cái thuyết nước Pháp giúp nước Nam hồi cuối thế kỷ 18, mà ông cho là một ngụy thuyết làm nhục quốc thể, làm nhục dân tộc, ông phải trừ tiệt đi.
Năm 1936, trên báo Sông Hương ở Huế, Ông bác bỏ vai trò của Triệu Đà trong chính sử Việt Nam, khẳng định Triệu Đà là kẻ xâm lược, phải loại bỏ dòng dõi y ra khỏi Việt sử. Cũng năm này và cũng trên tờ báo này, Ông dùng sự thật lịch sử để khẳng định: trong cuộc Khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, Thái Phiên (1882 - 1916) là lãnh tụ của cuộc Khởi nghĩa, chứ không phải Trần Cao Vân (1866 - 1916), như sự ngộ nhận bấy lâu nay do người Pháp cố tình gieo rắc. Sự khẳng định của Ông được cụ Phan Bội Châu - là bề trên của Thái Phiên - ủng hộ. Nhưng sau Cách mạng tháng Tám 1945, sự ngộ nhận đó vẫn còn duy trì, nên đến năm 1955 ở Hà Nội, Ông lại lần nữa cải chính sự ngộ nhận đó trong bản hồi ký lịch sử Vụ xin xâu ở Quảng Nam.
Năm 1950 ở trên Việt Bắc, bằng chính các di vật khảo cổ đào được bên Trung Quốc, Ông bác bỏ những huyền hoặc trong lịch sử cổ đại Trung Quốc với bài Cổ sử Trung Hoa bị đánh đổ. Chưa thôi, năm 1951, Ông lại tiếp tục bác bỏ cái ngụy thuyết lưu truyền nhiều đời ở Trung Quốc mà cả những nhà sử học mác xít của họ cũng rao giảng, rằng: Thể chế Dân chủ, Thể chế Cộng hòa đã tồn tại ở Trung Quốc từ hơn hai ngàn năm trước, từ thời Khổng Tử, Mạnh Tử. Ông chứng minh rằng đó là sự ngộ nhận của người Tàu để đỡ bẽ mặt trước nền văn minh châu Âu.
Năm 1954, cũng ở Việt Bắc, bằng tiểu luận khoa học Thử tìm sử liệu Việt Nam qua ngữ ngôn, về tên chủng tộc, ông không tán thành cách gọi là “người Nam Việt”, hoặc “Hán dân”, hoặc “người Huế”, thậm chí là “người Kinh” như ta vẫn dùng chính thức đến nay. Rồi ông chứng minh rằng, qua tiếng Việt - là thứ hình thành sớm nhất cùng lúc với hình thành dân tộc Việt - thì phải gọi là “người Keo”, mới đúng!
Đọc sách của ông, tôi liên tưởng tới trường hợp của Học giả Đào Duy Anh (1904-1988). Cả hai Cụ, Phan và Đào, thời trẻ đều hăng hái làm “quốc sự”, gặp biến cố (cụ Phan: 1908-1911, cụ Đào: 1929), cả hai đều chuyển sang hoạt động văn hóa và đều thành công lớn. Nếu không có Thế chiến II và các sự kiện tiếp diễn sau đó cho tới cuối đời, hẳn thành tựu của cả hai người còn lớn gấp nhiều lần di sản hiện có. Rất mong ông chia sẻ quan điểm này và minh họa thêm trong trường hợp Cụ Phan.
(Cười và bắt tay) Cảm ơn anh về sự gần gũi trong suy ngẫm của hai chúng ta! Tôi cũng có suy nghĩ như vậy, thậm chí chưa bao giờ tôi tin rằng sẽ có một nhà chính trị Phan Khôi xuất sắc, nếu Ông tiếp tục con đường mà anh gọi là “làm quốc sự”. Cũng may là Ông đã từ bỏ nó, để còn kịp biến đổi mình thành một nhà học giả, như chúng ta biết. Đất nước có được một học giả xuất sắc, chắc chắn là tốt hơn có một nhà chính trị tồi, phải không ạ?
Hăng hái theo Phan Châu Trinh hoạt động Duy Tân, bị bỏ tù, ra tù lại theo Phan Bội Châu hoạt động Đông Du, quãng thời gian đó là tám năm, đủ để Ông nhận ra: hoạt động cách mạng, làm chính trị, là không hợp với “tạng” của Ông. Năm 27 tuổi, Ông xin với tổ chức ngừng hoạt động, tự mình mày mò học tiếng Pháp, trau dồi tiếng Việt, để bốn năm sau - 1918 - chính thức chọn viết báo làm cái nghiệp của đời mình. Ông Đào Duy Anh còn ở cương vị thủ lĩnh một đảng chính trị, sau khi bị tù năm 1929, cũng có một quyết định tương tự, ở tuổi 25. Rõ ràng là các Ông chủ động chứ, tôi cho rằng đó là những quyết định không thể sáng suốt hơn, đối với cả hai Ông!
Tôi vừa nói đến hai tiếng “từ bỏ”, có lẽ anh và tôi, hiểu về hai từ đó, thì hiểu, nhưng bảo là thực hành nó, thì đố dám, phải không?! Đó là cái kém hẳn của thế hệ chúng ta so với thế hệ các Ông. Suy ngẫm về điều đó, tôi ngộ ra nhiều điều có ý nghĩa lắm!
Trong quá trình viết sách, chắc hẳn ông hiểu rõ quá trình trưởng thành về mặt tư tưởng của Cụ Phan Khôi. Ông có thể cho biết sự tương đồng về tư tưởng giữa Phan Khôi và Phan Châu Trinh?
Tôi không có điều kiện nghiên cứu kỹ về tư tưởng Duy Tân của Phan Châu Trinh, chỉ biết đường lối của Phong trào Duy Tân là “Khai dân trí; Chấn dân khí; Hậu dân sinh”. Nhưng rất may là tôi đã được đọc ở đâu đó ý kiến của một nhà nghiên cứu về vấn đề này, và tôi rất tâm đắc. Đó là, nếu chỉ hiểu “Khai dân trí” trong phạm vi của giáo dục hay văn hóa thì không thể hiểu được đầy đủ ý nghĩa Đổi Mới của Phong trào Duy Tân. Hồi đầu thế kỷ XX, dân trí nước ta còn mờ tối, do đó trách nhiệm của những trí thức tiến bộ là phải làm sáng rõ trí tuệ của nhân dân, thì “Khai trí” phải được hiểu là “Mở cửa trí tuệ”. Cũng việc đó, với châu Âu trong các thế kỷ XVII và XVIII, thì chính là Phong trào Khai sáng. “Chấn dân khí” là khôi phục, tăng cường, bồi bổ sức mạnh tinh thần, nhuệ khí của dân tộc. “Hậu dân sinh” là làm giàu đời sống vật chất của nhân dân. Dưới sự dẫn dắt của Phan Châu Trinh, các trí thức yêu nước thuộc lớp cựu học lúc bấy giờ - trong đó có Phan Khôi - nhận lãnh trách nhiệm mở cửa trí tuệ cho nhân dân, giúp nhân dân nhìn thấy hướng đi tiến bộ của nhân loại, từ đó chấn hưng sức mạnh tinh thần, nâng cao ý chí của nhân dân để họ có thể tự giải phóng mình, giành lấy địa vị làm chủ đất nước. Theo tôi, với hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, một tư tưởng như thế là cực kỳ tiến bộ, đúng đắn và hợp quy luật; tư tưởng đó vẫn như đang tự tìm đến giới trí thức đương đại.
Anh hỏi về sự tương đồng về tư tưởng giữa Phan Khôi và Phan Châu Trinh, thì tôi có thể nói rằng, về tư tưởng, họ là một, tất nhiên Phan Khôi ở vị trí như một học trò của Phan Châu Trinh, được Phan Châu Trinh yêu mến và dẫn dắt. Chả thế mà năm 1926 Ông vẫn ở bên cạnh Phan Châu Trinh lúc Cụ sắp từ trần và được Cụ giao trọng trách viết về cuộc đời và sự nghiệp của Cụ. Nghe nói, Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này, tiếc rằng, tập bản thảo hơn 90 trang đó đã bị thất lạc do sự lùng sục gắt gao của mật thám Pháp. Còn hơn thế, trung thành với lý tưởng của Phan Châu Trinh, Ông đã dành cả cuộc đời mình cho học thuật, cho văn hóa, thứ học thuật và văn hóa chỉ dành cho nhân dân mình.
Tôi có một điều tiếc cho cuốn sách. Ông mong muốn cuốn sách này sẽ là một “Tiểu sử ký sự” của Học giả Phan Khôi. Tuy nhiên, việc ông nhấn mạnh rằng “… Cũng không phải là một công trình biên khảo, nên trong sách không có ghi chú…” thì rất khó cho việc trích dẫn sau này. Làm sao có thể khẳng định rằng có những sự kiện trong đời Cụ Phan Khôi, người nhà nắm vững hơn người ngoài? Bởi vậy, tôi vẫn mong rằng, sẽ có một cuốn sách khác về cuộc đời Phan Khôi, có chú thích rõ ràng cho mỗi sự kiện được ghi chép trong đó. Ông sẽ chia sẻ với tôi về điều đó chứ?
Cho tôi xin lỗi anh và xin lỗi độc giả về cái điều mà anh lấy làm tiếc đó. Tôi đã không phục vụ được những độc giả cần nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Phan Khôi một cách có đầy đủ căn cứ. Đó là điểm yếu của tôi và cũng là hạn chế của cuốn sách. Nhưng tôi muốn xác nhận với anh rằng: cuốn sách có thể chưa đầy đủ về cứ liệu, nhưng chắc chắn là đúng. Có thể còn thiếu nhiều tình tiết khác trong đoạn đời này của Ông, nhưng sự thiếu đó không biến đúng thành sai được. Anh và độc giả có thể tin ở tôi điều đó.
Có được một cuốn sách về Phan Khôi với đầy đủ chú thích rõ ràng cho mỗi sự kiện được ghi chép trong đó - như anh nói - là mong muốn của nhiều người, kể cả hậu duệ của Ông. Nhưng, anh thử xem: với tuổi tác dường ấy, với trí lự dường ấy, thì có thể nói trước điều gì đây?
Chỉ còn cách phải noi theo cái bản ngã của Ông: còn nắng được thì cứ nắng, thế vậy! Chắc là anh và độc giả cũng đồng ý với tôi?
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nguyễn-bá Dũng thực hiện
--------------------------------
1 Sau khi bài báo đả kích tập bản thảo Nắng chiều của Đoàn Giỏi được đăng thì nghe nói tác giả của nó bị kiểm thảo và bị quy vào tội giả vờ đả kích tập bản thảo để công bố những nét chính của một tác phẩm đã bị cấm xuất bản (theo Nắng được thì cứ nắng, Phan An Sa, trang 366).
(Nguồn: Tia Sáng)