SỰ PHÁT TRIỂN CỦA LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
VÀ TỪ SAU 1975 CHO ĐẾN NAY(*)
Nguyễn Ngọc Thiện
(Viện Văn học)
(Viện Văn học)
Năm 1935, trong một bài viết ngắn trên báo, Hoài Thanh bức xúc về sự ngộ nhận rằng phê bình văn học là loại văn dễ viết, từ đó dẫn tới tình trạng viết tràn lan, viết ẩu, làm giảm giá trị của phê bình, gây phản cảm cho người đọc, làm tốn công sức và mất thì giờ của họ. Tỷ như phê bình một cuốn truyện, nhà phê bình loại này chỉ chăm chăm thuật lại câu chuyện một cách tỉ mỉ rồi thỉnh thoảng điểm xuyết vài lời khen, bình tán trống không và chiếu lệ. Đọc những bài phê bình vô bổ ấy, người đọc không lần ra được đâu là chính kiến của nhà phê bình, mà buồn thay chỉ thấy bầy ra trước mắt những điều trờ trờ lặp đi lặp lại ai cũng biết rồi! Hoài Thanh đòi hỏi người phê bình văn chương phải biết lượng sức mình, thoát ra khỏi những khuôn sáo tầm thường, chỉ viết về những điều đích đáng, cần nói ra hơn cả về tác gia tác phẩm, nếu không thì đừng có dại dột, liều lĩnh hạ bút. Trước hết nhà phê bình phải cố gắng nói đúng về tác phẩm đã đành, nhưng cao hơn, phải vắt óc sáng tạo, tìm tòi để không lặp lại ý kiến của người khác, mà đến lượt mình, mình vẫn tìm ra chỗ đặc sắc nơi văn bản tác phẩm để nói và nói một cách hay. Có nghĩa là phê bình văn học phải đem lại thích thú cho người đọc, cho tác giả, khi nhà phê bình cùng đi với họ trong lộ trình khám phá chân giá trị và ý nghĩa tiềm tàng trong tác phẩm([1]).
*
* *
Hải Triều cùng thời gian ấy đã xuất hiện như một kiện tướng trẻ tuổi với lối phê bình sắc sảo, mạnh bạo, tả xung hữu đột, hăng hái tham gia vào các cuộc tranh biện, học thuật. Có lần đang viết một bài để trao đổi lại với một hệ luận về văn chương của chí sĩ Phan Bội Châu, ông được người mẹ ngồi bên nhắc nhở về thái độ tôn trọng đúng mực cần phải có đối với bậc lão thành bề trên. Hải Triều đã lễ phép thưa lại thân mẫu: "Tôi không bao giờ mất tấm lòng cung kính các bậc trưởng thượng, nhưng cụ nói sai cũng cho tôi cãi với chớ!"([2])
Ở đây Hải Triều biểu hiện ý thức rõ rệt về một cách hành xử có văn hoá trong tranh luận, tôn trọng sự bình đẳng trong đối thoại giữa các kiến giải, chính kiến khác nhau mà vẫn đề cao được chân lý học thuật.
Cách đây hơn 70 năm, năm 1933, trên văn đàn nước ta xuất hiện cuốn Phê bình và Cảo luận của Thiếu Sơn, một tác phẩm được lịch sử văn học ghi nhận là đã vinh dự cắm mốc khai mở cho thể loại phê bình văn học trong tiến trình hiện đại hoá văn học nghệ thuật Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ XX.
Trong lời Tựa của sách, với lối viết nhã nhặn, khiêm tốn thật lòng, tác giả Thiếu Sơn đã bày tỏ niềm vui mừng và cảm kích về sự xuất hiện của lối văn phê bình mới mẻ (gồm 2 mảng chính là phê bình tác giả và phê bình tác phẩm - được ông gọi là phê bình nhân vật và phê bình sách vở) qua vài ba công trình của mấy tác giả xuất hiện trước hoặc đồng thời với ông. Thiếu Sơn cũng kỳ vọng về sự xuất hiện ngày càng đông đảo hơn những nhà chuyên môn phê bình, tức loại người đau đáu tâm huyết với nghề, lấy phê bình làm sự nghiệp văn chương chủ yếu của mình, chứ không xem đó là phần nhỏ, phụ, thêm thắt vào cho vui! Bởi, theo ý ông, sẽ là một thiệt thòi không phải là nhỏ cho cả một nền văn học dân tộc, nếu thiếu vắng đi những cây bút chuyên nghề phê bình, nói theo cách nói ngày nay là cần đội ngũ phê bình chuyên nghiệp. Nhưng, điều Thiếu Sơn quan tâm hơn hết là vị trí, chức năng của công việc phê bình văn học và tư cách, phẩm chất của nhà phê bình chuyên nghiệp.
Thiếu Sơn không ngần ngại xếp nhà phê bình vào diện những người đọc văn nói chung, song ông không đồng nhất nhà phê bình với người đọc, tìm thấy ở nhà phê bình tư cách loại người đọc đặc biệt mà ông gọi là những "kẻ đọc giùm cho người khác".
Với Thiếu Sơn, nhà phê bình đứng ở vị trí trung gian, làm chiếc cầu nối giữa tác giả và công chúng; giữa người đọc và tác phẩm. Hoạt động của nhà phê bình không biệt lập, không nhằm mục đích tự thân, họ vừa là bạn vừa là người dẫn dắt độc giả tiếp cận nhà văn và tác phẩm của anh ta. Trong công việc thuộc sở trường của nghề nghiệp, nhà phê bình lấy văn bản tác phẩm làm đối tượng đọc, khảo sát tường tận. Nhà phê bình cần bám sát tác phẩm theo đặc trưng và yêu cầu của thể loại, từ đó xem xét chiều sâu các lớp nghĩa tiềm ẩn trong các yếu tố của nội dung và nghệ thuật, ngôn ngữ tác phẩm, làm sáng tỏ thế giới nghệ thuật của nhà văn trong tư duy, cái nhìn, sự tìm tòi, khám phá được thực thi một cách có chủ định. Nhà phê bình muốn làm được việc đọc giùm người khác, tất yếu ở anh ta đòi hỏi về nghề nghiệp phải có chỗ hơn người, khác người, đứng cao hơn người đọc bình thường.
Đoạn viết sau đây của Thiếu Sơn đã thâu tóm nhận thức khá đầy đủ của ông khi xem xét mối quan hệ đa chiều giữa nhà phê bình với nhà văn và tác phẩm của anh ta; giữa nhà phê bình với công chúng độc giả rộng rãi; giữa sáng tác và tác phẩm phê bình với cơ sở đời sống hiện thực mà từ đó chúng hiện diện và tồn tại như một sinh thể nghệ thuật:
"Đọc giùm cho người khác, nghĩa là cũng một cái công trình người ta cùng đọc, mình cũng đọc, mà phần mình phải biết chỉ cho người ta thấy cái nghĩa lý của câu chuyện, chỗ dụng ý của tác giả, cái nghệ thuật của người làm và các văn thể của cuốn sách"([3]).
Những ý kiến nói trên của Thiếu Sơn rất gần gũi với cách hiểu ngày nay theo lý thuyết tiếp nhận văn học. Theo lý thuyết này, phê bình thuộc phạm vi của tiếp nhận văn học; một phương diện không thể thiếu của quá trình văn học - góp phần hoàn tất quá trình này. Tiếp nhận văn học là sự tiếp nối tất yếu của sản xuất văn học và nhà phê bình được xem là loại độc giả chuyên nghiệp, có nghề và kiến thức chuyên môn về sự đọc hay nói cách khác là siêu độc giả.
Phải có tác phẩm trước đã, tiếp sau mới có thể nói đến sự phê bình, sự đọc tác phẩm. Nói như vậy không có nghĩa phê bình là một hoạt động thứ phát, tầm gửi, ăn theo; lao động của người phê bình là kém cạnh về giá trị so với lao động sáng tác của nhà văn. Theo Thiếu Sơn, nếu hoạt động phê bình đảm bảo sự công bằng, sáng suốt, chắc chắn nó sẽ đạt hiệu quả to lớn không ngờ; góp phần phát dương giá trị tiềm ẩn của tác phẩm; dự báo hướng nảy nở nhiều triển vọng của văn tài hoặc ngược lại, sự chững lại, cạn kiệt của bút lực; nâng cao tri thức, bồi bổ thị hiếu, làm phong phú trình độ thẩm mỹ của công chúng, đem lại khoái cảm trong thưởng thức nghệ thuật của họ.
Thiếu Sơn trân trọng ghi lại nhận xét sau đây của một nhà phê bình người Pháp - ông Jules Lemaitre, khi ông này cho rằng: "Sự phê bình văn học có thể là một việc thú vị vô cùng, và có thể có giá trị ngang, hoặc hơn, những tác phẩm bị phê bình nữa".
Tán thành ý kiến trên vì nó chỉ ra được chân giá trị của hoạt động phê bình, Thiếu Sơn bình luận:
"Phải, đọc văn mà lại có kẻ phê bình, và nếu sự phê bình lại được công bằng, sáng suốt, thì kể cũng là một sự thú, một sự thú kèm theo một sự ích.
Thú mà ích, là vì độc giả nếu được vui lòng rằng đã thấu hiểu cái đồ mình đọc, thì sự thấu hiểu đó cũng giúp cho phần trí thức và cái sở hữu của mình được tăng tiến và rộng mở lên vậy"(4).
Trở lên, tôi đã chủ tâm lược thuật quan niệm về nghề nghiệp và yêu cầu của hoạt động phê bình chuyên nghiệp từ ý kiến của mấy cây bút phê bình xuất sắc thuộc thế hệ nhà văn lớp đàn anh hoạt động văn học từ nửa đầu thế kỷ XX. Qua đây có thể thấy một phần nào những suy nghĩ nghiêm túc, sâu sắc và đúng đắn trong tư duy về phê bình văn học thuở ban đầu - nó đã đặt nền móng vững chắc, sở cậy cho công việc phê bình văn học tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.
*
* *
Từ sau Cách mạng tháng 8 - 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, noi theo đường lối văn nghệ macxít - lêninnit và tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã từng bước xây dựng nền văn học - nghệ thuật cách mạng dân chủ mới theo ba phương châm: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng (trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân) rồi tiến tới nền văn nghệ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày nay). Các phương diện: sáng tác thơ văn, kịch bản văn học; nghiên cứu lý luận - phê bình; dịch văn học từ nước ngoài vào ta và của ta ra nước ngoài… đều được chú trọng phát triển đồng bộ. Đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp đã đóng vai trò chủ lực sáng tạo nên những thành tựu mới làm phong phú đời sống văn học nghệ thuật trên các miền vùng của đất nước trải qua các giai đoạn của cách mạng: kháng chiến chống Pháp; chống Mỹ cứu nước; xây dựng đất nước trong hoà bình thống nhất; tiến hành sự nghiệp đổi mới làm cho dân giầu, nước mạnh, dân chủ và văn minh.
Trên lĩnh vực nghiên cứu lý luận - phê bình, dưới đây cho phép chúng tôi thử điểm qua một vài công việc chủ yếu trên chặng đường gần đây - từ sau 1975 - mà chúng ta đã làm được cũng như những khía cạnh bất cập, yếu kém, cần nhanh chóng khắc phục:
1. Công tác nghiên cứu, giới thiệu, đánh giá lại di sản văn học dân tộc, các tác gia, tác phẩm văn học xưa nay …đã được đẩy mạnh, góp phần vào việc phát hiện mới, bổ sung nhận thức xung quanh các giá trị văn học dân tộc đích thực, tiến tới đánh giá đúng, công bằng các hiện tượng văn học phong phú (thuộc các dòng văn học yêu nước; cách mạng; dân tộc, dân chủ, nhân văn) kể cả những hiện tượng phức tạp, không thuần nhất. Nhờ đó, diện mạo văn học, chân dung nhà văn qua các thời kỳ, trong từng khuynh hướng, trên từng tác phẩm, tác giả đã được nhìn nhận xác thực hơn, cố gắng đảm bảo tính khách quan và sự thuyết phục trên căn cứ tư liệu đã giám định. (Ví dụ như xung quanh các hiện tượng văn học: Truyện Kiều; thơ Hồ Xuân Hương; Cao Bá Quát; phong trào Thơ Mới; tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn; phóng sự 1930 - 1945; mấy cuộc tranh luận tư tưởng - văn nghệ trước 1945; các tạp chí Nam Phong, Tiểu thuyết thứ Năm, Tao Đàn, Tri Tân, Tiên Phong, Văn nghệ; Đề cương về văn hoá Việt Nam; Nhật ký trong tù; 50 năm văn học cách mạng; văn học thời kỳ đổi mới; các tác gia lý luận - phê bình xuất hiện từ trước Cách mạng tháng Tám như: Hải Triều. Hoài Thanh, Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Đặng Thai Mai, Lê Thanh; các học giả ít nhiều từng "có vấn đề" như Nguyễn Bách Khoa - Trương Tửu, Phan Khôi, Phạm Quỳnh…)
Tuy nhiên hiện vẫn còn để trống một số khu vực nghiên cứu, vụ việc có lẽ do tư liệu chưa được tập hợp đầy đủ hoặc chưa đến lúc thuận lợi cho việc gỡ ra xem xét chăng: văn học vùng tạm chiếm thời kỳ chống Pháp; văn học đô thị thời Mỹ - Nguỵ; văn học Việt Nam ở nước ngoài; cuộc đấu tranh tư tưởng - học thuật ở miền Bắc những năm 1956 - 1958. Hiện nay Viện Văn học và Khoa Văn các trường Đại học tiến hành biên soạn, tổng kết Lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX, Văn học viết Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX. Thiết nghĩ trong quá trình này các khu vực còn tạm để trống nói trên sớm muộn sẽ được đem ra bàn bạc, thẩm định, ngõ hầu đi tới sự phân minh, đảm bảo sự khách quan của chân lý lịch sử và sự phán xét từ lợi ích tối cao của dân tộc.
Mặt khác trong nghiên cứu - phê bình, chúng ta đã "ôn cố tri tân" nhưng lại có xu hướng "nặng cổ nhẹ kim", chưa nhanh nhạy cập nhật khẳng định các tác phẩm tốt mới xuất hiện , chưa chú trọng phát hiện nâng đỡ những khuynh hướng tìm tòi có triển vọng, những tác giả trẻ có tài năng nhưng còn ít độc giả; chậm phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái về quan điểm để định hướng thẩm mỹ cho công chúng, thúc đẩy sáng tác phát triển. Lại nữa, có những biểu hiện định kiến, dè chừng, quá ư chặt chịa trước những hiện tượng văn học tân kỳ, đột xuất mà ở ta trước đó chưa từng có.
2. Để đổi mới và hiện đại hoá lý luận - phê bình, một mặt cần tiếp tục triển khai nghiên cứu, vận dụng và phát triển các nguyên lý mỹ học mác xít cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử nước ta trong bối cảnh giao lưu quốc tế mở rộng hiện nay, đồng thời chúng ta cần tiếp tục chú trọng giới thiệu và phân tích những công trình lý luận - phê bình, tác gia, khuynh hướng, trào lưu phê bình, đáng chú ý trên thế giới cần được tham khảo, nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc, làm phong phú tri thức và phương pháp luận, học thuật (như: Arixtôt, M.Bachtin, Alain Rôbbe Grillet, Kundera, Viên Mai, Lưu Hiệp, Kim Thánh Thán, Khâu Chấn Thanh, Chu Quang Tiềm, Chủ nghĩa cấu trúc, Ký hiệu học, Thi pháp học, Tự sự học, Văn học so sánh, Chủ nghĩa hình thức, Phân tâm học, Các trường phái hậu hiện đại, hậu mác xít…).
Các nhà lý luận đã cố gắng biên soạn mới những bộ giáo trình lý luận văn học giảng dạy tại trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hoặc biên dịch các giáo trình lý luận của nước ngoài, từ Nga Xô, Mỹ, Trung Quốc. Các loại sách công cụ như Thuật ngữ văn học, Từ điển tác gia tác phẩm, lý luận phê bình văn học (trên thế giới và ở Việt Nam ) được tập trung tổ chức biên soạn, dịch để lần lượt xuất bản trở thành tài liệu tham khảo bổ ích cho nghiên cứu - phê bình văn học. Chúng ta cũng đã cố gắng sưu tập, trân trọng giới thiệu qua sách báo những công trình tập hợp những ý kiến của cha ông ta về văn học, của các nhà văn Việt Nam bàn về truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ ca, các ý kiến bàn về sự nghiệp sáng tác của các nhà văn tiêu biểu trong lịch sử văn học Việt Nam.
Tuy nhiên, do số người làm những công việc trên còn mỏng lại không có điều kiện "chuyên canh", nên việc dịch, biên soạn các loại sách trên còn thiếu hệ thống, chắp vá, tiện đâu làm đấy, có khi rơi vào trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc học tập nghiên cứu lý luận - phê bình văn học.
3. Đã cố gắng tổ chức những hội thảo khoa học về một số vấn đề của lý luận văn học đương đại hoặc trao đổi, thảo luận xung quanh một vài tác phẩm được dư luận chú ý (do các trung tâm nghiên cứu văn học, khoa văn Đại học hoặc toà soạn báo chí văn nghệ chủ trì) đã kịp thời thông báo các kết quả nghiên cứu mới và phản ánh dư luận cũng như sự đánh giá về sáng tác mới. Tuy nhiên, việc tổ chức các hội thảo văn học là rất vất vả, các vấn đề còn ít được thảo luận,trao đi đổi lại, nhiều khi chỉ dừng lại ở những thông báo một chiều, không có phản hồi. Còn các cuộc trao đổi ý kiến về các tác phẩm mới không hiểu sao cứ thưa vắng dần. Phải chăng khó chọn được tác phẩm đưa ra bàn bạc hay không đủ thời gian chuẩn bị, hoặc thiếu kinh phí cần thiết để tổ chức sinh hoạt kiểu này?
Điều đáng ghi nhận là mấy năm gần đây các báo chí văn nghệ đã đóng vai trò nhất định trong việc tạo ra những cuộc tranh luận trao đổi học thuật về nghiên cứu, giảng dạy, lý luận - phê bình văn học. Nhưng thực lòng mà nói chúng chưa lôi cuốn sự tham gia đông đảo của các cây bút trong cả nước mà chỉ dừng lại ở tình trạng: nếu anh đã nói đi thì tôi được quyền nói lại. Rất tiếc chưa có trọng tài phân định đúng sai hoặc đưa ra những nhận xét tổng kết, khép lại. Có lẽ do sự hạn hẹp của vấn đề nêu ra tranh luận chí ít chỉ liên quan đến sự thẩm định khác biệt giữa các cá nhân; đôi khi tranh luận đã đi ra ngoài khuôn khổ học thuật, ít bao hàm cơ sở lý luận có ý nghĩa chung từ các vấn đề nêu ra rồi lệch sang sự chỉ trích xuất phát từ cái gọi là "bảo trọng" danh dự cá nhân, quên đi sự cần thiết cua văn hoá tranh luận….nên sau một hồi náo động ồn ào không khí lắng xuống, các cuộc tranh luận nói trên dễ bị quên đi, chỉ còn đọng lại dư vị không mấy thân thiện, không hài lòng của đôi bên đã từng tiếng bấc tiếng chì, không ai chịu ai. Phải chăng, điều cần rút kinh nghiệm từ các cuộc tranh luận này là nên nhằm mục đích đàng hoàng, biểu hiện thái độ sáng suốt, công bằng, đúng mực, bình tĩnh, biết người biết ta, trao đổi thân tình, thiện ý trên cơ sở tôn trọng nhau thực sự. Nếu chỉ hiếu thắng, chơi trội, đao to búa lớn, việc bé xé ra to, chụp mũ, xuyên tạc, suy diễn,cắt xén ý kiến người khác, tự thị, tự cho mình quyền diễu nhại, hạ bệ người khác mà chưa có đầy đủ những căn cứ khoa học xác đáng, chắc chắn …thì đều không thuyết phục được người tranh luận "tâm phục khẩu phục" với mình, không giành được cảm tình và sự chú ý của công luận. (Có thể tham khảo cách tranh luận văn nghệ trên văn đàn nước ta nửa đầu thế kỷ XX hoặc ở chiến khu Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp, để thấy sự cần thiết của việc tôn trọng, thẳng thắn với nhau, tranh luận vì sự tiến bộ của học thuật của sự nghiệp văn nghệ chung và phải đảm bảo tính văn hoá giữa những người đồng nghiệp khi trao đổi ý kiến còn có những khía cạnh mâu thuẫn nhau)
4. Đội ngũ những người làm phê bình chuyên nghiệp (bao gồm trong số hơn 60 hội viên lý luận - phê bình của Hội nhà văn Việt Nam cùng những người khác chưa phải là hội viện hoặc là những cây bút sáng tác, dịch thuật nhưng dư thừa năng khiếu và trình độ để bước vào vùng đất của lý luận - phê bình mà không tỏ ra kém cạnh chút nào), lực lượng này chưa được tổ chức lại và gắn bó trong tình đồng chí, cùng Hội cùng thuyền.
Chúng tôi nghĩ rằng rất cần phát triển đội ngũ lý luận - phê bình hiện hãy còn thưa hiếm mở rộng và liên kết họ lại (trong đó nên chú ý kết nạp hội viên mới lý luận - phê bình hàng năm với số lượng nhiều hơn) trên cơ sở thống nhất về mục đích, quan niệm nghề nghiệp lý luận - phê bình, nhưng không gò bó sự thể hiện trong phương pháp, phong cách và bút pháp của từng "tạng" ngòi bút, làm cho "sân chơi" lý luận - phê bình cũng có thể xem như một vườn hoa nhiều hương sắc đem lại nhiều thú vị và bổ ích cho nhà văn, nhà lý luận - phê bình, cho người đọc, và rộng hơn cho nền văn học của đất nước Việt Nam yêu quý.