Văn học Việt Nam hiện đại

Nguyễn Huy Thiệp - Ngôi sao sáng của văn học đổi mới


12-08-2021
Nguyễn Huy Thiệp được xem như một hiện tượng của đổi mới văn học từ những năm cuối thập kỷ 80.          Sự ra đi mới đây của nhà văn là dịp để đánh giá toàn diện, tổng hợp và định vị nhà văn trong sự nghiệp chung của văn học đổi mới.

 

 

          Nguyễn Huy Thiệp được xem như một hiện tượng của đổi mới văn học từ những năm cuối thập kỷ 80.

         Sự ra đi mới đây của nhà văn là dịp để đánh giá toàn diện, tổng hợp và định vị nhà văn trong sự nghiệp chung của văn học đổi mới.

         I. NHỮNG TIỀM NĂNG CỦA MỘT CÂY BÚT TÀI HOA

        1. Vốn học thức uyên bác 

         Trong lý lịch  , Nguyễn Huy Thiệp đã  ghi rõ: tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Sư phạm Hà Nội tức trình độ cử nhân về khoa học lịch sử với nghiệp vụ Sư phạm.

         Sử là một khoa học ghi chép về các sự kiện theo dòng thời gian. Sử vì vậy cũng gần với Văn – cùng có nghệ thuật diễn ngôn.

         Khi dạy học ở Tây Bắc, nhà thơ trẻ tự học thêm Văn, góp phần xây dựng thư viện của trường, thầy giáo trẻ là độc giả chính của thư viện này đã đọc gần như hết sách trong vòng hơn 7 năm trời. Và, thầy là diễn giả  biết giảng giải, kể lại tác phẩm văn chương kim cổ đông tây cho các học viên . Rồi đọc hết sách thư viện huyện và tỉnh nữa . Đây là thời đang tuổi thanh xuân sung sức, ham học là thời “Úp mặt vào núi mà đọc” như có lần nhà văn đã bộc bạch sau này.

         Học văn thơ mà trong đó đã có cả họa  “ thi trung hữu họa”( trong thơ có họa ) nhưng còn với thích thú riêng, Nguyễn Huy Thiệp còn học vẽ. Anh  theo chân các họa sĩ tên tuổi ở địa phương như họa sĩ Lò Văn quang để trau dồi tay vẽ. Sau đó là cùng họa sĩ Cà Kha Sam, tốt nghiệp trường Mỹ thuật ở Thủ Đô, mở hẳn một triển lãm tranh tuyên truyền. Và có lẽ khiếu vẽ và tài năng hội họa sau này còn được tương tác, bồi bổ với giới bạn là họa sĩ danh tiếng ở Hà Nội cho đến cuối đời như Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Nguyễn Thanh Bình…. Và với chính con trai ông trong nhà,  Nguyễn Huy Bách, họa sĩ.

         Nguyễn Huy Thiệp  còn bén duyên với sân khấu điện ảnh qua nhiều kịch bản chuyển thể từ văn học. Cũng là do quan hệ và tương tác với giới nghệ sĩ bè bạn.

         Từ vốn văn học và lịch sử, nhà giáo trẻ khai thác vào văn hóa truyền thống dân tộc. Đó là lý do vì sao nhà văn tương lai có thể sáng tác kịch bản hiện đại và cả tác phẩm kịch bản chèo – biểu hiện  của văn hóa dân gian.

         Ở mức độ nhất định nhà văn tài hoa cũng đã mang cốt cách một nghệ sĩ và khái quát hơn tầm vóc một nhà văn hóa. Qua đó là tri thức về lịch sử , về dân tộc học, về tri thức sinh thái môi trường sống, về xã hội học…

2. Vốn trải nghiệm cuộc sống phong phú, sâu sắc

         Mười năm hơn và sau này còn có dịp trở lại thăm  Tây Bắc không chỉ là thời gian “úp mặt vào núi mà đọc”. Tất nhiên đọc “ sách” và đọc cả  “núi” . Nói cách khác, Nguyễn Huy Thiệp còn dẻo chân vào rừng mà đi. Đi nơi danh lam thắng cảnh và cả nơi đèo mây hút gió. Tất nhiên đây là tranh thủ đi khi làm việc, dạy học nhưng cũng là đi để tìm “Muối của rừng”, tìm và chắt lọc ra cái tinh túy đậm đà của đời như  tìm “muối của biển” vậy.

          Tuy nhiên ngoài khoảng thời gian “núi rừng” đầu đời Nguyễn Huy Thiệp còn quãng đời nông thôn và đô thị sau này cũng  tràn đầy  trải nghiệm và đầy thăng trầm.

         Tiếp tục đọc sách và làm sách, cả ở trong nước và ngoài nước theo nghĩa bóng  và cả nghĩa đen của công việc. Như trang trí, thiết kế, vẽ đồ họa sách cho nhà xuất bản Giáo dục, hoặc liên hệ làm sách, ký hợp đồng với các nhà xuất bản ở cả nước ngoài  kết hợp một vài chuyến “xuất ngoại”.

         Tuy nhiên, một đời từ thuở nhỏ cậu bé Thiệp đã cùng gia đình lưu lạc khắp vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Phúc, khi trưởng thành, nhà giáo rồi nhà văn  Nguyễn Huy Thiệp đọc “ người” , con người với tất cả số phận khổ đau và hạnh phúc, trong đó con người miền núi, người phụ nữ được đặc biệt lưu ý và khai thác, con người hiện tại và cả con người lịch sử. Đúng hơn là con người lịch sử với cái nhìn của con người hiện nay. Đọc Quang Trung, đọc Nguyễn Du là biết như vậy mới tạo nên những trang viết mới.

3. Ý thức đổi mới sáng tác bắt gặp chuyển động khí thế đổi mới bước đầu của văn học.

         Phát biểu có ý nghĩa tuyên  ngôn đổi mới văn học của Nguyễn Minh Châu như đột phá khẩn cho sự công phá cái cũ mở đường cho đổi mới văn học. Lãnh đạo đồng thời kêu gọi văn nghệ sĩ phát huy tự do sáng tạo trên mặt trận văn nghệ. Một loạt nhà văn với tác phẩm mang màu sắc mới đã tạo được dấu ấn ban đầu cho chuyển biến . Nguyễn Minh Châu với Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Mạnh Tuấn với Đứng trước biển và Cù Lao Tràm, Lê Lựu với Thời xa vắng, Ma Văn Kháng với Mùa lá rụng trong vườn, Dương Thu Hương với Bên kia bờ ảo vọng

         Với ý thức tìm tòi sáng tạo một nẻo đi độc đáo, nhà văn trẻ đã dấn bước vào đại lộ đổi mới ấy như sự bắt gặp của sự nghiệp riêng chung.

II. NHÌN LẠI MỘT SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC

1. Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện như một hiện tượng mới lạ

         Năm 1980, từ Tây Bắc chuyển về Hà Nội, công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó làm việc tại công ty kỹ thuật trắc địa bản đồ cục bản đồ,  Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu cầm bút sáng tác.

         Ông xuất hiện trên văn đàn khá muộn so với tuổi đời. Năm 1986, có 3 truyện ngắn được in trên Văn nghệ là Muối của rừng, Nàng Sinh, Cô Mỵ… Đến tháng 9/1986 là Vết trượt cũng trên Văn nghệ .Từ 1987 Tướng về hưu xuất hiện, tiếp đó truyện ngắn Không có  vua và Những người thợ xẻ(1988), Những ngọn gió Hua Tát (1989)…

         Đặc biệt là toàn bộ 3 truyện về đề tài lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết thì sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp đã gây nên một náo động trên văn đàn thời đổi mới văn học.

         Dư luận xác nhận Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng thậm chí hiện tượng lạ ngay khi xuất hiện để định vị được trên dòng chảy của lịch sử văn học.

         Nhìn đại thể có thể thấy khối lượng sáng tác khá phong phú và đa dạng. Nguyễn Huy Thiệp là người  đa tài, sáng tác nhiều thể loại văn học và còn có thêm khả năng hội họa.

         Nhà văn yêu thích vẽ chỉ tự học và học trực tiếp qua bạn bè họa sĩ . Họa cũng là một sân chơi tay ngang như một số nhà văn, nhà thơ khác như Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Ước hoặc nổi lên gần đây như Nguyễn Quang Thiều. Tuy nhiên đây cũng là một “ nghề  phụ”  như thời gian tham gia chuyên môn thiết kế, đồ hoa sách tại Bộ Giáo dục, Công ty kỹ thuật trắc địa bản đồ, Cục bản đồ.

Nguyễn Huy Thiệp có hứng thú vẽ trên gốm, đã từng tặng bạn bè nhiều tác phẩm như tranh chân dung trên đĩa gốm sứ.

Riêng về văn học, nhà văn thử bút và thành công trên nhiều thể loại văn xuôi như tiểu luận, sáng tác truyện ngắn , truyện vừa, tiểu thuyết và cả kịch, kịch phim Có làm thơ nhưng chỉ là thơ xen kẽ trong tác phẩm văn xuôi, chưa có tập thơ xuất bản.

Thành tựu đặc sắc nhất là truyện ngắn

Truyện ngắn đã đưa Nguyễn Huy Thiệp lên hàng đầu bảng được tôn là  “vua truyện ngắn”.

Sau đây là  tóm lược một số tác phẩm tập trung về các mảng đề tài ….

Mãng đề tài về nông thôn nổi bật với Chảy đi sông ơi (1985), Những bài học nông thôn (1988) Thương nhớ đồng quê (1992), Chăn trâu cắt cỏ (1996), Chú Hoạt tôi (2001)

Mảng đề tài miền núiNhững ngọn núi  Hua Tát  (1981 – 1986), Muối của rừng  (1986, Những người thợ xẻ (1988)

Một mảng đề tài đặc sắc nữa là thị dânHuyền thoại phố phường (1983), Tướng về hưu(1987), Không có vua (1987)

Có thể điểm qua những tác phẩm đáng lưu ý trong quá trình viết với trên 50 truyện ngắn, 4 tiểu thuyết, 10 kịch phẩm và một số tiểu luận văn học:

Tướng về hưu (1987) dựng thành phim cùng tên ( 1988 )

Những ngọn gió Hua Tát ,Nhà xuất bản Văn học , Hà Nội, 1889

Tác phẩm và tiểu luận, Nhà xuất bản Trẻ, Huế 1989 (nhiều tác giả)

Nguyễn Huy Thiệp – Tác phẩm và  dư luận ,Nhà xuất bản Trẻ, 1990

Thương nhớ đồng quê (1992) được dựng thành phim cùng tên năm 1995

Con gái thủy thần ,Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1993

Như những  ngọn gió (tuyển tập),  Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1995

Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Huy Thiệp , Nhà xuất bản Hội Nhà văn , Hà Nội, 1995

Tiểu long nữ (tiểu thuyết), Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1996

Thương cả cho đời hoa, Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 2000

Mưa Nhã Nam,Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2001

Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 2001

Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Huy Thiệp, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2001

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, NXB Trẻ, 2003

Truyện tập kịch Nguyễn Huy Thiệp, NXB Trẻ, 2003

Giăng lưới bắt chim (tiểu luận) NXB Hội Nhà văn, 2007 

Gạ tình lấy điểm (tiểu thuyết) NXB Hội Nhà văn, 2007

Ngoài ra là một số tác phẩm được xuất bản tại các nhà xuất bản ở hải ngoại

Tác phẩm và tự luận (tái bản), NXB Hồng Lĩnh, California, 1991

Xuân Hồng, NXB Tân Thư, California, 1994

Suối nhỏ êm dịu (kịch), báo Văn nghệ, California, 2011

 Kiếm  sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, NXB Đa Nguyên

Mổ nhà văn (kịch – bút danh Thích Thiện Ngôn, trang mạng Talawas

Trong hoàn cảnh mở cửa về quan hệ ngoại giao với chiến lược “Việt Nam muốn làm bạn với các nước”, nhất là thời hội nhập thế giới, văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam có điều kiện được giới thiệu rộng rãi ở nước ngoài. Mặt khác, do tìm hiểu Việt Nam trong “Thế giới phẳng” nước ngoài cũng chủ động khai thác, tiếp nhận tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Đó là điều kiện thuận lợi để các nhà văn và tác phẩm Việt Nam được chủ động giới thiệu từ các nhà xuất bản, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật ngoại quốc, nhất là từ thời đổi mới văn học, Nguyễn Huy Thiệp chính là một trong những trường hợp được nước ngoài chú ý dịch sách.

Nhiều tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài, chủ yếu là Âu, Mỹ và gần đây là Hàn Quốc.

Tướng về hưu viết 1990 được xuất bản tại Pháp: Un Général  à la retraite, Édition de l’Aube, sách được in lại nhiều lần

Ngoài in sách cũng được xuất bản tại nhiều nước khác The General retires and other stories,1992 ở Anh

Trái tim hổ xuất bản 1993 và tái bản 1995. Tác phẩm được in ở Pháp với tựa đề  Le coeur du tigre và Hà Lan với tên Tifger hart

Sói trả thù , xuất bản tại Pháp 1997 với tên La vengeance du loup sau đó tái bản vào 2002. Chuyện tình kể trong đêm mưa được xuất bản tại Pháp với tên Conte d’amour un soir de pluie  từ năm 1999, sau đó được tái bản năm 2001 tới 2 lần nữa rồi Chú Hoạt tôi  : Mon oncle Hoat ,2008. Sau đó là Nàng Sinh : Mademoiselle Sinh, 2010

Suối nhỏ êm dịu xuất bản tại Pháp năm 2002 . 

Tại Mỹ, Crossing the river, Short fiction by Nguyễn Huy Thiệp được xuất bản 2 lần với 2 bản sách khác nhau năm 2003 (tập truyện) 

Vàng và lửa, L’or et le feu xuất bản tại Pháp 2002

Mưa Nhã Nam được xuất bản tại Thụy Điển với tiêu đề Regn I Nhã Nam năm 2015 với 17 truyện

Đồng thời xuất hiện 2 phiên bản Muối của rừng – Skogems salt xuất bản tại Thụy Điển, 2001, 17 truyện

Cũng đồng thời là 3 phiên bản sách tại Italia về tác phẩm Muối của rừng : Il sale delta  foresta.

Những ngọn gió từ Việt Nam cũng được xuất bản tại Italia năm 2004: Soffi du vento sul Vietnam

Quỷ ở với người – Tập kịch, xuất bản tại Pháp năm 1996:Les démons vivent parmi nous.

Tiếp theo,Tuổi hai mươi yêu dấu, tiểu thuyết được xuất bản tại Pháp năm 2005, A nos vingt ans

Ngoài ra có thể kể thêm: Tội ác, tình  yêu và trừng phạt: Crimes,amour et châtiment, 2002

……………………………………………….

Về mặt giải thưởng, Nguyễn Huy Thiệp cũng là một trường hợp đặc biệt.

Trong nước, nhà văn được Giải thưởng của Hội Nhà văn cho tập tiểu luận Giăng lưới bắt chim(2006) 

. Nhà văn  có trong danh sách đề nghị Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật trong thời gian tới, và có nhiều phần chắc chắn đạt giải thưởng.

Ở nước ngoài, nhà văn nhận được 2 giải thưởng danh giá

Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (2007)

Giải Nonino Risit d’Âur – giải thưởng Premio Nonino Italia (2008)

Trường hợp nhà văn Bảo Ninh  cũng có nét tương tự. Năm 1991 tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh xuất bản được tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam Truyện được dịch ở Mỹ sang tiếng Anh bởi Frenk Palmos rồi Phan Thanh Hải năm 1994 với nhan đề The Sorrow of War  được ca tụng rộng rãi ở phương Tây. Bảo Minh vinh dự được nhận giải thưởng Châu Á ( Nikkei Asia Prizes) được tổ chức tại Tokyo Nhật Bản vào tháng 5/ 2011 và tác phẩm này Gunter  Giesenfeld dịch sang tiếng Đức là Die Leilen des Krieges phát hành ở Đức 6/2016

Nguyễn  Ngọc Tư tới hội sách Frankfurt , Đức để nhận giải Liberaturpreis 2018  do Litpress hiệp hội quảng bá  văn học Châu Á, Châu Phi  và Mỹ La tinh thực hiện

 Nói tiếp về Nguyễn Huy Thiệp: ở Italia, Tran Tu Quan  và cộng sự còn dịch Muối của rừng( Il sale della foresta,2004) cùng với Sang sông ( A traversando  il flume,2011) và Tâm hồn Việt Nam(Vietnam soul, 2013) đều cùng do nhà xuất bản O barra O ấn hành.

Tại Đức, giáo sư Gunter Giesenfeld và Marrianne Ngo  đã dịch và giới thiệu Tướng về hưu  ( Der pensioniente General ), với 11 truyện, 2009

Gần đây năm 2019, nữ dịch giả Hàn Quốc Kim Jo Young cho bạn văn Việt Nam biết chị đang hoàn thành bản dịch 15 truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Hàn với sự tài trợ của Quỹ văn hóa Dae - san Hàn Quốc.

Như vậy đường biên văn chương Nguyễn Huy Thiệp  đang mở rộng ở nước ngoài khắp Âu, Mỹ, Á với các quốc gia Pháp, Anh, Đức, Italia, Thụy Điển, Hà Lan và Hàn Quốc.

Nổi bật trong giai đoạn văn học đổi mới, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp là tác giả được biết  đến ở phạm vi quốc tế rộng rãi nhất.

2. Nguyễn Huy Thiệp  - Nhà văn tiêu biểu của sự nghiệp đổi mới văn học

Trước hết, Nguyễn Huy Thiệp là người viết có tư tưởng nghệ thuật và quan niệm sáng tác văn học chính xác.

Trong một dịp trả lời phỏng vấn, nhà văn đã có dịp nhấn mạnh sự chọn đường – đại lộ của văn học với lý tưởng mới, cách mạng nhân đạo chủ nghĩa

 “Trong thâm tâm tôi rất mừng rỡ và cảm thấy mình đã chọn con đường đi đúng đắn, không có gì phải lo ngại nếu như cứ tiếp tục con đường văn học nhân đạo hay với những tư tưởng mà mình đã xác định ngay từ đầu”

Là người  đã trải qua những năm tháng đau thương và anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ, nhà văn nay dấn thân vào cuộc đời thế sự, cảm nhận thấm thía những vấn đề  phức tạp xã hội và thân phận con người trong mọi va đập xô đẩy  của dòng đời: “Văn học là một sự chiêm nghiệm nỗi đau khổ  của con người và nó đi tìm những tư tưởng nhân đạo, những tinh thần nhân đạo”.

Nhưng tự bạch, nhà văn ngày càng cảm thức sâu sắc lý tưởng chân thiện mỹ, viết bằng cả ba yếu tố tích hợp, vốn văn hóa, vốn trải nghiệm và giáo lý đạo Phật.

Văn hóa thì đã rõ, người từng “úp mặt vào núi”,  “vào rừng” và sau này vào thơ , văn  mà đọc đến mức tích lũy được rất nhiều tri thức xã hội, lịch sử văn hóa đông tây, kim cổ. Đọc và trích dẫn chính xác, phù hợp từ Nietzsche, Goethe, Leonard de Vinci , Victor Hugo cũng như các nhà văn cổ điển và đương đại Trung Quốc. Rồi dẫn cả  Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu…

Trải nghiệm với tuổi đời xưa nay hiếm ,  từ cuộc sống con người  miền núi, đồng bằng , trung du, người nông dân, người thành thị….qua từ thời bao cấp đến thời kinh tế thị trường

Nhà văn mới tìm đến đạo Phật nhưng đã rút ra được cái tinh túy của giáo lý hướng thiện, trừ ác và tu thân để có được tính Phật.

Bản thân nhà văn cũng là một tài hoa mà lắm nỗi truân chuyên trong cuộc đời và trên văn đàn. Sống thanh bần, giản dị và có phần nghèo túng nhưng có một văn nghiệp sáng giá đó là văn chương nhân bản  vì con người, nhân đạo chỉ ra con đường làm người tử tế, chân chính và nhân văn, đề cao cái đẹp, cái tinh hoa, tinh chất con người. Lòng nhân của Nguyễn Huy Thiệp thể hiện minh triết trên trang viết , nhiều bạn văn đã nhận ra cái cốt cách thương yêu và tin tưởng con người ở tác giả; nhà văn miêu tả và phê phán cái xấu, cái ác, cái đáng ghét của con người để người ta hiểu và yêu đời hơn và có thể làm người tốt hơn đó là lòng nhân hậu lặn sâu bên trong.

Tuổi hai mươi yêu dấu là tiểu thuyết có tính chất tự truyện, là chuyện buồn đau chính trong gia đình mình. Nguyễn Huy Thiệp viết như một sự trang trải nỗi lòng sẻ chia những cuộc đời bất hạnh, những số phận khổ đau còn tồn tại trong xã hội ngày nay: con người là nạn nhân của những tệ nạn xã hội không dễ gì nhanh chóng chấm dứt. Hệ lụy của sự tha hóa, xuống cấp nhân phẩm và đạo đức như một thách thức lớn và lâu dài trong mặt trái của cơ chế thị trường.

Trong tự bạch Tôi viết Tướng về lưu (tuoitre.vn 5/6/2005) Nguyễn Huy Thiệp viện dẫn lời Lê Quý Đôn : “Văn chương có đạo thì  thịnh” và giải thích  “Dấu hiệu nhận biết đầu tiên của đạo là nụ cười sau đó là những biểu hiện của tình yêu thương với lòng chẳng nỡ, tính nhân văn” Có nhận xét khái quát của GS Đỗ Đức Hiểu “tình con người, tình yêu loài người là tình thần bao trùm các tác phẩm của anh”Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Sông Hương36, 2010).

Thực ra Nguyễn Huy Thiệp chỉ diễn tả sinh động và nhất là thể hiện qua thực tiễn sáng tác những quan niệm mới của lý luận văn học. Nhưng những ý tưởng về đổi mới thì có những suy tư cụ thể và sâu sắc như những tình huống cho sáng tạo nghệ thuật không chỉ cho riêng bản thân. Theo tự bạch thì Tướng về hưu chỉ là đột phá khẩu. Đổi mới dứt khoát, mạnh mẽ và táo bạo phải kể là Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ và bộ ba truyện giả lịch sử là Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết.

Tác giả “Thêm một vài ý nghĩa về quan điểm “đổi mới” ” 

“Đổi mới là thay cái cũ bằng cái mới phù hợp với hoàn cảnh mới (…) Điều quan trọng là hòa nhập, đồng thuận với hoàn cảnh..

Đổi mới có nhiều cách, nhiều cảnh giới. Đầu tiên phải là phá vỡ cái cũ…

Đổi mới với ý thức xây dựng một cơ sở mỹ học mới từ ngay trong thực tế mỗi văn học ở trong nước…Đó là điều mà các thế hệ nhà văn đổi mới trong 30 năm qua đã làm được…”

Kết luận có tính chất nguyên lý:

“Văn học thật sự làm hướng về chân thiện mỹ luôn giữ gìn được bản sắc dân tộc và tìm đến sự hòa hợp trong thế giới văn minh”.

Những lý luận hàn lâm nêu trên thực ra không ngoài những nguyên lý kinh điển và đường lối chính thống về văn hóa, văn  nghệ mới. Tuy nhiên chúng đã được diễn  giải sinh động, cụ thể và lý giải minh triết. Điều quan trọng nhất là đã được thuyết phục bằng minh chứng hùng hồn của sáng tác phẩm chính- nhà văn người tuyên ngôn.

Nói hay và làm được, làm tốt chính là thước đo chân chính giá trị nhất cho một sự nghiệp.

III. NGUYỄN HUY THIỆP NHỮNG GÌ ĐỂ LẠI

1. Sự đánh giá và tôn vinh

         Tác phẩm các loại của Nguyễn Huy Thiệp đã có được sự cọ sát nảy lửa của dư luận văn đàn qua mấy chặng đường: chặng khởi đầu của những năm 80 của thế kỷ XX, chặng tiếp theo Đi tìm  Nguyễn Huy Thiệp (Văn hóa -Thông tin, 2001)  ,chặng “sự cố” với tiểu luận Trò chuyện với thủy tiên và sự nhầm lẩn của nhà văn (Tạp chí Ngày nay, 2009) và chặng cuối, khi nhà văn ra đi (3/2021).

         Về cơ bản, đã có sự đồng thuận trong đánh giá nhà văn qua Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp. Tập sách tập hợp 54 bài tranh luận với những lời khen, chê về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Qua những cách đọc, cách hiểu về nhiều phía, người đọc sẽ có được cái nhìn khách quan, đa chiều về tác phẩm và tác giả.

Hội thảo sách đã có được sự đánh giá thống nhất và tôn vinh Nguyễn Huy Thiệp như nhà văn đổi mới có thành tựu đáng khích lệ sau 15 năm.

Từ bài tiểu luận 2004, lại dấy lên  dư luận trái chiều, nhưng sự hiểu lầm qua nhanh vì uy tín cao của Nguyễn Huy Thiệp ở trong nước và sau đó là trên dư luận văn đàn thế giới, nhất là qua dịp nhận hai giải thưởng của Pháp (2007) và Italia (2008)

Những ngày tháng 3 và 4 năm nay, lại rộ lên đợt bình luận, tôn vinh của cơ quan chức năng Hội Nhà văn và rộng rãi bạn đọc trong cả nước khi Nguyễn Huy Thiệp ra đi vĩnh viễn.

Thực ra,   những đánh giá tôn vinh từ lâu (2001) đã định vị nhà văn như ngôi sao sáng của văn học đổi mới. 

Giáo sư Đỗ Đức Hiển viết trên tạp chí Sông Hương (số 136, tháng 6/2000) đăng lại vào 19/4/2010

Trong hành trình “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” tôi thấy một giọt vàng rơi vào lòng mình, giọt vàng ròng tươi sáng. Đó là truyện ngắn của anh Anh tái tạo truyện ngắn ở Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XX này và nâng nó lên một tầm cao mới; thơ ca và triết lý nối truyền thống và hiện đại, phương đông và toàn nhân loại” Nhiều nhà văn nhà nghiên cứu tên tuổi, có uy tín đã đánh giá và tôn vinh Nguyễn Huy Thiệp từ cách đây nhiều năm.

Những ngày gần đây có sự đánh giá tôn vinh nhà văn không chỉ cho hôm nay mà còn cho mai sau.

Nguyễn Bình Phương nhận định  : “ Một trong những nhà văn nhưng quan trọng số 1  từ sau đổi mới người đã gửi lại dũng khí cho tất cả các nhà văn , cho ta thấy  thế nào là quyền năng một người viết, quyền thay đổi, quyền khám phá, quyền phản biện xã hội, khiến ta nhìn thẳng lại giá trị của nhà văn”…

 “Chắc chắn anh Thiệp sẽ ở lại với lịch sử văn học ,  thật sự là một nhà văn lớn”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, bạn chí cốt thân thiết ghi lại cảm tưởng “ Thể xác tan rồi. Như sương khói trong đôi mắt ông kia, nhưng văn chương của ông, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tạo ra vẫn đổ bóng dài, thử thách mãi các nhà văn đương đại” . Đó là bóng của một cây đại thụ văn chương như lời nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá. 

Tuy nhiên, điếu văn của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều  là lời tiễn biệt mang tính cách quan  phương đại diện đầy xúc động và cảm thức sâu sắc nhất để đánh giá tôn vinh một danh tài văn chương cùng ảnh hưởng lớn lao trên văn đàn kể từ hôm nay.

Xin được trích dẫn như sau:

“Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến với văn chương khá muộn nhưng khi  “những cơn gió Hua Tát”và những truyện ngắn khác của ông xuất hiện là lúc cơn bão mang tên Nguyễn Huy Thiệp trỗi dậy thổi qua cánh rừng đời sống văn chương Việt và nó làm tất cả rung lên. Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như  ông. Và cho tới lúc này, ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại.

 Chúng ta có thể nói văn của ông là sự trần trụi đến nghiệt ngã nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật. 

Chúng ta có thể nói văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người.

Chúng ta có thể nói văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người.

Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người nó làm con người đau đến mức tưởng không chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên.

Chỉ khí mang nỗi đau đớn tận cùng về con người, ông mới có thể viết những thiên truyện buốt lạnh đến rùng mình. Sự buốt lạnh đến rùng mình ấy chính là lời cảnh báo cao nhất về lương tri . Có lẽ lúc đó, đối với ông mở mắt than khóc hay những lời an ủi hão huyền chỉ là sự phù phiếm  đối với một nhà văn khi nghe và khi nói về đồng loại của mình

Những thiên truyện của ông người đọc mang cảm giác kinh hãi, kinh hãi bởi họ nhận  ra những vùng tăm tối đầy man dại còn đâu đó  trong chính con người họ. Để từ đó họ được thức tỉnh và biết hành động để  phục sinh nhân tính của mình. Chính thế mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói: “khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân chúng ” ”

Đây là bản tuyên ngôn của ông về sứ mệnh của người cầm bút (…) ông khắc nghiệt với con người bởi ông yêu con người. Ông chống lại sự đồi bại của con người để bảo vệ chính con người nhưng trong các truyện ngắn  của ông, có một dòng chảy lớn mang tinh thần thi ca với những vẻ đẹp huy hoàng trùm lên những số phận thấp hèn, bất trắc (…) Dòng chảy kỳ vĩ đó làm cho con người thấy ấm áp, yêu thương và thấy được những giấc mơ làm người đẹp đẽ của mình trong mọi hoàn cảnh”.

Có thể đây là lời đánh giá tôn vinh cho mãi mãi một sự nghiệp văn tài như ngôi sao tỏa sáng tương lai.

PGS. TS. Đoàn Trọng Huy

Post by: admin
12-08-2021