Văn học Việt Nam hiện đại

CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN (Một vấn đề cần quan tâm trong nghiên cứu và dạy học tác phẩm thơ hiện đại ở chương trình Ngữ văn hiện nay)


11-05-2021
Tóm tắt: Tác phẩm của Mai Văn Phấn đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được nhận nhiều giải thưởng danh giá của quốc tế (đến nay, tháng 10. 2019, thơ ông đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ và đang tiếp tục được dịch ra các ngôn ngữ khác nữa). Thời gian là vấn đề muôn thuở của chân lý vĩnh hằng, có sức ám gợi mãnh liệt từ triết học đến thi ca nhân loại. Hơn nữa, thơ Mai Văn Phấn có đóng góp trong quá trình đổi mới thể loại thơ Việt Nam hiện đại, đây là một trong những hiện tượng cần được quan tâm đưa vào nội dung các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa trong nghiên cứu và dạy học tác phẩm thơ hiện đại ở chương trình Ngữ văn hiện nay cả bậc đại học và bậc phổ thông. Bài viết phân tích cảm thức thời gian trong thơ Mai Văn phấn qua các vấn đề cơ bản: Vòng cung thời gian, tĩnh lặng thời gian và đối thoại với thời gian. Từ đó, khẳng định rõ hơn thời gian nghệ thuật cũng là một trong những phạm trù thẩm mỹ góp phần khẳng định phong cách riêng và tài năng nghệ thuật của nhà thơ Mai Văn Phấn. Từ khóa: Thời giam, thơ Mai Văn Phấn, tĩnh lặng thời gian, đối thoại với thời gian.

TS. Mai Thị Liên Giang

Đại học Quảng Bình

 

Mai Văn Phấn thuộc thế hệ những nhà thơ từng thấm đẫm nước mắt của chiến tranh Việt Nam và khá nổi tiếng bên cạnh Nguyễn Quang Thiều, Trương Đăng Dung, Hồ Thế Hà, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Lương Ngọc, Inrasar, Giáng Vân, Đoàn Thị Lam Luyến... Là thế hệ chuyển giao nhiệm vụ của lịch sử, họ phải gánh chịu/chứng kiến sự hủy diệt của hàng tấn bom đạn vô nghĩa ngay từ thời khắc họ được/bị sinh ra; và họ cũng là những người được/bị sống để tiếp tục xác nhận những hậu quả tàn ác, dai dẳng của chiến tranh để lại trên nhiều phương diện cho đến tận hôm nay. Họ ra đời trong những khoảnh khắc kì lạ, gắn liền với những chiến dịch chấn động địa cầu. Sinh mệnh của họ dù không muốn cũng phải cùng chịu đựng những khổ đau của dân tộc ở thời điểm này. Mai Văn Phấn cũng là một trong  những trí thức ưu tú đã từng bị khủng hoảng sâu sắc trước những biến động của lịch sử ấy. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và được nhận nhiều giải thưởng danh giá của quốc tế (đến nay, tháng 10. 2019, thơ ông đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ và đang tiếp tục được dịch ra các ngôn ngữ khác nữa). Thời gian là vấn đề muôn thuở của chân lý vĩnh hằng, có sức ám gợi mãnh liệt từ triết học đến thi ca nhân loại. Hiện thể thời gian trong tác phẩm là một trong những phạm trù thẩm mỹ góp phần khẳng định phong cách riêng và tài năng nghệ thuật của Mai Văn Phấn. 

  1. Vòng cung thời gianhaylà nghệ thuật xóa mờ ranh giới thời gian và con người. 

Ở phương Tây, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Proust, Gide, Virginia Volf, Joyce, Dos Passos, Faulkner, Shakespeare… đều đã có cách biểu đạt, cách huỷ hoại thời gian vật lý theo những cách khác nhau. Nhà thơ có thể cắt bỏ quá khứ và tương lai, rút gọn thời gian vào khoảnh khắc trực giác của tâm cảm. Dos Passos biến thời gian thành một ký ức hạn chế và máy móc. Proust và Faulkner chặt đầu thời gian. Họ tước bỏ tương lai của thời gian, tước bỏ chiều lựa chọn và hành động tự do của con người. Shakespeare lại biểu đạt thời gian hai mặt, nỗ lực chiến đấu, nỗ lực đối thoại, tranh biện với thời gian, không tiếc nuối thời gian… Ở Việt Nam, tạm không nhắc đến các bậc thi tài trong văn học Trung đại, các nhà thơ cùng thời với Mai Văn Phấn cũng đã có những quan niệm, những biểu đạt thời gian khác nhau. Mỗi nhà thơ đều có một phong cách riêng, góp phần làm sinh động/ tự hào thêm cho đời sống thi ca Việt không chỉ đối với bạn đọc trong nước mà còn ở nước ngoài. Chẳng hạn, hầu hết các bài thơ của Trương Đăng Dung cũng là những triết lý về thời gian (Thời gian đi trên những lối mòn không thể thấy. Thời gian ở trong máu, không lời/ ẩn mình trong khoé mắt, làn môi/ trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời/ về kiếp người ngắn ngủi; Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc)..., nhà thơ có sự nuối tiếc thời gian vùn vụt trôi qua, đôi khi đến sợ hãi. Thời gian trong thơ Trương Đăng Dung chính là con người, là thời gian gắn liền với nỗi cô đơn lặng lẽ, là quá trình sống, suy ngẫm về cuộc đời và cái chết, là sự trăn trở, tác động dữ dội của những hệ tư tưởng Châu Âu trong tâm thức con người Á Đông. “Đó là sự lặng lẽ của một tâm hồn, của một con người nặng lòng với ký ức, nặng lòng với những duyên nợ nhân gian. Lặng lẽ để chuẩn bị cho những đợt sóng ngầm dữ dội của dòng sông không biết trôi về đâu. Lặng lẽ và kiếp người” [1]. Còn trong thơ Hồ Thế Hà, ám ảnh thời gian sống khá mãnh liệt. Một bài thơ ra đời như một minh chứng cho phương châm tiết kiệm thời gian sống dành cho lao động nghệ thuật của ông. Thời gian hiện tại trong thơ Hồ Thế Hà gắn bó mật thiết với không gian tâm tưởng... Và rõ hơn cả là thời gian sáng tạo của thi sĩ ẩn trong cấu trúc câu thơ. (Thời gian uống từng giọt giọt nước/ không gian ép từng xác xác lá/triệu năm phục sinh mùa!). Tác giả ít dùng đến từ thời gian “nhưng ý thức tiết kiệm thời gian để sáng tạo, để dành niềm vui cho bè bạn, cho những cuộc chơi thi sĩ và hơn cả là cho đời sống chung của xã hội con người hiện tồn trong các bài thơ”[2]. Thơ Mai Văn Phấn cũng đã góp thêm một phương cách thể hiện trực diện với thời gian, song hành với thời gian, không tiếc nuối thời gian. Bởi mỗi sát – na trôi qua ông đã tận hiến nghiêm túc, có ý nghĩa trong sáng tạo nghệ thuật, trong hành xử đẹp với những con người sống bên cạnh mình, trong xã hội. Những cống hiến và khát vọng của Mai Văn Phấn xứng đáng được bạn đọc dành cho nhà thơ nhiều sự mến mộ. Nhìn chung, thơ ông  mang “căn tính” dân tộc. Xuyên suốt ý tưởng trong các tập thơ của ông là ước mơ tự do, bình đẳng và dân chủ của dân tộc Việt Nam. Đó là một khối cảm xúc cô đọng được biểu đạt bằng ngôn từ thông qua thế giới nội tâm, đồng thời hiển thị những bức tranh sống động về lịch sử, về xã hội đương thời. Mỗi tập thơ của ông đều chất chứa khát vọng của dân tộc, đồng thời là một cánh cửa mới được mở ra, giúp người đọc thưởng ngoạn thế giới. Nhiều người cho rằng, thơ cũng như con người Mai Văn Phấn góp phần giúp người đọc hiểu cuộc sống và nhiều tầng văn hóa. 

Cảm thức thời gian trong thơ Mai Văn Phấn có sự chuyển biến từ thời gian đơn tuyến, không gian hình học phẳng sang thời gian đa tuyến tính, không gian đa chiều qua các giai đoạn sáng tác. Vậy điều gì đã góp phần tạo nên điểm riêng về nghệ thuật biểu đạt thời gian trong thơ Mai Văn Phấn? Thế kỷ 20 với xu hướng phương Tây hóa toàn cầu đã ảnh hưởng đến châu Á, trong đó có Việt Nam. Song song với văn hóa là sự phát triển của khoa học tự nhiên và công nghệ, các mô hình xã hội dân chủ, quyền con người, những hệ hình tư tưởng mới của châu Âu... có tác động mạnh mẽ đến các trí thức Việt Nam. Các vấn đề về tôn giáo như Ki-tô giáo, đạo Phật... góp phần xóa nhòa ranh giới Đông Tây xét về mặt tâm linh. Theo đó, quan niệm về thời gian sống chết của con người, của vũ trụ trong tác phẩm nghệ thuật vì vậy cũng dần mất ranh giới. Đồng thời, quá trình dung hợp các xu hướng nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại đến Việt Nam có ảnh hưởng từ nội dung đến hình thức thơ Mai Văn Phấn. Tất cả những điều đó đã thấm quyện trong thơ dù ông có ý thức tạo ra kiểu thời gian nghệ thuật của riêng mình hay không thì tất cả những yếu tố này cũng hiện hình trong thơ như là một minh chứng sống động của thi sĩ. Ngay từ tiêu đề các tập thơ (đó là chưa kể tiêu đề các bài thơ cụ thể) đều đã cho thấy thơ Mai văn Phấn ngập tràn thời gian. Các từ chỉ thời gian trực tiếp đã cho thấy một khoảng tĩnh lặng lạ lùng, bí ẩn với thời gian của Mai Văn Phấn trong thơ. Có 8/14 tác  phẩm chúng tôi khảo sát đều có từ biểu đạt thời gian ngay từ tiêu đề. 

- Giọt nắng (thơ, NXB Hải Phòng, 1992)

- Gọi xanh (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1995)

- Cầu nguyện ban mai (thơ, NXB Hải Phòng, 1997)

- Người cùng thời (trường ca, NXB Hải Phòng, 1999)

Hôm sau (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2009)

đột nhiên gió thổi (thơ, NXB Văn học, 2009)

Tĩnh lặng (NXB Hội Nhà văn, 2018)

Thời tái chế (NXB Hội Nhà văn, 2018)

Trong các tập thơ đó, Mai Văn Phấn có nhiều bài thơ có tiêu đề trực tiếp và gián tiếp nói đến thời gian:

Trực tiếp dùng từ “thời gian” để khái quát quan niệm về thời gian: Vòng cung thời gian, Đối thoại với thời gian...

Thơ Mai Văn Phấn có sự hòa hợp với thời gian, thích nghi với sự vận hành của thời gian, chủ động đón đợi thời gian, bình tĩnh chờ thời gian đến, cảm nghiệm, trải nghiệm thời gian trong từng cung bậc cảm xúc của con người. Nhà thơ không sợ hãi trốn chạy khỏi thời gian, cũng không chạy đua hay đố kỵ với thời gian, không tiếc nuối thời gian. Thi sĩ thấy rõ mình đang hành xử đúng mực với từng sát- na thời gian, chiêm nghiệm, trải nghiệm; chơi với nó một cách thú vị như trò xúc xắc. Thời gian trong thơ ông chính là con người!

Níu thời gian cong. Bốn mùa đổ từng khoảnh khắc. Sóng nước dâng cao nơi vàng rực hoa quỳ. Lãng đãng con thuyền ngõ vắng. Tiếng gọi mơ hồ dâng ngọn tháp vút cao. Vài gương mặt trôi đi làm nhầm lẫn cảm quan, ý nghĩ, nhầm lẫn thứ tự trang sách, rối tung tàn tro và đám cỏ gai. Những điều vô tình bất ngờ hé lộ.

Bất ngờ dưới vòng cung thời gian, em và anh gồng mình chống đỡ, những mũi tên độc bị chặn lại trong vòm trời rách toạc. Tâm bão cách chúng ta chỉ một tầm nhìn. Áp tai vào vách lũ bình yên.

Từ một điểm bất kỳ tới chỗ con mèo chơi với miếng giẻ lau là đường chân trời. Mặt đất đang dần co lại. Vòm thời gian cong quá sẽ vỡ. Hơi thở thác nước dựng em chất ngất, mát khôn nguôi.

Chạm âm thanh em, môi anh vỡ trăm ngàn quả chuông khác nữa. Không gian mở ra những nếp gấp rộng thênh.

Con chim xoải cánh trong mưa, không ảo giác lao đầu xuống nước.

Nơi mũi tên rơi, mặt đất rung lên đẩy ta tới một đích khác. (Vòng cung thời gian)

Thấu cảm với vẻ đẹp của thời gian cũng như sự vô tình, độc lập của thời gian nên Mai Văn Phấn đã chơi với nó như những người bạn có nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều biến ảo sắc thái thú vị qua mỗi mùa, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. Thời gian có hình thù cụ thể, có cảm xúc, lúc yêu thương vỗ về, lúc giận hờn vô cớ đột ngột ra đi, lúc trở về nũng nịu êm ái như trẻ thơ, lúc đỏng đảnh, đam mê, ham muốn  như thiếu nữ dậy thì đang yêu, lúc lãng mạn sướt mướt qua những khu vườn, khoảng không, vũ trụ bao la; lúc trở về với màu sắc sặc sỡ, thơm tho, đầy hấp dẫn, đầy thân thương của tuổi thơ qua hình ảnh quả hồng, quả na chín trên bàn thờ tổ tiên...Ấn tượng đầu tiên với người đọc là cảm thức về thời gian tuần hoàn theo Mùa đầy ắp trong thơ Mai Văn Phấn. Ở đây chúng tôi chỉ dẫn ra/tạm thời phân nhóm một số bài thơ tiêu biểu được nhiều bạn đọc quan tâm chú ý.

Bạn tâm giaoXuân

Rượu xuân, Gió xuân, Cuối xuân đầu hè, Nước mùa xuân, Dấu hiệu mùa xuân, Mười bài tập mùa xuân, Đêm lập xuân, Mùa xuân, Giai điệu xuân, Gặp mùa xuân, Đầu năm, Đêm đầu năm, Lập xuân, Đón giao thừa, Sáng mồng một, Ngày đầu năm, Giữa xuân, Vẫn còn tết, Nắng xuân, Khát vọng đầu năm, Cuối tháng giêng, Mưa xuân tới, Mùa, Sáng xuân, Xuân còn trong đất, Mưa đầu mùa, Mưa xuân, Cuối xuân, Đêm giao mùa, Xuân tràn, Xuân đi, Tháng Giêng, Tắm đầu xuân...

+ Bạn tình đỏng đảnh: Thu

Thu chậm, Bầu trời thu, Hạt mưa thu, Trưa mùa thu, Nắng tháng Tám, Thu chín, Cuối thu, Thu, Nắng cuối thu, Trung thu năm nay, Tiễn mùa thu,Thu qua,Chớm đông, Trời trở lạnh, Gió mùa về, Trong sương mù, Khúc cảm mùa thu, Gom nhặt cuối mùa, Thoáng thu, Thu về, Nỗi nhớ mùa thu, Ký sự mùa thu, Đầu thu, Nhịp thu về, Quyền lực mùa thu, Những bông hoa mùa thu, Thu đến, Ngày thu ở nước Nga, Sắp hết thu, Sang thu, Sáng lập thu, Cảm giác mùa thu, Thu đầy...

Bạn ấp ủ niềm yêu thầm kínĐông

Mùa đông đến, Đêm đông, Giữa mùa đông, Sáng mùa đông, Đêm lạnh, Gió đông,... 

Bạn đam mê và đầy năng lượng Hạ

Mưa cuối hạ, Sáng mùa hè, Mùa hạ rất gần, Ngày nóng nực, Giữa hạ, Nắng lên cao, Ngày hè, Trời nắng nhìn ra vườn, Thay mùa, Tiếng trưa, Mùa nhãn chín,Quả bàng chín trong đêm,...

Kẻ vô tình: Sát na

            Ngày tháng: Ngày đẹp trời,Ngày mới, Ngày nắng đẹp, Ngày mưa vào lễ Phật, Ngày nồm,Ngày thanh minh, Thanh minh ngày nắng,Ngày biển động, Ngày ngắn,Ngày mới,Ngày mai trời lạnh,Ngày sắp hết,Một ngày, Ngày cuối, Đầu tháng...

Sáng:Kinh cầu ban mai, Lúc mặt trời mọc, Dấu vết bình minh, Buổi sáng lên Yên Tử, Vô tình trong nắng sớm,Mở trong bình minh khác,Giả thiết cho buổi sáng hôm sau,Có mặt trời, Trong sương sớm, Dậy sớm, Sương sớm, Rạng đông,Gần sáng, sớm, Sáng nay, Sáng sớm,Nắng lên, Rạng sáng,Sớm nay, Mặt trời lên,Nắng mới, Mặt trời lên nhanh, Trời nắng, Mưa ban mai,Hừng đông mép nước,Bình minh,Ngày rạng, Lại khởi đầu,Ban mai thanh sạch,Còn sớm,…

Chiều: Chiều,Chiều Trà Cổ,Con sông về chiều,Nắng chiều,Chiều tà,…

Hoàng hôn:Hoàng hôn,Qua hoàng hôn, Trời tối,Hoàng hôn đến, Mặt trời sắp lặn,Tối dần,…

Đêm:Bầu đêm, Đêm, Đêm hoa nở, Tiếng côn trùng đêm, Bóng đêm, Đêm mưa, Biến tấu đêm mưa, Đêm qua mơ, Đêm bắt đầu, Đêm, Đêm đến vội, Đêm đến rồi, Nửa đêm tỉnh dậy, Đêm xuống nhanh, Đêm tối ra vườn,Đêm qua nghĩa trang, Nửa đêm mưa tạnh,Biển lẫn vào đêm,Đêm trăng, Sông đêm,Chiều xuống,Bão đêm, Trăng lên ...

Hôm qua: Tờ lịch hôm qua,Ngoảnh lại góc phố hôm qua,...

Hiện tại: Bây giờ mưa phùn, Người cùng thờiThời tái chế,...

Khoảnh khắc, giao mùa, giao ngày:Sát na, Mũi tên bóng tối, Triều xuống, Thủy triều lên, Mùa Trăng, Tỉnh dậy trong mưa, Giấc mơ,Chuyển mùa, Hai thời đại, Hạt mưa giao thừa,Ngày và đêm,Gió đầu mùa, Tin nhắn lúc giao thừa, Hai mùa...

“Mùa màng”: Ngày mùa, Mùa hái quả, Mùa gặt,Sau mùa gặt, Hát giữa hai mùa,Bài hát mùa màng, Đợi mùa,Mùa vải,Đã sang vụ mùa,Mùa hoa mận,Mùa ổi,...

Từ khảo sát số lượng các bài thơ trên có thể có người cho rằng Mai Văn Phấn yêu mùa Xuân. Thực chất không phải như vậy. Đọc các tập thơ mới thấy ông tận hiến với tất cả các mùa, dừng chân hầu hết với các điểm thú vị của tất cả mọi dạng kiểu thời gian. Ông yêu tất cả mọi sắc thái biến chuyển có khi chậm chạp nặng nề, có khi đột ngột dữ dội, có khi âm thầm tha thiết, có khi đỏng đảnh kiêu kì, có khi ngây thơ hồn nhiên ríu rít như đứa trẻ, có khi lạnh lùng kinh hãi như một cảnh sát viên đang đứng sau lưng tội phạm, có khi như một người từng trải, nhiều kinh nghiệm luôn đứng bên cạnh con trẻ để nhắc nhở, khuyên bảo họ hãy sống có ý nghĩa hơn, hãy tận hiến không vô nghĩa trong từng khoảnh khắc, từng sát - na của thời gian. Dẫu vậy, những giây phút tĩnh lặng nhất của ông vẫn đọng lại rõ ở những bài thơ ông viết về mùa Thu. Đây có lẽ cũng là mùa ông dành nhiều sự luyến lưu nhất, phù hợp nhất với phong cách con người Mai Văn Phấn. (Bao lần xanh biếc rong chơi/Mấy lần úa rụng tiếng người vọng theo/Thôi em! Ðừng vặn! Ðừng khêu! Ðáy thu thắp sáng trên nhiều ngọn cây/Anh vừa đọng xuống thu gầy/ Ðã đông thành đá phủ đầy rêu xanh - Khúc cảm mùa thu)(Hoặc: Hôn em/Toàn thân anh/Chín rực - Cuống của mùa thu). (Hay: Nỗi nhớ biến thành sương khói/Lá khô thoát xác bay lên/Tôi thì nồng nàn như đất/ Để em linh ẩn chùa chiền - Thoáng thu).

Nhìn lại lịch sử thi ca chúng ta thấy rõ các kiểu thời gian phổ biến trong thơ là thời gian lịch sử, thời gian hiện tại với cảm nhận cá nhân, thời gian hoài niệm. Biểu tượng của thời gian trong thơ có thể là buổi chiều: hoàng hôn, chiều tà gợi nỗi buồn, gợi khoảnh khắc cuối ngày; là buổi sáng: bình minh, tương lai huy hoàng, tươi sáng, sự bắt đầu; là mùa xuân: mùa bắt đầu một năm và tượng trưng cho sức trẻ… Thời gian có thể được biểu đạt trực tiếp qua các chân lý ngay chính trong những câu thơ có từ “thời gian”, hoặc cũng có thể được biểu đạt bằng cách dùng từ chỉ thời gian: buổi sáng, trưa, chiều tối,  mùa xuân, hạ, thu đông… nhưng thời gian cũng có thể được thể hiện bằng hình ảnh biểu tượng gián tiếp mang tính ước lệ, là những thời khắc trăn trở với hiện hữu của thân phận con người. Trong thơ Mai Văn Phấn, thời gian được hiện thể bằng cả hai phương pháp này. Ông đã chơi với thời gian, xóa nhòa ranh giới giữa các mùa, xóa nhòa ranh giới thời gian và con người bằng sự nhạy cảm lãng mạn, khắc khoải về sự thay đổi của cuộc sống trong xúc cảm thi sĩ. Có thể đây là thi giới nghệ thuật, còn phần riêng trong đời sống thực của nhà thơ có thể khác, nhưng Mai Văn Phấn đã diễn đạt được vòng quay về thời gian sống của con người bằng nghệ thuật ngôn từ. Ông lặn sâu vào thời gian, lúc thì đứng trong thời gian, khi thì đứng ngoài/ trên thời gian để quan sát, chiêm nghiệm, thưởng thức, chơi đùa theo các thế đi với nó như người chơi cờ, nhưng mặc nhiên không tính toán được thua. Trong trò chơi ấy con người được hiện hữu như một chủ thể chủ động, nỗ lực tác động lên trò chơi để được sống như là mình, như cách ông đã nghĩ về thời gian Ngày và Đêm là:

Nơi mình ngồi đánh cờ

Được thua

Đom đóm đang tụ lại

(Ngày và Đêm – Mai Văn Phấn)

  1. Tĩnh lặng với thời gian

Tĩnh lặng có lẽ vẫn là thời gian có ý nghĩa nhất đối với con người. Đó là thời gian để con người lắng đọng, sống chậm hơn, có điều kiện để sống cho mình và chia sẻ cảm xúc sống với người. Con người sống bên nhau trong thực tế bằng xương bằng thịt nhưng nhiều khi chưa hẳn đã thấu hiểu, đã chia sẻ được cùng nhau. Họ cần những khoảng lặng với vô vàn những câu hỏi động, hay nói cách khác họ chỉ gặp và an ủi được nhau trong những phút tĩnh lặng với thời gian. Tĩnh lặng với thời gian trong thơ Mai Văn Phấn gắn liền với những khắc khoải của nhà thơ về tồn tại, về đời người. Những khoảnh khắc tĩnh lặng trong thơ ông không phụ thuộc nhiều vào quy luật tuần hoàn của vũ trụ, không bị chi phối nhiều bởi vòng cung thời gian

Bên cạnh những bài thơ trực tiếp dùng từ chỉ thời gian ngay ở tiêu đề, Mai Văn Phấn còn có nhiều bài thơ, nhiều câu thơ được vận dụng khéo các kiểu từ loại khác có tính kí hiệu mô tả thời gian như:mặt trời, trăng, tờ lịch, bông cúc trắng, mùa lá rụng, hoa sen,sen tàn, tàn phai, kiếp, phai nhạt, cá...Ví dụ: Đích: Chiếc lá mùa xuân/Rơi/Trúng mùa hè; Những con ve: Râm ranNhư kêu cả/Năm sau; Hoa sen rụngTrông xaCánh senPhủ kín gốcBông cúc trắng: Hoàng hôn/ Chầm chậm/ Nhuộm thẫm; Xác con bướm: Dựng/ Rưng rưng/Gió thu; Trăng sáng gốc cây: Trên bàn thờ/ Quả hồng/ Vừa chín; Sen tàn: Trăng sáng/ Mặt đầm/ Lửa cháy. Lá rụng: Gió thu/Giữ mãi/ Mới thả xuống đất; Cuống của mùa thu: Hôn em/ Toàn thân anh/ Chín rực; Con nhện: Giăng cố đường tơ, Ngày mai/ Hết thu; : Ngoi lên mặt nước/Gió mùa/Về từ chiều qua; Nhớ em: Ánh trăng/Đổ lên người/Cũng nặng... Nhưng có thể nói trong nhóm này Con mắt nghiêng là tác phẩm điển hình, độc đáo của Mai Văn Phấn diễn tả quá trình trải nghiệm sự biến chuyển tĩnh lặng của thời gian. Nội dung bài thơ từ khổ 1 đến khổ 99 đều chan chứa những trăn trở lặng thầm của nhà thơ về thời gian, về tác động độc lập của thời gian lên vạn vật, lên vũ trụ. Trong những khoảnh khắc đó chỉ có con người mới ý thức được nó đã lặng thầm phá hủy, cộng tác, vô tình chia rẽ, đồng thời đang tìm cách dấn thân với chính cuộc đời con người như thế nào. Những giây phút tĩnh lặng, suy ngẫm về giá trị của thời gian được chuyển tải trong một kết cấu bài thơ dài 99 khổ, 3 câu theo kiểu này thì ở Việt Nam chỉ có ở thơ Mai Văn Phấn. (1.Góc vườn/ Nước đổ xuống phiến đá/Hoàng hôn trôi nhanh ...(Lược bớt 97 khổ thơ). 99.Được mùa/Đàn kiến tha thức ăn/Lên tay PhậtCon mắt nghiêng)  

Xét về mặt tư tưởng, thơ Mai Văn Phấn có cội nguồn xuất phát từ nhiều quan niệm khác nhau của ông về thời gian, về thế giới. Ông ý thức rõ sự dung hợp của các nền văn hóa Đông - Tây đang ảnh hưởng đến Việt Nam và ứng xử với nó theo nhiều cách khác nhau tùy vào mỗi khoảnh khắc. Tĩnh lặng với thời gian trong thơ ông trước hết là ở ý thức về kiếp sống, về sự tồn tại ý thức khác biệt của thi sĩ trước mọi dịch chuyển của thời gian. Bước chân thời gian tồn tại cùng cảnh huống theo mỗi nơi ông đi qua, mỗi khoảnh khắc cảm xúc chợt đến. Thời gian trong thơ ông vì vậy không chỉ là thời gian tuyến tính, luân phiên theo quy luật vũ trụ, quay vòng nhanh chóng trôi qua vận mệnh con người mà còn là thời gian đa tuyến tính, thời gian của những mảnh vỡ tâm hồn của con người thời hiện đại. Nó cũng là những khoảnh khắc, từng sát na tĩnh lặng, thiền định trong đời sống nghệ sĩ. Đó cũng có thể là thời gian của những buổi chiều hoàng hôn, của mùa thu chờ đợi, những khoảnh khắc giao mùa, khoảng thời gian cách xa cách, đổ vỡ tê tái lòng của con người được thể hiện trong tâm cảm. Thời gian gắn với chủ thể thi sĩ từng trải với nhiều câu hỏi hỏi khó dành cho văn hóa, lịch sử dân tộc; sự dịch chuyển không ngừng của thế giới. Thời gian tĩnh lặng luôn có mặt trong hành trình ông tìm kiếm những điều không thể thấy trong đời sống thật. Nhiều tác phẩm có sự xuất hiện của tư duy triết học Phật giáo, tạo sinh thêm một thế giới sống độc đáo trong thơ. Ở đó, con người tồn tại trong thời gian hiện thực và chuyển hóa song song thành thời gian vĩnh hằng trong không gian vô tận. Thời gian trong thơ Mai Văn Phấn như một phương thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Nó có vai trò quan trọng trong việc tái tạo thực tại nghệ thuật, tổ chức nên nội dung và hình thức tác phẩm để khám phá thế giới và con người theo cách riêng của thơ. Nó vừa là khách thể vừa là chủ thể, vừa là phương tiện phản ánh. Thời gian trong thơ ông còn chịu sự chi phối bởi tư tưởng triết học, mỹ học của thời đại, dân tộc, của riêng tác giả. Nó không giống với thời gian khách quan, ngay cả khi ông muốn diễn tả một sự kiện trong thời gian một chiều, thì quy trình vận hành của nó cũng không trùng khít với thời gian tự nhiên mà luôn đi theo tâm trạng của tác giả trước sự biến chuyển của sự vật. Cách thể hiện thời gian nghệ thuật của ông vì thế mang tính cảm xúc và ý nghĩa nhân sinh, quan niệm nhân văn, tính chủ động trong sáng tạo của tác giả, góp phần giúp người đọc hiểu rõ hơn về  bản chất thực tại đối với con người. (1.Trang sách/Mở mặt đất chữ/Rừng núi/Sông hồ/Những con đường chữ. (Lược bớt...43 khổ thơ. 45. Tôi thỉnh chuông/Màu vàng/Màu trắng lan đi/.../Nó đi cho tới khi/Chỉ còn một đốm trắng - Tĩnh lặng - Muôn pháp về một, một đi về đâu? - CÔNG ÁN THIỀN)

Theo quan điểm nhà Phật mạng sống của con người được tính bằng hơi thở. Một hơi thở ra mà không hít vào được là kết thúc một sinh mệnh. Trong ý nghĩa đó, không ai có thể điều khiển, kìm hãm thời gian theo ý muốn của mình. Thời gian cứ thế ám ảnh, khiến nhà thơ dường như lúc nào cũng thao thức muốn chuyển sự hữu hạn thành vô hạn. Thơ Mai Văn Phấn thể hiện khao khát làm sao để không có sự tàn phá của thời gian lạnh lùng, không có nỗi phiền muộn của con người bởi khả năng phá hủy sắc đẹp, tuổi trẻ và nhiều thứ quý giá khác do thời gian gây ra. (Bát nước và tôi màu trắng/ Mặt đất ngả vàng/ Cánh đồng phía trước/Cùng chiếc chuông/Vàng sậm – Tĩnh lặng, Muôn pháp về một, một đi về đâu? - CÔNG ÁN THIỀN). Con người cần giác tỉnh vô thường trong cái hữu hạn thân như ánh chớp có rồi không -Thiền sư Vạn Hạnh; đời người qua nhanh như ba sinh thấm thoắt như ngọn đuốc trước gió - Tuệ Trung Thượng Sĩ. Sinh mệnh con người như chỉ trong giấc mộng, đừng mơ màng, khát vọng hưởng thọ trăm năm - Ý của Trần Thái Tông. Con người có cảm giác sợ hãi khi thời gian cứ trôi chảy, sinh mệnh con người theo đó mà lụi tàn. Không chỉ thân sắc bị hủy hoại trong hư không, (thân như bóng chớp có rồi không), vỡ tan như bóng nước mà tâm thức cũng trở nên u tối như quỷ ám của kiếp người. Vì thế các thi sĩ thường diễn đạt cảm thức về thời gian bị thu ngắn lại trong thơ qua những hình ảnh sinh động từ các biểu tượng. Nếu xét từ thuyết luân hồi nghiệp báo, thân mệnh con người không dừng lại đó. Thời gian cũng chịu quy luật tuần hoàn theo chu kỳ Âm dương khiên đức bản tiên nhân (Âm dương hoạ phúc vốn xoay vần). Mai Văn Phấn hiểu rõ rằng, chính trong cái thịnh suy mà con người giác ngộ luôn có những rung động trực cảm và có thể có những thăng hoa nghệ thuật sẽ để lại cho đời mãi mãi. Đó là sự hiện thể của tốc độ thời gian vận hành qua các cá thể, qua mỗi sát - na, con người phải trở lại để đối diện, tĩnh lặng trước những thăng trầm được và mất của thế gian.(Ánh sáng trên trang sách/Thu thế giới/Và tôi/Thành một – Tĩnh lặng, Muôn pháp về một, một đi về đâu? - CÔNG ÁN THIỀN). Tại những phút tĩnh lặng nhất của tâm hồn, tâm thức con người được mở rộng, được tiếp cận cái vô hạn bao la của trời đất, trong cái tĩnh lặng của hư không, thời gian có thể nhập vào giác tính con  người. Khi ý thức con người đã được giác ngộ, đối diện với những khoảng tâm thức tĩnh lặng, đời sống tinh thần sẽ được tham gia vào những chuyến du hành tâm tưởng thú vị. Thơ Mai Văn Phấn vì thế đã góp phần giúp người đọc hiểu rõ các giá trị tư tưởng thẩm mỹ của nghệ thuật đích thực luôn có giá trị trường tồn vững bền theo thời gian. 

  1. Đối thoại với thời gian

Thời gian và sự biến đổi của vũ trụ, của thế giới luôn là vấn đề quan trọng được các thi sĩ quan tâm. Bản chất của đối thoại là hỏi, nghe, trả lời, đồng ý. Con người khi đã ra đi nhưng những cuộc đối thoại có ý nghĩa với đời sẽ luôn ở lại. Mỗi nhà thơ đều trải nghiệm, đối thoại với thời gian theo cách của mình. Trong hành trình đi tìm cái không thể nhìn thấy, các thi sĩ thường bị ngăn cách với thời gian, với thế giới về mặt ý hướng, mục đích và sự hiểu biết. Bức tường ngăn cách bất khả thấu của thời gian vừa thử thách họ, vừa gọi mời họ đối thoại, vừa khuyến khích họ tìm cách vượt qua. Thời gian với nhà thơ Mai Văn Phấn không chỉ là thực tại khách quan mà còn là sự  hiện diện của một thứ quyền uy huyền bí vượt trên mọi danh xưng hiện hữu. Nỗi sợ phải chết, nỗi cô đơn và bất lực của con người trước quy luật thời gian luôn song hành với con người trong khát vọng trở thành bất tử. Kể cả khi chết đi rồi con người vẫn chưa thôi trực tiếp đối mặt với những đau thương ai oán của thời gian kiếp người. Nhà thơ tự do sống trong thời gian sáng tạo nhưng thời gian của vũ trụ vẫn cứ phải luôn tồn sinh bên cạnh họ. Trước các tạo vật dù đều là con chung của Chúa nhưng với những sắc tộc, màu da và chính kiến khác nhau, họ vẫn dành nhiều thời gian Ngày Đêm lãng phí để tìm cách hủy diệt lẫn nhau. Máu xương, tội ác vung vãi khắp địa cầu dù bao nhiêu đại hồng thủy có kéo đến cũng không quét trôi hết được. Tội ác loài người kiên trì hiện hữu trước thời gian. Thời gian còn là kẻ xấu xa dám hủy diệt những thi vật xinh đẹp mà vũ trụ tạo dựng. Thời gian cũng giúp nhà thơ bừng ngộ trước vẻ đẹp vĩnh cửu của thi ca. Trong thơ Mai Văn Phấn có phải thời gian cũng là một thực tại huyền bí thách thức tâm cảm của người đọc? (Không gọi được ai, lạc vào ai/Rượu hút cạn/Ngón tay rỗng buốt/Nín thở nghe nước xiết/Phơi khô ươn ái sông dài/Chảy qua thân/Nặng trĩu bờ vai rậm rịch/Bước chân hốc mắt đi tìm/Oan khiên con đò tự vẫn/Dâng ngang ngực/Nước mắt lửa kéo cày/Hoàng hôn chất ngất hạt giống/Sương giăng dài cơn mơ - Đối thoại với thời gian)..Ta chỉ có thể cảm nhận được tinh chất của thời gian khi đang sống đẹp và không thể hình dung hết bản tính của thời gian khi con người không còn khả năng để sáng tạo, để nối kết với thế giới quanh mình nữa. Có phải đã đến lúc con người cũng cần đối thoại với thời gian như là một cách để tìm về nơi trú ẩn của tâm hồn? Thế gian đang ngập tràn nước mắt, biển cả dù mênh mông cũng không chứa hết, là lí do níu giữ con người lại phía sau. Đây là những thông điệp Mai Văn Phấn muốn đối thoại với thời gian. Ba vệt thẫm kéo dài con đường/ Đầu gút cột vào mù tít/ Níu chúng tôi lại phía sau...(lược bớt 3 khổ thơ). Sáng đâm chồi từng vệt/ Tối đâm chồi từng vệt/ Non tơ ngọn tóc / Hút cằn khổ đau/ Đèn vụt lóe cắt không gian thành thửa/ Ánh sáng chảy thông bổn phận. (Đối thoại với thời gian)Nhiều lúc dù không cố ý viết về thời gian nhưng cảm thức thời gian vẫn luôn hiện hữu trong thơ ông. Những câu thơ diễn tả cảm nghiệm về thời gian độc đáo trong các tác phẩm cũng là những điểm nhấn của trò chơi này.(Muôn hạt sương/ Từ đêm tối/Sóng reo ngoài bãi/Dồn đại dương/Đi qua tôi/Nước thấm vào tôi/Những cánh đồng/Dấu chân gặp nhau/Cây trong vườn vươn dậy- Nước đang chảy qua trái đất); Trong thơ Mai Văn Phấn có quá trình dịch chuyển từ thời gian của nhịp sống thuần nông thôn sang lối sống đô thị trong từng khoảnh khắc. Tâm lí tĩnh tại tiếp nhận thời gian kiểu trung cổ chuyển sang tâm lí âu lo của thời hiện đại xuất hiện trong những tập thơ gần đây của Mai Văn Phấn. Thời gian trong thơ ông phản ánh quan niệm thẩm mĩ lấy chính sự vận hành của cuộc sống con người làm thước đo cho tạo hóa, cho mọi biến đổi, dịch chuyển. Từ những kết hợp từ lạ, Mai Văn Phấn đã cho người đọc thấy rõ uy lực của thời gian luôn thường trực trong mỗi khoảnh khắc biến đổi của đời sống. Đó có thể là thời gian tàn phá sinh thái, là sự hủy diệt kinh khủng đến cả những sinh vật đẹp đẽ nhất vốn được tạo hóa mang lại. Thời gian mang đến tuổi già, cái chết, sự vô tình lãng quên khắc nghiệt của con người. Bản thân thời gian cũng chính là chủ thể đối thoại với cuộc sống của hiện tại. Thời gian là sự “có mặt” của tác giả trong mỗi khoảnh khắc biến chuyển của vũ trụ: Bây giờ mưa phùn, Người cùng thời, Thời tái chế,...Tiếng thở dài bay đilớp bụi thời gian, ta sửng sốt thấy hồn vía tổ tiên trong nét hoa văn đình làng, trống đồng, ngọn tháp... Những thân phận khóc cười đêm ngày làm kén ở hồn ta...(NGƯỜI CÙNG THỜI). Mai Văn Phấn đã sống với thời gian hiện tại, đo đếm từng nhịp thời gian bằng ngôn từ. Mỗi khoảng lặng của mỗi tập thơ đều thể hiện mỗi khoảng khắc ngậm ngùi nhân văn, sự cô đơn khủng khiếp của con người khi hiểu rõ về giới hạn sự tồn tại. Cuộc sống con người luôn phải chịu những áp lực mạnh mẽ và quyết liệt của trật tự xã hội. Trật tự xã hội bị đảo lộn, hiện thực thế giới đầy rẫy bất an kéo theo đó là sự hoang mang, lo lắng của mỗi người. Sống trong đó, con người luôn có những khát khao cháy bỏng. Họ khát khao được thoát ly khỏi cuộc sống hiện tại, khát khao được sống là chính mình, được hòa hợp với tự nhiên…không phải vướng bận bởi những điều vô nghĩa. Ý nghĩa cuộc sống con người như thế không gì khác ngoài sự đam mê hay khao khát mãnh liệt một điều gì đó trong cuộc đời. Một ngày nào đó điều này có khả năng sẽ chế ngự trái tim, linh hồn và thể xác chúng ta. Nó có thể cháy mãi tới khi ta chết. Nếu con người biết trải qua nỗi khao khát, đam mê sâu sắc ấy theo hướng thiện thì họ sẽ không sống vô ích. Nếu hành xử ngược lại, nỗi khao khát, đam mê sâu sắc có thể trở nên độc ác bất nhân ngay cả với chính bản thân mình. Có thể vì điều này mà Mai Văn Phấn đã dành trọn thời gian sống của mình cho tình yêu đời, yêu con người, tận hiến với cái đẹp nghệ thuật. Thơ ông giúp người đọc thức tỉnh sự trân trọng đối với từng giây phút của thời gian sống. Thời gian trong thơ ông không chỉ gắn với một khối thống nhất, tĩnh tại, tuần hoàn, lặp đi lặp lại của thế giới, mà còn được kiến tạo lại với ý thức phải tách mình ra như một cá thể sáng tạo độc lập, có tiếng nói, cảm nhận riêng, có phương pháp biểu đạt riêng. Thời gian có sự tách biệt qua các thời, có sự không đồng nhất giữa con người và vũ trụ. Thời gian vũ trụ chỉ có bốn mùa, thời gian con người biến đổi theo bản năng sống mong muốn luôn được kéo dài thêm. Mai Văn Phấn không cố ý kéo dài thời gian sống sinh học theo ham muốn thực thể sống, ông cố tình lồng ghép vào trong mỗi bài thơ ý thức về thời gian sáng tạo. Ông đối thoại với thời gian, thể hiện sự biết rõ về nó, tìm cách sống nhiều hơn thời gian, nhiều hơn cả không gian theo xúc cảm tâm - linh - hồn của ông. Đọc thơ ông vì thế có thể nhận thấy một sự vật quen thuộc nào đó như chiếc lá, quả hồng, con mèo, con quạ... luôn được ông nối kết với thời gian sống chung của vũ trụ, trong mối tương thông giữa các dân tộc qua bàn tay của người thợ cao tay ngôn ngữ. Ông biết nhìn thời gian hiện hữu như một đứa trẻ ngây thơ luôn có mặt bên cạnh một người lớn khổng lồ, đó là sự tồn vong, hiện hữu của thế giới, của trái đất, của gia đình chung Nhân loại. Chính vì vậy, thời gian trong thơ ông không chỉ là thời gian đặc trưng của lãnh thổ nằm trong vùng nhiệt đới Việt nữa mà còn mang tinh thần của thời đại, có cội nguồn văn hóa cả phương Đông lẫn phương Tây. Thời gian vì vậy mạnh mẽ sinh sôi ban đầu, rồi tàn lụi theo quy luật và lại và hứa hẹn sinh sôi, sống tiếp với các xu hướng đối thoại, tranh luận không cần che giấu trong tâm thức hướng thiện của nhà thơ. (Tôi đau giấc mơ cây cỏ úa vàng, trút xuống từng cơn thiếu máu. Lá khô đưa tôi về một thời mất máu, một thời khinh rẻ máumột thời gian lận máumột thời lợi dụng, tụng ca máu. Một vong linh không rõ giới tính đu lên cuống một chiếc lá và xưng danh từng là giọt máu. Ngọn cây và con chim sâu gần đó vội vã lắc đầu, rồi không tranh luận với vong linh ấy nữa - THỜI TÁI CHẾ, Chương II: THẪM ĐỎ)

Thời gian có khả năng góp phần sáng tạo, đồng thời cũng có sức hủy diệt tới không ngờ. Nó góp phần giúp nhà thơ xác nhận đúng đắn hơn giá trị về quyền sống, quyền tự do của con người trong thời đại mới, biểu đạt rõ hơn sức mạnh của tình yêu, của hiện tại và sức cám dỗ của nghệ thuật chân chính. Mai Văn Phấn có cách đối thoại, tranh luận trong vẻ khiêm nhường, hướng về các đối tượng giao tiếp văn bản. Nhà thơ cho người đọc cảm nhận được sự nỗ lực phi thường trong đời sống tâm hồn thi sĩ khi đối diện với những khoảnh khắc thời gian dịch chuyển của vũ trụ. Đây cũng là biểu hiện của một tâm hồn yêu nghệ thuật cháy bỏng đầy suy tư của nhà thơ trong môi trường văn hóa dân tộc Việt Nam hiện đại. Thấu hiểu triết lý vô thường của triết học Phật giáo và sự tồn tại của triết lý Phật giáo bên cạnh Ki tô giáo và các thuyết giáo liên quan đến vận mệnh con người, Mai Văn Phấn thể nghiệm thời gian nghệ thuật khá sinh động. Trong thơ ông, thời gian hiện thực của trần thế vốn vô cùng ngắn ngủi và chớp nhoáng, trôi nhanh, hối hả, luôn được gắn liền với các sự kiện mà con người nỗ lực để hoàn thành. Ông đã tìm cách chiếm lĩnh nó để sáng tạo ra một kiểu thời gian, một thước đo thời gian mới theo cách của nhà thơ, đó là thời gian hy vọng thực hiện được hạnh nguyện làm người trong xã hội. (Giọt máu ấy bây giờ có hình hạt sương mang ánh sao khuya, giọt mưa trong lành buổi sớm, vệt nước cam em bé vừa uống lỡ rớt xuống cằm. Nước mắt đọng trong khóe mắt đợi chờ, hy vọng -THỜI TÁI CHẾ, Chương II: THẪM ĐỎ). Nhà thơ đã cảm nhận, đã hy vọng, đã tìm cách mô tả về con người qua mục đích, hành động thực tiễn để chuyển hóa thân phận khổ đau của loài người. Bằng cách này, dường như Mai Văn Phấn đã đi cùng nhịp đập thời gian của cuộc sống. Thời gian trong thơ ông vì thế có khi được tái hiện thông qua việc quy về thời gian sự kiện, thể hiện ít nhiều tính liên tục của nó; có hệ thời gian đủ cả ngày tháng năm, có lúc còn được tính bằng sát-na. Thời gian được tính bằng sát-na giúp người đọc liên tưởng đến những sự kiện có liên quan trong sinh hoạt bình thường của con người trong thực tại. Nếu con người cứ mải mê vọng trần, thời gian theo đó có thể hủy diệt tất cả (Sát - na). Sự hệ luỵ của con người là do vọng niệm khởi lên trong một sát-na. Trong khoảnh khắc đó, con người dễ trượt ra ngoài tầm kiểm soát của ý thức, dẫn đến các hành động gây khổ đau cho chính mình và xã hội. Mai Văn Phấn muốn người đọc hiểu thêm rằng con người nguyên nó đã luôn bị trói buộc từng giờ, từng phút qua các không gian sinh hoạt chật hẹp, nên nhà thơ đã không đơn giản mô tả hay liệt kê lại những thời khắc của các sự kiện, mà luôn đặt chúng trong một không gian chung với Thế giới con người tương thông. (Thanh tẩy mãi vẫn không thấy sạch/quay về tắm bằng ngọn đèn/thử đưa bờ vai về phía ánh sáng - Tắm đầu năm).

Đến đây có thể lý giải được vì sao trong cuộc đối thoại ấy, Mai Văn Phấn có nhiều đối thoại hay với thời gian Đêm. Đêm, khởi điểm của một ngày gắn liền biết bao câu chuyện, bao vụ việc, và cả những hồi tưởng thường có thói tật thức dậy trong đêm. Đêm là khởi điểm của thời gian tâm trạng rõ nét của nhà thơ. Trong những thời khắc ấy, con người như tự đối thoại/ tự thú với những nghiệp nhân, nghiệp quả do bản thân tạo ra trong đời sống. Khi không gian như đi vào tĩnh lặng thì tâm trạng con người càng cố vận động để đối thoại với cô đơn. (Rửa mặt trong bóng tốiNghe họa mi hót/Thấy mặt mình/Sạch hơn). Đêm dài cứ trôi qua mà nhà thơ thì chưa thực hiện xong  tâm nguyện của mình với cuộc đời. (Sông đêmChảy qua làng/Giấc mơ/Đọng phù sa). Phật giáo quan niệm thời gian như một dòng chảy liên tục, con người sống theo bản năng dễ bị cuốn hút theo dòng chảy đó. Thời gian là một sự vận động vô thủy vô chung của luân hồi và nghiệp báo. Con người ngụp lặn, khổ đau trong những chu lưu đó với vô lượng kiếp. Mỗi kiếp là một chu kỳ sinh, lão, bệnh, tử. Kiếp này tạo nhân, kiếp sau thọ quả, có khi nhân quả cùng thời trong một kiếp. Thời gian của một đời người chỉ là một sát-na trong dòng chảy sinh tử luân hồi. Con người cứ thế ngây thơ bị thời gian cuốn trôi mãi với các nghiệp chướng. Nếu thân mạng người mất đi, muôn kiếp chỉ trở lại tùy theo duyên nghiệp mình tự tạo ra khi còn sống. Thời gian theo quan niệm này vận động theo nghiệp nhân quả. Đọc hết các tập thơ của Mai Văn Phấn, chúng ta sẽ nhận ra quy luật vận động thời gian luân chuyển tuần hoàn này tác động mạnh đến đời sống tâm hồn con người như thế nào. Đọa lạc hay thăng hoa của mỗi người là do chính bản thân ta quyết định. Khi tâm và thân ra khỏi vùng tâm lý không hệ luỵ sáu trần thì sẽ có cơ hội đến với thế giới chân như. Đó chính thời gian để con người sống với thế giới đại quang minh của từ bi và trí tuệ. Sự chuyển hóa này khiến con người thoát ly sinh tử, không sợ hãi trước chân trời của cái chết mà tìm cách sống có nghĩa như là một phương pháp kéo dài thời gian sống; xem cái chết cũng như là một nghệ thuật sống khác. Thời gian của sáng tạo nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn vì thế trở thành thời gian vĩnh hằng của tự do vô giới hạn, do tâm thức đạt đạo vận hành trong ý thức, không ai kiểm soát được. Đó là một phương tiện phản ánh hiện thực của nhà thơ, nơi ông đã sống, đã luôn có ý hướng với nó trong tư thế đối thoại, dự cảm đến tương lai. Đối thoại với thời gian, như một cách đối thoại với tư duy các hệ hình tư tưởng tôn giáo, Mai Văn Phấn đã tạo sinh một thế giới sống mới trong thơ. Nơi ấy, con người tồn tại trong thời gian hiện thực và luôn chuyển hóa song song thành thời gian sáng tạo nghệ thuật. 

Có lúc Mai Văn Phấn tự thấy thơ cứ đến, chơi với nhà thơ bất kì lúc nào, có khi ông còn mơ thấy nó, tỉnh dậy chép lại. Ông làm thơ có căn, như căn đồng. Xét riêng với cảm thức thời gian, Mai Văn Phấn như đang chơi trò cá cược. Thực chất, cá cược không phải là bản chất của trò chơi. Nhưng những người biết cá cược đều là những kẻ đam mê, tận hiến; một số ít trong đó là những “tay chơi” sành điệu, lịch lãm. Đam mê đến nỗi có khi quên cả bản thân, dám đánh cược tất cả tài sản của mình cho trò chơi mình yêu thích. Chơi như “nghiện”! Thơ Mai Văn Phấn có sự đam mê “khủng khiếp” ấy! Ông trải nghiệm thời gian đúng nghĩa xét về mặt nghệ thuật cũng như trong đời sống thực tiễn, như một người thợ cao tay ngôn ngữ không giống ai. Mỗi bài thơ thời gian của Mai Văn Phấn như một cú gieo súc sắc về mặt hình thức bên ngoài nhưng bên trong nó, xét về mặt bản chất thì đó là quá trình dịch chuyển của thời gian từ đơn tuyến đến đa tuyến. Trong trò chơi của ông, hoàn toàn không phải là để khẳng định ngẫu nhiên, mà để góp phần chia nhỏ trò chơi thành những khả năng, tạo tiền đề cho cuộc sống con người. Vì thế, sẽ là vô ích khi tự hỏi rằng liệu đây có phải là cách biểu đạt ý nghĩa thần học, triết học hay chỉ là sự biện giải cho các hệ tư tưởng tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn? Vì thơ xét về khả năng tồn tại và sự tồn tại thực thể của ông không liên quan mấy đến sự tồn tại hay không tồn tại của Chúa hay của Phật! Trò chơi của ông vì vậy mang tính nhân loại. Nó cũng là một trong những phương pháp đề cập tới hai cách thức tồn tại của con người. Các thế chơi phải lựa chọn này của Mai Văn Phấn gắn bó mật thiết với những dấu hiệu của lý tưởng khổ hạnh ở Con người! Và trong thực tiễn xã hội đang cuống cuồng làm tiền, chơi tiền, thì làm thơ, chơi thơ theo cách của thi sĩ tài năng này là đáng nể trọng. Mai Văn Phấn có lí do khi ông tham gia trò chơi này một cách kiên trì, nhẫn nại nhưng đầy đam mê kiêu hãnh, đầy thử thách, như hòn đá thử vàng! Hơn nữa, thơ Mai Văn Phấn có đóng góp trong quá trình đổi mới thể loại thơ hiện đại Việt Nam, đây là một trong những hiện tượng cần được quan tâm đưa vào nội dung các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa trong nghiên cứu và dạy học tác phẩm thơ hiện đại ở chương trình Ngữ văn hiện nay cả bậc đại học và bậc phổ thông.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1]. Mai Thị Liên Giang, Thi sĩ và những điều có thể, Tạp chí Sông Hương, số 218, 2007.

[2]. Mai Thị Liên Giang, An trú miền đọc, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr.24.

[3]. Gilles Deleuze, Nietzsche và triết học, Nxb Tri thức, 2013.

 

 

Phụ lục: Tác phẩm của Mai Văn Phấn

Giọt nắng (thơ, NXB Hải Phòng, 1992)

Gọi xanh (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1995)

Cầu nguyện ban mai (thơ, NXB Hải Phòng, 1997)

Nghi lễ nhận tên (thơ, NXB Hải Phòng, 1999)

Người cùng thời (trường ca, NXB Hải Phòng, 1999)

Vách nước (thơ, NXB Hải Phòng, 2003)

Hôm sau (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2009)

vàđột nhiên gió thổi (thơ, NXB Văn học, 2009)

Bầu trời không mái che (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2010)

Thơ tuyển Mai Văn Phấn (thơ cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, 2011)

hoa giấu mặt (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2012)

thả (thơ, NXB Hội Nhà văn, 2015)

 - Tĩnh lặng (NXB Hội Nhà văn, 2018)

Thời tái chế (NXB Hội Nhà văn, 2019)

 

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Nghiên cứu và giảng dạy tác phẩm văn học theo thể loại Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội

Nxb Đại học Sư phạm, 2020

 

Post by: admin
11-05-2021