Hán nôm

NHÂN NGHĨA, TỪ HỨNG VỊ SIÊU HÌNH CỦA DỊCH TRUYỆN ĐẾN TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC BÌNH NGÔ CỦA NGUYỄN TRÃI


15-10-2020
Tác giả: THẠCH GIANG PGS. Đại học Quốc gia

Bình Ngô đại cáo là khúc ca hùng tráng bất hủ, một bức tranh sinh động và trung thực về hình ảnh của dân tộc trong cuộc kháng chiến bình Ngô, một bản tổng kết khái quát những phẩm chất cao quí về phương diện lịch sử và con người, nêu cao truyền thống độc lập tự chủ, quật cường bất khuất và tinh thần nhân đạo của nhân dân ta.

Hai câu mở đầu bài cáo: “Nhân nghĩa chi cử yếu tại an dân, Điếu phạt chi sư mạc tiên khử bạo”(1) là lời tuyên ngôn trình bày lý do chiến thắng quân thù của nhân dân ta trong lịch sử và trong cuộc kháng chiến bình Ngô.

Các từ ngữ nhân nghĩa, an dân, khử bạo là những từ ngữ trung tâm, là tư tưởng chỉ đạo chiến lược bình Ngô, chi phối toàn ý bài văn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở cửa cho tâm hồn chúng ta tiếp xúc với “khúc ca hùng tráng bất hủ” này của dân tộc.

Một mệnh đề hết sức rõ ràng Nguyễn Trãi đã phác họa ra là: Vì “an dân” mà “khử bạo”, và khử bạo bằng “nhân nghĩa”. “Nhân nghĩa” là đường lối chỉ đạo hành động, “an dân” là mục đích hành động “khử bạo”.

Chúng có vị trí quan trọng như vậy trong bài văn, cho nên chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ để có được một lý giải thích hợp và minh bạch.

“Nhân nghĩa” được vận dụng như một phương châm chỉ đạo một đường lối “khử bạo”, cho nên nó không còn là một khái niệm luân lý đơn thuần, nó bao hàm một ý nghĩa triết học(2), một tư tưởng chỉ đạo chiến lược nhằm tạo ra một sức mạnh vật chất trong công cuộc khử bạo bình Ngô.

“Nhân nghĩa”, truy từ ngọn nguồn phát sinh thì khái niệm này cũng như bất kỳ khái niệm luân lý nào khác như: Lễ - Tín - Cần - Kiệm - Liêm - Chính… đều có nguồn gốc từ vốn từ ngữ dân gian. Nhà Nho đã lấy những khái niệm này từ trong di sản văn hóa đó mà truyền thuật lại. Nhân nghĩa, cũng như hầu hết những khái niệm trong “lục nghệ”(3) đều có từ trước Khổng Tử.

“Nhân nghĩa”, theo họ vốn chỉ có một giá trị luân lý đơn thuần về đức tính mỗi cá nhân. “Nghĩa” là việc ta phải làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù phải hy sinh đến tính mệnh; bởi vì những điều ấy đáng phải làm về phương diện luân lý.

“Nghĩa” ở Bình Ngô đại cáo đã tạo nên một sức mạnh vật chất to lớn, bất chấp mọi thế lực bạo tàn, đã có tác dụng huy động quần chúng đứng lên chống lại vì chính nghĩa. Kho tàng văn hóa phong phú của dân tộc đã tiếp thu khái niệm đó một cách tự nhiên, vì trong vốn văn hóa truyền thống của mình đã có mầm mống, có nhu cầu truyền bá nội dung văn hóa đó bằng một cái vỏ âm thanh thích hợp. “Nghĩa” là vỏ âm thanh dân tộc Việt đã dùng để chở cái nội dung văn hóa - nói theo chữ bây giờ - là cái nội hàm vốn có của dân tộc.

Nhưng mặt sáng tạo ở đây là ở chỗ nào? Nho gia hành động vì nghĩa trên nhu cầu đạo đức, luân lý. Vì vậy “nghĩa” không tạo nên một sức mạnh tổng hợp. Ở đây Nguyễn Trãi đã dùng nó như một phương châm tư tưởng chỉ đạo có một sức mạnh vô song. “Nhân nghĩa” đã trở thành vô địch và tất thắng vì có đường lối, có sách lược cụ thể. Và, Bình Ngô sách là đường lối, sách lược đó. Như vậy, rõ ràng “nghĩa” đã vượt ra khỏi phạm trù luân lý… Lòng tin của Nguyễn Trãi vào thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp bình Ngô có từ đây, từ buổi đầu Lam Sơn dựng cờ nghĩa, dâng Bình Ngô sách ở Lỗi Giang.

Ý niệm “nghĩa” có phần thiên về hình thức. Bản tính hình thức của bổn phận mọi người trong xã hội là cái “ta phải làm”. Nhưng bản tính của những bổn phận kia là gì ? Chính là lòng thương người, tức là “nhân”. “Nhân là thương người”(4). Và người nào thật lòng thương người khác thì có thể làm tròn bổn phận mình trong xã hội. Như vậy, “nhân” chỉ có ý nghĩa luân lý, xuất phát từ lòng thương người, hay nói một cách khác là phải “nới lòng mình cho lan tới người”. Không ai nói rõ tại sao người ta phải làm như vậy.

Gần 200 năm sau, Mạnh Tử đã đưa thuyết “tính thiện”(5) để giải đáp câu hỏi này. Sở dĩ mọi người phải thi hành đạo nhân là vì bản tính con người là thiện (nhân sinh tính bản thiện). Đối với Nho gia, lòng nhân là đức tính phát sinh tự nhiên, do từ bản tính con người.

Như vậy, khi trình bày nguyên tắc về thi hành đạo “nhân” Khổng Tử chỉ giới hạn trong việc tu dưỡng bản thân của mỗi người. Với Mạnh Tử thì sự áp dụng đã lan tới chính trị. Nói một cách khác, với Khổng Tử, đây chỉ là phép “nội thánh”, nhưng với Mạnh Tử, nó đã nới rộng thành phép “ngoại vương”. Nhưng ngay trong nghĩa xưa nhất của “nội thánh”, Mạnh Tử cũng giãi bày quan niệm có phần rộng hơn, đặt con người vào trong bối cảnh chung của vũ trụ. Ông nói: “Ai hết lòng mình thì biết tính mình. Biết tính mình thì biết trời”. (Mạnh Tử, VIIa, 1). Lòng đây là “lòng chẳng nỡ”, hay “lòng thương xót”. Nó là bản chất cốt yếu của tính người. Do đó, khi ta hết lòng ta, thì biết được tính ta. Và, theo Mạnh Tử, thì tính ta là “cái Trời cho ta” (Mạnh Tử, VIa, 15). Vậy khi biết tính ta - thì ta biết Trời.

Những lời giải thích kia thực chất vẫn nằm trong phạm vi luân lý, có điều có tính chất siêu hình hơn. Nó vẫn không đáp ứng được nhu cầu về nhận thức của con người về con người trong toàn thể. Các nhà nho siêu hình đã cố gắng đáp ứng nhu cầu đó. Họ đã đưa vào Kinh Dịch vốn là sách để bói, những lời giải thích về vũ trụ siêu hình và đạo đức. Hứng cảm siêu hình trong sách thật là lớn lao.

Tư tưởng siêu hình trọng yếu nhất của Dịch truyện là tư tưởng về Đạo. Đạo của Đạo đức kinh là độc vị, từ đó mọi vật trong vũ trụ sinh thành và biến hóa. Đạo của Dịch truyện, trái lại, thì phức tạp và biểu thị cho nhiều lí chi phối từng cái một các phạm trù hữu thể trong vũ trụ.

Nó làm thành một lí siêu hình hữu danh (en principe métaphisique nominable) như đạo vua, đạo tôi, đạo cha, đạo con. Đó là những gì mà ông vua, bề tôi, người cha, đứa con phải thế. Mỗi đạo ấy được biểu thị bằng một cái danh và mọi người phải hành động một cách lý tưởng hợp với những danh khác nhau ấy(6).

Bên cạnh những đạo của mọi loài và mọi sự vật, Dịch truyện còn có một Đạo khác cho mọi sự vật trong toàn thể của chúng. Nói cách khác, bên cạnh vô vàn đạo riêng biệt, có một Đạo tổng quát tham dự vào sự sinh hóa của vạn vật. Đó là cái Đạo sinh thành của vạn vật và sự sinh ấy là hoàn thành lớn nhất của trời đất. Hệ từ (trong Kinh Dịch) nói: Đức lớn của trời đất là sinh (thiên địa chi đại đức thị sinh). Tiếng “sinh” đây chỉ có nghĩa là sinh sản, là ý nghĩa thích hợp nhất với tư tưởng Dịch truyện. Nhưng theo Trình Hạo và các nhà đạo học khác, thì “sinh” thật sự có nghĩa là sự sống hay đem lại sự sống. Theo họ, trong mọi vật đều có khuynh hướng đi đến sự sống, và khuynh hướng ấy làm thành đức “nhân” của trời đất. Vì thế nên từ ngữ “bất nhân” là danh từ chuyên môn trong y học Trung Hoa để chỉ sự tê liệt. Điều ấy nói rất đúng danh trạng. Kẻ nhân coi trời đất vạn vật là nhất thể. Chẳng gì không phải là mình. Đã nhận được mọi vật là mình, thì chỗ nào mà không tới ?

Từ đó ta có thể suy ra: lòng người bất nhân thì sẽ bị cô lập và sức sống không còn. Và, Nguyễn Trãi đã khởi phát từ phản đề của loại suy này mà tước bỏ phần siêu hình của chữ “nhân”. Lại nữa, trên một truyền thống văn hóa giàu nhân ái “thương người như thể thương thân” Nguyễn Trãi đã cho vào với “nghĩa” làm thành một học thuyết của riêng mình, chỉ dẫn cho mọi người hành động và thực thi nó một cách triệt để. Đó là điều mới mẻ vĩ đại nhất, hơn bất kỳ một đạo gia, một lý thuyết gia nào trước ông.

Chữ “nhân” của Nguyễn Trãi không còn là một từ ngữ đạo đức mà cũng không còn là một khái niệm siêu hình về “thiên địa vạn vật nhất thể” mà là một tư tưởng chiến lược, một tư tưởng triết học chỉ đạo có tác dụng tạo nên những sức mạnh vật chất cụ thể, một mặt có thể tập hợp đoàn kết được mọi người chung một lòng vì nghĩa lớn theo nguyên lí “nhị nhân đồng tâm kỳ lợi đoạn kim” và cảm hóa được quân thù, khơi dậy ở họ bản tính “lòng chẳng nỡ”; mặt khác, “nhân” đã hun đúc một lòng tin mạnh mẽ vào thắng lợi vì nó hợp với đạo lớn của tự nhiên, hợp với lòng người.

Chủ trương chiến lược “đánh vào lòng người” (công tâm) của Nguyễn Trãi được xây dựng trên nền tảng tư tưởng “nhân” đó.

“Nhân” với ý nghĩa luân lý đơn thuần, chỉ rút gọn trong việc tu dưỡng thụ động. “Nhân” với hứng vị siêu hình chỉ là một thứ trang sức cho tư tưởng. “Nhân” với ý nghĩa triết học, vượt ra ngoài phạm trù luân lý, thì hướng người ta đến hành động với một niềm tin sắt đá, đủ tạo nên một sức mạnh vật chất có hiệu quả để chiến thắng mọi thế lực bất nhân dù tàn bạo và to lớn đến đâu.

Trong lịch sử văn hóa dân tộc, kể cả văn hóa dân gian, khái niệm “nhân” chưa bao giờ có một nội dung động, có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn như vậy. Trước đó, “nhân” theo truyền thống chỉ là một khái niệm luân lý đơn thuần. Thơ văn trong thời đại Lý - Trần, âm hưởng chung toát lên một tinh thần Thiền học - Thiền học Việt Nam, vì tông phái Phật học ngoại lai này đã chịu ảnh hưởng sâu sắc truyền thống văn hóa của dân tộc Việt mà mang một sắc thái riêng. Ít có dân tộc nào có một nền văn hóa dân gian đề cập đến những khía cạnh luân lý như dân tộc ta, đặc biệt là trong ca dao, dân ca, tục ngữ. Đó là cơ sở cho việc tiếp thu tư tưởng Nho, Lão để dung hợp thành một học phái Nho học cao hơn gọi là đạo học hay học phái của nhà nho Việt Nam.

Từ trong văn hóa dân tộc, tiếp xúc với các nguồn văn hóa Nho học, Lão học và Phật học, “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi đã vượt khỏi phạm trù luân lý đơn thuần và đã trở thành những giá trị siêu luân lý có tác dụng như những chủ trương chỉ đạo chiến lược đưa hành động, đưa cuộc kháng chiến bình Ngô đến thành công. Ông cũng đã nói rõ tác dụng của nhân nghĩa trong việc dựng nước giữ nước: “Quyền mưu bản thị dụng trừ gian; nhân nghĩa duy trì quốc thể an”(7).

Tư tưởng nhân nghĩa đã chỉ đạo, là kim chỉ nam cho mọi đường lối, chủ trương kinh bang tế thế của Nguyễn Trãi trong đó Bình Ngô đại cáo là một bản tổng kết phác họa rõ nét sự ứng dụng và tác dụng của nhân nghĩa. Và, nhân nghĩa, về phương diện nghệ thuật, cũng là lý tưởng thẩm mỹ là cảm hứng chủ đạo của Bình Ngô đại cáo.

Có thể nói, trước ông, trong lịch sử chưa có một nhân vật nào có một ý thức rõ rệt về nhân dân, vì dân như Nguyễn Trãi. Trong sự nghiệp bình Ngô cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước, ý thức đó luôn luôn có ở ông, làm gì ông cũng nghĩ đến quyền lợi của dân. Trong một bài chiếu ngắn bàn về phép tiền tệ mà đã có 4 lần ông nhắc đến dân(8). Trong một bài thơ chữ Hán, Nguyễn Trãi không những vì lòng nhân mà thương dân, mà ông thực sự ý thức được sức mạnh của dân, cùng với quan hệ giữa dân và người cầm đầu cai trị dân:

“Phúc chu thủy tín dân do thủy”

(Lật thuyền mới rõ dân như nước) (Bài 13)

Trong bài chiếu răn bảo Thái từ, Nguyễn Trãi cũng viết: “Vả lại, nếu người có nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân.”

Tóm lại, trong phần mở đầu, Bài cáo chủ yếu nêu rõ thế nước Đại Việt trong lịch sử và nguyên nhân đã tạo nên thế nước đó. Trong quá trình tồn tại của mình, nước Đại Việt thực là một nước có văn hiến, đường đường sánh ngang hàng với các liệt cường đế quốc phong kiến khác. Được như vậy là bởi tất cả các cuộc xâm lược đều bị đánh bại vì lí do chính nghĩa của chiến tranh giữ nước của dân tộc. Nhân nghĩa không còn là một khái niệm luân lý của Nho gia. Nó đã trở thành một tư tưởng chỉ đạo chiến lược, thực tiễn đầy sức sống, có một sức mạnh vật chất đưa cuộc bình Ngô (khử bạo) đến thắng lợi vì một mục đích cao cả là “an dân”.

Chú thích:

(1) Nghĩa là: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

(2) Tức là những suy nghĩ, tư tưởng có hệ thống, có ý thức về cuộc sống. Sau đây chúng ta sẽ thấy nhân nghĩa được suy nghĩ thành hệ thống như thế nào trong cả nhân sinh quan và vũ trụ quan của Nguyễn Trãi. Đối với ông, nhân nghĩa đã thành một chủ nghĩa, có thể gọi là chủ nghĩa nhân nghĩa của Ức Trai.

(3) Hiểu là sáu kinh: Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu.

(4) Luận ngữ: Phàn Trì vấn nhân, Tử viết: Ái nhân (Nhan Uyên).

(5) Tư tưởng Tuân Tử là phản thuyết (anti-thèse) của tư tưởng Mạnh Tử. Mạnh Tử chủ trương thuyết “tính thiện” thì Tuân Tử chủ trương trái lại, với thuyết “tính ác”.

(6) Ở đây ta thấy lại thuyết chính danh xưa của Khổng Tử, mặc dầu với ông chính danh chỉ là lý thuyết thuần đạo đức, luân lý.

(7) Hạ quy Lam Sơn (Mừng về Lam Sơn). Nghĩa: Quyền mưu vốn để trừ gian. Nhân nghĩa giữ gìn thế nước an.

(8) Chiếu bàn về phép tiền tệ. Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. KHXH, H. 1976, tr.134.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (74) 2006; Tr.9-13)

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020