Về tác phẩm Mẫn Hiên thuyết loại, trong bài Về văn bản và tác giả Mẫn Hiên thuyết loại, đăng trên Tạp chí Hán Nôm số trước (1 - 1989), chúng tôi đã có dịp miêu tả văn bản, giới thiệu nội dung, và từ những chứng cứ trong nội dung văn bản, đã đi tới khẳng định Phần I, gồm 10 thiên truyện ký, là những sáng tác đích thực của Cao Bá Quát(1). Cũng trong bài đó, chúng tôi đã nêu nhận xét là: hai phần còn lại, Phần II Cổ tích và phần III Nhân phẩm là do một người khác viết và đây cũng là vấn đề mà bài viết này sẽ đi sâu.
Phần Nhân phẩm trong Mẫn Hiên thuyết loại, có 45 đơn vị, đề cập tới nhiều nhân vật lịch sử từ đời Trần, đến Triều Tự Đức đời Nguyễn. Trong số đó, chúng tôi chú ý tới các truyện viết về nhân vật cùng thời với tác giả, đặc biệt các nhân vật có quan hệ trực tiếp với tác giả, mà nổi bật nhất là hai truyện viết về Lê Nguyên Trung và Trương Minh Giảng.
Lê Nguyên Trung, tự Chỉ Trai, người làng Trung Cần, huyện Thanh Chương, Nghệ An (nay thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh), đỗ Cử nhân năm Gia Long thứ 12 (1813)(2). Khi viết về Lê Nguyên Trung trong phần Nhân phẩm, tác giả có ghi lại một kỷ niệm với ông này, khi còn làm Hiệp lý hộ tào thành Gia Định và tác giả làm Tri phủ Tân Bình. Tác giả đã ghi lại sự kiện Lê Nguyên Trung làm Bố chính Quảng Ngãi như sau: “Lê (tức Lê Nguyên Trung) làm Bố chính Quảng Ngãi, sau vì có chuyện ở Bình Thuận, bị đổi đi. Hơn tháng sau, tôi qua Quảng Ngãi, quan lại và dân chúng ở đó nhiều người vẫn gửi lời thăm ông. Nhắc tới ông, mọi người đều rơi nước mắt”(3).
Về sự kiện này, Đại Nam thực lục. Phần Chính biên, Đệ nhị kỷ, Năm Đinh Dậu, Minh Mạng thứ 18 (1837) tháng 2 có ghi:
“Vua bèn cho… Lê Nguyên Trung làm Tri châu châu Lương Chánh. Trung trước làm Bố chính Quảng Ngãi có lỗi phải cách chức, phải phục vụ trong quân thứ…(4) Chứng tỏ khi viết về các nhân vật lịch sử tác giả chú ý ghi lại các sự kiện có thực và chúng ta có thể từ những ghi chép ấy đi tìm tác giả của nó.
Trong truyện viết về Trương Minh Giảng, có đoạn: “Năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mạng (1837) tôi làm Án sát Quảng Ngãi, Bá (tức Trương Minh Giảng) tới Kinh chầu hầu. Khi trở về gặp tôi, tôi giữ lại nghỉ, ông nói với tôi: “Trấn Tây sẽ phải chia thành nhiều lộ”. Tôi đáp: “Không biết người Man có chịu phục không!”. Bá nói: “Dựa vào uy đức của triều đình, lo gì không xong. Nay chia thành nhiều lộ để cai trị, mỗi người chuyên sức vào công việc của mình và ràng buộc lẫn nhau, chả hơn là một người nắm giữ binh quyền lớn quá, được đằng nọ hỏng đằng kia hay sao”(5).
Về sự kiện Trương Minh Giảng về Kinh chầu hầu, sử có ghi:
“Tháng 7 (1837) triệu Trấn Tây tướng quân lãnh Tổng đốc An Giang, Hà Tiên là Trương Minh Giảng về chầu…”
“Tháng 9 (1837) tướng quân Trấn Tây là Trương Minh Giảng đến Kinh bệ kiến. Vua khen và an ủi mãi”.
“Tháng 12 (1837) Tướng quân Trấn Tây Trương Minh Giảng vào bệ kiến xin trở về lỵ sở…”(6)
Như vậy là Trương Minh Giảng có lệnh triệu về Kinh tháng 7, tháng 9 được yết kiến vua (Minh Mạng) và tháng 12 trở về nơi làm việc. Trên đường về, Trương Minh Giảng gặp “tác giả” (tôi) của bài viết, đúng như ghi chép của người viết. Trong truyện này, người viết nói rõ “Năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mạng (1837) tôi làm Án sát Quảng Ngãi”. Vậy ai làm Án sát Quảng Ngãi năm Đinh Dậu 1837 ấy?
Cũng bộ Thực lục của triều Nguyễn có ghi: “Tháng giêng, năm Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mệnh thứ 18 (1837) Án sát Quảng Ngãi là Đặng Kim Giám phải tội miễn chức. Vua cho Thự lang, trung bộ Hộ là Trương Quốc Dụng thụ Án sát Quảng Ngãi…”(7)
Tháng 7 (1837) bổ thụ Trương Quốc Dụng làm Án sát Quảng Ngãi…(8)
Cũng từ tháng 7 năm 1837, không thấy sử ghi chép về sự thuyên chuyển chức Án sát Quảng Ngãi nữa. Có thể nghĩ rằng: Từ tháng giêng năm 1837, Trương Quốc Dụng thay Đặng Kim Giám làm Án sát Quảng Ngãi, đến cuối năm ấy, Trương Quốc Dụng gặp Trương Minh Giảng đang trên đường từ kinh đô Huế trở về lỵ sở của mình. Và tác giả của thiên truyện ký viết về Trương Minh Giảng là Trương Quốc Dụng.
Trương Quốc Dụng là ai ?
Trương Quốc Dụng, tên cũ là Khánh, tự là Dĩ Hành, sinh năm 1797 ở xã Phong Phú, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ Tiến sỹ năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) trải nhiều chức như Thự lang trung bộ Hộ, Án sát Quảng Ngãi, Tri phủ Tân Bình, Thượng Thư bộ Hình, Tổng tài Quốc sử quán, mất năm 1864.
Vấn đề đặt ra là: Có đúng Trương Quốc Dụng viết toàn bộ hai phần Cổ tích và Nhân phẩm trong Mẫn Hiên thuyết loại hay chỉ viết một thiên về Trương Minh Giảng?
Để giải đáp câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đọc bộ sưu tập các tác phẩm của Trương Quốc Dụng. Sau đây là kết quả giám định:
Trương Quốc Dụng sáng tác và chủ biên nhiều công trình khảo cứu lịch sử và văn chương, trong đó, liên quan nhiều nhất tới chủ đề chúng ta đang xem xét là bộ sưu tập Công hạ ký văn của ông. Hiện nay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ lại được 2 văn bản chép tay của bộ Công hạ ký văn (còn có một tên gọi khác là Thoái thực ký văn) mang các ký hiệu VHv.4 và A.1499. Trong đó, bản A.1499 là một bản sao chép lại bản VHv.4 do Trường Viễn đông Bác cổ Pháp chủ trương.
Bản VHv có 125 tờ, khổ sách 32x22cm. Sách đã cũ nát và đã được bồi vá nhiều chỗ. Trang đầu sách ghi Công hạ ký văn, Hình bộ thương thư Trương Quốc Dụng soạn. Tiếp đó, là nội dung sách, gồm các phần: Chế độ - Phong vực - Trưng kỳ - Tạp sự - Nhân phẩm - Cổ tích - Vật loại.
Nếu đối chiếu, ta thấy ngay phần Cổ tích và Nhân phẩm trong Mẫn Hiên thuyết loại, chỉ là một dị bản của phần Cổ tích và Nhân phẩm trong Công hạ ký văn.
Chẳng hạn, số truyện và cách sắp xếp, các truyện trong phần Nhân phẩm ở hai sách Mẫn Hiên thuyết loại và Công hạ ký văn không chênh lệch nhau nhiều.
Phần Cổ tích của hai sách có một số xuất nhập về cách sắp xếp. Ví như, trong Mẫn Hiên thuyết loại cách sắp xếp chủ yếu theo địa dư. Trong khi đó, ở Công hạ ký văn ngoài cách sắp xếp theo địa dư, còn sắp xếp theo chuyên mục như Núi lớn, Sông to, Đầm rộng, Đê ở Bắc kỳ... Nhưng nội dung của từng đơn vị thì không sai khắc nhau nhiều. Tuy nhiên, hai phần Cổ tích và Nhân phẩm ở sách Mẫn Hiên thuyết loại không phải là sao chép từ Công hạ ký văn. Có nhiều dấu hiệu cho thấy các đơn vị ghi chép trong hai phần Cổ tích và Nhân phẩm ở Mẫn Hiên thuyết loại có thể là dạng bản có trước của các đơn vị tương ứng trong Công hạ ký văn(9).
Điều này cho thấy giá trị văn bản của hai phần Cổ tích và Nhân phẩm trong Mẫn Hiên thuyết loại. Mẫn Hiên thuyết loại vừa là một văn bản duy nhất hiện được biết, ghi lại 10 thiên truyện ký của Cao Bá Quát, vừa là một dị bản có giá trị trong việc đối chiếu và hiệu đính hai phần Cổ tích và Nhân phẩm trong Công hạ ký văn của Trương Quốc Dụng.
Tóm lại, trong tình hình tư liệu hiện nay chúng ta có thể đi tới kết luận: Mẫn Hiên thuyết loại, bản A.1072 (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm) là một bộ sưu tập, sao chép tác phẩm của 2 tác giả là Cao Bá Quát và Trương Quốc Dụng:
Phần I gồm 10 thiên truyện ký, mỗi thiên có đầu đề riêng: 1. Kê tử đạo án (Vụ án ăn trộm trứng gà); 2. Từ Sơn mệnh báo (Vụ án mạng ở Từ Sơn); 3. Trịnh thượng thư di sự (truyện cũ về ông thượng thư họ Trịnh); 4. Phương Am tiên sinh di sự (truyện cũ về Phương Am tiên sinh); 5. Nguyễn Bá phụ tử (Cha con Nguyễn Bá); 6. Trần tiến sỹ phụng sứ (ông tiến sỹ họ Trần vâng mệnh đi sứ); 7. Bách Tam lang trung nghĩa (Bách Tam lang trung nghĩa); 8. Ngô Lâm mạ tặc (Ngô Lâm chửi giặc); 9. Trạm Điền Vũ tộc (Họ Vũ ở Trạm Điền); 10. Phan Văn Phụng huynh đệ (Anh em Phan Văn Phụng) là do Cao Bá Quát viết. Phần II có tiêu đề chung là Cổ tích và phần III có tiêu đề chung là Nhân phẩm ghi chép 180 đơn vị núi sông, đầm, phú, đình, chùa, quán miếu, danh lam cổ tích và gần 50 đơn vị về các nhân vật lịch sử, là do Trương Quốc Dụng biên soạn.
H.V.L
CHÚ THÍCH
(1) Xem: Về văn bản và tác giả của Mẫn Hiên thuyết loại, Tạp chí Hán Nôm, số 1- 1989.
(2) Xem Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tập 1, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.79. Thư mục Hán Nôm, Mục lục tác gia, Ban Hán Nôm, H. 1977 (Bản in Rônêô), tr.119.
(3) Mẫn Hiên thuyết loại, Phần Nhân phẩm, đoạn nói về Lê Nguyên Trung.
(4) Đại Nam thực lục chính biên, tập XIX, Nxb. KHXH, 1968, tr.46.
(5) Mẫn Hiên thuyết loại, phần Nhân phẩm, tờ 82b.
(6) Đại Nam thực lục chính biên, Sđd, các tr.205, 311.
(7) Đại Nam thực lục chính biên, tập XIX, Sđd, tr.17 và tr.196-197.
(8) Đại Nam thực lục chính biên, tập XIX, Sđd, tr.17 và tr.196-197.
(9) Chúng tôi sẽ công bố kết quả hiệu