Hán nôm

GÓP BÀN VỀ MẤY CHỮ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BÀI THƠ NAM QUỐC SƠN HÀ


15-10-2020
Tác giả: Lại Văn Hùng

Gần đây, nhân đọc bài viết “Bàn về hai chữ “thiên thư” trong bài thơ Nam quốc sơn hà” của GS.TS. Lê Văn Quán, chúng tôi xin có mấy lời bàn lại như sau:

1. Tác giả bài viết trên đã trích dẫn đoạn văn: “Trời ở đây ẩn trên Thiên thư... Cả mớ lý luận về trời, Khổng Nho thường hay dùng danh ngữ Thiên mệnh, được người Việt tiếp biến theo quan niệm “thực dụng”... (2, tr.318)” trong bài viết của PGS. Bùi Duy Tân “cho là tác giả bài thơ đã dựa vào tư tưởng “thiên mệnh” (= mệnh trời), trời quyết định mọi sự việc ở đời” . Đọc xong, chúng tôi rất băn khoăn, không hiểu là PGS. Bùi Duy Tân có viết như thế thật không? Nhìn vào đoạn văn được trích, chúng tôi thấy có những hai lần ba chấm (...), và theo sự chỉ dẫn của số chú thích, số trang ở cuối bài viết, chúng tôi tìm đọc bài của PGS. Bùi Duy Tân. Hóa ra, đoạn văn trên được viết đầy đủ như sau: “Bài thơ cả quyết quyền ngự trị sông núi nước Nam là của vua Nam. Dám khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước Nam nhỏ bé bên cạnh nước Bắc to lớn như thế chỉ có thể là Trời. Trời ở đây ẩn trên Thiên thư, nhưng cũng có hàng chục văn bản (của bài thơ Nam quốc sơn hà - LVH) có từ “Hoàng thiên” ở đầu câu thứ hai (Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư). Trời theo Khổng Nho là vô hình, linh diệu, chủ tể của vũ trụ, lấy thiên mệnh, thiên lý, thiên ý, thiên uy điều phối biến hóa việc thế gian, quyết định số phận cho muôn loài. Trời và Người là “tương dữ”, “hợp nhất”, “thông đạt”. Trời nhìn ở dân nhìn dân nghe. Trời thương dân, dân muốn là trời muốn... Vua thay trời trị dân thống nhất thiên ý dân tâm. Vua trị dân theo ý trời thì yên ổn, được mùa; trái ý trời thì trời ra tai, trời nổi can qua v.v... Cả mớ lý luận về Trời, Khổng Nho thường hay dùng danh ngữ “Thiên mệnh", được người Việt tiếp biến theo quan niệm “thực dụng”, chỉ cốt làm rõ: Nước Nam là của Vua/người Nam, đó là ý Trời, kẻ nào xâm lược nước Nam là trái nghịch ý Trời, là chống lại xu thế phát triển tất yếu của lịch sử, tất sẽ bại vong” .

Như thế, chỉ cần nhìn vào hai đoạn văn, ai cũng thấy là tác giả bài viết “Bàn về hai chữ ”thiên thư” trong bài thơ Nam quốc sơn hà” đã cố ý dẫn trích văn của PGS. Bùi Duy Tân theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”. Điều đó không khỏi làm cho người đọc hiểu sai mạch vănvà lập luận của PGS. Bùi Duy Tân. Kiểu trích dẫn làm méo mó văn của người khác như vậy để phê phán, theo chúng tôi nghĩ có lẽ nên chấm dứt.

2. Trong bài, tác giả cũng bàn đến hai chữ 分 野 và phiên âm là: phân dã, với nghĩa “phân chia bờ cõi”. Theo thiển ý, chúng tôi nghĩ hai chữ ấy ở đây phải phiên âm là phận dã, với nghĩa là cách quy định phận giới, địa phận. Tại sao thế ? Vì có vấn đề liên quan đến chữ 分 . Đúng là chữ này có hai âm đọc là “phân” và “phận”:

- Đọc “phân”, với các nghĩa phân khai, phân giải, phân liệt, xuân phân,...

- Đọc “phận”, với các nghĩa danh phận, chức phận, duyên phận, phúc phận, địa phận,... (4)

Khi 分 đi với các tổ hợp từ thì Hán ngữ đại từ điển có chú rõ số (2) ở bên cạnh chữ để đọc với âm thứ hai là “phận”, trong đó có những cụm như: phận vị, phận ngoại, phận nội và cả “phận dã” - chính là cụm từ đang nói tới. Còn nếu phiên “phân dã” thì ý nghĩa khác hẳn chứ không liên quan gì đến việc “phân chia bờ cõi” .

Do vậy, câu thứ hai của bài Nam quốc sơn hà đã được đọc là:

Tiệt nhiên phận định tại Thiên thư

Ở một vài văn bản hai chữ “phận định” được viết đảo là “định phận”. Dễ thấy là trong trường hợp ấy, không thể nào đọc “định phân” được.

3. Vậy thì cái quyết định “phận dã” (cách quy định phận giới, địa phận) ấy là do đâu ? Rõ ràng là ở “Thiên thư” - ở Trời, chỉ có uy Trời qua “Thiên thư” mới “định” được “phận”. Chúng tôi cho rằng, với lập luận của mình từ đoạn trích đầy đủ trên, PGS. Bùi Duy Tân đã cắt nghĩa một cách sáng rõ ý của câu thơ; kể cả hai chữ “Thiên mệnh” từ các hàm nghĩa thế nào, sự “tiếp biến” ra sao cũng đã được lý giải xác đáng, sát thực với tâm thức và quan niệm của người xưa. Quả thật, người xưa thường tin rằng sở dĩ con người có thêm niềm tin và có thêm dũng khí là được trời đất giúp sức, thần linh phù trợ. Chẳng phải Nam quốc sơn hà cũng đích thị là bài thơ mượn lời thần tuyên đọc đấy sao ? Có như thế mới thiêng, mới cổ lệ được tinh thần tướng sĩ.

Tác giả bài viết “Bàn về hai chữ “thiên thư” trong bài thơ Nam quốc sơn hà” đã chỉ lẩy ra một quan niệm về “Thiên mệnh” của Đổng Trọng Thư, để cho rằng nói “Thiên mệnh” là duy tâm và vội vàng quy chụp, trong khi “Thiên mệnh” còn được quan niệm theo nhiều cách khác nhau; vả lại ngay trong đoạn trích đã thấy, PGS. Bùi Duy Tân cũng dùng trong mạch “thiên mệnh, thiên lý, thiên ý, thiên uy”. Tư duy cho phép lấy cái bộ phận để chỉ cái toàn thể (như kiểu “nếm một miếng biết cả vạc”), nhưng rất nhiều khi tư duy cũng không cho phép như vậy (như kiểu bảo “con voi là cái quạt”, “con voi là cái cột”, v.v...).

Để bạn đọc tiện theo dõi và dễ tìm, chúng tôi xin mách: ngay trong tập Từ điển Nho - Phật - Đạo (Bản dịch, Nxb. Văn học, H. 2001) ở trang số 1441 có mục từ “Thiên mệnh” với các hàm nghĩa, các dẫn dụ khá là phong phú.

L.V.H

CHÚ THÍCH:

(1) In trong Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (69) -(2005), tr.67-70.

(2) Bđd; tr.67.

(3) Xem Hội thảo quốc tế về Nho giáo ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam) - Viện Harvard Yenching (Hoa Kỳ), Bản thảo kỷ yếu, 2004; tr.318-319.

(4), (5) Xem Hán ngữ đại từ điển, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 1997, tr.978-980 và tr.984. /.

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020