Hán nôm

TÌM HIỂU TÁC GIẢ "TOẢN TẬP THIÊN NAM TỨ CHÍ LỘ ĐỒ THƯ" VÀ MỘT VÀI VẤN ĐỀ LIÊN QUAN


15-10-2020
Tác giả: PHẠM HÂN

Đỗ Bá là tác giả của bộ Lộ đồ mang tên Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư mà nhiều người đã biết.

Thực ra, Đỗ Bá chỉ là họ chứ không phải tên tác giả. Theo gia phả dòng họ của tác giả ở thôn Cẩm Nang, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An mới được khảo sát gần đây(1) thì tác giả có tên là “Công Luận” hay “Công Đạo”. Ông thi đậu Giám sinh rồi được bổ làm Tri huyện huyện Thạch Hà (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Nhưng ông không có chí làm quan. Bất bình trước họa nước ngoài quấy nhiễu biên cương, vào những năm niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) ông từ quan, giả dạng lái buôn, vượt biển vô Nam, xem xét núi sông, đường bộ, đường biển... rồi vẽ bản đồ, dâng kế Nam chinh lên chúa Trịnh. Chúa rất mừng, sai cất giữ bản đồ và giao cho ông vẽ Tứ chí lộ đồ (dưới đây gọi tắt là Lộ đồ), tức là “Bản đồ đường đi bốn ngả” của nước ta thời đó.

Qua gia phả họ Đỗ biết rằng, các tập Lộ đồ của Đỗ Bá mà nay ta còn thấy(2) đều là những bản sao Tứ chí lộ đồ mà ông thực hiện theo lệnh của chúa Trịnh.

Con người của Đỗ Bá và việc làm của ông chép trong gia phả họ Đỗ được phát hiện gần đây như trên đề cập, chứng minh năm “Chính Hòa thứ 7” (1686) đề ở trang đầu tập Toản tập An Nam l ộ trong sách Thiên hạ bản đồ (A2628) (xem Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1994) chính là niên đại của tác phẩm mà Đỗ Bá thực hiện sau chuyến vô Nam vào những năm niên hiệu Chính Hòa (1680-1705), đồng thời chứng minh Tứ chí lộ đồ tức Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư còn lưu truyền đến ngày nay là một văn kiện chính thức của quốc gia.

Tứ chí lộ đồ do Đỗ Bá soạn vẽ theo lệnh của chúa Trịnh vào thời Lê Hy Tông (1676-1705) có thể nói đây là bộ bản đồ địa lý thứ 2 của nước ta sau bộ Hồng Đức bản đ ồ được soạn vẽ theo chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông (1460-1497) và ban hành năm 1490. Bộ bản đồ này để lại cho chúng ta những thông tin quý báu về giới hạn lãnh thổ nước Đại Việt thế kỷ XVII, trong đó có xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn cai quản.

Nguồn thông tin có giá trị đặc biệt đối với chúng ta ngày nay là Bãi Cát Vàng thể hiện trên bản đồ cùng lời chú giải của tác giả.

Ở quyển 1, người ta thấy hình vẽ dải cát ở trong biển, có quy mô rộng lớn, ngoài khơi phủ Quảng Nghĩa, ngang với Cửa Đại Chiêm (nay là Cửa Đại) ở phía Bắc, Cửa Sa Kỳ ở phía nam với tên Nôm Bãi Cát Vàng; cùng lời chú giải như sau:

Bãi Cát vàng dài chừng 400 dặm, rộng 20 dặm ở trong biển, từ Cửa Đại Chiêm đến Cửa Quyết Mông(3). Gió Tây nam, thuyền đi bên trong trôi dạt ở đó. Gió đông bắc, thuyền đi (bên ngoài) trôi dạt ở đó, (người) chết đói, của cải bỏ lại đó. Hàng năm cuối mùa Đông, (họ Nguyễn) cho 18 chiếc thuyển đến lấy vàng bạc. Từ Cửa Đại Chiêm đến đó một ngày rưỡi. Từ Cửa Canh Sa(4) đến đó cũng một ngày rưỡi. ở đó sinh sản đồi mồi” (xem phụ lục).

Lời chú giải của tác giả chứng minh Bãi Cát vàng là quần đảo san hô ở Biển Đông. Bãi Cát vàng chỉ các đảo san hô được hình thành bằng sự tích tụ, bồi đắp lâu ngày những mảnh vụn san hô mầu vàng nhạt. Bề dài, bề rộng Bãi Cát Vàng chép ở đây cho ta một khái niệm về một quần đảo bao gồm nhiều đảo san hô có quy mô rộng lớn. Tàu thuyền trôi dạt ở Bãi Cát Vàng nói lên quần đảo san hô ở Biển Đông cực kỳ nguy hiểm đối với tàu thuyền qua lại mà Lê Quý Đôn đã chép trong Phủ Biên tạp lục(5). Bãi Cát Vàng cách “Cửa Đại Chiêm” và “Cửa Sa Kỳ” một ngày rưỡi “đường thuyền(6), chứng tỏ đây chính là quần đảo Hoàng Sa ngày nay và đội thuyền “18 chiếc” chính là “Đội Hoàng Sa” do chúa Nguyễn tổ chức chép trong Phủ biên tạp lục.

Lời chú giải tuy vắn tắt nhưng chứa đựng nội dung thông tin phong phú về vị trí, quy mô và tính chất nguy hiểm của quần đảo Hoàng Sa đối với tàu thuyền qua lại và công cuộc khai thác quần đảo này của Chúa Nguyễn đã diễn ra trước khi Đỗ Bá vô Nam và vẽ Tứ chí lộ đồ(1686).

Điều cần nêu lên là, trong các bản sao về sau, trong đó có Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư trong Hồng Đức Bản đồ đều chép lầm khoảng cách từ cửa Sa Kỳ đến Bãi Cát Vàng “Cũng một ngày rưỡi “thành” nửa ngày”. Đây là sai sót về văn bản học cần được đính chính để tránh lầm lẫn.

Hiểu rõ con người và việc làm của Đỗ Bá, đặc biệt là thời gian sống của ông, chúng ta càng thấy hết giá trị của những thông tin về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được thiết lập từ nửa đầu thế kỷ XVII.

P.H

CHÚ THÍCH

(1) Đề tài khoa học lịch sử do PGS. Trần Bá Trí - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thực hiện. Thanh Mai là một trong 3 xã hiện nay thuộc xã Bích Triều ngày xưa. Thanh Chương xưa là huyện Thanh Giang.

(2) Xem bài “Tìm hiểu niên đại của Toàn tập thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của cùng tác giả, Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1994.

(3) Trên Lộ đồ là “Cửa Sa Mông”, nên hiểu như địa danh chép trênLộ đồ, nay là cửa Sa Huỳnh.

(4) Trên bản đồ là “Cửa Sa Kỳ”, nên hiểu theo địa danh chép trênLộ đồ.

(5) Trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn viết “Thuyền các nước phần nhiều hư hỏng ở đảo này” (Sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Ký hiệu A.184, A.1175 và VHV.1363).

(6) Theo dân chài Hải Nam (Hàn Chấn Hoa dẫn trong Ngã quốc Nam hải chư đảo sử liệu hội biên, trang (432-433) gió bình thường 1 giờ thuyền buồm đi được 5 hải lý (9,2km), gió cấp 4 một giờ thuyền buồm đi được 6 hải lý (11,1km). Như vậy, một ngày rưỡi (36 giờ) đi được từ 324 km đến 396 km. Qua đó biết được quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển Miền trung trên 300 km.

PHỤ LỤC

Bãi cát vàng và lời chú giải trên quyển 1 Toản tập An Nam Lộ

1. Phủ Quảng Nghĩa

2. Phủ Thăng Hoa

3. Huyện Bình sơn

4. Huyện Bồng Sơn

5. Huyện Chương Nghĩa

6. Cửa Mỹ á

7. Cửa Sa Kỳ

8. Du Trường Sơn (Cù Lao Ré)

9. Cửa Đại Chiêm

10. Vịnh Hội An

11. Bãi Cát Vàng

Nguồn: http://hannom.org.vn/web/tchn/data/9601.htm

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020