Hán nôm

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU THỜI ĐIỂM RA ĐỜI VÀ TÁC GIẢ CỦA SÁCH LÊ TRIỀU NGỰ CHẾ QUỐC ÂM THI


15-10-2020
Tác giả: Trương Đức Quả

Lê Triều ngự chế Quốc âm thi là một tập thơ Nôm có giá trị. Tác phẩm này đã được ông Nguyễn Văn Tố giới thiệu trên báo Tri tân số 134 - 135, qua bài viết nhan đề Thơ vịnh sử thời Hồng Đức. Trong bài này ông đã giới thiệu ba bài thơ có cùng một đầu đề là: Bồ Đề thắng cảnh thi: Đây là những bài thơ khá hay của tác phẩm. Nội dung ca ngợi con người và cảnh đẹp của bến Bồ Đề, nơi mà trước đây Lê Lợi đã từng dựng chòi cao để chỉ huy quân sĩ tiến đánh thành Đông Quan. Đáng tiếc là cho đến khi kết thúc bài viết, ông Nguyễn Văn Tố vẫn không cho biết ý kiến về niên đại và tác giả của sách, đồng thời cũng chưa nêu rõ lý do vì sao lại xếp tác phẩm thơ Nôm này vào thời Hồng Đức. Gần đây hai ông Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức trong cuốn Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại (Nxb Khoa học xã hội, 1968) cũng đã trích dẫn một vài đoạn thơ của tác phẩm này. Nhưng hai ông cũng không cho biết gì thêm về văn bản của cuốn sách. Do tình hình như vậy, chúng tôi muốn nhân đây bàn thêm về thời điểm ra đời và tác giả của tác phẩm vừa nêu.

Văn bản duy nhất còn lại mà chúng tôi nghiên cứu cũng chính là văn bản mà ông Nguyễn Văn Tố đã giới thiệu, ký hiệu AB.8 hiện có trong kho sách của Viện nghiên cứu Hán Nôm. Sách chỉ có một quyển, đây là cuốn sách chép tay, chữ Nôm to đẹp dễ đọc. Sách còn lành nguyên, cỡ 17 x 28cm, dày 72 trang, khoảng trên 7000 chữ. Tên sách được ghi ở giữa trang đầu, chữ to đậm: Lê Triều ngự chế Quốc âm thi: Trang thứ hai dòng đầu tiên ghi: Tiên triều ngự chế Quốc âm khúc ký thi quyển. Phía dưới dòng này ghi chếch sang bên trái dòng chữ nhỏ hơn “Giám ngọ niên thất nguyệt - nhật”. Trang cuối cùng, sau khi chấm dứt nội dung, không thấy ghi gì nữa. Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào cứ liệu bên ngoài văn bản, người đọc không thể biết được thời điểm ra đời cũng như tác giả cuốn sách. Sách này gồm 46 bài thơ Nôm sáng tác theo thể thơ Đường. Các bài thơ không trình bày độc lập, mà giữa những bài thơ Đường ấy, được nối liền bằng những đoạn thơ dài theo thể song thất lục bát hoặc lục bát biến thể. Có thể nhận thấy rằng tác phẩm này gần giống như một thiên ký sự bằng thơ. Tác giả là người yêu chuộng cảnh chùa chiền núi non và đã đi dụ lịch bằng đường sông. Mỗi bài thơ là một cảnh chùa hoặc một nơi danh thắng của đất nước, bắt đầu từ bến Bồ Đề, qua các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam Ninh v.v… rồi lại trở về Kinh đô. Nội dung những bài thơ, đoạn thơ này chủ yếu ngâm vịnh cảnh chùa chiền, núi no sông nước, vài cảnh sinh hoạt của con người… Có những bài thơ ca ngợi tên đất, tên sông gắn liền với những chiến lừng lẫy của dân tộc. Do đó cuốn sách này có một giá trị nhất định về tư tưởng và văn chương.

Đi sâu nghiên cứu nội dung văn bản, để thực hiện được mục đích đã đặt ra, chúng tôi thấy cần dựa vào bốn loại cứ liệu sau đây:

1) Kiêng huý

Trong sách có một số chữ viết kiêng huý, đó là các chữ: ánh; Hằng; Hạo; Miên; Đây là những chữ kiêng huý của thời Tự Đức. Do đó chúng tôi cho rằng cuốn sách này được sao chép từ thời Tự Đức về sau, sớm nhất vào năm 1848.

2) Những cứ liệu Ngôn ngữ

Trước hết là về cách viết chữ Nôm. Chúng tôi lập một bảng so sánh cách viết của một số chữ Nôm giữa văn bản Lê Triều ngự chế Quốc âm thi với một số văn bản khác như Quốc âm thi tập, Hồng Đức Quốc âm thi tập, thế kỷ XV; Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Thập tam phương gia giảm, Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú,thế kỷ XVI; Tam thiên tự toản yếu, thế kỷ XVII; Đại nam Quốc sử diễn cả, Đoạn trường tân thanh, thế kỷ XIX. Kết quả so sánh cho thấy rằng: trong Lê triều ngự chế Quốc âm thi các chữ Nôm như: “trong” viết là “công”, “một” viết là “miệt”, “trước” viết là “xa + lược”, “sau” viết là “xa + lâu”, “tay” viết là “thủ + tư …” ngày càng ít xuất hiện trong các văn bản thế kỷ XIX và ngay cả cuối thế kỷ XVIII. Mặt khác trong sách còn khá nhiều chữ Nôm có cách viết tương đối cổ như chữ “người”, “mừng”, “vui”, “nghĩ” v.v… Trong cách dùng từ, sách còn sử dụng một số từ cổ như: chỉn, lưa, thừa lư, khoong khen … Tất cả những điều này chứng tỏ rằng Lê Triều ngự chế Quốc âm thi là một văn bản cổ hơn những văn bản ở vào nửa cuối thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX.

3) Cứ liệu địa danh

Trong tác phẩm này có nhắc đến nhiều tên làng tên núi tên sông và nhất là các chùa tháp. Trong hàng loạt những địa danh có dường như không có cái tên nào mới được đặt ra sau đời Lê, đặc biệt là tên các chùa, các nơi danh thắng hầu hết đều là những chùa được xây dựng khá sớm vào thời Trần, Lê… Chúng tôi đặc biệt chú ý một đoạn thơ có nói đến ngôi thành cổ trên núi Phao Sơn (nay ở huyện Nam Sách, Hải Hưng)

…Dấu thành xưa kề gần nơi đó
Đám Phao Sơn lét cỏ chẳng ngoa…

Theo sách Địa dư chí của Phan Huy Chú thì nhà Minh xây thành trên núi Phao Sơn vào những năm 1407 - 1413, đến đời nhà Mạc thành này được xây dựng lại, sau đó bị tấn công và phá huỷ. Khi tác giả đến núi Phao Sơn này thì thành cũng chỉ còn là “dấu cũ”. Như thế có thể thấy rằng tác phẩm không thể ra đời vào trước thời nhà Mạc, tức là trước thế kỷ XVII được.

4) Cứ liệu văn bia

Trong kho văn bia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có một bản rập tấm bia ở trước cửa chùa Nhạc Lâm (nay thuộc Sài Sơn, Hà Sơn Bình) ký hiệu N0 1959 khổ 0, 45m x 0, 55m. Trên bia chỉ có một bài thơ và một dòng lạc khoản ở bên trái nội dung như sau:

Ngự đề 
Nhạc lâm tự thi (Bài thơ chùa Nhạc Lâm)
Mảng vui thiên phúc cảnh Thiên Thành,
Ngoạn thưởng âu đây thích tính tình.
Than thán nhân cơ trông vời vợi,
Đùn đùn dạo ngạn bước thênh thênh.
Trời xuân vặc vặc hoa kề cửa,
Gió thụy hiu hiu nguyệt giải mành.
Trong thuở tỉnh phương buồm thuận tới,
Tiệc vầy ngâm ngợi khúc long bình, 
Vĩnh Thịnh thập tam niên thất nguyệt thập thất nhật.
(Niên hiệu Vĩnh Thịnh ngày 17 tháng 7)

Vĩnh Thịnh là niên hiệu của vua Lê Dụ Tông, năm thứ 13 tức năm 1717. Một điều trùng hợp rất lý thú là trong sách Lê Triều ngự chế Quốc âm thi ở trang 14 a cũng có chép bài thơ này. Như thế, bàiNhạc Lâm tự thi là của một tác giả được ghi lại ở hai văn bản khác nhau, trên bia và trong sách. Dòng ghi thời gian “Vĩnh Thịnh thập tam niên thất nguyệt thập thất nhật” ngay dưới bài thơ “Ngự đề” ở bia chứng tỏ rằng, bài thơ được “Ngự đề” vào năm Vĩnh Thịnh mười ba (1717) tháng 7, ngày 17, rồi được khắc vào bia: Còn dòng “Giáp ngọ niên thất nguyệt nhật”, ghi sau câu “Tiên triều ngự chế Quốc âm khúc ký thi quyển” ở sách, lại chỉ rõ là “Quyển thơ khúc hí bằng Quốc âm “ngự chế” này được biên tập lại, hay sao chép lại vào năm Giáp ngọ “triều sau”. Kết hợp với các dấu hiệu có chữ huý thời Tự Đức của bản sao, có thể ghi nhận rằng, tập thơ được sao chép vào năm Giáp Ngọ (1894) tháng 7.

Tổng hợp toàn bộ những cứ liệu trên đây, chúng tôi cho rằng: Lê triều ngự chế Quốc âm thi được sáng tác vào những năm Vĩnh Thịnh, cụ thể là khoảng từ năm 1710 đến 1720.

Còn tác giả của tác phẩm này là ai?

Tên đề của sách là Lê Triều ngự chế Quốc âm thi. Bài thơ trong bia chùa Nhạc Lâm cũng có chữ “Ngự đề” vậy thì tác phẩm phải là của vua chúa triều Lê. Niên hiệu ghi trong bia Vĩnh Thịnh thứ 13 là niên hiệu của Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương. Xét các bộ sử như …………….

…………………….

Lê triều ngự chế quốc âm thi, tờ 1b. kí hiệu AB. 8,

Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch Triều tạp kỷ, Việt sử thông giám cương mục… đều không thấy nói đến việc Dụ Tông làm thơ Nôm bao giờ. Mặt khác Dụ Tông trong những năm làm vua không có thực quyền, ông vua này bị kiềm chế, thường buồn nản ít nói, hầu như không đi du ngoạn ở đâu. Nhưng năm 1715 và 1716 Dụ Tông lại có đại tang, vì vậy không thể đi chơi và làm thơ với tâm trạng sảng khoái như những bài thơ của tác phẩm được. Ngược lại cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư phần Bản kỷ tục biên (1676 - 1740) (Nxb. Khoa học xã hội, 1982) thì Trịnh Cương đã từng đề thơ Nôm ở một vài nơi danh thắng. Họ Trịnh hay xưng “Ngự đề”, “Ngự chế” trong các tác phẩm thơ văn của mình. Chẳng hạn Trịnh Doanh có tác hẩm Càn nguyên ngự chế thi. Trên cơ sở tài liệu lịch sử như vậy, phải chăng có thể khẳng định rằng tác giả của sách Lê Triều ngự chế Quốc âm thi là Trịnh Cương.

http://hannom.org.vn/web/tchn/data/8501.htm

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020