Tiểu thuyết Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai 忠孝節義𠄠度枚 của Trung Quốc sau khi được du nhập vào Việt Nam đã có một sự lan tỏa rộng rãi. Đã có nhiều văn bản diễn Nôm tác phẩm này, phải kể đến như Nhị độ mai diễn ca 二度梅演歌, Nhị độ mai tinh tuyển 二度梅精選, Cải dịch Nhị độ mai truyện 改繹二度梅傳.Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những giá trị sáng tạo của truyện thơ Nôm Nhị độ mai được phiên âm và khảo đính từ văn bản Nhị độ mai diễn ca 二度梅演歌
1. Mở đầu
Tiểu thuyết Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai 忠孝節義𠄠度枚 của Trung Quốc sau khi được du nhập vào Việt Nam đã có một sự lan tỏa rộng rãi. Đã có nhiều văn bản diễn Nôm tác phẩm này, phải kể đến như Nhị độ mai diễn ca 二度梅演歌, Nhị độ mai tinh tuyển 二度梅精選, Cải dịch Nhị độ mai truyện 改繹二度梅傳. Ngoài ra còn có cả bản chèo và tuồng Nhị độ mai bằng chữ Nôm. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những giá trị sáng tạo của truyện thơ Nôm Nhị độ mai được phiên âm và khảo đính từ văn bản Nhị độ mai diễn ca 二度梅演歌, bởi lẽ đây là tác phẩm quen thuộc, phổ biến và được đông đảo quần chúng yêu mến hơn cả. “Nhị độ mai” là một truyện thơ Nôm (khuyết danh) đặc sắc, chiếm giữ một vị trí quan trọng trong mảng văn học Nôm của dân tộc. Từ cốt truyện là tiểu thuyết Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai của Trung Quốc, tác giả diễn Nôm Việt Nam đã dùng hình thức truyện thơ với thể lục bát uyển chuyển, linh hoạt - một thể thơ rất riêng của người Việt, để khiến Nhị độ mai trở thành một tác phẩm mang giá trị sáng tạo độc đáo.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Nhị độ mai kể về câu chuyện của gia đình họ Mai và họ Trần, đã trải qua một hành trình gian nan để đấu tranh cho công lí. Giống như nhiều tích truyện xưa, Nhị độ mai phản ánh cuộc giằng co giữa cái thiện với cái ác, lúc đầu những người tốt bị vu oan, giá họa, bị phỉ báng và đối xử tàn tệ bởi kẻ xấu, tuy nhiên cuối cùng, họ được giải oan, được hưởng hạnh phúc, và những kẻ gian ác rốt cuộc phải đền tội. Quy luật nhân quả “tích thiện phùng thiện”, “ác giả ác báo”… là triết lí chính của Nhị độ mai. Đồng thời, nó cũng phản ánh tình hình chính trị đương thời, khi vua chúa thường chỉ biết nghe theo kẻ xu nịnh mà vùi dập những người trung thực, dũng cảm, thực lòng muốn cống hiến công sức cho đất nước nhân dân. Nhị độ mai thể hiện mong muốn của người dân muốn có một xã hội công bằng, người tốt được khen thưởng còn kẻ xấu thì bị trừng phạt.
Trước hết cần phải xác định ngay rằng, sự dị biệt căn bản giữa hai tác phẩm tiểu thuyết chữ Hán Trung hiếu tiết nghĩa Nhị độ mai và truyện thơ Nôm Nhị độ mai về thể tài đã tạo ra một số những khác biệt giữa hai tác phẩm. Bản tiểu thuyết viết bằng văn xuôi. Với thể tài này, tác giả dễ đi sâu vào chi tiết để diễn tả đầy đủ những tình tiết, những hành vi và ngôn ngữ của các nhân vật. Sự chi tiết, tỉ mỉ này tạo ra sức lôi cuốn cho tác phẩm, nhưng đồng thời cũng dễ thành rườm rà, nhàm chán nếu tác giả thiếu tinh tế và khéo léo. Truyện Nôm Nhị độ mai lại viết theo thể văn vần. Thể tài này với những ràng buộc, câu thúc về âm vận, với những giới hạn về khuôn khổ khiến tác giả diễn Nôm rất khó đi sâu vào nhiều chi tiết. Sự khó khăn đó buộc tác giả phải khéo léo lựa chọn để gạn lọc lấy những chi tiết độc đáo và có ý nghĩa. Chính vì vậy mà thể văn này dễ làm nổi bật được những chi tiết chính, dễ cô đọng được những phần quan trọng của tác phẩm. Và nếu kém hơn văn xuôi về chi tiết, thì bù lại, văn vần lại có một sức hấp dẫn mạnh nhờ những yếu tố và bút pháp trữ tình.
2.2. Nhị độ mai Việt Nam không đơn thuần là truyện dịch nên có thể nói hầu như tất cả phần hình thức đều là “sáng tạo” riêng của tác giả Việt Nam. Tuy mượn tình tiết và nhân vật của Nhị độ mai Trung Hoa nhưng khi chuyển hóa sang văn Nôm, tác giả Việt Nam đã sử dụng cách bố cục cũng như bút pháp khác hẳn so với tiểu thuyết. Bản tiểu thuyết sử dụng lối bố cục chương hồi: Truyện được chia làm 40 hồi, trước mỗi hồi thường có một bài từ, một bài thơ và hai câu tóm ý cả hồi rồi mới đến truyện. Phần lớn mở đầu bằng hai chữ thoại thuyết 話說. Tình tiết của truyện được trình bày theo thứ tự thời gian và đôi khi còn tỉ mỉ đến độ từng ngày. Ví dụ: “Lại nói, Mai Công ngủ qua một đêm, hôm sau trống điểm năm canh vào chầu”; Hay: “Hôm sau trống điểm năm canh vào chầu, không có việc gì, đến ngày thứ ba lại vào chầu”.
Từ việc này sang việc khác, bản tiểu thuyết thường dùng chữ bất đề 不提 để kết việc trước và chữ thả ngôn 且言, tái giảng再講 để mở đầu việc sau. Ngoài ra, tuy truyện chia thành từng hồi nhưng các hồi vẫn ràng buộc chặt chẽ với nhau vì bao giờ phần cuối của hồi trước cũng có một đoạn báo trước việc ở hồi sau và kết thúc bằng một câu có tính mời mọc: thả khán hạ hồi phân giải 且看下回分解 (mời xem phần sau sẽ rõ).
Bố cục Nhị độ mai Việt Nam là bố cục thông thường của truyện Nôm. Tác phẩm mở đầu bằng những nhận định tổng quát về lẽ trời [Hóa nhi thăm thẳm nghìn trùng, Nhắc cân phúc tội, rút vòng vần xoay. Ngàn xưa mấy kẻ gian ngay, Xem cơ báo ứng biết tay trời già. Tuần hoàn lẽ ấy chẳng xa, Chớ đem nông nỗi mà ngờ cao xanh. Trời nào phụ kẻ trung trinh, Dù vương nạn ấy, ắt đành phúc kia. Danh thơm muôn kiếp còn ghi, Để gương trong sách, tạc bia dưới đời. Gian tà đắc chí mấy hơi, Mắt thần khôn giấu, lưới trời khôn dung. Uy quyền một phút như không, Xem bằng lửa đá, ví cùng đám mây. Thanh nhàn khi tựa hiên tây, Vui lòng đèn sách, nghỉ tay văn bài (1)] và kết thúc bằng một đoạn có tính chất luân lí [Cho hay trời cũng ngồi rồi, Tuần hoàn đem lại vòng dài rút chơi. Dữ, lành bỏ lửng mà coi, Sắp đâu vào đấy chẳng sai phân hào! Gian tà chớ vội bảnh bao, Tung lên cho đến, buộc vào tự nhiên. Trước dù lỏng lẻo dường thiên, Sau càng ráo riết, mới tin tay già. Trung lương còn bỏ lửng lơ, Xoay trăm nghìn cấp, thử ba bốn lần. Hãy cho đeo đẳng đủ phần, Rõ lòng sắt đá, liệu dần gỡ cho. Voi chẳng đẻ, đẻ thì to. Bấy giờ mới rõ thực lò hóa công. Truyện này xem thấu thỉ chung, Suy ra mới biết trời không có lầm. Dữ, lành trong một chữ tâm, Cơ thâm thì họa cũng thâm là thường (2)]. Ngoài một vài câu khiêm nhường theo khuôn sáo, xác định tính chất nôm na, mua vui của tác phẩm [Phòng văn nhân buổi ngồi rồi, Học đòi tấp tểnh mấy lời nôm na. Trước là rõ kẻ trung tà, Sau là ta dặn lấy ta mọi bề, Biết bao lời kệch tiếng quê, Thôi thôi bất quá là nghề mua vui! (3)], truyện kể theo thứ tự thời gian, không phân đoạn, không chia hồi, thỉnh thoảng có xen những nhận định của tác giả. Những nhận định này thường là những nhận định mang tính đúc kết, chiêm nghiệm về luân lí, đạo thường, như: Thương thay trung nghĩa như ai, Sa cơ một phút ra người cửu nguyên (4) hay: Mới hay trời với giai nhân, Được riêng chữ tiết, nắm phần chữ danh. Làm cho chán nỗi thử thanh, Trải bao nạn trước mới dành phúc sau (5).
Thường những nhận định kể trên được dùng để mở đầu hoặc kết thúc một việc. Vì vậy có thể coi đó là những đoạn chuyển thật kín đáo, khéo léo. Ngoài ra, ở những chỗ ngắt đoạn, tác giả chêm những câu có tính chất bản lề, một câu kết thúc đoạn trên và một câu mở ra đoạn dưới, hoặc có những khi tác giả dùng những đoạn tả cảnh liên quan đến thời tiết để chuyển đoạn.
2.3. Từ nội dung, cốt truyện, nhân vật… mượn từ tiểu thuyết chữ Hán Trung Hoa, nhờ khéo léo sửa chữa các sơ hở, khuyết điểm, nhờ gia thêm sắc thái cá biệt lí thú, và nhất là chú ý tới chiều sâu tâm lí, tác giả diễn Nôm Việt Nam đã khiến cho tính cách, tâm trạng… các nhân vật trong truyện thơ Nôm Nhị độ mai trở nên sống động hơn hẳn bản truyện gốc.
Trong bản tiểu thuyết chữ Hán cũng như trong Nhị độ mai Việt Nam, nhân vật Mai Bá Cao được xây dựng như một kiểu mẫu về trung trực và thanh chính. Người ta sẽ thất vọng nếu muốn tìm ở nhân vật này những phân tích sâu sắc và tế nhị về mặt tâm lí. Phong vị sảng khoái tác giả muốn tạo ra chính là lòng trung trực đã biến thành một lẽ sống thật say sưa và tha thiết. Ở đây đạo đức đã không còn là những khuôn mẫu, những câu thúc cứng nhắc mà đã được linh động hóa để trở thành những niềm hứng khởi, những nét đẹp đáng được thưởng thức một cách thích thú. Cố gắng chính của các tác giả là làm nổi bật những đặc tính kiểu mẫu cùng hào khí lồng lộng ngút trời của kẻ sĩ phương Đông. Nhưng dù thống nhất về quan điểm, hai tác phẩm không phải không có những dị biệt trong cách miêu tả. Bản tiểu thuyết chữ Hán đã làm nổi bật lòng trung chính của Mai công bằng cách để cho nhân vật này phát biểu nhiều lần ý chí cương quyết trừ gian đảng hầu báo đền ơn vua, bất chấp tất cả những thận trọng, khôn ngoan thông thường. Ngỏ ý với vợ con và bạn bè đã đành, Mai công còn ngang nhiên tuyên bố ý định của mình với đám lê dân Lịch thành và bọn nha dịch bộ Lại. Lối dựng truyện này tuy có vẻ thiếu tự nhiên nhưng có lẽ lại thành công đối với độc giả bình dân thấm nhuần tinh thần đạo lí, đang chờ đợi để tán thưởng một kiểu mẫu trung chính thật hoàn hảo và thần túy. Cũng chú trọng đến tấm lòng trung chính của Mai công, Nhị độ mai Việt Nam đã giữ lại tất cả những đoạn Mai công phát biểu lòng trung của mình trong bản gốc, tuy nhiên, tác giả Việt Nam đã có trau chuốt để nhân vật Mai công trở nên thuần mĩ hơn. Những cảnh không hợp lí như cảnh thống trách vua đã được loại bỏ. Đồng thời nhân vật này đã được mô tả với những phong thái, kiểu cách thật thích hợp với chức vị đại thần.
Bản tiểu thuyết Trung Hoa đã miêu tả một Mai công rất nóng nảy và dùng những lời lẽ cay độc khi đến buổi tiệc sinh nhật của Lư Kỷ [“Mai công nói: Thái sư tuổi trời chỉ hơn niên huynh sáu tuổi thì làm sao có thể gọi là cha con được. Thực là, thế giới này chỉ lấy thế lợi làm đầu, chẳng còn đoái hoài gì tới cương thường luân lí.
Câu nói này làm Tung xấu hổ nhịn nhục, ắt chết không có đất chôn thây. Nói đến đó thì đã tới sảnh đường phía tây. Các quan trong triều và các vị niên huynh đều có mặt. Mai công bước vào gian giữa, mọi người thi lễ rồi đều nói: Mai lão tiên sinh sao đến muộn vậy? Lí ra phải uống mấy chén mới phải.
Mai công khiêm tốn một hồi đoạn theo thứ tự ngồi xuống. Các quan trong triều nói: Mai lão tiên sinh là bực rất mực hào sảng.
Mai công nói: Tôi không bao giờ chịu uống nhiều cả. Nếu ở chỗ tẩm liệm người chết thì chỉ một chén tôi cũng không thể uống.
Các quan thấy Mai công nói không ngừng, liếc xem thì má Hoàng Tung chỗ đỏ bừng, chỗ trắng bệch.” (6)], khác hẳn đoạn văn sỉ nhục Hoàng Tung trong truyện thơ Nôm [Ông rằng: Thực cũng khéo là, Thế mà phụ nghĩa, thế mà ân nhi. Sống lâu thấy lắm truyện kì, Sao xưa nay vẫn không nghe tiếng đồn. Mới hay vượng khí tướng môn, Năm lên sáu tuổi sinh con đầu lòng. Tung nghe ra giọng đâm hông, Mặt ngăn ngắt tím, mắt sòng sọc trông. Các quan biết ý Hoàng Tung, Giả điều mời rượu Mai Công ép nài. Ông rằng: Lượng rượu kém ai, Tiệc vui dù chẳng đợi mời cũng say. Nghe hơi tử khí đâu đây, Dẫu rằng nửa chén đưa cay chẳng màng. Đến đây vâng mệnh Thánh Hoàng, Sá vui kèo rót với tuồng quyền gian? (7)]. Ta thấy ngôn ngữ của Mai công thật khéo léo và cay độc, bỏ xa vẻ nóng nảy tầm thường của tiểu thuyết. Cảnh lớn tiếng có đôi chút thô lỗ ở đoạn cuối tiểu thuyết cũng được loại bỏ để phù hợp với vẻ bình tĩnh, tự chủ của bậc Nho thần.
Nếu Mai công là một kiểu mẫu về trung chính thì Mai Sinh là một biểu tượng về hiếu nghĩa. Có lẽ trong Nhị độ mai, Mai Sinh là nhân vật phải chịu nhiều bất hạnh nhất. Cha bị hại, gia đình li tán, tình duyên trắc trở. Nhưng ở đây cũng như phần lớn các truyện Nôm khác, nhân vật được đặt vào vòng kiềm tỏa khắt khe, nghiệt ngã của định mệnh không phải để đương đầu và phấn đấu như các nhân vật trong tiểu thuyết Tây phương, mà chính là để chấp nhận nó như một thử thách của tấm lòng kiên trinh của mình. Do vậy, người ta không chờ đợi để chứng kiến tấn thảm kịch phấn đấu đầy cam go, bi đát mà chỉ chờ đợi để thưởng thức những khả năng và giá trị tinh thần có thể giúp nhân vật đứng vững trước các thử thách của cuộc đời. Nếu như lòng chung thủy của Mai Sinh trong tiểu thuyết nặng về lễ nghĩa đạo đức thì lòng chung thủy, phong thái tài hoa đa tình của Mai Sinh trong Nhị độ mai Việt Nam trở nên sống động, có chiều sâu tâm lí vượt hơn nhân vật Mai Sinh trong tiểu thuyết rất nhiều [ Tay cung, thanh quất, cây tì, Ngao du sơn thủy, đề huề gió trăng. Hề đồng theo bốn năm thằng, Thơ ninh ních túi, rượu lưng lửng bầu”(8)… Xa xa thoang thoảng mùi hương, Mai Sinh trông liếc rõ ràng tiểu thư. Mối tình buộc lấy khư khư, Hồn bâng khuâng quế, phách thờ thẫn mai. Của đâu trêu ghẹo chi ai, Ấy người cung Quảng, ấy người Đài Dương. Tấc riêng, riêng những mơ màng, Chữ tư đề dưới chữ tương ngày ngày (9)].
Trong Nhị độ mai tiểu thuyết, tác giả ít chú ý tới những nét phức tạp và tế vi trong tâm lí nhân vật. Thường tác giả chỉ đề cập đến những sự kiện bên ngoài, những cảnh khóc lóc, khổ sở mà ít đi sâu vào tâm trạng buồn, khổ, thương, nhớ của nhân vật. Khác với lối mô tả giản dị “như châm thích phúc, như đao cát trường” hay “khốc khốc đề đề”, Nhị độ mai Việt Nam đã cố gắng miêu tả thật đúng, thật linh động những biểu hiện tinh tế trong tâm trạng của nhân vật [Chẳng hạn như nỗi băn khoăn lo lắng đến khổ sở nhưng lại e thẹn, ngượng ngùng của người một đi không về: Giờ lâu lưỡng lự vân vi, Gọi Xuân Sinh lại nằn nì rỉ tai (10); Nỗi buồn thui thủi một thân dặm trường: Bước đường ngày một lạ lùng, Tiểu thư ngày một đau lòng biệt li (11); Cảnh gượng cười, khóc thầm: Hạnh Nguyên khi đứng khi ngồi, Khóc thầm trong vắng, gượng cười ngoài sân (12); Nỗi lo lắng, nhớ thương vì xa cách: Xót thay đôi đức sinh thành, Biết bao nguôi được chút tình nhớ thương. Một ngày một ngã bóng tang, Da mồi sạm mặt, tóc sương điểm đầu. Biết nhau, thêm dở dang nhau, Quen hơi bén tiếng bao lâu mà rằng! Ấy ai chắp mối xích thằng, Biết mà dứt chỉ, thà đừng vương tơ. Như lời thần mộng họa là, Còn duyên chăng nữa, cũng chờ lai sinh (13)…].
Nhờ tâm trạng cảm xúc được miêu tả phong phú, nhân vật Hạnh Nguyên có một sức lôi cuốn, dẫn khởi thật tuyệt diệu, khiến cho tấm lòng tiết nghĩa của nàng được “tình hóa” để có thể khái quát thành phẩm chất chung tình của khách giai nhân tài tử.
3. Kết luận
Tác phẩm Nhị độ mai đã diễn tả lại thật sâu sát nội dung của tiểu thuyết chữ Hán cùng tên. Với sự dụng công trong nghệ thuật chuyển hoá, từ những chi tiết, sự kiện đến cả tư tưởng luân lí trong tác phẩm Nôm đều trở nên linh động, lí thú và do thế, đã hoà nhuyễn với cảm quan dân tộc. Có thể nói, giá trị của tác phẩm diễn Nôm Nhị độ mai không phải ở chỗ tạo ra những tình tiết, sự kiện mới mà chính là ở chỗ gạn lọc để cô đọng các tình tiết, ở việc đi vào chiều sâu của tâm lí nhân vật và việc trau chuốt gọt rũa về ngôn từ để tạo ra những nét đẹp thi vị riêng có.
Chú thích
(1) Nhị độ mai, Tân Việt, Sài Gòn, 1952, câu 1-16, trang 19-20.
(2) Nhị độ mai, Tân Việt, Sài Gòn, 1952, câu 2777-2795, trang 171-172.
(3) Nhị độ mai, Tân Việt, Sài Gòn, 1952, câu 2811-2816, trang 173.
(4) Nhị độ mai, Tân Việt, Sài Gòn, 1952, câu 461-462, trang 48.
(5) Nhị độ mai, Tân Việt, Sài Gòn, 1952, câu 1241-1244, trang 95
(6) Hạnh Nguyên cống Hồ (Sự tích Mai Lương Ngọc), Thanh Phong dịch. Tín Đức Thư xã, Sài Gòn, 1953, trang 56-57.
(7) Nhị độ mai, Tân Việt, Sài Gòn, 1952, câu 379-394, trang 44.
(8) Nhị độ mai, Tân Việt, Sài Gòn, 1952, câu 1741-1744, tr.120
(9) Nhị độ mai, Tân Việt, Sài Gòn, 1952, câu 683-694, tr.59-60
(10) Nhị độ mai, Tân Việt, Sài Gòn, 1952, câu 961-962, trang 76
(11) Nhị độ mai, Tân Việt, Sài Gòn, 1952, câu 1091-1092, trang 85
(12) Nhị độ mai, Tân Việt, Sài Gòn, 1952 câu 1299-1300, trang 98
(13) Nhị độ mai, Tân Việt, Sài Gòn, 1952, câu 1213-1222, trang 94
Tài liệu tham khảo
[1] 忠孝節義𠄠度枚Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai, Cẩm Chương Đồ Thư cục, Quang Tự thứ 18, 1892.
[2] Hạnh Nguyên cống Hồ (Sự tích Mai Lương Ngọc), Thanh Phong dịch. Tín Đức Thư xã, Sài Gòn, 1953.
[3] Nhị độ mai, Tân Việt, Sài Gòn, 1952.
[4] Trương Chính, “Xung quanh cuốn Nhị độ mai”, tạp chí Văn Sử Địa số 20, Hà Nội, 1956.
[5] Kiều Thu Hoạch, Truyện Nôm – nguồn gốc và bản chất thể loại. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.
[6] Đặng Thanh Lê, Truyện Kiều và thể loại Truyện Nôm, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1979.
[7] Trần Ích Nguyên, Nghiên cứu tiểu thuyết Hán văn Trung – Việt, Phạm Tú Châu – Phạm Ngọc Lan dịch, Phạm Tú Châu chỉnh lý, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009.
[8] Nguyễn Thị Nhàn (2009), Thi pháp cốt truyện truyện thơ Nôm và truyện Kiều, Nxb Đại học Sư Phạm, Hà Nội, 2009.
[9] Văn Tân (1955), Thử tìm hiểu ý nghĩa và giá trị Nhị độ mai, Tạp chí Nghiên cứu Văn Sử Địa, Hà Nội, 1955.